TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
BẢN ÁN 31/2022/HS-PT NGÀY 24/11/2022 VỀ TỘI CHO VAY LÃI NẶNG TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ
Ngày 24 tháng 11 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Yên Bái xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 39/2022/TLPT-HS ngày 03- 10-2022 đối với bị cáo Trịnh Công M do có kháng cáo của bị cáo M đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 48/2022/HS-ST ngày 26-8-2022 của Tòa án nhân dân thành phố Y, tỉnh Yên Bái.
- Bị cáo có kháng cáo: Trịnh Công M; tên gọi khác: Không; sinh ngày 11 tháng 11 năm 1984, tại tỉnh Yên Bái; Nơi thường trú: Tổ 13, phường T, thành phố Y, tỉnh Yên Bái; Chỗ ở hiện nay: Tổ dân phố A, phường H, thành phố Y, tỉnh Yên Bái; nghề nghiệp: Công nhân; trình độ học vấn lớp: 10/12; dân tộc: Kinh; Quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; con ông: Trịnh Công Th (đã chết); con bà: Hoàng Thị N, sinh năm 1959; Vợ là Vũ Thanh P (sinh năm 1992) và có 02 con, lớn sinh năm 2013, nhỏ sinh năm 2014; Tiền án, tiền sự: Không. Nhân thân: Ngày 13-01-2004 bị Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái xử phạt 02 năm tù, về tội “Cướp tài sản” ( Bản án số 06/HSST), ngày 28-11-2019 bị Tòa án nhân dân thành phố Y, tỉnh Yên Bái xử phạt 50.000.000 đồng nộp Ngân sách Nhà nước về tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” ( Bản án số 71/2019/HS-ST); Bị cáo bị tạm giam từ ngày 14-5-2022 đến ngày 22-6-2022 được tại ngoại tại tổ dân phố A, phường H, thành phố Y, tỉnh Yên Bái, có mặt.
Ngoài ra, trong vụ án này còn có anh Nguyễn Quốc I và chị Đoàn Phương O là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có kháng cáo, kháng nghị và không liên quan đến việc kháng cáo, Tòa án không triệu tập.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Trong khoảng thời gian từ tháng 6-2021 đến ngày 14-5-2022, Trịnh Công M đã cho nhiều người trên địa bàn thành phố Y vay tiền với lãi suất cao, cụ thể như sau:
* Từ tháng 06-2021 đến ngày 31-01-2022, Trịnh Công M đã nhiều lần cho anh Nguyễn Quốc I vay với tổng số tiền 120.000.000 đồng, không lập hợp đồng vay tiền, mức lãi suất cho vay là 5.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày, mức lãi suất thực tế anh I thanh toán cho M là 150.000đồng/1.000.000 đồng/01 tháng (các khoản vay đều tương đương mức lãi suất 180%/01 năm). Khi cho vay, M trừ luôn tiền lãi tháng đầu tiên của khoản vay, số tiền còn lại M chuyển khoản vào số tài khoản Ngân hàng của anh I. Anh I đã trả được 20.000.000 đồng tiền gốc và 84.000.000 đồng tiền lãi. Số tiền gốc còn nợ M là 100.000.000đồng. Đến ngày 01-3-2022, do không còn có khả năng trả tiền lãi nên M đã thống nhất với anh I là không tính lãi nữa, anh I chỉ phải trả tiền gốc đã vay cho M. Các lần M cho anh I vay cụ thể như sau:
- Lần thứ nhất: Đầu tháng 6-2021, M cho anh I vay 20.000.000 đồng. Ngày 09-8-2021, anh I trả M 20.000.000 đồng tiền gốc. Đã trả hết 03 tháng tiền lãi, mỗi tháng 3.000.000 đồng, tiền lãi thực tế đã trả của khoản vay là 9.000.000 đồng, (thời hạn vay được tính từ ngày 01-6-2021 đến ngày 09-8-2021 là 70 ngày).
Số tiền lãi cao nhất theo quy định của pháp luật cho khoản vay này là: 1,67%/30 ngày x 20.000.000 đồng x 70 ngày = 779.333 đồng, số tiền M đã thu lợi bất chính là: 9.000.000 đồng – 779.333 đồng = 8.220.667 đồng.
- Lần thứ hai: Ngày 02-7-2021, M cho anh I vay 10.000.000 đồng, đến ngày 01-3-2022, anh I đã trả 08 tháng tiền lãi với tổng số tiền là 12.000.000 đồng. (thời hạn vay được tính từ 02-7-2021 đến 01-3-2022 là 243 ngày).
Số tiền lãi cao nhất theo quy định của pháp luật cho khoản vay này là: 1,67%/30 ngày x 10.000.000 đồng x 243 ngày = 1.352.700 đồng, số tiền M đã thu lợi bất chính là: 12.000.000 đồng – 1.352.700 đồng = 10.647.300 đồng.
- Lần thứ ba: Ngày 03-9-2021, M cho anh I vay 10.000.000 đồng, đến ngày 01-3-2022, anh I đã trả 06 tháng tiền lãi với tổng số tiền là 9.000.000 đồng. (thời hạn vay được tính từ 03-9-2021 đến 01-3-2022 là 180 ngày).
Số tiền lãi cao nhất theo quy định của pháp luật cho khoản vay này là: 1,67%/30 ngày x 10.000.000 đồng x 180 ngày = 1.002.000 đồng, số tiền M đã thu lợi bất chính là: 9.000.000 đồng – 1.002.000 đồng = 7.998.000 đồng.
- Lần thứ tư: Vài ngày sau lần thứ ba, cũng trong tháng 9-2021, M cho anh I vay 10.000.000 đồng, đến ngày 01-3-2022, anh I đã trả 06 tháng tiền lãi với tổng số tiền là 9.000.000 đồng. (thời hạn vay được tính từ 04-9-2021 đến 01-3-2022 là 179 ngày).
Số tiền lãi cao nhất theo quy định của pháp luật cho khoản vay này là: 1,67%/30 ngày x 10.000.000 đồng x 179 ngày = 996.433 đồng, số tiền M đã thu lợi bất chính là: 9.000.000 đồng – 996.433 đồng = 8.003.567 đồng.
- Lần thứ năm: Ngày 10-9-2021, M cho anh I vay 10.000.000 đồng, đến ngày 01-3-2022, anh I đã trả 06 tháng tiền lãi với tổng số tiền là 9.000.000 đồng. (thời hạn vay được tính từ 10-9-2021 đến 01-3-2022 là 173 ngày).
Số tiền lãi cao nhất theo quy định của pháp luật cho khoản vay này là: 1,67%/30 ngày x 10.000.000 đồng x 173 ngày = 969.033 đồng, số tiền M đã thu lợi bất chính là: 9.000.000 đồng – 969.033 đồng = 8.036.967 đồng.
- Lần thứ sáu: Ngày 13-9-2021, M cho anh I vay 10.000.000 đồng, đến ngày 01-3-2022, anh I đã trả 06 tháng tiền lãi với tổng số tiền là 9.000.000 đồng. (thời hạn vay được tính từ 13-9-2021 đến 01-3-2022 là 170 ngày).
Số tiền lãi cao nhất theo quy định của pháp luật cho khoản vay này là: 1,67%/30 ngày x 10.000.000 đồng x 170 ngày = 946.333 đồng, số tiền M đã thu lợi bất chính là: 9.000.000 đồng – 946.333 đồng = 8.053.667 đồng.
- Lần thứ bảy: Ngày 11-10-2021, M cho anh I vay tiếp 10.000.000 đồng, đến ngày 01-3-2022, anh I đã trả được 05 tháng tiền lãi với tổng số tiền là 7.500.000 đồng. (thời hạn vay được tính từ 11-10-2021 đến 01-3-2022 là 142 ngày).
Số tiền lãi cao nhất theo quy định của pháp luật cho khoản vay này là: 1,67%/30 ngày x 10.000.000 đồng x 142 ngày = 790.467 đồng, số tiền M đã thu lợi bất chính là: 7.500.000 đồng – 790.467 đồng = 6.709.533 đồng.
- Lần thứ tám: Ngày 14-10-2021, M cho anh I vay 10.000.000 đồng, đến ngày 01-3-2022, anh I đã trả 05 tháng tiền lãi với tổng số tiền 7.500.000 đồng. (thời hạn vay được tính từ 14-10-2021 đến 01-3-2022 là 139 ngày).
Số tiền lãi cao nhất theo quy định của pháp luật cho khoản vay này là: 1,67%/30 x 10.000.000 đồng x 139 ngày = 773.767 đồng, số tiền M đã thu lợi bất chính là: 7.500.000 đồng – 773.767 đồng = 6.726.233 đồng.
- Lần thứ chín: Ngày 13-11-2021, M cho anh I vay 10.000.000 đồng, đến ngày 01-3-2022, anh I đã trả 04 tháng tiền lãi với tổng số tiền 6.000.000 đồng. (thời hạn vay được tính từ 13-11-2022 đến 01-3-2022 là 109 ngày).
Số tiền lãi cao nhất theo quy định của pháp luật cho khoản vay này là: 1,67%/30 ngày x 10.000.000 đồng x 109 ngày = 606.767 đồng, số tiền M đã thu lợi bất chính là: 6.000.000 đồng – 606.767 đồng = 5.393.233 đồng.
- Lần thứ mười: Ngày 31-01-2022, M cho anh I vay 20.000.000 đồng, đến ngày 01-3-2022, anh I đã trả được 02 tháng tiền lãi (tháng 2 và tháng 3/2022) với tổng số tiền 6.000.000 đồng. (thời hạn vay được tính từ 31-01-2022 đến 31-3-2022 là 60 ngày).
Số tiền lãi cao nhất theo quy định của pháp luật cho khoản vay này là: 1,67%/30 ngày x 10.000.000 đồng x 60 ngày = 668.000 đồng, số tiền M đã thu lợi bất chính là: 6.000.000 đồng – 668.000 đồng = 5.332.000 đồng.
Sau ngày 01-3-2022, M và anh I thống nhất không tính lãi nữa mà anh I chỉ phải trả gốc còn đang vay M là 100.000.000 đồng.
Như vậy, tổng số tiền Trịnh Công Mthu lợi bất chính từ việc cho anh Nguyễn Quốc I vay tiền là: 8.220.667 đ + 10.647.300 đ + 7.998.000 đ + 8.003.567 đ + 8.036.967 đ + 8.053.667 đ + 6.709.533 đ + 6.726.233 đ + 5.393.233 đ + 5.332.000 đ = 75.121.167 đồng (làm tròn là 75.121.000đồng).
* Từ ngày 12-01-2022 đến ngày 14-5-2022, Trịnh Công M cho chị Đoàn Phương O vay tiền nhiều lần với lãi suất cao, cụ thể như sau:
- Ngày 12-01-2022, M cho chị O vay 200.000.000 đồng, chưa thống nhất lãi suất, khi nào trả tiền gốc thì sẽ tính lãi.
- Ngày 13-01-2022, M cho chị O vay 50.000.000 đồng nhưng thực tế chỉ đưa 40.000.000 đồng, còn 10.000.000 đồng là M thu trước tiền lãi (lãi suất sẽ tính toán khi trả tiền gốc).
Tổng số tiền chị O vay M là 250.000.000 đồng, thoả thuận vay trong vòng 10 ngày. Đến ngày 17-01-2022, chị O trả M 250.000.000 đồng tiền gốc của 02 khoản vay trên và M thu thêm 12.000.000 đồng tiền lãi.
Tiền lãi của khoản vay 200.000.000 đồng trong 06 ngày (từ ngày 12-01-2022 đến ngày 17-01-2022) chị O đã trả là 12.000.000 đồng. Số tiền lãi cao nhất theo quy định của pháp luật cho khoản vay là: 1,67%/30 ngày x 200.000.000 đồng x 06 ngày = 668.000 đồng, số tiền M thu lợi bất chính là: 12.000.000 đồng – 668.000 đồng = 11.332.000 đồng. Lãi suất của khoản vay này tương ứng là 365% /01 năm.
Tiền lãi của khoản vay 50.000.000 đồng trong 05 ngày (từ ngày 13-01-2022 đến ngày 17-01-2022) chị O đã trả là 10.000.000 đồng. Số tiền lãi cao nhất theo quy định của pháp luật cho khoản vay là: 1,67%/30 ngày x 50.000.000 đồng x 05 ngày = 136.986 đồng. Số tiền M thu lợi bất chính là: 10.000.000 đồng – 136.986 đồng = 9.860.833 đồng. Lãi suất của khoản vay này tương ứng là 1.460% /01 năm.
- Ngày 23-01-2022, M cho chị O vay 200.000.000 đồng. Ngày 27-01-2022, chị O trả cho M 200.000.000 đồng tiền gốc và 4.000.000 đồng tiền lãi (tương đương với mức lãi suất 146%/1 năm). Số tiền lãi cao nhất theo quy định của pháp luật cho khoản vay là: 1,67%/30 ngày x 200.000.000 đồng x 5 ngày = 556.667 đồng. Số tiền M thu lợi bất chính là: 4.000.000 đồng – 556.667 đồng = 3.443.333 đồng.
- Cùng ngày 23-01-2022, M cho chị O vay 70 triệu đồng với lãi suất 10.500.000 đồng/tháng (lãi suất 5.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày). Chị O để chiếc xe môtô nhãn hiêu HONDA SH, biển kiểm soát 21B1- 39889 để làm tin. Chị O trả được 02 tháng tiền lãi (tháng 2/2022 và tháng 3/2022) là 21.000.000 đồng (tương đương mức lãi suất 180%/01 năm), còn lại 70.000.000 đồng tiền gốc đến nay chị O chưa trả cho M.
Số tiền lãi cao nhất theo quy định của pháp luật cho khoản vay là: 1,67%/30 x 70.000.000 đồng x 112 ngày (từ ngày 23-01-2022 đến ngày 14-5-2022) = 4.364.266 đồng. Số tiền M thu lợi bất chính là: 21.000.000 đồng – 4.364.266 đồng = 16.635.734 đồng.
- Ngày 07-02-2022, M cho chị O vay 250.000.000 đồng. Đến ngày 02-4-2022, chị O trả cho M 250.000.000 đồng tiền gốc và 60.000.000 đồng tiền lãi (tương đương mức lãi suất 159%/01 năm). Số tiền lãi cao nhất theo quy định của pháp luật cho khoản vay là: 1,67%/30 ngày x 250.000.000 đồng x 55 ngày = 7.654.167 đồng. Số tiền M thu lợi bất chính là: 60.000.000 đồng – 7.654.167 đồng = 52.345.833 đồng.
Tổng số tiền Trịnh Công M thu lợi bất chính từ việc cho chị Đoàn Phương O vay tiền là: 11.332.000 đ + 9.860.833 đ + 3.443.333 đ +16.635.734 đ + 52.345.833 đ = 93.617.732 đồng (làm tròn là 93.617.000 đồng).
Tại bản án số: 48/2022/HS-ST ngày 26-8-2022 của Tòa án nhân dân thành phố Y, tỉnh Yên Bái đã quyết định:
1. Tuyên bố bị cáo Trịnh Công M phạm tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
2. Về hình phạt:
Áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 201; điểm s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo Trịnh Công M 01 (một) năm tù, được trừ thời gian bị cáo bị tạm giam từ ngày 14-5-2022 đến ngày 22-6-2022, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi thi hành án.
Hình phạt bổ sung: Phạt bị cáo số tiền 70.000.000 (bẩy mươi triệu) đồng để nộp vào Ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ; áp dụng các biện pháp tư pháp, việc chịu án phí sơ thẩm và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 05-9-2022, bị cáo Trịnh Công M có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
Tại phiên toà phúc thẩm:
Bị cáo M thay đổi nội dung kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với bị cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái phát biểu quan điểm giải quyết vụ án được tóm tắt như sau:
Về hình thức: Đon kháng cáo cua bi cáo trong han lu ật đinh và hơp l ệ, nên cần được xem xét theo trình tự phúc thẩm. Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo thay đổi nội dung kháng cáo và việc thay đổi kháng cáo này phù hợp với khoản 1 Điều 342 Bộ luật Tố tụng hình sự nên cần được chấp nhận.
Về nội dung: Tòa án câp so thâm đã đánh giá đúng tính chât , mưc đ ộ, hành vi phạm t ội và nhân thân cua bi cáo , đã xem xét và áp dụng đây đu các tình tiêt tang nặng, giảm nhẹ trách nhi ệm hình sự và xư phat bi cáo v ới mưc án 01 năm tù, phạt tiền 70.000.000 đồng là phù hơp. Tại Toà án cấp phúc thẩm, bị cáo cung cấp bản Xác nhận của Công an thành phố yvề việc bị cáo đã cung cấp thông tin giúp Cơ quan điều tra bắt quả tang một đối tượng mua bán trái phép chất ma tuý; đồng thời giao nộp biên lai thu tiền của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Yên Bái thể hiện việc bị cáo đã nộp 30.000.000 đồng tiền phạt. Điều đó cho thấy ý thức chấp hành án của bị cáo và việc bị cáo lập công chuộc tội là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm u khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự cần được áp dụng thêm cho bị cáo. Vì vậy, kháng cáo của bị cáo là có căn cứ, cần được chấp nhận. Đề nghị H ội đông xét xư áp dung điêm b khoản 1 Điêu 355; điểm đ khoản 1 Điêu 357 Bộ luật Tô tung hình sư : Sửa Bản án hình sư so thâm c ủa Tòa án nhân dân thành phố Y, tỉnh Yên Bái theo hướng chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn cho bị cáo, cụ thể là:
Áp dụng khoản 2 Điều 201; các điểm s, u khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 32; Điều 35 Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo Trịnh Công M từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng về tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Do áp dụng hình phạt chính là phạt tiền nên không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền nữa.
Bị cáo không có ý kiến tranh luận gì với đại diện Viện kiểm sát. Khi nói lời sau cùng, bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét chấp nhận kháng cáo của bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Về tố tụng: Đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Công M trong hạn luật định và hợp lệ. Tại phiên toà phúc thẩm, việc bị cáo thay đổi kháng cáo phù hợp với khoản 1 Điều 342 Bộ luật Tố tụng hình sự nên được Hội đồng xét xử chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2]. Về tội danh: Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp với lời khai của người có quyền lợi liên quan, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nên đã có đủ căn cứ kết luận: Trong khoảng thời gian từ tháng 6/2021 đến ngày 14-5-2022, Trịnh Công M đã có hành vi cho anh Nguyễn Quốc I và chị Đoàn Phương O vay tiền nhiều lần với mức lãi suất tương ứng từ 146%/01 năm đến 1.460 %/01 năm (gấp từ 7,3 đến 73 lần so với mức lãi suất cao nhất theo quy định tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự). Do tổng số tiền thu lời bất chính là 168.738.000 đồng nên việc Tòa nhân dân thành phố Y, tỉnh Yên Bái đã tuyên bố bị cáo M phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo khoản 2 Điều 201 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.
[3]. Xét kháng cáo của bị cáo, Hội đồng xét xử thấy:
Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, đã xem xét nhân thân của bị cáo, đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 02 lần trở lên” theo điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự là chưa phù hợp với khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20-12-2021 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự vì trong các lần phạm tội chỉ có lần phạm tội vào ngày 02-4-2022 bị cáo M thu lợi bất chính trên 30.000.000 đồng. Tuy nhiên, mức án 01 năm tù mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo là phù hợp.
Tại Toà án cấp phúc thẩm, bị cáo đã cung câp bản Xác nhận của Công an thành phố yvề việc bị cáo đã cung cấp thông tin giúp Cơ quan điều tra bắt quả tang một đối tượng mua bán trái phép chất ma tuý và đã giao nộp biên lai thu tiền thể hiện bị cáo đã nộp 30.000.000 đồng tiền phạt. Điều đó cho thấy sự ăn năn, hối cải của bị cáo; đồng thời chứng minh việc bị cáo đã lập công chuộc tội. Đây là tình tiết giảm nhẹ mới quy định tại điểm u khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự cần được áp dụng thêm nên kháng cáo của bị cáo là có căn cứ, cần được chấp nhận. Do bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào, lại có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên cần chuyển hình phạt chính từ hình phạt tù sang hình phạt tiền là hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn theo điểm đ khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự. Do đã áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền nên không áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền nữa theo quy định tại Điều 32 và Điều 35 Bộ luật Hình sự.
[4] Do kháng cáo của bị cáo được Hội đồng xét xử chấp nhận nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
[5]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm đ khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm h khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trịnh Công M, sửa Bản án số: 48/2022/HS- ST ngày 26-8-2022 của Tòa án nhân dân thành phố Y, tỉnh Yên Bái về việc áp dụng pháp luật và phần hình phạt như sau:
Áp dụng khoản 2 Điều 201; các điểm s, u khoản 1 Điều 51; điểm a khoản 1 Điều 35 của Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo Trịnh Công M với số tiền là 250.000.000 (hai trăm năm mươi triệu) đồng về tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Xác nhận bị cáo M đã nộp 30.000.000 đồng tại biên lại thu tiền số: AA/2021/0000193 ngày 08-11-2022 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Yên Bái nên được khấu trừ và còn phải nộp 220.000.000 (hai trăm hai mươi triệu) đồng.
2. Bị cáo Trịnh Công M không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm về việc xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ; áp dụng các biện pháp tư pháp, việc chịu án phí sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 31/2022/HS-PT về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Số hiệu: | 31/2022/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Yên Bái |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 24/11/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về