Bản án 32/2017/HSPT ngày 27/11/2017 về tội bắt giữ người trái pháp luật

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

BẢN ÁN 32/2017/HSPT NGÀY 27/11/2017 VỀ TỘI BẮT GIỮ NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT

Ngày 27/11/2017 tại trụ sở, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 37/2017/HSPT ngày 01/11/2017 đối với các bị cáo Giàng A N, Tẩn A K do có kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của người bị hại, người đại diện theo pháp luật của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là anh Lý A N và chị Tẩn Sử M đối với bản án hình sự sơ thẩm số 51/2017/HSST ngày 29/09/2017 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Lào Cai.

Các bị cáo không có kháng cáo:

1. Giàng A N-Sinh ngày 16/12/1994; Giới tính: Nam.

Nơi cư trú: Thôn N, xã N, huyện B, tỉnh Lào Cai.

Dân tộc: Mông; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: Không; Trình độ văn hoá: 9/12; Nghề nghiệp: Trồng trọt.

Con ông Giàng A G-sinh năm 1963 và bà Vàng Thị D-sinh năm 1962. Gia đình bị cáo có 04 anh em, bị cáo là con thứ nhất.

Vợ: Thào Thị S-sinh năm 1994.

Bị cáo có 02 con (Con lớn sinh năm 2013, con nhỏ sinh năm 2015). Bố, mẹ, vợ và con đều trú tại: Thôn N, xã N, huyện B, tỉnh Lào Cai. Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 10/03/2017, hiện bị cáođang bị tạm giam tại trại giam tỉnh Lào Cai. Có mặt.

2.Tẩn A K-Sinh ngày 26/12/1995; Giới tính: Nam.

Nơi cư trú: Thôn N, xã N, huyện B, tỉnh Lào Cai.

Dân tộc: D; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: Không; Trình độ văn hoá:

9/12; Nghề nghiệp: Trồng trọt.

Con ông Tẩn Sài T-sinh năm 1968và con bà Vàng Tả M-sinh năm 1972. Gia đình bị cáo có 05 chị em, bị cáo là con thứ tư.

Vợ: Chảo Tả M-sinh năm 1995.

Bị cáo có 02 con (Con lớn sinh năm 2014, con nhỏ sinh năm 2016).

Bố, mẹ, vợ và con đều trú tại: Thôn N, xã N, huyện B, tỉnh Lào Cai. Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam ngày 10/03/2017, hiện bị cáo đang bị tạm giam tại trại giam tỉnh Lào Cai. Có mặt.

* Người bị hại: Anh Tẩn Phù N-Sinh năm 1974.

Nơi đăng ký NKTT: Thôn N, xã N, huyện B, tỉnh Lào Cai (đã chết).

Những người tham gia tố tụng có kháng cáo hoặc có liên quan đến kháng cáo:

* Những người đại diện theo pháp luật của người bị hại:

1. Ông Lý Sài V-Sinh năm 1949 (là bố đẻ của Tẩn Phù N).

Trú tại: Thôn D, xã M, huyện B, tỉnh Lào Cai.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Lý Sài V: Anh Lý A N-Sinh năm 1972 (là con trai ông Lý Sài V, theo giấy ủy quyền ngày 22/03/2017).

Trú tại: Thôn D, xã M, huyện B, tỉnh Lào Cai. Vắng mặt.

2. Cháu Tẩn Tả M-Sinh năm 1999 (con đẻ Tẩn Phù N).

* Người đại diện theo ủy quyền của cháu Tẩn Tả M: Chị Tẩn Sử M-sinh năm 1981 (là mẹ đẻ, theo giấy ủy quyền ngày 23/03/2017). Có mặt.

. Trú tại: Thôn N, xã N, huyện B, tỉnh Lào Cai * Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

1. Cháu Tẩn Lở M-Sinh năm 2001.

2. Cháu Tẩn San M-Sinh năm 2003.

3. Tẩn Láo Tả-Sinh năm 2006.

Người đại diện theo pháp luật của cháu Tẩn Lở M, Tẩn San M, Tẩn Láo Tả:

Chị Tẩn Sử M-sinh năm 1981 (mẹ đẻ). Có mặt.

Đều trú tại: Thôn N, xã N, huyện B, tỉnh Lào Cai.

* Người bào chữa cho các bị cáo: Bà Phạm Thị T-Trợ giúp viên Trung tâm trợ giúp lý Nhà nước tỉnh Lào Cai. Có mặt.

* Người giám định: Ông Bùi Mạnh T, giám định viên của phòng kỹ thuật hình sự-Công an tỉnh Lào Cai. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, được tóm tắt như sau:

Khoảng 19 giờ ngày 07/03/2017, Giàng A N điều khiển xe mô tô BKS 24B1-422.09 đi từ nhà tại thôn N, xã N, huyện B đến nhà Chảo Láo S ở cùng thôn để ăn cơm, uống rượu. Đến nơi thì Giàng A N thấy có Tẩn Phù N đang ở nhà Chảo Láo S, khoảng 30 phút sau thì Tẩn A K đến và cùng ngồi uống rượu với gia đình Chảo Láo S. Trong lúc uống rượu, Giàng A N nhìn thấy Tẩn Phù N mặc áo khoác bông của lực lượng công an viên nên Giàng A N nói với mọi người mình cũng là công an viên. Nghe thấy Nhè nói thế thì Tẩn Phù N nói N cũng là công an viên và bảo Giàng A N không có quyền kiểm tra giấy tờ khiến Giàng A N bực tức. Lúc này, Giàng A N rủ Tẩn A K đi về và nói với Tẩn A K ở ngoài nhà Chảo Láo S đợi còn Giàng A N về phòng trực của Công an xã N lấy gậy cao su và dây trói bằng nhựa để bắt giữ Tẩn Phù N, Tẩn A K đồng ý. Sau đó, Giàng A N điều khiển xe mô tô về phòng trực mặc đồng phục của công an xã, rồi lấy 02 (Hai) chiếc gậy cao su, 01 (Một) sợi dây trói bằng nhựa màu vàng; 01 (Một) đèn pin và quay lại nhà Chảo Láo S, Giàng A N đưa cho Tẩn A K một chiếc gậy cao su, đồng thời Nhè giơra một sợi dây trói cho Tẩn A K biết và nói “Tý nữa kiểm tra mà nó không chấp hành thì dùng cái này trói lại đưa về Ủy ban nhân dân (UBND) xã gọi trưởng công an xã đến xử lý”. Giàng A N và Tẩn A K đi vào trong nhà Chảo Láo S thì thấy Tẩn Phù N vẫn đang ngồi uống rượu, Giàng A N tiến đến chỗ Tẩn Phù N, dùng gậy cao su vụt 02 (Hai) phát vào cánh tay và đùi bên phải khiến Tẩn Phù N ngã nghiêng người sang bên phải, thấy thế Tẩn A K cũng cầm gậy cao su vụt 02 (Hai) phát vào lưng và đùi của Tẩn Phù N. Sau đó Giàng A N dùng dây rút trói hai tay N về phía sau và cùng Tẩn A K đưa Tẩn Phù N ra xe mô tô chở về phòng trực của Công an xã N. về đến nơi, Giàng A N cho Tẩn Phù N ngồi lên chiếc ghế đỏ trong phòng trực rồi Giàng A N và Tẩn A K dùng gậy cao su vụt nhiều nhát vào hai bên đùi, cánh tay, mông và dùng tay tát vào mặt của N. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày thì Hồ Văn C là bảo vệ trường học ở xã N và Giàng Văn Đ là công an viên đến phòng trực của công an xã N, Hồ Văn C nhìn thấy hai cổ tay của Tẩn Phù N bị trói chặt dẫn đến trầy xước nên Hồ Văn C bảo Giàng A N cởi trói cho Tẩn Phù N, nói xong Hồ Văn C đi lên trường để trực. Ngay lúc đó, Giàng A N đi lấy D cắt dây trói cho Tẩn Phù N, đến khoảng 21 giờ 30 phút cùng ngày, Vàng Láo L và Chảo Láo U trên đường đi bốc vác về, khi đi qua nhà công vụ của công an xã N, thấy có nhiều xe nên Vàng Láo L và Chảo Láo U đi vào xem. Khi vào đến phòng trực, Giàng A N nói với Chảo Láo U “Thằng này nhiễu còn dọa cả Nhè nữa”, nghe thấy thế, Chảo Láo U lấy gậy cao su của Giàng A N đang cầm trên tay vụt 04 (Bốn) phát vào đùi của Tẩn Phù N. Sau đó, Vàng Láo L, Chảo Láo U đi về, lúc này Tẩn A K cũng đi về cùng Chảo Láo U và Vàng Láo L. Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, trong khi ngủ, do Tẩn Phù N bị đánh đau nên kêu rên nhiều khiến cho Giàng A N không ngủ được, nên Giàng A N đã dậy túm vai áo kéo Tẩn Phù N ra hè của nhà công vụ rồi đóng cửa lại đi ngủ tiếp. Đến khoảng 01 giờ ngày 08/03/2017, Giàng A N tỉnh dậy và cầm ca nước loại 1,5 lít đi ra đầu nhà công vụ lấy một nửa ca nước từ téc nước sinh hoạt để uống. Sau khi uống xong, Giàng A N cầm ca nước về phòng trực thì thấy Tẩn Phù N ngồi gục đầu xuống đầu gối ở trước sân nhà công vụ, Tẩn Phù N xin nước uống, Giàng A N đưa ca nước ghé vào miệng của Tẩn Phù N thì Tẩn Phù N uống được hai ngụm nước. Lúc này, Tẩn Phù N tiếp tục kêu khát và xin nước uống, Giàng A N liền đưa ca nước cho Tẩn Phù N nhưng thấy Tẩn Phù N yếu, mệt không cầm được ca nước để tự uống nên Giàng A N dùng tay trái đỡ gáy, tay phải cầm ca nước ghé vào miệng cho N uống, tay của N cũng đỡ phía dưới ca nước. Khi uống được hai ngụm nước thì Tẩn Phù N bị sặc và ho, Giàng A N đặt ca nước xuống bên cạnh Tẩn Phù N và bảo N nếu khát thì tự uống. Sau đó, Giàng A N đi vào phòng đóng cửa và tiếp tục đi ngủ. Đến 06 giờ sáng cùng ngày, Giàng Văn Đ dậy đi về thì nhìn thấy Tẩn Phù N đang nằm ở sân nhà công vụ, hai tay co về trước ngực, Giàng Văn Đ liền đi vào phòng gọi Giàng A N. Giàng A N đi đến lay Tẩn Phù N dậy nhưng không thấy trả lời, Giàng A N sờ vào chân thì thấy lạnh cứng. Khi thấy Tẩn Phù N đã chết, Giàng A N cầm hai chân của Tẩn Phù N kéo Tẩn Phù N đến gốc cây xoài ở gần nhà công vụ để che giấu. Sau đó, Giàng A N mượn điện thoại của Giàng Văn Đ gọi điện báo cho Tẩn A K biết Tẩn Phù N đã chết và bảo Tẩn A K đến phòng trực của công an xã N đồng thời bảo với Giàng Văn Đ không được nói với ai. Khoảng 07 giờ 30 phút cùng ngày, Tẩn A K đến nhà công vụ Công an xã N, Giàng A N bảo Tẩn Phù N đã chết và đang giấu xác ở gốc cây xoài, Giàng A N nói với Tẩn A K đợi đến đêm dùng xe mô tô chở xác Tẩn Phù N vứt xuống sông Hồng để phi tang, Tẩn A K đồng ý. Đến khoảng 02 giờ sáng ngày 09/03/2017, Giàng A N và Tẩn A K dùng một chiếc chăn bông quấn vào người N và dùng dây chun buộc trên giá đèo hàng của Giàng A N và chở xác N đến khu vực sông Hồng thuộc thôn Phố Mới 2, xã Trịnh Tường, huyện B. Khi đến nơi, Giàng A N và Tẩn A K kéo xác N đẩy xuống sông Hồng và vứt chiếc chăn bông ở tả luy âm cạnh bờ sông Hồng. Sau đó, Giàng A N và Tẩn A K đi về nhà ngủ. Cùng ngày, hành vi phạm tội của Giàng A N và Tẩn A K bị cơ quan chức năng phát hiện.

Tại bản kết luận giám định hóa pháp số 112/94/131/17/HP ngày 22/03/2017 của Viện Pháp y Quốc gia Bộ y tế đã kết luận: Trong mẫu phủ tạng của nạn nhân Tẩn Phù N, sinh năm 1974 do Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai gửi tới giám định ngày 13/03/2017 không tìm thấy chất độc.

Tại bản kết luận giám định pháp y về tử thi số 49/GĐPY ngày 29/03/2017 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Lào Cai đã kết luận:

-Tẩn Phù N tử vong bởi ngạt cơ học (do nước và dị vật tràn vào lòng khí quản) trên cơ thể sốc đa chấn thương, vết thương phần mềm rải rác toàn thân và có dấu hiệu viêm gan mãn tính, thể nhẹ.

-Thời gian chết: Sau bữa ăn cuối cùng trong khoảng thời gian từ 4-6 giờ. Tại bản kết luận giám định pháp y về tử thi số 50/GĐPY ngày 09/04/2017 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Lào Cai đã kết luận: Dị vật trong khí quản của Tẩn Phù N khi nạn nhân còn thở và hít kèm theo nước vào là nguyên nhân chính gây tử vong. Dị vật trong khí quản của nạn nhân Tẩn Phù N có trước khi nạn nhân bị vứt xuống sông Hồng Tại bản giám định pháp y về thương tích (Giám định trên hồ sơ) số 16/2017/TTPY ngày 08/05/2017 của Trung tâm pháp y Sở y tế tỉnh Lào Cai đã kết luận: Tại thời điểm giám định:

+Xây xước da tại hai cổ tay, bàn tay: Mức tổn hại cơ thể là 03% (ba phần trăm).

+Vết thương vành tai bên trái, mức tổn hại cơ thể là 03% (ba phần trăm).

+Các chấn thương phần mềm, tụ máu trên cơ thể nạn nhân không để lại di chứng là sẹo và các tổn thương xương tại vị trí tương ứng. Do đó không xếp loại mức tổn hại cơ thể.

+Vùng vai, lưng, mông có nhiều vết trợt da, xây xát da do hình thành sau khi nạn nhân tử vong nên không xếp loại vào tổn thương cơ thể.

-Tổn hại sức khỏe tại thời điểm giám định là 06% (sáu phần trăm).

-Cơ chế chấn thương: Chấn thương trực tiếp.

-Vật gây thương tích:

+Thương tích xây xước tại hai cổ tay: Tổn thương do bị cọ sát trên bề mặt da với vật cứng có cạnh.

+Thương tích rách da tại tai trái: Vật cứng có cạnh sắc.

+Các vết bầm tím: Vật cứng tày.

Bản án số 51/2017/HSST Ngày 29/09/2017 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Lào Cai đã quyết định:

1. Tuyên bố bị cáo Giàng A N và Tẩn A K phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật”.

Áp dụng khoản 3 Điều 123; điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 20, 53 Bộ Luật Hình sự:

-Xử phạt bị cáo Giàng A N 05 (Năm) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 10/03/2017.

-Xử phạt bị cáo Tẩn A K 04 (bốn) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 10/03/2017.

2. về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 584, 591 Bộ Luật Dân sự:

-Buộc các bị cáo Giàng A N, Tẩn A K phải liên đới bồi thường tiền tổn thất về tinh thần cho ông Lý Sài V, cháu Tẩn Tả M, Tẩn Lở M, Tẩn San M, Tẩn Láo Tảlà 80.000.000đ.

Phần cụ thể: Ông Lý Sài V 16.000.000đ, cháu Tẩn Tả M 16.000.000đ, Tẩn Lở M 16.000.000đ, Tẩn San M 16.000.000đ, Tẩn Láo Tả16.000.000đ.

Nghĩa vụ bồi thường của bị cáo Giàng A N và Tẩn A K mỗi bị cáo phải bồi thường cho ông Lý Sài V là 8.000.000đ. Bồi thường cho cháu Tẩn Tả M 8.000.000đ, TẩnLởM 8.000.000đ, Tẩn San M 8.000.000đ, Tẩn Láo Tả 8.000.000đ Ngoài ra, bản án còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định.

Ngày 13/10/2017 anh Lý A N kháng cáo đề nghị tăng mức bồi thường về tổn thất tinh thần; chị Tẩn Sử M kháng cáo đề nghị xét xử các bị cáo về tội “Giết người” và tăng mức bồi thường về tổn thất tinh thần .

Tại phiên tòa chị Tẩn Sử M giữ nguyên nội dung kháng cáo; anh Lý A N vắng mặt không có ý kiến gì.

Tại phiên toà Kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án: Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo Giàng A N, Tẩn A K về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” là hoàn toàn đúng người, đúng tội. Tuy nhiên xét thấy tính chất mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo là quá nguy hiểm nên mức án và mức bồi thường Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với 02 bị cáo là quá thấp. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng Điều 248 khoản 2 điểm b và khoản 3 Điều 249 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự sửa một phần bản án sơ thẩm về mức hình phạt tù và phần trách nhiệm dân sự như sau:

Tuyên bố các bị cáo Giàng A N và Tẩn A K phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật”.

Áp dụng khoản 3 Điều 123; điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 20, 53 Bộ luật hình sự:

Xử phạt bị cáo Giàng A N từ 07 (Bảy) năm đến 08 (Tám) năm tù.

Xử phạt bị cáo Tẩn A K mức án từ 06 (Sáu) năm đến 07 (Bảy) năm tù.

về trách nhiệm dân sự:Buộc hai bị cáo phải liên đới bồi thường tổn thất tinh thần cho 05 người ở hàng thừa kế thứ nhất với tổng số tiền là từ 100 đến 130 triệu đồng.

Ý kiến của người bào chữa cho bị cáo Giàng A N và Tẩn A K: Bản án sơ thẩm đã xét xử các bị cáo về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” là đúng người, đúng tội. Các bị cáo là người dân tộc thiểu số, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, các bị cáo chưa có tiền án, tiền sự; sau khi phạm tội các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; mặc dù gia đình của các bị cáo kinh tế rất khó khăn nhưng các bị cáo đã tác động gia đình cố gắng đi vay mượn được một khoản tiền khá lớn để bồi thường toàn bộ số tiền chi phí mai táng cho gia đình người bị hại. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự và giữa nguyên bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, các bị cáo, người bào chữa cho các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo đều khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lời khai nhận tội của các bị cáo tại phiên toà hôm nay là hoàn toàn phù hợp với các lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra và phù hợp với lời khai của người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Do đó đã có đủ cơ sở kết luận: Vào tối ngày 07/03/2017, khi nhìn thấy Tẩn Phù N mặc chiếc áo bông của công an viên thì Giàng A N hỏi Tẩn Phù N là lấy áo ở đâu, N nói N là công an viên và không ai có quyền kiểm tra, từ đó dẫn đến Giàng A N bực tức nên đã nảy sinh ý định rủ Tẩn A K cùng bắt chói N để đưa về trụ sở ủy ban để tra hỏi. Các bị cáo đều thừa nhận đã dùng dây chói và dùng gậy cao su đánh vào 02 đùi của người bị hại nhiều phát.

[2] Xét kháng cáo của chị Tẩn Sử M đề nghị xét xử các bị cáo về tội “Giết người”:

Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Từ những mâu thuẫn rất nhỏ của cá nhân nên Giàng A N và Tẩn A K đã bất chấp coi thường pháp luật đã dùng gậy cao su đánh nhiều nhát vào người của Tẩn Phù N, đồng thời còn dùng dây trói hai tay Tẩn Phù N đưa về giữ tại phòng trực của Công an xã N. Tại đây Giàng A N và Tẩn A K tiếp tục dùng gậy cao su đánh Tẩn Phù N và trong khi Nhè đang ngủ thì nghe thấy N kêu rên thì Nhè lại lôi N ra nằm ở ngoài hè cho tới khi Nhè dậy đi lấy nước uống thì thấy N kêu khát và xin uống nước thì Nhè đã cho N uống nước, trong lúc Nhè cho N uống nước thì Nhè thấy N rất yếu, bị ho và sặc nhưng Nhè vẫn bỏ mặc N ở ngoài rồi Nhè lại tiếp tục đóng cửa đi ngủ tiếp trong khi đó ở ngoài trời thời tiết rất lạnh và hậu quả Tẩn Phù N đã bị tử vong.

Quá trình cơ quan điều tra lấy lời khai thì các bị cáo đều khai: Các bị cáo chỉ đánh vào 02 đùi của người bị hại. Mục đích đánh là để Tẩn Phù N khai là công an viên ở đâu, chứ các bị cáo không nhằm mục đích gây thương tích hoặc có ý định giết chết Tẩn Phù N.

Căn cứ vào kết quả giám định xét thấy, việc Giàng A N và Tẩn A K dùng gậy cao su đánh Tẩn Phù N nhiều nhát nhưng do các vết thương đều trúng vào phần mềm nên không để lại di chứng do đó không xếp loại mức tổn hại cơ thể. Căn cứ vào lời khai của các bị cáo, kết quả giám định và các chứng cứ khác đã có trong hồ sơ, xét thấy không đủ yếu tố cấu thànhtội “Cố ý gây thương tích” nên quá trình điều tra cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện B đã thay đổi tội danh đối với Giàng A N và Tẩn A K từ tội “Cố ý gây thương tích” sang tội “Bắt giữ người trái pháp luật”. Mặc dù nguyên nhân trực tiếp khiến Tẩn Phù N bị tử vong không phải là do Giàng A N và Tẩn A K đánh chết, nhưng xét thấy Giàng A N và Tẩn A K vẫn phải chịu trách nhiệm đối với cái chết của Tẩn Phù N do hành vi bắt giữ người trái pháp luật của Giàng A N và Tẩn A K gây nên. Do đó Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo về tội: “Bắt giữ người trái pháp luật” theo tình tiết định khung tăng nặng “gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 điều 123 Bộ luật hình sựlà hoàn toàn đúng pháp luật.

[3] Đối với kháng cáo của chị Tẩn Sử M đề nghị tăng mức hình phạt tù đối với các bị cáo:

Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng vai trò và hành vi của từng bị cáo. Tuy nhiên, xét thấy hành vi của các bị cáo là rất nguy hiểm: Bị cáo Giàng A N là công an viên của xã còn bị cáo Tẩn A K là bí thư chi đoàn của thôn, các bị cáo đều có trình độ văn hóa nên các bị cáo đều là người có hiểu biết về pháp luật. Tuy nhiên các bị cáo vẫn coi thường pháp luật, bị cáo Nhè đã rủ rê Tẩn A K cùng với bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Các bị cáo đã dùng gậy cao su đánh người bị hại và bắt trói đưa về trụ sở Ủy ban nhân dân xã và tiếp tục dùng gậy cao su đánh người bị hại rất nhiều phát, sau khi bị hại chết thì Nhè còn lôi xác N đi dấu rồi rủ Khé cùng bị cáo mang xác của bị hại đi vứt xuống sông để phi tang. Hành vi của các bị cáo mang tính chất mất hết nhân tính con người. Do vậy, mức án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Nhè 05 năm tù và bị cáo Khé 04 năm tù là quá nhẹ. Do vậy kháng cáo của chị Tẩn Sử M đề nghị tăng mức hình phạt đối với các bị cáo là có căn cứ cần được chấp nhận.

[4] Đối với kháng cáo của chị Tẩn Sử M, anh Lý A N đề nghị tăng mức bồi thường về tổn thất tinh thần. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:

Tòa án cấp sơ thẩm buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường tiền tổn thất tinh thần cho 05 người ở hàng thừa kế thứ nhất là 80 triệu là thấp. Do vậy kháng cáo về phần tăng mức bồi thường là có căn cứ cần được chấp nhận tăng mức bồi thường tổn thất tinh thần cho 05 người với tổng số tiền là 100 triệu, phần cụ thể mỗi người được bồi thường là 20 triệu.

Đối với các quyết định khác của bản án sơ thẩm về xử lý vật chứng; án phí hình sự sơ thẩm và án phí cấp dưỡng không có kháng cáo, kháng nghị nên đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc các bị cáo liên đới bồi thường nhưng lại không áp dụng Điều 587 Bộ luật dân sự là thiếu nên cần bổ sung.

về án phí: Người đại diện theo ủy quyền của người đại diện hợp pháp của người bị hại, người đại diện theo pháp luật của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không phải chịu tiền án phí phúc thẩm. Bị cáo phải chịu mức án phí dân sự theo mức bồi thường đã tăng lên.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 248 khoản 2 điểm b và khoản 3 Điều 249 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

1. Chấp nhận một phần kháng cáo của chị Tẩn Sử M về tăng hình phạt tù, không chấp nhận một phần kháng cáo về thay đổi tội danh đối với các bị cáo. Chấp nhận kháng cáo của chị Tẩn Sử M và anh Lý A N về phần bồi thường tổn thất về tinh thần. Sửa bản án số 51/2017/HSST ngày 29/09/2017 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Lào Cai như sau:

Tuyên bố các bị cáo Giàng A N và Tẩn A K phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật”.

Áp dụng khoản 3 Điều 123; điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 20, 53 Bộ luật Hình sự:

-Xử phạt bị cáo Giàng A N 07 (bảy) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 10/03/2017.

-Xử phạt bị cáo Tẩn A K 05 (năm) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 10/03/2017.

về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 584, 587, 591 Bộ luật Dân sự:

-Buộc các bị cáo Giàng A N, Tẩn A K phải liên đới bồi thường tiền tổn thất về tinh thần cho ông Lý Sài V, cháu Tẩn Tả M, Tẩn Lở M, Tẩn San M, Tẩn Láo Tảtổng số tiền là 100.000.000đ (Một trăm triệu đồng).

Phần cụ thể: Ông Lý Sài V 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng), cháu Tẩn Tả M 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng),Tẩn Lở M 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng),Tẩn San M 20.000.000đ (Haimươitriệu đồng), Tẩn Láo Tả 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng).

Nghĩa vụ bồi thường của bị cáo Giàng A N và Tẩn A K mỗi bị cáo phải bồi thường cho ông Lý Sài V là 10.000.000đ (Mười triệu đồng). Bồi thường cho cháu Tẩn Tả M 10.000.000đ (Mười triệu đồng), Tẩn Lở M 10.000.000đ (Mười triệu đồng), Tẩn SanM10.000.000đ (Mười triệu đồng), Tẩn Láo Tả 10.000.000đ (Mười triệu đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được Thi hành án có đơn yêu cầu Thi hành án cho đến khi thi hành xong các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án phải chịu khoản tiền lãi của số tiền chậm Thi hành án tương ứng với thời gian chậm thi hành án theo quy định tại Điều 357 Bộ luật dân sự.

2. về án phí: Áp dụng Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

-Buộc bị cáo Giàng A N và Tẩn A K mỗi bị cáo phải chịu 2.500.000đ (Hai triệu năm trăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm về xử lý vật chứng, án phí hình sự sơ thẩm và án phí cấp dưỡng không có kháng cáo, kháng nghị nên đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

952
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 32/2017/HSPT ngày 27/11/2017 về tội bắt giữ người trái pháp luật

Số hiệu:32/2017/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lào Cai
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 27/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;