Bản án 31/2021/DS-PT ngày 14/09/2021 về tranh chấp thừa kế tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

BẢN ÁN 31/2021/DS-PT NGÀY 14/09/2021 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Trong ngày 14/9/2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 19/2021/TLPT-DS ngày 17 tháng 6 năm 2021 về tranh chấp về thừa kế tài sản.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2021/DSST ngày 23/04/2021 của Tòa án nhân dân huyện H bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 50/QĐPT-DS ngày 16/8/2021 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị V, sinh năm 1948 Đại diện theo ủy quyền: Anh Nguyễn Văn T, sinh năm 1971 Cùng địa chỉ: Thôn K, xã D, huyện H, Thái Bình.

Người bảo vệ quyền và lợi ích của nguyên đơn: Ông Vũ Ngọc T2 - Trợ giúp viên pháp lý - Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thái Bình.

- Bị đơn: Anh Nguyễn Hữu C, sinh năm 1996 Địa chỉ: Thôn K, xã D, huyện H, tỉnh Thái Bình.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Nguyễn Thị V1, sinh năm 1952

2. Bà Nguyễn Thị T1, sinh năm 1961

3. Chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1998 Cùng địa chỉ: Thôn K, xã D, huyện H, Thái Bình.

4. Bà Nguyễn Thị C, sinh năm 1964

5. Bà Nguyễn Thị T3, sinh năm 1969 Cùng địa chỉ: Thôn K, xã D, huyện H, Thái Bình.

- Người kháng cáo: Bị đơn - anh Nguyễn Hữu C.

- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình kháng nghị.

(Anh T, ông T2, anh C, chị H có mặt, bà V vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nguyên đơn - bà Nguyễn Thị V trình bày:

Bố mẹ đẻ của bà là cụ Nguyễn Hữu Thốn chết ngày 10/7/1989 và cụ Vũ Thị Tích chết ngày 19/4/2007, không để lại di chúc. Hai cụ sinh được 6 người con gồm: Bà Nguyễn Thị V, bà Nguyễn Thị V1, bà Nguyễn Thị Với, bà Nguyễn Thị T1, bà Nguyễn Thị C, và bà Nguyễn Thị T3. Bà Với không đi lấy chồng, có một con là anh Nguyễn Hữu C. Bà Với chết tháng 9/2020. Di sản của cụ Thốn và cụ Tích là diện tích đất 395,7m2 tại thửa đất số 73, tờ bản đồ số 18, thôn K, xã D, huyện H, tỉnh Thái Bình. Khi còn sống, hai cụ sống trên mảnh đất này cùng bà Với. Sau khi cụ Tích chết khoảng 4-5 năm thì anh C phá nhà của hai cụ, xây nhà mới, xây về một nửa đất. Mỗi khi chị em bà về thắp hương cho bố mẹ thì anh C đóng cửa không cho vào.

Nay bà yêu cầu Tòa án phân chia di sản của cụ Thốn và cụ Tích là 395,7m2 đất nêu trên theo quy định của pháp luật, chia cho bà bằng hiện vật để bà xây dựng nơi thờ cúng bố mẹ. Ngôi nhà cũ của hai cụ, anh C đã phá đi bà không có ý kiến gì. Ngoài ra không còn di sản nào cần chia.

Bị đơn là anh Nguyễn Hữu C trình bày: Ông bà ngoại anh sinh được 6 người con, qua đời và để lại 1 thửa đất như nguyên đơn trình bày là đúng. Toàn bộ diện tích đất này vẫn mang tên bà ngoại anh là cụ Vũ Thị Tích. Khi ông ngoại anh mất thì bà ngoại và mẹ anh cùng ở trên thửa đất này trong ngôi nhà do mẹ anh xây dựng năm 1990. Mẹ anh không đi lấy chồng là do ông bà ngoại giữ ở lại để quản lý mảnh đất và thờ cúng ông bà tổ tiên. Mẹ anh đóng thuế đất và có công tôn tạo, giữ gìn, các bác, các dì không có công sức gì đối với thửa đất này. Đến năm 2018, được sự đồng ý của mẹ anh, anh phá nhà cũ xây nhà mái bằng, diện tích mặt mái khoảng 83m2, xây trên khoảng ½ mảnh đất, phần còn lại anh đổ thêm cát, đất để xây nhà thờ, nhưng anh em anh T ngăn cản không cho xây. Anh vẫn để đất mang tên bà ngoại để anh xây nhà thờ vì khi còn sống bà ngoại anh muốn sau này anh là người thờ cúng ông bà tổ tiên. Năm 1990 và năm 2003, anh T và chị A là con bà V ra đòi ở trên đất này nhưng bà ngoại anh không cho ở. Khi ông bà ngoại ốm đau đều do mẹ anh chăm sóc. Với những công lao của mẹ anh như vậy nên anh không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Anh xác định toàn bộ diện tích đất mặc dù vẫn đứng tên của bà ngoại anh nhưng đã thuộc quyền sử dụng và quản lý của mẹ con anh. Đề nghị Tòa án xem xét công lao của mẹ anh. Nếu theo pháp luật phải phân chia thì anh sẽ thanh toán cho bà V bằng tiền.

Ngưi có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Bà Nguyễn Thị V1, bà Nguyễn Thị T1, bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị T3 đều xác nhận di sản của cụ Thốn và cụ Tích như đã nêu trên. Các bà không có tranh chấp gì, phần di sản được hưởng, các bà tự nguyện chia đều cho nguyên đơn và bị đơn.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là chị Nguyễn Thị H trình bày:

Chị kết hôn với anh C năm 2020, từ đó đến nay chị và anh C không xây dựng thêm công trình hay tài sản nào trên đất. Chị nhất trí với ý kiến của anh C và không có yêu cầu gì khác.

Bản án sơ thẩm số 04/2021/DSST ngày 23/4/2021 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Thái Bình đã quyết định:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Nguyễn Thị V về việc chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Hữu Thốn và cụ Vũ Thị Tích.

2. Xác định diện tích đất 409,9m2 tại thửa đất số 73, tờ bản đồ số 18, thôn K, xã D, huyện H, tỉnh Thái Bình là di sản thừa kế của cụ Nguyễn Hữu Thốn và cụ Vũ Thị Tích có giá trị là 2.049.500.000 đồng.

3. Chia di sản thừa kế như sau:

3.1. Chia cho bà Nguyễn Thị V được quyền sử dụng diện tích đất ở và đất trồng cây lâu năm là 140,4 m2 tại thửa đất số 73, tờ bản đồ số 18, thôn K, xã D, huyện H, tỉnh Thái Bình có trị giá là: 140,4m2 x 5.000.000 đồng/m2 = 702.000.000 đồng. Đất có các chiều đo như sau (có sơ đồ kèm theo): Phía đông giáp đường giao thông có chiều đo dài 0,64m+ 22,88m; Phía tây giáp phần đất chia cho anh C dài 23,25m; Phía nam giáp đất ông Dụ dài 06m; Phía bắc giáp đường giao thông dài 06m.

3.2. Chia cho anh Nguyễn Hữu C được quyền sử dụng diện tích đất ở và đất trồng cây lâu năm là 269,5m2 tại thửa đất số 73, tờ bản đồ số 18, thôn K, xã D, huyện H, tỉnh Thái Bình có trị giá là: 269,5m2 x 5.000.000 đồng/m2 = 1.347.500.000 đồng (trong đó, chia cho anh C phần di sản thừa kế có giá trị là 1.005.917.000 đồng và anh C được hưởng phần công sức giữ gìn, tôn tạo di sản của bà Với là 341.583.000 đồng).

Đất có các chiều đo như sau (có sơ đồ kèm theo): Phía đông giáp đất chia cho bà V dài 23,25m; Phía tây giáp đất anh Doanh dài 13,22m + 9,8m; Phía nam giáp đất ông Dụ dài 4,64m + 6,06m; Phía bắc giáp đường giao thông dài 12,59m.

Anh Nguyễn Hữu C được quyền sở hữu toàn bộ tài sản trên diện tích đất được chia là 269,5m2.

4. Chia giá trị san lấp mặt bằng:

4.1. Chia cho bà V phần san lấp mặt bằng trên diện tích đất được chia là 140,4 m2 . Bà Nguyễn Thị V phải thanh toán giá trị san lấp mặt bằng cho anh C số tiền là 12.453.000 đồng.

4.2. Anh C được hưởng phần san lấp mặt bằng còn lại có giá trị là: 5.953.000 đồng.

5. Trách nhiệm thanh toán: Anh Nguyễn Hữu C phải thanh toán giá trị chênh lệch di sản cho bà V là 151.958.500 đồng. Đối trừ số tiền bà V phải thanh toán giá trị san lấp mặt bằng cho anh C là 12.453.000 đồng. Anh C phải thanh toán giá trị chênh lệch tài sản còn lại cho bà Nguyễn Thị V là 139.505.500 đồng.

Ngoài ra án sơ thẩm còn quyết định về án phí, nghĩa vụ chậm thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

- Ngày 04/5/2021, anh Nguyễn Hữu C có đơn kháng cáo toàn bộ bản án.

- Ngày 17/5/2021 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình ra kháng nghị số 03/QĐKNPT-VKS-DS đề nghị Tòa phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm.

* Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và đề nghị Tòa án phúc thẩm xử y án sơ thẩm.

- Bị đơn - anh C trình bày yêu cầu kháng cáo: Đề nghị Tòa án xác định đất đã cho mẹ anh toàn bộ. Nếu phải chia thì không chia phần di sản của cụ Thốn vì đã hết thời hiệu thừa kế, đề nghị tăng công sức của bà Với trong việc gìn giữ bảo quản khối di sản, đề nghị tính giá đất theo giá đất ở và giá đất vườn khi phân chia, đề nghị Tòa cân đối giữa đất ở và đất vườn trong phần đất giao cho bà V để anh không phải thanh toán tiền chênh lệch vì anh không có tiền. Ngoài ra các phần khác của bản án, anh không có ý kiến gì.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình trình bày về nội dung kháng nghị: Việc án sơ thẩm tính toàn bộ thửa đất với giá đất ở là không đúng; xác định anh C ở hàng thừa kế thứ 2 của cụ Thốn và cụ Tích nhưng lại chia di sản làm 6 phần cho 2 hàng thừa kế, trong khi bà Với không được chia là không đúng. Án sơ thẩm không phân định rõ chia cho bà V, anh C bao nhiêu m2 đất ở và bao nhiêu m2 đất vườn gây khó khăn cho việc đăng ký quyền sử dụng đất.

Các đương sự tranh luận:

Nguyên đơn trình bày: Không có căn cứ cho rằng đất các cụ đã cho bà Với, Thời hiệu khởi kiện chia di sản của cụ Thốn vẫn còn, giữ nguyên công sức của bà Với. Đề nghị Tòa án xem xét giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Bị đơn trình bày: Giữ nguyên quan điểm đã trình bày ở trên.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án:

Về tố tụng: Trong quá trình thụ lý và giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, người tiến hành tố tụng và đương sự đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về nội dung: Sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình xác minh thu thập chứng cứ, các sai sót của bản án sơ thẩm có căn cứ để khắc phục, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự sửa bản án sơ thẩm về việc tính giá đất theo giá đất ở và giá đất vườn để cân đối khi phân chia, phân định rõ loại đất chia cho các đương sự. Các yêu cầu kháng cáo khác của anh C không có căn cứ chấp nhận.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu đã thu thập có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục kháng cáo:

Đơn kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình gửi đến Tòa án đúng hạn luật định. Bị đơn đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đúng thời hạn, vì vậy, kháng cáo, kháng nghị là hợp lệ, được giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về nội dung các kháng cáo, kháng nghị:

1. Về yêu cầu kháng cáo chia thừa kế theo di chúc:

Anh C cho rằng, cụ Thốn và cụ Tích chết tuy không lập di chúc bằng văn bản, nhưng năm 2007 khi còn sống, cụ Tích đã nói, cho mẹ anh toàn bộ thửa đất, việc này có ông Nguyễn Quý Viễn, Nguyễn Hữu Sỹ, Nguyễn Hữu Bỉm chứng kiến. Song văn bản người làm chứng ghi chép lại di chúc, lập vào ngày 18/7/2021 nên không có giá trị pháp lý. Do đó di sản được chia theo pháp luật.

2. Về thời hiệu khởi kiện: Cụ Thốn chết ngày 10/7/1989, cụ Tích chết ngày 19/4/2007, theo khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh thừa kế ngày 30/8/1990, đối với những việc thừa kế đã mở trước ngày 10/9/1990 thì thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10/9/1990. Theo Điều 623 Bộ luật dân sự, thời hiệu yêu cầu chia thừa kế là 30 năm. Như vậy thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Thốn còn đến ngày 10/9/2020. Ngày 08/9/2020, nguyên đơn nộp đơn khởi kiện chia di sản thừa kế. Do đó kháng cáo của anh C cho rằng thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế của cụ Thốn đã hết là không đúng quy định của pháp luật.

3. Về hàng thừa kế và người thừa kế: Cụ Thốn và cụ Tích có 6 người con, gồm: Bà V, bà V1, bà Với, bà T1, bà C, bà T3. Khi hai cụ qua đời, cả 6 người con còn sống, do vậy 6 người con của 2 cụ là người được hưởng thừa kế ở hàng thứ nhất. Án sơ thẩm xác định anh C là người hưởng thừa kế di sản của cụ Thốn và cụ Tích thuộc ở hàng thứ hai và chia di sản cho anh C là không đúng. Vì bà Với không có chồng và chỉ có anh C là con duy nhất nên từ thời điểm bà Với chết anh C được hưởng thừa kế toàn bộ tài sản của bà Với để lại bao gồm cả phần di sản bà Với được hưởng của cụ Thốn và cụ Tích.

4. Về di sản thừa kế: Theo bản đồ địa chính năm 1986 thì cụ Thốn và cụ Tích có hai thửa đất: Thửa số 428 diện tích 445m2 và thửa số 427 diện tích 95m2 đất ao. Khoảng năm 1994 hai cụ chuyển nhượng cho ông Doanh 160 m2m2 đất ở, hai bên đã sử dụng ổn định từ đó đến nay không có tranh chấp gì. Theo bản đồ địa chính đo đạc năm 2014 đã đo gộp hai thửa đất trên thành một thửa số 73, tờ bản đồ số 18, có diện tích 395,7m2.

Theo quy định của UBND tỉnh Thái Bình thì mỗi hộ chỉ được sử dụng tối đa 360m2 đất ở, còn lại tính là đất vườn, đất ao đã san lấp được chấp nhận theo hiện trạng, tính là đất vườn. Đo đạc hiện trạng, thửa đất số 73 của cụ Tích và cụ Thốn có diện tích 409,9m2. Số liệu tăng lên là do sai số khi đo đạc. Như vậy đất ở của cụ Thốn và cụ Tích để lại còn 200m2 và đất vườn là 209,9m2. Ngoài thửa đất trên, hai bên đương sự thống nhất hai cụ không còn để lại tài sản gì khác, không để lại khoản nợ nào. Việc án sơ thẩm tính toàn bộ 409,9m2 đất theo giá đất ở là không chính xác. Cần tính đất vườn giá 45.000đ/m2 là đúng quy định của pháp luật. Kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát về phần này được chấp nhận.

Quá trình sử dụng đất, anh C đã san lấp diện tích đất trũng là 207,4m2 với trị giá bằng 18.406.000đ. Như vậy trị giá di sản thừa kế bằng 200 x 5.000.000đ + 209,9 x 45.000đ - 18.406.000đ = 991.039.000đ.

5. Về công sức giữ gìn, tôn tạo di sản thừa kế: Qua xác minh tại tại địa phương, vào khoảng năm 1982, Ủy ban nhân dân xã D có chính sách di dân từ xóm Trại vào trong làng nhưng gia đình cụ Thốn và các hộ không di dời. Bà Với không được ưu tiên gì để giữ lại thửa đất đó. Nhưng bà Với đã sinh sống cùng và chăm sóc bố mẹ trong thời gian dài cho đến khi cụ Tích qua đời. Sau đó bà Với vẫn ở lại sử dụng thửa đất này và đóng thuế đất. Vì vậy, án sơ thẩm tính công sức đóng góp của bà Với trong việc giữ gìn, tôn tạo di sản bằng một suất thừa kế là phù hợp, (991.039.000đ : 6 = 165.173.000đ). Anh C yêu cầu tính công sức cho bà Với tăng lên song anh không có căn cứ chứng minh.

6. Về trị giá di sản được chia: Các đồng thừa kế khác đều nhất trí cho nguyên đơn và bị đơn phần di sản họ được hưởng, mỗi bên ½. Như vậy phần của bà V được hưởng = (991.039.000đ - 165.173.000đ) : 2 = 412.933.000đ. Phần của bà Với được chia và để lại thừa kế cho anh C bằng 412.933.000đ + 165.173.000đ = 578.106.000đ.

7. Về yêu cầu của bị đơn: Cân đối loại đất khi chia di sản thừa kế: Đất rộng, anh C đã xây nhà về ½ thửa đất. Án sơ thẩm chia cho bà V 140,4m2 là có căn cứ chấp nhận. Chính quyễn địa phương xác nhận, không có tài liệu nào quy định vị trí đất vườn, đất ở nên anh C kháng cáo đề nghị Tòa cân đối loại đất khi chia để anh không phải thanh toán chênh lệch tài sản là hợp lý cần được chấp nhận. Do đó cần chia cho bà V 82m2 đất ở x 5.000.000đ = 410.000.000đ và 58,4m2 đất vườn x 45.000đ = 2.628.000đ. Tổng trị giá bằng 412.628.000đ.

Giao cho anh C phần đất còn lại 269,5m2 gồm 118m2 đất ở trị giá 590.000.000đ và 151,5m2 đất vườn trị giá 6.817.000đ tổng trị giá bằng 596.817.000đ (bao gồm phần di sản anh C được hưởng thừa kế của bà Với và giá trị đôn lấp 18.406.000đ của anh C).

8. Về án phí sơ thẩm: Giá trị tài sản được chia thay đổi nên cần tính lại án phí sơ thẩm. Anh C phải chịu án phí sơ thẩm bằng 20.000.000đ + 178.106.000đ x 4% = 27.124.000đ. (Số tiền tính trong bản án này đã được làm tròn).

Bà V là người cao tuổi có đơn xin miễn án phí, án sơ thẩm miễn án phí cho bà V là đúng quy định của pháp luật.

[3] Về án phí phúc thẩm: Kháng cáo của bị đơn được chấp nhận một phần nên đương sự không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308; Điều 313 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH về án phí, lệ phí Tòa án;

[1]. Chấp nhận một phần kháng cáo của anh Nguyễn Hữu C, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, sửa bản án dân sự sơ thẩm số 04/2021/DSST ngày 23/4/2021 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Thái Bình, cụ thể như sau:

Căn cứ khoản 5 Điều 26, khoản 1 Điều 35, Điều 39, Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Các Điều 610, 623, 649, 650, 651, 660 Bộ luật dân sự; Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về án phí, lệ phí Toà án, xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị V về việc chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Hữu Thốn và cụ Vũ Thị Tích.

- Chia cho bà Nguyễn Thị V 140,4m2 đất (trong đó có 82m2 đất ở và 58,4 m2 đất vườn) tại thửa đất số 73, tờ bản đồ số 18, thôn K, xã D, huyện H, tỉnh Thái Bình có trị giá là 412.628.000đ. Đất có tứ cận như sau: phía Đông giáp ngõ xóm dài 0,64m + 22,88m, phía Tây giáp phần đất còn lại dài 23,25m, phía Nam giáp đất ông Dụ dài 6m, phía Bắc giáp đường giao thông dài 6m, - Giao cho anh Nguyễn Hữu C phần đất còn lại (có sơ đồ kèm theo) có: phía Đông giáp đất chia cho bà V dài 23,25m, phía Tây giáp đất ông Doanh dài 13,22m + 9,8m, phía Nam giáp đất ông Dụ dài 4,64m + 6,06m, phía Bắc giáp đường giao thông dài 12,59m, có diện tích 269,5m2 trong đó có 118m2 đất ở và 151,5m2 đất vườn, tổng trị giá 596.817.000đ. Anh C có quyền sở hữu tài sản của anh trên diện tích đất được giao.

- Không bên nào phải thanh toán tiền chênh lệch tài sản.

2. Về án phí sơ thẩm:

Anh Nguyễn Hữu C phải nộp 27.124.000đ tiền án phí dân sự sơ thẩm. Miễn toàn bộ tiền án phí dân sự sơ thẩm cho bà Nguyễn Thị V.

[2]. Về án phí dân sự phúc thẩm: Anh C không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Trả lại anh C 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp tại biên lai số 0003278 ngày 06/5/2021 của Chi cục thi hành án dân sự huyện H, tỉnh Thái Bình.

[3]. Bản án dân sự phúc thẩm này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án, 14/9/2021.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

264
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 31/2021/DS-PT ngày 14/09/2021 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:31/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thái Bình
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 14/09/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;