Bản án 342/2019/KDTM-PT ngày 23/04/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 342/2019/KDTM-PT NGÀY 23/04/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN

Trong các ngày 15 tháng 3 năm 2019, ngày 02 tháng 4 năm 2019 và ngày 23 tháng 4 năm 2019 tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 122/2018/KDTM-PT ngày 27 tháng 11 năm 2018 về việc: “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”.

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 59/2018/KDTM-ST ngày 15/10/2018 của Tòa án nhân dân quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 431/2018/QĐPT-KDTM ngày 28 tháng 01 năm 2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 996/2019/QĐ-HPT ngày 26 tháng 2 năm 2019 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty cổ phần R

Địa chỉ trụ sở: số 42 đường H, Phường A, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn:

- Ông N (theo văn bản uỷ quyền số 02/CTY-UQ ngày 12/01/2018 của Công ty cổ phần R). (vắng mặt)

Địa chỉ: số 70 đường Q, Phường B, Quận D, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Ông S (theo văn bản uỷ quyền số 03/CPNR-UQ ngày 05/4/2018 của Công ty cổ phần R). (có mặt).

Địa chỉ: số 180 đường Đ, Phường E, Quận F, Thành phố Hồ Chí Minh

- Bà T (theo văn bản uỷ quyền số 03/CPNR-UQ ngày 05/4/2018 của Công ty cổ phần R). (có mặt)

Địa chỉ: số 42 đường H, Phường A, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Th - Luật sư Văn phòng luật sư VT, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. (có mặt)

2. Bị đơn: Công ty Cổ phần xây dựng M.

Địa chỉ trụ sở: số 156 đường AB, khu phố N, phường G, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông V (theo văn bản uỷ quyền số 32/2018/UQ-CTY48 ngày 26/10/2018 của Công ty cổ phần xây dựng 48). (có mặt)

Địa chỉ: số 38/10/6B đường C, phường Đ, Quận Y, Thành phố Hồ Chí Minh 3. Người làm chứng:

- Ông C. (có đơn xin vắng mặt)

Địa chỉ: số 42 đường H, Phường A, Quận B, TP Hồ Chí Minh

- Bà A. (có đơn xin vắng mặt) Địa chỉ: số 132 đường V, Phường R, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Ông Nh (có mặt).

Địa chỉ: 53 hẻm C7 T, phường M, quận N, Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Người kháng cáo: Bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tóm tắt nội dung vụ án và quyết định của bản án sơ thẩm như sau:

Tại đơn khởi kiện của nguyên đơn - Công ty Cổ phần R và tại tòa, đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Ngày 01/7/2008, Công ty Cổ phần R (sau đây gọi tắt là Công ty R) và Công ty Cổ phần xây dựng M (sau đây gọi tắt là Công ty M) đã ký kết hợp đồng nguyên tắc số 15/HĐNT/2008 về việc Công ty R cung cấp thép xây dựng cho các công trình do Công ty M thi công. Tại hợp đồng, các bên thỏa thuận: Khi có đơn đặt hàng của Công ty M thì Công ty R sẽ báo giá và gửi cho Công ty M; Địa điểm giao hàng tại công trình theo chỉ định của Công ty M; Công ty R xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty M và Công ty M có nghĩa vụ thanh toán trong thời hạn không quá 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hàng.

Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty R đã cung cấp hàng và xuất 08 hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) cho Công ty M bao gồm:

- Hoá đơn số 0085861 ngày 04/7/2008 với số tiền là 845.594.666 đồng.

- Hoá đơn số 0085890 ngày 19/7/2008 với số tiền là 857.127.049 đồng.

- Hoá đơn số 0019027 ngày 30/7/2008 với số tiền là 917.786.158 đồng.

- Hóa đơn số 0003473 ngày 11/11/2008 với số tiền là 663.036.886 đồng.

- Hoá đơn số 0089423 ngày 16/02/2009 với số tiền là 578.497.496 đồng.

- Hoá đơn số 0089424 ngày 16/02/2009 với số tiền là 694.666.180 đồng.

- Hoá đơn số 0040663 ngày 07/3/2009 với số tiền là 679.220.527 đồng.

- Hoá đơn số 0040665 ngày 07/3/2009 với số tiền là 542.380.280 đồng.

Tổng giá trị hàng mà Công ty R đã bán cho Công ty M theo hợp đồng là 5.778.309.242 đồng. Tính đến 28/12/2016, Công ty 48 đã thanh toán được 5.000.000.000 đồng, cụ thể như sau: Ngày 15/7/2008, trả 500.000.000 đồng; Ngày 21/7/2008 trả 300.000.000 đồng; Ngày 27/8/2008 trả 600.000.000 đồng; Ngày 15/10/2008 trả 400.000.000 đồng; Ngày 03/12/2008 trả 400.000.000 đồng; Ngày 14/01/2009 trả 500.000.000 đồng; Ngày 02/3/2009 trả 1.000.000.000 đồng; Ngày 16/6/2009 trả 300.000.000 đồng; Ngày 15/10/2009 trả 200.000.000 đồng; Ngày 17/8/2010 trả 400.000.000 đồng; Ngày 30/12/2014 trả 100.000.000 đồng; Ngày 31/12/2015 trả 100.000.000 đồng; Ngày 28/12/2016 trả 200.000.000 đồng.

Hai bên đã nhiều lần đối chiếu công nợ vào các ngày 14/4/2011, 06/9/2011, 31/10/2011 và ngày 30/11/2013. Tại các biên bản đối chiếu cộng nợ thể hiện Công ty M còn nợ Công ty R số tiền gốc là 1.178.309.242 đồng và tiền lãi tính đến ngày 30/9/2011 là 507.246.714 đồng. Từ ngày 29/12/2016 đến nay, Công ty M ngưng thanh toán số tiền còn lại. Do Công ty M đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên Công ty R khởi kiện yêu cầu Công ty M trả số tiền gốc còn nợ là 778.309.242 đồng và tiền lãi do chậm thanh toán tính từ thời điểm Công ty M phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán tương ứng với từng hoá đơn giá trị gia tăng đến hết ngày 30/9/2018 trên số nợ gốc chưa thanh toán tương ứng theo mức lãi suất 0,933%/tháng với số tiền tổng cộng là 1.331.268.146 đồng. Tổng số tiền gốc và lãi mà Công ty R yêu cầu Công ty M thanh toán là 2.109.577.388 đồng. Từ ngày 01/10/2018 cho đến ngày 15/10/2018 Công ty R không yêu cầu Công ty M phải thanh toán tiền lãi.

Công ty R không thừa nhận các văn bản do Công ty M cung cấp cho Tòa án bao gồm: Biên bản thoả thuận ngày 20/3/2014 giữa bà A đại diện Công ty R và Công ty M; Công văn số 02-CVCT/2016 ngày 05/12/2016 do bà A ký tên đại diện Công ty R; Giấy uỷ quyền số 01/GUQ-CT ngày 06/01/2014 về việc Công ty R ủy quyền cho bà A vì bà A không có thẩm quyền và không được uỷ quyền để thực hiện các nội dung thể hiện tại biên bản thoả thuận ngày 20/3/2014 và công văn số 02-CVCT/2016 ngày 05/12/2016.

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Công ty R và Công ty M đã ký kết hợp đồng nguyên tắc số 15/HĐNT/2008 ngày 01/7/2008 và Công ty R đã thực hiện việc kê khai thuế đối với những hoá đơn giá trị gia tăng đã xuất cho Công ty M. Giấy uỷ quyền Công ty M xuất trình không hợp lệ vì không có bản chính chỉ có bản sao y do bà A ký xác nhận sao y và ông C ( người đại diện theo pháp luật của Công ty R) không uỷ quyền cho bà A để thỏa thuận việc không tính lãi. Bà A không có thẩm quyền đại diện cho Công ty R để ký biên bản thoả thuận ngày 20/3/2014. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

* Phần trình bày của đại diện hợp pháp của Bị đơn- Công ty M : Công ty M xác nhận có ký hợp đồng nguyên tắc số 15/HĐNT/2008 ngày 01/7/2008 đúng như Công ty R đã trình bày. Tuy nhiên quá trình thực hiện hợp đồng có những vấn đề Công ty R trình bày chưa chính xác. Hợp đồng số 15/HĐNT/2008 ngày 01/7/2008 giữa 02 bên chỉ là hợp đồng nguyên tắc. Từ hợp đồng nguyên tắc, Công ty M phải có đơn đặt hàng bản chính gửi cho Công ty R và biên bản giao nhận hàng hóa có chữ ký của các bên liên quan gồm có chữ ký của bên giao, bên vận chuyển, bên nhận có chữ ký của chỉ huy trưởng công trình, thủ kho. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hợp đồng thì không có biên bản giao nhận hàng hóa hoặc có những biên bản giao nhận hàng hóa không có người nhận hàng ký tên để khẳng định Công ty M đã nhận hàng của Công ty R. Những đơn đặt hàng không có bản chính, biên bản giao nhận hàng không đầy đủ chữ ký của các bên giao nhận thì Công ty M không thừa nhận đã nhận hàng. Công ty R đã giao hàng vượt quá nhu cầu của Công ty M. Ngày 20/3/2014, Công ty 48 đã làm việc và có biên bản thỏa thuận với Công ty R về việc Công ty R cung cấp hồ sơ chứng từ gốc cho Công ty M, tuy nhiên cho đến nay Công ty M chưa nhận được những chứng từ theo như biên bản thỏa thuận. Công ty M thừa nhận Công ty M đã nhận các hoá đơn giá trị gia tăng do Công ty R gửi nhưng chưa nhận được các tài liệu đi kèm hóa đơn như đơn đặt hàng và biên bản giao nhận hàng hóa. Số lượng hàng hoá Công ty M đã nhận và số tiền Công ty M đã thanh toán cho Công ty R bao nhiêu thì Công ty M không xác định được. Theo nội dung tại biên bản thỏa thuận ngày 20/3/2014 đã ghi nhận trong thời gian chờ cung cấp tài liệu để xác minh liên quan đến việc thực hiện hợp đồng 15/HĐNT/2008, công nợ ghi nhận trên sổ sách và các biên bản đối chiếu công nợ (nếu có) chỉ là tạm tính và không được tính lãi trên số liệu này. Công ty R không thừa nhận biên bản thoả thuận ngày 20/3/2014, công văn số 02-CVCT/2016 ngày 05/12/2016 và giấy uỷ quyền số 01/GUQ-CT ngày 06/01/2014 là không hợp lý vì sau khi nhận được công văn số 02-CVCT/2016 ngày 05/12/2016 Công ty M mới thực hiện việc thanh toán số tiền 200.000.000 đồng. Công ty M không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của Công ty R. Các thời giám đốc cũ của Công ty M đã ký các biên bản đối chiếu công nợ không đúng gây thiệt hại cho Công ty M. Công ty M không thừa nhận các biên bản đối chiếu công nợ do Công ty R xuất trình. Công ty M đề nghị thực hiện theo biên bản thoả thuận ngày 20/3/2014.

* Người làm chứng ông C trình bày: Ông là giám đốc Công ty R. Ông không uỷ quyền cho bà A đại diện thay mặt Công ty R thoả thuận ký công nợ với Công ty M nên không thừa nhận biên bản thỏa thuận ngày 20/3/2014 do bà A lập với Công ty M. Ông yêu cầu vắng mặt tại phiên toà.

* Người làm chứng bà A trình bày: Ông C thường xuyên uỷ quyền cho bà để làm việc với đối tác. Về giấy uỷ quyền số 01/GUQ-CT ngày 06/01/2014 do Công ty M xuất trình thì bà không nhớ. Bà có ký biên bản thoả thuận ngày 20/3/2014 với Công ty M hay không bà cũng không nhớ do thời gian đã lâu. Tuy nhiên, giữa bà và ông C có trao đổi với nhau về việc giảm lãi cho các đơn vị thực hiện việc trả nợ gốc nhưng không có lập văn bản về nội dung trao đổi này. Bà xác định bà không thoả thuận nào về việc giảm lãi, miễn lãi cho Công ty M.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân quận Thủ Đức tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến: Về tố tụng: việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Toà án có vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử. Về nội dung: đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 59/2018/KDTM-ST ngày 15/10/2018 của Tòa án nhân dân Quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

- Căn cứ khoản 1 Điều 30; Điểm b khoản 1 Điều 35; Điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147; Khoản 2 Điều 229; Điều 271 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

- Căn cứ Điều 24, Điều 306; Khoản 1 Điều 318 Luật Thương mại năm 2005;

- Căn cứ Luật Phí và Lệ phí năm 2015;

- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1/ Buộc Công ty Cổ phần xây dựng M có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty cổ phần R số tiền còn nợ tính đến ngày 30/9/2018 của hợp đồng nguyên tắc số 15/HĐNT/2008 ngày 01/7/2008 với số tiền gốc là 778.309.242đồng và tiền lãi là 1.227.226.181đồng. Tổng cộng số tiền Công ty cổ phần xây dựng M phải thanh toán là 2.005.535.423đồng.

2/ Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty R không yêu cầu Công ty M phải trả số tiền lãi từ ngày 01/10/2018 đến ngày 15/10/2018.

3/ Không chấp nhận yêu cầu của Công ty cổ phần R với số tiền là 104.041.965 đồng.

2/ Về án phí:

Công ty cổ phần xây dựng 48 phải nộp 72.110.708 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Công ty cổ phần R phải nộp 5.202.098 đồng án phí dân sự sơ thẩm, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí 40.123.073 đồng Công ty cổ phần R đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí tòa án số AA/2017/0038225 ngày 29/01/2018 của Chi cục Thi hành án Dân sự quận Thủ Đức. Trả lại cho Công ty cổ phần R số tiền tạm ứng án phí còn lại là 34.920.975 đồng.

Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn quyết định về nghĩa vụ thi hành án, thời hạn kháng cáo của các bên đương sự.

Ngày 17/10/2018, Tòa án nhân dân quận Thủ Đức đã ra Quyết định thông báo sửa chữa bổ sung bản án sơ thẩm. Theo đó phần Quyết định được sửa lại cụ thể như sau:

- “Công ty Cổ phần xây dựng M có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty cổ phần R số tiền còn nợ tính đến ngày 30/9/2018 của hợp đồng nguyên tắc số 15/HĐNT/2008 ngày 01/7/2008 với số tiền gốc là 778.309.242 đồng và tiền lãi là 1.317.589.671 đồng. Tổng cộng số tiền Công ty Cổ phần xây dựng M phải trả là 2.095.898.913 đồng”.

- “Không chấp nhận yêu cầu của Công ty R với số tiền là 13.678.475 đồng”.

- “Công ty cổ phần xây dựng M phải nộp 73.917.978 đồng án phí dân sự sơ thẩm”. “Công ty cổ phần R phải nộp 3.000.000đồng án phí dân sự sơ thẩm”.

- “Trả lại cho Công ty cổ phần R số tiền tạm ứng án phí còn lại là 37.123.073 đồng”.

Ngày 29/10/2018, Bị đơn nộp đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm.

Nội dung kháng cáo: Yêu cầu Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa lại bản án sơ thẩm. Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn do nguyên đơn không cung cấp cho bị đơn các văn bản tài liệu chứng từ như đã cam kết theo biên bản thỏa thuận ngày 20/3/2014 nên bị đơn có quyền không thanh tóan các khoản công nợ còn lại như yêu cầu của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị đơn – Công ty M trình bày: Giữ nguyên nội dung kháng cáo. Cụ thể: Bị đơn không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Bị đơn không thừa nhận phiếu đặt hàng ngày 27/6/2008 vì phiếu đặt hàng này lập trước khi hai bên ký hợp đồng nguyên tắc số 15/HĐNT/2008 ngày 01/7/2008 và nguyên đơn cũng không xuất trình được chứng cứ đã giao hàng nên Công ty M không chấp nhận thanh toán tiền mua hàng cho đơn hàng này theo hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) do Công ty R lập ngày 04/7/2008. Bị đơn không có ý kiến về phiếu đặt hàng ngày 2/7/2008 mà nguyên đơn cung cấp tại phiên tòa. Bị đơn không chấp nhận các bản đối chiếu công nợ mà Công ty R xuất trình cho Tòa án vì các bản đối chiếu này không đúng với thực tế mua hàng giữa các bên. Do vậy đề nghị nguyên đơn cung cấp bản chính các chứng từ mua bán giao nhận hàng để từ đó mới có căn cứ đối chiếu công nợ. Do nguyên đơn không cung cấp nên bị đơn không chấp nhận thanh toán theo yêu cầu của nguyên đơn. Ngoài ra, theo bản thỏa thuận ngày 20/3/2014 thì đại diện theo ủy quyền của Công ty R là bà A có thỏa thuận sẽ cung cấp các chứng từ mua bán hợp lệ để quyết toán nợ và trong thời gian chờ cung cấp thì không tính lãi nhưng cho đến nay Công ty R cũng không cung cấp được nên Công ty M không chấp nhận yêu cầu đòi tiền lãi của Công ty R.

Nguyên đơn - Công ty R trình bày: Phiếu đặt hàng ngày 27/6/2008 đã thay đổi bằng phiếu đặt hàng ngày 02/7/2008. Nguyên đơn thừa nhận do sơ suất nên đã cung cấp cho tòa án phiếu đặt hàng ngày 27/6/2008. Nguyên đơn xác nhận hóa đơn VAT số 0085861 ngày 04/7/2008 được xuất theo phiếu đặt hàng của Công ty M lập ngày 02/7/2008 nên không chấp nhận trình bày của bị đơn cho rằng đơn hàng này không phát sinh từ hợp đồng số 15/H9NT ngày 04/7/2008. Đề nghị giữ y bản án sơ thẩm.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn.

Chứng cứ bổ sung tại phiên tòa:

- Nguyên đơn bổ sung bản chính phiếu đặt hàng do Công ty R lập ngày 02/7/2008.

- Lời khai người làm chứng - ông Nh khai: Ông Nh là giám đốc Công ty M thời kỳ từ năm 2011 đến giữa tháng 11/2013 (không nhớ chính xác). Ông xác nhận có ký các bản đối chiếu công nợ do Công ty R lập vào các ngày 14/4/2011, 06/9/2011, 31/10/2011 và ngày 30/11/2013. Tuy nhiên do tin tưởng đề xuất của phòng nghiệp vụ nên ông ký mà không kiểm tra và đối chiếu các chứng từ sổ sách. Ông thừa nhận bản đối chiếu công nợ ngày 30/11/2013 được ký vào thời điểm ông không còn là người đại diện pháp luật của Công ty M và cũng không được ủy quyền để ký biên bản này.

Đại diện Viện Kiểm Sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến:

- Về tố tụng: tại phiên tòa, những người tiến hành tố tụng thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự. Các đương sự đã thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

- Về nội dung: Đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn. Sửa một phần bản án sở thẩm. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc tính lãi chậm trả theo từng hóa đơn thuế giá trị gia tăng từ thời điểm xuất 8 hóa đơn VAT và buộc Công ty M phải trả tiền lãi tổng cộng là 1.317.589.671 đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên Tòa và căn cứ vào kết quả hỏi, tranh luận tại phiên Tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1] Về thẩm quyền giải quyết: Căn cứ vào đơn khởi kiện của Nguyên đơn cùng các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ thì có cơ sở xác định việc khởi kiện của Nguyên đơn là tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại về hợp đồng mua bán hàng hóa. Bị đơn có địa chỉ trụ sở tại quận Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh nên Tòa án nhân dân quận Thủ Đức căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 để thụ lý giải quyết là có cơ sở.

[2] Về sự vắng mặt của người làm chứng ông C và bà A: Ông C và bà A có đơn xin vắng mặt. Xét thấy ông C và bà A đã có lời khai tại Tòa nên việc vắng mặt của ông C và bà A không ảnh hưởng tới việc xét xử tại phiên tòa nên Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử.

[3] Xét hình thức và nội dung của hợp đồng nguyên tắc số 15/HĐNT/2008 ngày 01/7/2008 được xác lập giữa Công ty R và Công ty M, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy: Trong quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, các bên đương sự đều thừa nhận tham gia ký hợp đồng nêu trên để mua bán thép xây dựng cho các công trình của Công ty M. Hình thức của hợp đồng phù hợp Điều 24 Luật Thương mại năm 2005 quy định về hình thức hợp đồng mua bán. Nội dung mà các bên giao kết trong hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật không trái đạo đức xã hội. Do vậy hợp đồng nêu trên phát sinh hiệu lực pháp luật và ràng buộc trách nhiệm pháp lý của hai bên.

[4] Xét yêu cầu kháng cáo của Công ty M Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:

[4.1] Về số nợ tiền mua hàng: Theo hợp đồng nguyên tắc số 15/HĐNT ngày 01/7/2008 thì các bên có thỏa thuận cụ thể về phương thức giao nhận, phương thức thanh toán, trách nhiệm của hai bên. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện hợp đồng thì các bên không thực hiện đúng các thỏa thuận, cụ thể như Công ty R giao hàng nhưng biên bản giao nhận hàng hóa bị thất lạc không đầy đủ, các phiếu yêu cầu vật tư của Công ty M và chứng từ giao nhận không khớp với các hóa đơn VAT mà Công ty R xuất cho Công ty M. Về phía Công ty M, khi chuyển tiền thanh toán tiền hàng cho Công ty R đã không xác định trả tiền cho hóa đơn VAT nào dẫn đến phát sinh tranh chấp. Trong quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn và bị đơn có tranh chấp về số lượng hàng giao nhận và khoản nợ phát sinh. Do vậy căn cứ vào các tài liệu thể hiện trong hồ sơ đối chiếu với phần trình bày của các bên tại Tòa, Hội đồng xét xử xét thấy: Sau khi đôi bên chấm dứt việc giao nhận hàng vào tháng 3/2009 thì Công ty R và Công ty M đã tiến hành đối chiếu công nợ theo các biên bản đối chiếu công nợ vào các ngày 14/4/2011, 06/9/2011, 31/10/2011 và 23/8/2017. Ngoài các biên bản đối chiếu công nợ ra thì các bên không có chứng từ hay thỏa thuận nào khác để xác nhận công nợ phát sinh từ hợp đồng . Về hình thức thì các biên bản đối chiếu công nợ nêu trên do đại diện theo pháp luật của Công ty R và Công ty M ký xác nhận trên cơ sở tự nguyện nên đủ cơ sở pháp lý để được xem xét. Tại nội dung đối chiếu công nợ, các bên xác nhận tính đến thời điểm đối chiếu công nợ ngày 31/10/2011 thì khoản nợ tiền hàng mà Công ty M chưa thanh toán là 1.178.309.242 đồng. Căn cứ vào 8 hóa đơn VAT mà nguyên đơn xuất cho bị đơn bị đơn gồm: Hoá đơn VAT số 0085861 ngày 04/7/2008 với số tiền thanh toán là 845.594.666 đồng ; Số 0085890 ngày 19/7/2008 với số thanh toán là 857.127.049 đồng; Số 0019027 ngày 30/7/2008 với số tiền thanh toán là 917.786.158 đồng; Số 0003473 ngày 11/11/2008 với số tiền thanh toán là 663.036.886 đồng; Số 0089423 ngày 16/02/2009 với số tiền thanh toán là 578.497.496 đồng; Số 0089424 ngày 16/02/2009 với số tiền thanh toán là 694.666.180 đồng; Số 0040663 ngày 07/3/2009 với số tiền thanh toán là 679.220.527 đồng; Số 0040665 ngày 07/3/2009 với số tiền là 542.380.280 đồng. Tổng cộng là 5.778.309.242 đồng. Công ty 48 đã chuyển tiền trả cho Công ty R theo các phiếu chi bao gồm: Ngày 15/7/2008, thanh toán 500.000.000đồng; Ngày 21/7/2008 thanh toán 300.000.000 đồng; Ngày 27/8/2008 thanh toán 600.000.000 đồng; Ngày 15/10/2008 thanh toán 400.000.000 đồng; Ngày 03/12/2008 thanh toán 400.000.000 đồng; Ngày 14/01/2009 thanh toán 500.000.000 đồng; Ngày 02/3/2009 thanh toán 1.000.000.000 đồng; Ngày 16/6/2009 thanh toán 300.000.000 đồng; Ngày 15/10/2009 thanh toán 200.000.000 đồng; Ngày 17/8/2010 thanh toán 400.000.000 đồng. Tổng cộng là 4.600.000.000 đồng . Khấu trừ khoản tiền đã chuyển vào tiền hàng theo 8 hóa đơn VAT đã xuất thì khoản nợ tiền hàng mà Công ty M còn nợ Công ty R tính đến ngày 31/10/2011 là 1.178.309.242 đồng. Từ ngày 30/12/2014 đến ngày 28/12/2016 thì Công ty M tiếp tục chuyển trả cho Công ty R theo 3 đợt tiền tổng cộng là 400.000.000 đồng thì số tiền hàng còn nợ lại là 778.309.242 đồng. Như vậy có đủ cơ sở xác định Công ty M còn nợ Công ty R số tiền hàng theo bản đối chiếu công nợ lần cuối vào ngày 23/8/2017 là đúng. Do các biên bản đối chiếu công nợ có đủ cơ sở pháp lý như phân tích nêu trên nên Hội đồng xét xử không chấp nhận trình bày của bị đơn đề nghị nguyên đơn phải cung cấp bản chính các chứng từ mua bán giao nhận hàng để từ đó mới có căn cứ đối chiếu công nợ. Bản án sơ thẩm nhận định và chấp nhận trình bày của nguyên đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho nguyên đơn về số nợ tiền hàng và buộc Công ty M phải trả là có cơ sở nên Hội đồng xét xử giữ nguyên quyết định này của bản án sơ thẩm như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tại phiên tòa.

[4.2] Về trình bày kháng cáo của nguyên đơn cho rằng: Phiếu đặt hàng ngày 27/6/2008 do Công ty M lập vì phiếu đặt hàng này lập trước khi hai bên ký hợp đồng nguyên tắc số 15/HĐNT/2008 ngày 01/7/2008 và Công ty R cũng không xuất trình được đã giao hàng theo đơn đặt hàng nên Công ty M không chấp nhận thanh toán tiền mua hàng cho đơn hàng này. Tại tòa, đại diện cho nguyên đơn trình bày thừa nhận việc Công ty R đã nhận đơn hàng ngày 27/6/2008 trước khi ký hợp đồng tuy nhiên sau đó Công ty M đã chuyển phiếu đặt hàng ngày 02/7/2008 để thay thế phiếu đặt hàng ngày 27/6/2008 nên Công ty R đã xuất hàng theo phiếu đặt hàng ngày 02/7/2008 và xuất hóa đơn VAT nên khoản nợ của hóa đơn này là phát sinh từ hợp đồng. Khi đối chiếu công nợ thì hai bên đã đưa hóa đơn VAT này vào để đôi chiếu. Xét: Như trên phân tích thì các biên bản đối chiếu công nợ do hai bên ký có giá trị pháp lý để hai bên thực hiện và khoản tiền giá trị hàng hóa tại hóa đơn VAT số 0085861 ngày 02/7/2008 cũng đã được đôi bên đưa vào đối chiếu tại các biên bản đối chiếu công nợ nên Hội đồng xét xử không có cơ sở để chấp nhận trình bày kháng cáo nêu trên của bị đơn.

[4.3] Về tiền lãi do chậm thanh toán: Xét yêu cầu của nguyên đơn đòi bị đơn phải thanh toán tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền mua hàng từ thời điểm chậm trả tiền hàng theo từng hóa đơn VAT mà nguyên đơn đã xuất với mức lãi suất 0.933%/tháng. Hội đồng xét xử nhận thấy: Theo Điều 2 của hợp đồng nguyên tắc số 15/HĐNT ngày 01/7/2008 có thỏa thuận về phương thức thanh toán “Bên B ( công ty M) chuyển khoản cho bên A (Công ty R) 100% giá trị lô hàng sau 7 ngày khi bên B nhận đủ hàng và có hóa đơn VAT hợp lệ. Nếu thanh tóan chậm, bên B phải trả thêm lãi suất chậm trả theo lãi suất ngân hàng tại thời điểm thanh toán nhưng thời gian trễ hạn không quá 5 ngày và bên A có quyền ngưng cung cấp cấp hàng”. Tại các phiếu chuyển tiền cho nguyên đơn thì không thể hiện chuyển trả tiền cho hóa đơn VAT nào. Các bản kê chi tiết tiền lãi do Công ty R lập không có chữ ký xác nhận của Công ty M. Do vậy không có cơ sở để xác định khoản nợ tiền hàng của hóa đơn VAT nào bị vi phạm nghĩa vụ trả tiền cũng như không xác định được thời điểm chậm thanh toán của từng hóa đơn VAT như bản kê chi tiết lãi do Công ty R lập. Do vậy việc Công ty R tính lãi từ thời điểm chậm trả tiền hàng theo từng hóa đơn VAT mà nguyên đơn đã xuất là không có cở sở. Tại thời điểm đối chiếu công nợ từ ngày 14/4/2011 đến ngày 30/10/2011 các bên có thỏa thuận số tiền lãi chậm trả nhưng tại nội dung biên bản đối chiếu công nợ ngày 23/8/2017 thì ghi nhận : “ Nợ: Số dư đầu kỳ : 778.308.242 đồng;

Số phát sinh: 0; Số tiền đã chuyển trả; 0; Số dư nợ cuối kỳ: 778.308.242 đồng. Tính đến ngày 31/07/2017, Công ty M còn nợ Công ty R số tiền 778.308.242 đồng”. Về giá trị pháp lý thì bản đối chiếu công nợ ngày 23/8/2017 được lập sau các biên bản đối chiếu trước đó và đều do chính ông C là đại diện theo pháp luật của Công ty R ký tên đóng dấu, sau thời điểm này các bên không còn thỏa thuận nào khác thay thế biên bản này nên bản đối chiếu công nợ ngày 23/8/2017 có giá trị pháp lý sau cùng để các bên thực hiện. Hơn nữa, tại biên bản này không có thỏa thuận về việc trả lãi cũng như thời hạn thanh toán nợ nên không có cơ sở để xác định thời điểm vi phạm nghĩa vụ thanh toán của Công ty M từ đó không có căn cứ để tính lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ như trình bày của nguyên đơn. Việc nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải thanh toán lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền tính từ thời điểm chậm trả tiền hàng theo từng hóa đơn VAT đã xuất cho Công ty M đến ngày 30/9/2018 tổng cộng là 1.317.589.671 đồng là trái với nội dung bản đối chiếu công nợ đã ký ngày 23/8/2017. Bản án sơ thẩm nhận định các biên bản đối chiếu công nợ do hai bên lập là có giá trị pháp lý nhưng lại chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về tiền lãi do chậm thanh toán và buộc bị đơn phải trả lãi là không phù hợp với các chứng cứ đã thu thập được. Kháng cáo của bị đơn là có cơ sở. Do vậy căn cứ vào khoản 2 Điều 308 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa phần quyết định của bản án sơ thẩm về tiền lãi như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tại phiên tòa là có căn cứ pháp luật.

[4] Về án phí:

[4.1] Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án thì Công ty M phải chịu án phí sơ thẩm là 35.132.330 đồng tính trên nghĩa vụ về số tiền phải thanh toán cho Công ty R là 778.308.242 đồng. Công ty R phải chịu án phí là 51.527.690 đồng tính trên số tiền yêu cầu tranh

[4.2] Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do sửa bản án sơ thẩm nên người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.

[5] Về nghĩa vụ chậm thi hành án: Do tại hợp đồng các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định mức lãi nên căn cứ khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 và khoản 3 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản lãi của số tiền còn phải thi hành án theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 với mức lãi suất là 10%/ năm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 và khoản 1 Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí lệ phí Tòa án.

Căn cứ Khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 và Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Căn cứ Điều 26 Luật Thi hành án dân sự,

Tuyên xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Bị đơn - Công ty cổ phần Xây dựng M. Sửa một phần bản án sơ thẩm như sau:

1. Buộc Công ty Cổ phần xây dựng M thanh toán cho Công ty cổ phần R số tiền 778.309.242 đồng là khoản nợ phát sinh từ hợp đồng nguyên tắc số 15/HĐNT/2008 ngày 01/7/2008 được lập giữa Công ty Cổ phần R và Công ty Cổ phần xây dựng M.

2. Không chấp nhận yêu cầu của Công ty cổ phần R yêu cầu Công ty Cổ phần xây dựng M phải trả tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền thanh toán với số tiền là 1.317.589.671 đồng.

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án (Công ty 48) còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất 10%/năm được quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

3.Về án phí:

3.1 Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Công ty Cổ phần Xây dựng M phải chịu là 35.132.330 đồng. Công ty Cổ phần R phải chịu án phí là 51.527.690 đồng nhưng được trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp là 40.123.073 đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí tòa án số AA/2017/0038225 ngày 29/01/2018 của Chi cục Thi hành án Dân sự quận Thủ Đức. Công ty cổ phần R nộp thêm số tiền là 11.404.617 đồng.

3.2 Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty Cổ phần Xây dựng M được hoàn trả tiền tạm ứng án phí phúc thẩm là 2.000.000 đồng theo biên lai thu tiền số AA/2018/0022866 ngày 31/10/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1231
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 342/2019/KDTM-PT ngày 23/04/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán

Số hiệu:342/2019/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 23/04/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;