Bản án 32/2020/HS-ST ngày 05/11/2020 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

 TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN K, TỈNH GIA LAI

BẢN ÁN 32/2020/HS-ST NGÀY 05/11/2020 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 05 tháng 11 năm 2020, tại điểm trường mẫu giáo tổ dân phố 13, thị trấn K, huyện K, tỉnh Gia Lai, Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Gia Lai xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 24/2020/TLST-HS ngày 06 tháng 8 năm 2020, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 28/2020/QĐXXST-HS ngày 16 tháng 9 năm 2020, đối với các bị cáo:

1. Nguyễn Văn T, tên gọi khác: T Côi, sinh năm 1990 tại Bắc Lương, Thọ X, Thanh Hóa. Nơi thường trú: Tổ dân phố 13, thị trấn K, huyện K, tỉnh Gia Lai. Trình độ học vấn: 10/12; Nghề nghiệp: Làm nông; dân tộc: Kinh; giới tính: N; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt N; Tiền án: Không; Tiền sự: 01 tiền sự về hành vi khai thác gỗ ở rừng phòng hộ trái phép; nhân thân: xấu; Con ông Nguyễn Văn T và bà Lê Thị C. Bị cáo chưa có vợ, con.

Bị cáo bị truy nã đến ngày 30/3/2020 ra đầu thú và bị tạm giữ từ ngày 30/3/2020 đến ngày 02/4/2020 được thay đổi biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đến ngày 17/4/2020 bị tạm giam đến nay, có mặt tại phiên tòa.

2. Lê Hữu P, sinh năm 1993 tại Bắc Lương, Thọ X, Thanh H. Nơi thường trú: Tổ dân phố g, thị trấn K, huyện K, tỉnh Gia Lai; trình độ học vấn: 7/12; nghề nghiệp: Làm nông; dân tộc: Kinh; giới tính: N; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt N; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Tốt; con ông Lê Hữu B và bà Lê Thị H. Bị cáo chưa có vợ, con.

Bị cáo bị tạm giữ chuyển tạm giam từ ngày 20/01/2020 đến nay, có mặt tại phiên tòa.

3. Trần Văn M, sinh ngày 12/8/1998 tại K, Gia Lai; nơi thường trú: Thôn 1, xã L, huyện K, tỉnh Gia Lai; trình độ học vấn: 9/12; nghề nghiệp: Làm nông; dân tộc: Kinh; giới tính: N; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt N; tiền án: 01 tiền án về tội trộm cắp tài sản; tiền sự: Không; nhân thân: xấu; con ông Trần Văn L và bà Hg Thị T. Bị cáo chưa có vợ, con.

Bị cáo bị tạm giữ chuyển tạm giam từ ngày 20/01/2020 đến nay, có mặt tại phiên tòa.

4. Đinh C, sinh năm 1993, tại K, Gia Lai; nơi thường trú: Thôn 1, xã L, huyện K, tỉnh Gia Lai; trình độ học vấn: 03/12; nghề nghiệp: Làm nông; dân tộc: Bahnar; giới tính: N; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt N; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Tốt; con ông Đinh Rao và bà Đinh Thị Hênh, có vợ là Đinh Thị D và có 02 con là Đinh Văn Khoa, Đinh Công Phượng.

Bị cáo bị tạm giữ chuyển tạm giam từ ngày 20/01/2020 đến nay, có mặt tại phiên tòa.

5. Đinh N, sinh năm 2000 tại K, Gia Lai, nơi thường trú: Thôn h, xã L, huyện K, tỉnh Gia Lai; trình độ học vấn: 0/12; nghề nghiệp: Làm nông; dân tộc: Bahnar; giới tính: N; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt N; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Tốt; con ông Đinh M và bà Đinh Thị H. Bị cáo chưa có vợ, con.

Bị cáo bị tạm giam từ ngày 25/3/2020 đến nay, có mặt tại phiên tòa.

* Người bào chữa cho các bị cáo Đinh C và Đinh N: Ông Nguyễn Thành Trung - Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Gia Lai (có mặt).

* Bị hại: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (TNHH MTV) Lâm nghiệp L;

Đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Khắc H - Chức vụ: Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp L.

Địa chỉ: Xã L, huyện K, tỉnh Gia Lai. (Có mặt).

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Anh Phạm Văn Q, sinh năm 1999; Địa chỉ: Thôn f, xã L, huyện K, tỉnh Gia Lai (có mặt).

- Chị Đinh Thị D, sinh năm 1996; Địa chỉ: Thôn h, xã L, huyện K, tỉnh Gia Lai (có mặt).

- Ông Lê Hữu B, sinh năm 1961; Địa chỉ: Tổ dân phố h, thị trấn K, huyện K, tỉnh Gia Lai (có mặt).

- Bà Hg Thị T, sinh năm 1973; Địa chỉ: Thôn h, xã L, huyện K, tỉnh Gia Lai (có mặt).

- Anh Đinh H, sinh năm 1986; Địa chỉ: Thôn h, xã L, huyện K, tỉnh Gia Lai (có mặt).

- Anh Nguyễn Văn H, sinh năm 1993; Địa chỉ: Tổ dân phố h, thị trấn K, huyện K, tỉnh Gia Lai (Vắng mặt).

Người làm chứng:

- Anh Nguyễn Văn X, sinh năm 1995; Địa chỉ: Tổ dân phố h, thị trấn K, huyện K, tỉnh Gia Lai (Có mặt).

- Anh Nguyễn Đình T, sinh năm 1990 - Nhân viên bảo vệ rừng(Vắng mặt).

- Anh Huỳnh Thanh S, sinh năm 1992- Nhân viên bảo vệ rừng(Vắng mặt).

- Anh Lê Viết H, sinh năm 1960- Nhân viên bảo vệ rừng(Vắng mặt).

- Anh Nguyên Đình S, sinh năm 1964- Nhân viên bảo vệ rừng(Có mặt).

- Anh Nguyên Văn T, sinh năm 1976- Nhân viên bảo vệ rừng(Vắng mặt).

- Anh Y Blốk Mlô K, sinh năm 1986- Nhân viên bảo vệ rừng(Vắng mặt).

- Anh Nguyễn Mậu V, sinh năm 1985- Nhân viên bảo vệ rừng(Vắng mặt).

Cùng địa chỉ: Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp L.

- Anh Đinh C, sinh năm 1996; Địa chỉ: Thôn h, xã L, huyện K, tỉnh Gia Lai (Vắng mặt).

- Chị Nguyễn Thị N, sinh năm 1988; Địa chỉ: Thôn h, xã L, huyện K, tỉnh Gia Lai (Vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào ngày 10/01/2020, Nguyễn Văn T gọi điện thoại cho Lê Hữu P vào rừng tìm cây gỗ để khai thác trái phép, bán lấy tiền thì P đồng ý. Ngày 14/01/2020, P điều khiển xe mô tô biển số 81H1-062.74 do T cho mượn đi vào rừng ở khu vực lô 7, khoảnh 6, tiểu khu 136 lâm phần do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp L (gọi tắt Công ty TNHH MTV lâm nghiệp L) quản lý tìm cây gỗ. P phát hiện một cây gỗ Bằng lăng còn xanh tốt mọc sát một cây Đa, phần ngọn của cây Đa và cây Bằng lăng bám chặt vào nhau. Sau khi tìm thấy cây gỗ, P đi về nhà gặp T trao đổi việc tìm thấy cây gỗ Bằng lăng có cây Đa có thể khai thác. T bàn bạc thống nhất với P thực hiện khai thác cây gỗ cụ thể: P thực hiện cắt hạ, xẻ gỗ đưa ra đường xe còn T lo chi phí, canh chừng lực lượng bảo vệ rừng (canh đường), vận chuyển, bán gỗ; sau khi trừ chi phí T sẽ trả công cho P. Vào khoảng 09 giờ ngày 17/01/2020, T gọi điện thoại nói P đi cắt hạ cây gỗ; P nói T tìm thêm người phụ cắt. T gọi điện thoại cho Trần Văn M thuê M đi khai thác gỗ, thỏa thuận với giá 200.000 đồng/01 ngày công, M đồng ý; T nói M mang theo máy cưa xăng. Sau đó T gọi điện thoại cho Đinh C thuê Đinh C đi làm gỗ thỏa thuận với giá 200.000 đồng/01 ngày công, nhưng ngày 17/01/2020 C bận việc nên chưa đi. Sau đó, T gọi điện thoại nói P qua nhà T lấy tiền để mua đồ đi khai thác gỗ; T đưa cho P số tiền 200.000 đồng và dặn P qua đón M, lấy cưa xăng ở nhà M đi khai thác gỗ. P điều khiển xe qua cây xăng Đ, Tổ dân phố h, thị trấn K mua xăng, nhớt bằng tiền T đưa rồi đi xe mang theo đồ đạc vào gặp M tại thôn 1, xã L. M lấy một máy cưa xăng, một con dao rựa của M bỏ vào bao tải rồi P chở M bằng xe mô tô biển số 81H1 - 062.74 mang theo đồ đạc đi đến quán tạp hóa Hải - Ý ở thôn 1, L mua thuốc lá, nước uống rồi cả hai đi cùng xe vào nhà Đinh Lơ. P đưa tiền cho M đi mua mì tôm về ăn, nghỉ ngơi. Khoảng 15 giờ cùng ngày, P chở M bằng xe mô tô vào chỗ cây Bằng lăng có cây Đa ôm phần ngọn tại Lô 7, Khoảnh 6, Tiểu khu 136. M lắp máy cưa xăng rồi cùng P dùng dao phát dọn xung quanh gốc cây gỗ. P dùng máy cưa xăng cắt gốc cây Bằng lăng nhưng không đổ do phần ngọn cây Bằng lăng bị cây Đa ôm giữ. Lúc này, T đi xe mô tô biển số 81H1-148.53 của gia đình vào trung tâm xã L để canh đường và thường xuyên điện thoại cho P hỏi tình hình, P nói cây đa ôm nên cây không đổ. T và P bàn bạc thống nhất cắt hạ cây Đa nên P và M đã cắt hạ cây Đa làm cho cả cây Đa và cây Bằng lăng đổ xuống. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, sau khi cắt hạ hai cây gỗ, P cùng M đi xe mô tô mang đồ đạc về nhà M; T cũng đi xe mô tô đến đây. Sau khi ăn uống tại nhà M, T điều khiển xe mô tô biển số 81H1 - 062.74 chở P về nhà.

Vào sáng ngày 18/01/2020, T điều khiển xe mô tô đi đến cây xăng Đồng Tiến 2, Tổ dân phố 13, thị trấn K mua xăng, nhớt chở vào để ở nhà Đinh Lơ rồi đi quan sát tình hình. Xong T gọi điện thoại nói P tiếp tục đi làm gỗ; T tiếp tục gọi điện thoại cho M để đi làm gỗ thì M nói chiều mới đi làm được. T đi xe mô tô biển số 81H1 - 062.74 đến đón p vào nhà M lấy máy cưa xăng rồi đi đến thôn 1, xã L. T gọi điện thoại cho Đinh C thuê đi khai thác gỗ Bằng lăng cho T trả 200.000 đồng/01 ngày công; C nói chiều mới đi làm gỗ được. Sau đó, T gặp Đinh N tại thôn 1, L thuê đi khai thác gỗ Bằng lăng cho T thỏa thuận là 200.000 đồng/01 ngày công; N đồng ý và lấy xe mô tô biển số 81K2-3315 của gia đình N đi cùng P, T vào nhà Đinh Lơ lấy xăng, nhớt và nói P đi cùng xe mô tô biển số 81K2-3315 với N vào cắt, xẻ cây gỗ Bằng lăng; M, C vào sau; còn T đi canh chừng bảo vệ rừng. Khoảng 13 giờ 30 phút cùng ngày, P điều khiển xe mô tô chở N mang theo đồ đạc vào chỗ cây gỗ Bằng lăng, cây Đa đã bị cắt hạ. P, N dùng dao phát dọn cây nhỏ xung quanh cây Bằng lăng; đến khoảng 14 giờ 30 phút cùng ngày, M xin đi nhờ xe mô tô của người đi đường là Đinh Phun chở vào nơi khai thác gỗ. P, N và M phát dọn cây xung quanh cây Bằng lăng, đo gỗ; N lắp máy cưa xăng. T tiếp tục liên lạc qua điện thoại gọi C đi làm gỗ, C đồng ý nên C đi xe mô tô biển số 81B 1-477.20 vào khu vực gần dốc Lồ ô, L; do C chưa biết đường vào nơi khai thác gỗ nên T gọi điện thoại nói M ra đón C. M sử dụng xe mô tô của N ra dẫn đường cho C vào nơi khai thác gỗ. Sau khi C, N, M và P phát dọn cây, đo, đánh dấu trên cây Bằng lăng rồi P dùng cưa xăng cắt từng lóng để tiện cho việc xẻ hộp. Sau đó, P nói M đi canh chừng bảo vệ rừng để P, N, C tiếp tục cắt lóng, xẻ hộp cây gỗ Bằng lăng, M điều khiển xe của C đi cảnh giới. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, P, N, C đã cắt lóng thân cây Bằng lăng xong và xẻ được 03 hộp gỗ; tất cả mang theo cưa xăng về. M đi cùng xe với C về nhà Đinh Cây trước; P đi cùng xe với N về nhà Đinh Lơ thay đồ rồi chở máy cưa xăng đi về nhà Đinh Cây cất và gặp T đang ở đây. Sau đó ai về nhà đó nghỉ.

Vào sáng ngày 19/01/2020, T tiếp tục đi đến cây xăng Đồng Tiến 2 mua xăng, nhớt chở vào để ở nhà Đinh Lơ rồi đi quan sát tình hình; đến khoảng 10 giờ cùng ngày, T điện thoại cho Phạm Văn Q mượn máy tời độ chế của gia đình Q và thuê Q đi tời gỗ cho T trả 200.000 đồng/01 ngày công; Q đồng ý tham gia. T điện thoại nói M qua nhà Q cùng lấy tời lên rừng nên M đi xe mô tô vào nhà Q; M dùng xe mô tô chở máy tời, Q đi xe mô tô theo sau phụ M chở máy tời lên nơi khai thác gỗ. T điện thoại và trực tiếp đến nhà đón P đi xẻ, tời gỗ cho kịp vận chuyển; T cùng P đi vào nhà Đinh Cây lấy máy cưa xăng; T nói P là Q và M đã mang tời lên rừng nên dặn P vào nhà Đinh Lơ lấy xăng, nhớt, P đi xe mô tô biển số 81H1 - 062.74 lên rừng gặp Q, M đã mang tời lên; sau đó, do máy tời bị hư và nhà Q có công việc nên Q không làm gỗ cho T mà bỏ đi về trước. M và P tiếp tục xẻ hộp các lóng gỗ Bằng lăng đã cắt buổi chiều cùng ngày C một mình đi xe mô tô vào nơi khai thác gỗ cùng M sửa, lắp, tời gỗ; C chạy máy tời để M kéo cáp, phụ tời gỗ về phía đường mòn; Sau đó, P lại tời gỗ cùng M, C. Đến khoảng 21 giờ 30 phút cùng ngày, P cùng đồng bọn kéo được 05 hộp gỗ Bằng lăng từ vị trí khai thác gỗ trái phép lên hướng đường mòn để tập kết thì bị lực lượng quản lý, bảo vệ rừng phát hiện bắt quả tang tạm giữ người cùng tang vật (máy cưa xăng).

Do không liên lạc được với nhóm của P nên T gọi điện thoại cho Nguyễn Văn X (em trai của T) đang chơi ở khu vực dốc Lồ ô, xã L hỏi tình hình nhưng X nói không biết. Sau khi biết nhóm P bị bắt T đi gặp lực lượng bảo vệ rừng của Công ty lâm nghiệp L xin thả P, M, C ra nhưng lực lượng bảo vệ rừng không đồng ý. Khi xe ô tô Công ty lâm nghiệp L đi được khoảng 200 mét thì T chạy xe theo và dừng xe mô tô phía trước nên xe ô tô của Công ty lâm nghiệp L dừng lại. T tiếp tục đề nghị lực lượng chức năng thả người ra nhưng lực lượng bảo vệ rừng yêu cầu T tránh đường và đưa P, M, C về trụ sở UBND xã L để xử lý theo quy định pháp luật. T quay xe lại hiện trường và nhờ X dùng xe mô tô chở máy tời độ chế đến cất tại nhà kho của gia đình Đinh Lơ; rồi X quay lại để xe mô tô ở sân nhà rẫy anh Lê Hoài N ở khu vực dốc Lồ ô, xã L và đi lên rừng lấy xe của X ra về; còn xe mô tô của M và C thì X đưa đến dựng gần rẫy cà phê của anh Lê Hoài N. Ngày 20/01/2020, T nhờ Nguyễn Văn X và Phạm Văn Q lên lấy xe mô tô của C, P, M về nên X lên nơi cất giấu xe lấy xe T đã cho P mượn về nhà, xe mô tô của gia đình C về đưa cho Đinh Thị D (vợ của Đinh C); Q cũng cất xe mô tô cho M.

Sau khi nhận tin báo, Cơ quan điều tra Công an huyện K đã phối hợp các ngành chức năng, chính quyền địa phương tiến hành khám nghiệm hiện trường. Kết quả khám nghiệm hiện trường xác định:

Vụ khai thác gỗ trái phép xảy ra tại Lô 7, Khoảnh 6, Tiểu khu 136 lâm phần do Công ty lâm nghiệp L quản lý thuộc địa giới hành chính xã L; là loại rừng Phòng hộ; trạng thái rừng thường xanh trung B. Tại hiện trường phát hiện 02 cây gỗ bị khai thác, cưa xẻ trái phép; tổng khối lượng gỗ tròn thiệt hại là 31,058 m3 (cụ thể gồm: 01 cây gỗ Bằng lăng, khối lượng: 16,725 m3; 01 cây gỗ Đa, khối lượng: 14,333 m3). Khối lượng gỗ tròn còn lại tại hiện trường có khả năng thu giữ là: 2,659 m3 (loại gỗ Bằng lăng); khối lượng gỗ xẻ còn lại tại hiện trường có khả năng thu giữ là 3,075 m3 (gỗ Bằng lăng). Mở rộng hiện trường theo hướng Đông, cách vị trí khai thác gỗ thứ nhất khoảng 30 mét phát hiện có 02 cây gỗ bị cắt hạ trái phép còn nằm nguyên tại hiện trường; tổng khối lượng gỗ tròn thiệt hại của 02 cây là: 13,562 m3 (cụ thể gồm: 01 Cây gỗ Bằng lăng, khối lượng: 10,316 m3; 01 cây gỗ Đa, khối lượng: 3,246 m ).

Quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện K đã xác định việc khai thác trái phép 01 cây gỗ Bằng lăng (khối lượng: 16,725 m3) và 01 cây gỗ Đa (khối lượng: 14,333 m3) với tổng khối lượng gỗ tròn thiệt hại là: 31,058 m3 do nhóm các đối tượng: Nguyễn Văn T, Lê Hữu P, Trần Văn M, Đinh C, Đinh N trực tiếp thực hiện.

Quá trình điều tra đã tạm giữ công cụ, phương tiện gồm:

- 01 máy cưa xăng hiệu STIHL - MS 382 và 01 Chiếc điện thoại nhãn hiệu Oppo, loại cảm ứng, của Trần Văn M;

- 01 Chiếc điện thoại nhãn hiệu Nokia, loại bàn phím, của Lê Hữu P.

- 01 chiếc điện thoại di động loại bàn phím, nhãn hiệu Nokia do Nguyễn Văn T giao nộp cho cơ quan điều tra tạm giữ.

- Đối với 01 xe mô tô không có biển số trên xe, xe đã được cải biến độ chế, số máy: VTT32JL1P50FMC005638, số khung bị mờ, hoen gỉ chỉ thấy được rõ các kí tự: AV002542 do Phạm Văn Q giao nộp là tài sản của Trần Văn M.

- 01 điện thoại nhãn hiệu ASANZO loại màn hình cảm ứng và 01 xe mô tô biển số 81B1 - 477.20 do Đinh Thị D giao nộp. C lấy sử dụng vào việc phạm tội.

- Đối với 01 Chiếc điện thoại nhãn hiệu Nokia, loại bàn phím, của Phạm Văn Q giao nộp.

- Đối với xe mô tô biển số 81H1 - 062.74 do Nguyễn Văn X giao nộp là tài sản của Nguyên Văn H cho T mượn.

Ngoài ra quá trình điều tra xác định một máy tời độ chế từ máy xe mô tô gồm máy, trục tời, cáp tời; qua lời khai của ông Phạm Văn Quyền và anh Phạm Văn Q thì đây là tài sản của ông Quyền, nhưng Q đã tự ý cho T mượn sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Khi bị lực lượng bảo vệ rừng phát hiện, T đã nhờ X chở về cất ở nhà anh Đinh Lơ và đã bị thất lạc. Cơ quan điều tra Công an huyện K đã tiến hành truy tìm vật chứng nhưng không thu giữ được.

Đối với số gỗ thu được tại hiện hường là 5,734 m3 gỗ Bằng lăng đã được xử lý theo quy định xử lý vật chứng số 07/QĐ ngày 25/5/2020 của Cơ quan Canh sát điều tra Công an huyện K trả lại cho Công ty TNHH MTV lâm nghiệp L. Ngày 02/6/2020, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp L đã nhận lại.

Thực hiện mở rộng điều tra vụ án xác định việc khai thác 01 cây gỗ Bằng lăng (khối lượng gỗ tròn thiệt hại: 10,316 m3) và 01 cây gỗ Đa (khối lượng gỗ tròn thiệt hại: 3,246 m3) với tổng khối lượng gỗ hòn thiệt hại là 13,562 m3 nêu trên do nhóm các đối tượng: Lê Đình Hg, Đặng Văn Mười, Đặng X Man, Hồ Tiến Dũng tham gia thực hiện. Cơ quan điều tra đã ra Q định khởi tố các bị can và ra quyết định tách vụ án hình sự số: 01/QĐ ngày 14/5/2020 đối với vụ án Lê Đình Hg cùng đồng bọn để tiếp tục điều tra xử lý về một vụ án độc lập khác.

Tại bản kết luận định giá tài sản số: 13/KL-HĐĐG ngày 11/3/2020 của Hội đồng định giá tài sản theo vụ việc trong tố tụng hình sự huyện K xác định:

Tại thời điểm tháng 01/2020, giá trị thiệt hại gây ra đối với 01 cây gỗ Bằng Lăng, khối lượng 16,725 m3187.229.200 đồng và 01 cây gỗ Đa, khối lượng 14,333 m337.265.800 đồng, tổng cộng là: 224.495.000 đồng. Giá trị của số gỗ Bằng lăng còn lại hiện trường quy tròn với tổng khối lượng 5,734 m3 tại thời điểm tháng 01/2020 là: 93.639.000 đồng.

Giá trị thiệt hại về môi trường: Giá trị phải bồi thường của 31,058m3 (cụ thể gồm: 01 cây gỗ Bằng lăng, khối lượng: 16,725m3; 01 cây gỗ Đa, khối lượng: 14,333m3) bị thiệt hại thuộc loại rừng Phòng hộ; trạng thái rừng thường xanh trung B, thuộc Lô 7, Khoảnh 6, Tiểu khu 136 lâm phần do Công ty lâm nghiệp L quản lý.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 11 thông tư số: 32/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì giá trị phải bồi thường về rừng phòng hộ là rừng tự nhiên: BTtn = (Gtn x Dtn x Ktn) (là: giá trị cây đứng x (nhân) với giá trị mức độ thiệt hại x (nhân) với hệ số K rừng phòng hộ). Trong đó: Dtn là mức độ thiệt hại ước tính bằng tỷ lệ phần mười cho 01 ha rừng tự nhiên do số cây gỗ bị chặt hạ không có khả năng phục hồi do đó Dtn = 1. Ktn là hệ số điều chỉnh thiệt hại về môi trường: 02 cây gỗ thuộc rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, Ktn=4.

Như vậy, giá trị phải bồi thường thiệt hại cây gỗ Bằng Lăng của rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, khối lượng 16,725 m3 là: BTtn=187.229.200 đồng x 1 x 4= 748.916.800 đồng. Giá trị phải bồi thường thiệt hại cây gỗ Đa của rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, khối lượng 14,333 m3 là: BTtn= là 37.265.800 đồng x 1 x 4= 149.063.200 đồng. Tổng cộng là 897.980.000 đồng.

Tổng số tiền thiệt hại phải bồi thường là 1.028.836.000 đồng (một tỷ, không trăm hai mươi tám triệu, tám trăm ba mươi sáu nghìn đồng). Trong đó: Lâm sản là: 130.856.000 đồng. Bồi thường thiệt hại đối với rừng phòng hộ là rừng tự nhiên là: 897.980.000 đồng.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hay khiếu nại gì về các kết luận giám định nêu trên.

Trong quá trình điều tra các bị cáo và gia đình đã tự nguyện bồi thường một phần thiệt hại cho Công ty lâm nghiệp L, cụ thể: Nguyễn Văn T bồi thường 3.000.000 đồng, Lê Hữu P bồi thường 3.000.000 đồng, Trần Văn M bồi thường 3.000.000 đồng, Đinh C bồi thường 2.000.000 đồng và Đinh N bồi thường 2.000.000 đồng.

Tại Bản cáo trạng số: 28/CT-VKS ngày 05/8/2020, Viện kiểm sát nhân dân huyện K, tỉnh Gia Lai đã truy tố Nguyễn Văn T, Lê Hữu P, Trần Văn M về tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản ” theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là BLHS) và truy tố Đinh C và Đinh N về tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản ” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện K, tỉnh Gia Lai vẫn giữ nguyên quyết định truy tố các bị cáo về tội danh, điều luật áp dụng như nội dung Bản cáo trạng đã nêu và đề nghị Hội đồng xét xử T bố các bị cáo Nguyễn Văn T, Lê Hữu P, Trần Văn M, Đinh C và Đinh N phạm tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản ”.

Đề nghị áp dụng điểm d khoản 3 Điều 232 của BLHS đối với các bị cáo Nguyễn Văn T, Lê Hữu P, Trần Văn M; áp dụng điểm d khoản 2 Điều 232 của BLHS đối với các bị cáo Đinh C, Đinh N;

Áp dụng điểm b, s khoản 1 Điều 51; các Điều 38 và 58 của BLHS đối với các bị cáo Nguyễn Văn T, Lê Hữu P, Trần Văn M, Đinh C và Đinh N;

Áp dụng khoản 2 Điều 51 của BLHS đối với các bị cáo Nguyễn Văn T Đinh C và Đinh N;

Áp dụng thêm điểm t khoản 1 Điều 51 của BLHS đối với các bị cáo Nguyễn Văn T, Lê Hữu P.

Áp dụng thêm điểm h khoản 1 Điều 52, Điều 55, Điều 56, khoản 5 Điều 65 của BLHS đối với bị cáo Trần Văn M;

Đề nghị xử phạt:

Bị cáo Nguyễn Văn T từ 05 năm 06 tháng đến 05 năm 09 tháng tù giam;

Bị cáo Lê Hữu P từ 05 năm 03 tháng đến 05 năm 06 tháng tù giam;

Bị cáo Trần Văn M từ từ 05 năm 03 tháng đến 05 năm 06 tháng tù giam, tổng hợp hình phạt với 10 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” tại Bản án số 11/2019/HSST ngày 09/5/2019 của Tòa án nhân dân huyện K thành hình phạt chung là từ 06 năm 01 tháng tù đến 06 năm 04 tháng tù giam;

Các bị cáo Đinh C và Đinh N mỗi bị cáo từ 02 năm đến 02 năm 03 tháng tù giam.

Đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với các bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự:

Áp dụng khoản 1 Điều 48 của BLHS và các Điều 584, Điều 585 và Điều 587 của Bộ luật Dân sự buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường thiệt hại về gỗ cho Công ty TNHH MTV lâm nghiệp L và môi trường rừng cho Nhà nước với tổng số tiền là 1.028.836.000 đồng, mức bồi thường của từng bị cáo xem xét dựa vào vị trí, vai trò được chia theo phần trách nhiệm bồi thường tương ứng với mức độ lỗi của từng bị cáo (trong đó bị cáo T giữ vai trò đầu vụ phải bồi thường tương ứng với 30% giá trị thiệt hại của cây gỗ Bằng lăng và 40% giá trị thiệt hại của cây gỗ Đa; các bị cáo M và P giữ vai trò đồng phạm, tích cực giúp sức cho bị cáo T nên mỗi bị cáo phải bồi thường tương ứng với 20% giá trị thiệt hại của cây gỗ Bằng lăng và 30% giá trị thiệt hại của cây gỗ Đa; các bị cáo C và N giữ vai trò đồng phạm thứ yếu mỗi bị cáo phải bồi thường tương ứng với 15% giá trị thiệt hại của cây gỗ Bằng lăng). Các bị cáo đã bồi thường được 13.000.000 đồng (trừ vào tiền bồi thường về lâm sản) nên còn phải tiếp tục bồi thường số tiền là 1.015.836.000 đồng.

Về xử lý vật chứng:

- Đối với số gỗ vật chứng là 5.734 m3 gỗ Bằng lăng thu giữ tại hiện trường đã được chuyển trả lại cho Công ty TNHH MTV lâm nghiệp L làm thủ tục bán sung ngân sách Nhà nước nên không xem xét giải quyết.

- Về các vật chứng sau thì đề nghị tuyên tịch thu bán sung vào ngân sách Nhà nước:

+ 01 (một) Máy cưa xăng (gồm máy, lam, xích cưa), nhãn hiệu STIHL MS 382;

+ 01 (một) Chiếc điện thoại nhãn hiệu Oppo màu trắng hồng, loại cảm ứng, số IMEI 1: 865251032282512, IMEI 2: 865251032282504, loại máy 02 sim, có gắn một sim không kiểm tra số thuê bao (không kiểm tra bên trong máy);

+ 01 (một) Xe mô tô không có biển số trên xe, xe đã được cải biến độ chế, số máy: VTT32JL1P50FMC005638, số khung bị mờ, hoen gỉ chỉ thấy được rõ các kí tự: AV002542 (xe hư hỏng nặng);

- Về các vật chứng sau thì đề nghị tuyên tịch thu tiêu hủy:

+ 01 (một) Chiếc điện thoại nhãn hiệu Nokia màu đen, loại bàn phím, số Sê-ri 1: 357710104262129, Sê-ri 2: 357710106262127, loại máy 02 sim, có gắn một sim không kiểm tra số thuê bao (không kiểm tra bên trong máy);

+ 01 (một) Điện thoại di động loại bàn phím, nhãn hiệu Nokia, màu đen, không gắn sim; số sê - ri 1: 354194109786650; số sê - ri 2: 354199100786658;

+ 01 (một) Chiếc điện thoại nhãn hiệu Nokia, loại bàn phím, số Serial: 357698107082547; loại máy 01 sim, có gắn sim, không kiểm tra số thuê bao;

- Về các vật chứng sau thì đề nghị tuyên trả lại cho các chủ sở hữu là:

+ 01 (một) Xe mô tô mang biển kiểm soát 81B1 - 477.20 vỏ sơn màu xanh, xe đã độ chế không xác định số khung, số máy và 01 (một) Điện thoại nhãn hiệu ASANZO loại màn hình cảm ứng, số IMEI 1: 351104050033351; số IMEI 2: 351104050033369, loại máy 02 sim, có gắn một sim không kiểm tra số thuê bao (không kiểm tra bên trong máy); trả lại cho chủ sở hữu chị Đinh Thị D;

+ 01 (một) Xe mô tô màu sơn đen bạc, biển kiểm soát 81H1 - 062.74, hiệu SYM, số khung RLGSC10MHCH016010, số máy VMSACE-H016010, trả lại cho chủ sở hữu anh Nguyễn Văn H.

Về án phí: Buộc các bị cáo Nguyễn Văn T, Lê Hữu P, Trần Văn M, Đinh N phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và dân sự sơ thẩm theo quy định.

Đề nghị miễn án phí hình sự sơ thẩm và dân sự sơ thẩm cho bị cáo Đinh C.

Người bào chữa cho các bị cáo Đinh C và Đinh N trình bày nội dung bào chữa: Nhất trí với tội danh và điều luật mà Bản cáo trạng của VKSND huyện K, tỉnh Gia Lai đã truy tố đối với các bị cáo nói trên và đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo trước khi Q định hình phạt, đó là:

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo nói trên đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục một phần hậu quả là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 của BLHS; các bị cáo nói trên đều là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn nên trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế; bị cáo C từng có thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự, gia đình bị cáo thuộc hộ cận nghèo theo quy định đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo như quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS; các bị cáo đều có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự. Vì vậy, đề nghị HĐXX xử phạt các bị cáo nói trên với mức hình phạt ở mức đầu khung cũng đủ tác dụng răn đe.

Về trách nhiệm dân sự: Đề nghị HĐXX xem xét mức bồi thường đối với bị cáo C và N bằng 50% mức đề nghị của đại diện Viện kiểm sát.

Về xử lý vật chứng: Đề nghị HĐXX xem xét trả lại 01 (một) Xe mô tô mang biển kiểm soát 81B1 - 477.20 và 01 (một) Điện thoại nhãn hiệu ASANZO loại màn hình cảm ứng cho chủ sở hữu chị Đinh Thị D;

Về án phí: Do các bị cáo nói trên đều là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng đặc biệt khó khăn; gia đình bị cáo C thuộc diện hộ cận nghèo; các bị cáo đã có đơn xin miễn nộp tiền án phí theo quy định nên đề nghị HĐXX miễn án phí hình sự sơ thẩm và dân sự sơ thẩm cho các bị cáo nói trên.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều không đưa ra yêu cầu để được xem xét và không có ý kiến tranh luận gì.

Tại phiên tòa, các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội của mình như Bản cáo trạng đã nêu, không tranh luận gì với đại diện Viện Kiểm sát và xin giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa; Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện K, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện K, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo và những người tham gia tố tụng không có người nào ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, của người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, của người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tại phiên tòa hôm nay, lời khai của các bị cáo Nguyễn Văn T, Lê Hữu P, Trần Văn M, Đinh C, Đinh N phù hợp với lời khai của các bị cáo tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện K và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, qua đó có đủ cơ sở để xác định rằng:

Các bị cáo Nguyễn Văn T, Lê Hữu P, Trần Văn M, Đinh C, Đinh N có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức và làm chủ hành vi của mình. Song do cố ý mà vi phạm, vào ngày 17/01/2020 các bị cáo đã cùng thực hiện hành vi khai thác trái phép gỗ tại lô 7, khoảnh 6, tiểu khu 136 (rừng phòng hộ là rừng tự nhiên) thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp L quản lý, địa giới hành chính xã L, huyện K, tỉnh Gia Lai. Đến khoảng 21 giờ 30 phút ngày 19/01/2020, nhóm của T bị lực lượng chức năng phát hiện bắt quả tang P, M, C cùng tang vật. Quá trình điều tra xác định Nguyễn Văn T, Lê Hữu P, Trần Văn M, Đinh C, Đinh N đã khai thác trái phép 01 cây gỗ Bằng lăng nhóm III thuộc rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, thiệt hại có khối lượng là 16,725 m3. Ngoài ra, các bị cáo Nguyên Văn T, Lê Hữu P, Trần Văn M còn khai thác trái phép cây 01 gỗ Đa nhóm VIII thuộc rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, thiệt hại có khối lượng là 14,333 m3. Tổng thiệt hại về lâm sản là: 31,058m3 gỗ tròn, quy thành tiền là: 224.495.000 đồng; Giá trị của số gỗ còn lại tại hiện trường quy tròn với tổng khối lượng 5,734 m3 tại thời điểm tháng 01/2020 có giá trị là: 93.639.000 đồng. Thiệt hại phải bồi thường về rừng tự nhiên là rừng phòng hộ: theo quy định tại Thông tư số: 32/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 là: 224.495.000 đồng x 1 x 4 = 897.980.000 đồng.

Như vậy, hành vi nêu trên của Nguyễn Văn T, Lê Hữu P, Trần Văn M đã phạm vào tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản ” theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 232 BLHS và hành vi nêu trên của Đinh C, Đinh N đã phạm vào tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản ” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 232 BLHS như truy tố của Viện kiểm sát nhân dân huyện K là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

[3] Xét vai trò của từng bị cáo trong vụ án được xác định như sau:

Các bị cáo là đồng phạm với nhau trong vụ án này, trong đó: Nguyễn Văn T là người giữ vai trò chính, trực tiếp khởi xướng, bàn bạc và thỏa thuận thuê các bị cáo tham gia khai thác gỗ trái phép; chuẩn bị công cụ phương tiện, đi canh chừng lực lượng bảo vệ rừng và thông qua liên lạc điện thoại trực tiếp để tổ chức đồng bọn khai thác gỗ. Các bị cáo Trần Văn M và Lê Hữu P tham gia với vai trò thực hành tích cực; P là người trực tiếp trao đổi, bàn bạc cùng với T và đi tìm cây gỗ để khai thác, bán lấy tiền chia nhau tiêu xài, P còn trực tiếp liên lạc với T để báo lại tình hình và nghe theo sự điều hành của T để thực hiện; M là người mang theo máy cưa xăng và cùng đi với P vào rừng trực tiếp cắt hạ, xẻ gỗ. Còn N và C giữ vai trò thứ yếu, là đồng phạm thực hành đi khai thác gỗ thuê, cắt lóng, xẻ hộp cây gỗ Bằng lăng.

[4] Về nhân thân và tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Về nhân thân và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Các bị cáo Lê Hữu P, Đinh N và Đinh C đều có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, đây là lần đầu các bị cáo phạm tội và phạm tội không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Các bị cáo Nguyễn Văn T và Trần Văn M có nhân thân xấu. T có 01 tiền sự về hành vi khai thác gỗ trái phép ở rừng phòng hộ, với khối lượng gỗ tròn thiệt hại là 3,553m3, đã bị xử phạt hành chính theo quyết định số 870/QĐ-UBND ngày 20/3/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện K bị phạt tiền với mức phạt là 27.000.000 đồng, T chưa nộp phạt xong mà lại thực hiện hành vi phạm tội khác do cố ý thể hiện ý thức coi thường pháp luật. M có 01 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”, ngày 09/5/2019 bị Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Gia Lai xử phạt 10 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 20 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 09/5/2019) tại Bản án số: 11/2019/HSST ngày 09/5/2019, bị cáo M chỉ mới chấp hành được 08 tháng 08 ngày mà đã phạm tội mới trong thời gian thử thách nên bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tái phạm quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS, thể hiện ý thức coi thường pháp luật của bị cáo.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Các bị cáo phạm tội đồng phạm giản đơn; quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải; các bị cáo và gia đình đã tự nguyện bồi thường thiệt hại với tổng số tiền là 13.000.000 đồng đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 BLHS mà Hội đồng xét xử xem xét áp dụng đối với tất cả các bị cáo. Các bị cáo Nguyễn Văn T, Lê Hữu P đã chủ động cung cấp lời khai, tích cực phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện K trong việc phát hiện, điều tra tội phạm đối với hành vi khai thác gỗ trái phép của Lê Đình Hg cùng đồng phạm nên Hội đồng xét xử cho bị cáo T, P được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm t khoản 1 Điều 51 BLHS. Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Văn T khi nhận thức được hành vi phạm tội đã ra đầu thú; các bị cáo Đinh C và Đinh N là người dân tộc thiểu số nên trình độ nhận thức pháp luật còn có nhiều hạn chế; bên cạnh đó bị cáo Đinh C có thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự; gia đình thuộc hộ cận nghèo nên đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 của BLHS mà Hội đồng xét xử xem xét áp dụng đối với bị cáo T, C, N.

[5] Sau khi xem xét nhân thân của các bị cáo, đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, cũng như xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo, Hội đồng xét xử thấy rằng: Các bị cáo Nguyễn Văn T, Lê Hữu P, Trần Văn M, Đinh C, Đinh N là người đã thành niên, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự để nhận thức được hành vi khai thác gỗ trái phép là vi phạm pháp luật. Song xuất phát từ ý thức coi thường pháp luật, muốn kiếm tiền để tiêu xài cá nhân mà các bị cáo đã phạm tội. Hành vi của các bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên rừng, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái và xâm phạm đến trật tự quản lý về kinh tế và quản lý hành chính của Nhà nước. Vì vậy, cần xử phạt các bị cáo hình phạt tù nghiêm khắc tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội của từng bị cáo, cách ly các bị cáo ra ngoài xa hội một thời gian để cải tạo, giáo dục các bị cáo thành người lương thiện và nâng cao hiệu quả phòng ngừa chung.

[6] Về hình phạt bổ sung: Xét các bị cáo không có việc làm và thu nhập ổn định nên Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với các bị cáo.

[7] Liên quan trong vụ án có Phạm Văn Q là người T mượn máy tời và thuê tời gỗ, tiền công 200.000 đồng/ngày. Sau khi cùng M vận chuyển máy tời đến nơi khai thác gỗ thì máy tời bị hư và Q có công việc gia đình nên không tham gia tời gỗ cùng với T và đồng bọn mà bỏ về trước. Trong việc khai thác trái phép 01 cây Bằng lăng và 01 cây Đa, Q không biết, không liên quan hay được bàn bạc, thống nhất gì, Q cũng không tham gia tời, xẻ gỗ và định lượng gỗ xẻ các đối tượng sử dụng máy tời gỗ lên sau khi Q bỏ về là 05 hộp, khối lượng 1,645m3 gỗ xẻ không bị xử phạt hành hành chính nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện K không đề nghị xem xét xử lý hình sự đối với Q là đúng quy định. Vì vậy, Hội đồng xét xử xác định Phạm Văn Q tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đối với Nguyễn Văn X là người được T gọi điện để hỏi tình hình của P, M, C; X có cùng với T gặp lực lượng bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp L, nhưng X không có hành động hay lời nói nào cản trở các nhân viên bảo vệ rừng thi hành công vụ; T có nhờ X đến hiện trường cất máy tời, xe mô tô sau khi bị phát hiện. Trong việc khai thác trái phép 01 cây Bằng lăng và 01 cây Đa, X không biết trước, không được bàn bạc thống nhất gì nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện K không đề nghị xem xét xử lý hình sự đối với X là đúng quy định. Vì vậy, Hội đồng xét xử xác định Nguyễn Văn X tham gia với tư cách là người làm chứng.

Đối với Đinh Lơ là chủ nhà nơi T để xăng, nhớt và cất giấu máy tời độ chế, nhưng xét thấy trong toàn bộ quá trình T cùng đồng bọn thực hiện hành vi phạm tội Lơ không có ở nhà và cũng không biết việc nhà mình dùng để cất đồ đạc và nghỉ ngơi của T cùng đồng bọn. Lơ không biết, không liên quan hay được bàn bạc gì trong việc khai thác trái phép 01 cây Bằng lăng và 01 cây Đa nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện K không đề nghị xem xét xử lý hình sự đối với Lơ là đúng quy định.

Đối với Đinh Phun là người đi đường mà M đi nhờ xe đến nơi khai thác gỗ nhưng Phun không tham gia khai thác gỗ mà đi về luôn, Phun không biết, không liên quan hay được bàn bạc gì trong việc khai thác trái phép 01 cây Bằng lăng và 01 cây Đa nêu trên. Hành vi này của Phun không phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự là đúng pháp luật.

Đối với ông Phạm Văn Quyền theo lời khai của ông Quyền và Q thể hiện trong hồ sơ vụ án thì máy tời độ chế là tài sản của ông Quyền, nhưng ông không biết việc Q tự ý cho T cùng đồng bọn mượn máy tời để thực hiện hành vi phạm tội. Ông Quyền được biết máy tời đã bị mất, giá trị của máy tời thấp nên không đề nghị xử lý và không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường cho mình. Do đó, Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.

[8] Về trách nhiệm dân sự:

Hành vi phạm tội của các bị cáo Nguyễn Văn T, Lê Hữu P, Trần Văn M, Đinh C, Đinh N đã gây thiệt hại cho Nhà nước là 16,725 m3 gỗ tròn (gỗ Bằng lăng), trị giá quy thành tiền là: 187.229.000 đồng, sau khi trừ đi số lượng gỗ còn lại tại hiện trường thì giá trị thiệt hại về lâm sản còn lại là 93.590.200 đồng; gây thiệt hại về giá trị rừng phòng hộ là rừng tự nhiên phải bồi thường là: 748.916.800 đồng, tổng giá trị thiệt hại là 842.507.000 đồng.

Hành vi phạm tội của các bị cáo Nguyễn Văn T, Lê Hữu P, Trần Văn M đã gây thiệt hại cho Nhà nước là 14,333 m3 gỗ tròn (gỗ Đa), trị giá quy thành tiền là: 37.265.800 đồng; gây thiệt hại về giá trị rừng phòng hộ là rừng tự nhiên phải bồi thường là: 149.063.200 đồng, tổng giá trị thiệt hại là 186.329.000 đồng.

Do các bị cáo là đồng phạm trong vụ án nên phải cùng liên đới bồi thường giá trị thiệt hại về lâm sản cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp L và thiệt hại về môi trường cho Nhà nước; trong đó xét vị trí, vai trò của các bị cáo, Hội đồng xét xử chia theo phần trách nhiệm bồi thường tương ứng với mức độ lỗi của từng bị cáo như sau: Bị cáo T giữ vai trò đầu vụ nên phải bồi thường tương ứng với 30% giá trị thiệt hại của cây gỗ Bằng lăng và 40% giá trị thiệt hại của cây gỗ Đa. Các bị cáo M và P giữ vai trò đồng phạm, tích cực giúp sức cho bị cáo T trong việc khai thác gỗ trái phép nên mỗi bị cáo phải bồi thường tương ứng với 20% giá trị thiệt hại của cây gỗ Bằng lăng và 30% giá trị thiệt hại của cây gỗ Đa. Các bị cáo C và N giữ vai trò đồng phạm thứ yếu môi bị cáo phải bồi thường tương ứng với 15% giá trị thiệt hại của cây gỗ Bằng lăng.

Các bị cáo phải liên đới bồi thường cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp L số tiền 130.856.000 đồng, cụ thể như sau: Bị cáo Nguyễn Văn T là 42.983.380 đồng, được trừ 3.000.000 đồng bị cáo đã bồi thường trước đó nên bị cáo còn phải tiếp tục bồi thường là 39.983.380 đồng; các bị cáo Lê Hữu P và Trần Văn M mỗi bị cáo là 29.897.780 đồng, được trừ 3.000.000 đồng mà các bị cáo đã tác động gia đình bồi thường trước đó nên mỗi bị cáo còn phải tiếp tục bồi thường là 26.897.780 đồng; các bị cáo Đinh C và Đinh N mỗi bị cáo là 14.038.530 đồng, được trừ 2.000.000 đồng mà các bị cáo đã tác động gia đình bồi thường trước đó nên mỗi bị cáo còn phải tiếp tục bồi thường là 12.038.530 đồng.

Các bị cáo phải liên đới bồi thường cho thiệt hại về môi trường cho Nhà nước số tiền 897.980.000 đồng, cụ thể như sau: Bị cáo Nguyễn Văn T là 284.300.320 đồng, các bị cáo Lê Hữu P và Trần Văn M mỗi bị cáo là 194.502.320 đồng, các bị cáo Đinh C và Đinh N mỗi bị cáo là 112.337.520 đồng.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lê Hữu B, chị Đinh Thị D, bà Hg Thị T và ông Đinh H đã tự nguyện bồi thường một phần thiệt hại cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp L thay cho các bị cáo P là 3.000.000 đồng, C là 2.000.000 đồng, M là 3.000.000 đồng và N là 2.000.000 đồng và đều không yêu cầu các bị cáo phải H trả lại nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.

[9] Về xử lý vật chứng:

Đối với số gỗ vật chứng là 5,734 m3 gỗ Bằng lăng thu giữ tại hiện trường đã được chuyển trả lại cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp L nên HĐXX không xem xét giải quyết.

Đối với các vật chứng là công cụ phương tiện phạm tội thì cần tuyên tịch thu bán sung ngân sách Nhà nước:

- 01 (một) Máy cưa xăng (gồm máy, lam, xích cưa), nhãn hiệu STIHL MS 382;

- 01 (một) Chiếc điện thoại nhãn hiệu Oppo màu trắng hồng, loại cảm ứng, số IMEI 1: 865251032282512, IMEI 2: 865251032282504, loại máy 02 sim, có gắn một sim không kiểm tra số thuê bao (không kiểm tra bên trong máy);

- 01 (một) Xe mô tô không có biển số trên xe, xe đã được cải biến độ chế, số máy: VTT32JL1P50FMC005638, số khung bị mờ, hoen gỉ chỉ thấy được rõ các kí tự: AV002542 (xe hư hỏng nặng);

Đối với các vật chứng là công cụ phương tiện phạm tội, không còn giá trị sử dụng thì cần tuyên tịch thu tiêu hủy:

- 01 (một) Chiếc điện thoại nhãn hiệu Nokia màu đen, loại bàn phím, số Sê-ri 1: 357710104262129, Sê-ri 2: 357710106262127, loại máy 02 sim, có gắn một sim không kiểm tra số thuê bao (không kiểm tra bên trong máy);

- 01 (một) Điện thoại di động loại bàn phím, nhãn hiệu Nokia, màu đen, không gắn sim; số sê - ri 1: 354194109786650; số sê - ri 2: 354199100786658;

- 01 (một) Chiếc điện thoại nhãn hiệu Nokia, loại bàn phím, số Serial: 357698107082547; loại máy 01 sim, có gắn sim, không kiểm tra số thuê bao;

Đối với 01 (một) Xe mô tô mang biển số 81B1 - 477.20 vỏ sơn màu xanh, xe đã độ chế không xác định số khung, số máy và 01 (một) Điện thoại nhãn hiệu ASANZO loại màn hình cảm ứng, số IMEI 1: 351104050033351; số IMEI 2: 351104050033369, loại máy 02 sim, có gắn một sim không kiểm tra số thuê bao, đều là tài sản hợp pháp của chị Đinh Thị D, chị D không biết và không liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo và có yêu cầu xin nhận lại tài sản nên cần tòa trả lại cho chủ sở hữu chị D;

Đối với 01 (một) Xe mô tô màu sơn đen bạc, biển số 81H1 - 062.74, hiệu SYM, số khung RLGSC10MHCH016010, số máy VMSACE-H016010, là tài sản hợp pháp của anh Nguyễn Văn H, anh H không biết và không hên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo và có yêu cầu xin nhận lại tài sản nên cần T trả lại cho chủ sở hữu anh H.

[10] Đối với quan điểm của Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện K là phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử, do vậy được chấp nhận.

[11] Về án phí: Các bị cáo Nguyễn Văn T, Lê Hữu P, Trần Văn M và Đinh N phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Bị cáo Đinh C là dân tộc thiểu số; gia đình bị cáo thuộc diện hộ cận nghèo, bị cáo đã có đơn xin miễn án phí theo quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử chấp nhận miễn án phí hình sự sơ thẩm và dân sự sơ thẩm cho bị cáo Đinh C.

các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

[1] Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Văn T, Lê Hữu P, Trần Văn M, Đinh C và Đinh N phạm tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

[2] Về điều luật áp dụng:

Áp dụng điểm d khoản 3 Điều 232 của Bộ luật hình sự đối với các bị cáo Nguyễn Văn T, Lê Hữu P, Trần Văn M; áp dụng điểm d khoản 2 Điều 232 của BLHS đối với các bị cáo Đinh C, Đinh N;

Áp dụng điểm b, điểm s khoản 1 Điều 51; các Điều 38 và 58 của BLHS đối với các bị cáo Nguyễn Văn T, Lê Hữu P, Trần Văn M, Đinh C và Đinh N;

Áp dụng thêm điểm t khoản 1 Điều 51 của BLHS đối với các bị cáo Nguyễn Văn T, Lê Hữu p.

Áp dụng thêm khoản 2 Điều 51 của BLHS đối với các bị cáo Nguyễn Văn T, Đinh c và Đinh N.

Áp dụng thêm điểm h khoản 1 Điều 52, Điều 55, Điều 56, khoản 5 Điều 65 của BLHS và khoản 1 Điều 7 của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đối với bị cáo Trần Văn M;

Áp dụng khoản 1 điều 48 của BLHS; các Điều 584, Điều 585, Điều 586, Điều 587 và Điều 589 của Bộ luật Dân sự năm 2015;

Áp dụng khoản 1 Điều 47, khoản 1 Điều 48 của BLHS và khoản 2 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự;

Áp dụng khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sựNghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án;

[3] Về hình phạt:

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 05 (năm) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị tạm giam (ngày 17/4/2020). Trừ đi thời hạn tạm giữ từ ngày 30/3/2020 đến ngày 02/4/2020.

Xử phạt bị cáo Lê Hữu P 05 (năm) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam (ngày 20/01/2020).

Xử phạt bị cáo Trần Văn M 05 (năm) năm 03 ( ba) tháng tù, tổng hợp hình phạt với 10 (mười) tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản tại Bản án số 11/2019/HSST ngày 09/5/2019 của Tòa án nhân dân huyện K thành hình phạt chung là 06 (sáu) năm 01 (một) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam (ngày 20/01/2020). Trừ đi thời gian bị tạm giữ từ ngày 13/12/2018 đến ngày 19/12/2018.

Xử phạt bị cáo Đinh C 02 (hai) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị tạm giữ, tạm giam (ngày 20/01/2020).

Xử phạt bị cáo Đinh N 02 (hai) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị tạm giam (ngày 25/3/2020).

Không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với các bị cáo.

[4] Về trách nhiệm dân sự:

Buộc các bị cáo Nguyễn Văn T, Lê Hữu P, Trần Văn M, Đinh C và Đinh N phải liên đới bồi thường cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp L, cụ thể như sau:

Bị cáo Nguyễn Văn T là 39.983.380 đồng;

Bị cáo Lê Hữu P là 26.897.780 đồng;

Bị cáo Trần Văn M là 26.897.780 đồng;

Bị cáo Đinh C là 12.038.530 đồng;

Bị cáo Đinh N là 12.038.530 đồng.

Buộc các bị cáo Nguyễn Văn T, Lê Hữu P, Trần Văn M, Đinh C và Đinh N phải liên đới bồi thường thiệt hại về môi trường cho Nhà nước, cụ thể như sau:

Bị cáo Nguyễn Văn T là 284.300.320 đồng;

Bị cáo Lê Hữu P là 194.502.320 đồng;

Bị cáo Trần Văn M là 194.502.320 đồng;

Bị cáo Đinh C là 112.337.520 đồng;

Bị cáo Đinh N là 112.337.520 đồng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp Cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi các bị cáo thi hành xong các khoản tiền trên thì hàng tháng các bị cáo còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

[5] Về xử lý vật chứng:

Tuyên tịch thu bán sung vào ngân sách Nhà nước:

- 01 (một) Máy cưa xăng (gồm máy, lam, xích cưa), nhãn hiệu STIHL MS 382;

- 01 (một) Chiếc điện thoại nhãn hiệu Oppo màu trắng hồng, loại cảm ứng, số IMEI 1: 865251032282512, IMEI 2: 865251032282504, loại máy 02 sim, có gắn một sim không kiểm tra số thuê bao (không kiểm fra bên trong máy);

- 01 (một) Xe mô tô không có biển số trên xe, xe đã được cải biến độ chế, số máy: VTT32JL1P50FMC005638, số khung bị mờ, hoen gỉ chỉ thấy được rõ các kí tự: AV002542 (xe hư hỏng nặng);

Tuyên tịch thu tiêu hủy:

- 01 (một) Chiếc điện thoại nhãn hiệu Nokia màu đen, loại bàn phím, số Sê-ri 1: 357710104262129, Sê-ri 2: 357710106262127, loại máy 02 sim, có gắn một sim không kiểm tra số thuê bao (không kiểm tra bên trong máy);

- 01 (một) Điện thoại di động loại bàn phím, nhãn hiệu Nokia, màu đen, không gắn sim; số sê - ri 1: 354194109786650; số sê-ri 2: 354199100786658;

- 01 (một) Chiếc điện thoại nhãn hiệu Nokia, loại bàn phím, số Serial: 357698107082547; loại máy 01 sim, có gắn sim, không kiểm tra số thuê bao;

Tuyên trả lại cho chị Đinh Thị D01 (một) Xe mô tô mang biển số 81B1 - 477.20 vỏ sơn màu xanh, xe đã độ chế không xác định số khung, số máy và 01 (một) Điện thoại nhãn hiệu ASANZO loại màn hình cảm ứng, số IMEI 1:351104050033351; số IMEI2: 351104050033369, loại máy 02 sim, có gắn một sim không kiểm tra số thuê bao;

Tuyên trả lại cho anh Nguyễn Văn H01 (một) Xe mô tô màu sơn đen bạc, biển số 81Hl-062.74, hiệu SYM, số khung RLGSC10MHCH016010, số máy VMSACE- H016010.

(Đặc điểm cụ thể của vật chứng theo Biên bản giao nhận vật chứng ngày 25/8/2020 giữa Công an huyện K và Chi cục Thi hành án dân sự huyện K)

[6] Về án phí:

Buộc các bị cáo Nguyễn Văn T, Lê Hữu P, Trần Văn M và Đinh N mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

Buộc bị cáo Nguyễn Văn T phải chịu 16.214.185 đồng (mười sáu triệu, hai trăm mười bốn nghìn, một trăm tám mươi lăm đồng); bị cáo Lê Hữu P phải chịu 11.070.005 đồng (mười một triệu, không trăm bảy mươi nghìn, không trăm lẻ năm đồng) và bị cáo Trần Văn M phải chịu 11.070.005 đồng (mười một triệu, không trăm bảy mươi nghìn, không trăm lẻ năm đồng); bị cáo Đinh N phải chịu 6.218.803 đồng (sáu triệu, hai trăm mười tám nghìn, tám trăm lẻ ba đồng) án phí Dân sự sơ thẩm.

Miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm và dân sự sơ thẩm cho bị cáo Đinh C.

[7] Về quyền, thời hạn kháng cáo: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (05/11/2020) các bị cáo, bị hại và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan anh Phạm Văn Q, ông Lê Hữu B, bà Hg Thị T, chị Đinh Thị D và anh Đinh H có quyền làm đơn kháng cáo để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử phúc thẩm. Riêng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Nguyễn Văn H vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết công khai.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, và 9 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

302
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 32/2020/HS-ST ngày 05/11/2020 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

Số hiệu:32/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện KBang - Gia Lai
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 05/11/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;