TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
BẢN ÁN 372/2017/HSPT NGÀY 20/12/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH TRONG TRẠNG THÁI TINH THẦN BỊ KÍCH ĐỘNG MẠNH
Ngày 20 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 335/2017/HSPT ngày 07 tháng 11 năm 2017 đối với bị cáo Lê Thị T.
Do có kháng cáo của bị cáo và người bị hại đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 28/2017/HSST ngày 26 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện T1.
Bị cáo có kháng cáo:
LÊ THỊ T
- Sinh năm 1991;
- HKTT và chỗ ở: Ấp T2, xã T3, huyện T1, tỉnh Đồng Tháp;
- Nghề nghiệp: Cán bộ y tế;
- Trình độ học vấn: 12/12;
- Con ông Lê Văn V, sinh năm 1962 và bà Châu Thị B, sinh năm 1966;
- Chồng: Nguyễn Văn C, sinh năm 1984;
- Con: Nguyễn Lê B1, sinh ngày 14/8/2013;
- Tiền án, tiền sự: Không;
- Áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú: Ngày 19/5/2017;
- Bị cáo đang tại ngoại (Có mặt tại phiên tòa).
* Người bị hại kháng cáo: Nguyễn Văn C, sinh năm 1984 (Có mặt);
Địa chỉ: Ấp T2, xã T3, huyện T1, tỉnh Đồng Tháp.
* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại: Luật sư Võ Thị B2, Văn phòng luật sư B2, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Đồng Tháp (Có mặt).
Ngoài ra, trong vụ án Viện kiểm sát không kháng nghị.
NHẬN THẤY
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện T1 và bản án của Tòa án nhân dân huyện T1 thì nội dung vụ án tóm tắt như sau:
Lê Thị T là cán bộ y tế, công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện T1, Nguyễn Văn C là y sĩ công tác tại Trạm y tế xã P, huyện T1 là vợ chồng kết hôn vào năm 2012.
Vào khoảng 21 giờ ngày 27/12/2016, anh Nguyễn Văn C kêu Lê Thị T làm mồi và tổ chức uống rượu tại nhà thuộc ấp T2, xã T3 cùng với Nguyễn Văn T4, Phan Văn T5 và Lê Văn T6. Khoảng 23 giờ cùng ngày uống hết 0,5 lít rượu, anh C tiếp tục rủ T5, T6, T4 cùng đi xuống thị trấn T1 để uống rượu tiếp tục. Do T không đồng ý cho anh C đi nên xảy ra mâu thuẫn, trong lúc cự cãi tại nhà sau, anh C dùng tay phải đánh trúng vào vùng mặt của T một cái rồi thay áo sơ mi dài tay, màu trắng đi ra nhà trước, T đi theo và nắm tay anh C kéo lại, anh C tiếp tục dùng tay phải đánh trúng vào mặt T hai cái. Lúc này T4, T5, T6 ra ngoài xe cách nhà anh C khoảng 05m chờ, anh C đi đến xe của T6 thì T đi đến cửa nhà trước, nói với anh C “đi thì đi luôn đừng về nhà nữa”, “còn tụi bây mai mốt đừng có ghé nhà tao, tụi bây ghé nhà tao chủ yếu là phá hoại gia đình tao”. Nghe nói vậy, anh C đi trở lại chỗ T đứng và dùng tay phải lấy mũ bảo hiểm đang đội trên đầu, đánh trúng vào vùng đỉnh đầu, bên trái của T01 cái và tiếp tục dùng tay trái đánh T té xuống nền gạch hai tay chống ra phía sau. Do bị đánh nhiều cái nên tay phải T nhặt được con dao loại dao thái lan, trên lưỡi dao có dòng chữ JINLI-BRAND, phần lưỡi kim loại nhọn, màu trắng dài 11 cm, phần cán dao màu đen dài 12cm, rộng 1,8cm nằm ở vị trí T té (do hôm trước T cắt trái mít ăn bỏ lại) quơ từ dưới lên trên, từ phải qua trái trúng vào vùng mạn sườn trái của anh C 01 nhát và trúng vào phần hố chậu trái của C 01 nhát rồi T bất tỉnh. Sau đó T4, T5, T6 chạy đến đưa anh C đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện T1, sau đó chuyển đến điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Tháp và Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 25/01/2017 anh C ra viện; T bị thương vùng đầu, mặt và gối trái, được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện T1, đến ngày 09/01/2017 T ra viện. Sau đó T thừa nhận hành vi phạm tội của mình tại cơ quan công an huyện T1.
- Tại bản kết luận giám định số: 113/TrT-TTPY ngày 13/4/2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Đồng Tháp, kết luận Nguyễn Văn C:
+ Sẹo vết thương phần mềm mạn sườn trái lành tốt, tỷ lệ thương tật 01%.
+ Sẹo vết thương phần mềm hố chậu trái gây thủng ba lỗ ruột non đã được phẫu thuật xử trí khâu lỗ thủng, tỷ lệ thương tật 36%. Tổng tỷ lệ thương tật: 37% tại thời điểm giám định.
- Tại bản kết luận giám định số: 107/TrT-TTPY ngày 07/4/2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Đồng Tháp, kết luận: Lê Thị T bị đa chấn thương phần mềm vùng đầu, mặt, gối trái không để lại di chứng, không cho tỷ lệ phần trăm, tổn thương trên do vật tày gây ra. Tổng tỷ lệ thương tật: 00% tại thời điểm giám định.
Vật chứng thu giữ chờ xử lý:
- 01 con dao loại dao Thái Lan dài 23 cm, rộng 1,8 cm, cán dao bằng gỗ màu đen dài 12 cm, lưỡi dao bằng kim loại màu trắng dài 11cm, đầu mũi dao sắt nhọn, trên bề mặt lưỡi dao có ký hiệu dòng chữ JINLI-BRAND.
- 01 (một) mủ bảo hiểm màu trắng, có sọc trên đỉnh màu trắng-xanh-đỏ, nhãn hiệu MOBIFONE đã qua sử dụng.
- 01 áo loại vải, tay dài, màu trắng, nút bóp bằng kim loại màu trắng, cách vải nút bên trái 19cm và cách loại áo 10,05cm có một vết rách áo bề mặt nham nhở, không rõ kích thước 02cm x 0,4cm, xung quanh có dính nhiều chất màu đỏ.
Về trách nhiệm dân sự:
Tại cơ quan công an anh C yêu cầu T phải bồi thường tiền thuốc, tiền viện phí điều trị là 13.036.200đ, tiền ngày công lao động trong những ngày nằm viện, tiền ngày công lao động cho anh C là 39 ngày x 150.000đ/ ngày = 5.850.000đ, tiền công lao động của người nuôi bệnh là 20 ngày x 150.000đ/ ngày= 3.000.000đ), bồi thường tổn thất tinh thần 02 tháng lương cơ bản 1.300.00đ x 2 tháng = 2.600.000đ, tổng cộng là 24.486.000đ. Ngày 07/7/2017 bị cáo đã khắc phục hậu quả bồi thường thiệt hại sức khỏe cho anh C 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng). Anh C đồng ý và đã nhận đủ số tiền trên đồng thời không yêu cầu bị can T bồi thường thêm về dân sự.
Tại phiên tòa anh C yêu cầu bị cáo bồi thường trách nhiệm dân sự và chi phí điều trị gồm các hóa đơn: Hóa đơn thu tiền ngày 01/01/2017: 136.067đ; ngày 10/01/2017: 2.346.154đ; ngày 20/01/2017: 3.341.056đ; tiền ngày 22/01/2017: 738.314đ; ngày 25/01/2017: 470.506đ; ngày 25/01/2017: 6.004.103đ, tổng cộng tiền chi phí điều trị là 13.036.000đ. Ngoài ra anh C yêu cầu T bồi thường tiền ngày công lao động cho anh C trong những ngày nằm viện và dưỡng bệnh là 39 ngày mỗi ngày là 150.000đ x 39 ngày = 5.850.000đ, tiền công lao động của người nuôi bệnh là 20 ngày mỗi ngày 150.000đ x 20 ngày = 3.000.000đ, tiền tổn thất tinh thần bằng 60 tháng lương cơ bản là 1.300.000đ x 60 tháng = 78.000.000đ, tổng cộng các khoảng là 99.886.000đ, bị cáo đã khắc phục được 20.000.000đ. Nay anh C yêu cầu T phải khắc phục tiếp số tiền là 79.886.000đ (Bảy mươi chín triệu, tám trăm tám mươi sáu nghìn đồng).
Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 28/2017/HSST ngày 26/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện T1 đã quyết định:
Tuyên bố bị cáo Lê Thị T phạm tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.
Áp dụng khoản 1 Điều 105; điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999.
Xử phạt bị cáo Lê Thị T 03 (ba) năm cải tạo không giam giữ.
Thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ tính từ ngày Ủy ban nhân dân xã T3, huyện T1 nhận được Bản án và Quyết định thi hành án.
Giao bị cáo T cho Ủy ban nhân dân xã T3, huyện T1, tỉnh Đồng Tháp giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian bị cáo chấp hành án.
Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015.
Buộc bị cáo T có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh C các khoản như sau:
Bồi thường thiệt hại cho anh C tiền điều trị, viện phí: 13.036.000đ, tiền ngày công lao động của C: 5.850.000đ, tiền công lao động của người nuôi bệnh là 3.000.000đ, tiền tổn thất tinh thần là 30 tháng lương cơ sở bằng 39.000.000đ, tổng cộng các khoản là 60.886.000đ (Sáu mươi triệu, tám trăm tám mươi sáu nghìn đồng). Bị cáo đã khắc phục bồi thường cho anh C được 20.000.000đ, buộc bị cáo T bồi thường tiếp cho anh C là 40.886.000đ (Bốn mươi triệu, tám trăm tám mươi sáu nghìn đồng).
Kể từ ngày anh C có đơn yêu cầu thi hành án, mà bị cáo T chưa thi hành xong số tiền trên; thì hàng tháng phải chịu lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015 vào từng thời điểm thi hành án đối với số tiền chậm thi hành.
Ngoài ra, án sơ thẩm còn xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.
Ngày 10 tháng 10 năm 2017, bị cáo Lê Thị T có đơn kháng cáo với nội dung xin được hưởng mức án nhẹ hơn án sơ thẩm xử.
Ngày 07 tháng 10 năm 2017, người bị hại Nguyễn Văn C có đơn kháng cáo với nội dung không đồng ý với tội danh án sơ thẩm xử bị cáo tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” mà phải xử bị cáo Lê Thị T tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự và xử tù giam bị cáo. Về trách nhiệm dân sự, anh C không đồng ý khoản tiền bồi thường tổn thất tinh thần là 30 tháng lương mà anh yêu cầu bị cáo phải bồi thường 60 tháng lương cơ bản.
Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát tỉnh đề nghị: Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 248, điểm C khoản 1 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự. Không chấp nhận kháng cáo xin thay đổi tội danh, xử tù giam bị cáo và tăng tiền bồi thường tổn thất tinh thần của người bị hại Nguyễn Văn C. Chấp nhận kháng cáo xin giảm mức án nhẹ hơn án sơ thẩm xử của bị cáo Lê Thị T, sửa quyết định bản án sơ thẩm về hình phạt.
Ý kiến bào chữa bảo vệ quyền lợi của luật sư cho người bị hại Nguyễn Văn C: Luật sư cho rằng theo bị cáo Lê Thị T khai lúc bị bắt bị cáo thừa nhận sử dụng dao đâm anh C. Như vậy hành vi của bị cáo là cố ý thực hiện hành vi phạm tội và đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích”. Án sơ thẩm chưa điều tra làm rõ hành vi của bị cáo là sử dụng dao đâm hay quơ anh C và còn nhiều vấn đề mâu thuẫn nên cần hủy án sơ thẩm để điều tra làm rõ. Về trách nhiệm dân sự, anh C không đồng ý khoản tiền bồi thường tổn thất tinh thần là 30 tháng lương mà phải bồi thường 60 tháng lương cơ bản, đó là kháng cáo của anh C luật sư không có ý kiến.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, ý kiến bảo vệ của luật sư, lời khai bị cáo, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác.
XÉT THẤY
Bị cáo Lê Thị Thùy T là cán bộ y tế, công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện T1, còn anh Nguyễn Văn C (người bị hại) là y sĩ công tác tại Trạm y tế xã P. Bị cáo và anh C kết hôn với nhau vào năm 2012 và sống với nhau có một người con tên Nguyễn Lê B1 sinh ngày 14/8/2013. Bị cáo và anh C cùng con gái sống tại nhà riêng. Trước khi xảy ra vụ án thì cuộc sống của vợ chồng vẫn bình thường không có mâu thuẫn gì lớn. Vào tối ngày 27/12/2016, anh C kêu bị cáo làm mồi và tổ chức uống rượu tại nhà cùng với 3 người bạn uống rượu tại nhà và cũng không có việc gì xảy ra.
Nhưng sau khi uống rượu tại nhà anh C lại chủ động rủ các bạn T5, T6, T4 cùng đi xuống thị trấn T1 để uống rượu tiếp tục. Bị cáo là vợ ngăn cản anh C không cho đi uống rượu tiếp nên xảy ra mâu thuẫn. Anh C không suy nghĩ vì thương anh nên bị cáo mới ngăn cản, nhưng nhà có bạn bè anh C thừa nhận có dùng tay đánh vào mặt của bị cáo. Lúc này anh C vẫn chọn bạn bè nên thay áo đi với bạn bè, bị cáo nắm tay anh C lại thì tiếp tục bị anh C tát tiếp hai cái vào mặt. Các anh T4, T5, T6 ra ngoài xe cách nhà anh C khoảng 05m chờ. Bản thân bị cáo lúc này cũng không biết kiềm chế và đứng trước cửa nhà nói vọng theo “đi thì đi luôn đừng về nhà nữa”, “còn tụi bây mai mốt đừng có ghé nhà tao, tụi bây ghé nhà tao chủ yếu là phá hoại gia đình tao” việc bị cáo nói như vậy cũng không đúng.
Đáng lý ra khi nghe bị cáo nói vậy anh C phải chọn ở nhà để bảo vệ gia đình hạnh phúc hoặc chọn cùng bạn bè bỏ đi uống rượu luôn thì không có việc gì xảy ra. Nhưng anh C lại đi vào nhà chỗ bị cáo đứng trước cửa nhà và lấy mũ bảo hiểm đang đội trên đầu đánh vào vùng đỉnh đầu làm bị cáo té xuống nền nhà. Anh C vẫn không buông tha cho bị cáo mà tiếp tục dùng tay đánh tiếp vào mặt bị cáo nhiều cái. Do bị đánh nhiều nên bị cáo lấy con dao loại dao thái lan tại nơi bị cáo té (con dao hôm trước cắt trái mít ăn bỏ lại) lúc bị cáo khai đâm, lúc khai quơ, nhưng tư thế khai không thay đổi là nằm dưới nền nhà cầm dao gây ra vết thương vùng mạn sườn trái và phần hố chậu trái của C và tỷ lệ thương tật của anh C theo giám định 37% do bị cáo gây ra.
Hành vi phạm tội của bị cáo án sơ thẩm xử về tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” là hoàn toàn có căn cứ. Vì hành vi của anh C đã kích động tinh thần của bị cáo như dùng tay tát bị cáo nhiều cái và sử dụng nón bảo hiểm đánh vào vùng đầu bị cáo té xuống nền nhà. Phù hợp theo giám định bị đa chấn thương phần mềm vùng đầu, mặt, gối trái không để lại di chứng và tổn thương của bị cáo là do vật tày gây ra. Bị cáo lấy con dao tại nơi bị cáo té để chống đỡ lại anh C. Lời khai người làm chứng Nguyễn Văn T4 (BL 74) nhìn thấy anh C cầm nón bảo hiểm chạy vào nhà đánh bị cáo té xuống nền nhà, anh T5 là người chứng kiến cũng chạy đến can ngăn giữa bị cáo và anh C. Sau khi án sơ thẩm xử anh C yêu cầu chuyển đổi tội danh bị cáo sang tội “Cố ý gây thương tích” và xử tù giam bị cáo là không có căn cứ chấp nhận như nhận định trên. Ngoài ra anh C cho rằng anh mới đi đến cửa chưa đánh thì bị cáo đã đứng đối diện đâm vào hố chậu phải là không có căn cứ. Lời khai của anh C mâu thuẫn với lời khai anh T4 là bạn anh. Bản thân bị cáo hiện nay cũng là người nuôi con chung giữa bị cáo và anh C, nên án sơ thẩm xử bị cáo hình phạt cải tạo không giam giữ là có căn cứ.
Xét kháng cáo của bị cáo xin giảm mức hình phạt cải tạo không giam giữ là có căn cứ để chấp nhận. Vì theo Bộ luật hình sự năm 1999 quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật hình sự, thì mức hình phạt cải tạo không giam giữ cao nhất 01 năm. Còn Bộ luật hình sự năm 2015 quy định tại khoản 1 Điều 135 thì hình phạt cải tạo không giam giữ cao nhất đến ba năm. Án sơ thẩm áp dụng Bộ luật hình sự năm 2015 để xử là bất lợi cho bị cáo, là trái với Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối Cao hướng dẫn, nên chấp nhận kháng cáo của bị cáo và giảm hình phạt cho bị cáo một phần hình phạt cải tạo không giam giữ là phù hợp với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát.
Về trách nhiệm dân sự: Anh C kháng cáo không đồng ý khoản tiền bồi thường tổn thất tinh thần là 30 tháng lương x 1.300.000đ bằng 39.000.000đ, anh yêu cầu bị cáo phải bồi thường 60 tháng lương cơ bản là không có căn cứ để chấp nhận, cao hơn quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 và bị cáo cũng không tự nguyện đồng ý bồi thường theo yêu cầu của anh C. Ngoài ra xét thấy trong vụ án này về phía anh C cũng có lỗi đã dẫn đến cho bị cáo không kiềm chế bản thân mà dẫn đến phạm tội. Án sơ thẩm xử mức bồi thường tổn thất tinh thần là 30 tháng lương cơ bản là có căn cứ và phù hợp theo quy định của pháp luật. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của anh C, giữ nguyên quyết định bản án sơ thẩm về phần tổn thất tinh thần và phù hợp với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát.
Các phần khác của quyết định bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Do kháng cáo của bị cáo được chấp nhận nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Kháng cáo của anh C không được chấp nhận, nhưng miễn án phí hình sự phúc thẩm cho anh C.
Vì các lẽ trên,
Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 248, điểm C khoản 1 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự.
QUYẾT ĐỊNH
Không chấp nhận kháng cáo thay đổi tội danh, xử tù giam đối với bị cáo và tăng mức bồi thường tiền tổn thất tinh thần của người bị hại Nguyễn Văn C.
Chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ mức hình phạt cải tạo không giam giữ của bị cáo Lê Thị T. Sửa quyết định bản án sơ thẩm về hình phạt cải tạo không giam giữ.
Tuyên bố: Bị cáo Lê Thị T phạm tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.
Áp dụng: Khoản 1 Điều 105; điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Lê Thị T 09 (chín) tháng cải tạo không giam giữ. Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.
Giao bị cáo Lê Thị T cho UBND xã T3, huyện T1, tỉnh Đồng Tháp giám sát, giáo dục trong thời gian chấp hành án.
Các phần khác của quyết định bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Về án phí: Bị cáo Lê Thị T và anh Nguyễn Văn C không phải nộp tiền án phí hình sự phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 372/2017/HSPT ngày 20/12/2017 về tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
Số hiệu: | 372/2017/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đồng Tháp |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 20/12/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về