TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 31/2018/HNGĐ-PT NGÀY 13/11/2018 VỀ TRANH CHẤP LY HÔN, CHIA TÀI SẢN KHI LY HÔN
Trong các ngày 06 và 13 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án hôn nhân và gia đình thụ lý số 08/2018/TLPT-HNGĐ ngày 14 tháng 5 năm 2018 về việc “tranh chấp ly hôn, chia tài sản khi ly hôn”.
Do Bản án hôn nhân va gia đình sơ thẩm số 11/2018/HNGĐ-ST ngày 13/3/2018 của Tòa án nhân dân huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 13/2018/QĐPT- HNGĐ, ngày 31 tháng 7 năm 2018, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Lữ Ngọc C, sinh năm 1956; cư trú tại: Ấp 3, xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương, có mặt.
- Bi đơn: Bà Lê Thị C, sinh năm 1958; cư trú tại: Ấp 3, xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương, có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Chị Lữ Thị H, sinh năm 1982; cư trú tại: Ấp 4, xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương.
2. Chị Lữ Thị N, sinh năm 1984; cư trú tại: Ấp 3, xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương.
3. Chị Lữ Thị Bé N, sinh năm 1986; cư trú tại: Số 6/2, ấp 6, xã Đ, huyện H, Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Chị Lữ Thị N1, sinh năm 1988; cư trú tại: Ấp 3, xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương.
5. Anh Lữ Ngọc H, sinh năm 1990; cư trú tại: Ấp 3, xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị H, chị N, chị Bé N, chị N1, anh H: Chị Lê Thị L, sinh năm 1991; cư trú tại: Ấp 1, xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương, là người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (văn bản ủy quyền ngày 07/8/2017 và ngày 18/01/2018), có mặt.
6. Ông Lê Xuân T, sinh năm 1983; cư trú tại: Ấp 3, xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
7. Ông Lê Văn H, sinh năm 1966; cư trú tại: Ấp 3, xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
8. Bà Đỗ Thị H, sinh năm 1970; cư trú tại: Ấp 3, xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
- Người kháng cáo:Nguyên đơn: Ông Lữ Ngọc C; bi đơn bà Lê Thị C và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Lữ Thị H, chị Lữ Thị N, chị Lữ Thị Bé N, chị Lữ Thị N1, anh Lữ Ngọc H.
Theo bản án sơ thẩm:
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện ngày 08/7/2016, đơn khởi kiện bổ sung ngày 19/5/2017, trong quá trình tham gia tố tụng và tại phiên tòa, nguyên đơn Ông Lữ Ngọc C trình bày:
Về hôn nhân: Năm 1981, ông và bà Lê Thị C chung sống với nhau và có đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã T, huyện T, tỉnh Thanh Hóa, đến năm 1984, ông, bà vào sống tại xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương. Hôn nhân giữa ông bà là tự nguyện, không ai ép buộc. Vợ chồng chung sống hanh phuc đến năm 2014 thi phat sinh mâu thuân. Nguyên nhân mâu thuẫn là do ông và bà C bất đồng quan điểm trong cuộc sống, không tôn trọng nhau, ông bà đã ly thân từ năm 2014 cho đến nay. Cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, tình trạng hôn nhân trầm trọng không thể hàn gắn, mục đích hôn nhân không đạt được nên ông C yêu cầu Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Dương giải quyết cho ông được ly hôn với bà C.
Về con chung: Trong quá trình sống chung, ông C và bà C có 05 người con chung: Lữ Thị H, sinh năm 1982; Lữ Thị N, sinh năm 1984; Lữ Thị B, sinh năm 1986 nay là Lữ Thị Bé Nc; Lữ Thị L, sinh năm 1988 nay là Lữ Thị N1 và Lữ Ngọc C, sinh năm 1989 nay là Lữ Ngọc H, sinh năm 1990. Việc thay đổi, cải chính hộ tịch của các anh chị: Lữ Thị B thành Lữ Thị Bé N; Lữ Thị L thành Lữ Thị N1 và Lữ Ngọc C1, sinh năm 1989 thành Lữ Ngọc H, sinh năm 1990 là do sai sót khi làm sổ hộ khẩu, tên và năm sinh khác với giấy khai sinh nên vào năm 2004, ông C đã tiến hành làm thủ tục thay đổi. Các con chung của ông và bà C đã trưởng thành, không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Về tài sản chung: Trong quá trình chung sống, ông và bà C tạo lập được ba phần đất và các tài sản trên đất cụ thể như sau:
Phần đất diện tích 1.714m2 thuộc thửa 09, tờ bản đồ số 10 tọa lạc tại xã T, huyện B, qua đo đạc thực tế có diện tích là 1.834,3m2. Phần đất này đã chuyển nhượng cho ông Lê Văn H và bà Đỗ Thị H diện tích 284,2m2 (trong đó 151,5m2 HLATĐB) chưa tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích còn lại là 1.550,1m2 trong đó (100m2 ONT, 1.183,7m2 CLN và 266,4m2 HLATĐB). Trên đất có căn nhà cấp 4 diện tích 132,4m2, một số công trình phụ và 53 cây cao su. Nguồn gốc phần đất này là do ông C và bà C nhận chuyển nhượng của ông T và bà D từ năm 1993. Ông C yêu cầu chia ½ diện tích phần đất này, đồng ý giao phần đất có nhà và đất thổ cư cho bà C quản lý, sử dụng và bà C có trách nhiệm hoàn lại ½ giá trị nhà và đất thổ cư cho ông, còn 53 cây cao su chia trên phần đất của ai thì người đó hưởng và hoàn lại trị giá cây cao su nếu ai được chia nhiều hơn, riêng các công trình phụ còn lại trên đất và các cây trồng khác thì ông không tranh chấp không yêu cầu Tòa án giải quyết. Không đồng ý chia phần đất này cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị H, chị N, chị Bé N, chị N1 và anh H.
Phần đất diện tích 12.606m2 thuộc thửa 07, tờ bản đồ số 25 tọa lạc tại xã T, huyện B, qua đo đạc thực tế có diện tích là 12.243,6m2 (trong đó 11.500,2m2 CLN; 743,4m2 HLATĐB và diện tích mương nước). Trên phần đất này có 600 cây cao su và 01 căn nhà tạm. Nguồn gốc phần đất này do ông và bà C nhận chuyển nhượng của ông T từ năm 1995 với giá 7,5 chỉ vàng 9999. Ông C yêu cầu chia ½ diện tích đất và 300 cây cao su. Không đồng ý chia phần đất này cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị H, chị N, chị Bé N, chị N1 và anh H.
Phần đất diện tích 675m2thuộc thửa 111, tờ bản đồ số 07 (nay là tờ số 02) tọa lạc tại xã T, huyện B, qua đo đạc thực tế có diện tích là 660,3m2 (trong đó 585,4m2CLN), trên phần đất có 48 cây cao su. Nguồn gốc là nhận chuyển nhượng của ông D từ năm 2007, tiền do vợ chồng tích góp từ việc cạo mủ cao su và chăn nuôi mà có. Ông yêu cầu chia ½ diện tích đất và 24 cây cao su trên đất, yêu cầu chia bằng hiện vật.
Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn ông C có đơn xin rút lại một phần yêu cầu khởi kiện đối với thửa đất số 09, tờ bản đồ số 10 phần đất đã chuyển nhượng cho ông H và bà H diện tích 284,2m2 (trong đó có 151,5m2 HLATĐB).
Về nợ chung: Ông C không tranh chấp, không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tại bản tự khai ngày 20/7/2016, trong quá trình tham gia tố tụng và tại phiên tòa bị đơn Bà Lê Thị C trình bày:
Về hôn nhân: Bà thống nhất ý kiến của ông C về thời gian chung sống là từ năm 1981, đến năm 1984, vợ chồng vào sống tại xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương, bà và ông C không có đăng ký kết hôn tại Uỷ ban nhân dân xã T, huyện T, tỉnh Thanh Hóa. Năm 2005, ông bà có đến Ủy ban nhân dân xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương đăng ký kết hôn. Vợ chồng chung sống hanh phuc đến tháng 8 năm 2014 thi phat sinh mâu thuân, do không hợp nhau, nên ông bà ly thân từ đó cho đến nay. Nay ông C yêu cầu ly hôn, bà đồng ý ly hôn với ông C.
Về con chung: Bà thống nhất ý kiến của ông C trình bày về con chung và việc thay đổi họ tên năm sinh của con chung, các con chung đã trưởng thành không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Về tài sản chung: Bà thống nhất ý kiến trình bày của ông C, trong quá trình chung sống, bà và ông C có tạo lập và nguồn gốc của ba phần đất như ông C trình bày. Tuy nhiên, để tạo được các tài sản trên đều có công sức đóng góp của 05 người con nên bà không đồng ý chia như yêu cầu của ông C mà phải chia cho các con mỗi người một phần. Ngoài các tài sản ông C trình bày, bà và ông C còn có căn nhà diện tích khoảng 300m2 tại xã T, huyện T, tỉnh Thanh Hóa do ông Lữ Ngọc C2 (em ông C) đứng tên giùm ông bà, bà không có ý kiến gì và không tranh chấp gì đối với căn nhà này nên không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Về nợ chung: Bà và ông C nợ anh Lê Xuân T và chị Lữ Thị N (con rể và con ruột) số tiền 354.000.000đồng, ông Lữ Ngọc C2 còn nợ vợ chồng ông bà số tiền 160.000.000đồng, bà không có ý kiến gì về nợ chung, không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tại đơn yêu cầu độc lập ngày 12/12/2016, đơn yêu cầu độc lập bổ sung ngày 09/11/2017, trong quá trình tham gia tố tụng và tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Lữ Thị H, chị Lữ Thị N, chị Lữ Thị Bé N, Chị Lữ Thị N1 và anh Lữ Ngọc H và người đại diện ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Lê Thị L thống nhất trình bày:
Về vấn đề thay đổi cải chính hộ tịch của những người trong hộ khẩu là: Chị Lữ Thị B thành Lữ Thị Bé N; chị Lữ Thị L thành Lữ Thị N1 và anh Lữ Ngọc C1, sinh năm 1989 thành Lữ Ngọc H, sinh năm 1990 là do sai sót khi làm sổ hộ khẩu khác với giấy khai sinh nên ông C đã tiến hành làm thủ tục thay đổi, việc này các anh chị không có ý kiến gì và thống nhất ý kiến của ông C trình bày.
Về tài sản chung: Đối với ba phần đất Ông Lữ Ngọc C yêu cầu chia gồm phần đất thuộc thửa 09, tờ bản đồ số 10;phần đất thuộc thửa 07, tờ bản đồ số 25 và thửa 111, tờ bản đồ 07 (nay là 02) tại xã T, huyện B. Các chị em thống nhất về nguồn gốc hình thành như ông C, bà C trình bày. Tuy nhiên, ông C và bà C đứng tên là đại diện chủ hộ, nguồn vàng và tiền để nhận chuyển nhượng ba phần đất này là do các anh, chị có đóng góp tiền và công sức đối với ba phần đất này nên không đồng ý yêu cầu của ông C. Vào năm 1994, ông C nghỉ làm công nhân và bệnh tật nên chỉ ở nhà không có thu nhập, ba phần đất này do bà C và 05 chị em lao động làm các công việc như đi cắt cỏ tranh về đan thành từng tấm để bán, làm thuê, cạo mủ, quét lá, trút mủ, làm máng che mưa, bôi thuốc, trút mủ lại, lấy mủ đất, lấy củi, mủ dây và mót mủ chén... để kiếm tiền đưa về cho ba mẹ, theo tập quán tại địa phương này, người càng nhỏ tuổi thì làm càng được nhiều tiền hơn người lớn tuổi, căn cứ vào lời khai của người làm chứng và lời trình bày của Trưởng ấp thì các anh chị em có công sức đóng góp đối với các phần đất này. Các chị em cũng không muốn tranh chấp đối với ba phần đất này nhưng nếu ông C và bà C ly hôn, 05 chị em sợ ông C bán tài sản cho người khác và không còn tài sản lo về già nên yêu cầu chia cho 05 chị em mỗi người được hưởng đối với từng phần đất cụ thể như sau:
Đối với phần đất thuộc thửa 09, tờ bản đồ số 10 diện tích đo đạc thực tế sau khi trừ hành lang an toàn đường bộ, phần đất chuyển nhượng cho ông H, bà Hvà đất ở nông thôn giao cho bà C (không tranh chấp) thì còn lại 1.183,7m2 CLN yêu cầu chia 06 phần bằng nhau. Chia cho chị H, chị N, chị Bé N, chị N1 mỗi người diện tích 197m2 CLN, yêu cầu nhận bằng hiện vật. Riêng anh Hiếu yêu cầu hưởng giá trị tăng từ quyền sử dụng đất từ khi nhận chuyển nhượng đến thời điểm hiện nay giá trị 15% số tiền là 31.695.000 đồng. Đối với nhà và cây cao su trên đất có giá 251.125.000đồng, yêu cầu chia 7 phần bằng nhau; chị H, chị N, chị Bé N, chị N1 và anh H mỗi người hưởng 01 phần, đồng ý giao nhà và đất ở nông thôn cho bà C quản lý, sử dụng, bà C có trách nhiệm hoàn tiền giá trị căn nhà lại cho 05 chị em, về đất ở nông thôn không tranh chấp. Riêng các công trình phụ và tài sản trên đất còn lại không tranh chấp, sau khi chia đất nằm trên phần đất của ai thì người đó hưởng. Đối với phần đất thuộc thửa 07, tờ bản đồ số 25 diện tích đo đạc thực tế là 11.500,2m2, trên đất có 600 cây cao su yêu cầu chia 07 phần bằng nhau; chị H, chị N, chị Bé N, chị N1 và anh H mỗi người hưởng 01 phần có diện tích 1.800m2 và cây cao su trên đất, yêu cầu chia bằng hiện vật.
Đối với phần đất thuộc thửa 111, tờ bản đồ số 7 (nay là số 2) diện tích đo đạc thực tế là 585,4m2 trên đất có 48 cây cao su, yêu cầu chia 07 phần bằng nhau chị H, chị N, chị Bé N, chị N1 và anh H mỗi người một phần, do diện tích ít nên không yêu cầu chia hiện vật mà yêu cầu chia giá trị bằng tiền. Trong quá trình tham gia tố tụng, người đại diện của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị H, chị N, chị Bé N, chị N1 và anh H là chị L có đơn xin rút lại một phần yêu cầu khởi kiện đối với thửa đất số 09, tờ bản đồ số 10 đối với phần đất đã chuyển nhượng cho ông H và bà H diện tích 284,2m2 (trong đó có 151,5m2 HLATĐB).
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lê Văn H và bà Đỗ Thị H thống nhất trình bày: Vào năm 1995, ông bà có nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông C và bà C diện tích đất ngang 17 mét, dài 15m diện tích khoảng 255m2 giá là 2.800.000đồng, hai bên có viết giấy tay, chưa sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã làm hàng rào sử dụng ổn định cho đến nay không xảy ra tranh chấp. Nay ông bà không yêu cầu Tòa án giải quyết đối với phần đất này.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Lê Xuân T và chị Lữ Thị N trình bày: Anh chị có cho ông C và bà C vay số tiền tổng cộng là 354.000.000đồng, việc vay mượn không có làm giấy tờ, nay anh chị không yêu cầu Tòa án giải quyết trong vụ án này.
Tại Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 11/2018/HNGĐ-ST ngày 13/3/2018 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Dương đã tuyên xử:
1. Về hôn nhân: Ghi nhận sự tự nguyện ly hôn giữa ông Lữ Ngọc C và bà Lê Thị C.
2. Về con chung: Các con đã trưởng thành không yêu cầu Tòa án giải quyết.
3. Về tài sản chung:
- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với phần đất diện tích 1.550,1m2 thuộc một phần thửa 09, tờ bản đồ số 10, tại xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương.
Ông C được quyền quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 661,8m2 (trong đó 528,6m2 CLN, 133,2m2 HLATĐB) và 44 cây cao su.
Phần đất có tứ cận:
Phía Nam giáp các thửa: thửa 04 dài 8,97m, thửa 06 dài 9,3m và thửa 07 dài 8,14m;
Phía Bắc giáp đường đất dài 26,63m;
Phía Đông giáp một phần thửa 09 dài 16,34m; Phía Tây giáp một phần thửa 09 dài 32,4m.
(ký hiệu B).
Bà Lê Thị C được quyền quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 888,3m2 (trong đó 100m2 ONT, 655,1m2 CLN, 133,2m2 HLATĐB), trên đất có căn nhà cấp 4 diện tích 132,9m2 và 09 cây cao su.
Phần đất có tứ cận:
Phía Nam giáp các thửa: thửa 04 dài 26,38m; Phía Bắc giáp đường đất dài 26,63m;
Phía Đông giáp một phần thửa 09 dài 32,41m; Phía Tây giáp thửa 05 dài 33,96m.
(ký hiệu A).
Có sơ đồ bản vẽ kèm theo.
Bà Lê Thị C có trách nhiệm thanh toán lại cho Ông Lữ Ngọc C số tiền 149.384.500đồng (một trăm bốn mươi chín triệu ba trăm tám mươi bốn nghìn năm trăm đồng).
Chấp nhận một phần yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị H, chị N, chị Bé N, chị N1 và anh H đối với thửa 09, tờ bản đồ số 10 tại xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương.
Bà Lê Thị C và ông Lữ Ngọc C có trách nhiệm thanh toán cho chị H số tiền 20.250.300 đồng (hai mươi triệu hai trăm năm mươi nghìn ba trăm đồng); chị Nga 16.200.240 đồng (mười sáu triệu hai trăm nghìn hai trăm bốn mươi đồng); chị Bé N, chị N1 và anh H mỗi người số tiền 12.150.180 đồng (mười hai triệu một trăm năm mươi nghìn một trăm tám mươi đồng).
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lữ Ngọc C, không chấp nhận yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị H, chị N, chị Bé N, chị N1, anh H đối với phần đất thuộc thửa 07, tờ bản đồ số 25, tại xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương.
Ông C được quyền quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 6.184m2 (trong đó 5.750,1m2 CLN, 354m2 HLATĐB và 79,9m2 mương nước) và 300 cây cao su.
Phần đất có tứ cận:
Phía Nam giáp đường đất dài 74,42m; Phía Bắc giáp thửa 06 dài 80.37m; Phía Đông giáp đường lô dài 79,10m;
Phía Tây giáp một phần thửa 07 dài 79,9m. (ký hiệu B).
Bà Lê Thị C được quyền quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 6.364,4m2 trong đó (5.750,1m2 CLN, 389,4m2 HLATĐB và 224,9m2 mương nước) và 300 cây cao su trên đất.
Phần đất có tứ cận:
Phía Nam giáp đường đất dài 77,80m; Phía Bắc giáp thửa 06 dài 3,18m;
Phía Đông giáp một phần thửa 07 dài 79,90m; Phía Tây giáp đường lô dài 81,21.
(ký hiệu A).
Có sơ đồ bản vẽ kèm theo.
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lữ Ngọc C, không chấp nhận yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị H, chị N, chị Bé N, chị N1, anh H đối với phần đất thuộc thửa 111, tờ bản đồ số 07 (nay là tờ số 02) tại xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương.
Ông C được quyền quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 330,14m2 trong đó (292,7m2 CLN, 37,44m2 HLATĐB) và 24 cây cao su (ký hiệu B).
Phần đất có tứ cận:
Phía Nam giáp thửa 213 và thửa 269 dài 7,45m; Phía Bắc giáp đường đất dài 7,5m;
Phía Đông giáp thửa 288 dài 44,11m;
Phía Tây giáp một phần thửa 111 dài 44,26m.
(ký hiệu B).
Bà Lê Thị C được quyền quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 330,16m2 trong đó (292,7m2 CLN, 37,46m2 HLATĐB), trên đất có 24 cây cao su.
Phần đất có tứ cận:
Phía Nam giáp thửa 213 và thửa 212 dài 7,4m; Phía Bắc giáp đường đất dài 7,5m;
Phía Đông giáp một phần thửa 111 dài 44,26m; Phía Tây giáp thửa 242 dài 44,36m.
(ký hiệu A).
Có sơ đồ bản vẽ kèm theo.
4. Đình chỉ một phần đối với yêu cầu của nguyên đơn ông C và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị H, chị N, chị Bé N, chị N1 và anh H đối với phần đất diên tich là 434,09m2 (trong đó 284,2m2 CLN, 151,89m2 HLATĐB) thuôc một phần thưa đất số thửa số 09, tờ bản đồ số 10 toa lac tại xa T, huyên B, tinh Binh Dương. Nếu có tranh chấp thì có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật.
5. Về nợ chung: Không tranh chấp nên Tòa án không xem xét giải quyết. Ngoài ra bản án còn tuyên về chi phí thẩm định, đo đạc, định giá, án phí dân sự sơ thẩm, trách nhiệm thi hành án và quyền kháng cáo.
Sau khi có bản án sơ thẩm:
- Ngày 21/3/2018, nguyên đơn ông Lữ Ngọc C kháng cáo một phần bản án sơ thẩm đối với phần đất và tài sản trên đất thuộc thửa số 09, tờ bản đồ số 10 tọa lạc tại xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương. Ông C không đồng ý chia cho các con;
- Ngày 26/3/2018, bị đơn bà Lê Thị C kháng cáo bản án sơ thẩm theo hướng chia đều toàn bộ tài sản tranh chấp cho 07 thành viên trong gia đình theo yêu cầu độc lập của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Ngày 26/3/2018, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Lữ Thị H, chị Lữ Thị N, chị Lữ Thị Bé N, chị Lữ Thị N1, anh Lữ Ngọc H kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết theo hướng:
+ Đối với thửa đất thuộc thửa đất số 09 chia đều cho 06 thành viên trong hộ ông Lữ Ngọc C gồm: Ông C, bà C, chị H, chị N, chị Bé N và chị N1.
+ Đối với 53 cây cao su, căn nhà và tài sản khác gắn liền trên thửa đất số 09 chia đều cho 07 thành viên trong hộ ông C gồm: Ông C, bà C, chị H, chị N, chị Bé N, chị N1 và anh Hiếu.
+ Đối với quyền sử dụng đất thuộc thửa đất số 07 và 600 cây cao su, căn nhà tạm gắn liền trên thửa đất này: Chia đều cho 07 thành viên trong hộ ông C gồm: Ông C, bà C, chị H, chị N, chị Bé N, chị N1 và anh H.
+ Quyền sử dụng đất thuộc thửa đất số 111, 45 cây cao su gắn liền trên thửa đất số 111; chia đều cho 07 thành viên trong hộ ông C gồm: Ông C, bà C, chị H, chị N, chị Bé N, chị N1 và anh H.
- Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo; bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và xác định kháng cáo một phần bản án sơ thẩm về chia tài sản chung. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương phát biểu quan điểm:
Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng đã thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Về nội dung: Nguyên đơn Ông Lữ Ngọc C kháng cáo một phần bản án sơ thẩm nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn rút yêu cầu kháng cáo nên đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn. Đối với kháng cáo của bị đơn bà Lê Thị C và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Lữ Thị H, Lữ Thị N, Lữ Thị Bé N, Lữ Thị N1 và anh Lữ Ngọc H về việc chia tài sản chung: Xét nguồn gốc tài sản tranh chấp do nguyên đơn và bị đơn tạo lập trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng. Bà C cho rằng bà C đi làm, còn ông C ở nhà làm nội trợ nên bà C có công sức đóng góp nhiều hơn ông C nhưng bà C không yêu cầu được chia nhiều hơn mà chỉ yêu cầu chia đều cho 07 thành viên trong gia đình. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì vợ hoặc chồng ở nhà làm việc nội trợ vẫn có quyền được tính công sức đóng góp như người đi làm. Các con của ông C, bà C kháng cáo yêu cầu chia công sức bằng với cha mẹ. Tại cấp phúc thẩm, Tòa án đã tạo điều kiện cho 05 người con của ông C, bà C cung cấp chứng cứ chứng minh công sức đóng góp vào việc tạo lập khối tài sản chung để làm rõ bản chất của sự việc nhưng 05 người con của ông C, bà C không cung cấp được. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Lữ Thị H, Lữ Thị N, Lữ Thị Bé N, Lữ Thị N1 và anh Lữ Ngọc H. Tuy nhiên, do bản án sơ thẩm tính sai giá trị tài sản tranh chấp nên cần xem xét sửa án sơ thẩm để tính lại giá trị tài sản cho phù hợp.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, lời trình bày của đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên,
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng:
Tại phiên tòa phúc thẩm những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Lê Xuân T, ông Lê Văn H, bà Đỗ Thị H vắng mặt nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt nên tòa án xét xử vắng mặt những người này theo quy định tại khoản 2 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Về nội dung:
[2.1] Xét kháng cáo của nguyên đơn ông Lữ Ngọc C: Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn Ông Lữ Ngọc C đồng ý với bản án sơ thẩm và rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo. Việc rút kháng cáo của nguyên đơn là hoàn toàn tự nguyện. Vì vậy, căn cứ khoản 1 Điều 289 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của nguyên đơn.
[2.2] Xét kháng cáo của bị đơn bà Lê Thị C và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị Lữ Thị H, Lữ Thị N, Lữ Thị Bé N, Lữ Thị N1, anh Lữ Ngọc H về chia tài sản chung của ông C và bà C có tính công sức đóng góp của những người con:
[2.3] Xét nguồn gốc tài sản tranh chấp: Trong suốt quá trình tố tụng tại cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm, nguyên đơn ông C, bà C và những người con của ông C, bà C thống nhất về nguồn gốc tạo lập các phần đất và tài sản trên đất đang tranh chấp và xác định trong thời kỳ hôn nhân, ông C, bà C có các tài sản chung gồm:
[2.3.1] Phần đất thứ nhất diện tích 1.714m2 thuộc thửa 09, tờ bản đồ số 10 tọa lạc tại xã T, huyện B, qua đo đạc thực tế có diện tích là 1.834,3m2,phần đất này đã chuyển nhượng cho ông Lê Văn H và bà Đỗ Thị H diện tích 284,2m2 (trong đó 151,5m2 HLATĐB) chưa tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (diện tích đất này các bên không có tranh chấp), còn lại là 1.550,1m2 (trong đó có 100m2 ONT, 1.183,7m2 CLN và 266,4m2 HLATĐB),trên đất có căn nhà cấp 4 diện tích 132,4m2, một số công trình phụ và 53 cây cao su,nguồn gốc phần đất này là do ông C và bà C nhận chuyển nhượng của ông T và bà D từ năm 1993. Phần đất thứ hai diện tích 12.606m2 thuộc thửa đất số 07, tờ bản đồ số 25 tọa lạc tại xã T, huyện B, qua đo đạc thực tế có diện tích là 12.243,6m2 (trong đó có 11.500,2m2 CLN; 743,4m2 HLATĐB và diện tích mương nước), trên phần đất này có 600 cây cao su và 01 căn nhà tạm, nguồn gốc phần đất này do ông C và bà C nhận chuyển nhượng của ông T từ năm 1995 với giá 7,5 chỉ vàng 9999. Phần đất thứ ba diện tích 675m2 thuộc thửa đất số 111, tờ bản đồ số 07 (nay là tờ bản đồ số 02) tọa lạc tại xã T, huyện B, qua đo đạc thực tế có diện tích là 660,3m2 (trong đó 585,4m2 CLN), trên phần đất có 48 cây cao su, nguồn gốc là nhận chuyển nhượng của ông Dũng từ năm 2007. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định các tài sản trên hình thành trong thời kỳ hôn nhân của ông C và bà C nên xác định là tài sản chung của vợ chồng và chấp nhận yêu cầu chia đôi tài sản chung nêu trên, chia cho ông C, bà C mỗi người ½, trong đó có tính đến một phần công sức đóng góp của các con ông C, bà C.
[2.3.2] Bị đơn bà Lê Thị C và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các con của ông C, bà C cho rằng trong khối tài sản chung này có công sức đóng góp của các con chung nên yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết chia cho các con cụ thể:
- Đối với thửa đất thuộc thửa đất số 09 chia đều cho 06 thành viên trong hộ ông Lữ Ngọc C gồm: Ông C, bà C, chị H, chị N, chị Bé N, chị N1.
- Đối với 53 cây cao su, căn nhà và tài sản khác gắn liền trên thửa đất số 09 chia đều cho 07 thành viên trong hộ ông C gồm: Ông C, bà C, chị Hằng, chị Nga, chị Ngọc, chị Ngà và ông Hiếu.
- Đối với quyền sử dụng đất thuộc thửa đất số 07 và 600 cây cao su, căn nhà tạm gắn liền trên thửa đất này: Chia đều cho 07 thành viên trong hộ ông C gồm: Ông C, bà C, chị H, chị N, chị Bé N, chị N1 và anh H.
- Quyền sử dụng đất thuộc thửa đất số 111, 45 cây cao su gắn liền trên thửa đất số 111; chia đều cho 07 thành viên trong hộ ông C gồm: Ông C, bà C, chị chị H, chị N, chị Bé N, chị N1 và anh H.
[2.3.3] Xét lời trình bày của bị đơn bà C tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn cho rằng bị đơn đi làm có thu nhập còn nguyên đơn chỉ ở nhà làm công việc nội trợ trong gia đình, do đó, bị đơn có công sức đóng góp trong việc tạo lập khối tài sản chung nhiều hơn nguyên đơn. So sánh công sức đóng góp giữa bị đơn với các con thì bị đơn có công sức đóng góp nhiều hơn các con. Tuy nhiên, bị đơn không có yêu cầu Tòa án xem xét chia cho bị đơn phần tài sản nhiều hơn nguyên đơn nên Hội đồng xét xử không có cơ sở xem xét. Bị đơn chỉ yêu cầu Tòa án chia tài sản chung làm 07 phần bằng nhau cho 07 thành viên trong gia đình gồm: Bị đơn, nguyên đơn và 05 con chung mỗi người đều được hưởng một phần bằng nhau. Chứng cứ của bị đơn là lời khai của những người làm chứng bà Lê Thị L, ông Lường Huy Đ, bà Mai Thị T, bà Lê Thị T, bà Lê Thị D, ông Nguyễn Duy T xác định các con của bị đơn có làm thuê và có trả tiền công cho các con của bị đơn, tiền do bị đơn giữ để đóng góp vào kinh tế gia đình để tạo lập tài sản chung nhưng không có xác định đóng góp bao nhiêu. Ngoài ra, bị đơn không có chứng cứ nào khác chứng minh phần công sức đóng góp của các con trong việc tạo lập khối tài sản chung của vợ chồng.
[2.3.4] Lời trình bày của người đại diện theo ủy quyền của chị H, chị N, chị Bé N, chị N1 và anh H cũng cho rằng chị H, chị N, chị Bé N, chị N1 và anh H có đi làm thuê và phụ giúp ông C, bà C làm nhiều công việc, kiếm nhiều tiền hơn người lớn, phụ giúp kinh tế gia đình và đóng góp tạo lập khối tài sản chung. Những lời trình bày này không được nguyên đơn ông C thừa nhận, nguyên đơn cho rằng thực tế các con lúc đó còn nhỏ chỉ lo đi học và phụ giúp những việc lặt vặt đơn giản, không thể nào có thu nhập cao hơn người lớn. Ngoài ra, tại phiên tòa người làm chứng là bà Trần Thị N xác định các con bà C, ông C có làm thuê cho bà Nga, mỗi tháng bà N có trả tiền công đưa cho bà C khoảng 200.000 đồng lúc đó gần 0,5 chỉ vàng vào khoảng thời điểm năm 1994. Bà C thừa nhận có nhận tiền của bà Nga nhưng không xác định được nhận tổng cộng bao nhiêu tiền và góp bao nhiêu tiền để tạo lập tài sản chung. Người đại diện theo ủy quyền của chị H, chị N, chị Bé N, chị N1 và anh H cũng không xác định được công sức đóng góp của chị H, chị N, chị Bé N, chị N1 và anh H vào khối tài sản chung là bao nhiêu. Ngoài lời khai của những người làm chứng thì bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị H, chị N, chị Bé N, chị N1 và anh H không còn chứng cứ khác chứng minh công sức đóng góp trong khối tài sản chung là bao nhiêu, do đó Hội đồng xét xử không có cơ sở xem xét. Theo ý kiến của người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì các con bà C, ông C cho rằng các con cũng không muốn tranh chấp tài sản nhưng nếu ông C và bà C ly hôn, 05 người con sợ ông C bán tài sản cho người khác và không còn tài sản lo về già nên yêu cầu chia cho 05 người con mỗi người được hưởng một phần tài sản. Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình và truyền thống đạo lý của người Việt Nam thì việc phụ giúp gia đình, duy trì đời sống sinh hoạt hàng ngày, chăm sóc cha mẹ là nghĩa vụ đương nhiên của con cái, dù cha mẹ có tài sản hay không có tài sản thì các con cũng phải có nghĩa vụ phụ giúp, chăm sóc cha mẹ, khi cha mẹ về già thì càng phải phụ giúp, chăm sóc nhiều hơn, do đó các con của bà C, ông C đưa ra lý do sợ ông C bán hết tài sản được chia nên yêu cầu chia tài sản cho con để mỗi người được hưởng một phần là không phù hợp với quy định của pháp luật và truyền thống đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam.
[3] Xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu độc lập của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chia cho chị H được hưởng 5%, chị N 4%, chị Bé N, chị Ngà, anh H mỗi người được hưởng 3% giá trị đối với phần đất diện tích 1.138,7m2 CLN, căn nhà và cây cao su thuộc thửa số 09 tờ bản đồ số 10 tọa lạc tại xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương là đã xem xét tính công sức đóng góp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phù hợp với Điều 212 Bộ luật Dân sự. Ông C có kháng cáo về phần này nhưng tại phiên tòa phúc thẩm đã rút yêu cầu kháng cáo nên Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của ông C. Cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với phần đất thuộc thửa số 7, tờ bản đồ số 25,diện tích 12.606m2, đo đạc thực tế 12.243,6m2 và phần đất thuộc thửa số 111, tờ bản đồ số 7, diện tích 660,3m2 là phù hợp như đã phân tích trên. Bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kháng cáo nhưng không có cơ sở nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo về chia tài sản chung.
[4] Tuy nhiên, do bản án sơ thẩm có nhầm lẫn trong tính giá trị tài sản tranh chấp và chưa xác định giá trị phần tài sản các bên đương sự được chia nên cần sửa án sơ thẩm, xác định lại giá trị tài sản cho phù hợp, cụ thể:
[4.1] Đối với phần đất diện tích 1.714m2 thuộc thửa 09, tờ bản đồ số 10,tọa lạc tại xã T, huyện B, qua đo đạc thực tế có diện tích là 1.834,3m2, phần đất này đã chuyển nhượng cho ông Lê Văn H và bà Đỗ Thị H diện tích 284,2m2 (trong đó 151,5m2 HLATĐB) chưa tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích còn lại là 1.550,1m2 trong đó (100m2 ONT, 1.183,7m2 CLN và 266,4m2 HLATĐB). Trên đất có căn nhà cấp 4 diện tích 132,4m2, một số công trình phụ và 53 cây cao su. Tòa án cấp sơ thẩm chia căn nhà cho bà C và yêu cầu bà C có trách nhiệm thanh toán lại cho ông Lữ Ngọc C số tiền 149.384.500 đồng là không chính xác. Theo kết quả định giá thì căn nhà có giá trị là 156.157.500 đồng, ông C được nhận ½ giá trị căn nhà là 156.157.500 đồng : 2 = 78.078.750 đồng.
[4.2] Tại Biên bản định giá ngày 13 tháng 4 năm 2017, Hội đồng định giá xác định giá trị tài sản tranh chấp cụ thể như sau:
[4.2.1] Phần đất diện tích 1.834,3m2 (đã chuyển nhượng cho ông Lê Văn H và bà Đỗ Thị H diện tích 284,2m2 (trong đó 151,5m2 HLATĐB) chưa tách giấy chứng nhận cho ông H, bà H). Còn lại 1.550,1m2 trong đó (100m2 ONT; 1.183,7m2 CLN và 266,4m2 HLATĐB) có giá trị cụ thể là: Đất ở nông thôn 100m2 x 620.000đồng = 62.000.000đồng; cây lâu năm diện tích 1.183,7m2 x 130.000đồng = 153.880.000đồng; nhà cấp 4 diện tích 132,9m2 x 1.175.000đồng = 156.157.500đồng, 53 cây cao su x 350.000đồng = 18.550.000đồng. Tổng cộng là 390.587.500đồng.
[4.2.2] Phần đất diện tích 11.500,2m2 x 130.000đồng = 1.495.026.000đồng, 600 cây cao su x 420.000đồng = 252.000.000đồng, nhà tạm 19,9m2 x 177.000đồng= 3.522.300đồng. Tổng cộng là 1.750.548.300đồng.
[4.2.3] Phần đất diện tích 585,4m2 x 130.000đồng = 76.102.000đồng, 48 cây cao su x 350.000đồng = 16.800.000đồng. Tổng cộng là 92.902.000đồng.
[4.2.4] Các đương sự thống nhất giá của Hội đồng định giá cấp sơ thẩm đã định và không yêu cầu định giá lại. Như vậy, tổng giá trị tài sản các bên tranh chấp được tính lại là: 2.234.037.800 đồng. Ông C và bà C mỗi người được chia ½ tài sản chung, có giá trị là 1.117.018.900 đồng. Phần hiện vật ông C được chia là 1.083.204.300 đồng, bà C được chia có giá trị là: 1.226.447.500 đồng, nên bà C phải hoàn lại cho ông C 109.415.600 đồng giá trị chênh lệch. Giá trị tài sản những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị H, chị N, chị Bé N, chị N1và anh H có thay đổi nhưng do ông Chiến rút kháng cáo nên Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm như đã phân tích tại đoạn [3] của bản án này.
[5] Từ những nhận định trên, chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn bà Lê Thị Cái và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Lữ Thị H, chị Lữ Thị N, chị Lữ Thị Bé N, chị Lữ Thị N1 và anh Lữ Ngọc H, sửa bản án sơ thẩm về phần giá trị tài sản và cách tuyên án.
[6] Án phí sơ thẩm: Ông C, bà C được miễn án phí, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập chị H, chị N, chị Bé N, chị N1và anh H phải chịu án phí sơ thẩm trên giá trị tài sản được hưởng.
[7] Án phí phúc thẩm: Các đương sự không phải chịu án phí phúc thẩm.
[8] Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương là phù hợp.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 33, 59, 62 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; Điều 213 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 147, khoản 3 Điều 148; khoản 1 Điều 289; khoản 2 Điều 308; Điều 309, Điều 313 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy Ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, I. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của nguyên đơn ông Lữ Ngọc C;
Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn bà Lê Thị Cái và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Lữ Thị H, chị Lữ Thị N, chị Lữ Thị Bé N, chị Lữ Thị N1 và anh Lữ Ngọc H.
II. Sửa một phần Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 11/2018/HNGĐ-ST ngày 13/3/2018 của Tòa án nhân dân huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương về chia tài sản chung như sau:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông đối với việc chia tài sản chung có giá trị được tính là: 2.234.038.800 đồng. Ông Lữ Ngọc C và bà Lê Thị C mỗi người được chia ½ tài sản chung, có giá trị là 1.117.019.900 đồng. Cụ thể như sau:
- Đối với phần đất diện tích 1.550,1m2 thuộc một phần thửa đất số 09, tờ bản đồ số 10, tọa lạc tại xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương:
+ Ông Lữ Ngọc C được quyền quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 661,8m2(trong đó có528,6m2 CLN, 133,2m2 HLATĐB) và 44 cây cao su. Phần đất có tứ cận:
Phía Nam giáp các thửa: Thửa đất số 04 dài 8,97m, thửa đất số 06 dài 9,3m và thửa đất số 07 dài 8,14m;
Phía Bắc giáp đường đất dài 26,63m;
Phía Đông giáp một phần thửa đất số 09 dài 16,34m; Phía Tây giáp một phần thửa đất số 09 dài 32,4m.
(ký hiệu B trên bản vẽ kèm theo).
+ Bà Lê Thị C được quyền quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 888,3m2 (trong đó có100m2 ONT, 655,1m2 CLN, 133,2m2 HLATĐB), trên đất có căn nhà cấp 4 diện tích 132,9m2 và 09 cây cao su. Phần đất có tứ cận:
Phía Nam giáp thửa số 04 dài 26,38m; Phía Bắc giáp đường đất dài 26,63m;
Phía Đông giáp một phần thửa đất số 09 dài 32,41m; Phía Tây giáp thửa đất số 05 dài 33,96m.
(ký hiệu A trên bản vẽ kèm theo).
+ Bà Lê Thị C có trách nhiệm thanh toán lại cho ông Lữ Ngọc C số tiền 109.415.600 đồng (một trăm lẻ chín triệu bốn trăm mười lăm nghìn sáu trăm đồng).
- Đối với phần đất thuộc thửa đất số 07, tờ bản đồ số 25, tọa lạc tại xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương:
+ Ông C được quyền quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 6.184m2 (trong đó 5.750,1m2 CLN, 354m2 HLATĐB và 79,9m2 mương nước), 01 căn nhà tạm và 300 cây cao su. Phần đất có tứ cận:
Phía Nam giáp đường đất dài 74,42m; Phía Bắc giáp thửa đất số 06 dài 80.37m; Phía Đông giáp đường lô dài 79,10m;
Phía Tây giáp một phần thửa đất số 07 dài 79,9m. (ký hiệu B trên bản vẽ kèm theo).
+ Bà Lê Thị C được quyền quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 6.364,4m2(trong đó có 5.750,1m2 CLN, 389,4m2 HLATĐB và 224,9m2 mương nước) và 300 cây cao su trên đất. Phần đất có tứ cận:
Phía Nam giáp đường đất dài 77,80m; Phía Bắc giáp thửa đất số 06 dài 3,18m;
Phía Đông giáp một phần thửa đất số 07 dài 79,90m;
Phía Tây giáp đường lô dài 81,21.
(ký hiệu A trên sơ đồ bản vẽ kèm theo).
- Đối với phần đất thuộc thửa đất số 111, tờ bản đồ số 07 (nay là tờ bản đồ số 02), tọa lạc tại xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương:
+ Ông Lữ Ngọc C được quyền quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 330,14m2 (trong đó có 292,7m2 CLN, 37,44m2 HLATĐB) và 24 cây cao su (ký hiệu B). Phần đất có tứ cận:
Phía Nam giáp thửa đất số 213 và thửa đất số 269 dài 7,45m; Phía Bắc giáp đường đất dài 7,5m;
Phía Đông giáp thửa đất số 288 dài 44,11m;
Phía Tây giáp một phần thửa đất số 111 dài 44,26m. (ký hiệu B trên bản bẽ kèm theo).
+ Bà Lê Thị C được quyền quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 330,16m2 (trong đó có 292,7m2 CLN, 37,46m2 HLATĐB), trên đất có 24 cây cao su. Phần đất có tứ cận:
Phía Nam giáp thửa đất số 213 và thửa đất số 212 dài 7,4m;
Phía Bắc giáp đường đất dài 7,5m;
Phía Đông giáp một phần thửa đất số 111 dài 44,26m; Phía Tây giáp thửa đất số 242 dài 44,36m.
(ký hiệu A trên bản vẽ kèm theo).
2. Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
3. Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Lữ Ngọc C và bà Lê Thị C được miễn nộp tiền án phí. Hoàn trả cho ông C tiền tạm ứng án phí đã nộp là 12.075.000 đồng theo Biên lai thu tiền số 0002064 ngay 30/9/2016 và Biên lai thu tiền số 0002435 nàay 23/5/2017 cưa Chi cục Thi hành án dân sư huyện B, tỉnh Bình Dương.
4. Về án phí phúc thẩm: Hoàn trả cho bà Lê Thị C, chị Lữ Thị H, chị Lữ Thị N, chị Lữ Thị Bé N , chị Lữ Thị N1 và anh Lữ Ngọc H mỗi người số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0002880, 0002881, 0002882, 0002883, 0002884, 0002886 ngày 04/4/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Bình Dương.
5. Về nghĩa vụ thi hành án:
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (13/11/2018)./.
Bản án 31/2018/HNGĐ-PT ngày 13/11/2018 về tranh chấp ly hôn, chia tài sản khi ly hôn
Số hiệu: | 31/2018/HNGĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Dương |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 13/11/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về