TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 356/2023/LĐ-PT NGÀY 23/03/2023 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VÀ TRANH CHẤP BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP
Ngày các ngày 10 và ngày 23 tháng 3 năm 2023 tại phòng xử án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 85/2022/TLPT-LĐ ngày 05 tháng 12 năm 2022, về việc “Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và tranh chấp về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”.
Do Bản án lao động sơ thẩm số 22/2022/LĐ-ST ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 984/2023/QĐ-PT ngày 06/3/2023 Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Nguyễn Ngọc L, sinh năm 1972 Địa chỉ: Số A đường B, Tổ B, Ấp B, xã P, huyện C, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Bị đơn: Hiệu trưởng Trường mầm non P - bà Nguyễn Ngọc N, sinh năm 1977 Địa chỉ trụ sở: Đường T, Ấp E, xã P, huyện C, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bảo hiểm xã hội huyện C Địa chỉ: Số A đường T, Khu phố B, thị trấn C, huyện C, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo pháp luật: ông Đào Anh K, sinh năm 1972.
Chức vụ: Giám đốc - Người kháng cáo: Bà Nguyễn Ngọc L
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện nộp ngày 01/6/2020, lời khai, bản tường trình, biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, biên bản hòa giải và tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn bà Nguyễn Ngọc L trình bày:
Vào ngày 15/5/2003, nguyên đơn được Ủy ban nhân dân huyện C ban hành Quyết định số 204/QĐ-UB về việc bổ nhiệm ngạch công chức, làm giáo viên Trường M huyện C, sau đó đổi tên thành Trường mầm non P. Trong thời gian dài làm việc tại T, do ảnh hưởng nghề nghiệp phải điều trị, tại Kết luận của Hội đồng giám định y khoa thuộc Sở Y tế Thành phố H ngày 08/02/2018 xác định bà bị “Suy giảm khả năng lao động do bệnh tật; tỷ lệ tổn thương cơ thể là 33%; đồng thời bà có đề nghị: Bố trí công việc phù hợp sức khỏe”. Do bị bệnh liên tục nhập viện điều trị nhưng không có thời gian được nghỉ ngơi dưỡng bệnh. Đầu năm học khi bệnh nặng có giấy bác sĩ, bà xin tăng sĩ số học trò là không quá 35 bé/02 cô và xin thêm giáo viên, như Điều lệ trường mầm non quy định để dễ phối hợp với phương pháp mới của bà, yên tâm về việc tạo nề nếp đầu năm cho trẻ và giữ gìn sức khỏe chờ đón dự giờ để cấp chứng nhận sáng kiến đã trình bày tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố H nhưng Hiệu trưởng làm ngược lại, cụ thể là:
- Bà bị buộc nhận 38 bé/02 cô nên bà chỉ nhận 36 bé;
- Bà bị buộc dạy một mình hơn 10 ngày vì cô T dạy cùng đi học Đảng;
- Bà bị buộc dạy một mình khi Hiệu trưởng cho cô T nghỉ hơn 02 tuần chuẩn bị cưới, trong khi đó các cô cưới chỉ được nghỉ 03 ngày, Hiệu trưởng rảnh thì qua phụ nhưng không quản trẻ được theo yêu cầu của bà, như vậy sẽ khó khăn cho bà hơn trong việc rèn nề nếp đầu năm, vì vậy bà không cần Hiệu trưởng giúp nữa.
Dù đã cố gắng nhưng Hiệu trưởng trường Mầm non P (bị đơn) vẫn xét bà không hoàn thành nhiệm vụ vì không soạn bài giáo án theo chương trình đề ra. Tuy nhiên, do B giám hiệu không đề ra chương trình dạy học cho tuần và tháng, nên giáo viên không có căn cứ để soạn giáo án, mặt khác trong Điều lệ giáo viên thì các lớp học mầm non có 02 giáo viên đứng lớp, không có một Quyết định nào phân công bà là giáo viên chính, vậy thì tại sao 02 giáo viên đứng lớp mà chỉ buộc 01 giáo viên là bà soạn giáo án. Những điều đó chứng tỏ rằng rất nhiều thời gian bà phải đứng lớp một mình, vừa giảng dạy, vừa quản lý chăm sóc, vừa dọn dẹp vệ sinh... với sĩ số 36 trẻ.
Đối với việc yêu cầu xác định nguyên đơn bị bệnh nghề nghiệp: Căn cứ Luật An toàn vệ sinh lao động 2015: “Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động. Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm nếu mắc các bệnh thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bệnh nghề nghiệp gây ra”. Căn cứ Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và Thông tư 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 của Bộ Y quy định 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội; Điều 52 của Luật bảo hiểm xã hội.
Tại Biên bản giám định y khoa kết luận bà bị suy giảm khả năng lao động là 33% do các bệnh viêm họng, viêm thanh quản mạn tính; Thoát vị đĩa đệm trung tâm gây chèn ép trước bao màng cứng tủy sống; thoái hóa gai thân sống lưng; thoái hóa mở. Theo quy định, suy giảm sức khỏe 15% thì bà đã đủ điều kiện để được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định khoản 2 Điều 39 của Luật bảo hiểm xã hội, bà suy giảm sức khỏe theo giám định y khoa là 33% nhưng không được xem xét bất cứ chế độ nào kể cả thời gian dưỡng bệnh.
Tuy nhiên C cho rằng bệnh viêm phế quản mạn tính, không đủ điều kiện xem xét được hưởng chế độ lao động. Từ đó bắt ép bà làm việc, không có thời gian dưỡng bệnh khi vừa xuất viện mà các quyền lợi đó được pháp luật bảo vệ cho người lao động. Tuy bị bệnh và suy giảm sức khỏe nhưng bà vẫn đảm bảo lớp hoạt động tốt và chưa có phụ huynh nào kiến nghị hay bất cứ phàn nàn nào trong suốt quá trình đứng lớp, bà vẫn được sự hòa hợp của phụ huynh và giáo viên để lớp hoạt động tốt hơn, trong công tác dạy học bà luôn đưa sáng kiến của mình tuy chưa được chấp nhận đưa vào dạy học vì chỉ phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học nhưng những sáng kiến khoa học của bà được giấy khen và được chứng nhận khoa học.
Theo bà trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Như vậy bị đơn ban hành Quyết định số 154/QĐ-MNPVA ngày 22/05/2020 về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với bà vì không hoàn thành nhiệm vụ là vi phạm pháp luật. Ngày 22/5/2020, bị đơn tiếp tục ban hành Quyết định số 155/QĐ-MNPVA về việc trợ cấp đối với bà cũng trái pháp luật theo quy định tại Điều 46 và Điều 47 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Bị đơn đã làm tổn thất tinh thần sức khỏe của bà, làm mất các quyền lợi được pháp luật bảo vệ. Liên tiếp áp chế, lập các biên bản xử lý vụ việc, đóng thành nhiều tập, bà được Tòa án nhân dân huyện Củ Chi cho photocopy lại với tổng cân nặng hơn 3,2kg tài liệu. Bà phải đi điều trị bệnh tâm thần, suốt thời gian dài từ năm 2017 đến tháng 6/2020.
Vì các lý do trên, bà đề nghị Tòa án giải quyết các yêu cầu sau:
1. Hủy Quyết định số 154/QĐ-MNPVA ngày 22/05/2020 do Hiệu trưởng trường Mầm non P ký về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với bà;
2. Hủy Quyết định số 155/QĐ-MNPVA ngày 22/5/2020 do Hiệu trưởng trường Mầm non P ký về việc trợ cấp đối với bà;
3. Xác định bà bị bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động, giải quyết các chế độ bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động theo Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, Thông tư 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 của Bộ Y về 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và khoản 2 Điều 39 của Luật bảo hiểm xã hội;
4. Yêu cầu bà Nguyễn Ngọc N phải bồi thường tổn thất sức khỏe tinh thần cho bà 50 tháng lương cơ bản năm 2019, lương căn bản là 1.490.000đồng x 50 tháng = 74.500.000đồng;
5. Yêu cầu đánh giá thành tích của bà là hoàn thành nhiệm vụ, thay đổi Quyết định nghỉ việc bằng Quyết định hoãn thời gian lao động để chữa bệnh.
Tại phiên tòa, bà giữ nguyên các yêu cầu khởi kiện số 1, 2, 3 và rút các yêu cầu khởi kiện số 4, 5.
Bị đơn: Tại các bản tự khai, biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, biên bản hòa giải và tại phiên tòa, Hiệu trưởng Trường mầm non P trình bày:
Năm 2016 bà được Ủy ban nhân dân huyện C bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Mầm non P để thực hiện công tác giảng dạy và quản lý trường học. Theo Luật Viên chức năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2019 và hướng dẫn của Ủy ban nhân dân huyện C, bị đơn tiến hành ký Hợp đồng lao động không xác định thời hạn với viên chức và người lao động đang công tác tại trường đều được tập thể đồng ý, chỉ riêng nguyên đơn không đồng ý với lý do viên chức không phải ký hợp đồng. Tuy vậy, nhà trường vẫn đảm bảo giải quyết các chế độ cho nguyên đơn như các giáo viên khác đang công tác tại trường đã ký hợp đồng lao động.
Trong quá trình làm việc, T1 thực hiện công tác đánh giá và phân loại viên chức hằng năm sau khi kết thúc mỗi niên khóa. Nguyên đơn bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ 02 năm học 2017-2018 và năm học 2018- 2019. Cụ thể như sau:
* Đối với niên khóa 2017-2018:
1. Không thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn của trường, của ngành: Ngày 12/9/2017, T1 tổ chức phiên họp để duyệt kế hoạch của lớp Lá tại trường với sự góp mặt của toàn thể giáo viên, giáo viên L không đồng ý kế hoạch giáo dục của lớp Lá tại trường, không chấp hành sự phân công của Hiệu trưởng, tự ý đua vào giảng dạy những kiến thức không được Phòng giáo dục đào tạo huyện c cho phép. Ngoài ra hàng năm theo quy định của ngành giáo dục thì các giáo viên phải tham gia các lớp bồi dưỡng thường xuyên và đào tạo bồi dưỡng nhưng nguyên đơn vẫn không thực hiện với lý do bị bệnh, phải nằm viện điều trị (08/5/2017, 19/9/2017, 1/12/2017, 11/5/2018).
2. Không tham gia hoạt động công đoàn như: Không đóng công đoàn phí các tháng 7, 8, 9, 10, 11, 12/2017; 1, 2, 3, 4, 5/2018; không tham gia đóng tiền hỗ trợ miền núi, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; không tham gia hỗ trợ đồng bào các tỉnh bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
3. Không đảm bảo ngày giờ làm việc trong niên khóa 2017-2018. Nguyên đơn nghỉ tổng cộng 55,5 ngày trong đó 08 ngày nghỉ không phép, 7,5 ngày tự ý nghỉ, 27 ngày có xin phép, 21 ngày nghỉ không có đơn xin phép và không có lý do chính đáng nên không được Hiệu trưởng đồng ý với lý do số ngày nghỉ phép vượt mức ngày phép theo quy định của Luật lao động. Theo lý giải của nguyên đơn là do ảnh hưởng của bệnh nghề nghiệp nên phải nằm viện điều trị theo chỉ định của bác sĩ và nguyên đơn đề nghị được đứng lớp giảng dạy 01 buổi/ngày, trái với quy định của Bộ G và đào tạo nên không được đồng ý của ban giám hiệu, đồng thời nguyên đơn cũng không đưa ra giấy chỉ định của bác sĩ về thời gian nghỉ ngơi.
4. Sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook xúc phạm danh dự nhân phẩm của giáo viên, nhân viên công tác tại trường, gây mất đoàn kết trong đơn vị.
* Đối với niên khóa 2018-2019:
1. Không thực hiện theo sự phân công của Hiệu trưởng: Ngày 28/8/2018 Trường Mầm non P tổ chức phiên họp công bố, phân công công tác đứng lớp giảng dạy đối với từng giáo viên. Sau khi được phân công nguyên đơn không đồng ý theo sự phân công của Hiệu trưởng và tự ý bỏ về, đề nghị chỉ xin dạy 01 buổi/ngày là trái với quy định của ngành giáo dục và không đồng ý dạy cùng lớp với giáo viên Duyên 2. Không tham gia hoạt động công đoàn như: Không đóng tiền công đoàn phí các tháng 6, 7, 8, 9/2018; 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12/2019; không tham gia đóng tiền ủng hộ vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc; không tham gia ủng hộ ngày thế giới chống đói nghèo.
3. Không đảm bảo ngày giờ làm việc trong niên khóa 2018-2019: vắng 31 ngày làm việc trong đó có 25 ngày có phép, 06 ngày không phép. Ngoài ra nguyên đơn không tham gia họp chuyên môn của trường 08 lần, tự ý bỏ cuộc họp ra về 10 lần.
4. Sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook xúc phạm danh dự nhân phẩm của giáo viên, nhân viên công tác tại trường, lãnh đạo huyện C, làm ảnh hưởng đến uy tín của trường.
Ngoài ra nguyên đơn còn có những ứng xử không đúng mực với đồng nghiệp và có cách dạy trẻ chưa đúng nguyên tắc sư phạm. Căn cứ vào Luật viên chức năm 2010 thì nguyên đơn không hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2017- 2018 và 2018- 2019 là đúng quy định.
Căn cứ Luật Lao động, Luật viên chức, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2019 của Chính phủ, Nhà trường ban hành Quyết định số 154/QĐ-MNPVA ngày 22/05/2020 về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc và Quyết định số 155 QĐ-MNPVA ngày 22/5/2020 về việc trợ cấp thôi việc đối với nguyên đơn.
Các vấn đề nguyên đơn trình bày như có vấn đề về sức khỏe và đề nghị bố trí công việc phù hợp, nhà trường đã sắp xếp công việc khác là theo dõi, cập nhật số liệu trẻ ra lớp nhưng nguyên đơn không đồng ý với lý do chuyên môn là dạy trẻ, không đồng ý làm việc khác. Về bệnh “Viêm thanh quản mạn tính” không phải là bệnh nghề nghiệp và cũng không phải là tai nạn lao động vì Nhà trường đã làm hồ sơ gửi đến Bảo hiểm Xã hội để làm thủ tục để nguyên đơn được hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật nhưng Bảo hiểm Xã hội Thành phố H đã có văn bản không đồng ý chi trả các chế độ cho nguyên đơn. Ngoài ra Nhà trường luôn phải làm kỹ các thủ tục do nguyên đơn thường xuyên gửi đơn thư khiếu nại Nhà trường và đăng tải những thông tin không đúng lên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến uy tín của trường nên không có việc áp chế bằng cách liên tiếp lập các biên bản giải quyết vụ việc trong thời gian nguyên đơn bị bệnh.
Vì những lý do trên, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Do nguyên đơn không có nhu cầu trở lại làm việc, Nhà trường cũng đồng ý, hơn nữa nguyên đơn đã công tác tại trường từ đầu năm 2020 đến ngày 22/5/2020 nên Nhà trường tự nguyện bồi thường thêm 02 tháng tiền lương xem như tiền tăng thu nhập trong năm 2020.
Tại Đơn xin vắng mặt ngày 10/8/2022, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Bảo hiểm xã hội huyện C có người đại diện theo pháp luật là Ông Đào Anh K trình bày: Bảo hiểm xã hội huyện C đề nghị Tòa án nhân dân huyện Củ Chi giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Tại bản án lao động sơ thẩm số 22/2022/LĐ-ST ngày 22 tháng 9 năm 2022, Tòa án nhân dân huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
- Căn cứ vào điểm a, d khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 58 Điều 147, Điều 227, Điều 228, Điều 273 và Điều 280 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
- Căn cứ vào Điều 29, Điều 40 Điều 41, Điều 42 và Điều 43 của Luật Viên chức năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2019 - Căn cứ vào Nghị định 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đánh giá, phân loại cán bộ công chức, viên chức;
- Căn cứ vào Điều 38 và khoản 5 Điều 42 của Bộ luật Lao động năm 2012 - Căn cứ vào Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 của Bộ Y về 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội;
- Căn cứ vào Điều 357 và Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Căn cứ vào Điều 6, Điều 7, Điều 26, Điều 30, Điều 31 và Điều 32 của Luật Thi hành án Dân sự năm 2008;
- Căn cứ vào Nghị quyết số 326/2016/ƯBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Đình chỉ xét xử các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Nguyễn Ngọc L, cụ thể là các yêu cầu:
1.1. Yêu cầu bà Nguyễn Ngọc N phải bồi thường tổn thất sức khỏe tinh thần 50 tháng lương cơ bản năm 2019 với mức lương căn bản là 1.490.000đồng x 50 tháng = 74.500.000đồng (Bảy mươi bốn triệu năm trăm ngàn đồng).
1.2. Yêu cầu đánh giá thành tích hoàn thành nhiệm vụ, thay đổi Quyết định nghỉ việc bằng Quyết định hoãn thời gian lao động để chữa bệnh.
2. Không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Nguyễn Ngọc L, cụ thể là các yêu cầu:
2.1. Hủy Quyết định số 154/QĐ-MNPVA ngày 22/05/2020 về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với bà Nguyễn Ngọc L của Hiệu trưởng trường Mầm non P.
2.2. Hủy Quyết định số 155/QĐ-MNPVA ngày 22/5/2020 về việc trợ cấp đối với bà Nguyễn Ngọc L của Hiệu trưởng trường Mầm non P.
2.3. Xác định bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động, giải quyết các chế độ bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động theo Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, Thông tư 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 về 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và khoản 2 Điều 39 của Luật bảo hiểm xã hội.
3. Buộc Hiệu trưởng trường P phải bồi thường cho bà Nguyễn Ngọc L số tiền tương đương với 3,5 tháng lương và bảo hiểm xã hội là 30.072.298 đồng (Ba mươi triệu không trăm bảy mươi hai ngàn hai trăm chín mươi tám đồng) do vi phạm thời hạn báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động với bà Nguyễn Ngọc L.
Thi hành ngay sau khi Bản án phát sinh hiệu lực pháp luật.
Kể từ ngày nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bị đơn chậm trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại Khoản Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
4. Án phí lao động sơ thẩm: Hiệu trưởng trường mầm non P phải chịu án phí lao động là 902.169 đồng (Chín trăm lẻ hai nghìn một trăm sáu mươi chín đồng) Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo và nghĩa vụ thi hành án của các đương sự.
Ngày 03/10/2022 nguyên đơn có đơn kháng cáo đối với toàn bộ bản án lao động sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn không rút yêu cầu khởi kiện, đối với các yêu cầu đã rút tại phiên tòa sơ thẩm, nay yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm tiếp tục giải quyết với lý do nếu không chấp nhận các yêu cầu còn lại thì nguyên đơn không đồng ý rút các yêu cầu trước đó. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, với lý do kết quả đánh giá viên chức không hoàn thành nhiệm vụ là thực hiện đúng theo quy định.
Hai bên đương sự không tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
Nguyên đơn nêu căn cứ cho yêu cầu kháng cáo là kết quả đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ của bị đơn là không khách quan. Việc nguyên đơn vắng họp trong buổi triển khai công tác đầu năm của Nhà trường vì thấy không cần thiết và không soạn giáo án theo yêu cầu của ban giám hiệu với lý do các giáo viên khác không phải làm mà tại sao nguyên đơn làm. Không tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức vì tự nhận thấy mình đã có đủ năng lực mà không cần phải bồi dưỡng thêm. Đối với việc chấm vắng mặt tại nơi làm việc, nguyên đơn không đồng ý với cách chấm vắng theo danh sách bán trú của nhà trường mà phải chấm theo danh sách ký nhận, nhưng không được bị đơn đồng ý. Đồng thời thừa nhận, nguyên đơn chỉ làm việc đến 14:00 mỗi ngày là phải về do không đảm bảo sức khỏe, mặc dù đã xin ban giám hiệu nhưng không được đồng ý. Thừa nhận, nhà trường có yêu cầu bà làm công việc khác ngoài việc giảng dạy, bà không đồng ý với lý do không phù hợp với chuyên môn. Do đó, Hiệu trưởng cho bà nghỉ việc trong thời gian đang chữa bệnh nghề nghiệp là không đúng quy định pháp luật.
Đối với các yêu cầu đã rút tại Tòa án cấp sơ thẩm nguyên đơn nay không đồng ý với lý do suy nghĩ lại, ngoài ra không đưa được lý do nào khác cho yêu cầu này.
Bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn với lý do: Nhà trường xét 2 năm liền nguyên đơn không hoàn thành nhiệm vụ là căn cứ theo đúng quy định. Đồng thời thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động cũng thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân thủ pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm:
Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, đảm bảo cho các đương sự có các quyền và nghĩa vụ theo quy định; gửi các Quyết định, Thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp, đương sự đầy đủ, đúng thời hạn. Hội đồng xét xử đúng thành phần, phiên tòa diễn ra theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.
Về nội dung: Đề nghị giải quyết theo quy định pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về hình thức: Đơn kháng cáo của nguyên đơn được làm trong thời hạn luật định phù hợp với quy định tại Điều 271; Điều 272; Điều 273 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, đương sự thuộc trường hợp được miễn án phí theo quy định, nên được chấp nhận về hình thức.
Về nội dung:
[2] Xét yêu cầu kháng cáo việc đình chỉ giải quyết đối với các yêu cầu như: Bồi thường tổn thất sức khỏe tinh thần 50 tháng lương cơ bản năm 2019 với mức lương căn bản là 1.490.000đồng x 50 tháng = 74.500.000 đồng (Bảy mươi bốn triệu năm trăm ngàn đồng) và yêu cầu đánh giá thành tích hoàn thành nhiệm vụ, thay đổi Quyết định nghỉ việc bằng Quyết định hoãn thời gian lao động để chữa bệnh. Hội đồng xét xử xét thấy, tại Tòa án cấp sơ thẩm nguyên đơn rút yêu cầu nêu trên là tự nguyện, không bị ép buộc. Nay không nêu được lý do để cho rằng thay đổi do suy nghĩ lại là không có cơ sở để chấp nhận.
[3] Xét kháng cáo của nguyên đơn yêu cầu bị đơn hủy Quyết định số 154/QĐ-MNPVA về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc và hủy Quyết định số 155/QĐ-MNPVA về việc trợ cấp đối đối với nguyên đơn do trái pháp luật, cùng ngày 22/5/2020. Do đó, vấn đề HĐXX phúc thẩm đặt ra là xác định tính hợp pháp của các Quyết định 154 và Quyết định 155 làm căn cứ giải quyết yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.
[3.1] Xác định loại Hợp đồng lao động: Ngày 15/5/2003 nguyên đơn được UBND huyện C bổ nhiệm ngạch công chức, làm việc tại Trường M, sau đổi tên là Trường P. Năm 2018, thực hiện chỉ đạo về việc Nhà trường phải ký kết hợp đồng làm việc với tất cả viên chức là giáo viên theo quy định tại Điều 59 Luật Viên Chức, nhưng không được nguyên đơn chấp hành. Gây nhiều khó khăn trong việc Nhà trường thực hiện chủ trương chung. Tuy nhiên, do nguyên đơn vẫn tiếp tục làm việc cho đến khi chấm dứt Hợp đồng làm việc cần xác định đây là loại hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.
[3.2] Căn cứ để chấm dứt Hợp đồng làm việc.
Tại Biên bản họp đánh giá xếp loại giáo viên mầm non năm học 2017- 2018 của Tổ Lá của T1 ngày 28/5/2018 nhận xét nguyên đơn: Nghỉ quá thời gian quy định (54 ngày); không thực hiện theo sự chỉ đạo của tổ chuyên môn; bồi dưỡng thường xuyên năm 2017-2018 chưa nộp, chưa gửi kế hoạch, xếp loại: Không hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời tại Họp xét thi đua năm 2017-2018 ngày 30/5/2018 tại Trường P đánh giá đối với nguyên đơn: Chưa đảm bảo ngày giờ công (vắng 55,5 ngày); chưa lập kế hoạch và giáo án theo hướng dẫn chung của ngành; thường xuyên gửi đơn khiếu nại vượt cấp, làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của nhà trường; không tham gia học bồi dưỡng thường xuyên theo hướng dẫn chung của ngành giáo dục.
Tại Biên bản họp đánh giá xếp loại giáo viên mầm non năm học 2018-2019 đánh giá nguyên đơn không hoàn thành nhiệm vụ với lý do: Tổng số ngày vắng là 31 ngày, trong đó 25 ngày có phép, 06 ngày không phép, hoàn thành dưới 70% công việc; chưa nghiêm túc chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; không chấp hành sự phân công của Ban giám hiệu trường 10 lần, tự ý bỏ cuộc họp ra về 10 lần; không tham gia cuộc họp 08 lần; thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ không đạt yêu cầu: Không chấp hành, thực hiện lập kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục mầm non đúng theo hướng dẫn chung của ngành: Suốt năm 2018, 2019; vi phạm quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ: Vi phạm quy chế chuyên môn về lập kế hoạch giáo dục THCTGDMN, chưa đổi mới trong tổ chức các hoạt động các hoạt động học cho trẻ; vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của viên chức, gây phiền hà, sách nhiễu với nhân dân đến mức phải xử lý kỷ luật; ngôn phong xúc phạm đồng nghiệp: 15 lần; không trung thực trong công tác, tự ý quay phim chụp ảnh khi chưa có sự đồng ý của đồng nghiệp, la, chửi, gây mất trật tự trong trường; có hành vi chia rẻ nội bộ, gây mất đoàn kết tại cơ quan, đơn vị; xử lý, giải quyết đơn phản ánh của giáo viên Nguyễn Ngọc L: 03 đơn; không có tinh thần phối hợp với đồng nghiệp, cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của đơn vị; không đóng tiền đóng góp các kỳ hỗ trợ vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc, ủng hộ hội cựu giáo chức, tiền công đoàn tháng 4, tháng 5.
Từ những căn cứ trên, Hiệu trưởng Trường mầm non P đánh giá nguyên đơn không hoàn thành nhiệm vụ 02 năm học 2017-2018 và 2018-2019, căn cứ quy định tại Điều 40, Điều 41 và Điều 42 của Luật Viên chức năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định về căn cứ đánh giá viên chức, nội dung đánh giá viên chức và xếp loại chất lượng viên chức là phù hợp, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn về phần này.
[3.3] Thẩm quyền chấm dứt Hợp đồng việc làm: Xét thấy Trường mầm non p là đơn vị sự nghiệp công lập do Hiệu trưởng là người đại diện theo pháp luật, trực tiếp ký kết hợp đồng và chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức. Do đó, Hiệu trưởng ký quyết định chấm dứt Hợp đồng làm việc với nguyên đơn là đúng thẩm quyền.
[3.4] Về thời hạn báo trước: Quá trình ban hành Quyết định số 154/QĐ-MNPVA về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc và Quyết định số 155/QĐ-MNPVA về việc trợ cấp đối đối với nguyên đơn, cùng ngày 22/05/2020.
- Ngày 25/11/2019, Hiệu trưởng trường mầm non p ban hành Thông báo về việc chấm dứt hợp đồng làm việc số 377/TB-MNPVA với bà Nguyễn Ngọc L, Thông báo được niêm yết công khai đúng quy định;
- Ngày 04/02/2020, Hiệu trưởng trường mầm non P ban hành Thông báo số 33/TB-MNPVA về việc thu hồi và hủy bỏ Thông báo số 377/TB-MNPVA ngày 25/11/2019;
- Ngày 05/02/2020, Hiệu trưởng trường mầm non P ban hành Thông báo số 37/TB-MNPVA về việc chấm dứt hợp đồng làm việc với bà Nguyễn Ngọc L, Thông báo được niêm yết công khai đúng quy định;
- Ngày 25/3/2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện C ban hành Quyết định số 1784/QĐ-UBND về việc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với bà Nguyễn Ngọc L và Quyết định số 1785/QĐ-UBND về việc trợ cấp đối với bà Nguyễn Ngọc L, các Quyết định nêu trên được niêm yết đúng quy định và bà L đã thực hiện quyền khiếu nại của mình;
- Ngày 21/5/2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện C ban hành Quyết định số 3106/QĐ-UBND về việc thu hồi và hủy bỏ Quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc số 1784/QĐ-UBND và Quyết định số 1785/QĐ-UBND về việc trợ cấp đối với bà Nguyễn Ngọc L;
- Ngày 22/5/2020, Hiệu trưởng trường mầm non P ban hành Quyết định số 154/QĐ-MNPVA về việc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với bà Nguyễn Ngọc L và Quyết định số 155/QĐ-MNPVA ngày 22/5/2020 về việc trợ cấp đối với bà Nguyễn Ngọc L.
Tòa án cấp sơ thẩm nhận định cho rằng khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện C ban hành Quyết định số 1784/QĐ-UBND về việc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với bà Nguyễn Ngọc L và Quyết định số 1785/QĐ-UBND về việc trợ cấp đối với bà Nguyễn Ngọc L nhưng do các Quyết định nêu trên được ban hành không đúng thẩm quyền nên ngày 21/5/2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện C ban hành Quyết định số 3106/QĐ-UBND về việc thu hồi và hủy bỏ Quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc và trợ cấp đối với bà Nguyễn Ngọc L, trong thời gian này bà L vẫn được thanh toán tiền lương đầy đủ từ ngày 25/11/2019 đến ngày 22/5/2020. Như vậy toàn bộ quy trình đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với bà L đã bị hủy bỏ bởi Quyết định số 3106/QĐ- UBND ngày 21/5/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện C nên quy trình chấm dứt hợp đồng làm việc với bà L phải được thực hiện lại từ đầu nhưng ngày 22/5/2022, là có mâu thuẫn bởi lẽ đã xác định Quyết định của UBND huyện không đúng thẩm quyền đã bị hủy bỏ thu hồi, nhưng lại cho rằng như vậy đã hủy bỏ toàn bộ quy trình đơn phương chấm dứt Hợp đồng việc làm của nguyên đơn là không có cơ sở để chấp nhận, cần xác định các Quyết định của UBND huyện C đã bị thu hồi do không đúng thẩm quyền không làm thay đổi quy trình chấm dứt Hợp đồng làm việc của bị đơn. Do đó, Thông báo số 37/TB-MNPVA, ngày 05/02/2020 của Hiệu trưởng trường mầm non P về việc chấm dứt hợp đồng làm việc có nội dung báo trước 45 ngày sẽ chấm dứt hợp đồng và Quyết định số 154/QĐ-MNPVA về việc chấm dứt hợp đồng làm việc và Quyết định số 155/QĐ-MNPVA về việc trợ cấp đối với nguyên đơn cùng ngày 22/5/2020 là không vi phạm thời hạn báo trước theo khoản 2 Điều 29 Luật viên chức. Nên Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị đơn phải trả thêm 1,5 tháng lương do phải làm lại thủ tục báo trước là không có căn cứ. Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn tự nguyện trả thêm số tiền 1,5 tháng lương này, cộng với 2 tháng lương tại phiên tòa sơ thẩm tổng cộng là 3,5 tháng tiền lương. Vì số tiền bị đơn tự nguyện, quyết định giữ nguyên các quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc, nên Tòa án cấp sơ thẩm buộc đóng BHXH của 3.5 tháng tự nguyện này là không phù hợp. Do đó, sửa lại phần này do có tình tiết mới tại phiên tòa phúc thẩm, ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn đồng ý trả thêm cho nguyên đơn 3.5 tháng lương để tăng thu nhập cho nguyên đơn.
[5] Xét yêu cầu xác định bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động, giải quyết các chế độ bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động theo Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 Thông tu 15/2016/TT-BYT15/5/2016 của Bộ Y về 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và khoản 2 Điều 39 của Luật bảo hiểm xã hội.
[5.1] Nguyên đơn yêu cầu xác định bệnh “Viêm thanh quản mạn tính” là bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 6 Điều 3 của Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 của Bộ Y về 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Ngày 15/6/2022, Tòa án nhân dân huyện Củ Chi đã ban hành Công văn số 782/TAHCC đề nghị hỗ trợ cung cấp thông tin chuyên môn, ngày 06/7/2022, Sở y tế Thành phố H đã có văn bản phúc đáp số 4566/SYT-NVY phúc đáp thông tin cho Tòa án nhân dân huyện Củ Chi, nội dung:“... Về cơ thể học, thanh quản và phế quản là 02 bộ phận khác nhau, tách biệt nhau, có cấu tạo và chức năng sinh lý khác nhau, dấu hiệu và diễn tiến bệnh lý khác nhau... “Viêm thanh quản mạn tính” là tình trạng viêm niêm mạc thanh quản kéo dài trên 3 tuần, quá trình viêm này có thể dẫn tới quá sản, loạn sản hoặc teo niêm mạc thanh quản; yếu tố thuận lợi: do lạm dụng giọng: nói to, nói nhiều, gắng sức... ở những nghề như giáo viên, bán hàng, ca sĩ, bệnh lý của đường hô hấp như: viêm mũi xoang, viêm họng, viêm amiđan, viêm phế quản... (Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về Tai mũi họng tại Quyết định số 5643/QĐ-BYT ngày 31/12/2015 của Bộ Y). “Viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp” là tình trạng tăng tiết dịch nhầy của niêm mạc phế quản gây ho và khác đàm đờm liên tục, tái phát từng đợt (khoảng 3 tuần) ít nhất là 2 tháng trong 1 năm và liên tục trên 2 năm do tiếp xúc với các yếu to gây bệnh trong quá trình lao động; yếu tố gây bệnh: Bụi vô cơ, hữu cơ, nấm mốc hoặc các hơi khí độc trong môi trường lao động; công việc phải tiếp xúc với bụi vô cơ, hữu cơ, nấm mốc hoặc các hơi khí độc ...(Theo Thông tư quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội số 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 của Bộ Y”.
[5.2] Tại Kết quả phúc đáp của Sở y tế Thành phố H cho thấy bệnh “Viêm thanh quản mạn tính” không phải là bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 6 Điều 3 của Thông tu số 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 của Bộ Y về 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội như nguyên đơn trình bày, do đó Hội đồng xét xử sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về phần này là có căn cứ. Giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần này.
[6] Xét yêu cầu của nguyên đơn nếu không xem xét bệnh nghề nghiệp thì phải xem xét được hưởng chế độ tai nạn lao động, vì bệnh “Viêm thanh quản mạn tỉnh” và bệnh “Gãy đốt xương sống” cũng do công việc mà ra. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn rút lại yêu cầu xác định bệnh gãy đốt xương sống là tai nạn lao động, nguyên đơn sẽ làm hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động sau. Căn cứ Biên bản giám định y khoa số 0107-18/GĐYK-KNLĐ ngày 08/02/2018 của Hội đồng giám định y khoa thuộc Sở y tế Thành phố H kết luận nguyên đơn “Suy giảm khả năng lao động do bệnh tật”, đồng thời tại Công văn số 892/BHXH-CĐ ngày 04/5/2018 của Bảo hiểm xã hội Thành phố H cũng đã thể hiện: “Căn cứ Biên bản giám định y khoa số 0107-18/GĐYK-KNLĐ ngày 08/02/2018 của Hội đồng giám định y khoa, kết luận bà L suy giảm khả năng lao động 33% do bệnh tật, đối chiếu với Điều 45 của Luật An toàn vệ sinh lao động thì bà L không thuộc đối tượng giải quyết chế độ tai nạn lao động”, do vậy Tòa án cấp sơ không chấp nhận yêu cầu được hưởng chế độ lao động do tai nạn lao động của nguyên đơn là có căn cứ. Cần giữ nguyên phần này của bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.
[7] Án phí lao động nguyên đơn được miễn toàn bộ theo quy định.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử: không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn sửa một phần bản án lao động sơ thẩm số 22/2022/LĐ-ST ngày 22/9/2022 của Tòa án nhân dân huyện Củ Chi, tuyên xử:
1. Đình chỉ xét xử các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, là các yêu cầu:
1.1. Yêu cầu bà Nguyễn Ngọc N phải bồi thường tổn thất sức khỏe tinh thần 50 tháng lương cơ bản năm 2019 với mức lương căn bản là 1.490.000đồng x 50 tháng = 74.500.000 đồng(Bảy mươi bốn triệu năm trăm ngàn đồng).
1.2. Yêu cầu đánh giá thành tích hoàn thành nhiệm vụ, thay đổi Quyết định nghỉ việc bằng Quyết định hoãn thời gian lao động để chữa bệnh.
2. Không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn như sau:
2.1. Hủy Quyết định số 154/QĐ-MNPVA ngày 22/05/2020 về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của Hiệu trưởng Trường Mầm non P đối với bà Nguyễn Ngọc L.
2.2. Hủy Quyết định số 155/QĐ-MNPVA ngày 22/5/2020 về việc trợ cấp thôi việc của Hiệu trưởng Trường Mầm non P đối với bà Nguyễn Ngọc L.
2.3. Xác định bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động, giải quyết các chế độ bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động theo Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, Thông tư 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 về 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và Khoản 2 Điều 39 của Luật bảo hiểm xã hội.
3. Ghi nhận Hiệu trưởng Trường mầm non P trả thêm cho bà Nguyễn Ngọc L số tiền tương đương với 3,5 tháng lương. Thi hành tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Củ Chi.
Kể từ ngày bà Nguyễn Ngọc L có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Hiệu trưởng trường mầm non P chậm trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại Khoản Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
4. Án phí lao động:
Nguyên đơn bà Nguyễn Ngọc L được miễn án phí lao động sơ thẩm và phúc thẩm Bị đơn Hiệu trưởng trường mầm non P1 phải chịu án phí lao động sơ thẩm là 902.169 đồng (Chín trăm lẻ hai nghìn một trăm sáu mươi chín đồng) Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 9 Luật Thi hành án Dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự
Bản án 356/2023/LĐ-PT về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và tranh chấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Số hiệu: | 356/2023/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 23/03/2023 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về