TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN ÁN 309/2022/DS-PT NGÀY 19/12/2022 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI LẠI TÀI SẢN THEO HỢP ĐỒNG GỬI GIỮ TÀI SẢN
Trong các ngày 16 và 19 tháng 12 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ xét xử phúc thẩm công khaivụ án thụ lý số 270/2022/TLPT-DS ngày 03 tháng 11 năm 2022 về việc “Tranh chấp đòi lại tài sản theo hợp đồng gửi giữ tài sản” Do Bản án dân sự sơ thẩm số 126/2022/DS-ST ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Tòa án nhân dân quận N bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 316/2022/QĐ-PT ngày 07 tháng 11năm 2022 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Thúy L; cư trú tại: phường A, quận B, thành phố Cần Thơ.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Huỳnh Chí T; cư trú tại: khu vực 6, phường A, quận N, thành phố Cần Thơ là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 19-7-2022).
2. Bị đơn: Ngân hàng TMCP T Địa chỉ: phường T, quận H, Thành phố Hà Nội.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Văn T và Ông Huỳnh Công C, ông Huỳnh Văn Bảo T3 là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 25-7-2022).
- Người kháng cáo: Ngân hàng TMCP T là bị đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Trong đơn khởi kiện ngày 30-11-2020 và trong quá trình xét xử nguyên đơn – bà Nguyễn Thị Thúy L trình bày:
Vào ngày 23-7-2013, bà và Ngân hàng TMCP T – Chi nhánh Cần Thơ ký hợp đồng giao dịch vàng vật chất số 78.13.HĐGDHTS/TPB.CTO về việc giữ hộ vàng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, tính đến ngày 11-11-2017, bà đã nộp vào Ngân hàng TMCP T – Chi nhánh Cần Thơ với số lượng vàng SJC 99,99% là 3.260 chỉ (xâu) và chỉ rút ra với số lượng 3.210 chỉ (xâu) với các chứng từ cụ thể như sau:
+ Chứng từ nộp vào: Ngày 23-7-2013 nộp 1.350 chỉ; ngày 10-10-2013 nộp 160 chỉ; ngày 23-10-2013 nộp 290 chỉ; ngày 26-3-2014 nộp 50 chỉ; ngày 07-4-2014 nộp 60 chỉ; ngày 06-5-2104 nộp 1.350 chỉ, tổng cộng số vàng đã nộp: 3.260 chỉ.
+ Chứng từ rút ra: Ngày 04-11-2013 rút 1.350 chỉ; ngày 03-12-2013 rút 30 chỉ; ngày 19-12-2013 rút 130 chỉ; ngày 30-5-2016 rút 1.000 chỉ; ngày 01- 11-2017 rút 240 chỉ; ngày 11-11-2017 rút 460 chỉ, tổng cộng số vàng đã rút:
3.210 chỉ.
Số vàng bà thực nộp và rút ra tại ngân hàng còn lại 50 chỉ chưa rút, hiện ngân hàng vẫn còn đang giữ hộ. Bà đề nghị phía ngân hàng thực hiện đúng ý chí trong hợp đồng và cho bà được rút số vàng còn lại là 50 chỉ (xâu).
* Tại bản tự khai ngày 29-3-2021 của ông Huỳnh Văn Bảo T và trong quá trình xét xử đại diện ủy quyền của bị đơn – ông Nguyễn Văn T3 trình bày:
Ngày 23-7-2013, TPBank (Chi nhánh Cần Thơ) ký Hợp đồng giao dịch vàng vật chất số 78.13/HDGDTS/TPB.CTO với bà Nguyễn Thị Thúy L để thực hiện các giao dịch mua bán vàng, giữ hộ vàng, giao dịch viên Trần Thị Ngọc C là nhân viên chăm sóc khách hàng của bà L.
Từ ngày 23-7-2013 đến ngày 27-11-2017, trong hệ thống của TPBank ghi nhận bà L đã gửi vào 3.540 chỉ vàng SJC (10 chỉ = 01 lượng vàng) và rút ra 3.540 chỉ, sao kê chi tiết cụ thể:
+ Các giao dịch gửi vàng: Ngày 23-7-2013 nộp 1.350 chỉ; ngày 10-10- 2013 nộp 160 chỉ; ngày 23-10-2013 nộp 290 chỉ; ngày 26-3-2014 nộp 50 chỉ; ngày 07-4-2014 nộp 60 chỉ; ngày 06-5-2104 nộp 1.350 chỉ; ngày 03-11-2017 nộp 280 chỉ. Tổng cộng số vàng đã nộp: 3.540 chỉ.
+ Các giao dịch rút vàng: Ngày 04-11-2013 rút 1.350 chỉ; ngày 03-12- 2013 rút 30 chỉ; ngày 19-12-2013 rút 130 chỉ; ngày 24-3-2014 rút 50 chỉ; ngày 28-3-2014 rút 50 chỉ; ngày 23-5-2014 rút 100 chỉ; ngày 06-3-2015 rút 130 chỉ; ngày 30-5-2016 rút 1.000 chỉ; ngày 01-11-2017 rút 240 chỉ; ngày 11-11-2017 rút 460 chỉ. Tổng cộng số vàng đã rút: 3.540 chỉ.
Toàn bộ giao dịch gửi/rút vàng của bà L từ ngày 23-7-2013 đến ngày 11- 11-2017 được ghi nhận trên hệ thống của TPBank. TPBank hiện đang lưu trữ chứng từ rút 05 lượng vàng vào ngày 24-03-2014 của bà L.
Bà L rút hết số vàng gửi TPBank vào ngày 11-11-2017 nhưng trong quá trình gửi/rút cho đến lúc rút hết số vàng gửi tại TPBank, bà L không có thắc mắc gì về số lượng vàng đã gửi và đã rút.
Ngày 22-02-2019, khi làm việc với TPBank, bà L đã kiểm tra sao kê tài khoản và xác nhận trong số 17 giao dịch phát sinh, có 04 giao dịch bà L không thực hiện gồm: 03 giao dịch rút vàng ngày 28-3-2014, ngày 23-5-2014 và ngày 06-3-2015 (tổng số rút là 280 chỉ) và 01 giao dịch nộp vàng ngày 03-11-2017 (tổng số nộp là 280 chỉ). 04 giao dịch bà L cho rằng mình không gửi, không rút nêu trên đã nằm trong phạm vi vụ án Trần Thị Ngọc C bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tại sản” theo khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngày 15-10-2020, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đã mở phiên xét xử sơ thẩm đối với vụ án nêu trên. Tại phiên xét xử này, Tòa án triệu tập TPBank với tư cách là “Người bị hại” và bà Nguyễn Thị Thúy L với tư cách là “Người làm chứng”. Hội đồng xét xử đã ra phán quyết về tội danh, hình phạt đối với Châu, đồng thời trả lại cho TPBank các khoản tiền mà Châu đã nộp để khắc phục hậu quả. Bản án số 49/2020/HS-ST ngày 15-10-2020 của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đã nhận định rõ: “Sau đó, bà L đã rút hết số vàng còn lại, mà không bị mất mát gì”.
Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án nêu trên, TPBank đã phối hợp làm việc và cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến giao dịch gửi – rút vàng của bà L trong vụ án này cho cơ quan tiến hành tố tụng. Theo đó, TPBank nhận thấy các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã xác định sự thật của vụ án và ra phán quyết một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.
Căn cứ kết luận của các cơ quan có thẩm quyền, TPBank không có cơ sở để cho bà L rút 05 lượng vàng theo đề nghị của bà, đề nghị Tòa án không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà L.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 126/2022/DSST ngày 26 tháng 7 năm 2022, Tòa án nhân dân quận N đã tuyên xử:
1.Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thúy L đối với bị đơn Ngân hàng TMCP T.
Buộc Ngân hàng TMCP T có trách nhiệm trả cho bà Nguyễn Thị Thúy L 50 (năm mươi) chỉ vàng loại SJC.
2.Về án phí dân sự sơ thẩm:
Bị đơn Ngân hàng TMCP T phải chịu án phí là 16.550.000 đồng (Mười sáu triệu năm trăm năm chục nghìn đồng).
Nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thúy L được nhận lại 6.950.000 đồng (Sáu triệu chín trăm năm chục nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu số 003381 ngày 07-12-2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận N, thành phố Cần Thơ.
Bản án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo của các bên theo luật định.
Tại đơn kháng cáo đề ngày 09/8/2022, bị đơn cho rằng bản án sơ thẩm không khách quan, vi phạm nghiêm trọng tố tụng nên đề nghị hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Các bên không thương lượng được việc giải quyết vụ án.
Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ tại phiên tòa:Người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về nội dung vụ án, sau khi phân tích các tình tiết của vụ án và các quy định pháp luật liên quan, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, bản án sơ thẩm đã xét xử đúng pháp luật nên đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Theo đơn khởi kiện và các chứng cứ đã thẩm tra cho thấy các bên tranh chấp về đòi lại tài sản theo hợp đồng gửi giữ, mua bán tài sản. Tòa án nhân dân quận N đã thụ lý, giải quyết là đúng thẩm quyền và xác định đúng quan hệ tranh chấp theo quy định tại khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
[2] Thấy rằng, mấu chốt vụ án là xác định xem vào ngày 24/3/2014, nguyên đơn đã rút số vàng 50 chỉ hay chưa. Đây chính là khoản vàng mà nguyên đơn đòi và cũng chính là khoản vàng mà bị đơn cho rằng nguyên đơn đã rút ra khỏi ngân hàng nên ngân hàng không còn nghĩa vụ trả như nguyên đơn yêu cầu.
[3] Hầu hết chứng từ nộp vào và chứng từ rút ra trong phạm vi vụ kiện này đều được hai bên xác nhận, chỉ trừ duy nhất bản phô tô phiếu rút 50 chỉ vàng vào ngày 24/3/2014 là tài liệu nguyên đơn không thừa nhận do bị đơn không cung cấp được bản gốc.
[4] Bị đơn cho rằng, số vàng 50 chỉ mà nguyên đơn đòi đã được giải quyết trong bản án hình sự số 49/2020/HS-ST ngày 15/10/2020 nên đề nghị Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án này. Thấy rằng, bản án hình sự chỉ quy trách nhiệm và giải quyết trong mối quan hệ giữa bị cáo với bà L là 280 chỉ vàng thể hiện tại các phiếu rút tiền của các ngày 28/3/2014 (50 chỉ), 23/5/2014 (100 chỉ) và 06/03/2015 (130 chỉ) mà không bao gồm 50 chỉ của phiếu rút ngày 24/3/2014. Như vậy, khoản vàng 50 chỉ theo phiếu ngày 24/3/2014 chưa được giải quyết. Do đó, việc bị đơn đề nghị đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng pháp luật.
[5] Liên quan đến Biên bản làm việc ngày 22/02/2019 giữa nguyên đơn và bị đơn, trong đó, nguyên đơn xác định “Một trong hai giao dịch rút 5 lượng vàng ngày 24/03/2014 và ngày 28/3/2014, tôi không thực hiện nhưng không nhớ rõ giao dịch nào”. Quá trình điều tra đã xác định giao dịch ngày 28/3/2014 do bị cáo trong vụ án hình sự thực hiện. Bị đơn cho rằng, từ đó cho thấy giao dịch ngày 24/03/2014 do bà L thực hiện. Tình tiết này là sự kiện mà bị đơn không phải chứng minh theo quy định tại Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Tuy vậy, Hội đồng xét xử thấy rằng, pháp luật cũng không cấm nguyên đơn chứng minh lại sự kiện pháp lý đó. Cụ thể, nguyên đơn đã yêu cầu làm rõ trong quá trình điều tra và tại trang 13 của Kết luận điều tra số 49/KLĐT- CSKT ngày 22/7/2020 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Cần Thơ đã thể hiện điều này. Sau khi nghiên cứu kỹ nội dung thể hiện tại trang 13 của Kết luận điều tra cho thấy không đủ cơ sở để xác định vào ngày 24/3/2014 bà L có rút số vàng 50 chỉ, vì tài liệu rút chỉ là bản phô tô và trên hệ thống của ngân hàng cũng thể hiện bà L cũng không bán lại số vàng này cho ngân hàng như thói quen trước đó. Do đó, bà L vẫn là chủ sở hữu của 50 chỉ vàng đã gửi tại Ngân hàng nên bà có quyền đòi lại tài sản theo quy định tại tài sản theo quy định tại Điều 166 của Bộ luật dân sự.
[6] Từ các nhận định tại các mục [3], [4], [5] nêu trên cho thấy chênh lệch số vàng gửi và rút của bà L là 50 chỉ. Bị đơn không có chứng cứ thuyết phục để chứng minh bà L đã rút 50 chỉ vàng vào ngày 24/3/2014. Với tư cách là một pháp nhân, bị đơn phải chịu trách nhiệm hoàn trả số vàng nêu trên cho nguyên đơn theo quy định tại Điều 87 của Bộ luật dân sự năm 2015. Trong trường hợp bị đơn xác định được cá nhân lấy số vàng hoặc có lỗi trong quá tình lưu trữ vận hành và lưu trữ chứng từ thì có quyền yêu cầu bồi thường, nếu có. Với kết luận điều tra và nhận định trên, việc Tòa án cấp sơ thẩm không triệu tập người làm chứng là có cơ sở. Do đó, kháng cáo của bị đơn không có căn cứ để chấp nhận.
[7] Về án phí dân sự sơ thẩm, do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên bị đơn phải chịu án phí theo quy định tại Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
1.Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
Buộc Ngân hàng TMCP T có trách nhiệm trả cho bà Nguyễn Thị Thúy L 50 (năm mươi) chỉ vàng loại SJC 99,99%.
2.Về án phí dân sự sơ thẩm:
Bị đơn phải chịu án phí là 16.550.000 đồng (Mười sáu triệu năm trăm năm chục nghìn đồng).
Nguyên đơn được nhận lại 6.950.000 đồng (Sáu triệu chín trăm năm chục nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí theo Biên lai thu số 003381 ngày 07-12- 2020 của Chi cục Thi hành án dân sự quận N, thành phố Cần Thơ.
3.Về án phí dân sự phúc thẩm: Bị đơn phải chịu 300.000 đồng, khấu trừ tiền tạm ứng án phí theo Biên lai thu số 0000948 ngày 25/8/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự quận N, coi như bị đơn đã nộp xong.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trong trường hợp bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 309/2022/DS-PT về tranh chấp đòi lại tài sản theo hợp đồng gửi giữ tài sản
Số hiệu: | 309/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Cần Thơ |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 19/12/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về