TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ BIÊN HÒA, TỈNH ĐỒNG NAI
BẢN ÁN 32/2022/DS-ST NGÀY 27/09/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Ngày 27 tháng 9 năm 2022, tại Toà án nhân dân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai xét xử sơ thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 54/2021/TLST-KDTM, ngày 26 tháng 5 năm 2021 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 38/2022/QĐXX-ST ngày 15/8/2022 và quyết định hoãn phiên toà số 201/2022/QĐXX-ST ngày 07/9/2022, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty H;
Địa chỉ: Lô 84, đường số 05, khu công nghiệp S, phường D, thành phố D, tỉnh B.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Huy T – Chức vụ: Tổng giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Triệu Phúc T – Nhân viên pháp chế (Theo văn bản ủy quyền ngày 16/07/2022).
2. Bị đơn: Công ty S;
Địa chỉ: Số 28/11B, tổ 3, khu phố 1, phường B, thành phố B, tỉnh Đ.
Người đại diện theo pháp luật: Bà Đoàn Thị Thu T – Chức vụ: Giám đốc.
(Ông T có đơn xin xét xử vắng mặt; Đại diện Công ty S vắng mặt không có lý do)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, các bản tự khai và tại phiên tòa, nguyên đơn Công ty H có người đại diện theo ủy quyền ông Triệu Phúc T trình bày:
Công ty S ký hợp đồng mua bê tông số 020-2018/HĐBT ngày 20/01/2018 với Công ty H, theo thoả thuận, Công ty H nhận cung cấp bê tông tươi và các sản phẩm dịch vụ kèm theo cho Công ty S tại công trình A mở rộng. Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty S đã mua bê tông và đã thanh toán cho Công ty H tổng số tiền là 13.936.242.516 đồng, số tiền còn nợ chưa thanh toán là 362.115.005 đồng (Ba trăm sáu mươi hai triệu một trăm mười lăm nghìn lẻ năm đồng) căn cứ theo Hoá đơn số 0007657 xuất ngày 31/01/2019.
Tại khoản 4.2 Điều 4 của Hợp đồng mua bán bê tông số 020-2018/HĐBT ngày 20/01/2018 quy định: “Trường hợp thanh toán trễ hạn, bên A có quyền tạm ngưng cung cấp cho đến khi việc thanh toán được hoàn tất và mọi phát sinh về tiến độ do việc ngưng cung cấp bê tông gây ra sẽ do bên B chịu. Lãi suất quá hạn thanh toán được tính theo lãi suất vay ngắn hạn của ngân hàng thương mại cổ phần tại thời điểm thanh toán và thời gian quá hạn thanh toán không quá 05 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán.” Lãi suất vay ngắn hạn của 03 ngân hàng thương mại cổ phần tại thời điểm Công ty H nộp đơn khởi kiện là 9,17%. Thêm vào đó, lãi suất quá hạn trung bình bằng 150% lãi suất trung bình của 03 ngân hàng nêu trên (13,755%). Công ty H tính mức lãi suất quá hạn được áp dụng là 9%*150% = 13,5% là có lợi cho Công ty S và hợp lý để tính tiền lãi trên nợ gốc chưa thanh toán. Tuy nhiên, vì tình hình dịch bệnh diễn biến khó khăn trong thời gian qua. Công ty H đồng ý giảm phần lãi suất để tính tiền lãi từ 13,5%/năm xuống còn 8%/năm để chia sẻ và thể hiện thái độ thiện chí với Công ty S.
Do vậy, Công ty H khởi kiện yêu cầu Công ty S thanh toán cho Công ty H toàn bộ số nợ gốc là: 362.115.005 đồng (Ba trăm sáu mươi hai triệu một trăm mười lăm nghìn lẻ năm đồng) và tiền lãi do chậm thanh toán tạm tính từ ngày 02/3/2019 đến ngày 27/9/2022 là 155.362.219 đồng (Một trăm năm mươi lăm triệu ba trăm sáu mươi hai ngàn hai trăm mười chín đồng), tổng cộng là 517.477.224 đồng (Năm trăm mười bảy triệu bốn trăm bảy mươi bảy đồng hai trăm hai mươi bốn đồng) và tiếp tục tính lãi suất cho đến khi Công ty S thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán.
Bị đơn Công ty S đã được tống đạt (niêm yết) hợp lệ các văn bản tố tụng: Thông báo thụ lý vụ án, Giấy triệu tập, Thông báo về việc cung cấp tài liệu chứng cứ, Thông báo mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải, Thông báo kết quả phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ nhưng không đến Tòa án làm việc nên không có lời trình bày.
Tại phiên tòa hôm nay, ngoài các chứng cứ các đương sự đã cung cấp từ khi thụ lý, nguyên đơn, bị đơn không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ gì khác.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố B, tỉnh Đ phát biểu ý kiến:
+ Về việc tuân thủ pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án: đã thực hiện đúng theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự. Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Đ thụ lý vụ án đúng thẩm quyền; xác định quan hệ pháp luật, tư cách của đương sự và thu thập chứng cứ đúng quy định của pháp luật.
+ Về việc giải quyết vụ án: Từ các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ, đối chiếu các quy định của pháp luật; có đủ căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Bị đơn phải chịu án phí theo quy định.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát, các quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử nhận định:
[1]. Về tố tụng:
- Về tư cách tố tụng và quan hệ tranh chấp:
Công ty H khởi kiện Công ty S trả số tiền còn nợ theo hợp đồng mua bán hàng hoá và tiền lãi do chậm thanh toán. Căn cứ vào Điều 68 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 xác định Công ty H là nguyên đơn, Công ty S là bị đơn. Căn cứ Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng Dân sự và Khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại 2005 (sửa đổi năm 2017,2019), quan hệ pháp luật được xác định là “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”.
- Về thẩm quyền giải quyết: Công ty S có địa chỉ tại thành phố B, tỉnh Đ. C ăn cứ vào khoản 1 Điều 30, Điều 35, điểm a Khoảng 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 xác định yêu cầu khởi kiện của Công ty H thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Đ nên được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Về thủ tục tố tụng khác: Ông Triệu Phúc T có đơn xin xét xử vắng mặt phù hợp với quy định của pháp luật nên chấp nhận; Công ty S đã được triệu tập xét xử hợp lệ đến lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt không có lý do nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt nguyên đơn, bị đơn theo quy định tại Điều 227, 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[2] Về nội dung tranh chấp:
2.1. Xét yêu cầu khởi kiện và lời trình bày tại phiên tòa của Công ty H về nợ gốc: Công ty S ký hợp đồng mua bê tông số 020-2018/HĐBT ngày 20/01/2018 với Công H; Theo thoả thuận, Công ty H nhận cung cấp bê tông tươi và các sản phẩm dịch vụ kèm theo cho Công ty S tại công trình A mở rộng. Theo trình bày của người đại diện nguyên đơn, quá trình thực hiện hợp đồng nêu trên thì tính đến hết ngày 27/9/2022, tổng dư nợ của Công ty S gồm có: Nợ gốc là 362.115.005 đồng (Ba trăm sáu mươi hai triệu một trăm mười lăm nghìn lẻ năm đồng) và tiền lãi do chậm thanh toán tạm tính từ ngày 02/3/2019 đến ngày 27/9/2022 là 155.362.219 đồng (Một trăm năm mươi lăm triệu ba trăm sáu mươi hai ngàn hai trăm mười chín đồng), tổng cộng là 517.477.224 đồng (Năm trăm mười bảy triệu bốn trăm bảy mươi bảy đồng hai trăm hai mươi bốn đồng).
Mặc dù, nguyên đơn đã nhiều lần liên hệ với Công ty S về việc thanh toán công nợ, nhưng công nợ vẫn tiếp tục bị kéo dài. Xét thấy nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị Công ty S phải thanh toán số nợ gốc 362.115.005 đồng (Ba trăm sáu mươi hai triệu một trăm mười lăm nghìn lẻ năm đồng) phù hợp với hợp đồng mua bán các bên đã ký. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu nợ gốc của nguyên đơn.
2.2. Xét yêu cầu về tiền lãi: Tại hợp đồng mua bán hàng hoá có ghi thoả thuận lãi suất: “Trường hợp thanh toán trễ hạn, bên A có quyền tạm ngưng cung cấp cho đến khi việc thanh toán được hoàn tất và mọi phát sinh về tiến độ do việc ngưng cung cấp bê tông gây ra sẽ do bên B chịu. Lãi suất quá hạn thanh toán được tính theo lãi suất vay ngắn hạn của ngân hàng thương mại cổ phần tại thời điểm thanh toán và thời gian quá hạn thanh toán không quá 05 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán.”; Tại thời điểm khởi kiện, lãi suất vay ngắn hạn của 03 ngân hàng thương mại cổ phần là 9,17%, lãi suất quá hạn trung bình bằng 150% lãi suất trung bình của 03 ngân hàng nêu trên (13,755%) nhưng nguyên đơn yêu cầu lãi suất là 8%/năm là không vượt quá quy định của pháp luật và có lợi cho bị đơn. Căn cứ Điều 306 Luật Thương mại năm 2005, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về tổng số tiền lãi trên số nợ gốc 362.115.005 đồng tính từ ngày 02/3/2019 đến ngày 27/9/2022 là 155.362.219 đồng.
Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử căn cứ Điều 50, 54, 306 Luật Thương mại 2005, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty H; buộc Công ty S phải thanh toán cho Công ty H số tiền 517.477.224 đồng (Năm trăm mười bảy triệu bốn trăm bảy mươi bảy đồng hai trăm hai mươi bốn đồng), trong đó tiền nợ gốc là: 362.115.005 đồng (Ba trăm sáu mươi hai triệu một trăm mười lăm nghìn lẻ năm đồng) và tiền lãi do chậm thanh toán tạm tính từ ngày 02/3/2019 đến ngày 27/9/2022 là 155.362.219 đồng (Một trăm năm mươi lăm triệu ba trăm sáu mươi hai ngàn hai trăm mười chín đồng).
[3] Về án phí: Căn cứ Điều 147 Bộ luật Tố tụng Dân sự, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm theo giá ngạch là 24.699.000 đồng.
[4] Ý kiến của Đại diện Viện Kiểm sát và đương sự:
- Xét quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa về hướng giải quyết vụ án phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên chấp nhận.
- Xét yêu cầu của nguyên đơn phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên chấp nhận.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 30, Điều 35, 39, 147, 266, 227, 228 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
Căn cứ vào Điều 50, 54, 306 Luật Thương mại 2005; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty H về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá”.
Buộc Công ty S phải trả cho Công ty H tổng số tiền 517.477.224 đồng (Năm trăm mười bảy triệu bốn trăm bảy mươi bảy đồng hai trăm hai mươi bốn đồng) , trong đó tiền nợ gốc là: 362.115.005 đồng (Ba trăm sáu mươi hai triệu một trăm mười lăm nghìn lẻ năm đồng) và tiền lãi do chậm thanh toán tạm tính từ ngày 02/3/2019 đến ngày 27/9/2022 là 155.362.219 đồng (Một trăm năm mươi lăm triệu ba trăm sáu mươi hai ngàn hai trăm mười chín đồng).
Kể từ ngày 28/9/2022, Công ty S còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này.
2. Về án phí: Bị đơn Công ty S phải chịu 24.699.000 đồng (hai mươi tư triệu sáu trăm chín mươi chín ngàn đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.
Hoàn trả lại số tiền tạm ứng án phí Công ty H đã nộp 12.100.000 đồng theo biên lai thu số 0001409 ngày 21/5/2021 của Chi cục Thi hành án Dân sự thành phố B, tỉnh Đ.
3. Về quyền kháng cáo: Các đương sự được quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết hợp lệ.
Bản án 32/2022/DS-ST về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Số hiệu: | 32/2022/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Biên Hòa - Đồng Nai |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 27/09/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về