Bản án 29/2020/HS-ST ngày 27/11/2020 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BẮC MÊ, TỈNH HÀ GIANG

BẢN ÁN 29/2020/HS-ST NGÀY 27/11/2020 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 27 tháng 11 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 26/2020/TLST- HS ngày 11/11/2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 26/2020/QĐXXST- HS ngày 13 tháng 11 năm 2020 đối với:

1. Các bị cáo:

- Giàng A S; Sinh năm 1992; nơi sinh: Huyện B, tỉnh Hà Giang; nơi cư trú: Thôn L, xã M, huyện B, tỉnh Hà Giang; nghề nghiệp: Trồng trọt; trình độ học vấn: Không; dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Giàng A C, sinh năm 1966 (đã chết) và con bà Thào Thị C, sinh năm 1967; có 05 anh em, bị cáo là con thứ 02 trong gia đình; có vợ: Vàng Thị S, sinh năm 1991 và có 04 con, con lớn nhất sinh năm 2008, con nhỏ nhất sinh năm 2012.

Tiền sự, tiền án: Không; nhân thân: Không; bị bắt tạm giam ngày 23/9/2020 hiện đang bị tạm giam tại nhà tạm giữ Công an huyện B, tỉnh Hà Giang (Có mặt).

- Vàng Mí L; Sinh năm 1992; nơi sinh: Huyện B, tỉnh Hà Giang; nơi cư trú: Thôn L, xã M, huyện B, tỉnh Hà Giang; nghề nghiệp: Trồng trọt; trình độ học vấn: Không; dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Vàng Thìn S, sinh năm 1976 và con bà Giàng Thị L, sinh năm 1974; có 08 anh em, bị cáo là con thứ nhất trong gia đình; có vợ: Vàng Thị T, sinh năm 2001 và có 01 con sinh năm 2020.

Tiền sự, tiền án: Không; nhân thân: Không; bị bắt tạm giam ngày 23/9/2020 hiện đang bị tạm giam tại nhà tạm giữ Công an huyện B, tỉnh Hà Giang (Có mặt).

Người bào chữa cho bị cáo: Giàng A S; Vàng Mí L.

Ông: Nguyễn Xuân G - Trợ giúp viên pháp lý; nơi công tác: Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Giang (Vắng mặt).

2. Nguyên đơn dân sự: Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già huyện B; người đại diện theo ủy quyền ông Nguyễn Tiến B - Cán bộ.

Nơi công tác: Ban quản lý rừng Đặc dụng Du Già huyện B, tỉnh Hà Giang (Có mặt)

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án - Ông: Vàng Thìn S; sinh năm 1976; nơi cư trú: Thôn L, xã M, huyện B, tỉnh Hà Giang (Có mặt).

4. Người phiên dịch tiếng Mông: Ông Giàng A H; sinh năm 1961; nơi cư trú: Thôn H, xã L, huyện B, tỉnh Hà Giang (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 09/5/2020, Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Du Già nhận được tin báo của tổ quần chúng bảo vệ rừng phát hiện 11 cây gỗ bị cắt xẻ, bật gốc đổ theo trong đó có 04 cây bị xẻ thành khí một phần dạng xà nhà. Qua xác minh, xác định Giàng A S, Vàng Mí L khai thác gỗ trái phép.

Ngày 03/9/2020, Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Du Già phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tiến hành khám nghiệm hiện trường tại khu rừng Sàng Thần B (gọi theo tiếng địa phương) thuộc Thôn L, xã M, huyện B, tỉnh Hà Giang kết quả: xác định vị trí các đối tượng khai thác gỗ trái phép thuộc Lô 01, 02 khoảnh 9, tiểu khu 112. Chức năng đất rừng đặc dụng là rừng tự nhiên (theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng năm 2018 được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt) do Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già quản lý.

Tổng số cây gỗ bị thiệt hại là 11 cây, trong đó có 07 cây là do dùng máy cưa xăng cắt hạ, 04 cây do quá trình khai thác bị cây khác đè đổ gẫy bật gốc tổng khối lượng là 42,794m3 (Bn mươi hai phảy bảy trăm chín mươi bốn mét khối), Trong đó có 04 cây gỗ đã bị xẻ một phần thành khí dạng xà, đòn tay có kích thước khác nhau, còn lại 07 cây gỗ chưa xẻ thành khí, số gỗ đã xẻ thành khí là 5,392m3 (Năm phẩy ba trăm chín hai mét khối) đồng thời thu các mẫu vật để phục vụ trưng cầu giám định.

Ngày 04/9/2020, Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Du Già đã ra quyết định trưng cầu giám định số 01/QĐ-KL gửi Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng Việt Nam, trưng cầu 03 (ba) mẫu gỗ thu tại hiện trường có ký hiệu: M1, M2, M3; ngày 24/9/2020 Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng Việt Nam kết luận số 457/CNR-VP kết luận tên và nhóm gỗ bị thiệt hại như sau:

1. Mẫu ký hiệu M1, tên gỗ: Thông Nàng (Bạch tùng), tên khoa học: Dacrycarpus imbricatus (Blume) de Laud, nhóm gỗ: IV.

2. Mẫu ký hiệu M2, tên gỗ: Chè cánh bắc bộ, tên khoa học: Hartia tonkinensis Merr, chưa được xếp nhóm gỗ.

3. Mẫu ký hiệu M3, tên gỗ: Liên Đàn, tên khoa học: Lindera sp, chưa xếp nhóm gỗ.

Ba loài cây gỗ giám định không nằm trong “Danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ” ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ - CP ngày 16/7/2029 và không nằm trong “Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp” ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ do vậy xác định các loại cây gỗ do bị khai thác là các loài cây thuộc cây gỗ thông thường.

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, ngày 09/9/2020, Cơ quan Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Du Già đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và đề nghị Viện KSND huyện B ra quyết định chuyển vụ án “ Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” xảy ra tại Thôn L, xã M, huyện B, cùng ngày Viện kiểm sát nhân dân huyện B đã ra quyết định chuyển vụ án đến Cơ quan CSĐT Công an huyện B để điều tra, giải quyết theo thẩm quyền.

Quá trình điều tra các bị can khai nhận như sau:

Do nhu cầu muốn sửa lại nhà tháng 01/2020 (không nhớ ngày), Giàng A S sang nhà Vàng Mí L (hai người là anh em đồng hao, vợ của S và vợ của L là hai chị em gái ruột), đều trú tại: Thôn L, xã M, huyện B, tỉnh Hà Giang, khi sang đến nơi S đặt vấn đề nhờ L giúp xẻ gỗ để sửa nhà, sau khi xẻ xong S cũng sẽ xẻ gỗ để giúp L làm nhà mới nên được L đồng ý, hai người thống nhất ngày hôm sau sẽ đi lên rừng để xẻ gỗ, S đi về nhà mua 10 lít xăng, và 05 lít dầu nhớt đựng trong 02 can nhựa để chuẩn bị cho việc đi xẻ gỗ.

Ngày hôm sau L đến nhà S mang theo 01 dao quắm, 01 can nhựa màu trắng loại 10 lít đựng xăng; 01 can nhựa màu vàng loại 5 lít đựng dầu nhớt cùng đồ ăn.

S mang theo 01 máy cưa xăng nhãn hiệu CHAIN SAW, loại 5200 màu đỏ - trắng kèm theo lam xích; 01 thước dây bằng kim loại màu xanh - trắng dài 05m, 01 cuộn dây dù dùng để bật mực, 02 quả pin tiểu rồi cả hai cùng đi lên khu rừng Sàng Thần B (gọi theo tiếng địa phương) thuộc Thôn L, xã M, huyện B. Khi đến nơi cả hai đi vào 01 hang đá nghỉ ăn trưa. Chiều cùng ngày cả hai đi tìm cây gỗ để khai thác, S, L phát hiện 01 cây gỗ Thông Nàng (theo biên bản khám nghiệm hiện trường ký hiệu là G07) còn tươi, đứng cả hai quyết định cắt cây gỗ trên để xẻ làm xà nhà, Giàng Mí L do không biết dùng máy cưa nên đã dùng dao quắm phát xung quanh thân cây gỗ còn S trực tiếp cầm máy cưa xăng cắt hạ, khi cây gỗ đổ đã đè làm cho 04 cây bên cạnh bị bật gốc đổ theo (theo biên bản khám nghiệm hiện trường ký hiệu G8,G9, G10, G11), Sau khi cây đổ S và Lđã cắt 01 khúc gỗ phần thân dài 17m dùng dây dù bật mực, trong khoảng thời gian 03 ngày S và L đã xẻ được 18 thanh xà kích thước dài 17m x rộng 14cm x dày 05cm. Sau khi xẻ xong S, L đem cất giấu các vật dụng tại hiện trường chỉ đem về hai can nhựa dùng để đi mua xăng và dầu nhớt và đi về nhà.

Khong 02 (hai) ngày sau S, L tiếp tục mang can đựng xăng và đựng dầu nhớt đi lên khu rừng đang khai thác, khi đến nơi S, L phát hiện 01 cây gỗ Thông còn tươi đứng (theo biên bản khám nghiệm hiện trường ký hiệu G6) S tiếp tục cắt đổ cây gỗ trên và xẻ được 14 thanh xà có kích thước dài 18m x rộng 8cm x dầy 6cm, xẻ xong do hết xăng, dầu cả hai đi về nhà S thống nhất cây gỗ Thông tiếp theo là của L, do vậy L đi mua xăng, dầu chuẩn bị đồ ăn.

Khong 02 ngày sau S và L tiếp tục đi lên khu rừng trên, khi lên đến nơi L đi tìm 01 cây gỗ Thông còn tươi đứng (theo biên bản khám nghiệm hiện trường ký hiệu G01) L dùng dao phát xung quanh còn S trực tiếp dùng máy cưa xăng cắt đổ cây gỗ Thông trên, khi cây gỗ đổ do bị mắc vào hai cây gỗ xung quanh nên S tiếp tục dùng máy cưa xăng cắt đổ mục đích tạo mặt bằng thoáng để cắt khúc xẻ thành đòn tay, 02 cây gỗ bị cắt đổ (theo biên bản khám nghiệm hiện trường ký hiệu là G02, G03). Sau khi cây gỗ đổ S và L đã cắt 01 khúc trên thân cây dài 15m để xẻ thành đòn tay, trong khoảng thời gian 03 ngày xẻ được 14 thanh đòn tay có kích thước dài 15m x rộng 15cm x dày 5cm, xong cả hai đi về nhà và lại thống nhất cây gỗ tiếp theo là cây xẻ cho Giàng A S.

Đến hai ngày hôm sau cả hai lại tiếp tục đi lên vị trí cây số G01 và tìm kiếm xung quanh phát hiện 01 cây gỗ Thông còn tươi đứng (theo biên bản khám nghiệm hiện trường ký hiệu G04) rồi cả hai cắt hạ khi đổ vướng vào 01 cây gỗ nằm bên cạnh nên Sèo lấy máy cưa cắt đổ (theo biên bản khám nghiệm hiện trường ký hiệu G05). Sau đó cả hai xẻ đoạn thân dài 18m được 10 thanh xà có kích thước dài 18m x rộng 9cm x dày 6cm.

Sau khi xẻ xong S và L không tiếp tục xẻ nữa mang theo công cụ về nhà gồm máy cưa, can xăng, thước dây, còn 01 can xăng loại 5 lít, 01 cuộn dây dù, 02 quả pin tiểu vứt trên rừng.

Đến tháng 02/2020 (không nhớ ngày) Giàng A S, Vàng Mí L đã vận chuyển 17 thanh xà, đòn tay về nhà ông Vàng Thìn S (bố đẻ Lềnh), trú tại Thôn L, xã M, huyện B cất giấu.

Ngày 06/5/2020 tổ tuần rừng tiến hành tuần tra tại khu rừng trên phát hiện 11 cây gỗ đã bị cắt đổ, bị khai thác một phần qua xác minh đối tượng trực tiếp khai thác là Giàng A S, Vàng Mí L nên đã trình báo Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Du Già để giải quyết theo thẩm quyền.

Hi đồng định giá tài sản huyện B kết luận số 25/KL- HĐĐGTS ngày 19/10/2020 kết luận:

- 04 (bốn) cây gỗ Thông nàng (Bạch Tùng) nhóm IV, có tổng khối lượng 33,746m3 (Ba mươi ba phẩy bảy trăm bốn mươi sáu mét khối) có giá trị là: 118.111.000đ (Một trăm mười tám triệu, một trăm mười một nghìn đồng).

- 03 (ba) cây gỗ Chè cánh bắc bộ chưa được xếp nhóm, có khối lượng 2,466m3 (Hai phẩy bốn trăm sáu mươi sáu mét khối) có giá trị là 12.221.496đ (Mười hai triệu, hai trăm hai mươi mốt nghìn, bốn trăm chín mươi sáu đồng).

- 04 (bốn) cây gỗ Liên Đàn chưa xếp nhóm, có khối lượng 6,583m3 (sáu phẩy năm trăm tám mươi ba mét khối) có giá trị là: 32.625.348đ (Ba mươi hai triệu, sáu trăm hai mươi năm nghìn, ba trăm bốn mươi tám đồng).

Tổng giá trị là 162.957.844đ (Một trăm sáu mươi hai triệu, chín trăm năm mươi bảy nghìn, tám trăm bốn mươi bốn đồng).

Tang vật thu giữ:

- 01 máy cưa xăng, nhãn hiệu CHAIN SAW, loại 5200, màu sơn đỏ - trắng kèm theo lam xích có chiều dài 80cm.

- 01 can nhựa nhãn hiệu VIỆT NHẬT, màu trắng, thể tích 10 lít.

- 01 thước dây kim loại màu xanh - trắng nhãn hiệu TUANANH, dài 05m.

- 01 con dao quắm bằng kim loại có chuôi bằng gỗ dao dài 62,5cm (cả chuôi), bản rộng nhất 05cm.

- 17 thanh gỗ xà trong đó có 06 thanh có kích thước dài 18m x rộng 8cm x dầy 5cm; 02 thanh có kích thước dài 16m x rộng 8cm x 5cm; 09 thanh có kích thước dài 15m x rộng 14cm x dày 4cm có tổng khối lượng là 1,316m3, quy tròn là 2,107m3.

- 11 cây gỗ trong đó đã bị khai thác một phần, tổng khối lượng bàn giao còn lại là 22,448m3 bao gồm (gốc, thân, cành, ngọn và gỗ xẻ thành khí).

Tang vật chứng không truy thu được: 01 vỏ can nhựa màu vàng loại 05 lít; 01 cuộn dây dù dùng để bật mực.

Nguyên đơn dân sự: Tại phiên tòa đại diện nguyên đơn dân sự Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già không yêu cầu các bị cáo bồi thường.

Ti bản cáo trạng số 29/CT-VKSBM ngày 10/11/2020 của Viện kiểm sát nhân dân huyện B truy tố bị cáo Giàng A S, Vàng Mí L về tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, theo điểm e khoản 3 Điều 232 của Bộ luật hình sự.

Đi diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa phát biểu quan điểm luận tội, sau khi phân tích các tài liệu chứng cứ đã được thu thập trong quá trình điều tra cũng như diễn biến phiên tòa, trên cơ sở phân tích các căn cứ quyết định hình phạt theo quy định của Bộ luật hình sự. Đề nghị Hội đồng xét xử:

- Tuyên bố bị cáo: Giàng A S, Vàng Mí L phạm tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản.

- Hình phạt: Áp dụng điểm e khoản 3 Điều 232, điều 38, điều 50; điều 58; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Giàng A S từ 62 tháng đến 64 tháng tù; Vàng Mí L từ 60 tháng đến 62 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 23/9/2020.

- Về hình phạt bổ sung: Các bị cáo hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nghèo, không áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với các bị cáo.

- Về trách nhiệm dân sự: Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già huyện B không yêu cầu các bị cáo bồi thường nên không xem xét.

- Về vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự; Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Tịch thu sung công quỹ Nhà nước gồm: 01 máy cưa xăng, nhãn hiệu CHAINSAW, loại 5200, màu sơn đỏ - trắng kèm theo lam xích có chiều dài 80cm; 17 thanh gỗ xà trong đó có 06 thanh dài 18m x rộng 8cm x dầy 5cm; 02 thanh dài 16m x rộng 8cm x 5cm; 09 thanh dài 15m x rộng 14cm x dày 4cm có tổng khối lượng 1,316m3 quy tròn là 2,107m3; 11 cây gỗ trong đó đã bị khai thác một phần, tổng khối lượng còn hiện trường 22,448m3 gm (gốc, thân, cành, ngọn và gỗ xẻ thành khí).

Tịch thu tiêu hủy gồm: 01 can nhựa nhãn hiệu VIỆT NHẬT, màu trắng, thể tích 10 lít; 01 thước dây kim loại màu xanh - trắng nhãn hiệu TUANANH, dài 05m; 01 con dao quắm bằng kim loại chuôi bằng gỗ dài 62,5cm cả chuôi.

- Về án phí: Các bị cáo được miễn tiền án phí hình sự sơ thẩm theo điểm đ khoản 1 điều 12, điều 14, khoản 6 điều 15 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

Trợ giúp viên pháp lý bào chữa bị cáo Giàng A S, Vàng Mí L:

- Về trách nhiệm hình sự xét xử các bị cáo phạm tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm e khoản 3 Điều 232 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội, đúng quy định quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử xem xét các bị cáo phạm tội lần đầu, là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, hiểu biết pháp luật còn rất hạn chế, có nhu cầu sửa chữa nhà nên đã nảy sinh ý định chặt phá cây về làm nhà ở, ngoài ra không có mục đích nào khác. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét nguyên nhân hoàn cảnh phạm tội, nhân thân của các bị cáo để giảm nhẹ phần nào trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.

Về án phí: Các bị cáo người dân tộc thiểu số, sống ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, áp dụng đ khoản 1 điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án, miễn toàn bộ án phí sơ thẩm cho các bị cáo.

Ti phần tranh luận: Bị cáo Giàng A S, Vàng Mí L nhất trí với ý kiến của Trợ giúp viên bào chữa không bổ sung thêm và thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Bị cáo Giàng A S, Vàng Mí L nhất trí với quan điểm của Kiểm sát viên đề nghị về tội danh. Nhưng không nhất trí với quan điểm với kiểm sát viên đề nghị về hình phạt.

Nguyên đơn dân sự nhất trí quan điểm của Kiểm sát viên đề nghị, không có tranh luận gì với kiểm sát viên.

Các bị cáo thực hiện lời nói sau cùng đề nghị xem xét hoàn cảnh bản thân và gia đình khó khăn thuộc hộ nghèo, mục đích khai thác gỗ trái phép về làm nhà, ngoài ra không có mục đích khác; xin giảm nhẹ hình phạt mức án thấp nhất.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện B, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện B, Kiểm sát viên. Trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, tố tụng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo, Trợ giúp viên pháp lý không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Trợ giúp viên pháp lý vắng mặt tại phiên tòa có lý do, gửi Luận cứ bào chữa cho các bị cáo Giàng A S, Vàng Mí L và các bị cáo đồng ý xét xử, xét thấy việc vắng mặt Trợ giúp viên pháp lý tại phiên tòa không ảnh hưởng đến việc xét theo quy định Điều 291 của Bộ luật tố tụng hình sự; Hội đồng xét xử theo thủ tục chung.

[3] Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Vàng Thìn S vắng mặt phiên tòa căn cứ khoản 1 Điều 292 của Bộ luật tố tụng hình sự và căn cứ vào hồ sơ vụ án đã thể hiện rõ không ảnh hưởng đến việc xét xử nên Hội đồng xét xử theo thủ tục chung.

[4] Về căn cứ định tội, định khung hình phạt: Lời khai nhận tội của các bị cáo tại phiên tòa hoàn toàn phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra, phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, bản ảnh hiện trường và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đủ cơ sở kết luận: Khoảng tháng 01/2020 Giàng A S, Vàng Mí L có hành vi khai thác gỗ trái phép 04 cây gỗ Thông nhóm IV khi cắt hạ đè gẫy và bật gốc 07 cây khác, tổng số cây bị thiệt hại 11 cây tổng khối lượng 42,794m3, trong đó xẻ thành khí là 5,392m3. Biên bản khám nghiệm hiện trường lập ngày 03/9/2020 và đề nghị số 07/ĐN-KL, ngày 09/9/2020 của Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Du Già xác định vị trí khai thác gỗ thuộc Lô 01, 02 khoảnh 9, tiểu khu 112. Chức năng đất rừng đặc dụng là rừng tự nhiên (theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng năm 2018 được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt) do Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già quản lý. Kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện B, kết luận tổng giá trị là 162.957.844đ (Một trăm sáu mươi hai triệu, chín trăm năm mươi bảy nghìn, tám trăm bốn mươi bốn đồng). Như vậy, bản cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố các bị cáo về tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản theo điểm e khoản 3 Điều 232 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng quy định của pháp luật.

[5] Đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội: Hành vi phạm tội các bị cáo thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, các bị cáo biết rằng việc khai thác gỗ trái phép là vi phạm pháp luật vẫn cố tình thực hiện, mặc dù đã được các cấp, các ngành, tuyên truyền đến từng thôn, bản cho các hộ gia đình và ký cam kết, nhưng tình hình khai thác gỗ trái phép trên địa bàn huyện Bắc Mê vẫn diễn ra rất phức tạp. Các bị cáo đã lợi dụng địa hình rừng núi, hiểm trở, đường đi lại khó khăn, việc kiểm tra của chủ rừng không thường xuyên, các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp, khai thác trái phép gỗ với số lượng gỗ rất lớn, gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường rừng. Các bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, dân sự, nhận thức được việc khai thác gỗ không có giấy phép là trái pháp luật. Các bị cáo có do nhu cầu làm nhà ở phải xin phép cơ quan có thẩm quyền, cấp giấy phép thì mới được khai thác gỗ, nhưng các bị cáo không xin phép mà tự ý khai thác gỗ trái phép là vi phạm pháp luật. Nên cần xử lý các bị cáo bằng chế tài Luật hình sự tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội mà các bị cáo đã gây ra. Do đó, cần cách ly các bị cáo với xã hội một thời gian nhất định để giáo dục các bị cáo nói riêng và phòng ngừa tội phạm chung.

[6] Trong vụ án có hai bị cáo cùng thực hiện một tội phạm, là đồng phạm, nhưng giữa các bị cáo không có sự cấu kết chặt chẽ, thuộc trường hợp giản đơn, không có phân công vai trò cụ thể từng người tham ra, nên không bị coi là phạm tội có tổ chức.

[7] Xét về động cơ mục đích bị cáo S xuất phát do nhà ở bị hỏng nên có nhu cầu sửa lại nhà, còn bị cáo L mới tách hộ gia đình chưa có nhà ở và có nhu cầu làm nhà mới ra ở riêng. Xét vai trò phạm tội bị cáo S là người rủ rê khởi xướng và thực hành chính, trực tiếp thực hiện tội phạm cắt 04 cây gỗ Thông nhóm IV đổ xuống làm đè gẫy, bật gốc 07 cây gỗ khác gây thiệt hại. Đối với bị cáo Vàng Mí L là người giúp sức, xét thấy tính chất, mức độ của hành vi phạm tộị nhẹ hơn so với bị cáo Giàng A S. Số cây và xà xẻ cho bị cáo S nhiều hơn bị cáo L, nên hình phạt tù đối với bị cáo Giàng A S cao hơn bị cáo Vàng Mí L.

[8] Khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử xem xét nhân thân các bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo: Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong vụ án này các bị cáo không có; về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Các bị cáo tại phiên tòa thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chưa có tiền án, tiền sự, sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật hạn chế, là trụ cột chính trong gia đình các con còn nhỏ cần sự chăm sóc của các bị cáo, mục đích khai thác gỗ làm nhà ở ngoài ra không có mục đích khác. Nên các bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Hội đồng xét xử sẽ xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước.

[9] Trách nhiệm dân sự: Đại diện nguyên đơn dân sự không yêu cầu bồi thường nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[10] Từ những căn cứ trên, xét thấy về hình phạt đại diện Viện Kiểm sát đề nghị xử phạt các bị cáo về tội danh, xử lý vật chứng, miễn hình phạt bổ sung phạt tiền và miễn án phí đối với các bị cáo là có căn cứ chấp nhận.

[11] Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo đề nghị xem xét về nhân thân, động cơ mục đích xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo; miễn hình phạt bổ sung phạt tiền, miễn án phí đối với các bị cáo có căn cứ nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[12] Về hình phạt bổ sung: Theo quy định tại khoản 4 Điều 232 Bộ luật hình sự thì “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000đ đến 50.000.000đ. Tuy nhiên, theo các tài liệu, chứng cứ và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa đều là người dân lao động thuần túy, thu nhập không ổn định, sống ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là dân tộc thiểu số. Vì vậy, Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung bằng tiền đối với các bị cáo.

[13] Về xử lý vật chứng: Hội đồng xét xử căn cứ Điều 47 Bộ luật hình sự;

Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự xử lý như sau: Đối với 01 máy cưa xăng, nhãn hiệu CHAIN SAW, loại 5200, màu sơn đỏ - trắng kèm theo lam xích có chiều dài 80cm; 17 thanh gỗ xà trong đó có 06 thanh có kích thước dài 18m x rộng 8cm x dầy 5cm, 02 thanh có kích thước dài 16m x rộng 8cm x 5cm, 09 thanh có kích thước dài 15m x rộng 14cm x dày 4cm, tổng khối lượng là 1,316m3, quy tròn là 2,107m3; 11 cây gỗ trong đó đã bị khai thác một phần, tổng khối lượng bàn giao còn lại là 22,448m3 bao gồm (gốc, thân, cành, ngọn và gỗ xẻ thành khí). Tịch thu sung công quỹ nhà nước. Đối với 01 can nhựa nhãn hiệu VIỆT NHẬT, màu trắng, thể tích 10 lít; 01 thước dây kim loại màu xanh - trắng nhãn hiệu TUANANH, dài 05m; 01 con dao quắm bằng kim loại chuôi bằng gỗ dài 62,5cm cả chuôi. Không có giá trị sử dụng nên tịch thu tiêu hủy là phù hợp.

[14] Về án phí: Các bị cáo thuộc hộ nghèo, sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, là người dân tộc thiểu số và có đơn đề nghị miễn nộp án phí, nên được miễn toàn bộ tiền án phí.

[15] Quyền kháng cáo: Các bị cáo; nguyên đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo: Giàng A S, Vàng Mí L phạm tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản.

2. Hình phạt: Áp dụng điểm e khoản 3 Điều 232; Điều 58; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự; xử phạt:

- Giàng A S 62 (sáu mươi hai) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị bắt ngày 23/9/2020. Tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo cho việc thi hành án.

- Vàng Mí L 60 (sáu mươi) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị bắt ngày 23/9/2020. Tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo cho việc thi hành án.

3. Về hình phạt bổ sung; về trách nhiệm dân sự: Không.

4. Về vật chứng: Áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự, Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Tịch thu sung công quỹ Nhà nước gồm:

- 01 (một) máy cưa xăng, nhãn hiệu CHAIN SAW, loại 5200, màu sơn đỏ - trắng kèm theo lam xích có chiều dài 80cm, máy cũ đã qua sử dụng.

- 17 thanh gỗ xà trong đó có 06 thanh có kích thước dài 18m x rộng 8cm x dầy 5cm; 02 thanh có kích thước dài 16m x rộng 8cm x 5cm; 09 thanh có kích thước dài 15m x rộng 14cm x dày 4cm có tổng khối lượng là 1,316m3, quy tròn là 2,107m3 hin ở tại gia đình ông Vàng Thìn S, Thôn L, xã M, huyện B, tỉnh Hà Giang.

- 11 (mười một) cây gỗ trong đó đã bị khai thác một phần, tổng khối lượng bàn giao còn lại là 22,448m3 bao gồm (gốc, thân, cành, ngọn và gỗ xẻ thành khí), tại lô 01, 02 khoảnh 9, tiểu khu 112 thuộc Thôn L, xã M, huyện B, tỉnh Hà Giang.

Tịch thu tiêu hủy gồm:

- 01 (một) can nhựa nhãn hiệu VIỆT NHẬT, màu trắng, thể tích 10 lít, can cũ đã qua sử dụng.

- 01 (một) thước dây kim loại màu xanh – trắng nhãn hiệu TUANANH, dài 05m.

- 01 (một) con dao quắm bằng kim loại có chuôi bằng gỗ dao dài 62,5cm (cả chuôi), bản rộng nhất 05cm, dao cũ đã qua sử dụng.

(Tình trạng như trong biên bản giao nhận vật chứng, tài sản số 08, 09 và số 10 ngày 11/11/2020 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện B với Chi cục Thi hành án dân sự huyện B).

5. Về án phí: Áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 12 và Điều 14, khoản 6 Điều 15 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

Bị cáo Giàng A S, Vàng Mí L được miễn nộp toàn bộ tiền án phí hình sự sơ thẩm.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

6. Về quyền kháng cáo: Các bị cáo; nguyên đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; nếu vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết công khai tại nơi cư trú.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

234
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 29/2020/HS-ST ngày 27/11/2020 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

Số hiệu:29/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Bắc Mê - Hà Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 27/11/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;