Bản án 35/2017/HSST ngày 31/08/2017 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN AN BIÊN, TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 35/2017/HSST NGÀY 31/08/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong ngày 31 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm vụ án hình vụ án thụ lý số 35/2017/HSST ngày 04 tháng 8 năm 2017 đối với bị cáo:

Danh V, sinh năm 1996 (Tên gọi khác H, V); Nơi sinh: Ấp B, xã N.Y, huyện A, tỉnh Kiên Giang; Nơi cư trú: Ấp B, xã N.Y, huyện A, tỉnh Kiên Giang; Nghề nghiệp: Làm thuê; Trình độ văn hóa: 4/12; Dân tộc: Khơ me; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Danh P và bà Thị Út H; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 18/6/2017 cho đến nay. (Có mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo Danh V: Ông Bùi Đức Đ, là trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang. (Có mặt)

- Người bị hại: Anh Ngô Minh S, sinh năm 1988

Địa chỉ: Ấp C, xã L, huyện T, tỉnh An Giang. (Có đơn xin xét xử vắng mặt).

- Người có quyền lợi liên quan:

1/ Ông Lưu Bội G, sinh năm 1961

Địa chỉ: Ấp N, xã T.A, huyện A, tỉnh Kiên Giang. (Có đơn xin xét xử vắng

2/ Ông Danh P, sinh năm 1963

Địa chỉ: Ấp B, xã N, huyện A, tỉnh Kiên Giang. (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 22 giờ ngày 08/02/2017, trong lúc uống rượu Danh V nghe bạn gái tên H (không rõ nhân thân) kể lại: Trước đây trong lúc nằm ngủ H bị Ngô Minh S có hành vi dâm ô sờ vào âm đạo của H. V tức giận cầm chiếc đũa bẻ làm đôi đi lại chòi giữ ao cá của ông Lưu Bội G thuộc ấp N, xã T. A, huyện A, tỉnh Kiên Giang đâm Ngô Minh S nhưng bị S đá trúng vào người và được mọi người can ngăn. Danh V đã lấy con dao yếm dài 33,5cm, cán bằng gỗ dài 11,5cm, lưỡi bằng kim loại dài 22cm, đoạn giữa cạnh lưỡi dao có chỗ bị mẻ khuyết kích thước 1,3cm x 0,3cm dắt trên vách chòi chém Ngô Minh S trúng vào cổ tay trái của S gây thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 34%.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 188/KL-PY ngày 04/4/2017 của Trung tâm pháp y – sở y tế Kiên Giang kết luận đối với thương tích của Ngô Minh S như sau:

“1. Dấu hiệu chính qua giám định:

- Sẹo xơ cứng vùng cổ tay - bàn tay trái.

- Tổn thương (đứt) thần kinh trụ, đứt thần kinh giữa.

- Đứt gân gấp nông, sâu ngón I, II, III.

2. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 34% (Ba mươi bốn phần trăm).

3. Vật gây thương tích: Vật sắc, cây dao gửi giám định gây ra được thương tích

4. Về thẩm mỹ và chức năng bộ phận cơ thể: Thương tích gây ảnh hưởng thẩm mỹ ít gây hạn chế chức năng vận động khớp cổ tay và bàn tay trái mức độ nhiều.

Tại phiên tòa bị cáo trình bày ý kiến như sau: Thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng nêu, do tức giận khi nghe H nói trước đây lúc nằm ngủ H bị S sờ vào âm đạo nên V cầm đũa bẻ làm đôi đến gặp S để đâm nhưng đâm không trúng thì bị S đá trúng vào vai phải và muốn thể hiện tính anh hùng nên đã lấy cây dao dắt ở vách chòi chém 01 cái gây thương tích cho S. Bị cáo V thừa nhận hành vi của mình là sai trái và việc truy tố của Viện kiểm sát là đúng tội.

Người bị hại vắng mặt tại phiên tòa nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt. Trong đơn xin xử vắng mặt người bị hại xác nhận đã nhận đủ số tiền 22.150.000  đồng (Hai mươi hai triệu, một trăm năm mươi nghìn đồng) là số tiền mà bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho người bị hại theo thỏa thuận do gia đình bị cáo Danh V giao trả đồng thời xin bãi nại, xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Người có quyền lợi vụ liên quan – Ông Danh P trình bày: Bị cáo V tác động gia đình khắc phục bồi thường số tiền 22.150.000 đồng cho anh S. Nay ông P không có yêu cầu gì đối với bị cáo về số tiền này.

Người có quyền lợi liên quan – Ông Lưu Bội G vắng mặt tại phiên tòa nhưng tại cơ quan điều tra ông trình bày như sau: Cây dao yếm bị cáo V sử dụng để chém anh S là dao của gia đình ông để ở chòi phục vụ sinh  hoạt, nay ông không có yêu cầu nhận lại con dao này.

Bản cáo trạng số 36/CTr-VKS ngày 03 tháng 8 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện An Biên đã truy tố bị cáo Danh V về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự (thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm và có tính chất côn đồ).

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố luận tội và tranh luận: Hành vi dùng dao chém vào tay gây thương tích 34% cho Ngô Minh S của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”. Đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quyết định đã truy tố truy tố bị cáo.

Viện kiểm sát đề nghị áp dụng khoản 3 Điều 104 (Thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm và có tính chất côn đồ), điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 và Điều 33 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Danh V từ 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng đến 03 (Ba) năm tù; về trách nhiệm dân sự: Gia đình bị cáo đã bồi thường xong cho người bị hại nay không có yêu cầu gì thêm nên không xem xét; Về xử lý vật chứng đề nghị tuyên tiêu hủy vật chứng của vụ án.

Người bào chữa cho bị cáo V trình bày và đề nghị: Nhất trí với bản cáo trạng và quan điểm luận tội của Viện kiểm sát về tội danh đã truy tố và các tình tiết giảm nhẹ đề nghị áp dụng, tuy nhiên không thống nhất truy tố hành vi phạm tội có tính chất côn đồ vì cho rằng bị cáo Vĩnh cầm cây đũa chỉ định đâm Sang (chứ chưa đâm) đã được can ngăn nhưng bị Sang đá nên mới lấy dao chém, sau khi chém 01 nhát thấy máu chảy ra thì bỏ đi chứ không phạm tội đến cùng. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự xử mức án nhẹ hơn mức án thấp nhất do Viện kiểm sát đề nghị.

Bị cáo nói lời sau cùng: Bị cáo nhận thức được hành vi của minh là sai trái nên rất ăn năn, hối hận. Bị cáo xin được hưởng mức án nhẹ.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

Về hành vi, quyết định của Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện An Biên, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện An Biên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa người bào chữa cho bị cáo đã thực hiện đúng những quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định tại Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo và góp phần bảo vệ pháp luật. Người bào chữa cho bị cáo, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không ai có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

Lời khai của bị cáo tại phiên tòa cơ bản phù hợp với các lời khai tại cơ quanđiều tra và các chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án được thể hiện như sau: Vào khoảng 22 giờ ngày 08/02/2017, sau khi nghe H (vợ không có đăng ký kết hôn) nói trước đây lợi dụng lúc H ngủ S đã có hành vi dâm ô sờ vào âm đạo của H nên V tức giận lấy chiếc đũa tại bàn nhậu (trên đường đi V bẻ đũa làm đôi và lấy 01 đoạn) đi thẳng đến chòi cá tìm S sau đó đã lấy dao (loại giao yếm dùng để làm cá) dắt ở vách chòi chém 01 cái vào tay trái của S gây thương tích cho S tỉ lệ tổn thương cho cơ thể do thương tích gây nên là 34%. Tuy nhiên, tại cơ quan điều V khai cầm đũa đến tìm S định đâm thì bị S đá trúng vào người nên mới lấy dao chém S, còn tại phiên tòa V khai cầm đũa đâm S nhưng đâm không trúng thì bị S đá vào vai phải nên đã lấy dao chém S gây thương tích cho S.

Hành vi dùng dao chém gây thương tích cho người khác của bị cáo đã xâm hại đến khách thể là tính mạng, sức khỏe của con người được pháp luật hình sự bảo vệ. Bị cáo có đủ năng lực hành vi để nhận thức việc dùng dao để chém người khác sẽ gây thương tích và có thể nguy hiểm đến tính mạng của họ nhưng với thái độ côn đồ xem thường tính mạng, sức khoẻ của người khác, coi thường pháp luật bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội một cách chủ động, cố ý. Mặc dù giữa bị cáo và bị hại trước đó không hề xảy ra mâu thuẫn, chỉ nghe bạn gái nói bị người khác dâm ô chưa tìm hiểu rõ ràng sự việc bị cáo đã nảy sinh ý định gây thương tích và đã gây thương tích cho S với tỷ lệ tổn thương do thương tích gây nên là 34% đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 3 Điều 104 của Bộ luật hình sự. Viện kiểm sát nhân dân huyện An Biên đã truy tố đối với bị cáo là đúng người, đúng tội.

Trên cơ sở tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng 3 Điều 104 (Thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm và có tính chất côn đồ), điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 và Điều 33 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Danh V từ 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng đến 03 (Ba) năm tù là phù hợp, có đủ tính răn đe và giáo dục, phòng ngừa chung.

Người bào chữa cho bị cáo V cho rằng bị cáo V phạm tội “Cố ý gây thương tích” thuộc trường hợp “dùng hung khí nguy hiểm” chứ không phạm tội “Có tính chất côn đồ”. Tại phiên tòa qua thẩm vấn của Hội đồng xét xử bị cáo V trả lời bị cáo cầm cây đũa theo trên đường đi bẻ làm đôi định đâm S, khi đến gặp và hỏi chuyện S có hành vi dâm ô với H hay không thì S trả lời không, V đã dùng đũa đâm S nhưng không trúng và được mọi người can ngăn, S đá vào vai của V nên V rút con dao dắt ở vách chòi chém S để thể hiện tính anh hùng. Như vậy, để thực hiện hành vi phạm tội V đã chuẩn bị sẵn công cụ (đũa) mang theo và đã thực hiện đâm nhưng không trúng chứ không còn nằm trong ý định như ý kiến của người bào chữa cho bị cáo. Khi ý định dùng đũa để đâm S không đạt được và muốn thể hiện tính anh hùng bị cáo đã lấy dao để chém S là chuỗi diễn biến tâm lý phù hợp với lý trí của bị cáo. Như vậy, hoàn toàn có cơ sở để xác định chỉ vì nguyên cớ chưa rõ ràng và không liên quan đến mình V đã có chủ ý muốn gây sự với S và thực hiện cho bằng được hành vi gây thương tích cho S để thể hiện tính anh hùng của mình là có tính chất côn đồ như truy tố của Viện kiểm sát là đúng. Việc người bào chữa đề nghị cho bị cáo V được hưởng mức án dưới mức thấp nhất do Viện kiểm sát đề nghị, Hội đồng xét xử nhận thấy bị cáo V bị truy tố ở khoản 3 Điều 104 có khung hình phạt từ 05 năm đến 15 năm thuộc tội phạm rất nghiêm trọng, trên cơ sở xem xét các tình tiết giảm nhẹ Viện kiểm sát đề nghị áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo từ 02 năm 06 tháng đến 03 năm tù là đã thể hiện chính sách có lợi cho bị cáo. Với mức án như Viện kiểm sát đã đề nghị mới đủ tính răn đe, giáo dục và việc xem xét mức án thấp hơn nữa là không phù hợp và không tương xứng với tính chất, hậu quả của hành vi phạm tội.

Xét về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng và có các tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện vận động gia đình bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho người bị hại nên được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b, p khoản 1 Điều 46 bộ luật hình sự năm 1999. Ngoài ra, bị hại có đơn xin bãi nại cho bị cáo, bị cáo là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, hiểu biết pháp luật còn hạn chế và có nhân thân tốt nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự. Do đó khi lượng hình Hội đồng xét xử sẽ xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt mà lẽ ra bị cáo phải chịu.

Về trách nhiệm dân sự: Tại cơ quan điều tra bị cáo V thỏa thuận bồi thường cho anh S 22.150.000 đồng. Vào ngày 14 và ngày 21/8/2017, gia đình bị cáo V đã bồi thường cho bị hại S đủ số tiền 22.150.000 đồng, cho đến nay anh S không có yêu cầu gì thêm về trách nhiệm dân sự đối với bị cáo. Như vậy về trách nhiệm dân sự bị cáo đã bồi thường xong cho người bị hại theo thỏa thuận. Ông Danh P là cha của bị cáo V không có yêu cầu gì về số tiền đã bồi thường cho bị hại thay bị cáo nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Về xử lý vật chứng: Cần tiêu hủy cây dao là vật chứng của vụ án mà bị cáo đã sử dụng làm công cụ phạm tội do chủ sở hữu không có yêu cầu nhận lại.

Đối với hành vi đánh bạc của Ngô Minh S, Đinh Quốc T, Võ Tuấn K, T chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên Cơ quan điều tra công an huyện An Biên đã chuyển cho công an xã T.A xử lý theo thẩm quyền là đúng quy định pháp luật.

Về án phí: Căn cứ vào Điều 99 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, buộc các bị cáo Danh V phải nộp200.000 án phí hình sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố: Bị cáo Danh V phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

2. Về hình phạt:

- Áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 và Điều 33 Bộ luật hình sự năm 1999. Xử phạt bị cáo Danh V 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng tù.Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam là ngày 18/6/2017. Tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án.

3. Về trách nhiệm dân sự:

Anh Ngô Minh S đã nhận đủ số tiền 22.150.000 đồng (Hai mươi hai triệu, một trăm năm mươi nghìn đồng) do gia đình bị cáo Danh V bồi thường thay cho bị cáo theo thỏa thuận giữa anh S và bị cáo V. Nay anh S không có yêu cầu gì thêm nên không xem xét.

Ông Danh P không có yêu cầu gì về số tiền 22.150.000 đồng (Hai mươi hai triệu, một trăm năm mươi nghìn đồng) đã bồi thường cho anh S thay bị cáo Danh V nên không xem xét.

4. Về biện pháp tƣ pháp: Áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự, Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự tịch thu tiêu hủy vật chứng sau:

01 (Một) con dao yếm dài 33,5cm, cán bằng gỗ dài 11,5cm, lưỡi bằng kim loại dài 22cm, đoạn giữa cạnh lưỡi dao có chỗ bị mẻ khuyết kích thước (1,3cm x 0,3cm) theo Biên bản giao nhận vật chứng ngày 14/8/2017 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện An Biên với Chi cục Thi hành án dân sự huyện An Biên do chủ sở hữu không có yêu cầu nhận lại.

5. Về án phí:

Áp dụng Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự và Nghị Quyết 326/2016/UBTVQH14 Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, buộc bị cáo Danh V phải nộp 200.000 (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

5. Quyền kháng cáo:

Báo cho bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (Phương) biết có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án là ngày 31/8/2017.

Người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (Giao) có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được tống đạt hợplệ.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người  được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án  được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

358
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 35/2017/HSST ngày 31/08/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:35/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện An Biên - Kiên Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 31/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;