Bản án 31/2019/HS-PT ngày 15/03/2019 về tội gây rối trật tự công cộng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

BẢN ÁN 31/2019/HS-PT NGÀY 15/03/2019 VỀ TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Ngày 15/3/2019, tại Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 08/2019/HSPT ngày 07 tháng 01 năm 2019 đối với các bị cáo Phạm Văn H, Lê Vũ Nhật B, Võ Ngọc D, Phạm Ngọc S, Nguyễn Tuấn A và Đậu Mạnh T; do có kháng cáo của các bị cáo Phạm Văn H, Lê Vũ Nhật B, Võ Ngọc D, Phạm Ngọc S, Nguyễn Anh T và Đậu Mạnh T đối với bản án hình sự sơ thẩm số 43/2018/HSST ngày 30/11/2018 của Toà án nhân dân huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Các bị cáo có kháng cáo:

1. Phạm Văn H (tên gọi khác: C), sinh ngày 30 tháng 5 năm 1996, tại xã Q, huyện T2, tỉnh Quảng Bình; Nơi cư trú: Thôn L1, xã Q, huyện T2, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: Đánh cá biển; trình độ văn hoá: lớp 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn V và bà Phạm Thị M, sinh năm 1956, chưa có vợ con; tiền sự, tiền án: không; về nhân thân: tháng 01 năm 2017 bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Cố ý gây thương tích”.

Bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam từ ngày 21/9/2018 đến nay, theo lện trích xuất, bị cáo có mặt tại phiên tòa.

2. Lê Vũ Nhật B (tên gọi khác: C1), sinh ngày 11 tháng 9 năm 2000, tại xã Q1, huyện T2, tỉnh Quảng Bình; Nơi cư trú: Thôn L2, xã Q1, huyện T2, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: không; trình độ văn hóa: lớp 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê Hồng V1 và bà Lê Vũ Ngọc H1; tiền sự; tiền án: không.

Bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 14/9/2018, có mặt tại phiên tòa.

3. Võ Ngọc D (tên gọi khác: T3), sinh ngày 07 tháng 10 năm 1996, tại xã Q, huyện T2, tỉnh Quảng Bình; Nơi cư trú: Thôn L1, xã Q, huyện T2, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: đánh cá biển; trình độ văn hóa: lớp 09/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Võ Đức D1 và bà Nguyễn Thị H1, chưa có vợ con; tiền án: không; tiền sự: ngày 16/10/2017, bị xử phạt hành chính về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.

Bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 02/10/2018, có mặt tại phiên tòa.

4. Phạm Ngọc S (tên gọi khác: O), sinh ngày 24 tháng 4 năm 1999, tại xã Q1, huyện T2, tỉnh Quảng Bình; Nơi cư trú: Thôn K, xã Q1, huyện T2, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: đánh cá biển; trình độ văn hóa: lớp 09/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn H2 (đã chết) và bà Tưởng Thị L, chưa có vợ con; tiền án, tiền sự: không.

Bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 02/10/2018, có mặt tại phiên tòa.

5. Nguyễn Anh T (tên gọi khác: Lý Tình), sinh ngày 06 tháng 3 năm 1998, tại xã Q1, huyện T2, tỉnh Quảng Bình; Nơi cư trú: Thôn L2, xã Q1, huyện T2, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: Không; trình độ văn hóa: lớp 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Thanh T3 và bà Tưởng Thị X, chưa có vợ con; tiền sự, tiền án: không.

Bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 02/10/2018, có mặt tại phiên tòa.

6. Đậu Mạnh T1 (tên gọi khác: TT), sinh ngày 12 tháng 12 năm 1998, tại xã C2, huyện T2, tỉnh Quảng Bình; Nơi cư trú: Thôn N, xã C2, huyện T2, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: đánh cá biển; trình độ văn hóa: lớp 09/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đậu Đình T4 (đã chết) và bà Đồng Thị T5, chưa có vợ con; tiền án, tiền sự: không; về nhân thân: năm 2016 bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.

Bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 02/10/2018, có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho bị cáo Lê Vũ Nhật Bảo: ông Hà Nhật L4 – Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Bình, có mặt.

- Người đại diện hợp pháp của bị cáo chưa thành niên:Bà Lê Vũ Ngọc H1; (là mẹ đẻ của bị cáo Lê Vũ Nhật B); trú tại: thôn L2, xã Q1, huyện T2, tỉnh Quảng Bình, có mặt.

Ngoài ra trong vụ án còn có các bị cáo Phan Trung K1, Phạm Minh Đ; các bị hại anh Nguyễn Văn N, anh Phạm Hồng S1; những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Võ Đức D1, anh Võ Đức D2, bà Nguyễn Thị H3 và những người làm chứng nhưng những người này không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị nên Toà án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 17 giờ 30 phút, ngày 30/5/2018, nhóm thanh niên C2 và Q1 gồm: Lê Vũ Nhật B, Phạm Ngọc S, Nguyễn Thanh H3 và Đậu Mạnh T1 đến nhậu tại quán Karaoke Bara ở thôn L2, xã Q1, huyện T2, tỉnh Quảng Bình. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày thì các đối tượng trên hẹn nhau vào hát tại phòng hát VIP1 của quán BR. Cùng lúc đó nhóm thanh niên ở Q gồm: Phạm Văn H, Phạm Hồng S Phan Trung K1, Phạm Minh Đ và Võ Ngọc D cũng đến nhậu và hát tại phòng VIP3 của quán. Khi vào phòng hát nhóm Q gọi thức ăn và bia để uống và hát nên các nhân viên đưa mực và kéo vào phòng hát số 3 cho nhóm Q. Tại phòng hát số 1, nhóm C2, Q1 gọi thêm anh Nguyễn Văn N1 đến hát, quá trình hát các đối tượng của hai nhóm ra vào phòng hát liên tục. Khi hát được 30 phút thì Phạm Ngọc S trong nhóm C2, Q1, nhìn thấy tại phòng VIP3 có D (tên thường gọi là TD), K1 và S (tên thường gọi là O1) trong nhóm thanh niên Q. Do có quen biết từ trước nên Ngọc S đã sang phòng VIP3 giao lưu với cả nhóm Q. Nhìn thấy K1 trong nhóm Q, S nghĩ lại chuyện trước đó B kể chuyện bị nhóm Q đánh khi đi chơi tại xã Q nên khi giao lưu xong, S về phòng nói với B “Phòng bên kia có thằng bữa trước đánh mày, mày sang gọi hắn ra nói chuyện”, nhưng B không đi, lúc đó T1 nghe vậy nên đã nói “để mình sang gọi người có tên K1 ra để nói chuyện”, T1 liền sang phòng VIP3 mở cửa rồi đứng từ ngoài nói vọng vào “Ai là K ra cho gặp cái”, gọi hai ba lần thì K mới nói “Tau đây” rồi đi ra khỏi phòng hát. Khi gặp nhau K1, T1 hỏi “Có phải hồi trước mày đánh thằng trong hội tau phải không”, thì K1 trả lời “tau biết hội mi là ai mà đánh” rồi K1 nói tiếp “nếu đánh thì sao mà không đánh thì sao”, nghe vậy T1 chạy vào phòng hát cầm ra một chai bia đã sử dụng đe dọa K1, Lúc đó K1 giằng được chai bia thì bị S giằng lại được rồi ném chai bia xuống nền, còn T1 dùng tay không đánh vào mặt của K1 02 đến 03 cái. Lúc đó K1 không nói gì mà chỉ tay về phía T1 rồi đi vào phòng mình nói với cả nhóm “Có thằng đánh tao”, nghe xong cả phòng cùng đi theo K1 ra ngoài xem tình hình thế nào, lúc đó H đang cầm cái kéo để cắt mực, thấy vậy H đem theo cả kéo chạy theo ra. Nghe ồn ào nhóm thanh niên Q1 – C2 cũng theo ra ngoài sân. Khi cả hai nhóm đứng đối diện nhau ở khu vực sân thì D có hỏi T1 là “Vì sao đánh người”, thì T1 nói lại “thằng kia có xích mích với S, tao gét tao đánh”. Hai bên nói qua nói lại một lúc ồn ào nên anh V2 chủ quán đến can ngăn và nói: “đánh nhau thì đi chổ khác mà đánh”. Sau đó cả hai nhóm không cải nhau nữa mà đi ra phía ngoài quán ở khu vực cổng phụ để nói chuyện, một lúc sau cả hai nhóm lại kéo nhau vào khu vực sân quán, phía trước dãy phòng hát. Khi đó D ngồi trên xe dựng ở sân quán số còn lại đứng rãi rác ở trong khuôn viên sân quán trước dãy phòng hát. Thấy vậy S tiến đến nói chuyện với D, khi đó D nói: “Hội hè chơi với nhau, tết còn đi chơi với nhau sao lại gây gỗ đánh nhau”, nghe xong S không nói gì mà lao vào dùng tay không đánh vào mặt D làm D và xe ngã xuống sân. Sau đó S vẫn tiếp tục lao vào đánh D nên D quay lại đánh trả, thấy hai người đánh nhau nên số còn lại của hai nhóm cũng lao vào đánh nhau tại khu vực sân, thấy nhóm Q vây đánh S nên B chạy vào khu vực bếp của quán lấy 01 con dao dài khoảng 30 đến 40cm, mũi nhọn định chạy ra khu vực đánh nhau thì bị anh V2 chủ quán ngăn và lấy dao lại, lấy không được dao B lại chạy ra khu vực sân quán vẫn thấy hai nhóm đang đánh nhau nên B lại quay lại khu vực bếp để lấy dao, không có người can ngăn nên B cầm dao ra sân vị trí giữa khu vực nhậu và hát, cách vị trí đánh nhau khoảng 03 đến 04 mét, thấy nhóm Q vây đánh S hăng quá nên B cầm dao lao vào đâm về hướng nhóm Q làm trúng tay phải của S1. Lúc đó H đứng cách đó khoảng 03 đến 04 mét thấy vậy đã cầm kéo chạy đến vị trí đánh nhau, khi tới thì thấy tay S1 bị chảy máu và thấy N1 đang đứng phía trước gần đó nên đã cầm kéo vòng từ phía sau ra trước đâm trúng vào vùng bụng của N1 gây thương tích. Thấy vậy cả nhóm Q bỏ chạy ra ngoài theo hướng cổng phụ của quán, N1 liền quay lại đuổi theo được vài mét nhưng do vết thương nặng nên gục xuống sân quán. Khi thấy đánh nhau anh V2 chủ quán chạy ra can ngăn và giật lại được cái kéo từ tay của H rồi đưa vào nhà cất giữ. Sau khi thấy N bị thương T2 và Lê Văn H4 bạn của N1 đưa N1 đi cấp cứu tại trạm y tế xã C2 sau đó đưa vào Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình để cấp cứu. Sau khi bỏ chạy nhóm thanh niên Q thấy S1 tay bị chảy máu nhiều nên đã bức xúc hẹn nhau quay lại tìm đánh nhóm Q1 và C2 và lấy lại xe, nên khi thấy các que gỗ cốt pha dùng trong xây dựng bỏ ở ven đường, mỗi người đã nhặt một que mang theo người rồi quay lại quán BR để đánh nhau với nhóm Q1 và C2 và lấy xe về. Khi nhóm Q quay lại quán BR thì trong quán còn lại B và S còn H4 đã nấp vào trong phòng ngủ của quán từ trước, thấy nhóm Q quay lại nên S đã lao đến đòi đánh thì bị K1 dùng que gỗ đánh vào đầu gây thương tích, thấy yếu thế nên Ngọc Sơn chạy trốn vào phía sau quán và gọi điện thoại cho Nguyễn Anh T và nói “tau bị đâm rồi”, T hỏi lại “Rứa mi đang ở mô”, S trả lời “tau đang ở quán BR”. Sau khi S nói bị đâm, T về nhà lấy một con dao bằng, dài khoảng 30 đến 40cm, rồi đi đến quán BR, khi đến quán T đứng giữa quán gọi lớn “O” (tức là S), nhưng không nghe ai trả lời, nên T đi xung quanh tìm nhưng không có thì bất ngờ thấy S chạy từ hướng trong quán ra, trên tay có cầm que gỗ dài khoảng 1,5m lao về phía nhóm Q đang đứng gần cổng phụ của quán để đánh, nhưng chưa đánh được thì bị nhóm Q dùng que đánh vào người, thấy vậy T liền chạy đến dùng dao chém về phía nhóm Q nhưng không trúng ai thì bị rơi dao, T liền nhặt dao lại rồi tiếp tục đuổi theo chém nhóm Q làm cả nhóm bỏ chạy ra khỏi quán theo hướng cổng phụ, T liền đuổi theo được vài chục mét nhưng không đánh được nên đã quay lại quán, lúc đó thấy S chảy máu ở vùng đầu nên T cùng với B đưa S đi đến trạm xá C2 để sơ cứu, nhưng khi đến nơi thấy N1 đang bị thương nặng chuẩn bị chuyển viện nên S không sơ cứu nữa mà hẹn cả nhóm ra quán nước nói chuyện. Tại đây S nói chuyện với T và B vào tìm nhóm Q để đánh lại vì đã đâm N1 gây thương tích nặng. Lúc đó T và B đều nhất trí. Khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày B quay về nhà lấy 01 con dao mang theo rồi quay lại, khi đó có Nguyễn Thành Đ1 đi qua thấy quen biết nên đứng lại xem, khi thấy S, B và T hẹn nhau vào Q nhưng chỉ có một xe máy nên B nhờ Đ1 chở đi cùng. Khi đi Tuấn mang theo một con dao bằng, đi đến gần nhà ông D1 thì S thấy 01 ống tuýp sắt nên đã nhặt mang theo.

Khi đến nhà ông Võ Đức D1 là bố đẻ của D, tại thôn L1, xã Q thì S và B đi vào gọi cửa “Bác ơi cho cháu hỏi cái”. Sau khi nghe tiếng gọi thì ông D cùng vợ là Nguyễn Thị H3 ra mở cửa thì thấy cả nhóm thanh niên Q1 đứng trước sân, khi thấy có người S liền hỏi: “Có thằng Tí ở nhà không”, thì vợ chồng ông D1 trả lời: “nó đi chơi đâu chưa về”. Lúc đó S tiếp tục nói: “gọi thằng Tí về cho cháu để hỏi thằng nào đâm thằng bạn cháu bị thương”, ông D liền nói lại: “thằng Tí đi đâu, đâm ai là việc của nó, bọn bây có việc gì mà đến nhà tau”, nghe vậy S lao vào dùng ống tuýp sắt mang theo đánh vào người ông D1. Thấy chồng bị đánh bà H3 lao vào can ngăn thì bị S dùng tay không đánh trúng vào mặt rồi cả nhóm lao vào đánh vợ chồng ông D1, thấy vậy Võ Đức D2 là con trai ông D1 lao vào ôm S can ngăn thì bị cả nhóm vây đánh. Thấy con trai bị đánh bà H3 lao vào can ngăn nên D2 chạy thoát ra được, rồi lấy một cái xẻng chạy đến giải vây thì cả nhóm chạy ra ngoài, D2 đuổi theo để đánh thì cả nhóm vứt lại dao, ống tuýp sắt và xe máy bỏ chạy.

Hậu quả: ông Võ Đức D1 bị thương ở vùng vai phải; Nguyễn Thị H3 bị thương ở vùng dưới mắt phải; Võ Đức D2 bị thương ở môi dưới, bị sưng tím ở bả vai trái, khuỷu tay trái; Phạm Ngọc S bị thương ở vùng đầu, vùng trán, vùng mông; Nguyễn Văn N1 bị thương ở vùng bụng phía bên phải; Phạm Hồng S1 bị thương ở vùng tay phải.

Theo kết quả giám định thường tích ngày 29/6/2018 và ngày 19/7/2018 của Trung tâm giám định Y khoa – Pháp y tỉnh Quảng Bình kết luận: thương tích mà các đối tượng gây ra cho ông D1 và chị H3 là 0%; anh Duy là 02%; Phạm Ngọc S và 05%; Phạm Hồng S1 là 14% và Nguyễn Văn N1 là 18%.

Vật chứng vụ án: Quá trình điều tra cơ quan điều tra đã thu giữ được các vật chứng gồm: 01 cái kéo; 02 ống tuýp sắt và 01 con dao.

Thu giữ và trả lại 01 xe mô tô nhãn hiệu EXCITER, màu sơn xanh – bạc, BKS 73E1-25692, cho Nguyễn Anh T là chủ sở hữu.

Về trách nhiệm dân sự:

Ngày 05/7/2018, gia đình các bị cáo Phạm Ngọc S, Nguyễn Anh T và Lê Vũ Nhật B cùng với gia đình ông Võ Đức D1 là bị hại đã tiến hành thỏa thuận bồi thường dân sự. Phía gia đình ông D1 yêu cầu các bị cáo bồi thường các khoản chi phí thuốc men điều trị và các khoản chi phí hợp lý khác với tổng số tiền 18.000.000 đồng. Phía gia đình các bị cáo Phạm Ngọc S, Nguyễn Anh T và Lê Vũ Nhật B đã bồi thường đầy đủ cho phía gia đình ông D1, hai bên cam kết sẽ không khiếu kiện, khiếu nại gì về phần dân sự liên quan đến vụ án.

Ngày 05/8/2018, gia đình bị cáo Phạm Văn H cùng với gia đình bị hại Nguyễn Văn N1 đã tiến hành bồi thường dân sự. Phía gia đình bị hại Nguyễn Văn N1 yêu cầu phía gia đình bị cáo H bồi thường các khoản chi phí thuốc men điều trị và các khoản chi phí hợp lý khác với tổng số tiền là 55.000.000 đồng, phía gia đình bị cáo H đã bồi thường đầy đủ. Hai bên cam kết sẽ không khiếu kiện, khiếu nại gì về phần dân sự.

Ngày 29/10/2018, Phạm Ngọc S, Võ Ngọc D, Phan Trung K, Phạm Minh Đ và Phạm Văn H đã tiến hành thỏa thuận bồi thường dân sự. Phía Phạm Ngọc S yêu cầu Võ Ngọc D, Phan Trung K1, Phạm Minh Đ và Phạm Văn H phải bồi thường các khoản chi phí điều trị thuốc men và các khoản chi phí khác với số tiền 400.000 đồng. Phía các bị cáo đã bồi thường đầy đủ các khoản chi phí cùng với số tiền mà S yêu cầu. Hai bên cam kết sẽ không khiếu kiện, khiếu nại gì về phần dân sự.

Ngày 31/10/2018, Phạm Hồng S1 và Lê Vũ Nhật B đã tiến hành thỏa thuận bồi thường dân sự, Phạm Hồng S yêu cầu Nhật B phải bồi thường các khoản tiền điều trị thuốc men và các khoản chi phí khác với số tiền 7.000.000 đồng, bị cáo Bảo đã bồi thường đầy đủ. Hai bên cam kết sẽ không khiếu kiện, khiếu nại gì về phần dân sự.

Tại bản án sơ thẩm số 43/2018/HSST ngày 30/11/2019 của Toà án nhân dân huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã quyết định:

Tuyên bố: Bị cáo Phạm Văn H và Lê Vũ Nhật B phạm tội: “Cố ý gây thương tích” và tội: “Gây rối trật tự công cộng”.

Các bị cáo Phan Trung K1, Phạm Ngọc S, Võ Ngọc D, Phạm Minh Đ, Nguyễn Anh T và Đậu Mạnh T1 phạm tội: “Gây rối trật tự công cộng”.

Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134, các điểm b, s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51; Điều 54; điểm b khoản 2 Điều 318; điểm s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51và Điều 55 Bộ luật hình sự,

Xử phạt bị cáo Phạm Văn H 15 (mười lăm) tháng tù về tội “Cố ý gây thường tích” và 24 (hai mươi bốn) tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Tổng hợp hình phạt của hai tội, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 39 (ba mươi chín) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam ngày 21/9/2018.

Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134, các điểm b, s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 91; Điều 101; điểm b khoản 2 Điều 318; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 91; Điều 101 và Điều 55 BLHS,

Xử phạt bị cáo Lê Vũ Nhật B 10 (mười) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” và 15 (mười lăm) tháng tù về tội “Gây rối trật tự công công”. Tổng hợp hình phạt của hai tội, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 25(hai mươi lăm) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 318; điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS,

Xử phạt bị cáo Phan Trung K1 24 (hai mươi bốn) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.

Xử phạt bị cáo Phạm Ngọc S 24 (hai mươi bốn) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.

Xử phạt bị cáo Võ Ngọc D 24 (hai mươi bốn) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Anh T 24 (hai mươi bốn) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 318; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 91; Điều 101 BLHS,

Xử phạt bị cáo Phạm Minh Đ 15 (mười lăm) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.

Căn cứ khoản 1 Điều 318; điểm i, s khoản 1 Điều 51 BLHS,

Xử phạt bị cáo Đậu Mạnh T1 12 (mười hai) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên trách nhiệm bồi thường dân sự, xử lý vật chứng, tuyên buộc các bị cáo phải chịu án phí và tuyên quyền kháng cáo cho các bị cáo, người bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Ngày 03/12/2018, bị cáo Võ Ngọc D có đơn kháng cáo với nội dung: Mức hình phạt 02 năm tù về tội: “Gây rối trật tự công cộng” mà Toà án cấp sơ thẩm đã xét xử đối với bị cáo là quá nặng. Bản thân bị cáo từ trước đến nay chưa có tiền án, tiền sự, bản thân bị bệnh hen suyễn từ nhỏ, bố mẹ hay đau yếu, có có 3 em còn nhỏ, bị cáo là lao động chính trong gia đình. Trong trận lụt bão năm 2016 bị cáo đã có công trong việc giúp dân khắc phục thiệt hại, bên cạnh đó trong một lần đi biển bị cáo đã có công cứ anh Đồng Ánh D3 bị rơi xuống biển, hành động đó của bị cáo được những người bị cáo giúp đỡ đã chứng nhận và có xác nhận của chính quyền địa phương. Đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ và cho bị cáo được hưởng án treo.

Ngày 07/12/2018, bị cáo Nguyễn Anh T có các đơn kháng cáo cùng đề ngày 07/12/2018 với nội dung: Mức hình phạt 24 tháng tù về tội: “Gây rối trật tự công cộng mà Toà án cấp sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo là có phần nghiêm khắc, bị cáo chưa có tiền án tiền sự, phạm tội lần đầu bị cáo có gây thương tích cho ông Võ Đức D1 và bà Nguyễn Thị H3 nhưng bị cáo và gia đình đã bồi thường đầy đủ nên đã được ông D1, bà H3 viết đơn bãi nại. Vào tháng 10/2017 bị cáo có công trong việc cùng giúp dân chống bão và có công cứu cháu trai Nguyễn Đức A1 chết đuối trong trận bão được chính quyền địa phương khen ngợi trên phát thanh của xã (có xác nhận của chính quyền địa phương). Bị cáo tuổi đời còn trẻ, bị cáo rất ân hận về hành vi của mình, bị cáo và gia đình tha thiết đề nghị Toà án cấp phúc thẩm cho bị cáo được hưởng án treo để có điều kiện làm lại cuộc đời.

Ngày 09/12/2018, bị cáo Lê Vũ Nhật B có đơn kháng cáo với nội dung: Đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh cũng như hình phạt đã áp dụng đối với bị cáo, bị cáo chỉ phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 134 BLHS, bị cáo không phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”. Vì: Thứ nhất: Tại quán Karaoke bị cáo chỉ gây thương tích cho anh Phạm Hồng S1, ngoài hành vi đó bị cáo không tham gia đánh nhau tại quán, không đập phá đồ đạc, la hét, gây rối trong quán. Sau khi nhóm thanh niên Q2 quay lại quán bị cáo cũng khong tham gia đánh nhau; bản án sơ thẩm cho bị cáo; Thứ hai: Đối với hành vi tham gia đánh những người trong gia đình ông Võ Văn D1, bị cáo cùng Nguyễn Anh T, Phạm Ngọc S đã gây thương tích cho anh Võ Đức D2 2%, phía gia đình anh D2 đã viết đơn bãi nại đề nghị không truy tố, do vậy hành vi của bị cáo tại nhà ông D1 cũng không phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”. Bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, lần đầu tiên phạm tội, khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo mới 17 tuổi. Vì những lý do trên bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đã xét xử đối với bị cáo, đề nghị Toà án phúc thẩm sửa tội danh và mức hình phạt đã tuyên đối với bị cáo để cho bị cáo được hưởng án treo, có điều kiện cải tạo tại địa phương, có cơ hội làm lại cuộc đời.

Ngày 10/12/2018, bị cáo Đậu Mạnh T1 có đơn kháng cáo với nội dung: Bị cáo nhận thức được hành vi của mình là sai trái, bị pháp luật cấm, bị cáo rất hối hận với hành vi của mình. Từ trước đến nay bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, bị cáo bị bạn bè rũ rê. Bị cáo rất hối hận với hành vi của mình. Mức hình phạt 12 tháng tù mà Toà án cấp sơ thẩm đã áp dụng đối với bị cáo là nặng. Nay đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo được giáo dục tại địa phương để sớm có điều kiện làm lại cuộc đời.

Ngày 11/12/2018, bị cáo Phạm Văn H có đơn kháng cáo với nội dung: Bị cáo thấy hành vi “Gây rối trật tự công cộng” và “Cố ý gây thương tích” của mình là trái pháp luật. Trong quá trình điều tra bị cáo đã thấy được khuyết điểm nên đã ăn năn hối cải, khai báo thành khẩn, bản thân là lao động chính trong gia đình, bố mẹ già yếu hay ốm đau, có bố là người có công. Hình phạt 39 tháng tù mà Toà án cấp sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo là nặng. Đề nghị Toà án cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo sớm hoà nhập với xã hội làm lại cuộc đời.

Ngày 14/12/2018, bị cáo Phạm Ngọc S có đơn kháng cáo với nội dung: Bị cáo thấy hành vi “Gây rối trật tự trật tự công cộng” mà mình đã gây ra là trái pháp luật, bị cáo rất hối hận với hành vi phạm tội của mình, bị cáo đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo giúp đỡ các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ các hành vi trong quá trình giải quyết vụ án, bị cáo sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mất sớm, một mình mẹ phải bươn chải đi lao động làm ăn xứ người, bị cáo phải ở với ông bà ngoại đã ngoài 80 tuổi, hay ốm đau, công việc của bị cáo chưa ổn định. Mức hình phạt 24 tháng tù mà Toà án sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo là quá nặng, chưa xem xét đến các yếu tố hoàn cảnh của bị cáo đã nêu trên. Vì vậy đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét lại để giảm nhẹ cho bị cáo một phần về hình phạt để bị cáo sớm trở lại xã hội, làm lại cuộc đời, làm người có ích cho gia đình và xã hội.

Quan điểm giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình tại phiên toà: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt cho Lê Vũ Nhật B từ 3- 6 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”, giảm cho Phạm Ngọc S từ 3- 6 tháng tù, chuyển bị cáo Võ Ngọc D và Đậu Mạnh T1 sang hình phạt cải tạo không giam giữ, không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên mức hình phạt đối với Phạm Văn H và Nguyễn Anh T.

Ý kiến của ông Hà Nhật L4 – Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Bình là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Lê Vũ Nhật B cho rằng tại khu vực quán BR, B chỉ có hành vi gây thương tích cho S1 mà không tham gia gây rối, tại nhà ông D1 thì B chưa đánh đã bị đuổi chạy nên B không phạm tội Gây rối trật tự công cộng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Phạm Văn H, Võ Ngọc D, Phạm Ngọc S, Nguyễn Anh T, Đậu Mạnh T2 đã khai và thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như cáo trạng của Viện kiểm sát và án sơ thẩm đã nhận xét. Vì vậy có đủ cơ sở để khẳng định các bị cáo các bị cáo Phạm Văn H bị Toà án nhân dân huyện Quảng Trạch xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” và “Gây rối trật tự công cộng”, các bị cáo Phan Trung K1,Võ Ngọc D, Phạm Ngọc S, Nguyễn Anh T, Phạm Minh Đ và Đậu Mạnh T1 bị Toà án nhân dân huyện Quảng Trạch xét xử về tội “Gây rối trật tự công cộng” là đúng người, đúng tội, có căn cứ pháp luật.

Hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Văn H bị Toà án cấp sơ thẩm xử phạt 15 tháng tù về tội: “Cố ý gây thương tích”, 24 tháng tù về tội: “Gây rối trật tự công cộng”, tổng hợp hình phạt chung của cả 2 tội là 39 tháng tù. Bị cáo Lê Vũ Nhật B bị Toà án cấp sơ thẩm xử phạt 10 tháng tù về tội: “Cố ý gây thương tích, 15 tháng tù về tội: “Gây rối trật tự công cộng”, tổng hợp hình phạt chung của cả 2 tội là 25 tháng tù. Các bị cáo Phan Trung K1, Phạm Ngọc S, Võ Ngọc D, Nguyễn Anh T mỗi bị cáo bị Toà án cấp sơ thẩm xử phạt 24 tháng tù, bị cáo Phạm Minh Đ bị xử phạt 15 tháng tù, bị cáo Đậu Mạnh T1 bị xử phạt 12 tháng tù đều về tội: “Gây rối trật tự công cộng”. Sau khi xét xử sơ thẩm Phan Trung K và Phạm Minh Đ không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị nên án sơ thẩm xét xử đối với các bị cáo có hiệu lực pháp luật.

[2] Xét kháng cáo của các bị cáo Phạm Văn H, Lê Vũ Nhật B, Võ Ngọc D, Phạm Ngọc S, Nguyễn Anh T, Đậu Mạnh T, Hội đồng phúc thẩm xét xử thấy rằng:

Vào ngày 30/5/2018, các bị cáo Phạm Văn H, Lê Vũ Nhật B, Võ Ngọc D, Phạm Ngọc S, Nguyễn Anh T, Đậu Mạnh T đã có hành vi cùng các bị cáo Phan Trung K1, Phạm Minh Đ và một số thanh niên của các xã Q1, Q,C2 đến quán BR ở thôn L2, xã Q1 để nhậu và hát Karaoke, sau đó do có mâu thuẫn từ trước, nên trong quá trình nhậu và hát tại quán Bara giữa hai nhóm thanh niên C2, Q1 với nhóm thanh niên Q nên đã xảy ra cải cọ, xâu ẩu, đánh đuổi nhau, gây mất trật tự tại địa bàn gây án. Trong lúc xâu ẩu các bị cáo có sử dụng dao, kéo và que gỗ để đánh nhau. Bị cáo Phạm Văn H đã dùng kéo đâm vào vùng bụng của Nguyễn Văn N1, gây thương tích tỷ lệ 18%; bị cáo Lê Vũ Nhật B đã dùng dao chém gây thương tích cho Phạm Hồng S1, tỷ lệ thương tật 14%. Phan Trung K1 dùng que gỗ đánh Phạm Ngọc S, gây thương tích tỷ lệ 5%; Nguyễn Anh T, sau khi nhận được điện thoại của Phạm Ngọc S cũng đã mang dao đến quán BR và tham gia đánh nhau, gây rối với nhóm thanh niên xã Q. Việc xâu ẩu, đánh nhau của các bị cáo không chỉ dừng lại ở quán BR, sau khi bị K1, H và D dùng que gỗ đánh, thì khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày, S rũ B, T tìm nhóm Q để đánh tiếp nên B quay về nhà lấy 01 con dao, T mang theo 01 con dao bằng, S nhặt 01 ống tuýp sắp mang theo đến nhà của Võ Ngọc D ở xã Q và tiếp tục gây sự với ông D1, bà H3 và anh D2 là bố, mẹ và anh trai của D. Hậu quả đánh gây thương tích cho anh D2 tỷ lệ 2%, ông D1 và bà H3 bị thương phần mềm, tỷ lệ 0%.

Hành vi phạm tội mà các bị cáo đã thực hiện là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ, gây mất trật tự tại quán nhậu là nơi có đông người và gây nên sự bất bình trong quần chúng nhân dân. Việc các bị cáo Phạm Văn H, Lê Vũ Nhật B, Võ Ngọc D, Phạm Ngọc S, Nguyễn Anh T, Đậu Mạnh T kháng cáo cho rằng mức hình phạt mà Toà án cấp sơ thẩm đã xử phạt đối với các bị cáo là nặng, nên các bị cáo Phạm Văn H, Đậu Mạnh T, Phạm Ngọc S đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ mức hình phạt, các bị cáo Nguyễn Anh T, Võ Ngọc D xin giảm nhẹ và xin được hưởng án treo; bị cáo Lê Vũ Nhật B kháng cáo cho rằng bị cáo chỉ phạm tội “Cố ý gây thương tích” mà không phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”, xin được giảm mức hình phạt mà được hưởng án treo để cải tạo tại địa phương. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:

Bị cáo Lê Vũ Nhật B cho rằng mình không phạm tội Gây rối trật tự công cộng, Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo cho rằng B tại khu vực quán BR B chỉ có hành vi gây thương tích cho S1 mà không tham gia gây rối, tại nhà ông Da, B chưa đánh thì bị đuổi chạy nên B không phạm tội Gây rối trật tự công cộng. Các chứng cứ cho thấy: sau khi nghe có người đánh S thì B chạy vào khu vực bếp của quán lấy 01 con dao định chạy ra khu vực đánh nhau thì bị anh V2 chủ quán ngăn và lấy dao lại. Lấy không được dao B lại chạy ra khu vực sân quán vẫn thấy hai nhóm đang đánh nhau nên B lại quay lại khu vực bếp để lấy bằng được con dao, lúc này không có người can ngăn nên B cầm dao ra sân vị trí giữa khu vực nhậu và hát, cách vị trí đánh nhau khoảng 03 đến 04 mét, cầm dao lao vào đâm về hướng nhóm Q làm trúng tay phải của S1. Tiếp đó, vào khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày, B còn cùng với S, T tiếp tục tìm nhóm Q để đánh, B quay về nhà lấy 01 con dao, T mang theo 01 con dao bằng, S nhặt 01 ống tuýp sắp mang theo đến nhà của D ở xã và tiếp tục gây sự với ông D1, bà H3 và anh D2 là bố, mẹ và anh trai của D. Hành vi của Lê Vũ Nhật B trong vụ án này là rất hung hãn, mặc dù lúc phạm tội bị cáo mới hơn 17 tuổi nhưng bị cáo Bảo đã tham gia gây rối tại 02 địa điểm khác nhau trong cùng một đêm. Hành vi của Lê Vũ Nhật B đã gây thương tích đối với ông D1, bà H3 và anh D không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng phải chịu trách nhiệm đối với hành vi Gây rối trật tự công cộng. Do đó, bị cáo đã bị truy tố và xét xử về 2 tội “Cố ý gây thương tích” và “Gây rối trật tự công cộng” là đúng người, đúng tội, không oan. Mức hình phạt hình phạt 10 tháng tù về tội: “Cố ý gây thương tích” mà Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo là đã xem xét đến hành vi và các tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo đáng được hưởng được quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS. Tuy nhiên hình phạt 15 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng” là có phần nghiêm khắc.

Đối với bị cáo Phạm Văn H: Khi phạm tội bị cáo H không có tiền án, tiền sự nhưng bị cáo có nhân thân xấu, đã từng bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi “Cố ý gây thương tích”, bị cáo không lấy đó để làm bài học cho bản thân mà lại phạm tội, mặt khác trong vụ án này bị cáo là đối tượng có độ tuổi lớn hơn so với các bị cáo khác, đáng lẽ ra trong vụ án này bị cáo phải là người khuyên ngăn các bị cáo khác nhưng ngược lại bị cáo lại tham gia vào nhóm để gây rối và dùng kéo là hung khí nguy hiểm đâm vào bụng của anh Nguyễn Văn N1, gây thương tích cho anh Nguyễn Văn N1 18%, do đó bị cáo Phạm Văn H bị Toà án cấp sơ thẩm xử phạt 15 tháng tù về tội: “Cố ý gây thương tích” và 24 tháng tù về tội: “Gây rối trật tự công cộng”. Tại phiên tòa phúc thẩm không có tình tiết giảm nhẹ gì mới. Án sơ thẩm xử phạt H 39 tháng tù về cả 2 tội là thỏa đáng.

Đối với bị cáo Nguyễn Anh T: khi nhận được điện thoại của Phạm Ngọc S, T đã mang dao đến quán BR để tham gia đánh nhau sau đó S còn cùng với B và Anh T đi tìm nhóm Q để đánh tiếp nên S đã cùng Anh T và Lê Vũ Nhật B nên đã đến nhà của Võ Ngọc D tiếp tục gây sự với ông D1, bà H3 và anh D2 và đã gây thương tích đối với những người này. Hậu quả làm cho anh D2, ông D1, bà H3 đều bị thương. Tuy bị cáo không bị truy cứu về tội “Cố ý gây thương tích” nhưng hành động của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây mất trật tự tại địa phương nơi các bị cáo gây án, hành vi của các bị cáo đã bị Toà án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 24 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” là có căn cứ. Hiện tại bị cáo đang bị tạm giam về một vụ án khác nên không thể chấp nhận kháng cáo của Nguyễn Anh T.

Đối với các bị cáo Phạm Ngọc S, Đậu Mạnh T và bị cáo Võ Ngọc D thấy rằng: Bị cáo Đậu Anh T là người đầu tiên của nhóm 1 – C2 qua phòng hát của nhóm thanh niên Q để gây sự và có hành vi dùng tay đánh vào mặt của K1. Bị cáo Võ Ngọc D thuộc nhóm thanh niên Q1 bị Phạm Ngọc S đánh nên D quay lại đánh trả từ đó dẫn tới hai nhóm thanh niên đánh nhau, rượt đuổi gây rối tại khu vực quán BR. Hành vi của các bị cáo đã bị Toà án cấp sơ thẩm xử phạt về tội “Gây rối trật tự công cộng” là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, xét về hành vi phạm tội của các bị cáo so với các bị cáo khác trong vụ án là có phần nhẹ hơn. Các bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, đều có thái độ ăn năn hối cải. Bị cáo Dương đang bị bệnh hen suyễn từ nhỏ, bố mẹ hay đau yếu, có có 3 em còn nhỏ, bị cáo là lao động chính trong gia đình. Trong trận lụt bão năm 2016 bị cáo đã có công trong việc giúp dân khắc phục thiệt hại, bên cạnh đó trong một lần đi biển bị cáo đã có công cứu anh Đồng Ánh D3 bị rơi xuống biển, hành động đó của bị cáo được những người bị cáo giúp đỡ đã chứng nhận và có xác nhận của chính quyền địa phương. Bị cáo D phạm tội là do bị Ngọc S đánh trước và cũng bị gây thương tích; Bị cáo Phạm Ngọc S trong vụ án này cũng là người bị gây thương tích và là bị hại trong vụ án, bố đã chết, mẹ ở Đài Loan, Sơn là lao động chính lại đang ở với ông nội 83 tuổi. Vì vậy, cần áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm e, i khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS cho bị cáo D, áp dụng thêm điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS đối với Phạm Ngọc S và Đậu Mạnh T1 để chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, cho các bị cáo Đậu Mạnh T và Võ Ngọc D được cải tạo tại địa phương mà không cần cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội, không cần khấu trừ thu nhập do thu nhập thiếu ổn định, giảm một phần hình phạt cho Phạm Ngọc S.

[3] Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[4] Về án phí: Kháng cáo của các bị cáo Phạm Văn H, Nguyễn Anh T không được cấp phúc thẩm chấp nhận nên các bị cáo phải chịu 200.000đ án phí hình sự phúc thẩm.

Các bị cáo Lê Vũ Nhật B, Phạm Ngọc S, Võ Ngọc D, Đậu Mạnh T1 kháng cáo được cấp phúc thẩm chấp nhận nên các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ vào điểm a, b khoản 1 Điều 355 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015, xử:

Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo: Phạm Văn H, Nguyễn Anh T, giữ y án sơ thẩm đối với các bị cáo Phạm Văn H, Nguyễn Anh T;

Chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Lê Vũ Nhật B, Phạm Ngọc S, Võ Ngọc D, Đậu Mạnh T, sửa hình phạt của bản án sơ thẩm đối với Lê Vũ Nhật B, Phạm Ngọc S, Võ Ngọc D, Đậu Mạnh T.

- Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134, các điểm b, s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51; Điều 54; điểm b khoản 2 Điều 318; điểm s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51và Điều 55 BLHS, xử phạt: Bị cáo Phạm Văn H 15 (mười lăm) tháng tù về tội “Cố ý gây thường tích” và 24 (hai mươi bốn) tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Tổng hợp hình phạt của hai tội, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 39 (ba mươi chín) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam ngày 21/9/2018.

Tiếp tục tạm giam bị cáo Phạm Văn H với thời hạn 45 ngày theo quyết định tạm giam của Hội đồng xét xử phúc thẩm, để đảm bảo thi hành án.

- Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134, các điểm b, s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 91; Điều 101; điểm b khoản 2 Điều 318; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 91; Điều 101 và Điều 55 BLHS, xử phạt: Bị cáo Lê Vũ Nhật B 10 (mười) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” và 9 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Tổng hợp hình phạt của hai tội, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 19 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.

- Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 318; điểm I, s khoản 1 Điều 51 Điều 54 BLHS, xử phạt:

Bị cáo Phạm Ngọc S 12 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.

Bị cáo Nguyễn Anh T 24 (hai mươi bốn) tháng tù về tội “Gây rối trật tự công công”. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.

- Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 318; điểm e, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS, xử phạt xử phạt: Bị cáo Võ Ngọc D 24 (hai mươi bốn) tháng cải tạo không giam giữ. Thời hạn chấp hành hình phạt kể từ ngày cơ quan, tổ chức giao giám sát giáo dục bị cáo nhận được quyết định thi hành án và bản án.

- Căn cứ khoản 1 Điều 318; điểm i, s khoản 1 Điều 51 BLHS, xử phạt: bị cáo Đậu Mạnh T1 12 (mười hai) tháng cải tạo không giam giữ. Thời hạn chấp hành hình phạt kể từ ngày cơ quan, tổ chức giao giám sát giáo dục bị cáo nhận được quyết định thi hành án và bản án.

Miễn khấu trừ thu nhập cho các bị cáo Võ Ngọc D, Đậu Mạnh T, trong thời gian chấp hành hình phạt. Giao bị cáo Võ Ngọc D cho UBND xã Q, huyện T2, tỉnh Quảng Bình giám sát, giáo dục trong thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Giao bị cáo Đậu Mạnh T1 cho UBND xã C2, huyện T, tỉnh Quảng Bình giám sát, giáo dục trong thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ.

2. Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

3. Về án phí: Các bị cáo Phạm Văn H, Nguyễn Anh T phải chịu 200.000đ án phí hình sự phúc thẩm. Các bị cáo Lê Vũ Nhật B, Phạm Ngọc S, Võ Ngọc D, Đậu Mạnh T1 không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

574
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 31/2019/HS-PT ngày 15/03/2019 về tội gây rối trật tự công cộng

Số hiệu:31/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Bình
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 15/03/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;