Bản án 337/2020/HSPT ngày 14/12/2020 về tội hủy hoại rừng

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ

BẢN ÁN 337/2020/HSPT NGÀY 14/12/2020 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Trong các ngày 10 và 14 tháng 12 năm 2020, tại Trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 238/2020/HSPT ngày 02 tháng 10 năm 2020, đối với các bị cáo Lò Văn M và Lò Thị D, do có kháng cáo của các bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 28/2020/HSST ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện X:

- Bị cáo kháng cáo:

1. Lò Văn M, sinh năm 1975; nơi cư trú: Thôn T.A, xã C, huyện X, tỉnh Thanh Hóa; nghề nghiệp: Trồng trọt; trình độ văn hoá: 03/10; dân tộc: Thái; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lò Văn Lá và bà Vi Thị Ẹt có vợ là: Lò Thị D và 03 con (lớn nhất sinh năm 1993, nhỏ nhất sinh năm 2012); tiền án, tiền sự: Không; tạm giữ; tạm giam: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú”; có mặt.

2. Lò Thị D, sinh năm 1974; nơi cư trú: Thôn T.A, xã C, huyện X, Thanh Hóa; nghề nghiệp: Trồng trọt; trình độ văn hoá: 5/10; dân tộc: Thái; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lò Văn Phấn và bà Cầm Thị Tỏa (đã chết) có chồng là Lò Văn M và 03 con; tiền án: Không; tiền sự: Ngày 28/11/2017, Chủ tịch UBND huyện X xử phạt vi phạm hành chính 8.500.000đ về hành vi “khai thác trái phép rừng”; chấp hành xong ngày 29/11/2019; tạm giữ; tạm giam: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú”; có mặt.

- Người bào chữa cho Lò Văn M và Lò Thị D: Ông Trịnh Đình H - Trợ giúp viên pháp lý Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 6 - Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thanh Hoá (Có văn bản bào chữa vắng mặt).

- Nguyên đơn dân sự: UBND huyện X, tỉnh Thanh Hóa.

Ngưi đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Thành L - Chủ tịch UBND.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Ngọc B - Phó Chủ tịch UBND (xin vắng mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Vi Văn H, 1970 và Vi Thị L, 1968 (có mặt).

Địa chỉ: Thôn B.T, xã X.L, huyện X, tỉnh Thanh Hóa

- Người làm chứng:

1. CBT, 1982 (vắng mặt);

2. VVH, 1990 (có mặt);

3. CTN, 1976 (vắng mặt);

4. LTH,1975 (vắng mặt);

5. VTP, 1956 (vắng mặt);

6. CBS, 1990 (vắng mặt);

7. NVH,1977 (vắng mặt);

8. CBB,1961 (vắng mặt);

9. LVH,1970 (vắng mặt).

- Giám định viên Tư pháp: Ông TĐT - Phó Phòng ; ông BVK, ông NĐH - Chuyên viên Phòng quản lý bảo vệ rừng - Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa (có mặt).

- Điều tra viên: Ông LVT - Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện X (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ và diễn biến tại phiên tòa, nội D vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 1997, UBND huyện X giao cho hộ gia đình Vi Văn H, sinh năm 1970, trú tại thôn Bàn Tạn, xã X.L, huyện X quản lý, sử dụng khu đất tại thửa số 273, Lô 6, Khoảnh 4, Tiểu khu 543 được quy hoạch là rừng sản xuất, ngày 27/12/2002 hộ ông Vi Văn H được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng năm 2015, khu đất giao cho hộ Vi Văn H tại các Lô 2,8,9,10,13 và 18, Khoảnh 8, Tiểu khu 543.Từ năm 1997 đến nay, gia đình Vi Văn H để cho cây rừng mọc và phát triển tự nhiên không tác động gì. Quá trình quản lý, sử dụng thì phát sinh tranh chấp khu đất rừng với gia đình Lò Văn M.

Khoảng cuối tháng 6/2018, Vi Văn H đi thăm rừng phát hiện một số diện tích rừng của gia đình thuộc các Lô 8, 13, Khoảnh 8, Tiểu khu 543 (gọi tắt là khu vực D) bị chặt phá 659 cây nứa, giang có đường kính mỗi cây nhỏ hơn 5cm, 24 bụi rậm (không rõ đối tượng) nên Vi Văn H cùng vợ là Vi Thị L, sinh năm 1968 và nhờ thêm CBT, sinh năm 1992, VVH, sinh năm 1990 cùng thôn đến khu vực rừng sản xuất thuộc Lô số 8, 18, Khoảnh 8, Tiểu khu 543 (gọi tắt là khu C) chặt phá 1.274 cây giang, nứa có đường kính 05 cm, 83 bụi rậm, 21 cây dây leo nhằm mục đích giữ đất của gia đình.

Sau khi phát hiện gia đình Vi Văn H phát dọn rừng, Lò Văn M và Lò Thị D cho rằng Vi Văn H đang lấn chiếm đất của gia đình mình nên ngày 31/7/2018, Lò Văn M đem cưa xăng đến khu vực mà ông Huệ đã phát dọn (khu C) cưa hạ 72 cây gỗ có đường kính từ 10cm - 30cm, khối lượng 3,821m3, sau đó Lò Văn M tiếp tục đi sang các Lô số 8, 13, Khoảnh 8, Tiểu khu 543 (khu vực D), dùng cưa xăng hạ 76 cây gỗ đường kính từ 10 - 30 cm, khối lượng 3,502m3. Trong khi M cắt cây thì Lò Thị D là vợ M cũng biết và đem nước lên cho M uống, sau đó hai vợ chồng M, D bàn nhau thuê thêm người để dọn phát khu rừng còn lại nhằm mục đích lấy đất trồng cây keo.

Từ ngày 01/8/2018 đến ngày 04/8/2018, Lò Thị D gọi điện thoại số 0942725993 thuê CTN, sinh năm 1976; LTH, sinh năm 1975; VTP, sinh năm 1956; CBS, sinh năm 1990; NVH, sinh năm 1977; Lò Văn M thuê CBB, sinh năm 1961, LVH, sinh năm 1970, đều ở thôn T.A, xã C với giá 140.000đ/người/ngày.

Ngày 01/8/2018 Lò Văn M và Lò Thị D bắt đầu dẫn những người được thuê đến các Lô 8,9,13, Khoảnh 8, Tiểu khu 543 (khu B) phát dọn trắng diện tích 12.710m2 rừng sản xuất. M và D yêu cầu những người làm thuê phát dọn hết các cây giang, nứa, dây leo, bụi rậm, cây gỗ nhỏ, còn những cây to thì M dùng cưa xăng cưa hạ. Trong quá trình phát dọn, D ra tín hiệu với mọi người là khi nào D nói: “anh em ơi nghỉ ngơi đi đã” thì tất cả đều đi trốn nhằm tránh đoàn kiểm tra. Tại khu B M, D cùng những người được thuê đã chặt hạ 11.522 cây nứa, 92 cây gỗ, khối lượng 6,166m3, 36 cây gỗ nhỏ, khối lượng 02 ster củi.

Phát dọn trắng xong khu B M, D cùng những người được thuê lên Lô số 2,9 và10, Khoảnh 8, Tiểu khu 543 (gọi tắt là khu A), diện tích 27.611m2 chặt hạ 17.474 cây nứa, 1.746 cây giang có đường kính dưới 5cm. Khi đang chặt phá thì bị lực lượng Kiểm lâm phát hiện, yêu cầu nên đã dừng lại. Cùng ngày 01/11/2018, Lò Văn M tự ý vào khu rừng đã chặt phá trước đó đốt toàn bộ cây nứa, cây giang, cành khô.

Cơ quan điều tra thu giữ 11 con dao của Lò Văn M, Lò Thị D, Vi Văn H, Vi Thị L, VTP, LTH, CTN, CBB, CBT, LVH, CBS; 01 cưa xăng của Lò Văn M, 01 điện thoại di động của Lò Thị D, đồng thời khám nghiệm hiện trường thu giữ 13,271 m3 gỗ và 02 ster củi. Đối với toàn bộ cây nứa, cây giang đã bị dập nát và bị đốt nên không thu giữ được.

Ngày 30/11/2018, Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định chức năng, trạng thái, giá trị thiệt hại về rừng tại khu rừng bị phá.

Tại Bản Kết luận giám định số 01/KLGĐ ngày 26/12/2018 và Biểu phân khu kiểm tra rừng ngày 26/01/2019 của Tổ giám định tư pháp Chi cục kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa kết luận:

Tổng diện tích trưng cầu giám định là 54.865m2, căn cứ nội D trưng cầu giám định, kết quả kiểm tra hiện trường chia làm 04 khu vực, cụ thể:

+ Khu vực A: (ký hiệu Lô a): Diện tích 27. 611m2 thuộc khoảnh 8, tiểu khu 543, xã C (gồm các lô: 2,9,10 khoảnh 8).

- Thiệt hại về lâm sản: Nứa 17.474 cây, Giang 1.746 cây (đường kính < 5cm).

- Trạng thái: Khu vực này đã bị phát luỗng ở tầng dưới rừng 27.611m2 tại thời điểm giám định đang là rừng nên vẫn còn chức năng rừng.

- Chức năng rừng: Lô a, Khoảnh 8, Tiểu khu 543 xã C huyện X được quy định là rừng sản xuất (Quyết định 3230/QĐ- UBND ngày 29/8/2017 của của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2025).

+ Khu vực B: (ký hiệu lô b): Diện tích 12.710 m2 thuộc Khoảnh 8, Tiểu khu 543 xã C (gồm các lô 8,9,13 Khoảnh 8).

- Trạng thái trữ lượng: Quá trình kiểm tra hiện trường và hình ảnh cho thấy nứa phân bổ tương đối đều trên toàn bộ diện tích, mật độ 9.066 cây/ha, đường kính < 5cm, phân loại rừng theo dự trữ thì 12.710 m2 nói trên trước khi bị phá, hiện trạng là rừng nứa nhỏ trung bình (có 92 cây gỗ, 36 cây gỗ nhỏ mọc rải rác).

- Thiệt hại về rừng: Bằng giá trị thiệt hại lâm sản + giá trị thiệt hại về môi trường.

.Thiệt hại lâm sản gỗ: Gỗ 6,166m3 (nhóm 7), củi 02 ster, nứa 11.522 cây (đường kính < 5cm).

.Thiệt hại về môi trường: Bằng thiệt hại về lâm sản x hệ số K (K=3).

- Chức năng rừng: Lô b khoảnh 8, tiểu khu 543 xã C được quy hoạch chức năng rừng sản suất (Quyết định 3230/QĐ- UBND ngày 29/8/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2025).

+ Khu vực C: (ký hiệu lô c): Diện tích 8.934 m2 thuộc hoảnh 8, tiểu khu 543 xã C (gồm các lô 8,18 khoảnh 8).

- Chức năng rừng: Lô c khoảnh 8, tiểu khu 543 xã C được quy hoạch chức năng rừng sản suất (Quyết định 3230/QĐ- UBND ngày 29/8/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2025).

- Thiệt hại lâm sản gỗ: Gỗ 3,812m3 (nhóm 7), nứa, giang 1.274 cây (đường kính < 5cm).

- Trạng thái: Chưa đủ cơ sở pháp lý để kết luận về trạng thái (là rừng hay không phải là rừng) đối với 8.934 m2 trước khi bị tác động.

+ Khu vực D: (ký hiệu lô d): Diện tích 4.605m2 thuộc khoảnh 8, tiểu khu 543 xã C (gồm các lô: 8, 13, khoảnh 8).

- Chức năng rừng: Lô d, khoảnh 8, tiểu khu 543 xã C được quy hoạch chức năng rừng sản xuất (Quyết định số 3230/QÐ-UBND ngày 29/8/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2025).

-Thiệt hại về lâm sản: Gỗ 3,502m3 (thuộc gỗ Nhóm 7); Nứa, giang 659 cây (đường kính < 5cm).

- Trạng thái: Chưa đủ cơ sở pháp lý để kết luận về trạng thái (là rừng hay không là rừng) đối với 4.605m2 trước khi bị tác động.

* Tại Kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự số 02/KL - ĐGTS ngày 15/02/2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện X (tại lô b) kết luận:

Giá trị 6,166m3 gỗ tròn, loại gỗ SP, nhóm 7 và 02 ster củi là: 12.098.000đ; Giá trị 11.522 cây Nứa đường kính nhỏ hơn 05cm là: 69.132.000đ; Giá trị thiệt hại về môi trường trên diện tích 12.710m2 rừng sản xuất là: 243.690.000đ.

Tổng giá trị thiệt hại tài sản cần định giá là: 324.920.000đ (Ba trăm hai mươi tư triệu chín trăm hai mươi nghìn đồng).

*Tại Kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự số 19/KL - ĐGTS ngày 25/6/2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện X (lô a,c,d) kết luận:

Tổng giá trị thiệt hại của tài sản cần định giá là: 77.355.600đ (Bảy mươi bảy triệu ba trăm năm lăm nghìn sáu trăm đồng), trong đó:

+ Giá trị thiệt hại tại khu vực A (lô a) gồm: 17.474 cây nứa đường kính nhỏ hơn 5cm và 1.746 cây giang đường kính nhỏ hơn 5cm là: 57.660.000đ;

+ Giá trị thiệt hại tại khu vực C (lô c) gồm: 3,812m3 gỗ tròn được cắt khúc, mỗi khúc có đường kính từ 10cm đến 30cm, dài từ 1,3m đến 2,6m; loại gỗ SP, nhóm 7 và 1.274 cây nứa, giang đường kính nhỏ hơn 5cm là: 11.064.800đ;

+ Giá trị thiệt hại tại khu vực D (lô d) gồm: 3,502m3 gỗ tròn được cắt khúc, mỗi khúc có đường kính từ 10cm đến 30cm, dài từ 1,3m đến 2,6m; loại gỗ SP, nhóm 7 và 659 cây nứa, giang đường kính nhỏ hơn 5cm là: 8.630.800đ.

Tại Bản kết luận giám định pháp y tâm thần số 106/KLGĐ ngày 17/4/2019 Viện pháp y tâm thần Trung ương đối với Lò Văn M:

Trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội đối tượng Lò Văn M không có bệnh tâm thần. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội đối tượng Lò Văn M có biểu hiện phản ứng hỗn hợp lo âu và trầm cảm đã được điều trị khỏi. Tại thời điểm giám định đối tượng Lò Văn M không có bệnh tâm thần. Tại các thời điểm trên đối tượng đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 25/2020/HSST ngày 04/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện X đã Quyết định:

Tuyên bố: Lò Văn M và Lò Thị D phạm tội: “Hủy hoại rừng”.

Căn cứ: điểm đ khoản 2 Ðiều 243; điểm b, điểm s, điểm t khoản 1, khoản 2 Ðiều 51; Ðiều 17; Ðiều 58 Bộ luật hình sự năm 2015; thêm khoản 1, khoản 2, khoản 5 Ðiều 65 đối với Lò Văn M; thêm khoản 1 Ðiều 54; Ðiều 38 đối với Lò Thị D.

Xö ph¹t: Lò Văn M 36 (Ba mươi sáu) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 (Sáu mươi) tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm; Lò Thị D 12 (Mười hai) tháng tù, thời gian chấp hành hình phạt kể từ ngày bắt thi hành án.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng khoản 1 Ðiều 48 Bộ luật hình sự; Điều 587; Điều 589; Điều 357 Bộ luật dân sự.

Buộc Lò Văn M và Lò Thị D phải liên đới bồi thường tổng giá trị thiệt hại về rừng là 324.920.000đ. Được trừ số tiền M và D đã khắc phục hậu quả 40.000.000đ, số tiền còn lại phải bồi thường là 284.920.000đ, mỗi bị cáo phải bồi thường 142.460.000đ.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên xử lý vật chứng, án phí và giành quyền kháng cáo.

Ngày 10/10/2019, Lò Văn M và Lò Thị D kháng cáo với nội dung Xin miễn trách nhiệm liên đới bồi thường 12.710m2 rừng sản xuất 243.690.000đ; Lò Thị D kháng cáo thêm nội dung: Xin giảm trách nhiệm hình sự hoặc được cải tạo không giam giữ.

Tại Bản án phúc thẩm số 22/2020/HSPT ngày 20/01/2020 của TAND tỉnh Thanh Hóa đã Quyết định:

Hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho VKSND huyện X điều tra lại theo thẩm quyền với các lý do:

+ Về thủ tục tố tụng: Các Cơ quan tiến hành tố tụng chưa xác định được đơn vị, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ rừng để tham gia với tư cách nguyên đơn dân sự và cần đưa ông Vi Văn H tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (khu vực rừng sản xuất đang có tranh chấp giữa gia đình bị cáo với hộ Vi Văn H);

+ Về nội dung: Chưa xác định được chính xác thiệt hại cần phải bồi thường; chưa thẩm định, định giá đối với phần rừng các bị cáo trồng khăc phục để làm căn cứ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, giảm bồi thường và tính án phí;

+ Về xử lý vật chứng: Án sơ thẩm tuyên tịch thu nộp ngân sách số gỗ thu tại hiện trường là 6,166m3 và 02 Ster củi, nếu buộc bị cáo bồi thường toàn bộ thì không sung công gỗ và củi, trường hợp sung công thì phải xác định giá trị số gỗ và củi để đối trừ nghĩa vụ bồi thường.

Tại Bản Kết luận giám định bổ sung số 01/KLGĐBS ngày 06/4/2020 của Tổ giám định tư pháp Chi cục kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa kết luận:

Đối với khu A không có cơ sở để xác định thiệt hại về môi trường. Đối với khu C, D tại thời điểm kiểm tra giám định (ngày 18/12/2018) hiện trường chỉ còn một số gốc cây thân gỗ, gốc nứa, cây bụi, không đủ tiêu chí thành rừng không còn chức năng rừng. Đối với khu B, hành vi “đốt” không gây thiệt hại về rừng do thời điểm “đốt” không còn chức năng của rừng. Diện tích 12.710m2 tại khu vực B trước khi bị chặt phá là rừng, sau khi chặt phá là khu đất. Tại thời điểm bị hủy hoại là 12.710m2, trạng thái rừng bị hủy hoại rừng là nứa nhỏ trung bình, chức năng rừng là rừng sản xuất.

Quá trình điều tra, Lò Văn M và Lò Thị D đã khắc phục hậu quả bằng việc trồng lại keo trên diện tích rừng đã chặt phá. Tại biên bản xác minh ngày 25/3/2020, ghi nhận có 547 cây keo mọc rải rác trên diện tích rừng bị chặt phá.

Tại bản Kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự số 17/KL- ĐGTS ngày 05/05/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện X kết luận:

Tổng giá trị thiệt hại tài sản cần định giá: 10.940.000đ (Mười triệu chín trăm bốn mươi nghìn đồng), Đối với CTN, LTH, VTP, CBS, CBB, LVH, NVH là những người đi phát thuê cho Lò Văn M và Lò Thị D; CBT và VVH là người đi phát rừng giúp gia đình Vi Văn H nhưng không biết việc gia đình Lò Văn M và gia đình Vi Văn H tự ý phát rừng không được sự cho phép của chính quyền nên không xử lý.

Đối với Vi Văn H, Vi Thị L đã có hành vi phát cây leo bụi rặm, cây giang, cây nứa trên diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch là rừng sản xuất được nhà nước giao cho hộ gia đình quản lý năm 1997 (tại khu vực C) và hành vi của Lò Văn M chặt hạ cây gỗ tại khu vực C và D, tuy nhiên khu vực này chưa đủ cơ sở pháp lý để kết luận về trạng thái (là rừng hay không là rừng) trước khi bị tác động nên chưa có căn cứ xử lý hình sự, Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ cùng tang vật đến Hạt kiểm lâm huyện X xử lý theo thẩm quyền.

Vật chứng của vụ án gồm: 02 con dao; 01 cưa xăng, 01 điện thoại di động nhãn hiệu NOKIA105 màu đen, điện thoại cũ đã qua sử dụng; 6,166m3 và 02 ster củi. Toàn bộ vật chứng trên đã được chuyển đến Chi cục thi hành án dân sự huyện X theo quyết định vật chứng số 11/QĐ- VKSTX ngày 08/8/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện X, tiếp tục thu giữ để xử lý.

Đối với 07 con dao (có đặc điểm như Biên bản thu giữ) đối với VTP, LTH, CTN, CBB, CBT, LVH, CBS, quá trình xác minh không có liên quan đến vụ án, Cơ quan CSĐT Công an huyện X trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp.

Đối với 02 con dao (có đặc điểm như Biên bản thu giữ) đối với Vi Văn H, Vi Thị L và 7,105m3 gỗ thu tại hiện trường khu C,D, Cơ quan điều tra chuyển đến Hạt Kiểm lâm huyện X xử lý theo thẩm quyền.

Trách nhiệm bồi thường dân sự: Sau khi thực hiện hành vi phạm tội ngày 08/8/2019, Lò Văn M và Lò Thị D đã tự nguyện nộp số tiền 40.000.000đ để khắc phục hậu quả.

Nguyên đơn dân sự là UBND xã C, huyện X trong giai đoạn chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử có đơn đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Vi Văn H, Vi Thị L không yêu cầu Lò Văn M, Lò Thị D bồi thường gì thêm.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 28/2020/HSST ngày 26/8/2020 của Tòa án nhân dân huyện X đã Quyết định:

Tuyên bố: Lò Văn M và Lò Thị D phạm tội: “Hủy hoại rừng”.

Căn cứ: điểm đ khoản 2 Ðiều 243; điểm b, điểm s, điểm t khoản 1, khoản 2 Ðiều 51; Ðiều 17; Ðiều 58 Bộ luật hình sự; thêm khoản 1, khoản 2, khoản 5 Ðiều 65 đối với Lò Văn M; thêm khoản 1 Ðiều 54; Ðiều 38 đối với Lò Thị D.

Xö ph¹t: Lò Văn M 36 (Ba mươi sáu) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 (Sáu mươi) tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm ngày 04/10/2019;

Lò Thị D 12 (Mười hai) tháng tù, thời gian chấp hành hình phạt kể từ ngày bắt thi hành án.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng khoản 1 Ðiều 48 Bộ luật hình sự; Điều 587; 589; 357 Bộ luật dân sự: Buộc Lò Văn M và Lò Thị D liên đới bồi thường tổng giá trị thiệt hại về rừng là 382.580.000đ (Ba trăm tám mươi hai triệu, năm trăm tám mươi nghìn đồng), được trừ số tiền đã khắc phục hậu quả 40.000.000đ; tiền gỗ đã tịch thu xung quỹ nhà nước 12.098.000đ; giá trị cây keo đã trồng lại 10.940.000đ, tổng cộng: 63.038.000đ, số tiền còn phải bồi thường: 319.542.000đ, chia theo phần mỗi bị cáo phải bồi thường: 159.771.000đ.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên xử lý vật chứng, án phí và giành quyền kháng cáo.

Ngày 06/9/2020, Lò Văn M và Lò Thị D có đơn kháng cáo với cùng nội D:

1. Bản án sơ thẩm xác định diện tích vợ chồng bị cáo chặt phá 12.710m2 là đất của gia đình ông Vi Văn H là không đúng;

2. Bản án sơ thẩm nêu khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, bị cáo đã tự ý chặt phá 12.710m2 nên phạm tội “Hủy hoại rừng” theo Điều 243 Bộ luật hình sự, nhưng thực tế khi giao đất không có cơ quan nào phổ biến và lập biên bản yêu cầu gia đình phải cam kết;

3. Bản án sơ thẩm nêu trong quá trình phát dọn, D ra tín hiệu với mọi người là D nói “Anh em nghỉ ngơi đã” thì mọi người đều đi trốn nhằm tránh đoàn kiểm tra, kết luận như vậy là không có cơ sở, bị cáo không thừa nhận, nhưng Công an, Viện kiểm sát không tiến hành đối chất là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

4. Việc đo đạc xác định thiệt hại không chính xác, thực tế chỉ 8.000 - 9.000m2 các bị cáo đã khiếu nại nhưng các cơ quan Tư pháp không xem xét? 5. Nứa, giang là tài sản của vợ chồng bị cáo do mọc tự nhiên và do vợ chồng bị cáo trồng, vì vậy bản án sơ thẩm buộc vợ chồng phải bồi thường khu vực B + khu vực C + khu vực D = 88.826.800đ là không đúng;

6. Bản án phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, quá trình điều tra bổ sung, CQCSĐT Công an huyện X khởi tố bổ sung thêm tội “Hủy hoại rừng” tại khu vực A gây thiệt hại là 57.660.000đ, nhưng không ra Quyết định khởi tố bổ sung, không ra Quyết định nhập vụ án, không tiến hành hỏi cung bị can mà lấy hồ sơ vi phạm hành chính để điều tra, truy tố; Tòa án không ra Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vẫn kết tội. Vụ này chỉ có mình M thực hiện, D không tham gia nhưng vẫn kết tội D là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

7.Toàn bộ diện tích rừng bị chặt phá, vợ chồng bị cáo đã tổ chức trồng lại (Hạt Kiểm lâm X đã ghi nhận tại Công văn số 39 ngày 24/6/2019), sau đó bị kẻ xấu nhổ phá, đã báo cáo và Kết luận điều tra, Cáo trạng, Bản án đều nêu vợ chồng đã trồng lại rừng nhưng bị kẻ xấu chặt, phá, bước đầu là 1.500 cây, nhưng chỉ định giá số cây còn lại 547 cây, không định giá mô phỏng toàn diện tích 12.710m2 đã trồng lại để giảm tiền bồi thường là không đúng;

8. Do xác định diện tích đất rừng bị chặt phá sai nên định giá thiệt môi trường cũng sai (thiệt hại ít, định giá nhiều);

9. Diện tích rừng ông Vi Văn H giáp nhà bị cáo, ông Huệ thuê người chặt phá 8.892m2 nhưng không xử lý hình sự là bỏ lọt tội phạm;

10. Tại phiên tòa sơ thẩm vợ chồng bị cáo khiếu nại về những vi phạm tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, đề nghị Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng bản án sơ thẩm lại nêu các Cơ quan tố tụng không có vi phạm gì , vợ chồng bị cáo không khiếu nại gì là sai thực tế khách quan;

11. Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng thiếu tình tiết giảm nhẹ cho D, D có tình tiết giảm nhẹ đặc biệt là lập công chuộc tội (tố giác 01 vụ đánh bạc và 01 vụ hủy hoại rừng) nhưng không được áp dụng; D có 01 tiền sự nhưng vai trò thứ yếu nên phải được hưởng 12 tháng tù treo nhưng Tòa án cấp sơ thẩm xử tù giam là quá nặng.

Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm trả hồ sơ cho VKSND huyện X để điều tra lại.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo giữ nguyên kháng cáo.

Kiểm sát viên VKSND tỉnh Thanh Hóa phát biểu quan điểm: Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Lò Văn M và Lò Thị D, giữ nguyên bản án sơ thẩm về tội danh, hình phạt.

Bào chữa viên pháp lý có Văn bản bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử xem xét: Các bị cáo là người dân tộc thiểu số ở vùng Miền núi có điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức xã hội hạn chế, nguyên nhân phạm tội xuát phát từ tranh chấp với gia đình ông Vi Văn H không được UBND xã giải quyết kịp thời, các bị cáo suy nghĩ đơn giản nếu không phát dọn sẽ bị lấn chiếm hết đất rừng. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự, sửa Bản án sơ thẩm giảm cho bị cáo M xuống 12 tháng tù cho hưởng án treo, giảm cho bị cáo D xuống 06 tháng tù giam để các bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật.

Lời sau cùng các bị cáo vẫn tiếp tục cho rằng các bị cáo không có tội, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:

[1] Sau khi xét xử sơ thẩm, đơn kháng cáo của các bị cáo Lò Văn M và Lò Thị D nộp trong thời hạn quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, do đó vụ án được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Về việc xác định hành vi phạm tội của Lò Văn M và Lò Thị D.

Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, kết quả xét xử sơ thẩm, phúc thẩm tại Tòa án hai cấp và kết quả điều tra bổ sung thấy rằng: Xuất phát từ việc cho rằng hộ Vi Văn H, và Vi Thị L (ở thôn Bàn Tạn, xã X.L, huyện X) đã phát dọn rừng để lấn chiếm đất của gia đình mình, do đó ngày 31/12/2018, mặc dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, Lò Văn M đã đem cưa xăng đến chặt hạ 72 cây gỗ (ĐK 10-30cm) = 3,821m3 tại vị trí mà Vi Văn H đã phát dọn tại lô số 8 và 18 (gọi là khu C), sau đó M tiếp tục sang lô 8 và 13, khoảnh 8 (Khu D) dùng cưa xăng chặt hạ 76 cây gỗ (ĐK 10-30cm) = 3,520m3, trong lúc M cưa hạ cây, Lò Thị D mang nước cho chồng uống.

Tiếp theo từ ngày 01/8/2018 đến ngày 04/8/2018, M và D thống nhất thuê CTN; LTH; VTP; CBS; NVH; CBB; LVH đều ở thôn T.A, xã C, huyện X để phát dọn rừng với giá 140.000đ/người/ngày, riêng ngày 01/8/2018 M, D đã thuê những người này phát dọn trắng 12.710m2 rừng tự nhiên tại các lô 8,9,13, khoảnh 8, tiểu khu 543 (Khu B) tại thôn T.A, xã C, huyện Thọ Xuân.

Theo kết quả giám định số 01/KLGĐBS ngày 06/4/2020 của Tổ chức giám định tư pháp - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa thì diện tích 12.710m2 rừng tại Khu B trước khi bị chặt phá là nứa nhỏ trung bình, số nứa bị chặt hạ là 11.552 cây, gỗ nhóm 7 là 92 cây, sau bị chặt phá chỉ còn là khu đất. Kết quả định giá ngày 15/2/2019 xác định thiệt hại về lâm sản tại Khu B là 81.230.000đ, thiệt hại về môi trường là 243.690.000đ, tổng cộng 324.920.000đ. Tại các Khu A,C,D do không xác định được trạng thái rừng trước khi bị phát dọn, hoặc sau khi phát dọn vẫn còn chức năng rừng nên không xác định được thiệt hại về môi trường, do đó không buộc các bị cáo chịu trách nhiệm hình sự mà chỉ buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại về lâm sản cho nhà nước. Tổng giá trị thiệt hại tại Khu A,B, C, D là: 382.580.000đ.

Hành vi chặt phá 12.710m2 rừng tự nhiên (được nhà nước quy hoạch rừng sản xuất) đã gây thiệt hại về lâm sản, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường sống của một số loài động, thực vật, d o đó các bị cáo Lò Văn M và Lò Thị D đã bị đưa ra truy tố, xét xử về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 243 Bộ luật hình sự là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, không oan.

[3] Xem xét các nội dung kháng cáo của các bị cáo thấy rằng:

[3.1] Về nội dung kháng cáo: Diện tích 12.710m2 rừng bị chặt phá nằm trên đất của gia đình các bị cáo đã được nhà nước giao và nội dung khi giao đất không được phổ biến, không có quy định về việc chặt phá phải báo cáo và chỉ là vi phạm hành chính, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:

Việc các bị cáo cho rằng diện tích rừng bị chặt phá đã được nhà nước giao, nhưng không đưa ra được chứng cứ gì để chứng minh.Theo công văn số 147/PTNMT-ĐĐ ngày 14/9/2018 của Phòng tài nguyên và môi trường UBND huyện X xác định: “1. Vị trí khu rừng bị chặt phá thuộc địa giới hành chính xã C, được thể hiện tại thửa đất số 273, lô 6, khoảnh 4, tiểu khu 543, loại đất lâm nghiệp (mục đích sử dụng: Rừng sản xuất);

2.Tại vị trí nêu trên, năm 2002 UBND huyện X cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Vi Văn H (Đối tượng được giao đất)” (BL129).

Đối với gia đình M, D cũng được nhà nước cấp GCNQSDĐ 18,1ha, nhưng là tại thửa 126, lô 8, khoảnh 3, Tiểu khu 543.

Mặt khác, khu vực bị chặt phá là rừng tự nhiên thuộc sở hữu Nhà nước (khoản 1 Điều 7 Luật Lâm Nghiệp 2017), việc tranh chấp đất giữa hai hộ gia đình chỉ nguyên nhân và chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kể cả trong trường hợp có căn cứ xác định khu vực tranh chấp đã được nhà nước giao cho gia đình các bị cáo, thì khi khai thác, sử dụng cũng phải có phương án cụ thể để đảm bảo sự ổn định hệ sinh thái của rừng và phải được cơ quan có thẩm quyền là UBND cấp huyện cho phép.

Tại Điều 243 Bộ luật hình sự quy định hành vi hủy hoại rừng là hành vi “đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng ...”, việc các bị cáo tự ý chặt phá làm mất chức năng của rừng là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.Thiệt hại xảy ra về lâm sản và môi trường đối với 12.710m2 rừng bị chặt phá đã phạm vào tình tiết định khung tại điểm đ khoản 2 Điều 243 của Bộ luật hình sự (“...Rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông m2 ... ”), do đó không thuộc trường hợp xử phạt hành chính mà phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quá trình điều tra, các bị cáo có khắc phục bằng trồng lại một số cây keo chỉ được xem xét là tình tiết giảm nhẹ.

Bản thân gia đình các bị cáo cũng được nhà nước giao đất lâm nghiệp từ năm 1997, buộc các bị cáo phải biết quyền và nghĩa vụ của mình trong việc quản lý, khai thác bảo vệ rừng. Riêng Lò Thị D từ năm 2017 đến 2018 còn là Đại biểu Hội đồng nhân dân xã C, trước đó ngày 28/11/2017 D đã từng bị Chủ tịch UBND huyện X ra Quyết xử phạt hành chính với mức phạt 8.000.000đ về hành vi “khai thác trái phép rừng”, do đó hơn ai hết bị cáo phải hiểu rõ các quy định của pháp luật trong lĩnh vự này.

Việc các bị cáo cho rằng không có quy định nào về việc chặt phá phải xin phép là không đúng, vì từ trước đến nay Nhà nước đã ban hành nhiều Luật và các văn bản dưới luật quy định trách nhiệm của toàn dân trong việc bảo vệ, phát triển rừng, hành vi tự ý chặt phá, hủy hoại rừng vi phạm Luật bảo vệ rừng năm 2004; Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006; Quy chế quản lý rừng sản xuất theo Quyết định số 49/2016/QĐ-TTg ngày 01/11/2016 của Chính phủ và vi phạm Luật Lâm Nghiệp năm 2017. Quá trình điều tra, các bị cáo luôn thành khẩn khai nhận biết việc tự ý chặt phá rừng là sai, biết việc nhà nước đã đóng cửa rừng, nhưng tại phiên tòa hôm nay lại trình bày việc khai nhận tại Cơ quan điều tra là do Điều tra viên hướng dẫn làm đơn và cho rằng việc chặt phá rừng không phải báo cáo ai là thể hiện sự ngoan cố không thể chấp nhận được.

[3.2] Về nội D kháng cáo: Bản án sơ thẩm nêu trong quá trình phát dọn, D ra tín hiệu với mọi người là nếu D nói “Anh em nghỉ ngơi đã” thì mọi người đều đi trốn nhằm tránh đoàn kiểm tra, bị cáo không thừa nhận nhưng Công an, Viện kiểm sát không tiến hành đối chất là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Nhận thấy nội dung này các bị cáo kháng cáo là đúng bởi lẽ trong quá trình điều tra chỉ duy nhất có lời khai ông LVH (người được các bị cáo thuê phát rừng) có nội D trên, nhưng Cơ quan điều tra không đấu tranh, đối chất giữa ông Hoa với bị cáo là thiếu sót. Tuy nhiên tình tiết này không làm không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án và không thuộc trường hợp vi phạm tố tụng ngiêm trọng, song cần rút kinh nghiệm đối với các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm.

[3.3]. Về nội dung kháng cáo việc đo đạc không chính xác, diện tích rừng bị chặt trắng chỉ 8.000 - 9.000m2, các bị cáo đã khiếu nại nhưng các cơ quan Tư pháp không xem xét, do xác định diện tích rừng bị chặt phá sai nên định giá thiệt môi trường sai, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:

Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ không có tài liệu thể hiện việc các bị cáo khiếu nại kết quả đo đạc, Kết luận giám định của Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, cũng như khiếu nại kết quả định giá, mà chỉ có 01 Đơn khiếu nại của các bị cáo đối với Cáo trạng số 24 của VKSND huyện X, ngày viết đơn 05/5/2020 trước ngày ban hành Cáo trạng ngày 29/5/2020 (BL 858) và có 01 bản photo đen trắng tóm tắt một số nội dung không nhất trí với Cáo trạng, đề nghị Tòa án trả hồ sơ cho VKSND huyện X, nhưng không đề ngày, tháng, năm, không có chữ ký người làm đơn (BL915,916). Tuy nhiên, việc không đồng ý với Cáo trạng của Viện kiểm sát các bị cáo và người bào chữa được thực hiện quyền tranh tụng và được Hội đồng xét xử sơ thẩm xem xét tại phiên tòa.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Điều tra Viên - CQCSĐT Công an huyện X và Giám định viên lâm nghiệp - Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa được triệu tập đã trình bày làm rõ việc xác định diện tích 12.710m2 rừng bị chặt trắng tại Khu B trên cơ sở tiến hành kiểm tra hiện trường ngày 22/8/2018, được sử bằng máy định vị MPSMAS62, do bị cáo M trực tiếp chỉ dẫn các mốc giới cho đoàn đo đạc, sau đó được Tổ giám định tư pháp Lâm phân tích trên máy tính và ban hành Kết luận giám định số 01/KLG ngày 26/12/2018. Việc kiểm tra hiện trường và tính toán trên cơ sở khoa học và đảm bảo đúng trình tự và khách quan, sau khi có kết quả giám định, CQCSĐT đã thông báo cho các bị cáo biết. Trong suốt quá trình điều tra, xét xử trước đây các bị cáo hoàn toàn không có ý kiến thắc mắc gì. Mặt khác, gia đoạn điều tra bổ sung, tại Biên bản xác minh ngày 25/3/2020 đã sử dụng máy định vị GPS MA645 với sự chỉ dẫn của M, D để kiểm đếm 547 cây keo do các bị cáo mới trồng rải rác thuộc các lô 8,9,13, khoảnh 8, tiểu khu 543 trên diện tích theo Kết luận Giám định số 01/KLGĐ ngày 26/12/2018 (BL735); tại Biên bản làm việc ngày 24/4/2020, các bị cáo hoàn toàn thống nhất với Kết luận Giám định số 01/KLGĐ ngày 26/12/2018, xác định diện tích rừng bị chặt phá tại Khu B là 12.710m2 , trước khi bị chặt là rừng, sau khi bị chặt phá là khu đất (BL706). Từ việc xác định diện tích rừng bị hủy hoại, tại Kết luận số 02/KL-ĐGTS ngày 15/02/2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự đã xác định giá trị thiệt hại về môi trường đối với 12.710m2 bị hủy hoại là 243.690.000đ.

Như vậy nội dung kháng cáo của các bị cáo cho rằng diện tích bị chặt phá chỉ khoảng 8.000 - 9.000m2 là không có cơ sở, mặt khác mâu thuẫn với nội dung kháng cáo yêu cầu được công nhận 1.500 cây keo đã trồng trên toàn bộ diện tích bị chặt phá 12.710m2 nên không có căn cứ chấp nhận.

[3.3] Về nội dung kháng cáo: Nứa, giang là do các bị cáo trồng và do mọc tự nhiên, nhưng Bản án sơ thẩm buộc các bị cáo phải bồi thường khu vực B + C + D = 88.826.800đ là không đúng.

Nội dung kháng cáo này mâu thuẫn với lời khai của trong quá trình điều tra, xét xử trước đây, các bị cáo khai khu vực rừng Vi Văn H phát dọn là rừng tự nhiên, chủ yếu là nứa, giang, bụi rậm và một số cây gỗ mọc tự nhiên, sau đó vợ chồng bị cáo thuê người phát dọn để giữ đất và để trồng cây mới, từ trước đến nay các bị cáo chưa được nhận tiền công khoanh nuôi chăm sóc bảo vệ rừng; mâu thuẫn với Kết quả kiểm tra hiện trường; Kết quả giám định xác định trạng thái rừng đã có trong hồ sơ. Do đó Tòa án cấp sơ thẩm buộc các bị cáo phải bồi thường thiệt hại thực tế về lâm sản tại Khu B + C + D = 88.826.800đ là đúng pháp luật.

[3.4] Về nội dung kháng cáo: Bản án phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, nhưng CQCSĐT Công an huyện X không ra Quyết định khởi tố bổ sung, không ra Quyết định nhập vụ án, không tiến hành hỏi cung bị can, Tòa án không ra Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vẫn kết tội và vụ này D không tham gia, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:

Hành vi chặt phá rừng của các bị cáo từ ngày 31/7 đến 04/8/2018 tại khu vực A, B, C, D là chuỗi hành vi liên tiếp nằm trong cùng một vụ án, tại Bản án phúc thẩm số 22/2020/HSPT ngày 20/01/2020 của TAND tỉnh Thanh Hóa chỉ yêu cầu điều tra lại để xác định chính xác thiệt hại cần phải bồi thường, kết quả điều tra xác định tại khu A vẫn còn chức năng rừng và chỉ gây thiệt về lâm sản với giá trị 57.600.000đ do đó chỉ buộc các bị cáo chịu trách nhiệm bồi thường về dân sự.

Việc dung cho rằng vụ này chỉ mình M thực hiện, D không tham gia, tuy nhiên, trong quá trình điều tra, D khai cuối tháng 6/2018 chính D là người phát hiện việc gia đình ông Vi Văn H phát dọn rừng ở khu vực giáp danh giữa thôn Bàn Tạn và thôn T.A nên D báo cho chồng biết, sau đó bị cáo còn làm đơn gửi lên Ủy ban xã C, do bức xúc với việc xã không quan tâm nên ngày 31/7/2018 M nói với D phải đem cưa xăng lên khu vực ông Huệ phát dọn để hạ hết số cây còn lại, khi M cắt hạ cây thì D cũng có mặt ở đó để xem và đem nước cho M uống.

Việc xác định thiệt hại tại khu A chỉ buộc trách nhiệm về dân sự nên không phải ra Quyết định khởi tố vụ án khác, do đó không cần ra Quyết định nhập vụ án, quá trình điều tra bổ sung, ngày 21 và 24/4/2020, Lò Văn M và Lò Thị D đã được tự khai và được CQCSĐT Công an huyện X lấy lời khai, các bị cáo không thay đổi gì so với lời khai trước đây (BL790-798), do đó nội D kháng cáo này của các bị cáo là không có cơ sở.

[3.4] Về nội dung kháng cáo: Vợ chồng bị cáo đã tổ chức trồng lại 1.500 cây keo trên toàn bộ diện tích bị chặt phá 12.710m2, sau đó bị kẻ xấu nhổ phá nhưng chỉ được định giá số cây còn lại 547 cây mà không định giá mô phỏng toàn bộ diện tích 12.710m2 để giảm tiền bồi thường.

Thấy rằng, ngay sau khi vụ chặt phá rừng xảy ra, ngày 08/8/2018 CQCSĐT huyện X đã ra Quyết định khởi tố vụ án và tiến hành các biện pháp điều tra, ngày 17/8/2018 đã thông báo việc tiến hành khám nghiệm hiện trường, nhưng đến đầu năm 2019 khi tiến hành trồng lại cây, các bị cáo không báo cáo, không xin phép cơ quan có thẩm quyền xem được phép trồng loại cây gì, sau khi trồng xong cũng không đề nghị để được CQCSĐT lập Biên bản nghiệm thu, định giá. Mặt khác, việc chăm sóc, bảo vệ cây sau khi trồng lại thuộc trách nhiệm của các bị cáo. Tại thời điểm định giá (25/3/2020), Hội đồng định giá chỉ có căn cứ tiến hành định giá số cây keo thực tế còn lại rải rác trên diện tích rừng đã chặt phá là 547 cây, thành tiền: 10.940.000đ, do đó Tòa án cấp sơ thẩm chỉ giảm trừ trách nhiệm dân sự số tiền trên là đúng. Đối với số cây các bị cáo nghi bị kẻ xấu nhổ phá, đã báo cáo Cơ quan điều tra sẽ được xử lý trong vụ án khác khi có đủ căn cứ.

[3.5] Về nội dung kháng cáo: Diện tích rừng ông Vi Văn H thuê người chặt phá 8.892m2 nhưng không bị xử lý hình sự là bỏ lọt tội phạm.

Theo các tài liệu có trong hồ sơ thì ông Vi Văn H và bà Vi Thị L cũng có hành vi phát dọn cây leo, bụi rậm, cây giang, cây nứa trên diện tích đất rừng sản xuất được Nhà nước giao và hiện nay đang có tranh chấp (Khu C), tuy nhiên kết quả điều tra chưa đủ cơ sở để kết luận về trạng thái (là rừng hay không là rừng) trước khi bị Vi Văn H phát dọn, do đó chưa đủ căn cứ xử lý hình sự, CQCSĐT công an huyện X đã chuyển hồ sơ cùng tang vật thu giữ của Vi Văn H và Vi Thị L đến Hạt Kiểm lâm huyện X để xử lý theo thẩm quyền là đúng. Trường hợp có tài liệu, chứng cứ mới về hành vi vi phạm của ông Vi Văn H, các bị cáo có quyền tố cáo và cung cấp cho CQCSĐT huyện X để xử lý theo quy định của pháp luật.

[3.6] Về nội dung kháng cáo: Tại phiên tòa sơ thẩm các bị cáo đã khiếu nại những vi phạm của Điều tra viên, Kiểm sát viên, đề nghị Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng Bản án sơ thẩm nêu các Cơ quan tố tụng không có vi phạm, vợ chồng bị cáo không khiếu nại gì là sai thực tế khách quan, thấy rằng:

Tại Biên bản phiên tòa sơ thẩm ngày 26/8/2020 không thể hiện việc các bị cáo có khiếu nại, thắc mắc về các quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của CQCSĐT và VKSND huyện X mà chỉ có ý kiến không đồng ý với Cáo trạng của Viện kiểm sát (BL936); phần tranh luận, Trợ giúp viên pháp lý cũng đồng ý với quan điểm truy tố của VKS và chỉ đề nghị xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo; bản thân các bị cáo nhận tội không tranh luận với Kiểm sát viên, không đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung (BL932). Mặt khác nếu tại phiên tòa có việc các bị cáo đề nghị trả hồ sơ, nhưng nếu xét thấy không có căn cứ thì Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận.

[3.7] Về nội dung kháng cáo: Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng thiếu tình tiết giảm nhẹ cho Lò Thị D, D có 01 tiền sự nhưng vai trò thứ yếu nên phải được hưởng án treo nhưng Tòa án cấp sơ thẩm xử tù giam là quá nặng,thấy rằng:

Khi quyết định hình phạt, cả hai bị cáo đã được Tòa án cấp sơ thẩm xem các tình tiết giảm nhẹ là: “tự nguyện khắc phục hậu quả”; “thành khẩn khai báo”; các bị cáo có công trong việc “tố giác tội phạm” giúp Công an huyện Ngọc Lặc phá án trong vụ Nguyễn Đình Hùng và 08 đồng phạm phạm tội “Đánh bạc”. Ngoài ra, M có mẹ đẻ, D có cả bố và mẹ đẻ được tặng thưởng Huy chương kháng chiến, theo đó các bị cáo đã được xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ (điểm b, điểm s, điểm t khoản 1 Điều 5; khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự). Việc các bị cáo cho rằng D còn có công tố giác 01 vụ hủy hoại rừng, tuy nhiên việc D có đơn tố cáo CQCSĐT chưa đủ cơ sở để khởi tố vụ án. Do đó nội dung kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm chưa áp dụng tình tiết lập công chuộc tội cho D là không đúng.

Trong vụ án này M có vai trò tích cực hơn D, tuy nhiên M chưa có tiền án, tiền sự nên Tòa án cấp sơ thẩm đã xử M 36 tháng tù cho hưởng án treo. Đối với D được đánh giá vai trò thấp hơn và đã được áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ như đã nêu nên được xử dưới khung với mức án 12 tháng tù là nhẹ so với tính chất, mức độ hành vi phạm tội.

Về nhân thân, bị cáo D đã có 01 tiền sự về hành vi “khai thác trái phép rừng”, lần này tiếp tục phạm tội cố ý, tính chất hành vi cùng loại và thuộc trường hợp nghiêm trọng do đó không đủ điều kiện cải tạo ngoài xã hội, tại phiên tòa hôm nay bị cáo D đã rút nội dung kháng cáo xin hưởng án treo nên không xét.

[4] Sau khi Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, các yêu cầu điều tra bổ sung đã được CQCSĐT Công an huyện X thực hiện đầy đủ, tại cấp phúc thẩm Tòa án đã triệu tập bổ sung Giám định viên Tư pháp của Chi cục Kiểm Lâm Thanh Hóa và Điều tra viên của CQCSĐT Công an huyện X để làm rõ các tình tiết liên quan đến nội D kháng cáo, do đó việc các bị cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm trả hồ sơ cho VKSND huyện X để điều tra lại không được chấp nhận.

[5] Về trách nhiệm bồi thường dân sự: Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc các bị cáo liên đới bồi thường số tiền 382.580.000đ, nhưng không tuyên rõ bồi thường cho ai là thiếu sót, nội D này tuy không có kháng cáo kháng nghị, nhưng cần được xác định lại để đảm bảo quyền yêu cầu thi hành án, cụ thể hành vi phạm tội của các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước về lâm sản và về môi trường, do đó việc bồi thường phải được tuyên giao nộp vào ngân sách nhà nước.

Về việc xác định Nguyên đơn dân sự, Tòa án cấp phúc thẩm đã có Công văn số 4509/CV-TA ngày 01/12/2020 đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết việc tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường giá trị thiệt hại về rừng cho cơ quan nào (UBND xã, UBND huyện hay UBND tỉnh) mới chính xác và đúng thẩm quyền.

Tại Công văn số 4799/SNN&PTNT-CCKL ngày 08/12/2020 của Giám đốc Sở NN &PTNT Thanh Hóa cho biết: “Theo Khoản 2 Điều 23 Luật lâm nghiệp quy định thẩm quyền của UBND cấp huyện: Giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng đối với gia đình, cá nhân, như vậy UBND huyện là người thay mặt nhà nước giao rừng cho hộ gia đình, cá nhaann; trường hợp hộ gia đình cá nhân được giao rừng nhưng để cho rừng bị phá thì phải bồi thường cho nhà nước; UBND cấp huyện là người nhận bồi thường bổ sung vào Ngân sách nhà nước phân cấp cho cấp huyện, để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn”.

Như vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định Nguyên đơn dân sự là UBND xã C là chưa chính xác. Tại Văn bản ngày 11/12/2020 của ông Nguyễn Ngọc Biên - Phó Chủ tịch UBND huyện X (người được Chủ tịch UBND huyện ủy quyền) đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm bổ sung UBND huyện X tham gia tố tụng với tư cách Nguyên đơn dân sự và buộc các bị cáo phải bồi thường tổng giá trị thiệt hại về rừng 382.580.000đ cho UBND huyện X, do đó Tòa án cấp phúc thẩm có căn cứ sửa một phần bản án sơ thẩm về việc xác định Nguyên đơn dân sự mà không cần thiết hủy bản án sơ thẩm để tránh việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

[6] Về án phí: Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm về tội danh, hình phạt nên các bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: điểm b khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lò Văn M và Lò Thị D, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 42/2020/HSST ngày 07/8/2020 của Tòa án nhân dân huyện X về tội danh và hình phạt.

Tuyên bố: Lò Văn M và Lò Thị D phạm tội: “Hủy hoại rừng”.

Căn cứ: điểm đ khoản 2 Ðiều 243; điểm b, điểm s, điểm t khoản 1, khoản 2 Ðiều 51; Ðiều 17; Ðiều 58 Bộ luật hình sự; (thêm khoản 1, khoản 2, khoản 5 Ðiều 65 đối với Lò Văn M); thêm khoản 1 Ðiều 54; Ðiều 38 đối với Lò Thị D.

1.Xö ph¹t: Lò Văn M 36 (Ba mươi sáu) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 (Sáu mươi) tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm ngày 04/10/2019;

Lò Thị D 12 (Mười hai) tháng tù, thời gian chấp hành hình phạt kể từ ngày bắt thi hành án.

2.Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng khoản 1 Ðiều 48 Bộ luật hình sự; Điều 587; 589; 357 Bộ luật dân sự:

Buộc Lò Văn M và Lò Thị D liên đới bồi thường tổng giá trị thiệt hại về rừng cho Nhà nước thông qua UBND huyện X để nộp vào ngân sách Nhà nước là 382.580.000đ (Ba trăm tám mươi hai triệu, năm trăm tám mươi nghìn đồng) để sử dụng vào việc quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Các bị cáo được trừ số tiền đã nộp khắc phục hậu quả 40.000.000đ; tiền gỗ đã tịch thu nộp ngân sách nhà nước 12.098.000đ; giá trị cây keo đã trồng lại 10.940.000đ, tổng cộng: 63.038.000đ (Sáu mươi ba triệu, không trăm tám mươi ba ngàn, tám trăm đồng).

Số tiền các bị cáo còn phải bồi thường: 319.542.000đ (Ba trăm mười chín ngàn, năm trăm bố mươi hai đồng), chia theo phần mỗi bị cáo phải bồi thường:

159.771.000đ (Một trăm năm mươi chín ngàn, bảy trăm bảy mươi một ngàn đồng).

UBND huyện X được nhận số tiền 40.000.000đ do các bị cáo nộp khắc phục hậu quả theo biên lai thu số AA/2010/003280 ngày 08/8/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện X.

3.Về án phí: Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH về án phí, lệ phí Tòa án, buộc Lò Văn M và Lò Thị D mỗi bị cáo phải nộp 200.000đ án phí Hình sự phúc thẩm.

4.Các Quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Án xử công khai, phúc thẩm, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

407
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 337/2020/HSPT ngày 14/12/2020 về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:337/2020/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thanh Hoá
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 14/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;