Bản án 34/2019/HSPT ngày 14/05/2019 về tội vi phạm các quy định khai thác và bảo vệ rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

BẢN ÁN 34/2019/HSPT NGÀY 14/05/2019 VỀ TỘI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ RỪNG

Ngày 14 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 40/2019/TLPT-HS ngày 12-4-2019 đối với bị cáo Đỗ Văn L cùng đồng phạm, do có kháng cáo của các bị cáo Đỗ Văn L, Phí Văn C đối với bản án hình sự sơ thẩm số 06/2019/HS-ST ngày 07/03/2019 của Tòa án nhân dân huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

* Các bị cáo kháng cáo:

1. Họ và tên: Đỗ Văn L, sinh năm 1978 tại tỉnh Thanh Hóa. Nơi ĐKNKTT và cư trú: Thôn TT, xã ĐK, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Nghề nghiệp: Cắt tóc. Trình độ văn hóa: 3/12. Quốc tịch: Việt Nam Dân tộc: Kinh. Giới tính: Nam. Tôn giáo: Không. Con ông Đỗ Quốc T, sinh năm 1947, con bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1950. Vợ: Phạm Thị M, sinh năm 1982. Có 03 người con, con lớn sinh năm 2004, con nhỏ nhất sinh năm 2011; hiện đều cư trú tại: Thôn TT, xã ĐK, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại. Có mặt.

2. Họ và tên: Phí Văn C, sinh năm 1984 tại tỉnh Hải Dương. Nơi ĐKNKTT và nơi cư trú: Thôn ĐT, xã PL, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Nghề nghiệp: Làm nông. Trình độ văn hóa: 0/12. Dân Tộc: Kinh. Giới tính: Nam. Tôn giáo: Thiên chúa. Quốc tịch: Việt Nam. Con ông: Phí Văn Th, sinh năm 1953, con bà Lương Thị Ngọc B, sinh năm 1954. Vợ Mai Thị Huyền Tr, sinh năm 1987. Có 02 người con, con lớn sinh năm 2007, nhỏ sinh năm 2010, hiện đều cư trú tại: Thôn ĐT, xã PL, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Tiền án, tiền sự: Không. Nhân thân: Tại bản án số 56/2015/HSTP ngày 27-5-2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xử phạt 04 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng về tội “Đánh bạc” Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 14-02-2019 đến nay, hiện đang tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện Đam Rông. Có mặt.

Trong vụ án này, nguyên đơn dân sự, Ban quản lý rừng SêRêPốk, huyện Đam Rông; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Định, anh Tuấn, anh Liêng Jrang Ha Chong (Hoàn) không kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng tháng 10-2017, các bị cáo Đỗ Văn L, bị cáo Phí Văn C, cùng với anh Trần Văn Trọng anh Trần Văn Dương, anh Liêng Jrang Ha Chong (Tên thường gọi là Hoàn) vào tiểu khu 65, thuộc địa giới hành chính xã Đạ Long huyện Đam Rông để tìm đá Thạch Anh. Trên đường đi, nhóm của bị cáo L gặp một nhóm gồm các anh Lê Văn Tuấn (Tên thường gọi là Tuấn rừng), anh Liêng Hót Ha Soe, anh Nguyễn Thanh Vương (Tên thường gọi là Út). Khi tất cả đi đến khoảnh 1 tiểu khu 65 xã Đạ Long nghỉ uống nước. Tại đây, cả nhóm thấy có 01 cây gỗ Du Sam lớn, đang còn sống. Khoảng 15 phút sau, nhóm L, C, Dương và Chong tiếp tục đi tìm đá, còn lại nhóm của anh Tuấn ở lại khu vực có cây Du Sam.

Đến khoảng cuối năm 2017, bị cáo L, bị cáo C vào lại khoảnh 1 tiểu khu 65 thì biết cây gỗ Du Sam đã bị cưa hạ, nên bàn với nhau vào cưa xẻ gỗ của cây Du Sam này về sử dụng. Sau đó, bị cáo L và bị cáo C chuẩn bị 01 máy cưa xăng cầm tay (Nhãn hiệu Stihl, màu trắng-đỏ), đồ dùng cá nhân rồi đi vào tiểu khu 65 dựng lán và xẻ gỗ. Khi vào đến nơi, thấy anh Tuấn đang cưa xẻ phần ngọn của cây Du Sam nói trên, phần gốc vẫn còn nguyên. Bị cáo C sử dụng máy cưa mang theo cắt phần gốc cây Du sam (Sau đây gọi cây số 1) thành 02 bi, mỗi bi dài 3,5m, đường kính trung bình 1,23m, rồi xẻ thành 04 tấm sập có kích thước khoảng 3,5m x 1m x 0,2m; bị cáo L không biết cưa, xẻ nên phụ bị cáo C đo, bật mực và nấu cơm.

Trong quá trình cưa, xẻ cây Du Sam số 01, bị cáo L, bị cáo C phát hiện gần đó có 01 cây Du Sam vẫn còn sống (Sau đây gọi cây số 2) nên nảy sinh ý định cưa hạ cây Du Sam này. Sau khi thống nhất, bị cáo C tiếp tục sử dụng cưa máy cưa hạ cây Du Sam số 02 rồi cắt phần thân thành 03 bi, mỗi bi dài 3,5m. Sau đó xẻ thành 06 tấm sập, kích thước tương tự như ở cây số 01. Ngoài việc cưa, tổng cộng được 10 tấm sập từ 02 cây Du Sam, bị cáo C còn xẻ các cục gỗ nhỏ, kích thước khác nhau từ phần bìa, sau đó thuê anh Ha Chong kéo ra khỏi hiện trường. Đối với các tâm sập to, khó vận chuyển bằng sức người, bị cáo L, bị cáo C đã liên hệ thuê anh Mạnh sử dụng 01 con trâu đực, để kéo xuống khu ruộng, sát đường mòn tại tiểu khu 66 xã Đạ Long cất giấu, chờ thời cơ vận chuyển đi nơi khác.

Ngày 23-01-2018, Ủy ban nhân dân xã Đạ Long bắt được 01 con trâu, 01 tấm sập gỗ Du Sam tại tại khu ruộng, sát đường mòn thuộc tiểu khu 66, bị cáo C nghe thông tin Ủy ban nhân dân xã Đạ Long bắt được con trâu và tấm sập nên giấu máy cưa vào khe đá gần hiện trường và không quay lại vị trí 02 cây Du Sam nữa. Do bị cáo L bị cưa máy bật vào mắt trong lúc cưa cắt cây gỗ, nên phải đi điều trị, nên các bị cáo chưa đưa được gỗ đã cưa tiêu thụ.

Theo kết quả khám nghiệm hiện trường ngày 28-02-2018, tại vị trí lô a khoảnh 1 tiểu khu 65 thuộc địa giới hành chính xã Đạ Long, huyện Đam Rông do Ban quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk quản lý xác định 02 cây gỗ bị cưa hạ trái phép, chủng loại Du Sam, nhóm IIA, lâm sản đã bị lấy đi khỏi hiện trường gần hết, chỉ còn 03 lóng (bi), ngọn và cành. Đối tượng rừng sản xuất, trạng thái rừng Lá rộng, công cụ tác động là máy cưa xăng cầm tay, thời điểm bị cưa hạ vào khoảng cuối năm 2017. Tổng khối lượng lâm sản thiệt hại 35,190m3 gỗ tròn; trong đó cây số 01 có đường kính gốc 1,35m, đường kính ngọn 0,9m, dài 22m, khối lượng lâm sản thiệt hại 23,845m3 gỗ tròn; cây số 02 có đường kính gốc 1,1m, đường kính ngọn 0,6m, dài 18m, khối lượng lâm sản thiệt hại 11,345m3 gỗ tròn. Ngoài ra, biên bản ghi nhận hiện trường L ngày 30-11-2018, xác định tại vị trí cây Du Sam số 01 khối lượng lâm sản của 02 bi phần gốc mà các bị cáo C, bị cáo L đã cưa là 8,246m3 gỗ tròn. Tổng khối lượng lâm sản của phần gốc cây Du Sam số 01 và cây Du Sam số 02 mà các bị cáo C, bị cáo L đã khai thác trái phép là 19,591m3 (8,246m3 + 11,345m3).

Theo Bản kết luận định giá tài sản số 12/KL-HĐĐG ngày 28-3-2018 của Hội đồng định giá tài sản huyện Đam Rông, kết luận Tổng giá trị thiệt hại của 35,190m3 gỗ Du Sam 334.006.000đ, trong đó giá trị thiệt hại về lâm sản là 83.501.500đ, giá trị thiệt hại về môi trường là 250.504.500đ. Theo Văn bản số 11/HĐĐG ngày 20-12-2018 của Hội đồng định giá tài sản huyện Đam Rông, thiệt hại về lâm sản của 19,591m3 gỗ là 47.943.000đ, thiệt hại về môi trường là 143.829.000đ, tổng giá trị thiệt hại là 191.772.000đ.

Đối với anh Tuấn (Tuấn Rừng) chỉ cưa phần giữa và phần ngọn của cây là 6,54m3 gỗ Du Sam cây số 01, giữa anh Tuấn và nhóm bị cáo L, bị cáo C không có sự bàn bạc thống nhất với nhau. Căn cứ Thông tư số 19/2007/TTLT ngày 08-3-2007 hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự về tội phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng thì khối lượng lâm sản anh Tuấn khai thác chưa đủ căn cứ để xử lý về hình sự. Do vậy, cơ quan Điều tra L hồ sơ đề nghị xử lý hành chính đối với anh Tuấn theo quy định của pháp luật. Còn việc anh Tuấn có phải là người trực tiếp cưa hạ cây Du Sam số 01 hay không, Cơ quan Điều tra tiếp tục điều tra, nếu có đủ căn cứ sẽ được xử lý bằng một vụ án hình sự khác.

Đối với anh Mạnh dùng con Trâu đực kéo gỗ về tập kết tại tiểu khu 66 xã Đạ Long do bị cáo L, bị cáo C thuê; sau khi bị phát hiện và thu giữ con Trâu cùng với tấm sập, anh Mạnh đã bỏ trốn khỏi địa phương, nên Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý sau.

Đối với anh Ha Chong (Hoàn) là người làm thuê cho các bị cáo L, bị cáo C và được trả công theo ngày, giữa Chong và các bị cáo L, bị cáo C không có sự bàn bạc, nên Cơ quan điều tra không xử lý với vai trò đồng phạm trong vụ án. Đối với anh Phúc là người mua gỗ do anh Tuấn bán, nhưng anh Phúc không biết rõ lai lịch, nguồn gốc gỗ, nên Cơ quan điều tra không xử lý. Tuy nhiên, hành vi của anh Ha Chong, anh Phúc vi phạm hành chính, Cơ quan Điều tra đã kiến nghị Hạt kiểm lâm xử lý hành chính theo quy định.

Tại bản án số 06/2019/HS-ST ngày 07-3-2019 của Tòa án nhân dân huyện Đam Rông đã tuyên bố các bị cáo Phí Văn C, bị cáo Đỗ Văn L phạm tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”.

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 (Sau đây gọi chung Bộ luật hình sự 1999); điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 17, Điều 38 của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Sau đây gọi chung Bộ luật hình sự 2015). Bị cáo L được áp dụng thêm điểm i của Bộ luật hình sự 2015.

Xử phạt bị cáo Phí Văn C 12 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 14-02-2019.

Xử phạt bị cáo Đỗ Văn L 06 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt thi hành án.

Áp dụng khoản 3 Điều 175 Bộ luật hình sự 1999. Phạt tiền đối với các bị cáo Phí Văn C 5.000.000đ; bị cáo Đỗ Văn L 5.000.000đ.

Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự; buộc các bị cáo Phí Văn C, Đỗ Văn L mỗi người phải bồi thường số tiền 23.971.500đ để sung vào công quỹ Nhà nước.

Ngoài ra, bản án còn tuyên án phí, quyền kháng cáo, quyền yêu cầu thi hành án theo quy định pháp luật.

Ngày 11-3-2019 bị cáo C kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 18-3-2019 bị cáo L kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm; các bị cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị Tòa án xem xét chấp nhận; các bị cáo khai nhận thực hiện hành vi như bản án sơ thẩm, không thắc mắc khiếu nại bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng đề nghị căn cứ điển a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự; không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Do đã biết trước vị trí cây gỗ Du sam thuộc nhóm IIA, nên vào khoảng cuối năm 2017, các bị cáo Đỗ Văn L, bị cáo Phí Văn C vào khoảnh 1 tiểu khu 65 xã Đạ Long thực hiện hành vi dùng máy cưa xăng cầm tay (Nhãn hiệu Stihl, màu trắng-đỏ) cưa cây gỗ này, trong đó cây số 1 đã bị cưa hạ, các bị cáo cưa cắt phần gốc cây Du sam thành 02 bi, mỗi bi dài 3,5m, đường kính trung bình 1,23m, rồi xẻ thành 04 tấm sập có kích thước khoảng 3,5m x 1m x 0,2m. Đối với cây số 2 các bị cáo cắt hạ sau đó cắt thành 03 bi, mỗi bi dài 3,5m, xẻ được 06 tấm sập, kích thước tương tự như ở cây số 01; bị cáo C còn cắt các cục gỗ nhỏ, kích thước khác nhau từ phần bìa, sau đó thuê anh Ha Chong kéo ra khỏi hiện trường; thuê anh Mạnh sử dụng trâu kéo xuống khu ruộng, sát đường mòn tại tiểu khu 66 xã Đạ Long cất giấu, vận chuyển tiêu thụ.

Căn cứ kết quả khám nghiệm, kết quả định giá trong tố tụng đã xác định các bị cáo C, bị cáo L đã cưa cây số 1 là 8,246m3 gỗ; cây số 2 là 11,345m3. Tổng khối lượng lâm sản các bị cáo đã khai thác trái phép là 19,591m3; giá thiệt hại về lâm sản là 47.943.000đ. cấp sơ thẩm đánh giá toàn diện chứng cứ, đối chiếu lời khai của của các bị cáo, kết quả khám nghiệm, kết quả định giá trong tố tụng; vật chứng thu giữ, lời khai của người liên quan đã tuyên bố các bị cáo Đỗ Văn L, bị cáo Phí Văn C phạm tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng’’ theo điểm a khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự 1999 là có căn cứ.

[2] Xét kháng cáo của các bị cáo, đối chiếu với tài liệu chứng cứ thể hiện: Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng đến trật tự đến quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương; Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo C điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015 để quyết định xử phạt bị cáo C 12 tháng tù là thỏa đáng. Do vậy, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phí Văn C, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đối với bị cáo L tham gia với vai trò đồng phạm, nhân thân chưa có tiền án, tiền sự, nên đã được được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm i khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015; áp dụng Điều 17, Điều 38 của Bộ luật hình sự 2015 về nguyên tắc đồng phạm và phân hóa vai trò đồng phạm để quyết định xử phạt để quyết định xử phạt bị cáo L 06 tháng tù là thỏa đáng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo L xuất trình tài liệu đã bồi thường số tiền theo bản án sơ thẩm tuyên (Theo biên lai thu sổ AA/2010/08521 ngày 10/5/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đam Rông), nên áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm b khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Bên cạnh đó, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng; bị cáo được hưởng 3 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015; không bị áp dụng tình tiết tăng nặng theo quy định Điều 52 của Bộ luật hình sự. Do vậy cần chấp nhận khoáng cáo của bị cáo, áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự năm 2015, giữ nguyên mức hình phạt và cho bị cáo được cải tạo ngoài xã hội dưới sự giám sát giáo dục của chính quyền địa phương cũng đủ tác dụng giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung, không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

[3] Về án phí phúc thẩm: Bị cáo C kháng cáo không được chấp nhận, nên bị cáo C phải chịu án phúc hình sự phúc thẩm. Đối với bị cáo L kháng cáo được chấp nhận nên không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ các điểm a, b khoản 1 Điều 355, Điều 356; Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự; Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phí Văn C; Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đô Văn L, sửa bản án sơ thẩm, xử:

1. Tuyên bố các bị cáo Phí Văn C, bị cáo Đỗ Văn L phạm tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng’’.

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 175 của Bộ luật hình sự 1999; điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015. Bị cáo L được áp dụng thêm Điều 17, Điều 38; các điểm b, i khoản 1 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật hình sự 2015.

Xử phạt bị cáo Phí Văn C 12 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 14-02-2019.

Xử phạt bị cáo Đỗ Văn L 06 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao bị cáo Đỗ Văn L cho Ủy ban nhân dân xã ĐK, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người bị kết án. Trường hợp người bị kết án thay đổi nơi cư trú thì việc Thi hành án thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều 69 Luật Thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

2. Về án phí: Căn cứ Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 về án phí, lệ phí Tòa án. Bị cáo Phí Văn C phải chịu 200.000đ án phí hình sự phúc thẩm; bị cáo Đỗ Văn L không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

329
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 34/2019/HSPT ngày 14/05/2019 về tội vi phạm các quy định khai thác và bảo vệ rừng

Số hiệu:34/2019/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lâm Đồng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 14/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;