Bản án 38/2020/HS-PT ngày 09/03/2020 về tội hủy hoại rừng

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

BẢN ÁN 38/2020/HS-PT NGÀY 09/03/2020 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 09/03/2020, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 300/2019/TLPT-HS ngày 18/12/2019 đối với các bị cáo Đặng Văn M và Bùi Thị L, do có kháng cáo của bị cáo Đặng Văn M và Bùi Thị L đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 49/2019/HS-ST ngày 11/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, đối với các bị cáo:

1. Họ và tên: Đặng Văn M, sinh năm 1964;

Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: Xóm Đ, xã B, huyện V, tỉnh T; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Dao; Tôn giáo: Không;

Văn hóa: 4/10; Nghề nghiệp: Lao động tự do;

Bố: Đặng Văn T, sinh năm 1939(đã chết); Mẹ: Triệu Thị T1, sinh năm 1945;

Vợ: Bùi Thị L, sinh năm 1960;

Con: Có 04 con, lớn sinh năm 1985, sinh năm 1995; Gia đình có 08 anh, chị em, bị cáo là thứ 02;

Tiền án, tiền sự: Không có.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp “Cấm đi khỏi nơi cư trú” (Có mặt tại phiên tòa).

* Luật sư trợ giúp pháp lý bào chữa cho bị cáo Đặng Văn M: Ông Phạm Ngọc Khuê - Luật sư, văn phòng Luật sư Hùng Vương - Đoàn Luật sư tỉnh Thái Nguyên (Có mặt).

2. Họ và tên: Bùi Thị L; sinh năm 1960;

Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: Xóm Đ, xã B, huyện V, tỉnh T; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không;

Văn hóa: 7/10; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Bố: Bùi Văn M1, sinh năm 1937 (đã chết); Mẹ: Đặng Thị C, sinh năm 1939 (đã chết); Chồng: Đặng Văn M, sinh năm 1964;

Con: Có 04 con, lớn sinh năm 1985, nhỏ sinh năm 1995; Gia đình có 05 anh, chị em, bị cáo là thứ 02;

Tiền án, tiền sự: Không có.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp “Cấm đi khỏi nơi cư trú” (Có mặt tại phiên tòa).

* Bị hại: Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng và Thương mại TL.

Đại diện theo ủy quyền: ông Đỗ Văn T, sinh năm 1964( Có mặt).

Địa chỉ: Thôn Đ, xã Đ, huyện Y, tỉnh B.

* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang;

Đại diện theo ủy quyền: ông Nguyễn Văn H - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang (Vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 27/02/2019, Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng và Thương mại TL (gọi tắt là Công ty TL) có đơn tố cáo Đặng Văn M và vợ là Bùi Thị L có hành vi chặt phá cây, hủy hoại rừng khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và rừng trồng keo, bạch đàn năm 2012 tại lô 21 và lô 24, khoảnh 2 (theo bản đồ thiết kế trồng rừng năm 2012 của Công ty TL) ở khu vực núi Sơn Vua tại bản Đồng An, xã Đồng Tiến, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

Cơ quan điều tra đã khám nghiệm hiện trường ngày 06/3/2019 xác định diện tích rừng bị cắt phá gồm:

- Diện tích 2,23ha rừng khoanh nuôi tái sinh tự nhiên (ký hiệu lô 9a-Ia) thuộc lô 21, khoảnh 2 có 528 cây gỗ tạp bị cắt phá;

- Diện tích 1,1ha rừng keo, bạch đàn (ký hiệu lô 9b-Ia) thuộc lô 24, khoảnh 2 có 18 cây Keo và 03 cây Bạch đàn bị cắt phá.

Tại văn bản số 08/HKL-QLBVR ngày 18/3/2019 của Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế xác định trạng thái rừng và trữ lượng cây gỗ bị cắt phá như sau:

- Diện tích 2,23 ha cây tái sinh tự nhiên bị cắt phá (ký hiệu lô 9a-Ia) có trữ lượng cây đứng là 14.25 m3/01 ha, độ tán che là 0,3, chiều cao trung bình của cây rừng bị cắt, phá là 7,0m. Tổng trữ lượng cây đứng trên 2,23ha diện tích rừng bị cắt phá là 31,78 m3. Theo quy định tại điều 4, mục 1, chương II Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp xác định diện tích 2,23ha cây tái sinh tự nhiên bị cắt phá đủ tiêu chí là rừng tự nhiên.

- Diện tích 1,1ha rừng có 18 cây Keo và 03 cây Bạch đàn bị cắt phá (ký hiệu lô 9b-Ia) có trữ lượng cây đứng là 0,81 m3/01 ha, chiều cao trung bình của cây rừng bị cắt, phá là 9,2m. Tổng trữ lượng cây đứng trên 1,1ha diện tích bị cắt, phá là 0,89 m3. Trong đó, trữ lượng cây Keo bị cắt phá là 0,65 m3 và trữ lượng cây Bạch đàn bị cắt phá là 0,24 m3. Theo quy định tại điều 5, mục 1, chương II của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp thì diện tích 1,1ha rừng bị cắt phá nêu trên không đủ tiêu chí là rừng trồng.

Ngày 12/4/2019, Cơ quan điều tra tiến hành cho Đặng Văn M cầm máy định vị GPS tự dẫn đạc vị trí, xác định diện tích bị cắt phá và số lượng cây là:

- Diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh tự nhiên bị cắt phá là 2,013ha;

- Diện tích rừng trồng keo, bạch đàn bị cắt phá là 1,96ha.

Tại văn bản số 13a/HKL-QLBVR ngày 25/4/2019 của Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế xác định tổng trữ lượng cây đứng bị cắt phá trên 2,013ha cây tái sinh tự nhiên nêu trên là 28,685m3 (diện tích này đủ tiêu chí là rừng tự nhiên).

Tại văn bản số 18/HKL-QLBVR ngày 06/6/2019 của Hạt Kiểm lâm Yên Thế xác định:

- Diện tích 1,96ha trồng Keo, Bạch đàn của Công ty TL bị cắt phá ở khu vực núi Sơn Vua thuộc bản Đồng An, xã Đồng Tiến, huyện Yên Thế không đủ tiêu chí là rừng (không thành rừng) theo quy định tại Điều 5, mục 1, chương II, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; không thuộc các loại rừng được quy định tại Điều 243 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

- Diện tích 2,013ha cây tái sinh tự nhiên của Công ty TL bị cắt phá ở khu vực núi Sơn Vua thuộc bản Đồng An, xã Đồng Tiến, huyện Yên Thế đủ tiêu chí là rừng tự nhiên theo quy định tại Điều 4, mục 1, chương II, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ. Diện tích rừng trên là rừng sản xuất theo quy định tại Điều 8, mục 1, chương II, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ và Quyết định số 2203/QĐ-UBND ngày 28/12/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Diện tích rừng này thuộc loại rừng sản xuất được quy định tại Điều 243 Bộ luật hình sự năm 2015(sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Tại Kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự số 27/KL-HĐĐGTS ngày 07/5/2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng huyện Yên Thế kết luận: Giá trị thiệt hại số tài sản trên là 28.041.500 đồng. Trong đó: 28,685m3 gỗ tạp x 900.000 đồng/m3 = 25.816.500 đồng; 0,65 m3 gỗ Keo x 2.500.000 đồng/m3 = 1.625.000 đồng; 0,24 m3 gỗ Bạch đàn x 2.500.000 đồng/m3 = 600.000 đồng.

Tại cơ quan điều tra, Đặng Văn M và Bùi Thị L đã khai nhận toàn bộ hành vi cắt phá cây, hủy hoại rừng của Công ty TL tại lô 21 và lô 24, khoảnh 2 khu vực núi Sơn Vua tại bản Đồng An, xã Đồng Tiến, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Cụ thể như sau:

Từ trước năm 2012, vợ chồng M có canh tác, trồng hoa màu trên một số diện tích đất rừng ở khu vực núi Sơn Vua do bố mẹ M khai phá từ trước để lại. Tại phần diện tích đất rừng trồng keo, bạch đàn bị cắt phá nêu trên, trước đây vợ chồng M đã canh tác trồng ngô, sắn. Đến khoảng năm 2010 thì trồng thêm một số cây bạch đàn. Ngoài ra, vợ chồng M còn tự nhận trông giữ diện tích đất rừng tái sinh tự nhiên nằm liền kề với lô rừng trồng này. Năm 2012, sau khi Công ty TL được UBND tỉnh Bắc Giang cho thuê đất rừng thì gia đình M đã được Công ty TL đền bù, hỗ trợ hoa màu, công khai phá đối với diện tích đất rừng của gia đình M canh tác, trông giữ ở khu vực núi Sơn Vua với tổng số tiền là 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng). Sau khi nhận tiền hỗ trợ đền bù, gia đình M đã giao lại toàn bộ diện tích đất gồm phần diện tích đất rừng mà vợ chồng M trồng bạch đàn từ năm 2010 và rừng tái sinh tự nhiên mà vợ chồng M tự nhận đứng ra trông giữ nêu trên. Phần diện tích đất rừng mà vợ chồng M trồng bạch đàn từ năm 2010 thì Công ty TL đã trồng thêm cây Keo để sản xuất, còn lô rừng tái sinh tự nhiên nằm liền kề thì được Công ty TL khoanh nuôi, chăm sóc. M khai: Ông Ngô Xuân T4 là tổng giám đốc Công ty TL đã thỏa thuận mức đền bù, hỗ trợ công khai phá cho gia đình M 15.000.000 đồng/01 ha. Ngoài ra, ông Trường còn hứa hẹn sẽ lo công việc, xây nhà cho gia đình M nên M cùng gia đình đồng ý nhận 100.000.000 đồng. Sau đó, do nhận thấy việc đền bù của Công ty chưa thỏa đáng và không thấy ông Trường thực hiện như đã hứa nên khoảng cuối năm 2017, khi thấy Công ty tổ chức cho người đến phát thực bì trên lô đất rừng gia đình M đã giao lại cho Công ty thì vợ chồng M ngăn cản và yêu cầu ông Trường đến gặp để giải quyết về việc đền bù, hỗ trợ. Tuy nhiên ông Trường không đến. M đã nảy sinh ý định cắt phá cây ở lô rừng tái sinh tự nhiên và lô rừng trồng keo, bạch đàn của Công ty nhằm lấy đất để trồng cây mới cho gia đình. M xác định lô rừng tái sinh tự nhiên ở khu vực núi Sơn Vua nêu trên không nằm trong diện tích đất rừng mà vợ chồng M được bố mẹ để lại. Khoảng giữa tháng 11/2018, vợ chồng M dùng dao quắm phát thực bì để phá cây bụi, cây hoang, dây leo (còn gọi là phát luỗng) trên khu rừng trồng keo, bạch đàn. Sau khoảng gần 1 tháng thì xong. M tiếp tục phát thực bì sang lô rừng tái sinh tự nhiên. Khoảng cuối tháng 01/2019, sau khi phát thực bì xong thì M sử dụng cưa máy (loại cưa cầm tay) cắt hạ 18 cây keo, 03 cây bạch đàn ở lô rừng trồng trong khoảng thời gian 3 ngày. Sau đó, M tiếp tục cắt gỗ tạp ở khu rừng tái sinh tự nhiên. Quá trình M cắt hạ cây gỗ thì L dùng dao quắm phát, dóc cành. Đến khoảng cuối tháng 02/2019 thì vợ chồng M cắt phá được diện tích 2,013 ha rừng tái sinh tự nhiên (phá trắng), còn 1,96 ha rừng trồng thì bị phát, phá trắng thực bì. Vợ chồng M đều xác định: Sau khi bàn giao lại đất cho Công ty TL thì gia đình M không còn quyền lợi, nghĩa vụ gì liên quan đối với tất cả diện tích đất đã bàn giao này nữa. Trong khoảng thời gian từ giữa tháng 11/2018 đến gần cuối tháng 02/2019, vợ chồng M đã liên tục phát, phá diện tích rừng của Công ty TL, buổi sáng từ 6 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 14 giờ đến 18 giờ. Vợ chồng M chỉ nghỉ vào ngày mưa, khi nhà có việc hoặc khi thấy lực lượng chức năng đến kiểm tra.

Quá trình vợ chồng M cắt cây, phá rừng thì anh Phạm Văn B, sinh năm 1983 ở thôn C, xã Đ, huyện Y là cán bộ Công an huyện Yên Thế phụ trách địa bàn và anh Vũ Văn P, sinh năm 1968 ở thôn Đ, xã P, huyện Ylà bảo vệ của Công ty TL sử dụng điện thoại di động quay video clip ghi lại sự việc vào các ngày 01/02/2019 và ngày 26/02/2019.

Tại Kết luận giám định số 4851/C09-P6 ngày 09/9/2019 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận:

- Không phát hiện thấy dấu hiệu cắt ghép, chỉnh sửa nội dung trong các file video gửi giám định;

- Hình ảnh người đàn ông(mặc quần áo rằn ri, màu xanh, tay cầm một máy cưa có vỏ màu cam) xuất hiện trong các file video mẫu cần giám định và hình ảnh Đặng Văn M (mẫu so sánh) là của cùng một người;

- Hình ảnh người phụ nữ (mặc áo rằn ri, màu xanh) xuất hiện trong file video mẫu cần giám định và hình ảnh Bùi Thị L(mẫu so sánh) là của cùng một người.

Ông Đỗ Văn T2là được Công ty TL ủy quyền trình bày: Toàn bộ diện tích 1,96 ha trồng Keo, Bạch đàn và 2,013ha rừng tái sinh tự nhiên bị cắt phá nêu trên ở lô 21 và lô 24, khoảnh 2 (theo bản đồ thiết kế trồng rừng năm 2012 của Công ty TL là chủ rừng. Diện tích đất rừng này có nguồn gốc là đất rừng sản xuất do UBND tỉnh Bắc Giang cho Công ty TL thuê quyền sử dụng đất, rừng gắn liền với đất từ năm 2011 để thực hiện dự án phát triển rừng bền vững tại huyện Yên Thế (thuộc lô 9, khoảnh 2, Tiểu khu 4 xã Đồng Tiến, huyện Yên Thế, diện tích 33,37 ha theo Bản đồ mốc giới khu rừng và đất lâm nghiệp cho thuê kèm theo Quyết định số 254/QĐ-UBND ngày 13/7/2011 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc thu hồi đất lâm nghiệp và rừng gắn liền với đất cho Công ty TL thuê rừng gắn với thuê đất Lâm nghiệp tại các xã Đồng Tiến, Canh Nậu, Xuân Lương của huyện Yên Thế. Trạng thái đất lâm nghiệp được thuê là đất chưa có rừng, ký hiệu lâm nghiệp là Ia, loại đất rừng sản xuất). Trong đó diện tích 2,013 ha rừng tự nhiên bị cắt phá ở lô 21, khoảnh 2 nêu trên được Công ty TL tự khoanh nuôi cây gỗ rừng tái sinh từ tháng 01 năm 2012 và bỏ vốn chăm sóc, bảo vệ mục đích để phát triển thành rừng tự nhiên (gọi chung là rừng khoanh nuôi tái sinh). Đối với diện tích 1,96ha bị cắt phá tại lô 24 khoảnh 2 rừng trồng thì trước đây từ năm 2012, diện tích này được Công ty TL lập hồ sơ thiết kế khoanh nuôi tái sinh cùng diện tích 2,013 ha ở lô 21 nêu trên. Tuy nhiên, do cây tái sinh ở lô 24 phát triển kém nên khoảng tháng 6/2012, Công ty đã trồng xen thêm cây Keo( loại Keo hạt Úc). Sau đó dặm thêm một số cây Bạch đàn giống PN14 vào lô rừng này để sản xuất. Toàn bộ diện tích rừng bị cắt phá này được Công ty TL tổ chức bảo vệ tập trung từ năm 2011 đến tháng 5 năm 2014 thì hợp đồng cho anh Vũ Văn P trông coi bảo vệ. Công ty TL không thỏa thuận với gia đình M trong việc quản lý, bảo vệ đối với diện tích rừng bị cắt phá nêu trên. Công ty TL đã cung cấp các hồ sơ, tài liệu chứng M về nguồn gốc, quyền quản lý và sử dụng đối với diện tích rừng bị cắt phá này. Diện tích đất Công ty thuê ở khu vực núi Sơn Vua là khoảng 30ha, trong đó có một số diện tích nhỏ lẻ đã được người dân canh tác từ trước. Khi Công ty cho phát dọn để trồng cây thì M tự nhận số diện tích đã canh tác nêu trên là đất của gia đình M khai phá. Do vậy để có đất sản xuất, Công ty đã hỗ trợ công khai phá cho gia đình M số tiền 70.000.000 đồng. Gia đình M đã bàn giao lại toàn bộ đất cho Công ty được thể hiện trong biên bản giao, nhận tiền đề ngày 10/6/2012 do ông Ngô Xuân T4 lập. Sau đó, do thấy hoàn cảnh M khó khăn, Công ty đã hỗ trợ tiếp cho gia đình M số tiền 30.000.000 đồng. Gia đình M giao lại đất rừng ở núi Sơn Vua thì Công ty đã tổ chức trồng cây Keo, Bạch đàn theo hồ sơ thiết kế trồng rừng năm 2012 và khoanh nuôi diện tích rừng tái sinh tự nhiên giai đoạn 2012- 2017.

Ông Ngô Xuân T4 khẳng định không thỏa thuận với vợ chồng M về mức đền bù, hỗ trợ công khai phá là 15.000.000 đồng/ha như vợ chồng M khai, mà Công ty thấy diện tích đất rừng của vợ chồng M canh tác chỉ khoảng 04ha nên thống nhất hỗ trợ công khai phá đất cho vợ chồng M số tiền như trên. Ông Trường có nói về việc sẽ bố trí công việc làm bảo vệ rừng cho các con của M chứ không hứa hẹn xây dựng nhà cửa cho M như M đã khai. Cơ quan điều tra đã tiến hành đối chất giữa vợ chồng M với ông Trường nhưng tất cả vẫn giữ nguyên lời khai.

Quá trình điều tra, ông Trường, M và L đều xác định việc giao lại đất rừng giữa gia đình M với Công ty TL thì hai bên không đo đạc để xác định chính xác diện tích đất rừng của vợ chồng M canh tác, mà chỉ tính theo khu vực do M chỉ tay cho biết. Tuy nhiên, các bên đều xác định vị trí, danh giới, diện tích tại khu vực núi Sơn Vua do vợ chồng M được đền bù, hỗ trợ giao lại cho Công ty quản lý được thể hiện trong biên bản ngày 10/6/2012. Tại thời điểm vợ chồng M phá rừng thì cây trên đất là tài sản thuộc quyền quản lý hợp pháp của Công ty TL.

Bản cáo trạng số: 48/CT-VKS-YT ngày 18/10/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Thế truy tố bị cáo Đặng Văn M và Bùi Thị L về tội “Hủy hoại rừng” theo điểm đ khoản 2 Điều 243, Bộ luật hình sự.

Bản án hình sự sơ thẩm số: 49/2019/HS-ST ngày 11/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã quyết định: Căn cứ vào: Điểm đ khoản 2 Điều 243; điểm b điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 38, Điều 17; Điều 58, Bộ luật hình sự năm 2015. Tuyên bố Đặng Văn M và Bùi Thị L phạm tội “Hủy hoại rừng”. Xử phạt:

Đặng Văn M 03 năm 06 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án; Bùi Thị L 03 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Khoản 1, Điều 48 Bộ luật hình sự; Điều 584, Điều 585, Điều 587, Điều 589, Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự: Buộc Đặng Văn M và Bùi Thị L phải bồi thường cho Công ty TL số tiền bồi thường số tiền 25.816.500 đồng nhưng được trừ đi số tiền 2.000.000đ đã nộp, bị cáo M, L tiếp tục phải bồi thường là 23.816.500đ, cụ thể bị cáo M phải bồi thường 13.816.500đ, Bùi Thị L L bồi thường số tiền là 10.000.000đ. Công ty TL được nhận lại số tiền 2.000.000đ các bị cáo đã nộp tại Thi hành án dân sự huyện Yên Thế.

Ngoài ra bản án còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí, quyền yêu cầu thi hành án, lãi suất chậm thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 25 /11/2019 các bị cáo Đặng Văn M và Bùi Thị L đều kháng cáo với nội dung các bị cáo bị oan không phạm tội như án sơ thẩm đã xét xử.

Tại phiên toà phúc thẩm các bị cáo Đặng Văn M và Bùi Thị L thay đổi nội dung kháng cáo, các bị các chỉ đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo.

Bị cáo Đặng Văn M trình bày lý do kháng cáo là gia đình bị cáo kinh tế khó khăn, bản thân bị cáo thường xuyên ốm đau, bị cáo cùng vợ đã nộp đủ tiền cho Công ty TL như án sơ thẩm đã xét xử, bố đẻ bị cáo là ông Đặng Văn T được nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng 3 và được tặng huy hiệu Hồng thập tự.

Bị cáo Bùi Thị L trình bày lý do kháng cáo là bị cáo tuổi cao sức yếu, bị cáo đã nộp đủ số tiền cho Công ty TL như án sơ thẩm đã xét xử, tiền án phí hình sự sơ thẩm, gia đình bị cáo khó khăn về kinh tế, các con vẫn ở chung cùng gia đình với các bị cáo.

Ông Đỗ Văn T2 đại diện cho Công ty TL là bị hại trình bày: Tại phiên toà phúc thẩm các bị cáo đã nhận ra tội lỗi của mình hứa sẽ khắc phục sửa chữa, các bị cáo đã bồi thường đầy đủ cho Công ty TL. Ông đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Đại diện VKSND tỉnh Bắc Giang thực hành quyền công tố tại phiên toà, sau khi phân tích các tình tiết của vụ án, tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do các bị cáo gây ra, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo, đưa ra đề nghị xem xét các vấn đề kháng cáo mà các bị cáo nêu ra đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355; điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Đặng Văn M. Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo của bị cáo Bùi Thị L, sửa bản án sơ thẩm. Xử phạt bị cáo M 02 năm tù. Xử phạt bị cáo L 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách 3 năm kể từ ngày tuyên án phúc thẩm. Giao bị cáo L cho UBND xã Bình Long, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên giám sát giáo dục trong thời gian thử thách. Các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Đặng Văn M phát biểu tranh luận: Bị cáo M bị truy tố và xét xử về tội “ Huỷ hoại rừng” theo Điều 243 Bộ Luật hình sự là có căn cứ. Tuy nhiên Toà sơ thẩm xét xử áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 243 Bộ Luật hình sự để áp dụng xét xử đối với bị cáo M là chưa chính xác mà bị cáo chỉ bị truy tố theo khoản 1 Điều 243 Bộ Luật hình sự về tội “ Huỷ hoại rừng” mới đúng quy định. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ mới cho bị cáo mà cấp sơ thẩm chưa áp dụng đó là; Sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo M đã nộp đủ tiền bồi thường cho Công ty TL, bị cáo có bố đẻ là người có công được nhà nước tặng thưởng Huân chương, Ty y tế tỉnh Thái Nguyên cấp huy hiệu “ Hồng thập tự”. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo M và cho bị cáo được hưởng án treo.

Bị cáo Đặng Văn M nhất trí như luận cứ của Luật sư bào chữa cho bị cáo tại phiên toà và không có ý kiến tranh luận gì.

Bị cáo Bùi Thị L không tranh luận gì.

Đại diện Công ty TL, giữ nguyên quan điểm đã trình bày không có ý kiến tranh luận gì.

Đại diện Viện kiểm sát và Luật sư bào chữa cho bị cáo không tranh luận đối đáp gì thêm. Kết thúc tranh luận các bên giữ nguyên quan điểm của mình.

Bị cáo Đặng Văn M nói lời sau cùng: Không có ý kiến gì. Bị cáo Bùi Thị L nói lời sau cùng: Không có ý kiến gì.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của bị cáo Đặng Văn M và Bùi Thị L đã được làm trong thời hạn kháng cáo và gửi đến Tòa án nhân dân huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 333 Bộ luật tố tụng hình sự nên được coi là đơn kháng cáo hợp pháp. HĐXX chấp nhận xem xét giải quyết đơn kháng cáo của bị cáo theo trình tự phúc thẩm.

[2] Xét hành vi phạm tội của các bị cáo Đặng Văn M và Bùi Thị L thì thấy: Trong khoảng thời gian từ cuối tháng 11/2018 đến cuối tháng 02/2019, Đặng Văn M dùng cưa máy, dao quắm và Bùi Thị L dùng dao quắm chặt, phá trắng cây trên diện tích 2,013 ha = 20.013m2 rừng sản xuất tại lô 21 khoảnh 2 và dùng dao quắm phát, phá trắng thực bì và dùng cưa máy cắt phá 18 cây Keo, 03 cây Bạch Đàn tại lô 24 khoảnh 2 trên diện tích 1,96 ha = 19.600 m2 có nguồn gốc là rừng sản xuất ở khu vực núi Sơn Vua thuộc bản Đồng An, xã Đồng Tiến, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Toàn bộ số diện tích đất rừng sản xuất nêu trên thuộc quyền quản lý của Công ty TL, gây thiệt hại tổng số tiền là 28.041.500 đồng.

Như vậy hành vi của các bị cáo Đặng Văn M và Bùi Thị L đã đủ yếu tố cấu thành tội “Huỷ hoại rừng”, theo điểm đ khoản 2 Điều 243 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Từ những nội dung trên án sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Văn M và Bùi Thị L về tội “Huỷ hoại rừng”, là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan sai.

[3] Xét nội dung kháng cáo của các bị cáo Đặng Văn M và Bùi Thị L thì thấy: Tại phiên tòa, các bị cáo thay đổi nội dung kháng cáo chỉ đề nghị giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo nên các vấn đề khác của án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, Hội đồng xét xử phúc thẩm không đặt ra giải quyết.

[4] Xét về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo thì thấy:

Án sơ thẩm xác định các bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình theo quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự; là có căn cứ.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Án sơ thẩm xác định trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các bị cáo đều có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải; do vậy, các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015; là có căn cứ. Riêng đối với số tiền các bị cáo M và L phải liên đới bồi thường cho Công ty TL là 25.816.500đồng, các bị cáo mới bồi thường được 2.000.000đồng án sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ là bồi thường khắc phục một phần cho người bị hại theo điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự là chưa chính xác mà các bị cáo chỉ được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ Luật hình sự.

Hành vi của bị cáo Đặng Văn M và Bùi Thị L là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp đến chế độ quản lý rừng của nhà nước, sự bền vững ồn định của môi trường sinh thái, gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác cho đời sống xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an ở địa phương, thể hiện sự coi thường pháp luật của Nhà nước. Do vậy, hành vi của bị cáo cần phải nghiêm trị bằng hình luật, cần lên một mức án nghiêm khắc tương xứng với hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra để răn đe và phòng ngừa chung. Án sơ thẩm xử phạt bị cáo M với mức án 3 năm 6 tháng tù; bị cáo L 03 năn tù là tương xứng với hành vi phạm tội mà các bị cáo gây ra.

Tại quá trình xét xử phúc thẩm, bị cáo Đặng Văn M xuất trình các tình tiết mới gồm: 01 Biên lai thu tiền số: AA/2010/007160 ngày 15/12/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyệnYên Thế, tỉnh Bắc Giang do bị cáo Đặng Văn M tự nguyện nộp tiền bồi thường cho Công ty TL số tiền 13.816.500đồng; 01 Giấy tặng Huân chương kháng chiến hạng ba của ông Đặng Văn T là bố đẻ bị cáo; 01 Giấy chứng nhận của Ty y tế tỉnh Thái nguyên chứng nhận ông Đặng Văn T là bố đẻ bị cáo M được cấp Huy hiệu “Hồng thập tự”. Xét thấy đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới chưa được áp dụng cho bị cáo M tại cấp sơ thẩm theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Bị cáo Bùi Thị L xuất trình các tình tiết mới gồm: 01 Biên lai thu tiền số: AA/2010/007159 ngày 15/12/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyệnYên Thế, tỉnh Bắc Giang do bị cáo Bùi Thị L tự nguyện nộp tiền bồi thường cho Công ty TL số tiền 10.000.000đồng và 200.00đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm, xét thấy đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới chưa được áp dụng cho bị cáo L tại cấp sơ thẩm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Tại phiên toà phúc thẩm đại diện Công ty TL xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo nên các bị cáo đều được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Hội đồng xét xử thấy, các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, do vậy Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 54 của Bộ Luật hình sự xử phạt các bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Đối với bị cáo M là người chủ mưu và thực hịên tội phạm tích cực, do vậy Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, mà không chấp nhận cho bị cáo được hưởng án treo. Đối với bị cáo L với vai trò là đồng phạm giúp sức cho bị cáo M, bị cáo là phụ nữ là vợ của bị cáo M, bị cáo xuất thân từ gia đình lao động, có nơi cư trú ổn định rõ ràng. Đối chiếu với Nghị Quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì bị cáo L có đủ điều kiện để được hưởng án treo, do vậy chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo. Giao bị cáo cho UBND xã nơi bị cáo cư trú giám sát giáo dục như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên toà là có căn cứ.

[5] Về án phí hình sự phúc thẩm: Do chấp nhận kháng cáo của các bị cáo sửa án sơ thẩm, nên các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội.

[6] Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm c, điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự.

[1]. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo và Bùi Thị L và một phần kháng cáo của bị cáo Đặng Văn M, sửa bản án sơ thẩm.

Tuyên bố Đặng Văn M và Bùi Thị L phạm tội “Hủy hoại rừng”.

- Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 243; điểm b, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58; khoản 1 Điều 54, Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015.

Xử phạt bị cáo Đặng Văn M 02 ( Hai) năm 06 ( Sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án;

- Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 243; điểm b, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58, khoản 1 Điều 54; Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015.

Xử phạt bị cáo Bùi Thị L 02( Hai) năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 04 ( Bốn) năm kể từ ngày tuyên án phúc thẩm. Giao bị cáo cho Uỷ ban nhân dân xã Bình Long, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên giám sát giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể Quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật hình sự năm 2015.

[2]. Về trách nhiệm dân sự:

Xác nhận bị cáo Đặng Văn M đã nộp 13.816.500đồng, bồi thường cho Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng và Thương mại TL theo Biên lai thu tiền số: AA/2010/007160 ngày 15/12/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyệnYên Thế, tỉnh Bắc Giang.

Xác nhận bị cáo Bùi Thị L L đã nộp 10.000.000đồng, bồi thường cho Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng và Thương mại TL theo Biên lai thu tiền số: AA/2010/007159 ngày 15/12/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyệnYên Thế, tỉnh Bắc Giang và 200.000đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm.

[2]. Về án phí: Các bị cáo Đặng Văn M và Bùi Thị L không phải chịu tiền án phí hình sự phúc thẩm.

[3]. Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

347
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 38/2020/HS-PT ngày 09/03/2020 về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:38/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 09/03/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;