TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
BẢN ÁN 372/2020/DS-PT NGÀY 22/12/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DÂN ĐẶT CỌC VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ TÀI SẢN
Trong ngày 14/12/2020 và ngày 22/12/2020 tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 04/2020/TLPT- DS ngày 03 tháng 01 năm 2020 về Tranh chấp “V/v Tranh chấp về hợp đồng dân sự – Đặt cọc và Bồi thường thiệt hại về tài sản” Do Bản án dân sự sơ thẩm số 19/2019/DS-ST ngày 20 tháng 6 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện P bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 78/2020/QĐ-PT ngày 20 tháng 3 năm 2020 và 435/2020/QĐ-PT ngày 05 tháng 5 năm 2020 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Lê Trung T, sinh năm 1978 (Có mặt);
Địa chỉ: Ấp Mỹ Nam 1, xã M, huyện P, tỉnh Đồng Tháp.
Bị đơn: Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đ;
Địa chỉ trụ sở: Ấp Mỹ Phước 2, xã M, huyện P, tỉnh Đồng Tháp.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Huỳnh Thanh T1, sinh năm 1978 (Vắng mặt). Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc.
Địa chỉ: Ấp Mỹ Phước 2, xã M, huyện P, tỉnh Đồng Tháp.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp M (Vắng mặt);
Địa chỉ trụ sở: Ấp Mỹ Phước 2, xã M, huyện P, tỉnh Đồng Tháp.
2. Công ty Cổ phần N;
Người đại diện theo pháp luật: Nguyễn Thị Như T2, sinh năm 1976. Chức vụ: Tổng Giám đốc.
Địa chỉ trụ sở: F13, lô 53, đường Nguyễn Văn Tố, phường V, thành phố R, tỉnh Kiên Giang.
Người đại diện theo ủy quyền của Công ty Cổ phần N: Ông Phạm Hoàng D, sinh năm 1972 (Có mặt). Địa chỉ: Số nhà 132/15, đường Võ Trường Toản, phường 1, thành phố C, tỉnh Đồng Tháp (Văn bản ủy quyền vào ngày 02/7/2018).
3. Nguyễn Thị Tr, sinh năm 1978 (Vắng mặt).
Địa chỉ: Tổ 21, khu I, thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
- Kháng cáo: Ông Lê Trung T là nguyên đơn và Công ty N là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của vụ án.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo Đơn khởi kiện vào ngày 22/6/2016; Đơn khởi kiện và Đơn khởi kiện bổ sung vào ngày 09/5/2018 của ông Lê Trung T; Các Biên bản lấy lời khai của Tòa án nhân dân huyện P đối với ông Lê Trung T; Tờ tường trình ngày 15/8/2016 của ông Lê Trung T; Văn bản ý kiến ngày 03/11/2017 của ông Lê Trung T; Trong quá trình thu thập chứng cứ, tại phiên hòa giải và tại phiên tòa, ông Lê Trung T trình bày:
- Vào ngày 26/3/2016, anh T và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ ký hợp đồng thu mua lúa tươi vụ hè thu năm 2016. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ bán cho anh T 800 tấn lúa, giống lúa OM 5451 với giá 5.110 đồng/kg. Anh T đặt cọc cho Hợp tác xã số tiền là 400.000.000 đồng (Bốn trăm triệu đồng).
Theo hợp đồng ngày 26/3/2016, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ không có lúa loại giống OM 5451 để giao cho anh T nên Hợp tác xã thỏa thuận giao lúa của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp M, cũng loại giống lúa OM 5451. Anh T đồng ý nhận và các bên chỉ thỏa thuận miệng, không lập thành văn bản và không thỏa thuận tiền cọc. Anh T đã thu mua tổng cộng 800 tấn lúa và trả đủ tiền cho nông dân theo giá mà Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ thỏa thuận với nông dân. Tuy nhiên, số tiền mà anh T đặt cọc cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ là 400.000.000 đồng chưa được Hợp tác xã trả lại cho anh T.
- Ngày 13/4/2016, anh T và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ ký hợp đồng thu mua lúa vụ hè thu năm 2016. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ bán cho anh T 700 tấn lúa, giống lúa Nàng Hoa 9 với giá 5.620 đồng/kg. Anh T đặt cọc cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ số tiền là 350.000.000 đồng (Ba trăm năm mươi triệu đồng).
Hợp đồng ngày 13/4/2016, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ chỉ giao cho anh T được 495 tấn lúa. Anh T đã thanh toán xong số tiền mua 495 tấn lúa cho nông dân, còn lại 205 tấn do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ không có lúa để giao nên anh T phải thuê 03 ghe chở lúa từ Cần Thơ đến, chi phí thuê tổng cộng là 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng).
Nay ông Lê Trung T yêu cầu Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ trả lại cho ông tiền đặt cọc và bồi thường thiệt hại cụ thể như sau:
+ Tiền đặt cọc của hợp đồng ngày 26/3/2016 là 400.000.000 đồng (Bốn trăm triệu đồng).
- Tiền đặt cọc của hợp đồng ngày 13/4/2016 là 350.000.000 đồng và số tiền phạt cọc là 350.000.000 đồng do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ vi phạm hợp đồng không giao đủ số lượng lúa đã thỏa thuận cho anh T. Tổng cộng 700.000.000 đồng (Bảy trăm triệu đồng).
Anh T thống nhất cùng Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ chia đôi chi phí thuê bốc vác là 10.000.000 đồng. Anh T chịu số tiền 5.000.000 đồng.
- Tiền công thuê 03 ghe chở lúa là 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng). Tổng cộng: 1.105.000.000 đồng (Một tỷ một trăm lẻ năm triệu đồng). Đối với yêu cầu độc lập của Công ty cổ phần N:
Vào ngày 25/3/2016, anh T có ký hợp đồng bán lúa với Công ty cổ phần N như sau:
- Loại giống OM 5451, số lượng 900 tấn với giá 5.120 đồng/kg. Anh T có nhận tiền cọc từ Công ty số tiền là 510.000.000 đồng.
- Loại giống OM 5451, số lượng 500 tấn với giá 5.100 đồng/kg. Anh T có nhận tiền cọc từ Công ty số tiền là 330.000.000 đồng.
Tổng cộng là 840.000.000 đồng.
Anh T đã giao lúa trừ vào tiền cọc là 390.000.000 đồng, còn nợ lại số tiền 120.000.000 đồng. Nhưng anh T không đồng ý trả lại cho Công ty Cổ phần N số tiền 120.000.000 đồng. Bởi vì:
+ Cân lúa của ông B1 39 tấn lúa, giống lúa 5451 với giá 5.000 đồng/kg. Lúa đã xuống ghe và số tiền phải trả cho ông B1 là 199.755.000 đồng nhưng Công ty Cổ phần N không có tiền trả. Do đó, anh T đã trả cho ông B1 thay cho Công ty số tiền 199.755.000 đồng vào khoảng tháng 05/2016.
+ Cân lúa của chị S, khoảng 60 mấy tấn, không nhớ số lượng lúa chính xác. Giống lúa 5451 với giá 5.000 đồng/kg. Lúa đã xuống ghe nhưng anh P1 là nhân viên của Công ty N trả cho chị S còn nợ lại số tiền 79.626.000 đồng. Anh T đã mang đến số tiền 80.000.000 đồng giao cho anh Phong vào ngày 19/5/2016 để trả cho chị S. Hai bên giao, nhận tiền không làm giấy tờ.
Anh T trả tiền lúa thay cho Công ty N số tiền tổng cộng là 279.381.000 đồng. Anh T trừ vào số tiền cọc là 120.000.000 đồng. Như vậy, số tiền cọc là 510.000.000 đồng còn lại 159.381.000 đồng.
Ngoài ra, Công ty còn gây thiệt hại cho anh T số tiền là 185.000.000 đồng (Một trăm tám mươi lăm nghìn đồng). Cụ thể như sau:
+ Lúa của ông B2 với thiệt hại tổng cộng là 47.000.000 đồng.
+ Lúa của ông B1 và chị H1 khoảng 45 tấn với thiệt hại tổng cộng là 106.000.000 đồng.
+ Anh T trả tiền thuê ghe lúa mà chị H2 nhận thay cho Công ty Cổ phần N (Do Công ty không nhận) là 6.000.000 đồng và thiệt hại khi lúa bị hao hụt 6,4 tấn với số tiền là 32.000.000 đồng.
Đối với tiền cọc của hợp đồng 330.000.000 đồng, do anh T đã đặt cọc hết cho nông dân để thu mua lúa nhưng Công ty Cổ phần N không nhận lúa nên tiền cọc bị mất.
Nay ông Lê Trung T yêu cầu Công ty Cổ phần N trả cho ông số tiền chênh lệch mà ông đã trả thừa là 159.381.000 đồng và tiền bồi thường thiệt hại do Công ty không nhận lúa là 185.000.000 đồng. Tổng cộng là 344.381.000 đồng (Ba trăm bốn mươi bốn triệu ba trăm tám mươi một nghìn đồng).
* Tại Bản tự khai ngày 15/7/2016 của ông Huỳnh Thanh T1; Đơn yêu cầu xác minh ngày 23/8/2016; Trong quá trình giải quyết vụ án và quá trình thu thập chứng cứ, tại phiên hòa giải và tại phiên tòa, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ có ông Huỳnh Thanh T1 đại diện theo pháp luật trình bày:
Ông T1 thừa nhận có ký kết hợp đồng thu mua lúa tươi với ông Lê Trung T, cụ thể như sau:
+ Hợp đồng thu mua lúa tươi giống lúa OM 5451 ngày 26/3/2016, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ đã thực hiện đúng hợp đồng. Hợp tác xã Đ có mua lúa của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp M số lượng 800 tấn và giao cho anh T. Số tiền mua bán lúa giữa Hợp tác xã Đ và Hợp tác xã M đã thanh toán xong. Anh T đã trực tiếp trả tiền lúa cho nông dân. Số tiền anh T đặt cọc cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ là 400.000.000 đồng đã được Hợp tác xã Đ thanh toán cho anh T xong, cụ thể như sau:
+ Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp M trừ số tiền 100.000.000 đồng với bà Nguyễn Thị Tr là người nhận lúa của anh T (Do trước đó bà Tr thiếu tiền mua lúa của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp M trước đó). Khi khấu trừ tiền có sự đồng ý của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ và anh T.
+ Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ, trực tiếp là ông T1 trả cho bà Nguyễn Thị Tr 230.000.000 đồng. Việc Hợp tác xã Đ trả tiền cho bà Tr không có làm giấy tờ nhưng có sự đồng ý của anh T.
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ, trực tiếp là ông T1 trả cho anh H3 số tiền mua lúa là 60.000.000 đồng, là số tiền bà Tr nhận lúa cho anh T nhưng chưa trả tiền.
Trả thay cho anh T số tiền bốc vác là 10.000.000 đồng, có sự đồng ý của anh T.
Như vậy, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ đã thanh toán xong tiền đặt cọc cho ông Lê Trung T theo hợp đồng ngày 26/3/2016 là 400.000.000 đồng (Bốn trăm triệu đồng).
+ Hợp đồng thu mua lúa hè thu năm 2016 vào ngày 13/4/2016, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ có giao cho anh T 144 tấn lúa, giống lúa Nàng Hoa 9. Anh T đã thanh toán xong tiền mua 144 tấn lúa cho nông dân. Số lúa còn lại do anh T không nhận lúa nên mất tiền đặt cọc. Nguyên nhân của việc anh T không nhận lúa là do giá lúa giảm.
Nay Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ không đồng ý trả cho ông Lê Trung T số tiền tổng cộng là 1.105.000.000 đồng.
* Tại Tờ tự khai ngày 08/8/2016, ngày 12/12/2018 của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp M có ông Lê Hoàng L1 là đại diện; Trong quá trình giải quyết vụ án và quá trình thu thập chứng cứ, ông Lê Hoàng Linh trình bày:
Vụ lúa hè thu năm 2016, ông L1 có ký hợp đồng bán lúa, giống lúa 5451 với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ số lượng là 900 tấn. Nhưng khi giao lúa, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp M giao cho bà Tr (tên thường gọi là Ph) theo yêu cầu của anh T với 800 tấn lúa. Tiền lúa, bên bà Tr (Anh T) trả trực tiếp cho nông dân.
Trước đó, bà Tr còn nợ ông L1 số tiền 100.000.000 đồng nên thống nhất trừ tiền cọc của anh T với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ. Khi thống nhất khấu trừ có mặt của anh T. Đối với các khoản tiền thanh toán giữa Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp M và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ vụ lúa hè thu năm 2016, hai bên không có tranh chấp.
* Tại Đơn khởi kiện (Về việc đòi lại tiền đặc cọc mua bán lúa tươi) ngày 11/9/2017 của Công ty Cổ phần N; Biên bản lấy lời khai vào ngày 24/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện P đối với bà Nguyễn Thị Như T2; Văn bản ý kiến vào ngày 23/11/2018 của Công ty Cổ phần N; Trong quá trình giải quyết vụ án và quá trình thu thập chứng cứ, tại phiên hòa giải, tại phiên tòa, Công ty Cổ phần N có ông Phạm Hoàng D đại diện theo ủy quyền trình bày:
Công ty Cổ phần N có ký hợp đồng với ông Lê Trung T. Công ty Cổ phần N giao cho anh T số tiền để đặt cọc mua lúa của người khác, sau đó giao lúa lại cho Công ty.
Hợp đồng ngày 25/3/2016, Công ty giao cho anh T tiền cọc là 510.000.000 đồng để mua lúa tươi, giống lúa 5451 với 1.275 công đất, số lượng là 900 tấn, giá lúa 5.120 đồng/kg. Ngày thu hoạch là 12-13/4/2016. Ngày cân lúa là 13- 14/4/2016 của vụ hè thu năm 2016.
Hợp đồng ngày 25/3/2016, Công ty giao cho anh T tiền cọc là 330.000.000 đồng để mua lúa tươi, giống lúa 5451 với 725 công, số lượng là 500 tấn, giá lúa 5.100 đồng/kg. Ngày thu hoạch là 12-13/4/2016. Ngày cân lúa là 13-14/4/2016 của vụ hè thu năm 2016.
Tổng cộng tiền đặt cọc của 02 hợp đồng là 840.000.000 đồng.
Anh T đã giao lúa và đã trừ tiền đặt cọc với Công ty được số tiền 390.000.000 đồng, còn lại số tiền 450.000.000 đồng.
Nay ông Phạm Hoàng D yêu cầu ông Lê Trung T trả lại cho Công ty Cổ phần N số tiền đặt cọc mua lúa hè thu năm 2016 là 450.000.000 đồng (Bốn trăm năm mươi triệu đồng).
Công ty Cổ phần N không đồng ý trả lại cho ông Lê Trung T số tiền 344.381.000 đồng.
* Tại biên bản lấy lời khai vào ngày 23/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện P đối với bà Nguyễn Thị Tr, bà Tr trình bày:
Vụ lúa hè thu năm 2016, bà Tr có đặt cọc cho ông Lê Trung T số tiền 300.000.000 đồng để mua 800 tấn lúa, giống lúa 5451. Ông Lê Hoàng L1 là đại diện của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp M có giao cho bà Tr 800 tấn lúa, đủ số lượng lúa theo hợp đồng giữa bà Tr và anh T. Theo thỏa thuận, sau khi nhận đủ 800 tấn lúa, anh T có nghĩa vụ trả lại cho bà Tr số tiền đặt cọc là 300.000.000 đồng nhưng anh T không giao. Nhưng bà Tr đã nhận đủ số tiền 300.000.000 đồng từ những người sau đây:
- Trừ tiền cọc với ông Linh là 100.000.000 đồng và có sự đồng ý của anh T.
- Ông T1 (Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ) giao cho bà Tr số tiền 230.000.000 đồng và có sự đồng ý của anh T. Sau đó, bà Tr có giao lại cho anh T số tiền thừa là 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng). Như vậy, giữa bà Tr và anh T không ai nợ ai.
* Tại Quyết định bản án sơ thẩm số 19/2019/DS – ST, ngày 20/6/2019 của Tòa án nhân dân huyện P đã tuyên xử:
1. Đình chỉ một phần yêu cầu của anh Lê Trung T số tiền 262.000.000 đồng (5.000.000 đồng + 72.000.000 đồng + 185.000.000 đồng).
2. Không chấp nhận yêu cầu của anh Lê Trung T số tiền 395.000.000 đồng của hợp đồng ngày 26/3/2016 và số tiền 607.500.000 đồng (bao gồm 247.500.000 đồng tiền đặt cọc, tiền phạt cọc 350.000.000 đồng, tiền thuê ghe 10.000.000 đồng) của hợp đồng ngày 13/4/2016. Tổng cộng 1.002.500.000 đồng (Một tỷ không trăm linh hai triệu năm trăm nghìn đồng).
3. Chấp nhận một phần yêu cầu của anh Lê Trung T số tiền 102.500.000 đồng của hợp đồng ngày 13/4/2016.
4. Buộc HTX DV NN Đ trả tiền đặt cọc cho anh Lê Trung T 102.500.000 đồng (Một trăm linh hai triệu năm trăm nghìn đồng) của hợp đồng ngày 13/4/2016.
5. Không chấp nhận yêu cầu của Công ty Cổ phần N số tiền 359.755.000 đồng (Ba trăm năm mươi chín triệu bảy trăm năm mươi lăm nghìn đồng).
6. Buộc anh Lê Trung T tiếp tục trả tiền đặt cọc cho Công ty Cổ phần N 90.245.000 đồng (Chín mươi triệu hai trăm bốn mươi lăm nghìn đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án mà bên phải thi hành án chưa thi hành xong số tiền phải thi hành thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu tiền lãi bằng 50% mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án đến khi thi hành xong.
7. Về án phí:
Anh Lê Trung T phải chịu 44.782.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, được khấu trừ tiền tạm ứng án phí đã nộp 22.650.000 đồng theo biên lai thu số 02731 ngày 28/6/2016; 10.440.000 đồng theo biên lai thu số 0005346 ngày 18/5/2018;
50.000 đồng theo biên lai thu số 0005370 ngày 30/5/2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện P tổng cộng 33.140.000 đồng, anh Lê Trung T nộp thêm 11.642.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
HTX DV NN Đ phải chịu 5.125.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Công ty Cổ phần N phải chịu 17.988.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, được khấu trừ tiền tạm ứng án phí 11.000.000 đồng theo biên lai thu số 15145 ngày 05/10/2017, Công ty Cổ phần N nộp thêm 6.988.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên thời hạn, quyền kháng cáo và quyền, nghĩa vụ, thời hiệu thi hành án của các đương sự.
Vào ngày 01/7/2019, ông Lê Trung T là nguyên đơn và ngày 02/7/2019, Công ty Cổ phần N, là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của vụ án kháng cáo một phần nội dung bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, được kiểm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, lời phát biểu của kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:
- Ông Lê Trung T kháng cáo một phần bản án sơ thẩm. Anh T yêu cầu Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ trả cho anh T:
+ Hợp đồng mua lúa ngày 26/3/2016 số tiền đặt cọc 395.000.000 đồng.
+ Hợp đồng mua lúa ngày 13/4/2016 số tiền đặt cọc 350.000.000 đồng, tiền phạt cọc là 350.000.000 đồng và chi phí thuê ghe số tiền 10.000.000 đồng. Tổng cộng là 710.000.000 đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, anh T rút một phần yêu cầu kháng cáo về số tiền phạt cọc là 350.000.000 đồng. Anh T chỉ yêu cầu Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ trả cho ông số tiền đặt cọc của hợp đồng ngày 13/4/2016 là 350.000.000 đồng và chi phí thuê ghe với số tiền là 10.000.000 đồng. Tổng cộng là 360.000.000 đồng.
- Anh T yêu cầu Công ty Cổ phần N trả cho ông số tiền 159.381.000 đồng và không đồng ý trả cho Công ty Cổ phần N số tiền 90.245.000 đồng như bản án Tòa cấp sơ thẩm tuyên xử.
Tại phiên tòa phúc thẩm, anh T chỉ yêu cầu Công ty Cổ phần N trả cho ông số tiền 159.000.000 đồng (Một trăm năm mươi chín nghìn đồng).
- Công ty Cổ phần N kháng cáo và yêu cầu ông Lê Trung T trả cho công ty số tiền 448.245.000 đồng (Bốn trăm bốn mươi tám triệu hai trăm bốn mươi lăm nghìn đồng).
Qua chứng cứ thể hiện tại hồ sơ, lời trình bày của các bên đương sự tại phiên tòa cho thấy:
[1] Hợp đồng đặt cọc:
Vào ngày 26/3/2016, ông Lê Trung T đặt cọc cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ số tiền 400.000.000 đồng để thu mua 800 tấn lúa tươi vụ hè thu năm 2016, giống lúa OM 5451, giá 5.110 đồng/kg.
Vào ngày 13/4/2016, ông Lê Trung T tiếp tục đặt cọc cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ số tiền 400.000.000 đồng để thu mua 700 tấn lúa tươi vụ hè thu năm 2016, giống lúa Nàng Hoa 9, giá 5.620 đồng/kg.
Và ngày 25/3/2016, ông Lê Trung T đã nhận tiền đặt cọc Công ty cổ phần N tổng số tiền 840.000.000 đồng để mua 1.400 tấn lúa tươi, giống lúa OM 5451 với giá là 5.100 đồng/kg và 5.120 đồng/kg.
[2] Quá trình thực hiện hợp đồng:
Theo trình bày của anh T: Giữa ông Lê Trung T và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ đã thực hiện xong hợp đồng thu mua lúa tươi vụ hè thu năm 2016 vào ngày 26/3/2016 và một phần của hợp đồng thu mua lúa vụ hè thu năm 2016 vào ngày 13/4/2016 là 495 tấn, còn lại 205 tấn. Từ đó mới phát sinh việc anh T thuê ghe chở lúa từ Cần Thơ đến, chi phí là 10.000.000 đồng.
Việc thực hiện hợp đồng mua bán lúa từ 02 hợp đồng nói trên, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ vẫn chưa trả lại cho anh T tổng số tiền đặt cọc là 750.000.000 đồng.
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ, có ông Huỳnh Thanh T1 đại diện theo pháp luật xác định: Tiền cọc mà Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ nhận từ ông Lê Trung T thông qua 02 hợp đồng mua bán lúa ngày 26/3/2016 và ngày 13/4/2016 tổng cộng là 750.000.000 đồng. Nhưng Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ đã thực hiện xong việc thanh toán số tiền cọc là 400.000.000 đồng của hợp đồng mua bán lúa ngày 26/3/2016. Đối với hợp đồng mua bán lúa ngày 13/4/2016, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ đã thanh toán xong 144 tấn lúa cho anh T, còn lại 556 tấn do giá lúa giảm nên anh T không đồng ý nhận lúa. Vì vậy, số tiền đặt cọc mà Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ nhận từ anh T là 350.000.000 đồng bị mất.
Ngoài ra, anh T còn trình bày: Đối với tiền đặt cọc của Công ty cổ phần N tổng cộng là 840.000.000 đồng, anh T đã giao lúa trừ vào tiền đặt cọc và thực hiện nghĩa vụ thay cho Công ty nhiều hơn số tiền mà Công ty đặt cọc cho anh T số tiền là 159.381.000 đồng (Làm tròn là 159.000.000 đồng). Do đó, Công ty cổ phần N có trách nhiệm trả lại cho anh T số tiền 159.000.000 đồng.
Công ty cổ phần N trình bày: Anh T chỉ giao số lượng lúa trừ vào tiền đặt cọc là 390.000.000 đồng. Các khoản tiền mà anh T thanh toán thay cho Công ty đã được tính vào số tiền 390.000.000 đồng. Số tiền đặt cọc còn lại, anh T chưa thanh toán cho Công ty cổ phần N. Vì vậy, Công ty cổ phần N yêu cầu ông Lê Trung T có trách nhiệm trả lại cho Công ty số tiền đặt cọc là 448.245.000 đồng.
[3] Xét kháng cáo của ông Lê Trung T:
- Hợp đồng thu mua lúa tươi vụ hè thu năm 2016 vào ngày 26/3/2016 được anh T và ông T1, đại diện của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ thống nhất: Hợp tác xã đã nhận của anh T số tiền đặt cọc là 400.000.000 đồng và đã thực hiện xong.
Anh T yêu cầu Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ trả lại cho ông số tiền đặt cọc 400.000.000 đồng.
Ông T1 xác định: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ đã trả lại tiền cọc cho anh T số tiền 400.000.000 đồng thông qua bà Nguyễn Thị Tr.
Xét thấy: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ đã nhận của ông Lê Trung T số tiền đặt cọc 400.000.000 đồng nhưng khi Hợp tác xã trả cho anh T tiền đặt cọc lại thông qua bà Nguyễn Thị Tr, là người có mua bán lúa với anh T. Trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa cấp sơ thẩm, bà Tr xác định đã nhận: “Tôi trừ tiền cọc cho anh L1 (HTX M), anh T1 (HTX Đ) đưa tiền mặt cho tôi 230.000.000 đồng (Hai trăm ba mươi triệu đồng). Như vậy, tôi nhận được 330.000.000 đồng (Ba trăm ba mươi triệu đồng). Sau đó, tôi đã trả lại cho anh T 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng). Như vậy, anh T không phải trả lại tiền cọc 300.000.000 đồng cho tôi.”.
Việc bà Tr nhận tiền cọc từ Hợp tác xã M và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ, được trừ vào tiền đặt cọc của anh T không được anh T đồng ý bằng văn bản, ủy quyền theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc bà Tr nhận tiền đặt cọc của anh T chỉ là lời trình bày của bà Tr, không có tài liệu, giấy tờ, chứng cứ để chứng minh. Anh T không đồng ý và không thừa nhận nội dung trình bày của bà Tr.
Thể hiện tại hồ sơ có Tờ tự khai vào ngày 15/8/2016 của anh Hồ Long H, anh H xác nhận: Vào khoảng ngày 23/4/2016, anh H có nhận tiền bán lúa Nàng Hoa 9 từ Hợp tác xã Đ số tiền 60.000.000 đồng. Tuy nhiên, theo cung cấp và trình bày của ông T1 thì Hợp tác xã chỉ trả thay cho anh T số tiền mua lúa của anh H (Bút lục 53) số tiền 46.800.000 đồng.
Ngoài ra, anh T thống nhất: Chia đôi số tiền bốc vác với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ là 5.000.000 đồng.
Hai khoản tiền nói trên tổng cộng là 51.800.000 đồng được khấu trừ vào số tiền đặt cọc của hợp đồng thu mua lúa vụ hè thu năm 2016 vào ngày 13/4/2016, giống lúa thỏa thuận mua bán là Nàng Hoa 9.
Như vậy, anh T yêu cầu Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ trả lại cho ông số tiền đặt cọc là 400.000.000 đồng là có căn cứ và phù hợp nên chấp nhận.
- Hợp đồng thu mua lúa vụ hè thu năm 2016 vào ngày 13/4/2016 được anh T và ông T1, đại diện của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ thống nhất: Hợp tác xã đã nhận của anh T số tiền đặt cọc là 350.000.000 đồng.
Anh T yêu cầu Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ trả lại cho ông số tiền đặt cọc là 350.000.000 đồng.
Ông T1 xác định: Anh T bị mất số tiền đặt cọc là 350.000.000 đồng cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ do anh T vi phạm hợp đồng. Bởi vì, anh T thấy giá lúa giảm nên không nhận lúa.
Xét thấy: Theo tài liệu, chứng cứ thể hiện tại hồ sơ, cùng lời trình bày của nông dân thuộc diện lúa được đặt cọc và thu mua thì giá lúa tươi vào thời điểm ngày 13/4/2016 đến ngày 18/4/2016 sụt giảm hàng ngày. Tuy nhiên, giữa anh T và Hợp tác xã Đ: 01 bên bán, 01 bên thu mua lúa, bên nào vi phạm và không có biên bản vi phạm thể hiện nội dung nói trên từ cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, Hợp đồng thu mua lúa vụ hè thu năm 2016 vào ngày 13/4/2016 không có điều khoản xử lý vi phạm nếu có tranh chấp hoặc không tiếp tục thực hiện hợp đồng. Vì vậy, ông T1 cho rằng anh T vi phạm hợp đồng, không đồng ý nhận lúa nên mất tiền cọc là không có căn cứ chấp nhận.
Tuy nhiên, trong quá trình thu thập và đánh giá chứng cứ cho thấy: Hợp đồng thu mua lúa vụ hè thu năm 2016 vào ngày 13/4/2016 không thực hiện được cũng có lỗi của anh T và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ nên Hội đồng xét xử xem xét thiệt hại do hợp đồng không tiếp tục thực hiện.
Tòa cấp sơ thẩm tính thiệt hại của hợp đồng ngày 13/4/2016 tổng cộng là 247.500.000 đồng và buộc anh T chịu hoàn toàn thiệt hại này là chưa phù hợp. Thiệt hại xảy ra là 247.500.000 đồng có lỗi của cả 02 bên nên anh T và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ, mỗi bên phải chịu ½ thiệt hại là 123.750.000 đồng.
Số tiền cọc của hợp đồng ngày 13/4/2016 còn được khấu trừ khoản tiền 51.800.000 đồng như đã nhận định nói trên. Như vậy, số tiền đặt cọc mà ông Lê Trung T còn được nhận lại là 174.450.000 đồng (Một trăm bảy mươi bốn triệu bốn trăm năm mươi nghìn đồng).
- Anh T yêu cầu Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ trả cho ông chi phí thuê ghe chuyên chở lúa là 10.000.000 đồng.
Xét thấy: Khi hợp đồng thu mua lúa vụ hè thu năm 2016 vào ngày 13/4/2016 không được tiếp tục thực hiện và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ không có lúa để giao cho anh T, anh T không báo với chính quyền địa phương để tiến hành lập biên bản vi phạm hoặc sự việc cụ thể xảy ra như thế nào. Trong khi đó, ông T1 trình bày anh T thấy giá lúa giảm nên không nhận lúa. Riêng anh T trình bày: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ không có lúa để giao….nhưng đó chỉ là trình bày của 02 bên, không có chứng cứ để chứng minh nên kháng cáo của anh T đối với chi phí thuê ghe là 10.000.000 đồng không có căn cứ để chấp nhận.
Từ nhận xét nói trên, Hội đồng xét xử xét thấy: Ông Lê Trung T kháng cáo và yêu cầu Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ trả lại cho ông số tiền đặt cọc, chi phí thuê ghe tổng cộng là 760.000.000 đồng chỉ có căn cứ một phần và chưa hoàn toàn phù hợp nên chấp nhận một phần kháng cáo của anh T.
[4] Xét kháng cáo của ông Lê Trung T và Công ty cổ phần N:
- Xét kháng cáo của ông Lê Trung T:
Anh T không đồng ý trả cho Công ty cổ phần N số tiền đặt cọc là 90.245.000 đồng và yêu cầu Công ty cổ phần N trả cho ông số tiền tổng cộng là 159.000.000 đồng.
Công ty cổ phần N không đồng ý theo yêu cầu của ông Lê Trung T và yêu cầu anh T trả lại cho Công ty số tiền đặt cọc còn lại là 448.245.000 đồng.
Xét thấy: Vào ngày 25/3/2016, anh T và Công ty cổ phần N đã ký hợp đồng cung ứng thuốc BVTV và thu mua lúa tươi. Hai hợp đồng ngày 25/3/2016 tuy có khác nhau về số lượng và giá lúa bán nhưng có cùng ngày cắt lúa là ngày 12/4/2016 và cân lúa là ngày 13/4/2016. Anh T và Công ty, mỗi bên đều đưa ra các khoản tiền đã khấu trừ vào tiền cọc là 390.000.000 đồng và 749.755.000 đồng. Tuy nhiên, các bên khi thu mua lúa từ nông dân cả về số lượng, giá không được giao, nhận bằng văn bản, giấy tờ cụ thể. Khi xảy ra tranh chấp, anh T cùng người làm chứng là nông dân được thu mua lúa có trình bày mỗi bên một nội dung. Anh T không có chứng cứ chứng minh việc Công ty Cổ phần N không nhận lúa nên mất tiền cọc là 330.000.000 đồng. Và hợp đồng cung ứng thuốc BVTV và thu mua lúa tươi ngày 25/3/2016 giữa ông Lê Trung T và Công ty cổ phần N không có điều khoản về việc Công ty cổ phần N bị mất cọc hoặc phải bồi thường thiệt hại khi không thực hiện nghĩa vụ. Do đó, cách khấu trừ nghĩa vụ vào tiền cọc mà anh T đã nhận của Công ty cổ phần N là không có căn cứ chấp nhận.
- Xét yêu cầu kháng cáo của Công ty cổ phần N:
Theo Đơn khởi kiện ghi ngày 11/9/2017 của Công ty cổ phần N thể hiện nội dung “Anh T đã giao lúa cho Công ty và đã trừ tiền cọc được 390.000.000 đồng…”. Nội dung nói trên không thể hiện cụ thể số tiền 390.000.000 đồng có cả số tiền 199.755.000 đồng và 80.000.000 đồng. Ngoài ra, tại Văn bản ý kiến ngày 23/11/2018 của Công ty cổ phần N: Ngày 22/5/2016, anh T năn nỉ Công ty nhận trước 80.000.000 đồng tiền cọc, ngày 24/5/2016, anh T trả tiền cây lúa ông B1 199.755.000 đồng, ngày 25/5/2016, chốt tiền cọc với anh T thì anh T còn được khoảng chênh lệch tiền lúa 112.000.000 đồng. Tổng cộng 03 khoản này là 391.755.000 đồng, trừ 840.000.000 đồng, còn lại 448.245.000 đồng. Trong quá trình thu thập chứng cứ thể hiện: Anh T có trả tiền cho ông B1 và Công ty cổ phần N thừa nhận anh Phong nhận số tiền 80.000.000 đồng từ anh T. Tổng cộng 279.755.000 đồng. Ngoài ra, các bên đều thừa nhận: Anh T đã giao lúa trừ số tiền đặt cọc là 390.000.000 đồng. Như vậy, anh T đã trừ được tiền cọc tổng cộng 669.755.000 đồng.
Từ nhận xét trên cho thấy: Công ty cổ phần N kháng cáo yêu cầu anh T trả lại cho Công ty số tiền đặt cọc là 448.245.000 đồng chỉ có căn cứ một phần nên chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty cổ phần N.
[5] Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Lê Trung T rút một phần nội dung kháng cáo, không tiếp tục yêu cầu số tiền phạt cọc là 350.000.000 đồng là hoàn toàn tự nguyện, có căn cứ và phù hợp nên chấp nhận.
Hủy một phần bản án sơ thẩm và đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện cùng một phần yêu cầu kháng cáo của ông Lê Trung T đối với số tiền phạt cọc là 350.000.000 đồng.
[6] Ông Huỳnh Thanh T1, đại diện theo pháp luật của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ và ông Lê Hoàng L1, đại diện cho Hợp tác xã M xác định:
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ có khấu trừ cho bà Nguyễn Thị Tr số tiền đặt cọc thay cho ông Lê Trung T là 230.000.000 đồng (Hai trăm ba mươi triệu đồng).
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp M có khấu trừ cho bà Nguyễn Thị Tr số tiền đặt cọc thay cho ông Lê Trung T là 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng).
Nhưng anh T không thừa nhận, vì vậy Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp M có quyền khởi kiện bà Nguyễn Thị Tr đối với số tiền đặt cọc nói trên và ông Lê Trung T đã giao tiền đặt cọc cho nông dân để mua lúa nhưng Công ty Cổ phần N không mua lúa nên mất cọc nên các bên có quyền khởi kiện thành một vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật.
[7] Những sai sót của Tòa cấp sơ thẩm:
- Khấu trừ số tiền 46.800.000 đồng mà Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ thanh toán cho anh Hồ Long H thay anh T vào hợp đồng thu mua lúa vụ hè thu năm 2016 vào ngày 26/3/2016 là chưa phù hợp.
- Tòa cấp sơ thẩm chưa xem xét, đánh giá toàn diện, đầy đủ đối với giấy tờ, tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn, bị đơn xuất trình.
- Tòa cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của anh T yêu cầu Công ty cổ phần N trả cho ông tổng số tiền là 159.381.000 đồng nhưng tại phần Quyết định của bản án dân sự sơ thẩm không tuyên đối với nội dung yêu cầu nói trên mà anh T không được chấp nhận.
- Tính án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của anh T không được chấp nhận là chưa đúng.
Đối với những sai sót nói trên, Tòa án cấp sơ thẩm cần khắc phục và rút kinh nghiệm.
Từ những nhận xét và phân tích nói trên, Hội đồng xét xử: Sửa bản án sơ thẩm.
Do sửa bản án sơ thẩm nên ông Lê Trung T và Công ty cổ phần N không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại Khoản 2 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Ông Lê Trung phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm năm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm đối với việc rút một phần yêu cầu kháng cáo.
Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp phát biểu về việc tuân thủ pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và các đương sự trong quá trình giải quyết vụ án đảm bảo đúng quy định của pháp luật và đề xuất hướng giải quyết sửa bản án sơ thẩm.
Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là có căn cứ và phù hợp nên chấp nhận.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào Khoản 2 Điều 148, Điều 293, điểm b Khoản 1 Điều 299, Khoản 4 Điều 308 và Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự;
Điều 328 và Điều 589 của Bộ luật dân sự;
Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015 và điểm đ Khoản 1 Điều 12, Điều 48 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
Hủy một phần bản án sơ thẩm số 19/2019/DS-ST ngày 20 tháng 6 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện P và đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện, một phần yêu cầu kháng cáo của ông Lê Trung T đối với số tiền phạt cọc là 350.000.000 đồng (Ba trăm năm mươi triệu đồng).
Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Lê Trung T. Chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty cổ phần N.
Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 19/2019/DS-ST ngày 20 tháng 6 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện P.
1. Đình chỉ một phần yêu cầu của ông Lê Trung T yêu cầu đối với số tiền tổng cộng là 262.000.000 đồng (Hai trăm sáu mươi hai triệu đồng).
2. Không chấp nhận một phần yêu cầu của ông Lê Trung T yêu cầu Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ trả cho ông số tiền đặt cọc và chi phí thuê ghe tổng cộng là 185.550.000 đồng (Một trăm tám mươi lăm triệu năm trăm năm mươi nghìn đồng).
3. Chấp nhận một phần yêu cầu của ông Lê Trung T yêu cầu Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ trả lại cho ông tiền đặt cọc của 02 hợp đồng thu mua lúa vụ hè thu năm 2016 vào ngày 26/3/2016 và ngày 13/4/2016 tổng cộng là 574.450.000 đồng (Năm trăm bảy mươi bốn triệu bốn trăm năm mươi nghìn đồng).
4. Buộc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ có trách nhiệm trả lại cho ông Lê Trung T tiền đặt cọc của 02 hợp đồng thu mua lúa vụ hè thu năm 2016 vào ngày 26/3/2016 và ngày 13/4/2016 tổng cộng là 574.450.000 đồng (Năm trăm bảy mươi bốn triệu bốn trăm năm mươi nghìn đồng).
5. Không chấp nhận yêu cầu của ông Lê Trung T yêu cầu Công ty cổ phần N trả lại cho ông số tiền 159.000.000 đồng (Một trăm năm mươi chín triệu đồng).
6. Không chấp nhận một phần yêu cầu của Công ty cổ phần N yêu cầu ông Lê Trung T trả lại cho Công ty số tiền đặt cọc là 278.000.000 đồng (Hai trăm bảy mươi tám triệu đồng).
7. Chấp nhận một phần yêu cầu của Công ty cổ phần N yêu cầu ông Lê Trung T trả lại cho Công ty số tiền đặt cọc là 170.245.000 đồng (Một trăm bảy mươi triệu hai trăm bốn mươi lăm nghìn đồng).
8. Buộc ông Lê Trung T có trách nhiệm trả cho Công ty cổ phần N số tiền đặt cọc là 170.245.000 đồng (Một trăm bảy mươi triệu hai trăm bốn mươi lăm nghìn đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án mà bên phải thi hành án chưa thi hành xong số tiền phải thi hành thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu tiền lãi bằng 50% mức lãi suất theo quy định tại Khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án đến khi thi hành xong.
9. Về án phí:
Ông Lê Trung T phải chịu số tiền 17.246.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Nhưng được khấu trừ tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm mà anh T đã nộp tổng cộng là 33.140.000 đồng (Gồm: Số tiền 22.650.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 02731 ngày 28/6/2016; Số tiền 10.440.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0005346 ngày 18/5/2018; Số tiền 50.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0005370 ngày 30/5/2018) của Chi cục Thi hành án dân sự huyện P, tỉnh Đồng Tháp. Như vậy, anh T được nhận lại số tiền chênh lệch là 15.894.000 đồng (Mười lăm triệu tám trăm chín mươi bốn nghìn đồng).
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đ phải chịu số tiền 26.978.000 đồng (Hai mươi sáu triệu chín trăm bảy mươi tám nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
Công ty cổ phần N phải chịu số tiền 13.900.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Nhưng được khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm do Công ty đã nộp là 11.000.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 15145 ngày 05/10/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện P, tỉnh Đồng Tháp. Như vậy Công ty cổ phần N còn phải nộp tiếp số tiền 2.900.000 đồng (Hai triệu chín trăm nghìn đồng).
- Ông Lê Trung T phải chịu số tiền 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm. Nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0002349 ngày 03/7/2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện P, tỉnh Đồng Tháp.
- Công ty cổ phần N được nhận lại tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0002343 ngày 02/7/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện P, tỉnh Đồng Tháp.
Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự./.
Bản án 372/2020/DS-PT về tranh chấp hợp đồng dân đặt cọc và bồi thường thiệt hại về tài sản
Số hiệu: | 372/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đồng Tháp |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 22/12/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về