TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
BẢN ÁN 37/2024/DS-PT NGÀY 25/03/2024 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ
Ngày 25 tháng 3 năm 2024 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh T mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 62/2023/TLPT-DS ngày 05 tháng 10 năm 2023 về tranh chấp thừa kế.
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 06/2023/DS-ST ngày 05 tháng 6 năm 2023 của Toà án nhân dân thành phố Phổ Yên bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 75/QĐPT-DS ngày 06 tháng 11 năm 2023 giữa các đương sự:
1. Đồng nguyên đơn :
1.1. Ông Chu Văn B, sinh năm 1955;
Địa chỉ: Buôn E, xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk (có mặt tại phiên toà).
1.2. Ông Chu Văn T, sinh năm 1957;
Địa chỉ: Xóm D, xã P, thành phố P, tỉnh T (có mặt tại phiên toà).
1.3. Bà Chu Thị D, sinh năm 1961;
Địa chỉ: Xóm D, xã P, thành phố P, tỉnh T (vắng mặt tại phiên toà).
Uỷ quyền cho ông Chu Văn T ngày 22/3/2024, ông T có mặt tại phiên toà.
1.4. Bà Chu Thị K, sinh năm 1965;
Địa chỉ: Xóm D, xã P, thành phố P, tỉnh T (vắng mặt tại phiên toà). Uỷ quyền cho ông Chu Văn T ngày 21/3/2024, ông T có mặt tại phiên toà.
1.5. Ông Chu Văn K1, sinh năm 1969;
Địa chỉ: Xóm D, xã P, thành phố P, tỉnh T (có mặt tại phiên toà).
1.6. Bà Chu Thị T1, sinh năm 1963;
Địa chỉ: Xóm B, xã P, thành phố P, tỉnh T (vắng mặt tại phiên toà). Uỷ quyền cho ông Chu Văn T ngày 22/3/2024, ông T có mặt tại phiên toà.
1.7. Ông Chu Văn T2, sinh năm 1973;
Địa chỉ: Tổ B (nay là tổ I), phường T, thành phố T, tỉnh T (chết tháng 12/2021).
Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông T2: Bà Lê Thị Hồng T3, sinh năm 1972; (vợ ông T2); chị Chu Thị Thùy D1, sinh năm 1996 (con gái ông T2); anh Chu Minh Q, sinh ngày 07/3/2008 (con trai ông T2. Người giám hộ hợp pháp cho anh Q: Bà Lê Thị Hồng T3 là mẹ đẻ anh Q). Bà T3, chị D1, anh Quân ủy q cho ông T ngày 25/02/2024, ông T có mặt tại phiên toà).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Chu Văn T: Ông Phạm Trung K2, Luật sư thuộc Công ty L3, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh T, ông K2 có mặt tại phiên toà).
2. Đồng bị đơn:
2.1 Ông Chu Văn V, sinh năm 1967;
2.2. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1968 (vợ ông V);
Địa chỉ: Xóm A, xã P, thành phố P, tỉnh T. (ông V, bà H đều có mặt tại phiên toà).
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1 Ủy ban nhân dân thành phố P;
Người đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Văn L - Chủ tịch UBND thành phố P, tỉnh T.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Tuấn L1 - Chức vụ: Phó trưởng phòng, Phòng Tài nguyên & Môi trường thành phố P, tỉnh T (Giấy ủy quyền số 05/GUQ ngày 29/7/2021, ông L1 vắng mặt).
3.2. Anh Chu Văn C, sinh năm 1995 (con trai ông V) 3.3. Chị Triệu Thị L2, sinh năm 1995 (vợ anh C);
Đều địa chỉ: Xóm A, xã P, thành phố P, tỉnh T (anh C có mặt, chị L2 vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm ông Chu Văn B, ông Chu Văn T (là nguyên đơn đồng thời là người đại diện theo uỷ quyền của các đồng nguyên đơn còn lại), trình bày: Bố mẹ các ông bà là cụ Chu Văn S chết năm 2008 và mẹ là cụ Trương Thị M chết năm 2011. Bố mẹ ông sinh được 08 (tám) người con gồm: Ông Chu Văn B, ông Chu Văn T, bà Chu Thị D, bà Chu Thị T1, bà Chu Thị K, ông Chu Văn K1, ông Chu Văn V, ông Chu Văn T2 (ông T2 chết năm 2021, vợ ông T2 là bà Lê Thị Hồng T3 và 02 con đẻ của ông T2 là cháu Chu Thị Thùy D1 và Chu Văn Q1). Bố mẹ ông không có con nuôi, con riêng nào khác.
Khi bố mẹ các ông bà chết có để lại 01 quyển sổ trong đó có 01 bản di chúc tóm tắt do bố các ông bà viết tại tờ số 18 gồm nhiều nội dung trong đó Điều 4 có nội dung liên quan đến tài sản “Thổ cư Bời lời bán cho V 14 triệu đã lấy 3 triệu để lo việc, xong việc bố lo cho mẹ 4 triệu về ở với anh B, giao cho anh B (còn lại 4 triệu sau từ 1 đến 3 năm trả nốt 4 triệu giao cho anh T để lo tiếp nhiều việc bởi anh T chưa được hưởng mà lo vẫn phải lo” . Nội dung này ghi vào ngày 19/11/1999 và bố các ông bà ký chữ “Chu Văn”. Đây là nội dung bố các ông bà bán cho ông Chu Văn V, vợ là bà Nguyễn Thị H diện tích đất canh tác 1.080m2 và 612 m2 đất chè, kèm theo giấy tờ mua bán và văn bản họp gia đình bán cho ông V là diện tích có trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bố các ông bà. Quá trình chung sống, bố mẹ các ông bà có khai hoang, tạo lập được khối tài sản là đất ở, đất canh tác và đất rừng P, cụ thể: Đất thổ cư 540m2 tại thửa số 42, tờ bản đồ số 37; tài sản trên đất là 03 gian nhà xây cấp 4 máng thượng, diện tích sử dụng là 52m2, khu chuồng trại chăn nuôi gồm 03 gian diện tích 35m2 và cây cối trên đất (03 cây vải, 01 cây xoài, 01 cây nhãn);
Đất canh tác tại 07 thửa, gồm: Thửa số 27, tờ bản đồ số 37, diện tích 750m2; Thửa số 40, tờ bản đồ số 37, diện tích 236m2; Thửa số 39, tờ bản đồ số 37 diện tích 324m2; Thửa số 16, tờ bản đồ số 37, diện tích 338m2; Thửa số 31, tờ bản đồ số 37, diện tích 352m2; Thửa số 41, tờ bản đồ số 37 diện tích 170m2; Thửa số 45, tờ bản đồ số 37, diện tích 130m2 và 1.662m2 đất chè tại 03 thửa, gồm: Thửa số 17, tờ bản đồ số 37 diện tích 758m2; Thửa số 25, tờ bản đồ số 37, diện tích 584m2; Thửa số 22, tờ bản đồ số 37, diện tích 320m2. Toàn bộ các thửa đất trên đều ở tại xã P, thành phố P, tỉnh T và đã được UBND huyện P (nay là thành phố P) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 18/4/1994, mang tên cụ Chu Văn S. Ngoài ra còn có diện tích 720m2 đất ao và đất vườn tạp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích 1,2 ha đất rừng keo do bố mẹ các ông bà trồng có sổ lâm bạ của Nhà nước, trên đất bố mẹ các ông bà trồng keo (hiện nay ông V, bà H đã khai thác gần hết cây và 01 ha đất rừng bố mẹ cho ông B năm 2003, ông B đã trồng cây và hiện đã thu hoạch cây trên đất). Bố mẹ ông và các con sinh sống, làm ăn trên diện tích này từ năm 1979 và không có tranh chấp với ai.
Thời điểm bố mẹ các ông bà còn sống thì mẹ ông (cụ M) ở một mình tại khu đất hiện đang tranh chấp cho đến khi chết, còn bố các ông bà là cụ S ở cùng với ông B đến 12/11/2007 (âm lịch) thì bố các ông bà về nhà ông V chơi được khoảng một tháng thì chết (13/12/2007 âm lịch). Ngày 11/7/2011 (âm lịch) thì mẹ các ông bà là cụ M chết. Tháng 4 năm 2014 thì vợ chồng ông V, bà H tự ý cho con trai là Chu Văn C đến ở một thời gian thì ngôi nhà cũng bỏ hoang. Sau khi bố mẹ các ông bà chết, vợ chồng ông V và bà H đã dùng máy múc làm biến dạng đất, tự ý làm nhà trên đất, cắt phá rừng keo của bố mẹ để lại, anh em trong gia đình không đồng ý nên tổ chức họp gia đình ông B đọc bản di chúc cụ S để lại ngày 12/11/2007 với nội dung: “Diện tích đất trong bìa đỏ đã bán cho vợ chồng V Hoa năm 1995 là 03 sào đất ruộng và 612m2 chè”, khi đó vợ chồng ông V bà H không có ý kiến gì, ông B nói giá bán toàn bộ đất là 500.000.000 đồng trừ đi diện tích đất đã bán cho vợ chồng Vượng H1, trong di chúc cụ S xác định ưu tiên bán cho ông V nhưng ông V bà H1 nói đắt và yêu cầu giá là 150.000.000 đồng thì mới mua. Tuy nhiên, các anh em trong gia đình không đồng ý. Đến đầu năm 2014 vợ chồng ông V bà H1 đi khai thác gỗ tại rừng keo 1,2 ha, làm bếp cho con trai tại nền bếp cũ trên thửa đất ở của bố mẹ. Đến tháng 7/2012, anh em trong gia đình họp tiếp tục bàn chuyện bán đất thì ông V nói đã mua ½ số đất của bố sau đó có đưa ra 04 tờ giấy xác định việc mua bán đất:
Giấy thứ nhất có nội dung “Bàn giao ruộng đất: Họ tên tôi Chu Văn S nay giao cho anh V, chị H1 làm bao gồm 50% nhà và công trình phụ. 1. Phần ruộng đất và 1 bãi chè... 2. Cây keo từ đường điện... Ngày 10 tháng Chạp năm Mậu Dần”;
Giấy thứ 2 có nội dung: “Đơn xin chuyển ruộng đất: Họ và tên tôi Chu Văn S nay tôi xin chuyển số chè = 612m2 quy thóc 12,2 kg, ruộng cấy lúa diện tích = 1141m2 quy thóc 20,55 kg quy số thóc thuế sang anh Chu Văn V nộp kể từ năm 2001 đổ về sau này... ngày 29 tháng 5 năm 2001...”;
Giấy thứ 3 có nội dung: “Sổ ghi tiền. Tổng số 7.000.000 đồng để lại lâu dài, bốn triệu rành sau này, cần chi trả nợ gấp ba triệu kể từ ngày 10 tháng Chạp đến hết ngày 30 tháng giêng năm Kỷ Mão...”;
Giấy thứ 4 có nội dung: “Tôi Chu Văn S đã nhận số tiền của anh V chị H1 năm 1998 bằng ba triệu...ngày 14 tháng 3 năm 2000”.
Sau khi xem xét các giấy tờ trên, các anh em trong gia đình xác định chỉ có tờ giấy thứ 2 với nội dung “Đơn xin chuyển ruộng đất: Họ và tên tôi Chu Văn S nay tôi xin chuyển số chè = 612m2 quy thóc 12,2 kg, ruộng cấy lúa diện tích = 1141m2 quy thóc 20,55 kg quy số thóc thuế sang anh Chu Văn V nộp kể từ năm 2001 đổ về sau này...” lập ngày 29/5/2001 là do cụ S viết còn các giấy tờ khác thì không phải do cụ S viết. Ông B và các anh em nói với vợ chồng ông V bà H1 không chấp nhận 03 tờ giấy còn lại với lý do chữ viết không phải của bố là cụ S, không có chữ ký của mẹ, không được thông báo cho các con, hơn nữa từ khi bố mẹ chết đã có nhiều cuộc họp (5, 6 lần) nhưng ông V không tham gia họp mà chỉ cho vợ họp, đến thời điểm năm 2014 mới xuất trình các giấy tờ này.
Ngoài số diện tích đất đã bán cho ông V, bà H1 diện tích đất canh tác là 1.141m2 và 612m2 đất chè thì toàn bộ diện tích đất còn lại và tài sản trên đất bố mẹ chưa bán, khi bố mẹ còn sống vẫn do bố mẹ quản lý, sử dụng. Hiện nay toàn bộ diện tích đất là di sản của bố mẹ để lại do ông V, bà H1 chiếm giữ: đã phát toàn bộ các bãi chè, múc đất và san phẳng các đồi chè, trồng chè mới; bếp cũ đã đổ nên đã làm bếp mới; rừng keo thì đã khai thác gần hết; đối với nhà và đất thổ cư thì đã cho con trai về ở. Sau thời gian dài tổ chức hòa giải trong gia đình không được, ông B đã làm đơn khởi kiện đối với ông Chu Văn V và bà Nguyễn Thị H yêu cầu giải quyết:
Chia toàn bộ di sản thừa kế cho 08 người con trong gia đình đối với đất và tài sản trên đất của cụ Chu Văn S được cấp giấy chứng nhận năm 1994.
Trước khi mở phiên tòa và tại phiên tòa sơ thẩm ông B cùng các đồng thừa kế có mặt nhất trí không yêu cầu khởi kiện đối với diện tích đất rừng 1,2 ha trồng cây keo và diện tích đất bố mẹ đã bán cho ông V và bà H tại thửa số 25, thửa số 26, thửa 27, thửa 41 trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cụ S. Ngoài ra không yêu cầu chia đối với các thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là thửa số 28, 29, 37 cùng tờ bản đồ 37 (74-III), thuộc xã P. Đối với thửa đất số 22, cùng tờ bản đồ số 37 (74- III) là đất chè, diện tích 320m2, trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bố các ông bà là cụ Chu Văn S thì ông V, bà H cũng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa số 22, tờ bản đồ 37, diện tích 320m2 mục đích sử dụng là đất chè do UBND huyện P cấp năm 2013 là sau khi bố, mẹ các ông bà đều đã chết. Việc cấp giấy chứng nhận cho ông V, bà H là sai quy định của pháp luật, nhưng gia đình các ông bà không yêu cầu huỷ giấy chứng nhận đã cấp cho ông V, bà H đối với thửa đất số 22 này và nhất trí chia cho ông V, bà H thửa đất này và đề nghị UBND thành phố P điều chỉnh giảm diện tích và số thửa trên giấy chứng nhận của cụ S cấp năm 1994.
Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn ông Chu Văn T2 (chết năm 2021): bà Lê Thị Hồng T3 (vợ ông T2); chị Chu Thị Thùy D1 và anh Chu Minh Q (là các con đẻ của ông T2), trình bày:
Năm 2021 ông T2 bệnh nặng qua đời nay bà và các con được hưởng thừa kế một phần tài sản của bố mẹ ông T2 để lại bà và các con của ông T2 nhất trí. Đề nghị Toà án căn cứ vào quy định của pháp luật giải quyết.
Bị đơn vợ chồng ông Chu Văn V, trình bày: Về tài sản trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ngày mất của bố mẹ là đúng như các nguyên đơn trình bày. Tuy nhiên, trong giấy chứng nhận có 04 sào ruộng bố mẹ cho vợ chồng ông tại thổ cư Bờ Lời năm 1987. Việc bố mẹ cho các anh chị em đều biết. Từ năm 1987 vợ chồng ông bà đã sử dụng đóng thuế theo quy định của pháp luật. Năm 1998 cả gia đình đã họp có đủ cả 8 anh, chị em và bố mẹ ngoài ra không có ai làm chứng, có lập biên bản xác định 0,9 ha trong tổng số 1,2 ha đất rừng và ½ đất thổ cư trị giá 7.000.000đ. Đến năm 2000 bố ông nhận hết tiền và có nói khi nào bố mất thì toàn bộ tài sản giao cho vợ chồng ông bà quản lý và có trách nhiệm trả cho bác cả 7.000.000đ thì vợ chồng ông được quyền sử dụng toàn bộ diện tích có trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến nay số tiền này vợ chồng ông chưa trả cho ông B. Năm 2009 anh em đưa ra cuộc họp gia đình nhiều lần thì các bác đều xác định nếu mua bán thì với giá 500.000.000đ toàn bộ tài sản bố mẹ để lại mà chưa trừ đi ½ diện tích bố ông đã bán cho vợ chồng ông thì không đòi lại được. Nay ông B và các anh, chị em đề nghị chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại, ông xác định đất đai và nhà cửa bố mẹ đã bán cho vợ chồng ông từ trước khi chết nên không còn là di sản thừa kế. Ông và bà H chỉ có trách nhiệm trả cho các nguyên đơn 7.000.000đ nữa thì ông được toàn quyền sử dụng diện tích đất của bố mẹ để lại.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khai:
- Đại diện UBND thành phố P trình bày: Hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông V, bà H năm 2013 không còn lưu trữ. Tuy nhiên, trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cụ Chu Văn S được cấp năm 1994 chưa được điều chỉnh giảm diện tích. Như vậy, có sự trùng lấn thửa đất cấp cho hai đối tượng. Do vậy, đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Toà án cấp sơ thẩm đã tiến hành đo đạc, thẩm định, định giá và đưa ra xét xử. Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phổ Yên phát biểu quan điểm: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của đồng nguyên đơn về việc chia di sản thừa kế của cụ Chu Văn S và cụ Trương Thị M tại thửa đất thổ cư số 42, tờ bản đồ số 37, diện tích 540m2 và các thửa đất canh tác tại thửa số 40, 39, 31, 5, 16, tờ bản đố số 37; Thửa đất chè tại thửa số 17, 22, tờ bản đồ số 37; vị trí các thửa đất tại xóm A, xã P, P, T. Đối với di sản thừa kế đất chè tại các thửa 25, 26, 27, 28, 28 và diện tích 1,2 đất rừng và đất ao, ông B và các đồng thừa kế đã rút yêu cầu này do vậy, đình chỉ giải quyết đối với nội dung yêu cầu này.
Với nội dung nêu trên tại bản án số 06/2023/DS-ST ngày 05 tháng 6 năm 2023 của Toà án nhân dân thành phố Phổ Yên đã xét xử và quyết định:
Áp dụng: Điều 609, 611, 612, 613, 623, 649, 650, 651, Điều 660, điểm b khoản 1 Điều 688 của Bộ luật Dân sự; Khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 39, Điều 147, điểm c khoản 1 Điều 217, Điều 227, Điều 228; Điều 244, Điều 266, 267, 271, Điều 273 của Bộ luật Tố tụng Dân sự; Điều 100, 101, Điều 203 của Luật đất đai năm 2013.Điều 2 Luật người cao tuổi; Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 -12 - 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Chu Văn B và các đồng nguyên đơn về yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Chu Văn S và cụ Trương Thị M để lại theo pháp luật.
1. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện đối với: Đất rừng Pam tại lô B, khoảnh 24 a, tiểu khu B, bản đồ quy hoạch 3 loại rừng xã P năm 2013; Thửa số 24, diện tích 216m2; thửa 25, diện tích 584m2; thửa số 28, diện tích 133m2; thửa số 29 diện tích 197m2; thửa số 26 và 27; thửa 41 do không có số thửa trên sơ đồ địa chính; thửa số 37 đều cùng tờ bản đồ 74 - III tại xã P, thành phố P, do các đồng nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện không yêu cầu phân chia.
2. Công nhận quyền sử dụng đất trồng chè tại thửa 16, tờ bản đồ 74-III, diện tích thực tế 802m2, chênh lệch so với giấy chứng nhận được cấp (464m2) là di sản thừa kế của cụ S và cụ M.
3. Xác định di sản thừa kế của của cụ Chu Văn S và cụ Trương Thị M để lại theo pháp luật gồm: Đất ở 502,3m2 và 2.695,4m2 đất trồng chè và đất canh tác là di sản thừa kế phân chia theo quy định của pháp luật.
4. Phân chia di sản như sau:
4.1. Chia cho ông Chu Văn B được hưởng di sản là quyền sử dụng 402,3m2 đất ở tại thửa số 42, tờ bản đồ 37 (74 -III). Vị trí đất thuộc xóm A, xã P, thành phố P, tỉnh T. Trị giá 260.690.400đ (hai trăm sáu mươi triệu, sáu trăm chín mươi ngàn, bốn trăm đồng). Theo sơ đồ phân chia, vị trí số (1), được giới hạn bởi các điểm 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 14a, 4. Tài sản trên đất: Trên phần đất giao ông Chu Văn B được quyền sở hữu, sử dụng: Nhà ở mái bằng bê tông máng thượng và buồng lồi; sân láng xi măng; chuồng lợn cũ hỏng không còn giá trị sử dụng. Về cây trồng trên đất: Các đương sự nhất trí khi chia thừa kế đất của ai có tài sản cây trên đất thì người đó được quyền sử dụng không tính giá trị, không yêu cầu trích chia. Ông Chu Văn B được hưởng di sản thừa kế là quyền sử dụng đất chè diện tích 802m2 tại thửa số 16, tờ bản đồ 37 (74-III). Vị trí thuộc xã P, thành phố P, tỉnh T (trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi đất canh tác). Giá trị đất là 66.806.000đ.
4.2. Chia cho ông Chu Văn V được hưởng di sản thừa kế của cụ Chu Văn S và cụ Trương Thị M là quyền sử dụng đất ở, đất chè, đất nông nghiệp, cụ thể như sau: Quyền sử dụng 100m2 đất ở tại thửa 42, tờ bản đồ 37 (74 -III). Vị trí đất thuộc xóm A, xã P, thành phố P, tỉnh T. Giá trị tài sản là 64.800.000đ (sáu mươi bốn triệu, tám trăm ngàn đồng). Theo sơ đồ phân chia vị trí số (2), được giới hạn các điểm: 1, 2, 3, 14a, 14, 15, 16, 1. Đất canh tác và đất chè: Giao cho ông Chu Văn V được quyền sử dụng thửa số 45, tờ bản đồ 37 (74 -III), diện tích 125,7m2 (đất canh tác). Giao cho ông Chu Văn V, bà Nguyễn Thị H được quyền sử dụng đất tại thửa số 22, tờ bản đồ 37 (74 -III), diện tích 316m2 đất chè (đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 26/4/2013 mang tên Chu Văn V và Nguyễn Thị H), diện tích đo thực tế là 316m2. Vị trí đất thuộc xã P, thành phố P, tỉnh T; Tổng diện tích đất nông nghiệp và đất chè 441,7m2. Giá trị đất 441,7 m2 x 83.300đ/m = 36.793.000đ. Trên phần đất giao cho ông V và bà H có Nhà mái ngói kết cấu gỗ, nền láng vữa xi măng diện tích 36m2 (do ông V và bà H xây dựng) có giá 16.263.000đ;
4.3. Chia cho ông Chu Văn T được hưởng di sản thừa kế là quyền sử dụng đất của cụ Chu Văn S và cụ Trương Thị M, diện tích 420,8m2, thửa số 17, tờ bản đồ 74 -III, đất canh tác, theo sơ đồ thửa đất vị trí số 2; giá trị đất 420,8 x 83.300đ = 35.052.000đ.
4.4. Giao cho ông Chu Văn K1 được hưởng di sản thừa kế là quyền sử dụng đất của cụ Chu Văn S và cụ Trương Thị M, diện tích 337m2, thửa số 17, tờ bản đồ 74 -III, đất canh tác, theo sơ đồ thửa đất vị trí số 1; giá trị đất 337 x 83.300đ/m = 28.072.000đ.
4.5. Giao cho bà Chu Thị D được hưởng di sản thừa kế là quyền sử dụng đất của cụ Chu Văn S và cụ Trương Thị M thửa số 40, tờ bản đồ 74 -III, diện tích 105,4m2 (đất canh tác); giá trị đất 105,4 x 83.300đ/m = 8.779.000đ.
4.6. Giao cho bà Chu Thị T1 được hưởng di sản thừa kế là quyền sử dụng đất của cụ Chu Văn S và cụ Trương Thị M thửa số 39, tờ bản đồ 74 -III, diện tích 227,8 m2 (đất canh tác) giá trị đất 227.78 x 83.300đ = 18.975.000đ.
4.7. Giao cho bà Chu Thị K được hưởng di sản thừa kế quyền sử dụng đất của cụ Chu Văn S và cụ Trương Thị M thửa số 31, tờ bản đồ 74 -III, diện tích 360,7 m2 (đất canh tác); giá trị đất 360,7 x 83.300đ = 30.046.000đ.
Chủ sử dụng phần nhà, đất nêu trên có trách nhiệm sử dụng, cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật về xây dựng. (Có sơ đồ tách chia thửa đất theo kèm theo bản án).
5. Về nghĩa vụ trích trả di sản thừa kế bằng tiền.
5.1. Ông Chu Văn B có trách nhiệm trích trả cho ông Chu Văn T giá trị đất di sản thừa kế được hưởng bằng tiền là 33.692.000đ (Ba mươi ba triệu, sáu trăm chín mươi hai ngàn đồng). Ông Chu Văn T được hưởng số tiền 33.692.000đ (Ba mươi ba triệu sáu trăm chín mươi hai ngàn đồng) do ông Chu Văn B trích trả.
5.2. Ông Chu Văn B có trách nhiệm trích trả cho ông Chu Văn K1 giá trị đất di sản thừa kế được hưởng bằng tiền là 40.672.000đ (bốn mươi triệu, sáu trăm bẩy mươi hai ngàn đồng). Ông Chu Văn K1 được hưởng số tiền 40.672.000đ (bốn mươi triệu, sáu trăm bẩy mươi hai ngàn đồng) do ông Chu Văn B trích trả.
5.3. Ông Chu Văn B có trách nhiệm trích trả cho bà Chu Thị D giá trị đất di sản thừa kế được hưởng bằng tiền là 27.116.000đ (Hai mươi bảy triệu, một trăm mười sáu ngàn đồng). Bà Chu Thị D được hưởng số tiền 27.116.000đ (Hai mươi bảy triệu, một trăm mười sáu ngàn đồng) do ông Chu Văn B trích trả.
5.4. Ông Chu Văn B có trách nhiệm trích trả cho bà Chu Thị T1 giá trị đất di sản thừa kế được hưởng bằng tiền là 49.769.000đ (Bốn mươi chín triệu, bẩy trăm sáu mươi chín ngàn đồng). Bà Chu Thị T1 được hưởng số tiền 49.769.000đ (Bốn mươi chín triệu, bẩy trăm sáu mươi chín ngàn đồng) do ông Chu Văn B trích trả.
5.5. Ông Chu Văn B có trách nhiệm trích trả cho bà Chu Thị K giá trị đất di sản thừa kế được hưởng bằng tiền là 38.692.000đ (Ba mươi tám triệu, sáu trăm chín mươi hai ngàn đồng). Bà Chu Thị K được hưởng số tiền 38.692.000đ (Ba mươi tám triệu, sáu trăm chín mươi hai ngàn đồng) do ông Chu Văn B trích trả.
5.6. Ông Chu Văn B có trách nhiệm trích trả cho bà Lê Thị Hồng T3, chị Chu Thị Thùy D1, Anh Chu Minh Q (là những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Chu Văn T2), giá trị đất di sản thừa kế được hưởng bằng tiền là 68.744.000đ. (Sáu mươi tám triệu, bẩy trăm bốn mươi bốn ngàn đồng). Bà bà Lê Thị Hồng T3, chị Chu Thị Thùy D1, Anh Chu Minh Q được hưởng số tiền 68.744.000đ. (Sáu mươi tám triệu, bẩy trăm bốn mươi bốn ngàn đồng) do ông Chu Văn B trích trả.
5.7. Ông Chu Văn V có trách nhiệm trích trả cho bà Chu Thị D giá trị đất di sản thừa kế được hưởng bằng tiền là 32.849.000đ (Ba mươi hai triệu, tám trăm bốn mươi chín ngàn đồng). Bà Chu Thị D được hưởng số tiền 32.849.000đ (Ba mươi hai triệu, tám trăm bốn mươi chín ngàn đồng) do ông Chu Văn V trích trả.
6. Kiến nghị với UBND thành phố P điều chỉnh giảm diện tích 320m2, thửa số 22, tờ bản đồ 37 (74 –III) trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số C179732 cấp ngày 18/4/1994 mang tên Chu Văn S, do đã được cấp thửa số 22, tờ bản đồ 37 (74 -III) mang tên ông V, bà H, giấy chứng nhận số BM 132568 ngày 26/4/2013.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên chi phí tố tụng và quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 21/7/2023 ông V có đơn kháng cáo không chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế vì ông cho rằng đất của bố mẹ ông đã bán cho vợ chồng ông.
Ngày 24/8/2023 ông B có đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm chia 1,2 ha rừng và 1.441m2 đất ao và 800m2 đất thổ cư cho 8 anh em ông.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Tại phiên tòa phúc thẩm ông B và ông V vẫn giữ nguyên nội dung đã kháng cáo.
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và nghe lời trình bày của đương sự; Ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông T; Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh T, Hội đồng xét xử nhận xét:
[1]. Về kháng cáo của ông B: Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm và tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn ông Chu Văn B, Chu Văn T và ông Chu Văn K1, bà Chu Thị D, bà Chu Thị T1, bà Chu Thị K có đơn rút yêu cầu khởi kiện về việc chia thừa kế đối với: Đất rừng Pam tại lô B, khoảnh 24 a, tiểu khu B, bản đồ quy hoạch 3 loại rừng xã P năm 2013; Thửa số 24, diện tích 216m2, thửa 25, diện tích 584 m2, thửa số 28, diện tích 133m2; thửa số 29 diện tích 197m2 thửa số 26 và 27; thửa 41 không có số thửa trên sơ đồ địa chính; thửa số 37 đều cùng tờ bản đồ 74 - III, diện tích đất ao do không yêu cầu phân chia. Toà án cấp sơ thẩm đã đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện chia thừa kế đối với các thửa đất nêu trên do đồng nguyên đơn rút yêu cầu là có căn cứ. Nếu các ông bà cho rằng đây là di sản của cụ S và cụ M thì các ông bà có thể khởi kiện bằng vụ kiện khác.
[2]. Về kháng cáo của ông V: Hội đồng xét xử thấy rằng: Nguồn gốc đất ở, đất canh tác, đất chè của cụ Chu Văn S và cụ Trương Thị M được UBND huyện P cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 18/4/1994 mang tên cụ Chu Văn S gồm: Đất thổ cư 540m2 tại thửa số 42, tờ bản đồ số 37; Đất chè: Thửa số 22, tờ bản đồ 37 diện tích 320 m2; Thửa số 17 tờ bản đồ 37 diện tích 758m2 ; Thửa số 25 tờ bản đồ 37 diện tích 584m2; Đất canh tác: Thửa số 39, tờ bản đồ số 37, diện tích 324m2; Thửa số 16, tờ bản đồ số 37, diện tích 338m2; Thửa số 31, tờ bản đồ số 37, diện tích 352m2; Thửa số 41, tờ bản đồ số 37, diện tích 170m2, thửa số 45, tờ bản đồ 37 (74 - III), diện tích 130m2; thửa số 40, tờ bản đồ số 37, diện tích 326m2; Thửa số 27, tờ bản đồ số 37, diện tích 750m2. Các đương sự đều công nhận có nguồn gốc của cụ S và cụ M là đúng, chỉ khác phía nguyên đơn yêu cầu được chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại còn phía bị đơn cho rằng khi còn sống bố mẹ ông đã bán cho ông nên không còn di sản để chia nữa.
[3]. Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ cũng như lời khai tại phiên toà sơ thẩm và phiên toà phúc thẩm các đương sự đều thừa nhận ngày 29/5/2001 cụ S viết đơn xin chuyển ruộng đất và giấy bán đất cho ông V năm 1995 nay các nguyên đơn đều thống nhất không yêu cầu chia thừa kế nữa là hợp tình, hợp lý, còn các thửa đất còn lại chia như cấp sơ thẩm là phù hợp nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của ông V cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[4]. Tại phiên toà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông B đề nghị: Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ cũng như lời khai của các bên thì thấy rằng Toà án cấp sơ thẩm đình chỉ yêu cầu khởi kiện của các đồng nguyên đơn do đã rút một phần yêu cầu khởi là đúng nếu nguyên đơn cho rằng những di sản nào của cụ S và cụ M chưa được chia mà có căn cứ thì nguyên đơn có quyền khởi kiện bằng vụ kiện khác. Đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của ông V, giữ nguyên bản án sơ thẩm là có căn cứ.
[5]. Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phát biểu về sự tuân theo pháp luật của Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử từ khi thụ lý vụ án cho đến trước khi nghị án đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Quan điểm giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử: Bác kháng cáo của ông B, ông V, giữ nguyên bản án sơ thẩm là có căn cứ.
Vì các lẽ trên
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 308; Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Không chấp nhận kháng cáo của ông Chu Văn B và ông Chu Văn V. Giữ nguyên bản án sơ thẩm 06/2023/DS-ST ngày 05 tháng 6 năm 2023 của Toà án nhân dân thành phố Phổ Yên, tỉnh T.
2. Về án phí: Miễn án phí phúc thẩm cho ông Chu Văn B. Ông Chu Văn V phải chịu 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) án phí phúc thẩm. Xác nhận ông V đã nộp đủ án phí phúc thẩm theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0001551 ngày 21/7/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Phổ Yên, tỉnh T.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 37/2024/DS-PT về tranh chấp thừa kế
Số hiệu: | 37/2024/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thái Nguyên |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 25/03/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về