TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BN
BẢN ÁN 30/2021/DSPT NGÀY 28/01/2021 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP
Trong ngày 28/01/2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh BN xét xử phúc thẩm vụ án thụ lý số: 25/2020/TLPT- DS ngày 30/11/2020 về “Tranh chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 12/2020/DS-ST ngày 04/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện QV, tỉnh BN bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 31/2021/QĐ-PT ngày 05/01/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh BN giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Anh Nguyễn Văn T, sinh năm 1976 (vắng mặt) Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Chị Nguyễn Thị D, sinh năm 1976 (có mặt) Cùng địa chỉ: Thôn Thịnh L, xã Đức L, huyện QV, tỉnh BN.
- Bị đơn: Ông Nguyễn Văn C, sinh năm 1965 (có mặt) Anh Nguyễn Văn L, sinh năm 1987 (có mặt).
Cùng địa chỉ: Thôn Thịnh L, xã Đức L, huyện QV, tỉnh BN.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Lê Thị T, sinh năm 1942 (có mặt).
2. Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1973 (vắng mặt).
3. Bà Lê Thị H, sinh năm 1965 (có mặt).
Cùng địa chỉ: Thôn Thịnh L, xã Đức L, huyện QV, tỉnh BN.
Do có kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Văn L, anh Nguyễn Văn C và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Bà Lê Thị H.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu trong hồ sơ thì vụ án có nội dung như sau: Nguyên đơn là Anh Nguyễn Văn T, người đại diện theo ủy quyền của Anh T là Chị Nguyễn Thị D trình bày: Năm 1994, Hợp tác xã tiến hành chia ruộng, gia đình chồng chị lúc bấy giờ các anh chị đã lập gia đình riêng, hộ gia đình do bố chị làm chủ hộ bao gồm 04 thành viên là bố chồng chị tức cụ Nguyễn Văn C, mẹ chồng chị Lê Thị Thơm, anh trai Nguyễn Văn Trịnh, chồng chị là Nguyễn Văn T và cô em chồng là Nguyễn Thị L. Khi Hợp tác xã tiến hành phân chia ruộng thì về đất nông nghiệp 85%, được chia là 4,5 định suất, tức là mỗi người được 01 định suất còn cô Là do còn nhỏ nên được tính một nửa (tức ½) định suất, còn đối với đất rau xanh 10% thì được tính là 04 định xuất, cô Tuyết không được chia đất rau xanh. Cụ thể diện tích đất nông nghiệp được giao là 5.592m2 trong đó phần đất rau xanh (tức đất 10%) được được phân 16 thước (mỗi người 04 thước) tương ứng với diện tích 384m2 (tức 01 sào 01 thước). Thửa đất ruộng rau xanh của gia đình được chia nằm ở xứ đồng Dưới Làng, sát đường ông Trang của thôn Thịnh Lai. Gia đình Ông Nguyễn Văn C do tách khẩu từ trước nên không có định suất ở thửa đất ruộng rau xanh này.
Năm 2000, Anh T và chị lập gia đình và ở riêng nhưng bố mẹ chồng chị không phân chia thửa đất ruộng rau xanh mà vẫn để sử dụng chung để gieo mạ.
Năm 2001 – 2005, vợ chồng chị đi miền Nam nên toàn bộ ruộng của anh chị để bố mẹ chồng chị sử dụng, cấy lúa và nộp sản lượng thay cho anh chị. Khi vợ chồng chị từ miền Nam về thì có lấy lại ruộng để gieo cấy. Đối với thửa đất ruộng rau xanh chị có nhiều lần bảo mẹ chồng chị trả vợ chồng chị để sử dụng nhưng mẹ chồng chị bảo để bà cấy nên gia đình vẫn sử dụng chung để gieo mạ, khi không gieo mạ thì vẫn để cho mẹ chồng chị sử dụng.
Năm 2017, Nhà nước thu hồi một phần diện tích khoảng 3 thước và được bồi thường khoảng 28 triệu. Bố mẹ chồng chị đã lĩnh khoản tiền này. Năm 2018, bố chồng chị mất, vợ chồng chị không biết việc bố chồng chị có để lại di chúc gì hay không vì trước khi ông mất, không thấy ông bảo gì.
Đến tháng 10/2019, Ông Nguyễn Văn C tiến hành đổ đất và xây tường xung quanh không hỏi bất cứ ý kiến của ai. Vợ chồng chị có đến nhà mẹ chồng chị đòi lại định suất của chồng chị nhưng bà bảo giờ bà không làm thế nào được vì ông Cừ đe dọa. Khi nào bà chết thì muốn làm thế nào thì làm, giờ để cho bà yên. Vợ chồng chị có yêu cầu ông Cừ trả lại phần định suất của chồng chị nhưng vợ chồng ông Cừ thách đố và không trả lại và có bảo rằng thửa đất ruộng rau xanh này khi bố chồng chị mất đã di chúc cho cháu Lượng là con trai ông Cừ và có đưa ra tờ giấy có ghi về việc bố chồng chị bảo cho cháu Lượng thửa đất rau xanh.
Hiện nay, tất cả các ruộng vợ chồng chị canh tác đều thuộc định suất của vợ chồng chị không có việc đổi ruộng này lấy ruộng khác.
Thửa đất rau xanh này cũng như nhiều thửa đất ruộng ở địa phương không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nay vợ chồng chị khởi kiện yêu cầu Ông Nguyễn Văn C và Anh Nguyễn Văn L phải trả lại phần đất rau xanh là 04 thước tức 96m2 của thửa đất rau xanh nằm ở xứ đồng Dưới Làng, cạnh đường ông Trang của thôn Thịnh Lai. Về việc di chúc của bố chồng chị như thế nào thì vợ chồng chị không có ý kiến cũng không đòi chia di sản thừa kế mà chỉ yêu cầu được nhận lại phần đất mà nhà nước đã giao và phân chia cho chồng chị.
Bị đơn, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là chị Nguyễn Thị Hằng trình bày: Năm 1992 địa phương tiến hành chia và giao đất 10% hay còn gọi là đất rau xanh để các hộ gia đình tiến hành canh tác, việc này thực hiện trên toàn xã Đức Long. Hộ cụ Nguyễn Văn C và cụ Lê Thị Thơm được chia 4,5 định suất ruộng gồm có cả đất ruộng cấy lúa và đất 10% rau xanh gồm cụ Nguyễn Văn C, cụ Lê Thị Thơm, Ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn T, riêng cô Nguyễn Thị L, sinh năm 1981 khi đó vẫn còn nhỏ chưa đủ 16 tuổi nên chỉ được chia ½ định suất ruộng cấy lúa. Đất ruộng của gia đình được chia hiện nay có lưu số liệu diện tích và định suất tại kế toán thôn Thịnh Lai cụ thể gồm:
Xứ đồng Dộc duới 44 thước; đồng Đám Mạ 1 là 32,5 thước; Đám Mạ 2 là 18 thước; xứ đồng Thân Cổng Hậu 15,5 thước, 26 thước và 20 thước; xứ đồng Đậu Ngoài 36 thước. Chia thêm một phần diện tích đất là ao ở đồng Dưới làng 5 thước hiện nay ruộng là khu ao trũng nhưng chưa cấy lúa được, ngoài ra Cầu Dừa 20 thước.
Riêng đất 10% rau xanh ban đầu gia đình cụ Cự được chia 4 khẩu gồm cụ Cự; cụ Thơm, ông Tuyết và ông Trịnh tương ứng là 384 m2.
Sau khi ông Tuyết kết hôn với bà Dư, một thời gian sau vợ chồng muốn ra ở riêng thì bố mẹ đồng ý và vợ chồng không ở chung cùng nhà nữa mà xây nhà ở đất khác do bố mẹ ông Tuyết cho. Khi đó ông Tuyết bà Dư còn đòi cụ Cự phải chia đất ruộng để canh tác riêng, cụ Cự đồng ý và đã trả cho ông Tuyết diện tích đất ruộng và cả đất 10% đất rau xanh tại phần đất mà ông Tuyết được chia và nay ông Tuyết đang đòi diện tích đất này với ông Cừ. Nhưng khi đó ông Tuyết lấy lý do đất trũng không cấy lúa được mất mùa nên ông Tuyết từ chối nhận và đòi cụ Cự phải chia cho phần đất ruộng ở khu ruộng cao hơn và cụ Cự đồng ý và đã chia cho ông Tuyết 1 sào 11 thước đất ruộng cấy lúa tại xứ đồng Dưới làng và 12 thước đất ruộng Đám Mạ tại xứ đồng Cổng làng. Từ đó gia đình ông Cừ không thấy ông Tuyết có bất kỳ thắc mắc hay đòi hỏi về ruộng nữa.
Tháng 10 năm 2018, cụ Cự qua đời. Đối với phần đất rau xanh này, cụ Cự đã di chúc cho Anh Nguyễn Văn L là cháu nội đích tôn. Tháng 10/2019, gia đình ông Cừ đã tiến hành đổ đất và xây tường bao xung quanh. Đầu năm 2020 lấy lý do gia đình cụ Cự chưa trả 01 định suất đất 10% rau xanh của mình đã được địa phương chia, ông Tuyết đã yêu cầu Ông Nguyễn Văn C phải trả cho ông Tuyết 96m2. Ông Nguyễn Văn C và Anh Nguyễn Văn L không đồng ý vì ông Tuyết đã được bố mẹ trả đủ 01 định suất đất ruộng và đất 10% rau xanh để sử dụng nên không chấp nhận trả lại phần đất trên cho ông Tuyết. Nay ông Tuyết khởi kiện tại Tòa án, yêu cầu ông Cừ và anh Lượng phải trả lại phần đất này thì cả ông Cừ và ông Lượng đều không đồng ý, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tuyết.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Bà Lê Thị T và Ông Nguyễn Văn T trình bày: Năm 1992, gia đình cụ được chia đất rau xanh 10% bao gồm 04 thước đất trồng màu và 16 thước ruộng chiêm. Phần đất ruộng rau xanh 10% nằm ở đồng Dưới làng là phần đất chia của 04 định suất gồm cụ Cự, cụ Thơm, ông Trịnh và ông Tuyết. Gia đình ông Cừ lúc đó đã tách khẩu không được chia cùng gia đình. Khi ông Tuyết lấy vợ và ra ở riêng, cụ đã trả ông Tuyết phần ruộng theo yêu cầu của ông Tuyết. Do phần đất ruộng rau xanh 10% nằm ở vùng đất trũng nên cụ đã cho vợ chồng ông Tuyết phần đất ruộng ở vị trí cao hơn nhưng cũng ở khu đồng Dưới Làng. Năm 2010, cụ Cự có làm giấy cho cháu Lượng được sử dụng toàn bộ 16 thước ruộng rau xanh nằm ở khu đồng Dưới Làng, sát đường liên xã để làm đất canh tác. Năm 2018, cụ Cự mất. Ngày 17/5/2020, toàn thể gia đình cụ đã tiến hành họp gia đình và nhất trí cho cháu Lượng 16 thước ruộng rau xanh nói trên. Cuộc họp gia đình không có vợ chồng ông Tuyết. Cụ khẳng định đã cho vợ chồng ông Tuyết được sử dụng 01 sào 7 thước tại khu đồng Muộn và 01 sào 11 thước và 12 thước ở đồng dưới làng. Về phần định suất của ông Tuyết đã nhận đủ. Năm 2018, khi nhà nước thu hồi một phần diện tích ở thửa đất ruộng rau xanh, cụ đã nhận tiền bồi thường khoảng 26 triệu. Số tiền này, cụ sử dụng không chia cho các con. Về quan điểm của cụ đối với yêu cầu khởi kiện của ông Tuyết thì cụ cho rằng, phần đất ruộng là của cụ, cụ đồng ý cho cháu Lượng. Hiện nay, cụ đang sống cùng ông Trịnh, ông Trịnh là người tàn tật nhưng vẫn sinh hoạt bình thường chỉ có nói hơi ngọng nên cụ trình bày thay ông Trịnh.
Từ những nội dung trên bản án sơ thẩm đã căn cứ Điều 163, Điều 166 Bộ luật dân sự ; khoản 2 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của BLTTDS; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Tuyên xử:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn T. Buộc Ông Nguyễn Văn C và Anh Nguyễn Văn L phải trả lại cho ông Nguyễn Văn T 96m2 (04 thước) của thửa ruộng 10% (rau xanh) ở xứ đồng Dưới Làng, nằm sát đường liên xã của Thôn Thịnh L, xã Đức L, huyện QV, tỉnh BN (tức đường ông Trang), có tứ cận như sau: Cạnh hướng Tây Bắc có chiều dài là 3,37m (tính từ tọa độ số 2 đến tọa độ số 12) giáp với phần đất lấn chiếm của bị đơn lấn chiếm vào phần diện tích thu hồi của dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường trục huyện QV, đoạn từ QL 18 đến kè Thịnh Lai, huyện QV (nằm sát đường liên xã của thôn Thịnh Lai), cạnh hướng Đông Bắc có chiều dài 28,87 (tính từ tọa độ số 2 đến tọa độ số 4), hướng Đông Nam giáp với mương đất có chiều dài là 3,34m (tính từ tọa độ số 4 đến tọa độ số 13), hướng Tây Nam có chiều dài 28,55m giáp với phần đất của bị đơn (tính từ tọa độ số 12 đến tọa độ số 13) (có bản đồ trích đo kèm theo).
Buộc bị đơn phải có trách nhiệm tháo dỡ phần diện tích đã xây dựng ở phần đất nông nghiệp của nguyên đơn.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản, nghĩa vụ thi hành án, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Sau khi xử sơ thẩm, ngày 11/9/2020, bị đơn là Ông Nguyễn Văn C, Anh Nguyễn Văn L, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Bà Lê Thị H có đơn kháng toàn bộ bản án.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn trình bày, tranh luận giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan giữ nguyên trình bày, tranh luận không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đồng thời giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh BN tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân thủ pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý phúc thẩm cho đến phần tranh luận tại phiên tòa là đảm bảo theo đúng trình tự, quy định của pháp luật và đề nghị:
Áp dụng khoản 2 Điều 308, Điều 148 BLTTDS; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH12 ngày 30/12/2016 về án phí, lệ phí:
Sửa bản án sơ thẩm số 12/2020/DSST ngày 04/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện QV về phần tuyên buộc nghĩa vụ.
Ông Cừ, anh Lượng và bà Hiền không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:
[1]. Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của Ông Nguyễn Văn C, Anh Nguyễn Văn L, Bà Lê Thị H nộp trong hạn luật định, đã thực hiện đầy đủ thủ tục tố tụng nên được xem xét giải quyết theo trình tự xét xử phúc thẩm.
[2]. Về nội dung:
- Nguồn gốc thửa đất đang có tranh chấp giữ nguyên đơn Anh Nguyễn Văn T với bị đơn Ông Nguyễn Văn C, Anh Nguyễn Văn L như sau: Năm 1992 Thôn Thịnh L, xã Đức L, huyện QV, tỉnh BN tiến hành chia ruộng cho các hộ gia đình trong thôn trong đó có gia đình cụ Nguyễn Văn C là bố đẻ của Anh T, anh Cừ. Theo các đương sự cung cấp cũng như xác minh của Tòa án thì thời điểm chia ruộng gia đình cụ Cự được chia 4,5 định suất bao gồm cụ Cự, cụ Lê Thị Thơm, anh Nguyễn Văn Trịnh, Anh Nguyễn Văn T và chị Nguyễn Thị L được ½ định suất. Tuy nhiên, định suất ruộng rau xanh chỉ có cụ Cự, cụ Thơm, anh Trịnh, Anh T được chia còn chị Là lúc đó chưa đủ tuổi nên không được chia. Diện tích đất nông nghiệp của gia đình cụ Cự được chia lúc đó là 233 thước = 5.592m2 ( 01 thước = 24m2) tại các xứ Đồng: Dộc Dưới 44 thước, Đám Mạ 1: 32,5 thước, Đám Mạ 2: 18 thước, Thân Cổng Hậu 15,5 thước, 26 thước và 20 thước; Đậu Ngoài 36 thước, chia thêm Ao là 05 thước, Cầu Dừa 20 thước và 16 thước đất 10% (tức rau xanh). Phần diện tích đất 10% rau xanh chia cho 4 định suất mỗi định suất được 04 thước x 24m2/thước = 96m2. Do đó, Anh T được chia diện tích đất 10% rau xanh là 96m2. Từ khi Anh T được chia diện tích đất rau xanh đến nay cụ Cự và cụ Thơm vẫn sử dụng. Đến khi Anh T lập gia đình và ra ở riêng thì cụ Cự và cụ Thơm chia cho Anh T sử dụng 01 sào 07 thước tại xứ đồng Muộn và 01 sào 11 thước và 12 thước ở xứ đồng Dưới Làng nhưng cũng chưa chia cho Anh T diện tích đất 10% rau xanh là định suất đất của Anh T được chia. Năm 2010, cụ Cự, cụ Thơm đã cho anh Cừ và cháu Lượng sử dụng diện tích đất 10% rau xanh của Anh T, do đó, Anh T đã khởi kiện đề nghị Tòa án buộc ông Cừ và anh Lượng trả lại anh định suất đất 10% rau xanh. Bản án sơ thẩm, xử buộc ông Cừ, anh Lượng trả lại Anh T 96m2 đất là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật. Bởi: Diện tích đất 96m2 Anh T được chia là có thật các đương sự đều thừa nhận việc này. Bị đơn là ông Cừ khi Tòa án giải quyết vụ án đã xuất trình một bản photo viết tay có nội dung: “Ngày 21 âm lịch 2010. Lời di chúc của ông Cự, cái ruộng rau xanh, ông còn sống được quyền sử dụng, đến khi ông bà chết giao cho cháu Lượng sử dụng, theo lời ông bà”. Dưới có ghi Cự và Nguyễn Văn Cự.
Ngoài ra còn có chữ ký của Nguyễn Văn Lượng, người làm chứng là Nguyễn Văn Lập và Nguyễn Văn Cừ. Tuy nhiên, do đây là vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất nên bản viết tay này Tòa án sơ thẩm không xem xét là đúng quy định. Hơn nữa, diện tích đất rau xanh này là định suất của cụ Cự, cụ Thơm, anh Trịnh, Anh T nên cụ Cự chỉ có thể định đoạt phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mình không thể cho anh Lượng định suất của Anh T khi chưa có sự đồng ý của Anh T. Ông Nguyễn Văn C, Anh Nguyễn Văn L cho rằng trước đây cụ Cừ, cụ Thơm đã trả định suất đất 10% rau xanh cho Anh T nhưng Anh T không nhận vì đất trũng nên Anh T đã đổi lấy diện tích đất khác. Tuy nhiên, phía ông Cừ, anh Lượng không đưa ra được tài liệu chứng cứ, chứng minh nên không có căn cứ để chấp nhận. Hơn nữa, đối với phần diện tích đất ruộng mà ông Cừ cho rằng Anh T sử dụng nhiều hơn diện tích đất Anh T được chia theo định suất được hưởng bị đơn có thể khởi kiện đòi quyền sử dụng đất nông nghiệp bằng một vụ án khác.
Đối với diện tích đất bị thu hồi, cụ Thơm là người nhận tiền bồi thường nên không buộc Anh T phải chịu trách nhiệm đối với phần diện tích đất bị thu hồi này.
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, ông Cừ, anh Lượng, bà Hiền kháng cáo toàn bộ bản án nhưng không có tài liệu, chứng cứ nào mới nên kháng cáo của ông Cừ, anh Lượng, bà Hiền không có căn cứ chấp nhận.Tuy nhiên, trong phần quyết định của bản án sơ thẩm tuyên lãi suất chậm trả khi thi hành án đối với số tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản mà bị đơn phải trả cho nguyên đơn là không đúng. Do đó, cần sửa bản án sơ thẩm về phần tuyên lãi suất chậm trả khi thi hành án.
Các quyết định khác của bản án dân sự sơ thẩm số 12/2020/DS-ST ngày 04/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện QV, tỉnh BN không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật.
Về án phí dân sự phúc thẩm: Do sửa bản án sơ thẩm về phần tuyên lãi suất chậm trả khi thi hành án nên ông Cừ, anh Lượng, bà Hiền không phải phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự.
Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh BN tại phiên tòa về việc không chấp nhận kháng cáo của ông Cừ, anh Lượng, bà Hiền và sửa bản án dân sự sơ thẩm số 12/2020/DS-ST ngày 04/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện QV, tỉnh BN về phần tuyên phải chịu lãi suất đối với số tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản là phù hợp với nhận định của hội đồng xét xử phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 148; khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Không chấp nhận kháng cáo của Ông Nguyễn Văn C, Anh Nguyễn Văn L và Bà Lê Thị H. Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 12/2020/DS-ST ngày 04/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện QV, tỉnh BN về phần tuyên phải chịu lãi suất đối với số tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản. Cụ thể:
1.1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Anh Nguyễn Văn T. Buộc Ông Nguyễn Văn C và Anh Nguyễn Văn L phải trả lại cho Anh Nguyễn Văn T 96m2 (04 thước) của thửa ruộng 10% (rau xanh) ở xứ đồng Dưới Làng, nằm sát đường liên xã của Thôn Thịnh L, xã Đức L, huyện QV, tỉnh BN (tức đường ông Trang), có tứ cận như sau: Cạnh hướng Tây Bắc có chiều dài là 3,37m (Tính từ tọa độ số 2 đến tọa độ số 12) giáp với phần đất lấn chiếm của bị đơn lấn chiếm vào phần diện tích thu hồi của dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường trục huyện QV, đoạn từ QL 18 đến kè Thịnh Lai, huyện QV (nằm sát đường liên xã của thôn Thịnh Lai), cạnh hướng Đông Bắc có chiều dài 28,87 (tính từ tọa độ số 2 đến tọa độ số 4), hướng Đông Nam giáp với mương đất có chiều dài là 3,34m (tính từ tọa độ số 4 đến tọa độ số 13), hướng Tây Nam có chiều dài 28,55m giáp với phần đất của bị đơn (tính từ tọa độ số 12 đến tọa độ số 13) (có bản đồ trích đo kèm theo).
1.2. Buộc bị đơn phải có trách nhiệm tháo dỡ phần diện tích đã xây dựng ở phần đất nông nghiệp của nguyên đơn.
2. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Nguyễn Văn C, Anh Nguyễn Văn L, Bà Lê Thị H không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả ông Cừ, anh Lượng, bà Hiền mỗi người 300.000đ tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm tại các biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0002353; 0002352; 0002351 ngày 16/9/2020 của Chi cục thi hành án dân sự huyện QV.
3. Các quyết định khác của bản án dân sự sơ thẩm số 12/2020/DS-ST ngày 04/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện QV, tỉnh BN không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 30/2021/DSPT ngày 28/01/2021 về tranh chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp
Số hiệu: | 30/2021/DSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bắc Ninh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 28/01/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về