TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
BẢN ÁN 32/2018/HS-PT NGÀY 03/07/2018 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ RỪNG
Ngày 03 tháng 7 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 46/2018/TLPT-HS ngày 04 tháng 5 năm 2018 đối với bị cáo Nguyễn Hải L, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án sự sơ thẩm số: 12/2018/HS-ST ngày 28 tháng 3 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Gia Lai.
Bị cáo có kháng cáo:
Nguyễn Hải L (Tên gọi khác: T), sinh ngày 20/11/1985 tại huyện P, tỉnh Bình Định; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chổ ở: 16/18 Đặng Thai M, phường T, thành phố P, tỉnh Gia Lai; nghề nghiệp: Lái xe; trình độ học vấn: 9/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn H, sinh năm: 1961 và bà Nguyễn Thị Kim C, sinh năm 1961; có vợ là Võ Thị K, sinh năm: 1985 và 01 con; T án, T sự: không; bị cáo tại ngoại và có mặt tại phiên tòa.
Ngoài ra còn có bị cáo Hà Tuấn A không có kháng cáo và không bị kháng nghị.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Đầu năm 2015, Hà Tuấn A thuê đất tại xưởng gỗ đã ngừng hoạt động của ông Đặng Duy N để làm cơ sở thu mua nông sản tại thôn M, xã Ia D, huyện Đ, tỉnh Gia Lai. Đầu tháng 3/2016, A khai có thấy một số người đồng bào dân tộc thiểu số đi xe độ chế chở gỗ ngang qua nơi A thuê, vì muốn mua gỗ để mở rộng lán trại nên A dò hỏi về nguồn gốc gỗ thì số người này nói là gỗ khai thác từ vườn rẫy của họ, A hỏi mua thì những người này đồng ý bán cho A. A đã mua tổng cộng 38 lóng gỗ tròn loại gỗ Kơ Nia của những người này với giá 36.000.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi mua được gỗ do không xẻ được nên A tìm người để bán lại số gỗ trên. Do có quen biết với anh Nguyễn Quỳnh G là lái xe của Ban quản lý rừng phòng hộ xã Ia P, huyện C nên A nghĩ G quen biết nhiều người buôn gỗ và A liên hệ nhờ G tìm người mua gỗ giới thiệu cho A, khi nhờ G, A nói dối với G số gỗ của A có giấy tờ hợp pháp.
Do quen biết với Đặng B (tên thường gọi là B, sinh năm 1960 trú tại xã X, huyện X, tỉnh Đồng Nai) là người mua gỗ nên G đã giới thiệu cho A. Qua điện thoại, A trao đổi về việc bán số gỗ Kơ Nia với Đặng B, A nói với Đặng B số gỗ của A có giấy phép hợp pháp. Sau đó, Đặng B đến xem gỗ và đồng ý mua với giá là 4.000.000 đồng/m3 và hai bên thỏa thuận A có trách nhiệm vận chuyển gỗ đến giao cho Đặng B tại Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh thì Đặng B thanh toán T, mọi chi phí trên đường và cước vận chuyển do A chi trả. Sau khi Đặng B về, A đi tìm xe để chở gỗ nhưng không được nên A có điện thoại nhờ Đặng B tìm xe giúp thì được Đặng B đồng ý.
Vào tối ngày 20/3/2016, Đặng B cùng người đàn ông tên T và Nguyễn Quỳnh G cùng nhau ăn cơm tại quán thì Đặng B gọi điện cho Nguyễn Hải L (tên thường gọi là T) là người có xe đầu kéo chuyên chở hàng đến quán ăn và cùng ăn cơm. Trong lúc ăn cơm, Đặng B có trao đổi với L về việc thuê xe của L chở gỗ từ Đ đi thành phố Hồ Chí Minh. Hai bên thỏa thuận giá 25.000.000 đồng và sau khi L chở gỗ đến thành phố Hồ Chí Minh sẽ được thanh toán tiền thì L đồng ý chở. L cũng hỏi về nguồn gốc gỗ và giấy tờ thì Đặng B và G nói với L gỗ có đầy đủ giấy tờ. Khoảng 8 giờ ngày 21/3/2016, L điều kiển xe ô tô đầu kéo BKS 81C – XXXXX kéo rơ moóc 81R – XXXXX, đi cùng trên xe có Đặng B và ông T đi đến nhà xưởng của ông Đặng Duy N gặp Hà Tuấn A để bốc gỗ. Khi xe đến, A đi ra Quốc lộ 19b tìm xe để cẩu gỗ thì gặp một xe cần cẩu đi trên đường nên A hỏi và thuê vào cẩu 38 lóng gỗ tròn loại Kơ Nia lên xe của L. Đến khoảng 17 giờ 30 phút cùng ngày thì gỗ được cẩu hết lên xe. Sau khi bốc gỗ xong A nói L tủ bạt lại chờ làm giấy tờ. L ở lại trông xe còn Đặng B và ông T đi ở nhà nghỉ đến ngày 22/3/2016 thì ông T về trước.
Khoảng 15 giờ ngày 22/3/2016, A nói L tháo bạt ra để lộ số đầu lóng gỗ cho Kiểm lâm kiểm tra, tuy nhiên không có ai đến kiểm tra mà A dùng phấn viết vào đầu lóng gỗ. Đến ngày 23/3/2016, A nói với L tủ bạt lên để đi, gỗ đã có giấy tờ. L điều kiển xe ô tô đầu kéo BKS 81C – XXXXX kéo rơ moóc 81R – XXXXX chở 38 lóng gỗ loại gỗ Kơ Nia đi ra Quốc lộ 19b và đi về hướng thành phố P, lúc này có Đặng B đi cùng trên xe. Khi xe gỗ đi đến xã B, huyện C, tỉnh Gia Lai, Hà Tuấn A sợ xe gỗ bị cơ quan chức năng bắt nên A gọi điện nhờ Nguyễn Quỳnh G chặn xe gỗ dẫn vào đậu nhờ tại Hợp tác xã nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Thịnh Phát thuộc thôn Đoàn K, xã B, huyện C. Khi G chặn xe thì L có hỏi G vì sao không đi tiếp thì G nói “giấy tờ gỗ bị sai nên chờ sửa rồi đi”. Tuy nhiên xe gỗ không có giấy tờ nên Nguyễn Công H không đồng ý cho xe vào kho của Hợp tác xã thì G nói L ra đậu xe tại bãi đất trống bên ngoài kho. Sau khi L điều khiển xe vào đậu tại bãi đất trống thì G chở L đến dốc H và L bắt xe đi về nhà.
Đến 21 giờ ngày 25/3/2016, Đoàn kiểm tra liên ngành số 01 tỉnh Gia Lai phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện C đã kiểm tra và phát hiện trên xe ô tô đầu kéo BKS 81C – 08493 kéo rơ moóc 81R – 00522 có 38 lóng gỗ tròn Kơ Nia nhóm 6 với khối lượng 35,100 m3 không có dấu búa của Kiểm lâm, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp mà trước đó Nguyễn Hải L đã đậu tại bãi đất trống thuộc thôn Đoàn Kết, xã Bàu Cạn, huyện C. Sau đó, cơ quan chức năng đã mời Nguyễn Hải L lên làm việc và L đã khai nhận việc sử dụng xe chở gỗ cho Đặng B và Hà Tuấn A.
Đến ngày 25/4/2016, Đoàn kiểm tra liên ngành số 01 tỉnh Gia Lai chuyển hồ sơ vụ án cho Chi cục kiểm lâm tỉnh Gia Lai khởi tố vụ án về tội: “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” theo quy định tại Điều 175 của Bộ luật hình sự năm 1999 đồng thời giao hồ sơ vụ án cùng tang vật cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện C xử lý theo thẩm quyền.
Tại bản án sơ thẩm số 12/2018/HS-ST ngày 28 tháng 3 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Gia Lai đã quyết định:
Tuyên bố bị cáo Nguyễn Hải L phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.
Áp dụng điểm k khoản 1 Điều 232; Điều 38; điểm i khoản 1, Điều 51; khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Áp dụng Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội; điểm b khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự 1999.
Xử phạt bị cáo Nguyễn Hải L 12 (Mười hai) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về tội danh và hình phạt đối với bị cáo Hà Tuấn A; tuyên xử lý vật chứng, án phí hình sự sơ thẩm và tuyên quyền kháng cáo của người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
Ngày 03/4/2018, bị cáo Nguyễn Hải L có đơn kháng cáo xin được hưởng án treo.
Ngày 11/6/2018, bị cáo Nguyễn Hải L có đơn bổ sung đơn kháng cáo, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình và xin được hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo. Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm và cho bị cáo được hưởng án treo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Hải L khai nhận hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện đúng như bản án sơ thẩm đã nêu. Lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của bị cáo Hà Tuấn A, lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án. Như vậy, có đủ cơ sở để kết luận:
Đầu tháng 3 năm 2016, Hà Tuấn A mua 38 lóng gỗ Kơ Nia có khối lượng 35,100m3 không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp tại làng M, xã Ia D, huyện Đ, tỉnh Gia Lai và nhờ bạn là Nguyễn Quỳnh G giới thiệu bán số gỗ trên cho Đặng B. Tối ngày 20/3/2016, Đặng B có trao đổi với L về việc thuê xe của L chở gỗ từ Đ đi thành phố Hồ Chí Minh với giá thỏa thuận là 25.000.000 đồng và sau khi L chở gỗ đến thành phố Hồ Chí Minh sẽ được thanh toán tiền thì L đồng ý chở. Ngày 23/3/2016, L điều kiển xe ô tô đầu kéo BKS 81C – XXXXX kéo rơ moóc 81R – XXXXX chở 38 lóng gỗ loại gỗ Kơ Nia có khối lượng 35,100m3 đi ra Quốc lộ 19b và đi về hướng thành phố P. Khi xe gỗ đi đến xã B, huyện C, tỉnh Gia Lai, Hà Tuấn A sợ xe gỗ bị cơ quan chức năng bắt nên A nhờ G dẫn L đậu xe tại bãi đất trống thuộc thôn Đ, xã B, huyện C. Đến ngày 25/3/2016, Đoàn kiểm tra liên ngành số 01 tỉnh Gia Lai phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện C đã kiểm tra và phát hiện trên xe ô tô đầu kéo BKS 81C – 08493 kéo rơ moóc 81R – 00522 có 38 lóng gỗ tròn Kơ Nia nhóm 6 với khối lượng 35,100 m3 không có dấu búa của Kiểm lâm, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Sau đó, cơ quan chức năng đã mời Nguyễn Hải L lên làm việc và L đã khai nhận việc sử dụng xe chở gỗ cho Đặng B và Hà Tuấn A. Với hành vi điều kiển xe ô tô đầu kéo BKS 81C – 08493 kéo rơ moóc 81R – 00522 vận chuyển 38 lóng gỗ loại gỗ Kơ Nia nhóm 6 với khối lượng 35,100 m3 không có dấu búa của Kiểm lâm, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp từ Đđến Bầu Cạn nhằm mục đích vận chuyển đến thành phố Hồ Chí Minh, bị cáo Nguyễn Hải L đã phạm vào tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Do đó, việc Viện kiểm sát truy tố và Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” là có căn cứ, đúng người, đúng tội.
Mặc dù, bị cáo bị truy tố và xét xử sơ thẩm vào thời điểm Bộ luật hình sự năm 2015 đã hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trước thời điểm Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật và mức hình phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự năm 2015 cao hơn so với mức hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 175 của Bộ luật hình sự năm 1999, nên trong trường hợp này lẽ ra Viện kiểm sát và Tòa án cấp sơ thẩm phải áp dụng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 1999 để truy tố, xét xử đối với bị cáo. Nhưng Viện kiểm sát đã truy tố và Tòa án cấp sơ thẩm khi xét xử đã áp dụng quy định tại điểm k khoản 1 Điều 232, khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 và điểm b khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 1999 là chưa đúng với các hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên, việc áp dụng chưa đúng các quy định pháp luật này không gây bất lợi cho bị cáo nên Hội đồng xét xử sẽ sửa bản án cho phù hợp và Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm về việc áp dụng pháp luật khi xét xử các vụ án khác.
[2] Xét kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo, Hội đồng xét xử thấy rằng:
Bị cáo nhận thức được việc vận chuyển lâm sản không có giấy tờ nguồn gốc hợp pháp là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện. Hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến trật tự quản lý và bảo vệ rừng của Nhà nước. Do đó, cần xử lý nghiêm minh nhằm răn đe phòng ngừa chung.
Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội vì vậy, khi lượng hình Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015 (điểm h khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999) để xét xử bị cáo mức án 12 tháng tù là phù hợp.
Tuy nhiên, tại “Đơn bổ sung đơn kháng án” đề ngày 11/6/2018, bị cáo trình bày, vì chưa hiểu biết về việc vi phạm pháp luật của mình nên bị cáo không chịu nhận tội tại phiên tòa sơ thẩm, nay bị cáo biết việc phạm tội của bị cáo là sai và đã ăn năn hối lỗi về hành vi của mình nên xin nhận tội. Và tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo thật thà khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội của mình, thể hiện thái độ ăn năn hối cải, đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999 mà Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ áp dụng cho bị cáo khi lượng hình.
Xét thấy, bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự; không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; bị cáo có nơi cư trú rõ ràng và việc không buộc bị cáo chấp hành hình phạt tù không làm ảnh hưởng đến khả năng tự cải tạo của bị cáo, vì vậy không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà giữ nguyên mức hình phạt như bản án sơ thẩm đã tuyên nhưng cho bị cáo hưởng án treo theo quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999 cũng đủ tác dụng để giáo dục, cải tạo đối với bị cáo cũng như vẫn đảm bảo công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm nói chung. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm.
Do kháng cáo được chấp nhận nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
1. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Hải L. Sửa bản án hình sự sơ thẩm số 12/2018/HS-ST ngày 28 tháng 3 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Gia Lai:
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 175; điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, aĐiều 60 Bộ luật hình sự năm 1999;
Tuyên bố bị cáo Nguyễn Hải L (T) phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng”.
Xử phạt bị cáo Nguyễn Hải L (T) 12 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 24 tháng kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Giao bị cáo Nguyễn Hải L (T) cho Ủy ban nhân dân phường Thắng L, thành phố P, tỉnh Gia Lai giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.
2. Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Nguyễn Hải L không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 32/2018/HS-PT ngày 03/07/2018 về tội vi phạm quy định khai thác và bảo vệ rừng
Số hiệu: | 32/2018/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Gia Lai |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 03/07/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về