Bản án 31/2019/LĐ-PT ngày 14/11/2019 về tranh chấp tiền lương ngừng việc và bảo hiểm xã hội

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

BẢN ÁN 31/2019/LĐ-PT NGÀY 14/11/2019 VỀ TRANH CHẤP TIỀN LƯƠNG NGỪNG VIỆC VÀ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Ngày 14 tháng 11 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 14/2019/TLPT-LĐ ngày 25 tháng 01 năm 2019 về việc “Tranh chấp tiền lương ngừng việc và bảo hiểm xã hội”.

Do bản án lao động sơ thẩm số 19/2018/LĐST ngày 02/11/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa, tỉnh ĐồngNai bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 64/2019/QĐXXPT-LĐ ngày 01 tháng 11 năm 2019 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Nguyễn Thị Thu H, sinh năm 1973.

Đa chỉ: Số Z, khu phố B, phường T, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Thế P, sinh năm: 1987 (Theo giấy ủy quyền ngày 28/3/2018).

Đa chỉ: Số G, đường H, phường H, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.

- Bị đơn: Công ty cổ phần H.

Đa chỉ: Đường Đ, khu phố T, phường L, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị A, sinh năm 1968 (Theo giấy ủy quyền số 18/UQ-CPHV ngày 19/3/2018).

Đa chỉ: Số X, tổ H, khu phố B, phường B, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai.

Đa chỉ: Số K, đường H, phường Q, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Đinh Thị Phương H1, sinh năm: 1976 (Theo giấy ủy quyền số 25/GUQ-BHXH ngày 14/3/2019).

- Người kháng cáo: Nguyễn Thị Thu H – Nguyên đơn.

(Ông P có mặt; bà A, bà H1 có đơn xin vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo án sơ thẩm:

- Nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thu H do ông Phạm Thế P đại diện theo ủy quyền trình bày:

Bà Nguyễn Thị Thu H được Công ty cổ phần H (trước đây là Công ty nguyên liệu thuốc lá Nam) nhận vào làm việc từ tháng 4/1991, công việc được giao là công nhân phân loại chế biến thuốc lá, nhưng Công ty không ký hợp đồng lao động; đến tháng 02/2000 mới ký hợp đồng lao động. Thời gian từ tháng 4/1991 đến tháng 01/2000 Công ty trả lương hàng tháng nhưng bà H chỉ ký vào tờ giấy lương công ty giữ. Đến tháng 02/2000 thì Công ty ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 24 tháng, sau 02 lần ký hợp đồng lao động có thời hạn 24 tháng thì đến tháng 02/2004 Công ty mới ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Từ tháng 4/1991 đến tháng 1/2000, Công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho bà H. Tháng 01/2016, Công ty ký hợp đồng không xác định thời hạn lần nữa; Công việc làm là công nhân phân loại chế biến thuốc lá; Mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động số 294/HĐLĐ-CPHV ngày 01/06/2016 là 6.120.000đ/tháng.

Theo quy định của Nhà nước mức lương tối thiểu vùng từng năm như sau: Năm 2016 là 3.500.000đ/tháng; Năm 2017 là 3.750.000đ/tháng. Từ tháng 7/2016 đến tháng 12/2016 Công ty bố trí cho bà H ngừng việc 22 ngày; Từ tháng 01/2017 đến tháng 10/2017 ngừng việc 76 ngày. Tổng cộng số ngày ngừng việc là 98 ngày nhưng công ty chỉ trả lương ngừng việc theo mức lương tối thiểu vùng mà không trả lương ngừng việc theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Bà Nguyễn Thị Thu H khởi kiện yêu cầu Công ty cổ phần H: Trả số tiền chênh lệch của tiền lương ngừng việc năm 2016 (22 ngày): 2.216.000 đồng; năm 2017 (76 ngày): 6.654.000 đồng; Truy đóng Bảo hiểm xã hội từ tháng 4/1991 đến tháng 01/2000 là 141.372.000 đồng. Nếu không đóng thì trả cho bà H bằng tiền.

Ngày 15/10/2018, bà H có đơn xin thay đổi yêu cầu khởi kiện, theo đó bà đề nghị Tòa buộc Công ty cổ phần H có nghĩa vụ lập thủ tục, hồ sơ đầy đủ để bà được cơ quan bảo hiểm xã hội công nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 4/1991 đến tháng 12/1994. Đối với khoảng thời gian làm việc từ ngày 01/01/1995 đến tháng 01/2000 bà đề nghị Công ty truy đóng BHXH với mức phí là: 60 tháng x 6.120.000đ x 22% = 80.784.000đ. Đối với yêu cầu về thanh toán tiền chênh lệch tiền lương ngừng việc bà vẫn giữ nguyên yêu cầu này.

Tại phiên tòa, nguyên đơn xin thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện đối với yêu cầu truy đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/1995 đến tháng 01/2000 với mức phí là: 60 tháng x 1,35 x 130.000đ x 20% = 2.106.000đ.

- Bị đơn Công ty cổ phần H do bà Nguyễn Thị A đại diện theo ủy quyền trình bày:

+ Đối với yêu cầu về tiền lương ngừng việc:

Công ty cổ phần H là đơn vị thành viên của Tổng công ty thuốc lá Việt Nam, đặc thù hoạt động của Công ty là trồng, thu hoạch, sơ chế thuốc lá, vụ mùa bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau mới có thu hoạch nên hoạt động của công ty mang tính mùa vụ. Do tác động của thị trường, ảnh hưởng của Luật phòng chống tác hại của thuốc lá và cam kết quốc tế FCTC đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty H, Công ty phải thu hẹp sản xuất, doanh số hàng năm giảm nhiều nhưng công ty vẫn duy trì số lượng lao động. Trong thời gian ngừng việc công ty vẫn thực hiện trả lương để giảm bớt khó khăn cho người lao động.

Căn cứ theo thỏa ước lao động tập thể công ty ban hành ngày 26/4/2016, Nghị định 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định về quy định chi tiết thi hành về tiền lương, quy chế phân phối tiền lương, tiền thưởng của Công ty, Công ty đã trả lương ngừng việc cho người lao động trong năm 2016 là 3.500.000đ/tháng, năm 2017 là 3.750.000 đồng/tháng theo quy chế về tiền lương của Công ty và có đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định. Nên Công ty không đồng ý với yêu cầu trả số tiền chênh lệch của lương ngừng việc cho bà H.

+ Đối với yêu cầu truy đóng Bảo hiểm xã hội:

Bà H vào Công ty H làm việc từ tháng 4 năm 1991, công việc là công nhân phân loại chế biến thuốc lá. Bà H làm việc thời vụ, cứ có việc thì công ty liên hệ bà H vào làm việc khoảng 02 đến 03 tháng thì nghỉ. Do đó, từ tháng 4 năm 1991 đến tháng 02/2000 giữa bà H và Công ty không có ký hợp đồng lao động. Do công việc có tính chất thời vụ nên khi trả lương Công ty cũng không có bảng lương, mà chỉ trả tiền cho bà H căn cứ vào thời gian làm việc theo mùa vụ thực tế. Từ năm 2007 do muốn duy trì số lượng lao động nên Công ty tự nguyện đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai cho Công ty đóng truy thu chế độ bảo hiểm cho người lao động trong khoản thời gian từ năm 1990 đến năm 2000. Tuy nhiên do Công ty không thể cung cấp các giấy tờ, tài liệu chứng minh về quan hệ lao động, hợp đồng lao động, mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, nên không thể thực hiện việc đóng bảo hiểm bổ sung cho người lao động. Sự nỗ lực muốn đóng bổ sung chế độ bảo hiểm cho người lao động Công ty thực hiện đến năm 2011 là hơn 5 năm, thậm chí Công ty còn gửi Công văn cho Bộ lao động thương binh xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam để đề nghị hỗ trợ tạo điều kiện cho Công ty đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, nhưng Công ty vẫn không thể thực hiện được do không cung cấp được những tài liệu, hợp đồng, bảng lương chứng minh quan hệ lao động. Công ty xác định đây là sự tự nguyện đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động của Công ty, chứ không phải trường hợp Công ty bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội, vì là trường hợp lao động mùa vụ. Trong các văn bản này của Công ty, Công ty cũng đều khẳng định rất rõ những trường hợp này (trong đó có bà H) đều là lao động mùa vụ, có việc công ty mới gọi vào làm, không có việc thì thông báo nghỉ. Do pháp luật quy định lao động thời vụ không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, nên công ty không đồng ý yêu cầu của bà H về làm thủ tục và truy đóng bảo hiểm xã hội.

- Người có quyền và nghĩa vụ liên quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai do bà Đinh Thị Phương H1 đại diện theo ủy quyền trình bày:

Để người lao động được cộng nối thời gian công tác, truy thu bảo hiểm xã hội đối với thời gian từ tháng 4/1991 đến tháng 01/2000, đề nghị Công ty cổ phần H và bà H phối hợp lập thủ tục, hồ sơ theo quy định tại Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam để Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai có căn cứ truy thu và điều chỉnh sổ bảo hiểm xã hội cho bà H.

Tại bản án lao động sơ thẩm số 19/2018/LĐST ngày 02/11/2018, Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai tuyên xử:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Thu H về việc “Tranh chấp bảo hiểm xã hội và tiền lương ngừng việc” với Công ty cổ phần H.

Ngoài ra, án cón tuyên về án phí và quyền kháng cáo của đương sự theo luật định.

Ngày 08/11/2018, nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thu H có đơn kháng cáo đối với bản án lao động sơ thẩm số 19/2018/LĐST ngày 02/11/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai tham gia phiên tòa phúc thẩm:

Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật từ khi thụ lý đến khi xét xử. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đúng thành phần, đảm bảo vô tư khách quan, trình tự phiên tòa được Hội đồng xét xử thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Thư ký thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Các đương sự đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.

Về đề xuất đường lối giải quyết vụ án: Chấp nhận một phần kháng cáo của bà Nguyễn Thị Thu H, sửa một phần bản án sơ thẩm.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Thu H về tranh chấp tiền lương ngừng việc. Buộc Công ty cổ phần H phải trả cho bà Nguyễn Thị Thu H tiền lương ngừng việc 8.870.000 đồng năm 2016 và năm 2017.

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Thu H về việc yêu cầu Công ty cổ phần H truy đóng bảo hiểm xã hội cho bà H từ ngày 01/01/1995 đến tháng 01/2000 với mức phí là 60 tháng x 1,35 x 130.000 đồng x 20% = 2.106.000 đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của bà Nguyễn Thị Thu H làm trong hạn luật định nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm. Bà Nguyễn Thị Anh là đại diện theo ủy quyền của bị đơn, bà Đinh Thị Phương H1 là đại diện theo ủy quyền của Bảo hiểm xã hội Đồng Nai có đơn xin xét xử vắng mặt, Hội đồng xét xử căn cứ Điều 228 Bộ luật Tố tụng Dân sự tiến hành xét xử vụ án theo quy định.

[2] Về nội dung kháng cáo của bà H:

[2.1] Đối với kháng cáo của bà H về bảo hiểm xã hội:

Bà H cho rằng bà được Công ty nhận vào làm việc liên tục từ tháng 4/1991 đến tháng 01/2000 nhưng theo Công ty thì bà H làm việc có tính mùa vụ. Theo quy định tại Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam để lập hồ sơ truy đóng bảo hiểm xã hội thì phải có Hợp đồng lao động, các giấy tờ có liên quan như: Quyết định nâng bậc lương, quyết định tiếp nhận hoặc điều động, hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên, bảng lương….tuy nhiên quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn và bị đơn thừa nhận từ khi bà H vào làm việc từ tháng 4/1991 đến tháng 01/2000 giữa bà H và Công ty không ký hợp đồng lao động, hai bên cũng không cung cấp được bảng thanh toán tiền lương tương ứng với thời gian truy thu hoặc các giấy tờ liên quan đến việc khoán sản phẩm công việc. Việc bà H căn cứ vào danh sách những người lao động có thể hiện số năm, tháng tham gia làm việc tại Công ty của Công ty cổ phần H gửi Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai và Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xin ý kiến cơ quan bảo hiểm xã hội cho truy đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động vào năm 2007, 2008 là không có cơ sở. Tại cấp phúc thẩm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản số 4175/BHXH-BT ngày 07/11/2019 xác định trường hợp các bên không cung cấp được mức lương, chức danh nghề nghiệp hoặc những nội dung trong bản hợp đồng lao động.. theo quy định tại điểm c khoản 1 Mục III Thông tư số 09/LĐ- TBXH ngày 26/4/1996 của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội thì không có căn cứ để tính thời gian truy thu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của bà H về việc lập thủ tục, truy đóng bảo hiểm xã hội cho bà H thời gian từ tháng 4/1991 đến tháng 01/2000 là có căn cứ, do đó không chấp nhận kháng cáo của bà H về phần này.

[2.2] Đối với kháng cáo của bà H về tiền lương ngừng việc:

Bà H và Công ty thống nhất về số ngày ngừng việc là 98 ngày, cụ thể năm 2016 là 22 ngày; năm 2017 là 76 ngày, bà H yêu cầu Công ty phải trả tiền lương ngừng việc còn thiếu của năm 2016, năm 2017 là 98 ngày, số tiền là 8.870.000 đồng. Theo bà H, lỗi ngừng việc là của Công ty nên Công ty phải trả đủ lương, còn theo Công ty cổ phần H xác định ngừng việc là do kinh tế. Từ khi Việt Nam phê chuẩn Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức y tế thế giới, đồng thời do tác động của thị trường, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá và tình hình thời tiết, thiên tai dịch bệnh diễn biến phức tạp, Công ty cổ phần H đã phải chấm dứt hoạt động nhiều chi nhánh, thu hẹp sản xuất nên đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Theo tài liệu chứng cứ mà phúc thẩm thu thập bổ sung do Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cung cấp thì Bản kết luận của Thanh tra Bộ lao động Thương binh và Xã hội có kiến nghị Công ty cổ phần H thực hiện thỏa thuận với người lao động về lương ngừng việc. Do vậy dù có khó khăn về kinh tế Công ty cổ phần H vẫn phải tiến hành thỏa thuận với người lao động về lương ngừng việc nhưng Công ty không thỏa thuận với người lao động là trái với quy định tại khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động năm 2012. Như vậy, đây là tình tiết mới tại cấp phúc thẩm nên cần sửa án sơ thẩm về tiền lương ngừng việc, buộc Công ty cổ phần H phải trả cho bà H tiền lương ngừng việc còn thiếu trong năm 2016 là 22 ngày, năm 2017 là 76 ngày tổng số tiền là 8.870.000 đồng.

[3] Về án phí: Do sửa án sơ thẩm về nghĩa vụ trả lương ngừng việc nên Công ty cổ phần H phải chịu 300.000 đồng án phí lao động sơ thẩm; Bà H được miễn án phí lao động sơ thẩm và án phí lao động phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

[4] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Chấp nhận một phần kháng cáo của bà Nguyễn Thị Thu H, sửa một phần bản án sơ thẩm số 19/2018/LĐST ngày 02/11/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Căn cứ vào các Điều 27, Điều 28, Điều 140, Điều 141 Bộ luật Lao động năm 1994; Điều 98, Điều 202 Bộ luật Lao động năm 2012; Thông tư số 09/LĐ- TBXH ngày 26/4/1996 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Thu H về tranh chấp tiền lương ngừng việc.

Buộc Công ty cổ phần H phải trả cho bà Nguyễn Thị Thu H 8.870.000 (tám triệu tám trăm bảy mươi nghìn) đồng tiền lương ngừng việc năm 2016 và năm 2017.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Thu H về “Tranh chấp bảo hiểm xã hội” với Công ty cổ phần H.

3. Về án phí: Công ty cổ phần H phải chịu 300.000 đồng. Bà Nguyễn Thị Thu H được miễn án phí lao động sơ và phúc thẩm.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chưa thanh toán số tiền nêu trên thì người phải thi hành án còn phải trả tiền lãi theo mức lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.

Trong trường hợp quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

799
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 31/2019/LĐ-PT ngày 14/11/2019 về tranh chấp tiền lương ngừng việc và bảo hiểm xã hội

Số hiệu:31/2019/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đồng Nai
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 14/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;