TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN 6 – THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 30/2019/KDTM-ST NGÀY 27/11/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ
Ngày 27 tháng 11 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 16/2019/TLST-KDTM ngày 30 tháng 5 năm 2019 về “Tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 470/2019/QĐXXST- KDTM ngày 15 tháng 10 năm 2019 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ bảo vệ B, địa chỉ: 750 đường A, phường M, Quận F, Thành phố Hồ Chí Minh
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là: Ông Nguyễn Duy N; sinh năm: 1976; địa chỉ: 235/34 đường C, Phường B, Quận F, Thành phố Hồ Chí Minh; địa chỉ liên lạc: 130 đường số 47, phường T, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh (theo văn bản ủy quyền ngày 10 tháng 6 năm 2019) (có mặt).
- Bị đơn: Công ty Cổ phần I; địa chỉ: tầng 3, số 559 đường K, phường N, quận Đ, Thành phố Hà Nội
Người đại diện theo ủy quyền hợp pháp của bị đơn: Ông Trương Thanh T, sinh năm: 1983; địa chỉ: nhà số 608-CT3- KĐT D, tổ 6, phường T, quận N, Thành phố Hà Nội (có mặt); ông Nguyễn Văn T, sinh năm: 1982; địa chỉ: CH 1936 Tòa HH2B L, H, Quận M, Thành phố Hà Nội (theo văn bản ủy quyền số 1706/2019/UQ-GĐ ngày 17/6/2019) (ông Nguyễn Văn T có đơn xin xét xử vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Tại đơn khởi kiện đề ngày 20/5/2019, bản tự khai, các biên bản hòa giải và tại phiên tòa sơ thẩm hôm nay, nguyên đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ bảo vệ B (sau đây viết tắt là Công ty B) do ông Nguyễn Duy N đại diện theo ủy quyền trình bày:
Công ty cổ phần I (sau đây viết tắt là Công ty I) có nhu cầu thuê bảo vệ trông coi dự án nhà máy Nyan Kids Đ tại lô E đường số 5 khu công nghiệp L, xã B, thị xã L, tỉnh Đ. Vì vậy, ngày 02/11/2018, Công ty B và Công ty I ký kết hợp đồng cung ứng dịch vụ bảo vệ số 024/HĐ-BTL/2018, theo đó Công ty B sẽ cung ứng dịch vụ bảo vệ cho Công ty I là 01 (một) vị trí bảo vệ làm việc 24h/24h gồm có 02 (hai) nhân viên luân phiên nhau. Vị trí bảo vệ là bảo vệ tại cổng chính của công trình. Nhiệm vụ bảo vệ là giữ gìn an ninh trật tự; kiểm soát người ra vào công trình; tài sản của công trình nhưng phải có biên bản bàn giao tài sản kèm theo. Thời hạn của hợp đồng tính từ ngày 02/11/2018 đến ngày Công ty I kết thúc thi công công trình và công ty I phải thông báo trước cho công ty B ít nhất là 30 ngày. Trong trường hợp còn 15 (mười lăm) ngày trước khi kết thúc thi công công trình mà công ty I vẫn sử dụng bảo vệ của công ty B thì hai bên sẽ gặp nhau thỏa thuận để gia hạn hợp đồng. Nếu công ty I không thông báo trước bằng văn bản về việc chấm dứt hợp đồng cung ứng dịch vụ bảo vệ thì hợp đồng sẽ mặc nhiên được tiếp tục thực hiện.
Trong suốt thời gian bảo vệ công trình, bảo vệ của công ty B đã làm đúng nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, vào ngày 28/12/2018, công ty I có thông báo là tại công trình xảy ra mất 02 (hai) máy laptop và cho rằng đây là trách nhiệm của công ty B. Việc mất mát tài sản không thuộc trách nhiệm của công ty B vì trong hợp đồng có quy định bảo vệ của Công ty B chỉ có trách nhiệm bảo vệ tại cổng chính của công trình và không có trách nhiệm bảo vệ toàn bộ tài sản của công trình. Trong hợp đồng có quy định bên công ty B chỉ có trách nhiệm bảo vệ những tài sản nào đã được bàn giao bằng biên bản. Trong quá trình bảo vệ công trình công ty I không lập biên bản bàn giao tài sản cụ thể nên bảo vệ chỉ thực hiện kiểm sát tài sản khi ra khỏi công trình theo phiếu xuất kho của thủ kho công ty I. Chính từ việc mất tài sản này mà hai công ty đã xảy ra mâu thuẫn.
Sáng ngày 18/01/2019, ông Nguyễn Văn T là chỉ huy trưởng công trình của công ty I điện thoại trực tiếp cho ông Cao Đức D xuống công trình bàn bạc về việc rút hết bảo vệ khỏi công trình. Chính vì vậy ông Cao Đức D đã chuẩn bị sẵn nội dung của ba biên bản làm việc. Một biên bản làm việc viết tay, một biên bản làm việc có nội dung như bị đơn cung cấp và một biên bản làm việc có nội dung mà nguyên đơn cung cấp. Ông Cao Đức D trực tiếp xuống làm việc với ông Nguyễn Văn T là chỉ huy trưởng công trường. Mặc dù biết ông Nguyễn Văn T không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty I và cũng không có giấy ủy quyền cho buổi làm việc ngày 18/01/2019 nhưng ông Nguyễn Văn T là người được quyền quyết định mọi vấn đề ở công trường vì khi công ty B bàn giao bảo vệ cho công ty I thì ông Nguyễn Văn T cũng là người tiếp nhận nhân viên bảo vệ. Ông Nguyễn Văn T cũng chính là người đuổi bảo vệ của công ty B ra khỏi công trường và có sự chứng kiến của người lao động tại công trình và nhân viên bảo vệ của công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ L.
Tại buổi làm việc ngày 18/01/2019, biên bản làm việc viết tay không được hai bên chấp nhận nên đã hủy bỏ. Đối với biên bản làm việc do bị đơn cung cấp, sau khi ký tên ông Cao Đức D thấy không đầy đủ nội dung cũng như về mặt pháp lý nên hai bên thống nhất hủy bỏ biên bản làm việc này và hai bên thống nhất sử dụng biên bản làm việc cuối cùng do chúng tôi cung cấp có chữ ký sống của cả hai bên. Tại biên bản này ông Nguyễn Văn T đại diện cho công ty I tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng và tự nguyện bồi thường toàn bộ thời hạn còn lại của hợp đồng cho công ty B. Sau khi ký xong biên bản làm việc, công ty B đã rút toàn bộ bảo vệ ra khỏi công trường.
Sau buổi làm việc ngày 18/01/2019, công ty B có gửi cho công ty I Thông báo số 002/TBVPHĐ-BTL/2019 ngày 18/01/2019 về việc yêu cầu công ty I thanh toán tiền phí dịch vụ còn thiếu, tiền bồi thường phí dịch vụ theo thỏa thuận do đơn phương chấm dứt hợp đồng và tiền phạt mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Ngày 04/3/2019, công ty B tiếp tục gửi cho công ty I thông báo số 003/TBVPHĐ- BTL/2019 trả lời về việc mất hai máy laptop không thuộc trách nhiệm của công ty B đồng thời yêu cầu công ty I bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Nay Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Bảo vệ B yêu cầu như sau:
- Yêu cầu Công ty cổ phần I thanh toán cho Công ty B tiền phí dịch vụ bảo vệ còn thiếu từ tháng 12/2018 đến ngày 18/01/2019 là 01 tháng 18 ngày với số tiền là: 23.709.678đ (Hai mươi ba triệu, bảy trăm lẻ chín ngàn, sáu trăm bảy mươi tám đồng);
- Công ty B chỉ yêu cầu Công ty I trả tiền phạt vi phạm hợp đồng do chậm thanh toán phí dịch vụ bảo vệ còn thiếu là 01%/ngày đến ngày 30/10/2019 với số tiền là: 58.558.066đ (Năm mươi tám triệu, năm trăm năm mươi tám ngàn, không trăm sáu mươi sáu đồng);
-Yêu cầu bồi thường là 45.000.000đ (Bốn mươi lăm triệu đồng) theo Hợp đồng cung ứng dịch vụ bảo vệ số 024/HĐ-BTL/2018 ngày 02/11/2018 do công ty I tự ý chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn về việc Công ty cổ phần I yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Bảo vệ B thanh toán cho Công ty cổ phần I tổng số tiền là 144.000.000 đồng (Một trăm bốn mươi bốn triệu đồng), bao gồm 45.000.000đ (Bốn mươi lăm triệu đồng) là tiền bồi thường do Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ B tự ý chấm dứt hợp đồng và 99.000.000đ (chín mươi chín triệu đồng) là chi phí mà Công ty cổ phần I thuê người trông giữ, bảo quản tài sản ngày và đêm cho phần việc mà Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ B đã tự ý rút khỏi công trình tính từ ngày 18/01/2019 đến hết tháng 4/2019 thì Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Bảo vệ B không chấp nhận.
Bị đơn – Công ty cổ phần I do ông Trương Thanh T là người đại diện theo ủy quyền trình bày: Ngày 02/11/2018, Công ty cổ phần I và công ty B có ký hợp đồng cung ứng dịch vụ bảo vệ số 024/HĐ-BTL/2018 với nội dung là công ty I thuê dịch vụ bảo vệ của công ty B để duy trì an ninh trật tự và bảo đảm an toàn tài sản, vật tư, hàng hóa, thiết bị của công ty I tại dự án nhà máy Nyan Kids Đ tại lô E đường số 5 khu công nghiệp L, xã B, thị xã L, tỉnh Đ. Theo đó, công ty B sẽ cử 02 (hai) nhân viên bảo vệ đến công trình làm việc 24/24 và bảo vệ toàn bộ công trình. Nhiệm vụ của bảo vệ là bảo vệ toàn bộ tài sản của công trình.
Vào lúc 06 giờ 00 ngày 28/12/2018, xảy ra sự cố mất tài sản ở công trình. Tài sản bị mất là 02 chiếc máy tính xách tay (hiệu Toshiba và hiệu HP), trị giá khoảng 40.000.000 đồng. Sau khi phát hiện mất tài sản cán bộ công ty I đã thông báo với người có trách nhiệm của công ty B để phối hợp giải quyết.
Vì công ty B không có thiện chí hợp tác để khắc phục hậu quả và còn đưa ra những lý do thiếu căn cứ nhằm mục đích chối bỏ trách nhiệm. Vì vậy, ông Nguyễn Văn T là chỉ huy trưởng công trường đã tự ý đề nghị công ty B rút toàn bộ bảo vệ ra khỏi công trình, tạm dừng việc bảo vệ để hai bên giải quyết về vấn đề mất tài sản. Việc làm của ông Nguyễn Văn T chưa được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của công ty I.
Vào ngày 18/01/2019, công ty B do ông Cao Đức D đại diện đã đến công trình của công ty I làm việc với ông Nguyễn Văn T. Ông T và ông D đã thỏa thuận rút bảo vệ khỏi công trường và có lập biên bản là công ty B đồng ý rút toàn bộ bảo vệ tại công trình và bàn giao lại tài sản cho công trình của công ty I. Hai bên chỉ ký một biên bản làm việc duy nhất với nội dung như biên bản làm việc mà bị đơn cung cấp cho Tòa án.
Đối với biên bản làm việc ngày 18/01/2019 mà nguyên đơn cung cấp cho Tòa án, ông thừa nhận chữ ký trong biên bản này là của ông Nguyễn Văn T nhưng nội dung trong biên bản làm việc này không đúng với nội dung của biên bản làm việc mà bị đơn cung cấp cho Tòa án, có sự chèn dòng trong biên bản. Mặc khác ông Nguyễn Văn T là người không có thẩm quyền đứng ra giải quyết tranh chấp cũng như đơn phương chấm dứt hợp đồng nên nội dung làm việc trong biên bản làm việc ngày 18/01/2019 giữa ông D và ông T là không có giá trị. Phía công ty I chưa có bất kỳ thông báo nào yêu cầu công ty B rút toàn bộ bảo vệ khỏi công trình. Việc công ty B tự ý rút toàn bộ bảo vệ khỏi công trình là đã tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng. Ngày 18/01/2019 công ty B rút toàn bộ bảo vệ khỏi công trình thì ông T có thông báo cho công ty I biết việc này. Ngày 19/01/2019, công ty I phát hành Thông báo không số ngày 19/01/2019 thông báo về sự việc mất cắp tại công trình và nội dung công tác bảo vệ đồng thời đề nghị công ty B có trách nhiệm đền bù việc mất tài sản và ngừng cung cấp dịch vụ bảo vệ để giải quyết vấn đề mất tài sản.
Sau đó công ty I có nhận được thông báo số 002/TBVPHĐ-BTL/2019 ngày 18/01/2019 và thông báo số 003/TBVPHĐ-BTL/2019 ngày 04/3/2019 của công ty B yêu cầu công ty I thanh toán tiền phí dịch vụ còn thiếu, tiền bồi thường phí dịch vụ theo thỏa thuận do đơn phương chấm dứt hợp đồng và tiền phạt mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, do hai công ty chưa giải quyết xong về vấn đề mất mát tài sản nên công ty I không có ý kiến đối với hai thông báo trên của công ty B.
Ngày 16/01/2019, công ty I đã ký kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo vệ số 1138/01/2019-HĐBV với công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ L với thời gian thực hiện là từ ngày 20/01/2019. Mục đích công ty I ký thêm hợp đồng bảo vệ với công ty bảo vệ L là do công ty I không còn tin tưởng nhân viên bảo vệ của công ty B nữa. Mặt khác do công trình bắt đầu đi vào xây dựng rất nhiều hạng mục cần phải bảo vệ nên Công ty I thuê thêm một đơn vị bảo vệ nữa để bảo vệ công trình. Đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ B thì công ty I có ý kiến như sau:
- Công ty cổ phần I đồng ý thanh toán cho Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ B phí dịch vụ bảo vệ mà công ty I chưa thanh toán cho công ty B là 01 tháng 18 ngày với số tiền là 23.709.678 đồng - Đối với yêu cầu Công ty cổ phần I phải thanh toán tiền phạt 01%/ngày do chậm thanh toán thì yêu cầu này là không phù hợp với quy định của pháp luật. Công ty I chỉ đồng ý trả tiền phạt vi phạm đối với số tiền thuê dịch vụ bảo vụ còn thiếu theo quy định của pháp luật là 8% trên phí dịch vụ bảo vệ còn thiếu - Công ty cổ phần I không đồng ý bồi thường cho Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ B với số tiền là 45.000.000 đồng vì công ty I không đơn phương chấm dứt hợp đồng. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng là do phía công ty B.
Tại phiên tòa hôm nay, Công ty I tự nguyện hỗ trợ trả thêm tiền lãi do chậm thanh toán tiền phí dịch vụ cho Công ty B từ ngày 19/01/2019 đến ngày xét xử sơ thẩm với mức lãi suất theo quy định của pháp luật.
Đối với yêu cầu phản tố của Công ty cổ phần I:
- Công ty Cổ phần I xin rút lại một phần yêu cầu phản tố không yêu cầu Công ty B phải bồi thường số tiền 99.000.000đ (chín mươi chín triệu đồng) là tiền phí dịch vụ mà công ty I phải thuê bảo vệ để bảo vệ công trình từ ngày 20/01/2019 đến hết tháng 4/2019.
- Yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Bảo vệ B bồi thường cho Công ty cổ phần I số tiền 45.000.000đ ( Bốn mươi lăm triệu đồng) do Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ B tự ý chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Tại bản tự khai đề ngày 18/10/2019 ông Nguyễn Văn T là người đại diện theo ủy quyền của Công ty I trình bày:
Ông và ông Trương Thanh T được Công ty I ủy quyền đại diện cho Công ty I tham gia tố tụng để giải quyết tranh chấp với Công ty B tại Tòa án nhân dân Quận 6. Trong quá trình giải quyết vụ án thì ông Trương Thanh T đại diện cho công ty I đã có ý kiến trình bày đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ông hoàn toàn thống nhất với toàn bộ ý kiến và lời trình bày của ông Trương Thanh T.
Tuy nhiên, ông chỉ trình bày thêm về việc liên quan đến biên bản làm việc ngày 18/01/2019 ông là người đã ký tên trên biên bản làm việc ngày 18/01/2019 với người đại diện của Công ty B như sau : Tháng 10 năm 2018 ông được Công ty I giao nhiệm vụ quản lý Công trình tạm thời một số công việc tại dự án Công trình nhà máy Nyan Kids Đ, có địa chỉ tại : Lô E, đường số 5, KCN L, xã B, Thị xã L, tỉnh Đ. Ngày 02/11/2018, giữa Công ty I và Công ty B có ký hợp đồng cung ứng dịch vụ bảo vệ. Nội dung hợp đồng cung ứng dịch vụ bảo vệ giữa hai bên như thế nào thì ông không được biết. Công ty I có giao cho ông ký biên bản bàn giao tài sản và nhân viên bảo vệ, ngoài ra không có chỉ đạo nào khác.
Vào lúc 6h00 ngày 28 tháng 12 năm 2018 khi trở lại làm việc, nhân viên Công ty I phát hiện việc mất cắp tài sản trên công trình. Tài sản bị mất là 02 chiếc máy tính xách tay (01 máy hiệu TOSHIBA và 01 máy hiệu HP), trị giá khoảng 40.000.000 đồng (bốn mươi triệu đồng). Ngay sau khi phát hiện việc mất tài sản, ông đã thông báo về Công ty I và Giám đốc công ty có chỉ đạo liên hệ và thông báo với người có trách nhiệm của Công ty B để phối hợp giải quyết. Nhận được chỉ đạo từ Ban giám đốc ông đã liên hệ và thông báo đến Công ty B vụ việc trên. Vào lúc 10h30 ngày 28/12/2018 đại điện Công ty B, do ông Huỳnh Anh T làm đại diện đã đến Văn phòng ban điều hành công trình công ty để làm việc (không có giấy ủy quyền). Tại biên bản làm việc cùng ngày, do cả hai bên đều không có giấy ủy quyền để làm việc nên ông và ông Huỳnh Anh T thống nhất chỉ lập biên bản ghi nhận việc mất cắp tài sản và đề xuất các hướng giải quyết khắc phục hậu quả. Sau khi lập biên bản hiện trường, ông đã báo cáo về Ban lãnh đạo công ty I biết sự việc.
Ngày 18/01/2019, Công ty B đã cử 01 cán bộ (không có giấy ủy quyền) đến Công trình của công ty chúng tôi làm việc (sau này ông mới biết người đến làm việc là Giám đốc công ty B). Khi xuống làm việc, ông này giới thiệu ông là cán bộ giám sát do công ty cử xuống lập biên bản làm việc về việc bàn giao tài sản. Cứ nghĩ sự việc Công ty B cử đại diện xuống như lần trước nên ông và ông này có ký vào biên bản làm việc đã soạn sẵn từ trước do ông này mang xuống có nội dung giống nhau đề cập đến việc bàn giao tài sản. Ông này cũng nói với ông là chỉ ghi nhận sự việc và về báo lại công ty. Lúc đó trên biên bản có đánh máy sẵn nội dung và giữa các dòng đều có khoảng cách rất rộng. Lúc ký tên ông có sơ suất là không gạch bỏ những khoảng cách rộng giữa các dòng trên văn bản. Sau khi ký xong biên bản làm việc tiếp thu ý kiến, ông này cũng đã tự ý rút toàn bộ bảo vệ ra khỏi công trình và viết thêm vào dưới phần chữ ký trong biên bản làm việc là rút toàn bộ bảo vệ từ 15h ngày 18/1/2019, mỗi bên đều giữ một biên bản làm việc. Bên Công ty bảo vệ B giữ bản chính, còn bên ông thì giữ bản photo nhưng phần ký tên thì là chữ ký sống của cả hai bên. Biên bản này Công ty I đã cung cấp cho Tòa án. Tối ngày 18/01/2019, sau khi công ty B rút bảo vệ khỏi công trình, ông đã báo cáo sự việc cho Ban lãnh đạo Công ty I biết và Công ty I đã cử bảo vệ khác xuống công trình bảo vệ.
Ngày 22/01/2019, ông được Công ty cổ phần I thông báo là phía Công ty B có gửi công văn số 002/TBVPHĐ-BTL/2019 đề ngày 18/01/2019 về việc cho rằng Công ty Incon tự ý chấm dứt hợp đồng và chấp nhận bồi thường thiệt hại dựa trên biên bản làm việc do ông ký. Ông rất bất ngờ về sự việc này. Ông xin khẳng định:
1. Giữa ông và Công ty B không ký bất kỳ biên bản làm việc nào có nội dung tự ý chấm dứt hợp đồng và bồi thường thiệt hại như Công ty bảo vệ B cung cấp.
2. Giữa ông và đại diện công ty bảo vệ B chỉ có duy nhất 01 biên bản làm việc ngày 18/01/2019 với nội dung bàn giao toàn bộ tài sản và các nội dung công việc, chứ không hề có bất cứ thỏa thuận nào về việc chấm dứt hợp đồng hoặc bồi thường thiệt hại;
Ông chỉ là người được giao quản lý tạm thời trên công trình, không phải người đại diện pháp luật Công ty và ông cũng chưa được Công ty Cổ phần I ủy quyền cho ông để giải quyết việc chấm dứt hợp đồng với công ty B nên ông hoàn toàn không có thẩm quyền để quyết định việc chấm dứt hợp đồng hoặc bồi thường thiệt hại. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của người đại diện pháp luật của 2 bên công ty.
Biên bản làm việc ngày 18/01/2019 mà Công ty B cung cấp cho Tòa án có nội dung thể hiện Công ty cổ phần I tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng và đồng ý bồi thường hợp đồng cho Công ty B thì biên bản này sau khi đem về Công ty B đã tự ý chèn thêm các dòng vào. Do vậy biên bản này là giả mạo.
Nay Công ty TNHH bảo vệ B căn cứ vào biên bản làm việc ngày 18/01/2019 có các nội dung được công ty B chèn thêm vào để khởi kiện là không có căn cứ. Việc rút bảo vệ khỏi công trường ngày 18/01/2019 là do tự ý của công ty B và công ty B đã tự đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo vệ mà hai bên đã ký kết. Ông xin khẳng định lại là Công ty Cổ phần I chưa có văn bản ủy quyền nào ủy quyền cho ông để thay mặt Công ty cổ phần I đứng ra giải quyết bất kỳ công việc nào với Công ty B kể từ khi có sự việc mất mát tài sản tại Công trình nhà máy Nyan Kids Đ.
Với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của Công ty Cổ phần I đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc nguyên đơn cho rằng công ty Cổ phần I tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng và phải bồi thường số tiền 45.000.000 đồng.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận 6 phát biểu ý kiến:
- Việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán và của Hội đồng xét xử kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử vào nghị án đã đảm bảo các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng: các đương sự đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Việc đưa vụ án ra xét xử đúng theo quy định của pháp luật.
- Về nội dung giải quyết vụ án: Công ty cổ phần I có nhu cầu thuê bảo vệ trông coi dự án nhà máy Nyan Kids Đ tại lô E đường số 5 khu công nghiệp L, xã B, thị xã L, tỉnh Đ. Vì vậy, ngày 02/11/2018, Công ty B và Công ty I ký kết hợp đồng cung ứng dịch vụ bảo vệ số 024/HĐ-BTL/2018. Ngày 18/01/2019 ông Nguyễn Văn T là chỉ huy trưởng công trình nhà máy Nyan kids Đ cùng với ông Cao Đức D là giám đốc công ty B đã ký biên bản làm việc về việc bàn giao tài sản và nội dung công việc . Sau đó vào lúc 15 giờ cùng ngày thì Công ty B đã rút bảo vệ khỏi công trình nhà máy Nyan Kids Đ. Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về tiền phí dịch vụ bảo vệ Công ty I chưa thanh toán từ tháng 12/2018 đến ngày 18/01/2019 với số tiền là 23.709.678 đồng. đối với số tiền phí dịch vụ này thì đại diện bị đơn cũng thừa nhận là chưa thanh toán cho nguyên đơn. Vì vậy, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải thanh toán phí dịch vụ bảo vệ còn thiếu là 23.709.678 đồng là có cơ sở chấp nhận.
Đối với yêu cầu công ty I phải trả tiền phạt vi phạm hợp đồng là 1%/ngày trên phí dịch vụ bảo vệ còn thiếu. Việc thỏa thuận này là chưa phù hợp với quy định tại Điều 301 Luật Thương mại. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào quy định của Luật Thương mại để giải quyết đối với khoản tiền phạt vi phạm này.
Đối với yêu cầu công ty I phải bồi thường số tiền 45.000.000đ (Bốn mươi lăm triệu đồng) do tự ý chấm dứt hợp đồng bảo vệ trước thời hạn. Nhận thấy trong thời gian bảo vệ tại công trình thì xảy ra việc mất mát tài sản của Công ty I nhưng Công ty B không có thiện chí giải quyết việc mất mát tài sản. Đồng thời, tại kết luận giám định số 3828/C09B ngày 19/9/2019 của Phân viện khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận biên bản làm việc ngày 18/01/2019 mà nguyên đơn cung cấp có những dòng được tạo lập thêm. Như vậy, nguyên đơn đã không trung thực trong việc cung cấp chứng cứ. Đồng thời ông Nguyễn Văn T chưa được công ty I ủy quyền để giải quyết công việc liên quan đến hợp đồng bảo vệ số 024/HĐ-BTL/2018 với công ty B. Do vậy, nay công ty B yêu cầu công ty I phải bồi thường số tiền 45.000.000 đồng là không có cơ sở. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn.
Tại phiên tòa hôm nay bị đơn rút một phần yêu cầu phản tố không yêu cầu Công ty B phải bồi thường 99.000.000 đồng tiền công ty I thuê bảo vệ từ ngày 19/01/2019 đến tháng 4/2019. Việc rút một phần yêu cầu phản tố này của bị đơn là hoàn toàn tự nguyện. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ một phần yêu cầu phản tố của bị đơn.
Đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn đồng ý trả tiền lãi chậm thanh toán trên số tiền dịch vụ bảo vệ còn thiếu. Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn về việc yêu cầu nguyên đơn phải bồi thường số tiền 45.000.000 đồng. Nhận thấy, ngày 16/01/2019 bị đơn đã ký hợp đồng dịch vụ bảo vệ với công ty bảo vệ L, ngày 19/01/2019 đã ban hành thông báo không số có nội dung đề nghị công ty B ngừng cung cấp dịch vụ bảo vệ trước ngày 20/01/2019 mặc dù thông báo này được gửi sau ngày 20/01/2019 nhưng cho thấy ý thức chủ quan của công ty I đã muốn chấm dứt hợp đồng bảo vệ với công ty B. Do vậy, Công ty I yêu cầu công ty B bồi thường 45.000.000 đồng là không có cơ sở. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận một phần phản tố của bị đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng và thẩm quyền giải quyết vụ án: Công ty B khởi kiện Công ty I về tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ bảo vệ số: 024/HĐ-BTL/2018 ngày 02/11/2018 đây là tranh chấp về hợp đồng cung ứng dịch vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35. Tại Điều 8 của hợp đồng cung ứng dịch vụ bảo vệ số : 024/HĐ-BTL/2018 ngày 02/11/2018 các bên thỏa thuận “ …nếu việc thương lượng không thành thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền nơi có trụ sở chính của bên B tại Thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết …”. Như vậy, trụ sở chính của bên B theo hợp đồng cung ứng dịch vụ bảo vệ số : 024/HĐ-BTL/2018 ngày 02/11/2018 là Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ B có trụ sở chính tại Quận 6. Do vậy, căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Quận 6.
[2] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn
a/ Đối với phí dịch vụ bảo vệ mà công ty cổ phần I còn thiếu của tháng 12/2018 và phí dịch vụ bảo vệ còn thiếu từ ngày 01/01/2019 đến ngày 18/01/2019 với tổng số tiền là: 23.709.678đ (Hai mươi ba triệu, bảy trăm lẻ chín ngàn, sáu trăm bảy mươi tám đồng).
Hội đồng xét xử xét thấy, ông Trương Thanh T là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn thừa nhận Công ty Cổ phần I vẫn chưa thanh toán phí dịch vụ bảo vệ cho Công ty bảo vệ B từ ngày 01/12/2018 đến ngày 18/01/2019 ( 01 tháng 18 ngày) với số tiền là: 23.709.678 đồn. Nay công ty I đồng ý thanh toán số tiền phí dịch vụ bảo vệ còn thiếu trên cho Công ty bảo vệ B. Như vậy, Công ty B khởi kiện yêu cầu Công ty I phải thanh toán phí dịch vụ bảo vệ còn thiếu từ 01/12/2018 đến ngày 18/01/2019 với số tiền là: 23.709.678đ (Hai mươi ba triệu, bảy trăm lẻ chín ngàn, sáu trăm bảy mươi tám đồng) là hoàn toàn có cơ sở để chấp nhận.
b/ Đối với yêu cầu trả tiền phạt vi phạm hợp đồng do chậm thanh toán phí dịch vụ bảo vệ với số tiền là: 58.558.066đ (Năm mươi tám triệu, năm trăm năm mươi tám ngàn, không trăm sáu mươi sáu đồng).
Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa hôm nay người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền của bị đơn đều xác nhận khi ký hợp đồng hai bên có thỏa thuận điều khoản phạt vi phạm trên. Ông Nguyễn Duy N đại diện cho bị đơn xác định đây là điều khoản phạt vi phạm được áp dụng khi một bên vi phạm hợp đồng. Công ty I không thanh toán phí dịch vụ đúng theo quy định trong hợp đồng là đã vi phạm hợp đồng và việc hai bên thỏa thuận phạt vi phạm 1%/ngày là do hai bên tự nguyện thỏa thuận khi ký kết hợp đồng nên các bên phải thực hiện. Ông Nguyễn Duy N cũng xác định Công ty bảo vệ B yêu cầu công ty I trả tiền phạt vi phạm hợp đồng vì thanh toán phí bảo vệ dịch vụ không đúng hạn chứ không phải là yêu cầu tính tiền lãi chậm trả do chậm thanh toán phí dịch vụ bảo vệ.
Ông Trương Anh T là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn thì cho rằng mặc dù trên hợp đồng hai bên có thỏa thuận mức phạt vi phạm do chậm thanh toán phí dịch vụ bảo vệ. Tuy nhiên, việc thỏa thuận mức phạt vi phạm này là không phù hợp với quy định của Luật Thương mại. Công ty I chỉ đồng ý trả tiền phạt vi phạm là 8% trên phần nghĩa vụ hợp đồng vi phạm. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử tính lại mức phạt.
Hội đồng xét xử xét thấy, theo quy định tại Điều 300 Luật Thương mại quy định “ Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận…” và tại Điều 301 quy định về mức phạt vi phạm như sau “ Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm…”. Theo thỏa thuận của các bên tại Điều 12 của hợp đồng cung ứng dịch vụ bảo vệ số: 024/HĐ-BTL/2018 ngày 01/11/2018 thì hai bên có thỏa thuận“ Trường hợp bên A thanh toán phí dịch vụ bảo vệ không đúng hạn theo hợp đồng này thì bên A tự nguyện chịu phạt 1% tương ứng với phí dịch vụ bảo vệ cho mỗi một ngày quá hạn kể cả các ngày chậm thanh toán của từng tháng…”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật Thương mại quy định về nguyên tắc tự do, tự nguyện, thỏa thuận trong hoạt động thương mại thì “ Các bên có quyền tự do thỏa thuận không trái với quy định của pháp luật…để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại”. Như vậy, theo quy định của pháp luật chỉ cho phép các bên được phạt vi phạm không vượt quá 8% của giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm nhưng ở đây các bên lại thỏa thuận mức phạt 1%/ngày tương ứng với phí dịch vụ thanh toán trễ hạn. Thỏa thuận này không phù hợp với quy định của pháp luật. Tại phiên tòa hôm nay, đại diện bị đơn đồng ý trả tiền phạt vi phạm là 8% của phần giá trị phí dịch vụ thuê bảo vệ còn thiếu Vì vậy, Hội đồng xét xử sẽ điều chỉnh lại mức phạt cho phù hợp với quy định của pháp luật là 8% của phần giá trị phí dịch vụ thuê bảo vệ còn thiếu. Tổng phí dịch vụ thuệ bảo vệ mà Công ty I chưa thanh toán cho công ty bảo vệ B là: 23.709.678đ (Hai mươi ba triệu, bảy trăm lẻ chín ngàn, sáu trăm bảy mươi tám đồng). Số tiền phạt vi phạm công ty I phải trả cho công ty B là: 23.709.678đ x 8% = 1.896.774đ (Một triệu, tám trăm chín mươi sáu ngàn, bảy trăm bảy mươi bốn đồng).
Như vậy, Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận một phần đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty bảo vệ B về việc yêu cầu công ty I phải thanh toán số tiền phạt vi phạm do chậm thanh toán phí dịch vụ bảo vệ còn thiếu là: 1.896.774đ (Một triệu, tám trăm chín mươi sáu ngàn, bảy trăm bảy mươi bốn đồng). c/ Tại phiên tòa hôm nay người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn có bổ sung thêm yêu cầu khởi kiện là yêu cầu Công ty I phải trả tiền lãi do chậm thanh toán phí dịch vụ bảo vệ còn thiếu theo thỏa thuận trong hợp đồng cung ứng dịch vụ bảo vệ mà hai bên đã ký kết. Hội đồng xét xử xét thấy, tại đơn khởi kiện ngày 20/5/2019 công ty B không có yêu cầu Công ty I phải trả tiền lãi do chậm thanh toán phí dịch vụ bảo vệ còn thiếu. Tại phiên tòa hôm nay nguyên đơn bổ sung thêm yêu cầu này là vượt quá phạm vi khởi kiện nên Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu bổ sung này theo quy định tại khoản 1 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, tại phiên tòa hôm nay ông Trương Thanh T là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn tự nguyện trả tiền lãi do chậm thanh toán tiền phí dịch vụ bảo vệ tính từ ngày 19/01/2019 đến ngày xét xử sơ thẩm theo mức lãi suất quy định của Luật thương mại. Xét thấy, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cũng đồng ý với sự tự nguyện này của người đại diện theo ủy quyền của bị đơn. Đồng thời đây là sự tự nguyện của bị đơn nên Hội đồng xét xử ghi nhận.
Theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại thì tiền lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.
Tại công văn số 0783/NHNoHCM-KHNV ngày 08/10/2019 của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp lãi suất cho vay trung, dài hạn là: 10,00%/năm. Lãi suất nợ quá hạn =150% lãi suất cho vay trong hạn.
Tại công văn số 7032/HCM-TH ngày 10/10/2019 của Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam- Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cung cấp lãi suất trung, dài hạn là: 11,10%/năm. Lãi suất nợ quá hạn =150% lãi suất cho vay trong hạn.
Tại công văn số 3403/CNTPHCM-KHTH ngày 22/10/2019 của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam- chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cung cấp mức lãi suất trung, dài hạn là 10,50%/năm. Lãi suất nợ quá hạn =150% lãi suất cho vay trong hạn.
Như vậy, mức lãi suất trung bình là: 10.53%/năm tương đương 0.87%/tháng. Lãi suất quá hạn trung bình là: 0.87%/tháng x150% = 1.3%/tháng.
Như vậy, tiền lãi chậm thanh toán phí dịch vụ bảo vệ mà Công ty I tự nguyện trả cho công ty B từ ngày 19/01/2019 đến ngày 27/11/2019 ( 10,26 tháng) là: 23.709.678đ x 1.3%/tháng x10,26 tháng = 3.162.396đ (Ba triệu, một trăm sáu mươi hai ngàn, ba trăm chín mươi sáu đồng).
d/ Đối với yêu cầu bồi thường số tiền 45.000.000 đồng do Công ty I đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ bảo vệ số 024/HĐ-BTL/2018 ngày 02/11/2018.
Nguyên đơn căn cứ vào biên bản làm việc vào lúc 14 giờ 40 phút ngày 18/01/2019 giữa ông Nguyễn Văn T là chỉ huy trưởng công trình nhà máy Nyal Kids Đ với ông Cao Đức D giám đốc công ty B (biên bản do nguyên đơn cung cấp tại bút lục 130) thể hiện nội dung ông Nguyễn Văn T đại diện cho công ty cổ phần I tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với bên Công ty bảo vệ B và công ty I đồng ý bồi thường toàn bộ thời hạn còn lại của hợp đồng cho công ty bảo vệ B. Đồng thời ông Nguyễn Duy N đại diện cho nguyên đơn trình bày trong quá trình thực hiện hợp đồng thì công ty B chỉ làm việc với ông Nguyễn Văn T và việc công ty B rút bảo vệ khỏi công trình là theo ý kiến của ông T.
Trong quá trình giải quyết vụ án, ông Trương Thanh T và ông Nguyễn Văn T là người đại diện theo ủy quyền của công ty I, đồng thời ông Nguyễn Văn T cũng là người trực tiếp ký biên bản làm việc ngày 18/01/2019 với ông Cao Đức D có cung cấp cho Tòa án một biên bản làm việc vào lúc 14 giờ 40 phút ngày 18/01/2019 là bản photo nhưng có chữ ký sống tên của ông Nguyễn Văn T và chữ ký, dòng chữ viết của ông Cao Đức D về việc rút toàn bộ bảo vệ từ 15h ngày 18/01/2019 (bút lục 129). Ông Nguyễn Văn T đại diện cho công ty I cho rằng chỉ có một biên bản làm việc duy nhất giữa ông và ông Cao Đức D ngày 18/01/2019 vào lúc 14 giờ 40 phút với nội dung là bàn giao tài sản và nội dung công việc hoàn toàn không có nội dung nói về việc công ty I đơn phương chấm dứt hợp đồng và tự nguyện bồi thường. Biên bản làm việc mà nguyên đơn cung cấp cho Tòa án là giả tạo chứng cứ đã có sự chèn dòng vào biên bản.
Do biên bản làm việc ngày 18/01/2019 bị đơn cung cấp thì trong văn bản không có một số nội dung được thể hiện như trong biên bản làm việc ngày 18/1/2019 của nguyên đơn cung cấp. Vì vậy, Tòa án đã tiến hành trưng cầu giám định biên bản làm việc ngày 18/01/2019 của nguyên đơn cung cấp (được ký hiệu là A) xem có sự chèn thêm dòng hay không. Tại kết luận giám định số 3828/C09B ngày 19/9/2019 của Phân viện khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh đã kết luận: các nội dung: “ tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng cung ứng dịch vụ bảo vệ trước thời hạn với bên B”; “ từ lúc 15 giờ 00 phút ngày 18 tháng 01 năm 2019”; “ an toàn tuyệt đối. Bên A không có bất kỳ văn bản phản ánh gì về chất lượng dịch vụ bảo vệ của bên B”; “ là vì tôn trọng khách hàng chứ hoàn toàn không có nghĩa là sự thỏa thuận chấm dứt hợp đồng”; “ Bên A đồng ý tự nguyện bồi thường toàn bộ thời gian còn lại của hợp đồng cho bên B và bên A sẽ tự chịu mọi trách nhiệm trước bên B và pháp luật về việc đã ngang nhiên tự ý đơn phương chấm dứt Hợp đồng trước thời hạn với bên B” là được tạo lập thêm so với nội dung còn lại trên “ Biên bản làm việc” đề ngày 18 tháng 01 năm 2019 (ký hiệu A).
Tòa án đã công khai kết luận giám định trên cho cả đại diện nguyên đơn và đại diện của bị đơn tiếp cận. Nhưng người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn không có ý kiến phản đối gì đối với kết luận giám định của Phân viện khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời tại phiên tòa ông Nguyễn Duy N đại diện cho nguyên đơn còn cho rằng nguyên đơn cũng không cần sử dụng đến biên bản làm việc ngày 18/01/2019 mà nguyên đơn cung cấp chỉ cần dựa vào việc theo yêu cầu của ông Nguyễn Văn T yêu cầu bên công ty B phải bàn giao ngay tài sản và nội dung công việc cùng với việc đuổi bảo vệ khỏi công trình là đủ chứng cứ chứng minh công ty I tự ý chấm dứt hợp đồng.
Hội đồng xét xử xét thấy, qua kết luận giám định đã chứng tỏ công ty bảo vệ B đã có hành vi gian dối, không trung thực, đã tạo dựng thêm chứng cứ để khởi kiện. Đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, là một pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại điều quan trọng nhất đó là sự trung thực nhưng Công ty bảo vệ B đã không trung thực trong việc cung cấp chứng cứ. Vì vậy, Hội đồng xét xử đề nghị Công ty bảo vệ B nghiêm túc rút kinh nghiệm và biên bản làm việc ngày 18/01/2019 do công ty bảo vệ B cung cấp không được xem là chứng cứ. Như vậy, cho đến ngày 18/01/2019 thì Công ty I chưa phát hành bất kỳ một thông báo nào đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo vệ trước thời hạn với công ty bảo vệ B và đồng thời cũng không có văn bản nào yêu cầu Công ty bảo vệ B rút toàn bộ bảo vệ tại Công trình nhà máy Nyan Kids Đ. Công ty I cũng không có văn bản nào ủy quyền cho ông Nguyễn Văn T là nhân viên của công ty I được đại diện cho Công ty I đứng ra giải quyết công việc chấm dứt hợp đồng cung ứng dịch vụ bảo vệ trước thời hạn với công ty bảo vệ B. Như vậy, Công ty bảo vệ B chỉ căn cứ vào buổi làm việc với ông Nguyễn Văn T và theo ý kiến của ông T là bàn giao tài sản và các nội dung công việc sau cho cho rút toàn bộ bảo vệ khỏi công trình nhà máy Nyan Kids Đ là hoàn toàn vi phạm khi thực hiện hợp đồng. Do vậy, Công ty bảo vệ B khởi kiện yêu cầu Công ty I phải bồi thường số tiền 45.000.000 đồng do công ty I đơn phương chấm dứt hợp đồng là không có cơ sở để chấp nhận.
[3] Xét yêu cầu phản tố của bị đơn a/ Tại phiên tòa hôm nay ông Trương Thanh T là người đại diện theo ủy quyền của Công ty cổ phần I rút một phần yêu cầu phản tố không yêu cầu Công ty B phải bồi thường 99.000.000 đồng tiền công ty I thuê bảo vệ từ ngày 19/01/2019 đến tháng 4/2019. Việc rút một phần yêu cầu phản tố này của bị đơn là hoàn toàn tự nguyện. Vì vậy, Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ một phần yêu cầu phản tố của bị đơn theo quy định tại khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự.
b/ Căn cứ vào hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo vệ số 1138/01/2019-HĐBV ngày 16/01/2019 được ký kết giữa Công ty Cổ phần I và Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ L đã thể hiện ngày 16/01/2019 thì Công ty I thuê Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ L cung cấp dịch vụ bảo vệ tại địa chỉ công trình nhà máy Nyan Kids Đ bắt đầu từ ngày 20/01/2019. Điều này cho thấy mặc dù đến thời điểm ngày 18/01/2019 Công ty I chưa có văn bản chính thức nào yêu cầu Công ty bảo vệ B phải rút bảo vệ ra khỏi địa điểm được bảo vệ và đề nghị chấm dứt hợp đồng bảo vệ với Công ty bảo vệ B nhưng vào ngày 16/01/2019 thì công ty I đã ký hợp đồng dịch vụ bảo vệ với công ty bảo vệ L, điều này thể hiện rõ ý chí chủ quan của công ty I đã muốn dừng việc cung cấp dịch vụ bảo vệ từ Công ty bảo vệ B và điều này cũng được thể hiện rõ tại Thông báo ngày 19/01/2019 của công ty I gửi công ty bảo vệ B đề nghị Công ty bảo vệ B dừng cung cấp dịch vụ trước ngày 20/01/2019.
Tại phiên tòa thì ông Trương Thanh T đại diện cho bị đơn cũng thừa nhận là công ty I không còn tin tưởng nhân viên bảo vệ của công ty B nữa. Như vậy, nhìn sự việc một cách khách quan thì vấn đề chính để dẫn đến việc hai bên không tiếp tục thực hiện hợp đồng bảo vệ với nhau nữa là xuất phát từ việc mất mát tài sản trên công trình và hai bên chưa có cách giải quyết ổn thỏa. Từ đó, dẫn đến việc mỗi bên có cách giải quyết vấn đề khác nhau về cả hai đều muốn chấm dứt hợp đồng nhưng mỗi bên lựa chọn cách giải quyết khác nhau mà không có sự trao đổi, thống nhất với nhau. Như vậy, đây là lỗi của hai bên và điều này cũng thể hiện việc công ty bảo vệ B rút bảo vệ khỏi công trình xảy ra sau hai ngày công ty I ký hợp đồng bảo vệ với công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ L.
Do vậy, Hội đồng xét xử xét thấy, đối với yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phần I về việc yêu cầu Công ty bảo vệ B phải bồi thường số tiền 45.000.000đ (Bốn mươi lăm triệu đồng) do công ty bảo vệ B tự ý chấm dứt hợp đồng là hoàn toàn không có cơ sở đề chấp nhận.
[4] Về chi phí tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án công ty I có yêu cầu Tòa án tiến hành trưng cầu giám định biên bản làm việc ngày 18/01/2019 do Công ty bảo vệ B cung cấp và kết quả là biên bản làm việc ngày 18/01/2019 của nguyên đơn có sự tạo lập thêm nội dung. Theo phiếu thu số 05 ngày 18/11/2019 của Phân viện khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh thì chi phí giám định là 1.500.000 đồng. Kết quả giám định chứng minh yêu cầu giám định của bị đơn là có căn cứ vì vậy căn cứ vào Điều 161 Bộ luật tố tụng dân sự Công ty bảo vệ B phải nộp toàn bộ chi phí giám định. Công ty I đã tạm ứng toàn bộ chi phí giám định vì vậy Công ty bảo vệ B phải trả lại cho Công ty I số tiền chi phí giám định là 1.500.000đ (Một triệu, năm trăm ngàn đồng)
[5] Về án phí:
- Công ty bảo vệ B phải nộp án phí trên phần yêu cầu không được chấp nhận gồm: 45.000.000 đồng (tiền công ty I bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng) + 56.661.292 đồng (một phần tiền phạt vi phạm do chậm thanh toán phí dịch vụ bảo vệ) 45.000.000đ + 56.661.292đ = 101.661.292đ x 5% = 5.083.064 đồng - Công ty I phải nộp án phí trên số tiền 45.000.000 đồng không được chấp nhận là: 3.000.000 đồng Ngoài ra, Công ty I phải nộp thêm 3.000.000đồng tiền án phí trên số tiền phải thanh toán phí dịch vụ bảo vệ và tiền phạt vi phạm cho công ty B Tổng cộng số tiền án phí Công ty I phải nộp là: 6.000.00đ (Sáu triệu đồng)
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm b khoản 1 Điều 39; Điều 160,161,228, 244, 273 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Điều 11,74,78,85, 300, 301,306 Luật Thương mại, Điều 357,468 Bộ luật dân sự 2015; Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Điều 26 Luật Thi hành án dân sự.
Tuyên xử:
I/ Chấp nhận một yêu cầu khởi kiện của Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ bảo vệ B 1/ Buộc Công ty Cổ phần I phải thanh toán phí dịch vụ bảo vệ còn thiếu từ tháng 12/2018 đến ngày 18/01/2019 cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ bảo vệ B với số tiền là: 23.709.678đ (Hai mươi ba triệu, bảy trăm lẻ chín ngàn, sáu trăm bảy mươi tám đồng) và tiền phạt vi phạm hợp đồng do vi phạm nghĩa vụ chậm thanh toán phí dịch vụ bảo vệ là: 1.896.774đ (Một triệu, tám trăm chín mươi sáu ngàn, bảy trăm bảy mươi bốn đồng). Tổng cộng là: 25.606.452đ (Hai mươi lăm triệu, sáu trăm lẻ sáu ngàn, bốn trăm năm mươi hai đồng). 2/ Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty Cổ phần I tự nguyện trả tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán phí dịch vụ bảo vệ với số tiền là: 3.162.396đ (Ba triệu, một trăm sáu mươi hai ngàn, ba trăm chín mươi sáu đồng).
- Thời gian thanh toán: Thanh toán làm một lần kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
II/ Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ bảo vệ B về những yêu cầu sau:
1/ Không chấp nhận về việc yêu cầu Công ty Cổ phần I phải bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ bảo vệ trước thời hạn với số tiền là:
45.000.000đ (Bốn mươi lăm triệu đồng) 2/ Không chấp nhận về việc yêu cầu Công ty Cổ phần I phải trả số tiền phạt vi phạm hợp đồng do vi phạm nghĩa vụ chậm thanh toán phí dịch vụ bảo vệ với số tiền chênh lệch không được chấp nhận là: 56.661.292đ (Năm mươi sáu triệu, sáu trăm sáu mươi mốt ngàn, hai trăm chín mươi hai đồng).
III/ Đình chỉ một phần yêu cầu phản tố của bị đơn về việc không yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ bảo vệ B phải bồi thường 99.000.000đ (Chín mươi chín triệu đồng) tiền công ty Cổ phần I thuê bảo vệ trông coi công trình nhà máy Nyan Kids Đồng Nai từ ngày 19/01/2019 đến tháng 4/2019.
IV/ Không chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phần I về việc yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ bảo vệ B phải bồi thường số tiền 45.000.000đ (Bốn mươi lăm triệu đồng) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ bảo vệ B tự ý chấm dứt hợp đồng bảo vệ trước hạn.
V/ Về chi phí tố tụng: Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ bảo vệ B có trách nhiệm trả lại cho Công ty Cổ phần I tiền chi phí giám định là 1.500.000đ (Một triệu năm trăm ngàn đồng).
VI/ Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:
- Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ bảo vệ B phải nộp án phí là: 5.083.064đ (Năm triệu, không trăm tám mươi ba ngàn, không trăm sáu mươi bốn đồng) được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 3.000.000đ ( Ba triệu đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0011203 ngày 30/5/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 6. Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ bảo vệ B còn phải nộp thêm tiền án phí là: 2.083.064đ (Hai triệu, không trăm tám mươi ba ngàn, không trăm sáu mươi bốn đồng).
- Công ty Cổ phần I phải nộp án phí là: 6.000.000đ (Sáu triệu đồng) được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là: 3.600.000đ (Ba triệu sáu trăm ngàn đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số: 0011374 ngày 08/7/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 6. Công ty Cổ phần I còn phải nộp thêm tiền án phí là: 2.400.000đ (Hai triệu bốn trăm ngàn đồng)
VII/ Về quyền kháng cáo: Các đương sự được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án
VIII/ Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện yêu cầu thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 30/2019/KDTM-ST ngày 27/11/2019 về tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ
Số hiệu: | 30/2019/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quận 6 - Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 27/11/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về