Bản án 308/2020/HSPT ngày 30/11/2020 về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 308/2020/HSPT NGÀY 30/11/2020 VỀ TỘI TỔ CHỨC CHO NGƯỜI KHÁC TRỐN ĐI NƯỚC NGOÀI TRÁI PHÉP

Mở phiên tòa ngày 30 tháng 11 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 310/2020/TLPT- HS ngày 21 tháng 10 năm 2020, đối với các bị cáo Lê Thị K, Vũ Thị A và Trần Thị Thu H, do có kháng cáo của các bị cáo, đối với bản án hình sự sơ thẩm số:36/2020/HS-ST ngày 14 tháng 9 năm 2020, của Tòa án nhân dân thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.

Các bị cáo kháng cáo:

1.LÊ THỊ K, sinh năm 1973 tại tỉnh Nghệ An.

Nơi cư trú: Thôn 1, xã X, huyện N, tỉnh Hà Tĩnh; Nghề nghiệp: Nhân viên bảo hiểm; Trình độ học vấn: 7/12; Con ông: Lê Kế M, sinh năm 1948 và bà: Lê Thị Đ, sinh năm 1952; Có chồng: Trần Hữu G, sinh năm 1974; Có 03 con ( con lớn nhất sinh năm 1995, con nhỏ nhất sinh năm 2007 ); Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị bắt tạm giữ ngày 09/01/2020, tạm giam ngày 14/01/2020, hiện đang tạm giam- Có mặt.

2.TRẦN THỊ THU H, sinh năm 1966 tại tỉnh Hà tĩnh Nơi cư trú: Thôn P, xã D, huyện C, tỉnh Đăk Lăk; Trình độ học vấn: 12/12; Nghề nghiệp: Giáo viên; Tôn giáo: Phật giáo; Con ông: Trần Hữu A, sinh năm 1936 và bà: Nguyễn Thị N, sinh năm 1938; Có chồng: Nguyễn Văn L, sinh năm 1964; Có 02 con ( con lớn sinh năm 1993, con nhỏ sinh năm 1995 ); Tiền án, tiền sự: Không Bị cáo bị bắt tạm giữ ngày 08/01/2020, tạm giam ngày 14/01/2020, hiện đang tạm giam: Có mặt

3.VŨ THỊ A, sinh năm 1969 tại tỉnh Bắc Ninh Nơi cư trú: Thôn Q, xã Y, huyện B, tỉnh Lạng Sơn; Trình độ học vấn:

01/10; Nghề nghiệp: Làm nông; Con ông: Vũ Viết X ( đã chết ) và bà: Bùi Thị P ( không rõ năm sinh ); Có chồng: Trịnh Văn Q, sinh năm 1972; Có 05 con ( con lớn nhất sinh năm 1991, con nhỏ nhất sinh năm 2008 ); Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị bắt tạm giữ ngày 16/01/2020, tạm giam 21/01/2020, hiện đang tạm giam: Có mặt

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 2013, Lê Thị K xuất cảnh từ Việt Nam sang Ma Cao, Trung Quốc lao động và quen biết một số người Việt Nam đang lao động tại đây, K được họ giới thiệu Vũ Thị A cư trú tại tỉnh Lạng Sơn, có khả năng đưa người Việt Nam sang Trung Quốc, qua đường biên giới giữa hai nước tại tỉnh Lạng Sơn và họ cho K số điện thoại của A; Sau khi hết thời hạn xuất cảnh và trở Việt Nam, năm 2017, K liên lạc qua điện thoại và gặp A tại chợ Ma Chi, thuộc xã Y, huyện Lộc B, tỉnh Lạng Sơn, nhờ A đưa K đến đường biên giới Việt Nam- Trung Quốc tại tỉnh Lạng Sơn; K trốn sang Trung Quốc lao động; K trả tiền công cho A 80.000đ; Năm 2018, K trở về Việt Nam và bàn bạc với A tổ chức cho người Việt Nam trốn sang Trung Quốc lao động để thu tiền; K chi trả tiền công cho A đưa một người Việt Nam đến biên giới Việt Nam- Trung Quốc là 100.000đ. K cũng bàn bạc với Trần Thị Thu H là chị chồng của K cư trú tại tỉnh Đăk Lăk, nhờ H môi giới cho K những người có nhu cầu sang Trung Quốc lao động, để K tổ chức đưa họ sang Trung Quốc; K trả tiền công cho H 2.000.000đ/người.

Về phương thức tổ chức cho người Việt Nam trốn sang Trung Quốc lao động: Người nào có nhu cầu sang Trung Quốc lao động, thì trực tiếp liên hệ với K hoặc thông qua người môi giới là H, để thoả thuận chi phí sang Trung Quốc; K đưa ra chi phí và thu tiền mỗi người từ 6.000.000đ đến 7.500.000đ; Người nào không có tiền, thì K tự chi phí, sau đó K trừ vào tiền lương lao động của họ; Sau đó, K điện thoại cho người sử dụng lao động tại Trung Quốc để thoả thuận về việc làm và số lượng người lao động mà họ có nhu cầu; K điện thoại cho một người đàn ông Trung Quốc lái xe Taxi để thông báo về thời gian, địa điểm người lao động Việt Nam sang Trung Quốc, để người này đến biên giới tỉnh Lạng Sơn đón người lao động đưa đến các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc, đồng thời K dùng điện thoại di động chụp hình ảnh người lao gửi cho người đàn ông Trung Quốc lái xe Taxi, để người này nhận diện và đón người lao động tại biên giới. K điện thoại cho A thông báo số lượng người lao động và thời gian người lao động sang Trung Quốc, để A đưa người lao động đến đường biên giới và hướng dẫn họ đi qua đường biên giới đường rừng để sang Trung Quốc; Với phương thức và thủ đoạn nêu trên, trong thời gian từ tháng 8/2018 đến tháng 4/2019, K, A và H đã nhiều lần tổ chức cho nhiều người Việt Nam trốn sang Trung Quốc để lao động, cụ thể như sau:

Lần thứ nhất: Tháng 8/2018, H nhờ K đưa chồng mình là ông Nguyễn Văn L, cư trú tại thôn A, xã E, huyện C, tỉnh Đăk Lăk sang Trung Quốc để lao động; K đồng ý và cho ông L mượn số tiền 4.600.000đ là chi phí sang Trung Quốc, trong đó chi trả tiền công cho A 100.000đ, chi trả cho người đàn ông Trung Quốc đón ông Liệu tại biên giới để đưa sang Trung Quốc lao động là 4.500.000đ; Sau khi K dùng điện thoại chụp hình ảnh ông L gửi cho người đàn ông Trung Quốc, ông L đi xe khách đến tỉnh Lạng Sơn gặp A tại chợ Chi Ma; A điều khiển xe mô tô chở ông L đến biên giới Việt Nam- Trung Quốc tại tỉnh Lạng Sơn và hướng dẫn ông L đi qua đường biên giới gặp người đàn ông Trung Quốc đợi sẵn, đưa ông L vào Trung Quốc để lao động.

Lần thứ hai: Tháng 9/2018, bà Nguyễn Thị S nhờ H đưa con trai mình là Nguyễn Huy B cư trú tại phường B, thị xã H, tỉnh Đăk Lăk, sang Trung Quốc để lao động; Thông qua H, K điện thoại thông báo cho bà S biết chi phí đưa B sang Trung Quốc là 6.000.000đ; Bà S đồng ý và yêu cầu K chi trả trước tiền chi phí, sau đó sẽ khấu trừ vào tiền lương lao động của B; Sau đó, K thông qua H thông báo cho B biết thời gian sang Trung Quốc; B đi xe khách từ tỉnh Đăk Lăk đến nhà K tại tỉnh Hà Tĩnh; Do thời gian này A bận việc không có mặt tại tỉnh Lạng Sơn, nên K đưa B đến biên giới Việt Nam- Trung Quốc tại tỉnh Lạng Sơn, chụp hình ảnh B và giao B cho người đàn ông Trung Quốc, đưa B sang Trung Quốc; K chi trả cho người đàn ông Trung Quốc 4.500.000đ; Sau khi trừ chi phí đi xe, K hưởng lợi số tiền 1.150.000đ.

Lần thứ ba: Tháng 9/2018, Chu Văn O, Dương Văn G, cư trú tại xã C, thị xã H, tỉnh Đăk Lăk và một người tên V là bạn của O, cư trú tại tỉnh Quảng Bình, điện thoại nhờ K đưa sang Trung Quốc lao động; K thông báo chi phí mỗi người đi Trung Quốc là 6.000.000đ; O, G và V đồng ý và yêu cầu K chi trả trước, sau đó trừ vào tiền lương lao động của họ; K yêu cầu O, G, V đi xe khách đến chợ Chi Ma thuộc tỉnh Lạng Sơn gặp K và A; K và A thuê xe chở ba người đến biên giới Việt Nam- Trung Quốc tại tỉnh Lạng Sơn, K dùng điện thoại chụp hình ảnh ba người gửi cho người đàn ông Trung Quốc; K và A giao O, G và V cho người đàn ông Trung Quốc, đưa vào Trung Quốc để lao động; K chi trả cho người đàn ông Trung Quốc 13.500.000đ; Sau khi trừ chi phí tiền xe đi lại, K hưởng lợi số tiền 4.020.000đ; A hưởng lợi số tiền 120.000đ.

Lần thứ 4: Ông Nguyễn Văn L sau khi đi lao động tại Trung Quốc và trở Việt Nam ăn tết nguyên đán năm 2019; Tháng 02/2019, ông L và con trai ông L là Nguyễn Hồng U, điện thoại yêu cầu K đưa sang Trung Quốc lao động và nhờ K chi phí trước, sau đó trừ vào tiền lương lao động; K đồng ý và báo trước ngày đi Trung Quốc là ngày 08/02/2019; L và U đi xe khách từ tỉnh Đăk Lăk đến nhà K tại tỉnh Hà Tĩnh; Tại đây, K dùng điện thoại chụp hình ảnh U và L để gửi cho người đàn ông Trung Quốc, đồng thời bỏ vào phong bì 10.000.000đ và bảo U đưa cho L, để đưa cho người dàn ông Trung Quốc; Sau đó, L và U đi xe đến chợ Chi Ma thuộc tỉnh Lạng Sơn gặp A; A đưa L và U đến biên giới Việt Nam- Trung Quốc tại tỉnh Lạng Sơn, hướng dẫn L và U đi qua biên giới theo khe suối gặp người đàn ông Trung Quốc, đưa L và U vào Trung Quốc lao động; K chi trả tiền công cho A 200.000đ; Đến nay, L và U chưa thanh toán cho K tiền chi phí đi Trung Quốc.

Lần thứ 5: Dương Văn G và Chu Văn O, sau khi lao động tại Trung Quốc trở về Việt Năm ăn tết nguyên đán năm 2019; Tháng 02/2019, G và O nhờ K đưa sang Trung Quốc để lao động cùng với một số người quen của G và O; K đồng ý và thông báo chi phí đi sang Trung Quốc mỗi người là 7.500.000đ; K điện thoại cho người sử dụng lao động tại Trung Quốc để thoả thuận số lượng người lao động, điện thoại cho người đàn ông Trung Quốc để thoả thuận thời gian đưa người lao động sang Trung Quốc, điện thoại cho A để A đưa người lao động đến biên giới; Sau khi thoả thuận thời gian đi sang Trung Quốc, G, O cùng với Nguyễn Huy B, Dương Văn G ( em trai của L), Dương Văn M ( em họ của L) Trần Đình H, Trần Văn T, Hoàng Văn N, Chu Đại H, Chu Hồng D và một người tên V, đi xe đến nhà K tại tỉnh Hà Tĩnh, đưa tiền cho K; K dùng điện thoại chụp hình ảnh 11 người, gửi cho người đàn ông Trung Quốc để nhận dạng; K bỏ số tiền 56.100.000đ vào phong bì đưa cho L, để L đưa lại cho A; Trong đó, K trả tiền công cho A đưa 11 người đến biên giới là 1.100.000đ, số tiền còn lại A đưa cho người đàn ông Trung Quốc; 11 người nêu trên đi xe khách đến chợ Chi Ma thuộc tỉnh Lạng Sơn gặp A, A dẫn họ đến biên giới Việt Nam- Trung Quốc tại tỉnh Lạng Sơn, hướng dẫn họ đi qua biên giới theo khe suối gặp người đàn ông Trung Quốc; A đưa cho người đàn ông Trung Quốc 55.000.000đ. Sau khi trừ chi phí tiền đi xe, K hưởng lợi 21.600.000đ, A hưởng lợi 330.000đ.

Lần thứ 6: Tháng 3/2019, Trần Đức T và Trần Anh V cư trú tại xã C, thị xã H, tỉnh Đăk Lăk, điện thoại cho K nhờ K đưa sang Trung Quốc để lao động; K đồng ý và thông báo chi phí đi Trung Quốc mỗi người là 7.500.000đ; T và V đi xe khách đến tỉnh Hà Tĩnh gặp K và đưa tiền cho K; K dùng điện thoại chụp hình ảnh T, V gửi cho người đàn ông Trung Quốc; K bỏ số tiền 10.000.000đ đưa cho V, để V đưa cho người đàn ông Trung Quốc; T và V đi xe khách đến chợ Chi Ma thuộc tỉnh Lạng Sơn gặp A, A dẫn T, V đến biên giới Việt Nam- Trung Quốc tại tỉnh Lạng Sơn, hướng dẫn họ đi qua biên giới theo khe suối gặp người đàn ông Trung Quốc; Lần này K hưởng lợi 2.400.000đ, A hưởng lợi 200.000đ.

Lần thứ 7: Tháng 3/2019, ông Nguyễn Mạnh D cư trú tại thị xã H, tỉnh Đăk Lăk nhờ Trần Thị Thu H đưa trai ông D là Nguyễn Xuân P và con dâu ông D là Nguyễn Thị Thanh M sang Trung Quốc để lao động; H điện thoại cho K, K đồng ý và thông báo chi phí đi Trung Quốc mỗi người là 7.500.000đ; H thông báo lại cho ông D biết; Ông D đưa cho H 15.000.000đ, để H đưa lại K; H đặt xe khách cho P và T đến tỉnh Hà Tĩnh để gặp K; Ngày 20/3/2019, H chuyển cho K 13.000.000đ vào tài khoản của K mở tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng.

Trong thời gian này, Nguyễn Văn V cư trú tại xã B, thị xã H, tỉnh Đăk Lăk, điện thoại nhờ K đưa sang Trung Quốc lao động; K đồng ý và thông báo cho V chi phí đi Trung Quốc là 7.500.000đ; Sau khi P, T, V đến nhà K, thì có một người đàn ông tên là S cũng đến nhà K để đi sang Trung Quốc lao động; K dùng điện thoại chụp hình ảnh P, T, V gửi cho người đàn ông Trung Quốc; K bỏ số tiền 15.000.000đ vào phong bì đưa cho S, nhờ S đưa cho người đàn ông Trung Quốc, đây là chi phí đưa P, T và Vân sang Trung Quốc; P, V, T đi xe đến chợ Chi Ma thuộc tỉnh Lạng Sơn gặp A; A đưa họ đến biên giới Việt Nam- Trung Quốc tại tỉnh Lạng Sơn, hướng dẫn họ đi qua biên giới theo khe suối gặp người đàn ông Trung Quốc; Sau khi trừ chi phí tiền xe, lần này K hưởng lợi 6.700.000đ; A hưởng lợi 200.000đ.

Lần thứ 8: Tháng 4/2019, Nguyễn Minh T, Hoàng Thế N, Nguyễn Minh C cư trú tại thị xã H, tỉnh Đăk Lăk, nhờ Trần Thị Thu H đưa sang Trung Quốc lao động; H đồng ý và thông báo chi phí mỗi người đi sang Trung Quốc là 7.500.000đ; Sau khi H điện thoại cho K, K yêu cầu H thu tiền và chuyển tiền cho K; Ngày 21/4/2019, C, T, N đến nhà H và giao tiền cho H; H dùng điện thoại chụp hình ảnh C, T, N gửi cho K, để K gửi cho người đàn ông Trung Quốc; Ngày 22/4/2019, H chuyển vào tài khoản của K 20.000.000đ; Trưa ngày 22/4/2019, C, T, N đi xe đến tỉnh Hà Tĩnh gặp K; K cho C, T, N xem hình ảnh người đàn ông Trung Quốc và yêu cầu khi sang Trung Quốc, thì đi theo người này; K bỏ số tiền 15.300.000đ vào phòng bì và đưa cho N, để N đưa lại cho A; Trong đó, K trả công cho A 300.000đ, số tiền còn lại A đưa cho người đàn ông Trung Quốc; C, T, N đi xe đến chợ Chi Ma thuộc tỉnh Lạng Sơn gặp A; A đưa họ đến biên giới Việt Nam- Trung Quốc tại tỉnh Lạng Sơn, hướng dẫn họ đi qua biên giới theo khe suối gặp người đàn ông Trung Quốc; A đưa cho người đàn ông Trung Quốc 15.000.000đ; Lần này, K hưởng lợi 7.200.000đ; A hưởng lợi 300.000đ.

Bản án hình sự sơ thẩm số: 36/2020/HS-ST ngày 14/9/2020, của Tòa án nhân dân thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, đã áp dụng: điểm a khoản 3 Điều 349: điểm s, t khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Lê Thị K 09 năm 06 tháng tù về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.

Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 349; điểm s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51: điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Vũ Thị A 07 năm tù về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.

Áp dụng điểm b, c khoản 2 Điều 349; điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Trần Thị Thu H 06 năm tù về tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn xử lý vật chứng, quyết định án phí và tuyên quyền kháng cáo.

Ngày 22/9/2020, ngày 26/9/2020, các bị cáo Lê Thị K, Vũ Thị A, Trần Thị Thu H có đơn kháng cáo xin giảm hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Lê Thị K và Vũ Thị A khai nhận: Năm 2017, A đưa Lê Thị K đến biên giới Việt Nam- Trung Quốc tại tỉnh Lạng Sơn, để K trốn trái phép sang Trung Quốc để lao động; Trong thời gian từ tháng 5/2018 đến tháng 4/2019, các bị cáo đã 08 lần thực hiện hành vi đưa 21 người Việt Nam là Nguyễn Văn L, Nguyễn Huy B, Chu Văn O, Dương Văn G, Nguyễn Hồng N, Dương Văn H ( em trai L ), Dương Văn D ( em họ L ), Trần Đình H, Trần Văn T, Hoàng Văn N, Chu Đại H, Chu Hồng D, Trần Đức T, Trần Anh V, Nguyễn Xuân O, Nguyễn Thị Thanh T, Nguyễn Văn V, Nguyễn Minh T, Nguyễn Minh C, Hoàng Thế N và người đàn ông tên H đến biên giới Việt Nam- Trung Quốc tại tỉnh Lạng Sơn, hướng dẫn những người này trốn trái phép sang Trung Quốc để lao động; Trong đó, các bị cáo tổ chức cho L, B, Ơ và H hai lần trốn trái phép sang Trung Quốc; K thu tiền mỗi người từ 6.000.000đ đến 7.500.000đ.

Tại phiên toà Trần Thị Thu H khai nhận: Lê Thị K là em dâu bị cáo; K nhờ bị cáo môi giới cho K người nào có nhu cầu đi sang Trung Quốc lao động, thì K sẽ tổ chức đưa họ trốn sang Trung Quốc và K hứa cho bị cáo tiền; Trong thời gian từ tháng 9/2018 đến tháng 4/2019, bị cáo đã 03 lần môi giới cho K đưa Nguyễn Huy B, Nguyễn Xuân O, Nguyễn Thị Thanh T, Nguyễn Minh T, Nguyễn Minh C, Hoàng Thế N trốn trái phép sang Trung Quốc để lao động.

Tại phiên tòa, đại diện VKSND tỉnh Đăk Lăk cho rằng: Bản án sơ thẩm tuyên xử Lê Thị K, Vũ Thị A phạm tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép, theo điểm a khoản 3 Điều 349 BLHS và tuyên xử Trần Thị Thu H phạm tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép, theo các điểm b, c khoản 2 Điều 349 BLHS, là có căn cứ, đúng pháp luật. Xét mức hình phạt mà Toà án cấp sơ thẩm xử phạt Lê Thị K, Vũ Thị A là thoả đáng và đã xem xét đầy đủ đến các tình tiết giảm nhẹ, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên hình phạt của bản án sơ thẩm. Xét mức hình phạt 06 năm tù mà Toà án cấp sơ thẩm xử phạt Trần Thị Thu H là có phần nghiêm khắc. Bởi lẽ, bị cáo có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo, giảm hình phạt tù cho bị cáo và xử phạt bị cáo với mức án từ 05 năm 03 tháng đến 05 năm 06 tháng tù.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Xét lời khai của Lê Thị K, Vũ Thị A, Trần Thị Thu H tại phiên toà phúc thẩm, là phù hợp với nhau, phù hợp với lời khai của các bị cáo tại phiên toà sơ thẩm; phù hợp với lời khai của những người được các bị cáo tổ chức cho họ trốn trái phép sang Trung Quốc và phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

[2] Như vậy, đã có đủ cơ sở pháp lý để kết luận: Do động cợ vụ lợi, năm 2017, Vũ Thị A đã thực hiện hành vi đưa Lê Thị K đến biên giới Việt Nam- Trung Quốc tại tỉnh Lạng Sơn, để K trốn trái phép sang Trung Quốc lao động:

Trong khoảng thời gian từ từ tháng 5/2018 đến tháng 4/2019, Lê Thị K và Vũ Thị LA đã 08 lần thực hiện hành vi tổ chức đưa 21 người Việt Nam là Nguyễn Văn L, Nguyễn Huy B, Chu Văn O, Dương Văn G, Nguyễn Hồng L, Dương Văn N ( em trai L ), Dương Văn H ( em họ L), Trần Đình H, Trần Văn T, Hoàng Văn N, Chu Đại H, Chu Hồng D, Trần Đức T, Trần Anh V, Nguyễn Xuân X, Nguyễn Thị Thanh T, Nguyễn Văn V, Nguyễn Minh T, Nguyễn Minh C, Hoàng Thế N và người đàn ông tên H đến biên giới Việt Nam- Trung Quốc tại tỉnh Lạng Sơn, hướng dẫn những người này trốn trái phép sang Trung Quốc để lao động; Trong đó, K và A tổ chức cho L, B, O và H hai lần trốn trái phép sang Trung Quốc; Trần Thị Thu H đã 03 lần môi giới cho Lê Thị Thu H cho Lê Thị K tổ chức đưa Nguyễn Huy B, Nguyễn Xuân O, Nguyễn Thị Thanh T, Nguyễn Minh T, Nguyễn Minh C, Hoàng Thế N trốn trái phép sang Trung Quốc để lao động.

Vì vậy, Toà án cấp sơ thẩm tuyên xử Lê Thị K, Vũ Thị A phạm tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép, với tình tiết định khung hình phạt là đối với 11 người trở lên, theo điểm a khoản 3 Điều 349 BLHS và tuyên xử Trần Thị Thu H phạm tội Môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép, với tình tiết định khung hình phạt là phạm tội 02 lần trở lên, đối với từ 05 người đến 10 người, theo các điểm b, c khoản 2 Điều 349 BLHS là có căn cứ, đúng với quy định của pháp luật.

[3] Xét mức hình phạt 09 năm 06 tháng tù, mà Toà án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Lê Thị K, 06 năm tù xử phạt Trần Thị Thu H là thoả đáng và đã xem xét đầy đủ đến các tình tiết giảm nhẹ, cũng như vai trò, mức độ thực hiện hành vi phạm tội của từng bị cáo. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy, không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo xin giảm hình phạt của các bị cáo, cần giữ nguyên mức hình phạt của bản án sơ thẩm, thì mới có tác dụng cải tạo, giáo dục các bị cáo và răn đe phòng ngừa tội phạm ở địa phương.

Xét mức hình phạt 07 năm tù mà Toà án cấp sơ thẩm xử phạt Vũ Thị A là có phần nghiêm khắc. Bởi lẽ, bị cáo có trình đội học vấn lớp 01/10, cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, nên nhận thức về pháp luật và xã hội có phần hạn chế; Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với vai trò là người giúp sức cho Lê Thị K; Số tiền mà bị cáo hưởng lợi rất ít so với Lê Thị K; Bố của bị cáo là người có công, được Nhà nước tặng thương huân chương. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo, giảm hình phạt cho bị cáo, để thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm, không có kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a, b khoản 1 Điều 355; điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự: Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Lê Thị K, Trần Thị Thu H và giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt đối với các bị cáo Lê Thị K, Trần Thị Thu H; Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Vũ Thị A, sửa bản án sơ thẩm về hình phạt đối với bị cáo Vũ Thị A.

Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 349; các điểm s, t khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS.

Xử phạt: Lê Thị K 09 năm 06 tháng tù về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép, thời hạn chấp hành phạt tù được tính từ ngày bắt tạm giữ 09/01/2020.

Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 349; các điểm s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51: điểm g khoản 1 Điều 52; khoản 1 Điều 54 BLHS

Xử phạt: Vũ Thị A 06 năm tù về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép, thời hạn chấp hành phạt tù được tính từ ngày bắt tạm giữ 16/01/2020.

Áp dụng các điểm b, c khoản 2 Điều 349; điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS.

Xử phạt: Trần Thị Thu H 06 năm tù về tội Môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép, thời hạn chấp hành phạt tù được tính từ ngày bắt tạm giữ 08/01/2020.

Về án phí phúc thẩm: Lê Thị K, Trần Thị Thu H, mỗi bị cáo phải chịu 200.000đ án phí hình sự phúc thẩm; Bị cáo Vũ Thị A không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

410
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 308/2020/HSPT ngày 30/11/2020 về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép

Số hiệu:308/2020/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 30/11/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;