Bản án 316/2019/HSPT ngày 24/10/2019 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK 

BẢN ÁN 316/2019/HSPT NGÀY 24/10/2019 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN 

Ngày 24 tháng 10 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 322/2019/TLPT-HS, ngày 30/9/2019, đối với bị cáo Dương Trung H và 01 bị cáo khác về tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 18/2019/HS-ST ngày 23/08/2019 của Tòa án nhân dân huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk.

Các bị cáo có kháng cáo:

1. Dương Trung H, sinh năm 1990 tại tỉnh Lạng Sơn; Nơi cư trú: Thôn T, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 02/12; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; dân tộc: Dao; quốc tịch: Việt Nam; con ông Dương Nho L, sinh năm 1959 và bà Lý Thị H1, sinh năm 1954 (đã chết); bị cáo có vợ là Giàng Thị C, sinh năm 1987 và có 02 con (con lớn sinh năm 2004, con nhỏ sinh năm 2007); tiền án, tiền sự: Không có; bị cáo hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa.

2. Dương Kim S, sinh năm 1981 tại tỉnh Lạng Sơn; Nơi cư trú: Thôn T, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 02/12; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; dân tộc: Dao; quốc tịch: Việt Nam; con ông Dương Trung V, sinh năm 1963 và bà Đặng Thị M, sinh năm 1959; bị cáo có vợ là Triệu Thị P, sinh năm 1984 và có 04 con (con lớn nhất sinh năm 2000, con nhỏ nhất sinh năm 2006); tiền án, tiền sự: Không có; bị cáo hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho bị cáo Dương Trung H: Ông Trần Trung H2 - Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đắk Lắk. Có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Dương Kim S: Bà Nguyễn Thị X - Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đắk Lắk. Có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Hoàng Văn T; nơi cư trú: Thôn 1, xã C2, huyện M, tỉnh Đắk Lắk. Có mặt.

- Người làm chứng: Triệu Văn K; nơi cư trú: Thôn T, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk. Có mặt.

Ngoài ra trong vụ án còn có bị cáo Triệu Văn K nhưng không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Hoàng Văn T có nhu cầu mua gỗ về làm nhà, nên ngày 12/02/2019 T gọi điện thoại cho Dương Trung H đặt vấn đề mua T 5m3 loại gỗ Sến đỏ và gỗ Xương gà (Bứa núi) với giá 3.000.000 đồng/m3 thì H đồng ý. H gọi điện thoại cho Dương Kim S, Triệu Văn K cùng đi khai thác gỗ về bán cho T. Cả ba chuẩn bị cho mình mỗi người 01 cưa lốc và 01 xe công nông độ chế sau đó mỗi người tự thuê người để đi theo phụ xe, kéo cáp và vận chuyển gỗ cho riêng xe của mình, cụ thể: H thuê Đặng Văn H3 và Dương Trung T2; S thuê Triệu Văn H4 (sinh năm 1985), Dương Kim Q và Triệu Văn H4 (sinh năm 1996); K thuê Dương Kim P2 và một đối tượng tên T1 (chưa xác định được nhân thân, lai lịch). H, S và K trả tiền công kéo cáp, móc cây tời gỗ lên xe là 250.000 đồng/người/ngày và trả tiền công cho người điều khiển xe vận chuyển gỗ là 400.000 đồng/người/ngày. Từ ngày 13/02/2019 đến ngày 19/02/2019, tất cả 10 đối tượng nêu trên đã đến rừng sản xuất là rừng tự nhiên thuộc Lô 38, khoảnh 8 và lô 05, khoảnh 09, tiểu khu 824 thuộc địa phận thôn S, xã C, huyện M để khai thác gỗ trái phép. Trước khi đi thì H đến nhà Lê Duy D mượn số tiền 5.000.000 đồng để mua đồ ăn, vật dụng phục vụ cho việc khai thác gỗ.

Cách thức thực hiện như sau: Do S và K không dám hạ cây, nên H dùng cưa lốc cắt hạ cây còn S, K cắt thành từng lóng rồi cưa xẻ thành hộp, sau đó xe của nhóm nào thì nhóm đó tự vận chuyển được bao nhiêu thì hưởng; cụ thể H đã cắt hạ được 10 cây (gồm: 03 cây Sến đỏ và 07 cây gỗ Bứa núi) rồi xẻ thành 26 hộp gỗ. Sau đó xe người nào thì người đó cùng với người mình thuê tự bốc lên xe của người đó và vận chuyển đến tập kết tại đường dân sinh thuộc địa phận thôn S, xã C. Khi tập kết gỗ xong, H gọi điện thoại cho T yêu cầu đến đo gỗ để thanh toán tiền cho H nhưng do T đang bận việc nên chưa đến được. Đến ngày 20/02/2019, Công an huyện M’Đrắk đã phối hợp với Công an xã C và công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M phát hiện nên đã tạm giữ toàn bộ số gỗ nêu trên.

Ngày 21/02/2019 sau khi biết số gỗ trên đã bị Công an phát hiện và tạm giữ, H đến nhà Lê Duy D gặp T (T là nhân viên bán hàng thuê cho D) để yêu cầu thanh toán tiền đối với số gỗ đã làm cho T thì T trả cho H 15.000.000 đồng như đã thoả thuận ban đầu, ngoài ra H còn mượn thêm của T 17.000.000 đồng để trả tiền công cho những người đi làm và trang trải cho cuộc sống gia đình. Sau khi T đưa số tiền 32.000.000 đồng cho H thì S cũng đến nhà D gặp H và T để lấy tiền, tại đây H đã đưa cho S số tiền 16.000.000 đồng.

Vt chứng được thu giữ trong vụ án gồm:

- 26 hộp gỗ xẻ nhóm IV và nhóm VI có tổng khối lượng: 13,767m3 (quy tròn: 22,027 m3); 01 xe công nông độ chế đã cũ đầu máy loại Tiger 30; 01 xe công nông độ chế đã cũ đầu máy loại Tiger 33; 01 xe công nông độ chế đã cũ đầu máy loại Giang Đông 30; 01 máy cưa lốc đã cũ nhãn hiệu STIHL MS 381, số máy PA6/GF30; 01 máy cưa lốc đã cũ, nhãn hiệu STIHL MS 381, số máy PA6/GF30-1; 01 máy cưa lốc đã cũ, nhãn hiệu STIHL MS 660; 01 dao phát đã cũ của Dương Trung H; 01 dao phát đã cũ của Triệu Văn K; 01 điện thoại di động nhãn hiệu Vell-com của Dương Trung H; 01 điện thoại di động nhãn hiệu Nokia của Triệu Văn K; 01 điện thoại di động nhãn hiệu ZONO F1 của Dương Kim S;

- 01 điện thoại di động nhãn hiệu “LV Mobile” của Dương Kim P2; 01 điện thoại di động nhãn hiệu “SONAS A2” của Dương Trung T2; 01 điện thoại di động nhãn hiệu Nokia của Hoàng Văn T; 01 điện thoại di động nhãn hiệu Viettel của Triệu Văn H4, sinh năm 1985; 01 điện thoại di động nhãn hiệu Nokia của Triệu Văn H4, sinh năm 1996; Số tiền mặt: 500.000 đồng của Dương Kim P2; Số tiền mặt: 500.000 đồng của Triệu Văn H4, sinh năm 1996.

Tại các bản kết luận giám định ngày 01/3/2019 của Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk thì 26 hộp gỗ có tổng khối lượng là 13,767m3 (quy tròn: 22,027m3) là gỗ thực vật thông thường nhóm IV và nhóm VI.

Tại bản kết luận định giá tài sản số 23/KL-HĐĐG ngày 30/5/2019 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện M kết luận: 13,767m3 gỗ (quy tròn: 22,027m3) có giá 56.583.000 đồng.

Trong vụ án này, đối với hành vi của anh Hoàng Văn T là người đặt mua của Dương Trung H 05m3 (quy tròn là 08m3), loại gỗ Sến đỏ, Bứa núi (Xương gà), là loại gỗ thông thường thuộc nhóm IV và nhóm V. Bản thân Hoàng Văn T chưa nhận được số gỗ trên từ H nhưng đã thừa nhận về hành vi của mình đồng thời đã trả cho H 15.000.000 đồng tiền đặt mua số gỗ này. Tuy nhiên khối lượng gỗ mà T đặt mua của H là dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự, nên Cơ quan điều tra đã tách hành vi của Hoàng Văn T ra để xử lý hành chính đối với T.

Đi với hành vi của các đối tượng Đặng Văn H3, Dương Trung T2, Dương Kim P2, Triệu Văn H4, Triệu Văn H4 và Dương Kim Q, là nhưng người được các bị cáo thuê đi vận chuyển gỗ. Tuy nhiên quá trình đi làm thuê thì những người này chỉ ý thức giúp sức cho người đã thuê mình đi làm và không tham gia giúp đỡ, bốc gỗ lên các xe khác, nên chỉ phải chịu hậu quả về việc giúp sức cho người đã thuê và không phải chịu trách nhiệm chung đối với tổng số 26 hộp gỗ đã bị thu giữ; đồng thời quá trình điều tra không xác định được khối lượng gỗ của từng xe vận chuyển là bao nhiêu, nên Cơ quan điều tra đã tách hồ sơ và chuyển cơ quan có thẩm quyền để xử phạt vi phạm hành chính các đối tượng này.

Ti Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2019/HS-ST, ngày 23/8/2019 của Tòa án nhân dân huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

Tuyên bố các bị cáo Dương Trung H, Dương Kim S và Triệu Văn K phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

- Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 232; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 và điểm o khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Dương Trung H 02 (Hai) năm 03 (Ba) tháng tù, thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

- Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 232; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Dương Kim S 02 (Hai) năm tù, thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về hình phạt đối với bị cáo Triệu Văn K, trách nhiệm dân sự, các biện pháp tư pháp khác và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 30/8/2019 các bị cáo Dương Trung H, Dương Kim S có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo.

Ngày 16/9/2019, bị cáo Dương Trung H có đơn trình bày việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” với vai trò là cầm đầu, chủ mưu và áp dụng tình tiết tăng nặng là “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” theo điểm o khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự là oan cho bị cáo và hình phạt dành cho bị cáo là quá nặng.

Tại phiên toà phúc thẩm, các bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo và khai nhận toàn bộ hành vi mà các bị cáo thực hiện đúng như nội dung vụ án đã được tóm tắt nêu trên.

Quá trình tranh luận tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đã đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo và cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên xử các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự là có căn cứ và đúng người, đúng tội. Đối với bị cáo Dương Trung H là người khởi xướng, rủ rê các bị cáo khác tham gia phạm tội, đồng thời bị cáo là người thực hành tích cực, trực tiếp chặt hạ cây để xẻ gỗ, vai trò của bị cáo là cao nhất trong vụ án, nên mức hình phạt 02 năm 03 tháng tù mà bản án sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo Dương Trung H là thỏa đáng và tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nên kháng cáo của bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo là không có cơ sở chấp nhận. Đối với bị cáo Dương Kim S, mức hình phạt 02 năm tù đối với bị là tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo. Tuy nhiên bị cáo phạm tội với vai trò hạn chế, đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo là người dân tộc thiểu số và học vấn thấp, mới học đến lớp 02/12, nên khả năng nhận thực có phần còn hạn chế; sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo đã tự nguyện nộp số tiền thu lợi bất chính; tịch thu 1/2 trị giá chiếc xe công nông độ chế và cưa lốc đã cũ là 9.500.000 đồng (Tiền thu lợi bất chính: 3.575.000 đồng; ½ trị giá chiếc xe công nông độ chế và 01 cưa lốc đã cũ: 5.925.000 đồng) theo như bản án sơ thẩm tuyên truy thu. Xét thấy, bị cáo S có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt và có nơi cư trú rõ ràng và hiện nay hoàn cảnh gia đình bị cáo rất kháo khăn, bị cáo là lao động chính trong gia đình, nên không cần thết phải cách ly bị cáo với xã hội mà cho bị cáo được hưởng án treo là phù hợp. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử:

n cứ điểm a, điểm b khoản 1 Điều 355; Điều 356; điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Không chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Dương Trung H, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt đối với bị cáo Dương Trung H; áp dụng: Điểm b khoản 2 Điều 232; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 và điểm o khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Dương Trung H 02 năm 03 tháng tù.

Chp nhận kháng cáo của bị cáo Dương Kim S, sửa bản án sơ thẩm về biện pháp chấp hành hình phạt đối với bị cáo Dương Kim S; áp dụng điểm b khoản 2 Điều 232; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Dương Kim S 02 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

- Người bào chữa cho bị cáo Dương Trung H trình bày ý kiến bào chữa cho bị cáo: Việc cấp sơ thẩm truy tố và xét xử bị cáo Dương Trung H về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” là đúng, nhưng nhận định bị cáo là người khởi xương, chủ mưu là không đúng, vì ông Hoàng Văn T là người đặt vấn đề nói bị cáo đi khai thác gỗ và ông T sẽ mua, đồng thời bị cáo không lôi kéo, rủ rê bị cáo Triệu Văn K mà do K xin đi, nên bản án sơ thẩm áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” theo điểm o khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự là oan cho bị cáo. Bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; là người dân tộc thiểu số, học vấn thấp và lạc hậu nên khả năng nhận thức hạn chế, bị cáo phạm tội lần đầu và có nhân thân tốt và hiện nay hoàn cảnh gia đình bị cáo rất khó khăn. Mức hình phạt mà bản án sơ thẩm xử phạt bị cáo là quá nặng nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.

- Người bào chữa cho bị cáo Dương Kim S trình bày ý kiến bào chữa cho bị cáo: Không có ý kiến gì về tội danh mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo, tuy nhiên bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ là đã thành khẩn khai báo, tỏ rõ sự ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; bị cáo là người dân tộc thiểu số, trình độ học vấn thấp nên nhân thức về pháp luật còn hạn chế; sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo đã tự nguyện nộp số tiền thu lợi bất chính theo bản án sơ thẩm đã tuyên truy thu, đây là tình tiết giảm nhẹ mới tại cấp phúc thẩm. Bản thân bị cáo phạm tội lần đầu và mức độ tham gia hạn chế, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ và có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, hiện nay gia đình bị cáo rất khó khăn, bị cáo là lao động chính trong gia đình. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng án treo, để bị cáo có điều kiện chăm lo cho gia đình và con nhỏ.

Các bị cáo đồng ý với ý kiến bào chữa của người bào chữa đã trình bày và không tranh luận, bào chữa gì thêm.

Qua tranh luận, đối đáp, đại diện Viện kiểm sát, người bào chữa cho các bị cáo và các bị cáo đều giữ nguyên ý kiến như đã trình bày trên. Các bị cáo nói lời sau cùng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho các bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Lời khai của các bị cáo Dương Trung H và Dương Kim S tại phiên tòa phúc thẩm là phù hợp với lời khai của các bị cáo tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với lời khai của người làm chứng và phù hợp với các chứng cứ, tài liệu khác đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ cơ sở kết luận: Từ ngày 13/02/2019 đến ngày 19/02/2019 các bị cáo Dương Trung H, Dương Kim S và Triệu Văn K đã cùng nhau khai thác trái phép 10 cây gỗ loại Sến đỏ và Bứa núi tại Lô 38, khoảnh 8 và Lô 05, khoảnh 9, tiểu khu 824 thuộc địa phận thôn S, xã C, huyện M, là khu vực rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Sau đó xẻ thành 26 hộp gỗ (trong đó có 08 hộp gỗ Sến đỏ nhóm IV thông thường, khối lượng 3,570m3 và 18 hộp gỗ Bứa núi nhóm VI loại gỗ thông thường, khối lượng 10,197m3). Tổng khối lượng là 13,767m3 (quy tròn là: 22,027m3). Do đó, bản án sơ thẩm đã xét xử các bị cáo về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm b khoản 2 Điều 232 của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, là có căn cứ và đảm bảo đúng người, đúng tội.

[2] Xét kháng cáo của các bị cáo Dương Trung H và Dương Kim S, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[2.1] Đối với kháng cáo và trình bày của bị cáo Dương Trung H, xét thấy:

Bị cáo trình bày cho rằng anh Hoàng Văn T là người chủ động liên hệ với bị cáo và nhờ bị cáo đi khai thác gỗ cho anh T, nếu đi cưa được bao nhiêu thì anh T sẽ cho người vào bãi tập kết, đo gỗ và trả tiền cho bị cáo là không có căn cứ, bởi lẽ: Tại phiên tòa sơ thẩm được xét xử công khai, bị cáo đã trình bày: “anh T nói cần mua 5m3 gỗ Sến đỏ và gỗ Xương gà (Bứa núi) với giá 3.000.000đồng/m3và bị cáo đã đồng ý với lời đề nghị đó (BL 500); khi được hỏi: “Tại sao T chỉ mua 5m3 gỗ mà các bị cáo khai thác nhiều vậy?, bị cáo đã khai nhận: “Tiện thể chúng tôi khai thác luôn để ai mua thì bán” (BL 501) và khi được hỏi: “Tại quá trình điều tra bị cáo khai T nói bị cáo khai thác được bao nhiêu thì T mua bấy nhiêu và sau khi gỗ bị thu giữ thì T ước tính số gỗ bị thu giữ là 12m3 và trả tiền cho bị cáo tương ứng số tiền là 36.000.000 đồng nhưng sau đó bị cáo lại thay đổi lời khai?, bị cáo khai nhận: “do trước đây tôi nghĩ là chỉ bị xử phạt hành chính mà T đã hứa là nếu bị kiểm lâm hay công an bắt thì T sẽ lo nên tôi khai như vậy để T chịu cho chúng tôi nhưng sau khi biết mình cùng K và S bị khởi tố thì tôi thấy khai như vậy thì T cũng sẽ bị khởi tố, như vậy sẽ oan cho T vì ban đầu T chỉ đặt mua 5m3 g. Vì vậy tôi thay đổi lời khai cho đúng với sự thật” (BL 501), lời khai này phù hợp với lời khai ngày 08/4/2019 tại cơ quan điều tra (BL 200). Đối với số tiền 32 triệu bị cáo đã nhận từ T, bị cáo khai: “T trả cho tôi số tiền T đặt mua 5m3 gỗ là 15.000.000 đồng, sau đó tôi mượn T thêm 17.000.000 đồng”. Lời khai này cũng phù hợp với lời khai của anh T tại phiên tòa sơ thẩm. (BL 501, 507).

Như vậy, quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, lời khai của bị cáo là hoàn toàn tự nguyện, không bị ép cung, mớm cung. Lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các bị cáo khác, đồng thời quá trình lấy lời khai cơ quan điều tra huyện M’Đrắk đều có người chứng kiến hoặc có sự tham gia của người bào chữa là trợ giúp viên pháp lý. Do đó việc bị cáo thay đổi lời khai, cho rằng bị cáo mình bị oan vì không phải là người cầm đầu, rủ rê các bị cáo khác tham gia khai thác gỗ trái phép là không có căn cứ để chấp nhận.

Đi với việc bị cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” theo điểm o khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự là oan và dẫn đến áp dụng hình phạt dành cho bị cáo là quá nặng, Hội đồng xét xử nhận thấy: Bị cáo là người gặp gỡ, thỏa thuận giá cả, nhận tiền và giao dịch với anh T, sau đó chính bị cáo trực tiếp gặp gỡ, truyền đạt lại thông tin có người đặt mua gỗ cho K và S, nếu đi thì cùng đi. Đồng thời, tại bút lục số 202 (lời khai ngày 23.4.2019, phù hợp với lời khai tại phiên tòa sơ thẩm), bị cáo nói dối với K và S là anh D người mua gỗ chứ không phải T vì T là lính của D, hơn nữa D là chủ đại lý lớn ở khu vực này, cũng được coi là giàu nhất khu vực nên nếu nói D thuê đi làm thì sẽ có uy tín hơn và sẽ dễ dàng lấy được tiền hơn ….Như vậy, hành vi của bị cáo dùng lời nói, đưa ra những thông tin nhằm tác động lên ý chí của các bị cáo S, K để họ cùng tham gia thực hiện hành vi phạm tội cùng bị cáo. Mọi hoạt động giao dịch, thỏa thuận, gặp gỡ anh T hay anh D đều thông qua một mình bị cáo. Tại thời điểm phạm tội bị cáo Triệu Văn K là người chưa thành niên. Do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” theo điểm o khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự đối với bị cáo là có căn cứ và đúng pháp luật.

Xét thấy, bị cáo là người khởi xướng và rủ rê các bị cáo S và K tham gia phạm tội, đồng thời bị cáo là người thực hành tích cực, trực tiếp chặt hạ các cây gỗ để các bị cáo xẻ thành gỗ hộp; tính chất và vai trò, mức độ tham gia của bị cáo H trong vụ án là nguy hiểm và cao nhất. Do đó bản án sơ thẩm xử phạt bị cáo mức hình phạt 02 năm 03 tháng tù là thỏa đáng và tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo; khi quyết định hình phạt, cấp sơ thẩm cũng đã xem xét, áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm mà bị cáo được hưởng, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo cũng không cung cấp được thêm tình tiết giảm nhẹ nào mới, nên kháng cáo của bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo là không có căn cứ chấp nhận, mà cần giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt đối với bị cáo là phù hợp.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo H lại khai “T bảo H khai thác được bao nhiêu gỗ T mua hết”, song căn cứ vào các lời khai của bị cáo H tại cơ quan Điều tra Công an huyện M’Đrăk cũng như tại phiên tòa sơ thẩm không có căn cứ để khởỉ tố Hoàng Văn T về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Hành vi của T đặt mua 5m3 gỗ loại sến đỏ và gỗ xương gà chưa đủ số lượng truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng đã bị xử phạt hành chính. Do đó, lời khai nại của bị cáo H không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[2.2] Đối với kháng cáo của các bị cáo Dương Kim S, xét thấy: Mức hình phạt 02 năm tù mà bản án sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo Dương Kim S là thỏa đáng và tương xứng với tính chất, mức độ và vai trò tham gia của bị cáo trong vụ án. Tuy nhiên, quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, tỏ rõ sự ăn năn hối cải; bị cáo là người dân tộc thiểu số, có trình độ học vấn thấp (mới chỉ học lớp 02/12) nên khả năng nhận thức pháp luật còn hạn chế; tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đã cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ mới là bị cáo đã nộp số tiền truy thu khoản thu lợi bất chính theo quyết định của bản án sơ thẩm. Xét thấy, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự, bị cáo có nhân thân tốt và có nơi cư trú rõ ràng, điều kiện hoàn cảnh gia đình hiện nay rất khó khăn và bị cáo là lao động chính trong gia đình, nên không cần thiết phải cách ly các bị cáo với xã hội mà cho bị cáo được hưởng án treo, để bị cáo tự cải tạo ngoài xã hội, dưới sự theo dõi, giám sát, giáo dục của chính quyền địa phương và gia đình là phù hợp, như vậy cũng đảm bảo việc cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành công dân tốt. Do đó cần chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Dương Kim S, sửa bản án sơ thẩm về biện pháp chấp hành hình phạt đối với bị cáo S.

[3] Về án phí: Tuy không được chấp nhận kháng cáo nhưng bị cáo Dương Trung H không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm, do bị cáo là người dân tộc thiểu số sống vùng sâu, vùng xa ở xã có điều kiện kinh tế khó khăn. Đối với bị cáo Dương Kim S được chấp nhận đơn kháng cáo nên bị cáo S không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên Hội đồng xét xử không xem xét và đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: Điểm a, điểm b khoản 1 Điều 355; Điều 356; điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự.

[1.1] Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Dương Trung H, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số: 18/2019/HS-ST, ngày 23/8/2019 của Tòa án nhân dân huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk về phần hình phạt đối với bị cáo Dương Trung H.

Áp dụng: Điểm b khoản 2 Điều 232; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 và điểm o khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Xử phạt: Bị cáo Dương Trung H 02 (Hai) năm 03 (Ba) tháng tù, về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

[1.2] Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Dương Kim S, sửa Bản án hình sự sơ thẩm số: 18/2019/HS-ST, ngày 23/8/2019 của Tòa án nhân dân huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk về biện pháp chấp hành hình phạt đối với bị cáo Dương Kim S.

Áp dụng: Điểm b khoản 2 Điều 232; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Xử phạt: Bị cáo Dương Kim S 02 (Hai) năm tù, về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 (Bốn) năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao bị cáo Dương Kim S cho Ủy ban nhân dân xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk, để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ hai lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.

[2] Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 BLHS, Điều 106 BLTTHS.

Truy thu của bị cáo Dương Kim S số tiền 3.575.000 đồng và tịch thu 1/2 trị giá chiếc xe công nông độ chế và cưa lốc đã cũ là 5.925.000 đồng.

Công nhận bị cáo Dương Kim S đã nộp số tiền 9.500.000 đồng (Tiền thu lợi bất chính: 3.575.000 đồng; ½ trị giá chiếc xe công nông độ chế và 01 cưa lốc đã cũ: 5.925.000 đồng) tại Chi cục thi hành án dân sự huyện M, theo biên lai số: AA/2019/16506 ngày 21/9/2019.

[3] Về án phí hình sự phúc thẩm: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự và điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Bị cáo Dương Trung H, bị cáo Dương Kim S không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

640
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 316/2019/HSPT ngày 24/10/2019 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

Số hiệu:316/2019/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 24/10/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;