Bản án 36/2017/HSST ngày 27/09/2017 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN NGỌC HỒI, TỈNH KON TUM

BẢN ÁN 36/2017/HSST NGÀY 27/09/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong ngày 27 tháng 9 năm 2017 tại trụ sở Tòa án, Tòa án nhân dân huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 35/2017/HSST ngày 09 tháng 8 năm 2017 đối với bị cáo: A Đ; tên gọi khác: không; sinh ngày: 02-7- 1996, tại Kon Tum; nơi cư trú: thôn L, xã Đ, huyện N, tỉnh K; nghề nghiệp: làm nông; trình độ văn hóa: 09/12; dân tộc: Xê đăng; con ông A D và bà Y C; gia đình bị cáo có ba anh em, bị cáo là con thứ hai trong gia đình; tiền sự, tiền án: không; bị bắt tạm giam từ ngày 03/5/2017 đến nay. Bị cáo có mặt.

- Người bị hại: Anh A P; Nơi cư trú: thôn Đ, xã Đ, huyện N, tỉnh K, có mặt.

- Người đại diện hợp pháp của người bị hại A P là bà Y L (Mẹ đẻ của A P); Nơi cư trú: thôn Đ, xã Đ, huyện N, tỉnh K. có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Y L; Nơi cư trú: thôn Đ, xã Đ, huyện N, tỉnh K có mặt.

2. Ông A D (Bùi Xuân D); có mặt.

3. Bà Y C; có mặt.

4. Anh A V; có mặt.

Cùng nơi cư trú: thôn L, xã Đ, huyện N, tỉnh K.

5. Anh A L; Nơi cư trú: thôn Đ, xã Đ, huyện N, tỉnh K, có mặt.

6. Anh A V; Nơi cư trú: thôn Đ, xã Đ, huyện N, tỉnh K, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Bị cáo A Đ bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngọc Hồi truy tố về hành vi phạm tội như sau:

Chiều tối ngày 10/01/2017 A L sinh năm 1996 rủ A T sinh năm 1989 cùng thôn Đ, xã Đ và A Đ sinh năm 1996, A V sinh năm 1996 (gọi là V 1) cùng thôn Đ 1, xã Đ uống rượu tại nhà A L, khoảng 20 giờ 00 phút cùng ngày sau khi nhậu xong A L tiếp tục rủ cả nhóm đến nhà họ hàng ở thôn Đ 1 để nhậu tiếp, cả nhóm lên một chiếc xe mô tô do V 1 điều khiển theo hướng từ Đ 1 về Ủy ban nhân dân xã Đ, khi cả nhóm gồm L, V 1, Đ, T đến đoạn đường liên thôn đối diện nhà bà Y C thì thấy A P sinh năm 1999, A V sinh năm 1993 (gọi là V 2) cùng trú tại thôn Đ, Y T sinh năm 1989, Y H sinh năm 1999 cùng trú tại thôn Đ 1 đang đứng nói chuyện bên lề đường, bên cạnh có dựng hai chiếc xe mô tô, lúc này V 1 điều khiển xe mô tô chạy chậm lại, cùng lúc phía trước yên xe của V 2 có con dao rơi xuống đất nên V 2 nhặt con dao lên để lại vị trí ban đầu, thấy V 2 nhặt dao A L nghĩ nhóm của V 2 mang theo dao đến Đ 1 để đánh nhau nên L và Đ nhảy xuống xe tiến tới chỗ nhóm của A P để hỏi chuyện, A L hỏi V 2 “Mày cầm dao để làm gì”, V 2 trả lời “Dao mới mua, tao mới nhặt lên từ dưới đất không để làm gì cả, mọi người đừng hiểu lầm” L chỉ về chiếc xe bên cạnh xe của V 2 hỏi “xe này là của ai” thì A P trả lời “xe này là của tao”, nghe P nói, L bực tức nghĩ P nhỏ tuổi hơn mà nói hỗn láo nên L tiến tới dùng tay phải tát hai cái vào mặt P, bị đánh nên P dùng chân đạp vào bụng của L khiến L ngã xuống đường, V 1 thấy L bị P đạp ngã, xuống xe cùng Đ dùng chân tay đánh P, thấy P bị đánh nên V 2 đến can ngăn thì bị Đ dùng chân tay đánh, bị đánh nên V 2 vung tay chống trả và trúng vào mặt Đ khiến Đ ngã xuống đường, lúc này L, V 1 đuổi đánh P theo hướng thôn Đ 1 làm cho P ngã xuống mương nước bên trái đường, P đứng dậy tiếp tục bỏ chạy nên L và V 1 không đuổi đánh nữa vì có quen biết nhau, sau đó L và V 1 tiến tới chỗ P nói chuyện giảng hòa, riêng Đ bực tức vì bị V 2 đánh ngã xuống đường nên nảy sinh ý định kiếm hung khí để đánh trả thù, Đ chạy đến trước nhà bà Y C thuộc thôn Đ 1 thấy một đống cây bời lời khô đã gọt vỏ, Đ rút một đoạn rồi đi tìm kiếm V 2 để đánh, do không thấy V 2 nên Đ chạy dọc theo đường liên thôn hướng từ Ủy ban xã đến thôn Đ 1 thì Đ thấy P đang đứng nói chuyện cùng L và V 1, mặt P hướng về trụ sở Ủy ban xã, Đ chạy đến sát đối diện tay cầm một đoạn cây bời lời đập mạnh từ trên xuống trúng phần trán bên phải của P làm P ngã xuống bất tỉnh ngay tại chỗ, Đ đánh P xong vứt đoạn cây bời lời ở hiện trường rồi chạy về nhà ngủ, còn P được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực N, sau đó chuyển đến Bệnh viện Quân y 211 tỉnh G, đến ngày 20/01/2017 thì ra viện.

Tại kết luận giám định pháp y về thương tích số: 21/TgT-TTPY ngày 28/02/2017 của Trung tâm Pháp y tỉnh K kết luận: A P bị vỡ xương sọ, tỷ lệ tổn thương cơ thể tại thời điểm giám định là 16%. Vật gây thương tích vỡ xương sọ: Vật tày.

Về vật chứng của vụ án: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N tạm giữ 01 (một) đoạn cây bời lời dài 80 cm, đường kính lớn nhất 05 cm, đường kính nhỏ nhất 4,5 cm; đoạn cây đã được gọt vỏ, khô và cứng chắc.

Quá trình điều tra, Công an huyện N đã tiến hành tiến hành truy tìm tang vật đối với con dao cán gỗ do V 2 bỏ lại hiện trường, nhưng không tìm thấy.

Đối với hành vi đánh nhau của A V 1, A L, A P cơ quan Điều tra đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự và an toàn xã hội quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ.

Đối với A V 2, A T, Y T và Y H quá trình điều tra xác định, họ chỉ là người can ngăn và chứng kiến khi hai nhóm đánh nhau, khi đánh nhau V 2 xông vào can ngăn thì bị Đ đánh, V 2 vung tay lên chống trả trúng vào mặt Đ, khiến Đ ngã xuống đường, nên Công an huyện N không xử lý vi phạm.

Bản cáo trạng số: 28/CT-VKS ngày 09 tháng 8 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện N đã truy tố bị cáo A Đ về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a, i khoản 1 khoản 2 Điều 104 của Bộ luật hình sự năm 1999 tương ứng với điểm a, i khoản 1; điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017;

Trước ngày mở phiên tòa bị hại A P, bà Y L (Mẹ đẻ của A P) và ông A D, bà Y C (là bố, mẹ đẻ của A Đ) được Đ tác động đã thỏa thuận bồi thường thiệt hại cho A P tổng số tiền là 15.000.000đ (Mười lăm triệu đồng), trong đó đã bồi thường 400.000đ (Bốn trăm nghìn đồng), và đồng ý nhận số tiền bồi thường mà ông A D (Bố đẻ bị cáo) đã nộp cho cơ quan Điều tra 3.000.000đ (Ba triệu đồng). Tại tòa bị hại A P và gia đình không yêu cầu bồi thường gì thêm và đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện N giữ quyền công tố luận tội và tranh luận. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b, p khoản 1 khoản 2 Điều 46; Điều 47 của Bộ luật hình sự năm 1999; điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015: Xử phạt bị cáo A Đ từ 12 tháng đến 18 tháng tù; Tịch thu tiêu hủy 01 (một) đoạn cây bời lời dài 80 cm, đường kính lớn nhất 05 cm, đường kính nhỏ nhất 4,5 cm; đoạn cây đã được gọt vỏ, khô và cứng chắc.

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Tại phiên tòa bị cáo A Đ thừa nhận, tối ngày 10/01/2017 do bực tức vì hành vi gây mâu thuẫn nhỏ nhặt trước đó với A P, hơn nữa lại có men rượu không kiểm soát được hành vi nên đã dùng cây bời lời khô vô cớ đánh A P gây thương tích tỷ lệ tổn thương cơ thể là 16% như bản giám định pháp y về thương tích số: 21/TgT-TTPY ngày 28/02/2017 của Trung tâm Pháp y tỉnh K đã kết luận, hành vi của bị cáo đã phạm tội “Cố ý gây thương tích” thuộc trường hợp định khung hình phạt “Dùng hung khí nguy hiểm và có tính chất côn đồ” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017, lời khai của bị cáo khai tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng về thời gian, địa điểm, cơ chế thương tích. Tuy nhiên hành vi phạm tội của bị cáo được áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định mức hình phạt tù từ 02 năm đến 06 năm nhẹ hơn mức hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm của Bộ luật hình sự năm 1999.

Xét hành vi phạm tội của bị cáo là nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt mà bị cáo đã dùng đoạn cây gỗ khô cứng là một loại hung khí nguy hiểm, vô cớ gây thương tích đối với A P, với bản chất coi thường pháp luật, coi thường sức khoẻ của người khác cần được xử lý nghiêm, hiện nay tình hình tội phạm trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có chiều hướng gia tăng và phức tạp, tập trung chủ yếu vào các đối tượng thanh thiếu niên hư hỏng, thiếu thông tin hiểu biết pháp luật, nên việc đưa vụ án ra xét xử kịp thời công khai là cần thiết nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đồng thời xử lý nghiêm loại tội phạm này để răn đe, giáo dục và giữ gìn trật tự trị an, an toàn xã hội tại địa phương. Tuy nhiên bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu, bản thân bị cáo là người dân tộc thiểu số, gia đình bị cáo thuộc hộ nghèo, cư trú ở vùng sâu, vùng xa nên hiểu biết pháp luật hạn chế, qúa trình điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, biết ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình gây ra; Tác động gia đình về việc thỏa thuận bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người bị hại nên coi đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, p khoản 1 khoản 2 Điều 46, nên áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo mức hình phạt dưới khung để bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật đối với người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ để bị cáo cải tạo sớm trở thành người có ích cho xã hội và biết tôn trọng pháp luật.

Đối với hành vi đánh nhau của A V 1, A L, A P nhưng không gây thương tích, cơ quan Điều tra đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự và an toàn xã hội quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ là đúng quy định của pháp luật, nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Đối với A V 2, A T, Y T và Y H: Quá trình điều tra, cơ quan Điều tra xác định, họ chỉ là người can ngăn khi hai nhóm đánh nhau, A V 2 xông vào can ngăn thì bị Đ đánh, V 2 vung tay lên chống trả trúng vào mặt Đ, khiến Đ ngã xuống đường, Công an huyện N xác định họ không liên quan gì đến hành vi, vi phạm pháp luật trong vụ án này nên không xử lý là đúng quy định.

Về trách nhiệm dân sự: Quá trình điều tra bị cáo đã bồi thường 400.000đ (Bốn trăm nghìn đồng), trước ngày mở phiên tòa bà Y C (mẹ đẻ của bị cáo) được Đ tác động đã nộp 3.000.000 đồng bồi thường thiệt hại tại cơ quan Thi hành án dân sự huyện N và ngày 21/9/2017 bị hại A P, bà Y L (Mẹ đẻ của A P) và ông A D, bà Y C (là bố, mẹ đẻ của Đ) đã thỏa thuận bồi thường toàn bộ thiệt hại cho A P với tổng số tiền là 15.000.000đ (Mười lăm triệu đồng), bị hại A P, bà Y L đã có đơn xin bãi nại cho bị cáo. Tại phiên toà bị hại A P, bà Y L không yêu cầu bồi thường gì thêm và đồng ý nhận 3.000.000đ (Ba triệu đồng) mà bà Y C nộp thay cho A Đ từ cơ quan Thi hành án dân sự huyện N, nên Hội đồng xét xử ghi nhận sự thỏa thuận này.

Về xử lý vật chứng của vụ án: 01 (một) đoạn cây bời lời dài 80 cm, đường kính lớn nhất 05 cm, đường kính nhỏ nhất 4,5 cm; đoạn cây đã được gọt vỏ, khô và cứng chắc, đây là hung khí bị cáo dùng làm công cụ gây án không còn giá trị sử dụng nên tịch thu tiêu hủy.

Xét đề nghị của Viện kiểm sát là phù hợp nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

Về án phí: Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, bị cáo A Đ thuộc hộ nghèo, là người đồng bào dân tộc thiểu số ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có đơn xin miễn tiền án phí. Hội đồng xét xử xét miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo A Đ phạm tội: “Cố ý gây thương tích” .

Áp dụng điểm a, i khoản 1 khoản 2 Điều 104; khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 33 của Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết số: 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội; điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017;Xử phạt bị cáo A Đ 12 (Mười hai) tháng tù. Thời thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam, ngày 03-5-2017.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 của Bộ luật hình sự. Trả cho anh A P số tiền 3.000.000 đ (Ba triệu đồng) theo biên lai thu tiền số: AA/2010/0005866 ngày 02/8/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện N, tỉnh K.

Về vật chứng: Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự. Tuyên tịch thu tiêu hủy: 01 ( một) đoạn cây bời lời dài 80 cm, đường kính lớn nhất 05cm, đường kính nhỏ nhất 4,5 cm; đoạn cây đã được gọt vỏ, khô và cứng chắc, theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 14/8/2017 giữa Công an huyện N và Chi cục Thi hành án dân sự huyện N, tỉnh K.

Về án phí: Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo A Đ.

Căn cứ Điều 231, 234 của Bộ luật tố tụng hình sự. Bị cáo, bị hại, đại diện hợp pháp của người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án 27/9/2017.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

315
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 36/2017/HSST ngày 27/09/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:36/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Ngọc Hồi - Kon Tum
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 27/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;