Bản án 34/2020/HS-PT ngày 21/05/2020 về tội giả mạo trong công tác

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 34/2020/HS-PT NGÀY 21/05/2020 VỀ TỘI GIẢ MẠO TRONG CÔNG TÁC

Trong các ngày từ 19 tháng 5 đến ngày 21 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 28/2020/TLPT-HS ngày 26 tháng 02 năm 2020, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 175/2019/HS-ST ngày 26 tháng 12 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Đ, tỉnh Bình Phước.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 35/2020/QĐXXPT-HS ngày 08 tháng 4 năm 2020; Quyết định hoãn phiên tòa số 12/2020/HSPT-QĐ ngày 21 tháng 4 năm 2020 và Thông báo về việc thay đổi thời gian xét xử vụ án số 17/TB-TA ngày 15 tháng 5 năm 2020, đối với:

+ Bị cáo có kháng cáo: Họ và tên: Hoàng Ngọc H; Tên gọi khác: Không; Sinh năm: 1978; Hộ khẩu thường trú: Tổ 4, khu phố C, phường P, thị xã Đ (nay là thành phố Đ), tỉnh Bình Phước; Tạm trú: Số 35 Đại Cồ Việt, quận H, Thành phố Hà Nội; Nghề nghiệp: Chuyên viên Vụ Giáo dục mầm non - Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Hoàng Tảo Ch, sinh năm 1950 và bà Lê Thị Th, sinh năm 1952; Bị cáo có vợ tên Đàm Thị V, sinh năm 1978 và 02 con, lớn nhất sinh năm 2003, nhỏ nhất sinh năm 2010; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 11 tháng 12 năm 2017 đến ngày 13 tháng 02 năm 2018 thì được tại ngoại; Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Huỳnh Công K, sinh năm 1954; Trú tại: Số 11 đường Nguyễn Văn Cừ, khu phố T, phường P, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước. (Có mặt).

2. Ông Nguyễn Châu V, sinh năm 1971; Trú tại: Ấp T1, xã L, huyện P, tỉnh Bình Phước. (Có mặt).

3. Ông Trần Văn T, sinh năm 1961; Trú tại: Tổ 3, khu phố 5, phường Long Phước, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. (Có mặt).

4. Ông Bùi Quốc T2, sinh năm 1978; Trú tại: Tổ 3, khu phố T2, phường P, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước. (Có mặt).

5. Ông Trần Đại C, sinh năm 1972; Trú tại: Số 45 đường Lê Hồng Phong, khu phố T, phường P, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước. (Có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

6. Ông Nguyễn Văn H2, sinh năm 1958; Trú tại: Số 10 đường Lê Hồng Phong, phường P, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước. (Có mặt).

7. Bà Hoàng Thị Kim C2, sinh năm 1973; Trú tại: Tổ 5, khu phố C, phường P, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước. (Có mặt).

Ngoài ra, trong vụ án còn có một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng không tiến hành triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 22/8/2013, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Phước ban hành Công văn số 2755/UBND-VX về việc thực hiện một số nội dung về công tác đào tạo diện dự bị đại học dân tộc và cử tuyển, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Bình Phước lập danh sách tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định cho phép học sinh diện cử tuyển năm 2011, 2012 chuyển ngành, học lại chương trình dự bị đại học, thay thế học sinh nghỉ học, không đi học, không đạt yêu cầu [Bút lục số 517]. Lúc này, Hoàng Ngọc H là Phó Trưởng phòng Giáo dục dân tộc (GDDT) thuộc Sở GDĐT tỉnh Bình Phước được giao nhiệm vụ tham mưu làm Tờ trình số 2315/TTr-SGDĐT ngày 05/9/2013 (viết tắt là Tờ trình số 2315) kèm theo danh sách 42 học sinh để Sở tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định cử học sinh đi học cử tuyển [Bút lục 685-686].

Căn cứ vào Tờ trình số 2315 ngày 05/9/2013 của Sở GDĐT tỉnh Bình Phước, ngày 10/9/2013 UBND tỉnh Bình Phước ban hành Quyết định 1669/QĐ- UBND (viết tắt là Quyết định số 1669) về việc cho phép học sinh diện cử tuyển năm 2011, 2012 lưu ban, chuyển ngành học và thay thế học sinh không đi học, nghỉ học, học không đạt yêu cầu. Kèm theo Quyết định số 1669 là danh sách 42 học sinh được đánh số thứ tự từ 1 đến 42 có dấu Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước đóng giáp lai [Bút lục 682-684]. Qua đối chiếu, danh sách 42 học sinh kèm theo Quyết định số 1669 hoàn toàn trùng khớp với danh sách 42 học sinh kèm theo Tờ trình số 2315 của Sở GDĐT tỉnh Bình Phước.

Khi nhận được Quyết định số 1669 kèm theo danh sách 42 học sinh được cử đi học diện cử tuyển, H được Sở GDĐT tỉnh Bình Phước phân công có trách nhiệm phát hành và gửi quyết định này xuống các trường Đại học, Cao đẳng. Nhưng do bị cáo H có quen biết với ông Trần Quang L là phụ huynh của học sinh Trần Mạnh C3 và ông Nguyễn Thế H3 là người thân của gia đình học sinh Bùi Hoàng Diệu L2 nên H đã tự ý làm lại danh sách học sinh kèm theo Quyết định số 1669 gồm 43 học sinh, mục đích là cho học sinh Trần Mạnh C3 và Bùi Hoàng Diệu L2 được đi học diện cử tuyển [Bút lục 805-808, 895-900], cụ thể: Theo Quyết định số 1669 thì H đã bỏ ra khỏi danh sách 07 học sinh gồm: Mã Thị H4, Lâm Tuấn V2, Tống Thành L3, Điểu Thị K2, Hà Tra M, Đoàn Minh T3, Lê Quang T4 và thay thế, thêm vào danh sách 08 học sinh gồm: Đỗ Hoàng H5, Nông Thị T5, Bùi Hoàng Diệu L2, Trần Mạnh C3, Nông Thị B (Nông Thị Ngọc B), Thạch Hoàng V3, Phạm Hoàng T6 và Ngưu Thành T7. Sau khi làm lại danh sách học sinh, H gửi kèm theo Quyết định số 1669 đến các trường Đại học, Cao đẳng tại thành phố Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Bình Phước. Trong đó danh sách học sinh kèm theo Quyết định số 1669 gửi đến Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXHNV) TPHCM thể hiện có 43 học sinh, có thứ tự từ 1 đến 43 [Bút lục 592-593, 620-621]. Đối với danh sách học sinh kèm theo Quyết định số 1669 gửi đến Trường Dự bị Đại học, Trường Đại học Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM và Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) tỉnh Bình Phước thể hiện có 43 học sinh, có số thứ tự từ 1 đến 42 học sinh, tuy nhiên trong đó có 2 số thứ tự 25 mang tên 2 học sinh khác nhau [Bút lục 607-608, 631-633, 650-651, 664-665].

Ngày 13/3/2017, Sở GDĐT ban hành Tờ trình số 783/TTr-SGDĐT đề nghị UBND tỉnh Bình Phước buộc thôi học và bồi hoàn kinh phí đào tạo đối với các học sinh Đỗ Hoàng H5, Bùi Hoàng Diệu L2, Trần Mạnh C3, Nông Thị B (Nông Thị Ngọc B), Thạch Hoàng V3, Ngưu Thành T7 và đồng ý cho chuyển trường đối với học sinh Nông Thị T5 và Phạm Hoàng T6 (02 học sinh này có tên trong danh sách đi học diện cử tuyển theo Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 08/01/2013 của UBND tỉnh Bình Phước) [Bút lục 568].

Tại bản Cáo trạng số 118/CT-VKS-ĐX ngày 10/10/2018 và Công văn số 224/CV-VKS ngày 06/7/2019 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đ, tỉnh Bình Phước đã truy tố bị cáo Hoàng Ngọc H về tội “Giả mạo trong công tác” theo điểm b khoản 2 Điều 284 của Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS).

Ti Bản án hình sự sơ thẩm số 175/2019/HS-ST ngày 26 tháng 12 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Đ, tỉnh Bình Phước quyết định:

Tuyên bố bị cáo Hoàng Ngọc H phạm tội “Giả mạo trong công tác”.

Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 284; điểm p, s khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 của Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009: Xử phạt bị cáo Hoàng Ngọc H 01 (Một) năm tù. Thời hạn tù được tính từ ngày bị cáo vào cơ sở giam giữ chấp hành án, được trừ đi thời gian bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 11/12/2017 đến ngày 13/02/2018.

Kiến nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy Bản án để điều tra xác định ai là người đã làm sai lệch danh sách kèm theo Quyết định số 2152/QĐ-UND ngày 10/10/2014 của UBND tỉnh Bình Phước để xử lý đúng người, đúng tội và đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, xử lý vật chứng và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 08/01/2020, bị cáo Hoàng Ngọc H kháng cáo Bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm cho bị cáo được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Bị cáo vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và đề nghị Hội đồng xét xử xem cho bị cáo được hưởng án treo.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên Bản án sơ thẩm; việc Tòa án cấp sơ thẩm đề nghị hủy Bản án sơ thẩm để điều tra, xử lý trách nhiệm liên quan đến Quyết định số 2152/QĐ-UBND ngày 10/10/2014 là không có căn cứ nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Đơn kháng cáo của bị cáo làm trong thời hạn luật định, thực hiện đúng quyền và có hình thức, nội dung phù hợp với quy định tại các điều 311, 312 và 313 của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), nên được chấp nhận.

[2] Xét kháng cáo của bị cáo: Mặc dù bị cáo không có ý kiến gì đối với Bản án sơ thẩm, bị cáo chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ và được hưởng án treo. Tuy nhiên, qua tranh tụng tại phiên tòa và quá trình điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm nhận thấy:

Trong thời gian từ ngày 13/6/2013 đến ngày 08/9/2013, khi ông Nguyễn Châu V - Trưởng phòng GDDT - Sở GDĐT tỉnh Bình Phước được cử đi bồi dưỡng tiếng Anh tại Canada, bị cáo Hoàng Ngọc H là người được phân công phụ trách tham mưu công tác cử tuyển cho Sở GDĐT tỉnh. Trên cơ sở Công văn số 2755/UBND-VX ngày 22/8/2013 của UBND tỉnh về việc thực hiện một số nội dung về công tác đào tạo diện dự bị đại học dân tộc và cử tuyển, bị cáo đã soạn thảo, tham mưu cho ông Huỳnh Công K - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh ký Tờ trình số 2315 về việc học sinh cử tuyển năm 2011, 2012 chuyển ngành, học lại chương trình Dự bị đại học, thay thế học sinh nghỉ học, không đi học, không đạt yêu cầu và danh sách học sinh kèm theo gồm 42 học sinh. Căn cứ vào Tờ trình số 2315, ngày 10/9/2013 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1669 kèm theo danh sách 42 học sinh được đánh số thứ tự từ 01 đến 42 có đóng mộc dấu của UBND tỉnh Bình Phước giáp lai. Bị cáo là người trực tiếp giao Tờ trình số 2315 và danh sách kèm theo cho UBND tỉnh (thông qua Phòng Văn hóa - Xã hội thuộc Văn phòng UBND tỉnh), đồng thời là người nhận Quyết định số 1669 và danh sách kèm theo để phát hành cho các trường Đại học, Cao đẳng.

Trong thời gian đang phát hành Quyết định số 1669 và danh sách kèm theo, do được biết có một số học sinh nghỉ học, bỏ học, đồng thời do có mối quan hệ quen biết với Trần Quang L (là phụ huynh của học sinh Trần Mạnh C3) và ông Nguyễn Thế H3 (là người thân của gia đình học sinh Bùi Hoàng Diệu L2) nên bị cáo đã tự ý làm lại danh sách học sinh kèm theo Quyết định số 1669 gồm 43 học sinh, mục đích là cho học sinh Trần Mạnh C3 và Bùi Hoàng Diệu L2 được đi học diện cử tuyển [Bút lục 805-808, 895-900], cụ thể: Theo Quyết định số 1669 thì bị cáo đã bỏ ra khỏi danh sách 07 học sinh gồm: Mã Thị H4, Lâm Tuấn V2, Tống Thành L3, Điểu Thị K2, Hà Tra M, Đoàn Minh T3, Lê Quang T4 và thay thế, thêm vào danh sách 08 học sinh gồm: Đỗ Hoàng H5, Nông Thị T5, Bùi Hoàng Diệu L2, Trần Mạnh C3, Nông Thị B (Nông Thị Ngọc B), Thạch Hoàng V3, Phạm Hoàng T6 và Ngưu Thành T7. Sau khi làm lại danh sách học sinh, bị cáo đã gửi kèm danh sách này cùng Quyết định số 1669 đến các trường Đại học, Cao đẳng.

Quá trình điều tra, truy tố thu thập được bản chính tài liệu là Quyết định số 1669 và danh sách 42 học sinh được đánh số thứ tự từ 01 đến 42 (trong đó có 07 học sinh gồm Mã Thị H4, Lâm Tuấn V2, Tống Thành L3, Điểu Thị K2, Hà Trà M, Đoàn Minh T3 và Lê Quang T4), bản có đóng dấu mộc đỏ của UBND tỉnh Bình Phước và đóng dấu giáp lai giữa quyết định và danh sách kèm theo [Bút lục 2001-2002]. Đối chiếu tài liệu chính này với Tờ trình số 2315 và danh sách 42 học sinh của Sở GDĐT do bị cáo tham mưu hoàn toàn trùng khớp về danh sách 42 học sinh với nhau [Bút lục 2003-2004]. Đồng thời, qua điều tra, xác minh thu thập chứng cứ tại các cơ quan có trách nhiệm thi hành theo Điều 3 của Quyết định số 1669 gồm Sở GDĐT tỉnh Bình Phước, Sở Tài chính tỉnh Bình Phước, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước, các cơ quan này cũng chỉ nhận được Quyết định số 1669 qua đường truyền trực tuyến nội bộ và không có danh sách học sinh kèm theo. Vì vậy, có căn cứ xác định ngoài Quyết định số 1669 và danh sách 42 học sinh được đánh số thứ tự từ 01 đến 42 đã thu thập được nêu trên, không còn bản chính danh sách học sinh nào có số lượng học sinh và hình thức đóng dấu theo quy định nêu trên.

Về lời khai bị cáo có nhiều sự thay đổi, cụ thể: Ban đầu bị cáo khai nhận bản thân đã soạn thảo, tham mưu Tờ trình số 2315 và danh sách kèm theo gồm 42 học sinh được đánh số thứ tự từ 01 đến 42 cho ông Huỳnh Công K - Phó Giám đốc Sở GDĐT ký để trình UBND tỉnh ký ban hành Quyết định số 1669 và danh sách kèm theo gồm 42 học sinh. Trong quá trình phát hành Quyết định số 1669 và danh sách kèm theo cho các trường Đại học, Cao đẳng, do biết được có một số học sinh nghỉ học, bỏ học nên bị cáo đã báo cáo ông Nguyễn Châu V - Trưởng phòng GDDT, sau đó được ông V chỉ đạo bị cáo gặp ông K để báo cáo. Khi gặp ông K thì bị cáo báo cáo sự việc và được ông K chỉ đạo bị cáo liên hệ Phòng Văn hóa - Xã hội (VHXH) thuộc Văn phòng UBND tỉnh để được hướng dẫn. Sau đó, bị cáo đã liên hệ với ông Trần Đại C - Trưởng phòng VHXH và được ông C hướng dẫn thực hiện điều chỉnh danh sách thay thế, bổ sung để kịp thời phát hành kèm theo Quyết định số 1669, nếu làm lại Tờ trình và danh sách mới sẽ không kịp trình lãnh đạo UBND tỉnh ký ban hành do lãnh đạo UBND tỉnh đang bận công tác. Bị cáo đã báo cáo lại nội dung này cho ông K và được ông K đồng ý, nên bị cáo mới thực hiện điều chỉnh danh sách thay thế, bổ sung để trình UBND tỉnh. Tuy nhiên, qua diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo thay đổi lại lời khai và cho rằng bị cáo thực hiện điều chỉnh danh sách thay thế, bổ sung từ 42 học sinh thành danh sách 43 học sinh khi chưa nhận được Quyết định số 1669 và danh sách 42 học sinh từ UBND tỉnh.

Kết quả đối chất giữa ông Nguyễn Châu V với bị cáo [Bút lục 469-472]; giữa ông Huỳnh Công K với bị cáo [Bút lục 463-466]; giữa ông Trần Đại C với bị cáo [Bút lục 483-486] và lời trình bày tại phiên tòa thì ông V, ông K và ông C khẳng định không chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn cho bị cáo trong việc điều chỉnh danh sách 42 học sinh có số thứ tự từ 01 đến 42 thành danh sách 43 học sinh có số thứ tự từ 01 đến 43, mà việc điều chỉnh danh sách thay thế, bổ sung là do một mình bị cáo tự thực hiện.

Riêng đối với ông K, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 22 đến ngày 27/02/2019 ông K xác định bị cáo có trình ông ký Tờ trình số 2315 (lần thứ hai, không có chữ ký nháy) và danh sách kèm theo gồm 43 học sinh, nhưng thực tế ông K biết được chỉ sau khi được Cơ quan điều tra cho xem Tờ trình trên (bản phô tô), ông K thấy chữ ký giống của ông nên ông nhận là đã ký [Bút lục 1457, 1458, 1459, 1460].

Đối với ông Trần Văn T - Chánh Văn phòng Sở GDĐT là người ký sao y Quyết định số 1669 với số lượng 03 (ba) bản; về danh sách kèm theo Quyết định số 1669 thì ông xác định không ký sao y vào danh sách này. Tuy nhiên, lời khai của ông T cũng có sự thay đổi, ban đầu ông T cho rằng ông V là người nhờ ông ký sao y Quyết định số 1669, nhưng sau đó lại thay đổi lời khai cho rằng chính bị cáo là người nhờ ông ký sao y Quyết định này [Bút lục 361-362; 369-372].

Đối với ông Bùi Quốc T2 - Văn thư thuộc Văn phòng Sở GDĐT thì xác định có lấy số công văn và đóng mộc dấu Tờ trình số 2315 và danh sách kèm theo, sau đó giao lại Tờ trình và danh sách này cho bị cáo để gửi cho UBND tỉnh (ông T2 không nhớ được đã lấy số công và đóng mộc dấu bao nhiêu lần, bao nhiêu bản). Đồng thời, ông T2 cũng xác định đã đóng mộc dấu sao y bản chính Quyết định số 1669 do ông Trần Văn T - Chánh Văn phòng Sở GDĐT ký, nhưng số lượng bao nhiêu bản thì không nhớ rõ. Ông T2 cũng không để ý danh sách kèm theo Quyết định số 1669 này nên không biết số lượng học sinh là bao nhiêu [Bút lục 378-389; 1558-1559].

Đối với bà Hoàng Thị Kim C2 - Văn phòng UBND tỉnh khẳng định chỉ đóng mộc dấu UBND tỉnh vào Quyết định số 1669 và danh sách kèm theo gồm 42 học sinh là tài liệu chính nêu trên. Ngoài ra, bà quản lý mộc dấu của UBND tỉnh không đóng dấu vào tài liệu nào khác của Quyết định số 1669 và danh sách kèm theo, cũng như không cho ai sử dụng mộc dấu của UBND tỉnh để đóng dấu văn bản. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà C2 cho rằng đối với một số danh sách là bản photo kèm theo Quyết định số 1669 được đóng mộc dấu treo của UBND tỉnh, trường hợp này chỉ có khả năng là do ông Trần Đại C nhờ bà C2 đóng mộc dấu, ngoài ra nếu là cá nhân khác thì bà C2 sẽ không đóng mộc dấu.

Tuy nhiên, tài liệu thu thập được tại các trường Đại học, Cao đẳng thể hiện có một số hình thức Quyết định số 1669 và danh sách kèm theo bao gồm:

- Quyết định số 1669 và danh sách kèm theo gồm 42 học sinh (được đánh số thứ tụ từ 01 đến 42, nhưng trùng hai số thứ tự số 25): hình thức Quyết định số 1669 là bản mộc dấu đen của UBND tỉnh, có đóng dấu sao y chữ ký của ông Trần Văn T - Chánh Văn phòng Sở GDĐT (không số, ngày, tháng) mộc đỏ; giữa Quyết định số 1669 và danh sách kèm theo có dấu mộc đỏ giáp lai của Sở GDĐT. So với danh sách kèm theo tài liệu chính, số thứ tự từ 01 đến 25 trùng nhau, nhưng tiếp theo lại có thêm “STT 25, Đỗ Hoàng H5, Đại học Y Dược TPHCM, thay thế Phạm Thị Hồng H6” (thu giữ của Trường Dự bị Đại học TPHCM, dấu Công văn đến ngày 10/01/2014 mộc đỏ [Bút lục 1969-1970]; thu giữ của Trường Đại học GTVT TPHCM [Bút lục 1946-1947]; thu giữ của Trường CĐSP Bình Phước [Bút lục 1940]). (sau đây gọi tắt là “Tài liệu thứ hai”) - Quyết định số 1669 và danh sách kèm theo gồm 43 học sinh (được đánh số thứ tụ từ 01 đến 43): hình thức Quyết định số 1669 là bản mộc dấu đen của UBND tỉnh, có ½ mộc dấu đen giáp lai; danh sách 43 học sinh có mộc dấu đen của UBND tỉnh đóng treo đầu trang danh sách. So với danh sách kèm theo tài liệu chính, số thứ tự từ 01 đến 25 trùng nhau, nhưng tiếp theo lại có sự xáo trộn, có trường hợp trùng và có trường hợp không trùng về họ tên học sinh với tài liệu chính (tài liệu thu giữ của Trường Đại học KHXHNV TPHCM [Bút lục 1960- 1962]; thu giữ của Trường Đại học Y Dược TPHCM [Bút lục 1844-1845]). (sau đây gọi tắt là “Tài liệu thứ ba”) Như vậy, cùng với danh sách 42 học sinh được đánh số thứ tự từ 01 đến 42 kèm theo tài liệu chính là Quyết định số 1669 nêu trên và Quyết định, danh sách kèm theo Quyết định số 1669 thu thập được từ các trường Đại học, Cao đẳng thì có 3 loại danh sách kèm theo Quyết định số 1669 khác nhau; cùng với 3 loại danh sách khác nhau này, mỗi tài liệu thu thập được lại có đặc điểm đóng dấu và hình dấu đóng khác nhau. Đồng thời, theo lời trình bày trên của bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì cũng có nhiều Tờ trình cùng được lấy số 2315. Trong khi đó, bị cáo thừa nhận bản thân là người trực tiếp soạn thảo, tham mưu Tờ trình số 2315 và danh sách kèm theo 02 (hai) lần: lần đầu là Tờ trình số 2315 có chữ ký nháy của bị cáo và danh sách kèm theo gồm 42 học sinh được đánh số thứ tự từ 01 đến 42 trùng khớp với tài liệu chính; lần hai là Tờ trình số 2315 không có chữ ký nháy của bị cáo và danh sách điều chỉnh bổ sung, thay thế gồm 43 học sinh được đánh số thứ tự từ 01 đến 43. Lời trình bày này có một phần phù hợp với tài liệu thu thập được tại Trường Đại học KHXHNV TPHCM và Trường Đại học Y Dược TPHCM. Vậy ngoài những tài liệu do bị cáo thừa nhận đã điều chỉnh, còn lại những Tờ trình, danh sách còn lại, cũng như những hình thức Quyết định số 1669 và danh sách kèm theo khác nhau khác đã thu giữ được do ai soạn thảo, tham mưu, đóng mộc dấu, phô tô, phát hành chưa được điều tra thu thập chứng cứ làm rõ. Hơn nữa, Cơ quan điều tra (CQĐT) và Viện kiểm sát (VKS) cấp sơ thẩm đến nay cũng chỉ thu thập được tài liệu là bản phô tô danh sách học sinh kèm theo Quyết định số 1669, không thu thập được bản có dấu mộc đỏ của loại tài liệu thứ hai và tài liệu thứ ba nên chưa thể trưng cầu giám định về hình thức, nội dung và mộc hình dấu tròn trên các tài liệu này nên chưa kết luận được chính xác bị cáo là người thực hiện toàn bộ việc soạn thảo, tham mưu, đóng mộc dấu và phát hành các tài liệu này hay có đồng phạm giúp sức trong việc thực hiện tội phạm. Trường hợp chỉ xác định có một mình bị cáo thực hiện thì bị cáo đã thực hiện những loại tài liệu nào (tài liệu chính, tài liệu loại thứ hai hay tài liệu loại thứ ba hay cả 03 (ba) loại tài liệu). Nếu xác định có đồng phạm giúp sức thì cụ thể là ai, giúp sức thực hiện những công việc gì, đối với loại tài liệu nào trong việc soạn thảo, tham mưu, đóng mộc dấu và phát hành các tài liệu này. Cấp sơ thẩm chưa điều tra, xác minh làm rõ những vấn đề trên mà chỉ mới xác định được bị cáo là người điều chỉnh danh sách học sinh kèm theo Quyết định số 1669 từ 42 thành 43 học sinh được đánh số thứ tự từ 01 đến 43 và tuyên bố bị cáo phạm tội là điều tra thu thập chứng cứ chưa đầy đủ và có dấu hiệu bỏ lọt đồng phạm và hành vi phạm tội. Những vấn đề này cần được điều tra, xác minh làm rõ.

[3] Trong tháng 8/2013, trước khi UBND tỉnh ban hành Công văn số 2755/UBND-VX ngày 22/8/2013 về việc thực hiện một số nội dung về công tác đào tạo diện dự bị đại học dân tộc và cử tuyển (viết tắt là Công văn số 2755), thì UBND tỉnh có Công văn số 2470/UBND-VX ngày 02/8/2013 về việc thực hiện công tác cử tuyển năm 2013 (viết tắt là Công văn số 2470) [Bút lục 1803]. Trên cở sở Công văn số 2470 này, Sở GDĐT ra Thông báo số 2045/TB-SGDĐT ngày 02/8/2013 về chỉ tiêu và hướng dẫn sơ tuyển theo chế độ cử tuyển năm 2013 [Bút lục 515-516]; ngày 14/8/2013, Sở GDĐT có Tờ trình số 2152/TTr-SGDĐT về việc tham mưu thành lập Hội đồng cử tuyển. Đến ngày 24/8/2013, UBND tỉnh ra Quyết định số 1548/QĐ-UBND ngày 22/8/2013 về việc thành lập Hội đồng cử tuyển 2013 [Bút lục 1722]. Hội đồng đã tiến hành họp xét cử tuyển năm 2013 ngày 24/9/2013 đã thống nhất cử tuyển 104 học sinh, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) 88 em và dân tộc kinh 16 em; riêng 06 em dân tộc kinh có hộ khẩu trong gia đình người thân (anh, em, chú, bác…) sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn để thay thế cho học sinh chuyển ngành, bỏ học của năm học trước (có danh sách kèm theo) chờ xin ý kiến lãnh đạo UBND tỉnh; Giao Thường trực Hội đồng cử tuyển của tỉnh (Sở GDĐT) rà soát hết số học sinh DTTS tại chỗ (S’Tiêng, M’Nông, Khmer có đăng ký dự tuyển thay thế cho số học sinh DTTS không đậu dự bị đại học nhằm đảm bảo quyền lợi của các em và chỉ tiêu được giao [Bút lục 1771-1772; 1841]. Ngày 26/9/2013, Sở GDĐT có Tờ trình số 2598/TTr-HĐCT trình UBND tỉnh ra Quyết định số 1806/QĐ-UBND ngày 02/10/2013 cử tuyển học sinh đi học Đại học, Cao đẳng năm 2013: cử tuyển 104 học sinh, kèm theo 12 danh sách [Bút lục 1756-1770; 1828-1835] (viết tắt là Quyết định số 1806).

Quy trình cử tuyển năm 2013 theo Quyết định số 1806 nêu trên được thực hiện trong thời gian bị cáo H đang phụ trách công tác cử tuyển do ông V đi bồi dưỡng tiếng Anh ở Canada, sau đó ông V trở lại công tác đã tiếp tục tham mưu một số bước trong quy trình cử tuyển này. Trong khi Quyết định số 1669 dựa vào chủ trương tại Công văn số 2755 ngày 22/8/2013, thì Quyết định số 1806 lại dựa vào chủ trương tại Công văn số 2407 ngày 02/8/2013 của UBND tỉnh là có sự mâu thuẫn về mặt thời gian và không theo thông lệ như các năm trước đó (vì theo ông V xác định trong các năm 2011, 2012 thì UBND tỉnh sẽ ban hành Quyết định cử tuyển trước, sau đó mới ban hành Quyết định các trường hợp lưu ban, chuyển ngành học, thay thế học sinh nghỉ học, bỏ học). Tuy nhiên, cấp sơ thẩm chưa điều tra, xác minh vai trò, trách nhiệm và việc thực hiện nhiệm vụ tham mưu công tác cử tuyển của bị cáo và ông V, cũng như những cá nhân khác có liên quan đến các văn bản nêu trên trong giai đoạn này là điều tra chưa đầy đủ, có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội của bị cáo và các cá nhân khác.

[4] Theo lời khai của ông V, thì vào khoảng ngày 10/9/2013, ông V bồi dưỡng xong về lại cơ quan tiếp tục công tác, sau đó ông V đi công tác tại cấp huyện khoảng 10 ngày, đến khoảng ngày 20/9/2013 thì trở lại làm việc tại cơ quan và tiếp tục trực tiếp phụ trách tham mưu công tác cử tuyển. Trong thời gian này đã phát sinh những tình tiết chưa được điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm làm rõ. Cụ thể:

Ngay sau khi trở lại công tác, ông V đã yêu cầu bị cáo bàn giao Quyết định số 1669 và danh sách kèm theo cho ông để theo dõi, quản lý. Do bị cáo cho rằng không còn lưu giữ tài liệu này, nên ông V đã yêu cầu bị cáo liên hệ với Phòng VHXH thuộc Văn phòng UBND tỉnh để xin bản photo Quyết định số 1669 và danh sách kèm theo để giao cho ông. Sau đó, bị cáo đã giao cho ông V Quyết định số 1669 và danh sách kèm theo gồm 43 học sinh được đánh số thứ tự từ 01 đến 43.

Bị cáo cho rằng trong thời gian thực hiện tham mưu Tờ trình số 2315 và danh sách kèm theo (lần thứ nhất), cũng như tham mưu việc điều chỉnh thay thế, bổ sung danh sách kèm theo Tờ trình số 2315 (lần thứ hai) đều có sự báo cáo với ông V qua những lần ông V từ Canada điện thoại về nước để nắm bắt tình hình công tác của Phòng GDDT. Quá trình điều tra tại cấp sơ thẩm mặc dù bị cáo đã cung cấp các số điện thoại để chứng minh ông V có liên lạc với bị cáo để chỉ đạo tham mưu công tác cử tuyển, nhưng chưa được trưng cầu lịch sử cuộc gọi để xem xét vai trò cũng như có hay không có sự chỉ đạo của ông V đối với bị cáo là có thiếu sót.

Ngoài ra, đang trong thời gian Sở GDĐT tham mưu quy trình để UBND tỉnh ra Quyết định cử tuyển số 1806 nêu trên, đến ngày 24/9/2013 Sở GDĐT lại ban hành Công văn số 1722/SGDĐT-GDDT về việc gửi Quyết định số 1669 cho phép học sinh cử tuyển tỉnh Bình Phước học lưu ban, chuyển ngành, thay thế các trường hợp nghỉ học, không đạt yêu cầu (viết tắt là Công văn số 1722) [Bút lục 663]; ngày 03/10/2013, Sở GDĐT tiếp tục ban hành Công văn 1778/SGDĐT- GDDT về việc gửi danh sách học sinh đi học Đại học, Cao đẳng theo chế độ cử tuyển năm 2013 cho các trường Đại học, Học viện, Cao đẳng, Dự bị Đại học (viết tắt là Công văn số 1778) [Bút lục 657].

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông V thừa nhận là người ký nháy trong Công văn số 1722; ông H2 là Giám đốc Sở GDĐT ký Công văn số 1722; ông K là Phó Giám đốc Sở GDĐT ký Công văn số 1778 nêu trên. Riêng bị cáo không thừa nhận là người soạn thảo các tài liệu này. Vậy ai là người soạn thảo các tài liệu này? Mục đích, động cơ phát hành tài liệu này cho các trường Đại học, Cao đẳng, Dự bị Đại học để làm gì? Tại sao đính kèm với Công văn số 1722 lại có thêm danh sách 12 học sinh học lưu ban, chuyển ngành, thay thế các trường hợp nghỉ học, không đạt yêu cầu (trong đó có học sinh Đỗ Hoàng H5, Nông Thị T5) và danh sách này không phải là một trong các danh sách kèm theo Quyết định số 1669 đã nhận định ở trên? Vai trò của bị cáo, ông V, ông K, ông H2 và các cá nhân khác liên quan đến việc soạn thảo, tham mưu, ký nháy, ký phát hành và công tác phát hành, lưu trữ các tài liệu này như thế nào? Những nội dung này chưa được điều tra xác minh làm rõ.

[5] Tiếp đó, sang năm 2014, Sở GDĐT tiếp tục ban hành Công văn 1207/SGDĐT-GDDT ngày 18/8/2014 gửi Đại học Y Dược TPHCM về việc gửi bổ sung Quyết định số 1669 và Công văn số 1722/SGDĐT-GGDT cử tuyển năm 2013 và đăng ký ngành học cho sinh viên cử tuyển (viết tắt là Công văn số 1207). Theo đó, nội dung Công văn này thể hiện: Trong số 03 học sinh đã được cử tuyển thay thế tại Quyết định số 1669, học sinh Nông Thị T5 đã học chương trình dự bị đại học năm học 2013-2014 tại Trường Dự bị Đại học, trân trọng đề nghị quý trường tạo điều kiện cho em Nông Thị T5 được nhập học chính thức tại quý trường năm học 2014-2015; 02 học sinh: Bùi Hoàng Diệu L2 và Nông Thị B, do nhận thông tin muộn nên không kịp nhập học năm học 2013-2014 tại Trường Dự bị đại học, đề nghị quý trường tạo điều kiện cho 02 em Ly và Bích nhập học chương trình dự bị năm học 2014-2015 tại Trường Dự bị đại học.

Công văn này do ông Huỳnh Công K - Phó Giám đốc Sở GDĐT ký ban hành, không có chữ ký nháy [Bút lục 1958-1959].

Trong khi đó, tài liệu do ông Bùi Quốc T2 giao nộp tại phiên tòa phúc thẩm thể hiện Công văn số 1207 ngày 18/8/2014 có chữ ký của ông K (bản chính, mộc dấu đỏ, nhưng không đóng mộc giáp lai giữa hai trang tài liệu) lưu trữ tại Sở GDĐT thì nội dung lại đề cập đến công tác cử tuyển tạo nguồn cán bộ, so với Công văn số 1207 được thu thập trong hồ sơ là hoàn toàn khác nhau. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông K không xác định được ai là người soạn thảo, tham mưu Công văn này, nhưng với nội dung Công văn này thì ông K xác định thuộc phạm vi tham mưu của Phòng GDDT- Sở GDĐT, trong khi đó ông V và bị cáo đều không thừa nhận đã soạn thảo nội dung này.Vậy bị cáo hay ai khác là người soạn thảo, tham mưu Công văn nêu trên? Mục đích, động cơ của việc ban hành Công văn này để làm gì? Tại sao nội dung Công văn tập trung vào 03 trường hợp học sinh Nông Thị T5, Nông Thị B và Bùi Hoàng Diệu L2 là những trường hợp được nêu trong danh sách 43 học sinh thay thế, bổ sung kèm theo Quyết định số 1669 do bị cáo tham mưu, điều chỉnh trong năm 2013? Vai trò, trách nhiệm của ông T2 trong việc quản lý Sổ Công văn đi, lấy số công văn đi và đóng mộc dấu, phát hành như thế nào khi chỉ đóng mộc dấu vào chữ ký của ông K mà không đóng dấu giáp lai giữa hai trang tài liệu? Những vấn đề này chưa được điều tra xác minh làm rõ.

[6] Trong năm 2014, UBND tỉnh tiếp tục có 02 quyết định cử tuyển, cụ thể: Quyết định 1951/QĐ-UBND ngày 16/9/2014 về việc cho phép học sinh diện cử tuyển năm 2013 chuyển ngành, học lại, thay thế danh sách học sinh nghỉ học, không đi học. Đặc điểm tài liệu này được thu giữ như sau: là bản photo mộc đen, dấu Công văn đến ngày 25/9/2014 của Đại học Văn hóa mộc đen; danh sách kèm theo 37 học sinh mộc đen dấu treo của UBND tỉnh, trong đó có trường hợp: Bế Hoàng Đ, Đại học GTVT, học lại; Hà Trà M, Đại học Y Dược, học lại (là trường hợp bị cáo H đã bỏ ra khỏi danh sách kèm theo Quyết định số 1669) [Bút lục 1934]; Quyết định số 2152/QĐ-UBND ngày 10/10/2014 về việc cử tuyển học sinh đi học Đại học, Cao đẳng năm 2014: cử tuyển 31 học sinh (viết tắt là Quyết định số 2152) [Bút lục 690-696; 1703-1709; 1712-1715; 1718- 1774].

Đối với hai quyết định trên, liên quan đến Quyết định số 2152, quá trình xét xử sơ thẩm thì Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ các vấn đề liên quan, tuy nhiên CQĐT và VKS cho rằng Quyết định này đang được Phòng An ninh điều tra phối hợp với Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh điều tra, xử lý nên đã không thực hiện việc điều tra bổ sung theo yêu cầu của Tòa án cấp sơ thẩm. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã kiến nghị hủy Bản án sơ thẩm để điều tra xác minh làm rõ và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Xét thấy, quy trình cử tuyển năm 2014 theo Quyết định số 2152 được thực hiện trên cơ sở Thông báo số 744/TB-BGDĐT ngày 29/8/2014 của Bộ GDĐT về việc thông báo chỉ tiêu cử tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng năm học 2014-2015 và Công văn số 2922/UBND-VX ngày 10/9/2014 của UBND tỉnh về việc thực hiện công tác cử tuyển năm 2014. Mặc dù thời điểm UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2152 thì bị cáo đã chuyển công tác về Bộ GDĐT, nhưng các công văn về chủ trương (Thông báo số 744 và Công văn số 2922) nêu trên đã có và gửi về Sở GDĐT tỉnh trong thời gian bị cáo còn công tác tại Sở GDDT tỉnh (tại phiên tòa phúc thẩm thì ông K, ông V xác định bị cáo chuyển công tác về Bộ GDĐT từ ngày 15/9/2014). Quá trình điều tra, truy tố đã thu thập được Quyết định số 2152 kèm theo danh sách gồm 31 học sinh, ngoài ra còn có danh sách 07 trường hợp khác là học sinh các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập không thuộc danh sách 31 học sinh cử tuyển gửi đến các trường Đại học, Cao Đẳng [Bút lục 548c]. Vậy bị cáo có liên quan gì đến việc soạn thảo, tham mưu danh sách 07 học sinh này không thì chưa được điều tra làm rõ.

Đối với vụ án này, việc khởi tố vụ án ban đầu do Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh khởi tố, sau đó chuyển hồ sơ cho CQĐT Công an thị xã Đ (nay là thành phố Đ) điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, đối với Quyết định số 2152 thì Phòng An ninh điều tra lại phối hợp với Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh tách ra để điều tra, xử lý thành vụ việc khác là chưa phù hợp, bởi lẽ trong trường hợp xác định bị cáo có liên quan trách nhiệm đến vi phạm thuộc Quyết định số 2152 thì việc xử lý bị cáo ở vụ việc khác là gây bất lợi cho bị cáo. Mà trong trường hợp này, cả Quyết định số 1669 và Quyết định số 2152 cùng các tài liệu khác có liên quan cần được điều tra xác minh, xử lý trong cùng vụ án mới đảm bảo giải quyết triệt để vụ án.

[7] Từ những nhận định trên, xét thấy quá trình điều tra, truy tố tại cấp sơ thẩm điều tra, xác minh thu thập chứng cứ chưa đầy đủ; việc đánh giá chứng cứ chưa toàn diện, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và hành vi phạm tội của bị cáo và các cá nhân khác có liên quan; Tòa án cấp sơ thẩm mặc dù đã có quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng cũng chưa nêu được đầy đủ các vấn đề cần điều tra bổ sung như đã nhận định; công tác cử tuyển và đào tạo diện dự bị đại học dân tộc của tỉnh từ năm 2011 đến năm 2014 là liên tục, hồ sơ và danh sách các học sinh bổ sung, thay thế các trường hợp không đi học, lưu ban của đợt sau đều căn cứ trên cơ sở kết quả xét duyệt của Hội đồng cử tuyển thời gian trước đó và đều có liên hệ với nhau. Vì vậy, việc cấp sơ thẩm đồng ý tách riêng việc điều tra, truy tố đối với Quyết định số 2152 và danh sách kèm theo là giải quyết không triệt để vụ án, gây khó khăn trong việc xác định hành vi và cá thể hóa tội phạm. Với những sai sót này cấp phúc thẩm không thể khắc phục ngay tại phiên tòa được, nên cần chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, hủy Bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo quy định của pháp luật.

Theo đó: Cấp sơ thẩm cần thu thập bổ sung các tài liệu, giấy tờ liên quan đến công tác cử tuyển, chuyển ngành, học lại, thay thế danh sách học sinh nghỉ học, không đi học trong giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 10 năm 2014. Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ thu thập được tiến hành điều tra xác minh làm rõ đối với bị cáo Hoàng Ngọc H và các cá nhân khác có liên quan đến công tác soạn thảo, tham mưu, ký nháy, ký phát hành, đóng mộc dấu và phát hành, ghi chép sổ sách nghiệp vụ và lưu trữ các tài liệu nêu trên để xác định có hay không có tội phạm và đồng phạm; nếu có thì đó là tội phạm gì; vai trò của đồng phạm.

[8] Về án phí:

Án phí hình sự sơ thẩm: Do Bản án sơ thẩm bị hủy nên án phí hình sự sơ thẩm sẽ được quyết định khi vụ án được giải quyết lại.

Án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo của bị cáo được chấp nhận một phần, nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[9] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm có một phần phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 355 ; Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Hoàng Ngọc H. Hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 175/2019/HS-ST ngày 26 tháng 12 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Đ, tỉnh Bình Phước. Giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đ, tỉnh Bình Phước để điều tra, xét xử lại.

Án phí hình sự sơ thẩm: Sẽ được quyết định khi vụ án được giải quyết lại.

Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Hoàng Ngọc H không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

587
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 34/2020/HS-PT ngày 21/05/2020 về tội giả mạo trong công tác

Số hiệu:34/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Phước
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 21/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;