TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
BẢN ÁN 29/2018/HS-ST NGÀY 24/06/2018 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI VÀ TÀNG TRỮ, SỬ DỤNG TRÁI PHÉP VŨ KHÍ QUÂN DỤNG
Trong ngày 24 tháng 6 năm 2018, tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã D, huyện P, tỉnh L, Toà án nhân dân tỉnh Lai Châu mở phiên toà công khai xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 30/2018/TLST-HS ngày 06 tháng 4 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 32/QĐXXST-HS ngày 14 tháng 5 năm 2018, đối với bị cáo: SÙNG A P1 (tên gọi khác Sùng Páo G), sinh năm 1973 tại huyện P – tỉnh L;
Nơi cư trú: bản H3, xã D, huyện P, tỉnh L; nghề nghiệp: làm ruộng; trình độ văn hóa: không biết chữ; dân tộc: Mông; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Sùng A Ch1 (đã chết) và con bà Giàng Thị S1, sinh năm 1932; có vợ là: Phàng Thị D1, sinh năm 1975 và có 04 con, con lớn nhất sinh năm 1996, con nhỏ nhất sinh năm 2003; tiền án, tiền sự: không có; bị tạm giữ, tạm tạm giam từ ngày 22/11/2017 đến nay; bị cáo có mặt tại phiên toà.
- Người đại diện hợp pháp cho bị hại (người bị chết Thào A D2):
+ Ông Thào Lao Ph, sinh năm 1953 là bố đẻ nạn nhân Thào A D2; nơi cư trú: bản H2, xã D, huyện P, tỉnh L; (có mặt)
+ Bà Gì Thị C, sinh năm 1954 là mẹ đẻ nạn nhân Thào A D2; nơi cư trú: bản H2, xã D, huyện P, tỉnh L; (có mặt)
+ Chị Sùng Thị Ch2, sinh năm 1986 là vợ nạn nhân Thào A D2; nơi cư trú: bảnH2, xã D, huyện P, tỉnh L; (có mặt)
- Người đại diện hợp pháp cho bị hại (người bị thương Sùng A Ch1, đã chếtngày 15/02/2018):
+ Bà Giàng Thị S1, sinh năm 1932 là vợ ông Sùng A Ch1; nơi cư trú: bản H3, xã D, huyện P, tỉnh L; (có mặt)
- Người đại diện hợp pháp cho bị hại (người bị thương Giàng A P2, đã chếtngày tháng 9/2014):
+ Anh Giàng Lão L, sinh năm 1990 là con ông Giàng A P2; nơi cư trú: bản H, xã T, huyện P, tỉnh L; (vắng mặt lần thứ hai và hiện đã đi sang Trung Quốc)
- Bị hại (người bị thương):
+ Anh Giàng A Kh (tên gọi khác Giàng A Th), sinh năm 1990; nơi cư trú: bảnS, xã D, huyện P, tỉnh L. (có mặt)
- Người làm chứng:
+ Bà Phàng Thị D3, sinh năm 1976; nơi cư trú: bản H3, xã D, huyện P, tỉnh L; (có mặt)
+ Ông Dì A Ch2, sinh năm 1946; nơi cư trú: bản H2, xã D, huyện P, tỉnh L; (có mặt)
+ Bà Sùng Thị D3, sinh năm 1946; nơi cư trú: bản H2, xã D, huyện P, tỉnh L; (có mặt) + Ông Sùng Ngọc P3, sinh năm 1977; nơi cư trú: bản H2, xã D, huyện P, tỉnh L; (vắng mặt)
+ Ông Ma A G, sinh năm 1979; nơi cư trú: bản H2, xã D, huyện P, tỉnh L;(vắng mặt)
+ Ông Dì A S2, sinh năm 1976; nơi cư trú: bản H2, xã D, huyện P, tỉnh L; (vắng mặt)
- Người phiên dịch tiếng Mông:
+ Chị Giàng Thị M, sinh năm 1986; nơi công tác: cán bộ Văn hóa xã D, huyện P, tỉnh L; (có mặt)
- Người bào chữa cho bị cáo:
Ông Nguyễn Công Hưởng – Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPLNNtỉnh Lai Châu; (có mặt)
- Người được Tòa án triệu tập đến phiên tòa:
Ông Trần Vĩnh Giang – Phó Giám đốc Trung tâm Giám định thuộc sở Y Tế tỉnh Lai Châu; (có mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Về hành vi phạm tội của bị cáo
Khoảng 14 giờ ngày 19/6/2012, sau khi ăn cơm ở lán ruộng của gia đình thuộc khu vực T, xã D, huyện P, tỉnh L thì Sùng A P1 và Sùng A Ch1 (bố đẻ của P1) đi lên nương lấy nước, bà Giàng Thị S1 (mẹ đẻ của P1) đi làm cỏ ruộng của gia đình, còn Giàng A Kh (cháu của P1), Thào A D2 (em rể của P1) đi xem đất ruộng của gia đình. Trước đó, giữa gia đình Sùng A P1 và gia đình ông Giàng A P2 thường xảy ra tranh chấp mương nước nên khi đi làm Sùng A P1 mang theo 01 khẩu súng tự tạo (súng kíp) dài khoảng hơn 01 mét giấu trong ống tre và 01 quả lựu đạn mỏ vịt sơn màu xanh giắt vào cạp quần (nguồn gốc quả lựu đạn này là của ông Ch1 đi bộ đội từ năm 1968 mang về, sau đó P1 lấy dấu đi). Trong quá trình lấy nước vào ruộng của gia đình, ông Ch1 và Giàng A P2 xảy ra mâu thuẫn, cãi chửi nhau và xông vào vật lộn nhau. Sùng A P1 thấy bố mình bị đánh nên đã lấy khẩu súng kíp giấu trong ống tre ra nhằm vào chân ông Giàng A P2 và hô “mày thả bố tao ra, không thì tao bắn”, nhưng Giàng A P2 không bỏ tay mà tiếp tục giằng co với ông Ch1. Sùng A P1 thấy vậy liền bỏ khẩu súng kíp xuống bờ ruộng rồi lấy quả lựu đạn giắt ở cạp quần ra, một tay cầm quả lựu đạn, một tay cầm vào vòng chốt quả lựu đạn, sau đó rút chốt quả lựu đạn ra và hô “chúng mày tránh hết ra, thằng này muốn chết để tao với nó cùng chết”. Thấy Sùng A P1 cầm quả lựu đạn thì Giàng A P2 bỏ ông Ch1 ra. Lúc này ông Ch1 chạy lên phía trên khe nước lấy đá ném vào Giàng A P2. Do bực tức, Giàng A P2 chạy lên chỗ ông Ch1 túm cổ áo và vật ông Ch1 làm cả hai đều ngã lăn xuống khe nước, ông Ch1 nằm dưới, Giàng A P2 nằm trên và tiếp tục dùng hai tay bóp cổ ông Ch1. Thấy vậy, Sùng A P1 cũng xông lên, cầm quả lựu đạn đã rút chốt đập liên tiếp vào vùng đầu Giàng A P2 2 – 3 phát. Giàng A P2 bị Sùng A P1 đánh thì quay lại đẩy Sùng A P1 ngã ngửa ra phía sau, quả lựu đạn bị văng khỏi tay. Khi quả lựu đạn văng ra, Sùng A P1 biết lựu đạn sắp nổ nên hô to “quả kia nổ đấy, chạy đi”. Sùng A P1 vừa hô xong thì lựu đạn phát nổ trúng vào người anh Thào A D2, anh Giàng A Kh, Giàng A P2 và ông Sùng A Ch1. Sùng A P1 ngồi dậy thì thấy em rể Thào A D2 nói “cậu ơi, trúng tôi rồi”. Sùng A P1 thấy Giàng A P2 bỏ chạy nên đã cầm súng kíp đuổi theo và hô “mày chạy tao bắn chết”. Khi Giàng A P2 dừng lại, Sùng A P1 cầm khẩu súng kíp đến và chọc về phía Giàng A P2 nhưng Giàng A P2 tránh được rồi dùng hai tay giằng lấy khẩu súng kíp. Sùng A P1 nâng khẩu súng kíp lên đánh nòng súng vào vùng đầu Giàng A P2 3 – 4 phát làm Giàng A P2 ngã lăn xuống phía dưới ruộng thì Giàng A P2 chồm dậy bỏ chạy. Sùng A P1 quay lại chỗ Thào A D2 thấy D2 đã chết, còn ông Ch1, Kh bị thương nên đã gọi điện cho ông Sùng Ngọc P3 là trưởng Công an xã D biết sự việc rồi bỏ trốn. Đến ngày 22/11/2017, Sùng A P1 đã đến Ủy ban nhân dân xã D, huyện P, tỉnh L để đầu thú.
Tại kết luận giám định pháp y về tử thi số 46/BKL-TTGĐ, ngày 25/7/2012 của Trung tâm giám định thuộc Sở Y tế tỉnh Lai Châu đối với tử thi Thào A D2 đã xác định: Nguyên nhân chết: do Shoch (sốc) đa chấn thương do nổ lựu đạn; Cơ chế chết: Lựu đạn nổ → mảnh vỡ, sức ép → đa chấn thương → tử vong; thời gian chết khoảng 20 đến 22 giờ.
Tại kết luận giám định số 28/GĐTT, ngày 10/10/2012 của phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Lai Châu đối với Giàng A P2 đã xác định: Mức độ tổn hại sức khỏe của Giàng A P2 tại thời điểm giám định ngày 10/10/2012 là 3%.
Tại kết luận giám định số 29/GĐTT, ngày 11/10/2012 của phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Lai Châu đối với Giàng A Kh đã xác định: Mức độ tổn hại sức khỏe của Giàng A Kh tại thời điểm giám định ngày 11/10/2012 là 6%.
Tại kết luận giám định số 30/GĐTT, ngày 11/10/2012 của phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Lai Châu đối với Sùng A Ch1 đã xác định: Mức độ tổn hại sức khỏe của Sùng A Ch1 tại thời điểm giám định ngày 11/10/2012 là 14%.
Tại kết luận giám định số 489/KLGĐ, ngày 14/11/2012 của phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Lai Châu đối với 01 vòng kim loại có đường kính 03cm có đoạn kim loại gập đôi móc vào và 01 ảnh kim loại thu giữ tại hiện trường nơi xảy ra vụ án đã xác định: Vòng kim loại có đường kính 03cm và có 01 đoạn kim loại gập đôi (dài 03cm) móc vào gửi giám định là móc kéo chốt an toàn (vòng kim loại) và chốt an toàn của loại lựu đạn Cầu; không xác định được nước sản xuất; có bán kính sát thương nguy hiểm từ 03m đến 06m.
Tại phiên tòa, bị cáo Sùng A P1 thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân, lời nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của những người bị hại, người làm chứng, kết luận giám định pháp y về tử thi, các kết luận giám định thương tích, kết quả thực nghiệm điều tra cùng các tài liệu chứng cứ được thu thập hợp pháp trong quá trình điều tra, cụ thể như sau: Khoảng 14 giờ ngày 19/6/2012, sau khi ăn cơm ở lán ruộng của gia đình thuộc khu vực T, xã D, huyện P, tỉnh L thì Sùng A P1 và Sùng A Ch1 (bố đẻ của P1) đi lên nương lấy nước và do trước đó, giữa gia đình Sùng A P1 và gia đình ông Giàng A P2 thường xảy ra tranh chấp mương nước nên khi đi làm Sùng A P1 mang theo 01 khẩu súng tự tạo (súng kíp) và 01 quả lựu đạn mỏ vịt sơn màu xanh giắt vào cạp quần (nguồn gốc quả lựu đạn này là của ông Ch1 đi bộ đội từ năm 1968 mang về, sau đó P1 lấy dấu đi). Trong quá trình lấy nước vào ruộng của gia đình, ông Ch1 và Giàng A P2 xảy ra mâu thuẫn, cãi chửi nhau và xông vào vật lộn nhau. Sùng A P1 lấy quả lựu đạn giắt ở cạp quần ra, một tay cầm quả lựu đạn, một tay cầm vào vòng chốt quả lựu đạn, sau đó rút chốt quả lựu đạn ra và hô “chúng mày tránh hết ra, thằng này muốn chết để tao với nó cùng chết”. Thấy Giàng A P2 và ông Ch1 vẫn tiếp tục vật lộn nhau, ông Ch1 nằm dưới, Giàng A P2 nằm trên, Sùng A P1, cầm quả lựu đạn đã rút chốt đập liên tiếp vào vùng đầu Giàng A P2 2 – 3 phát. Lúc này các anh Giàng A Kh và Thào A D2 cũng đến can ngăn và ngay lúc đó Giàng A P2 bị Sùng A P1 đánh thì quay lại đẩy Sùng A P1 ngã ngửa ra phía sau, quả lựu đạn bị văng khỏi tay. Khi quả lựu đạn văng ra, Sùng A P1 biết lựu đạn sắp nổ nên hô to “quả kia nổ đấy, chạy đi”. Sùng A P1 vừa hô xong thì lựu đạn phát nổ trúng vào người anh Thào A D2, anh Giàng A Kh, Giàng A P2 và ông Sùng A Ch1. Hậu quả làm anh Thào A D2 tử vong ngay tại chỗ và ông Ch1, anh Kh và Giàng A P2 bị thương. Sau đó, Sùng A P1 đã gọi điện cho ông Sùng Ngọc P3 là trưởng Công an xã D biết sự việc rồi bỏ trốn. Đến ngày 22/11/2017, Sùng A P1 đã đến Ủy ban nhân dân xã D, huyện P, tỉnh L để đầu thú.
Về các vấn đề khác của vụ án
Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp cho bị hại (nạn nhân bị chết Thào A D2) đã thỏa thuận được với bị cáo về việc bồi thường thiệt hại về tính mạng là300.000.000 đồng, trong đó: 100.000.000 đồng tiền mai táng, tổn thất tinh thần và 200.000.000 đồng tiền cấp dưỡng nuôi 02 con nhỏ của nạn nhân cho đến tuổi trưởng thành.
Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp cho bị hại (người bị thương Sùng A Ch1, chết ngày 15/02/2018) không yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại về sức khỏe.
Tại phiên tòa, bị hại (người bị thương Giàng A Kh) không yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại về sức khỏe.
Trong quá trình điều tra, người đại diện hợp pháp cho bị hại (người bị thương Giàng A P2, chết tháng 9/2014) yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại 50.750.000 đồng, bao gồm bồi thường về sức khỏe là 5.000.000 đồng, bồi thường chi phí mai táng cho nạn nhân chết là 15.750.000 đồng mà bị hại Giàng A P2 đã chi trả, tiền mai táng cho chính bị hại Giàng A P2 chết năm 2014 là 30,000,000 đồng với lý do việc bị hại chết là do bị cáo Sùng A P1 gây thương tích từ năm 2012.
Vật chứng thu giữ được trong quá trình điều tra, bao gồm: 01 vòng kim loại, 02 lọ nhựa, 03 mảnh kim loại, 01 khẩu súng tự chế (loại súng kíp), 01 ống tre.
Tại bản cáo trạng số 05/CT-VKSLC-P2 ngày 04/04/2018 của VKSND tỉnh Lai Châu truy tố Sùng A P1 về các tội "Giết người” theo điểm l, n khoản 1 Điều 93 của Bộ luật hình sự năm 1999 và tội “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” theo khoản 1 Điều 230 của Bộ luật hình sự năm 1999. Tại phiên toà, vị đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo 18 – 19 năm tù về tội “Giết người”, từ 01 – 02 năm tù về tội “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”, hình phạt chung là từ 19 – 21 năm tù. Xem xét trách nhiệm dân sự của bị cáo và xử lý vật chứng theo quy định.Tại phiên tòa, người bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử khi xem xét quyết định hình phạt cần lưu ý đến nhân thân chưa có tiền án tiền sự của bị cáo, sinh sống ở vùng sâu vùng xa, không được học hành nên nhận thức pháp luật có phần hạn chế; bị cáo phạm tội do bức xúc trước hành vi tấn công của bị hại Giàng A P2 đối với bố đẻ mình; quá trình điều tra và xét xử, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của bản thân nên đề nghị Tòa xem xét áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự năm 1999 để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Tại lời nói sau cùng, bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật để sớm trở về với gia đình và xã hội.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình chuẩn bị xét xử và xét xử tại phiên tòa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác đều không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội:
Khoảng 14 giờ ngày 19/6/2012 tại khu vực T, xã D, huyện P, tỉnh L giữa Sùng A Ch và Giàng A P2 vật lộn, đánh nhau do tranh chấp mương lấy nước nên Sùng A P1 (con Sùng A Ch1) đã lấy 01 quả lựu đạn mỏ vịt sơn màu xanh được cất dấu trong cạp quần ra (nguồn gốc quả lựu đạn này là của ông Ch1 đi bộ đội từ năm 1968 mang về, sau đó P1 lấy dấu đi), sau đó rút chốt quả lựu đạn ra và hô “chúng mày tránh hết ra, thằng này muốn chết để tao với nó cùng chết”. Thấy Giàng A P2 và ông Ch1 vẫn tiếp tục vật lộn, đánh nhau nên Sùng A P1, cầm quả lựu đạn đã rút chốt đập liên tiếp vào vùng đầu Giàng A P2 2 – 3 phát. Lúc này các anh Giàng A Kh và Thào A D2 cũng đến can ngăn và ngay lúc đó Giàng A P2 bị Sùng A P1 đánh thì quay lại đẩy Sùng A P1 ngã ngửa ra phía sau làm quả lựu đạn bị văng khỏi tay Sùng A P1. Khi quả lựu đạn văng ra, Sùng A P1 hô to “quả kia nổ đấy, chạy đi”. Sùng A P1 vừa hô xong thì lựu đạn phát nổ trúng vào người anh Thào A D2, anh Giàng A Kh, Giàng A P2 và ông Sùng A Ch1. Hậu quả làm anh Thào A D2 tử vong ngay tại chỗ và gây thương tích cho ông Sùng A Ch1, anh Giàng A Kh vàGiàng A P2.
Tại kết luận giám định pháp y về tử thi số 46/BKL-TTGĐ, ngày 25/7/2012 của Trung tâm giám định thuộc Sở Y tế tỉnh Lai Châu đối với tử thi Thào A D2 đã xác định: Nguyên nhân chết: do Shoch (sốc) đa chấn thương do nổ lựu đạn; Cơ chế chết: Lựu đạn nổ → mảnh vỡ, sức ép → đa chấn thương → tử vong; thời gian chết khoảng 20 đến 22 giờ.
Tại kết luận giám định số 28/GĐTT, ngày 10/10/2012 của phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Lai Châu đối với Giàng A P2 đã xác định: Mức độ tổn hại sức khỏe của Giàng A P2 tại thời điểm giám định ngày 10/10/2012 là 3%.
Tại kết luận giám định số 29/GĐTT, ngày 11/10/2012 của phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Lai Châu đối với Giàng A Kh đã xác định: Mức độ tổn hại sức khỏe của Giàng A Kh tại thời điểm giám định ngày 11/10/2012 là 6%.
Tại kết luận giám định số 30/GĐTT, ngày 11/10/2012 của phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Lai Châu đối với Sùng A Ch1 đã xác định: Mức độ tổn hại sức khỏe của Sùng A Ch1 tại thời điểm giám định ngày 11/10/2012 là 14%.
Tại kết luận giám định số 489/KLGĐ, ngày 14/11/2012 của phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Lai Châu đối với 01 vòng kim loại có đường kính 03cm có đoạn kim loại gập đôi móc vào và 01 ảnh kim loại thu giữ tại hiện trường nơi xảy ra vụ án đã xác định: Vòng kim loại có đường kính 03cm và có 01 đoạn kim loại gập đôi (dài 03cm) móc vào gửi giám định là móc kéo chốt an toàn (vòng kim loại) và chốt an toàn của loại lựu đạn Cầu; không xác định được nước sản xuất; có bán kính sát thương nguy hiểm từ 03m đến 06m.
Bị cáo Sùng A P1 là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, do bực tức về việc bố đẻ của mình là ông Sùng A Ch1 bị Giàng A P2 đánh từ nguyên nhân tranh chấp mương dẫn nước vào nương giữa hai bên gia đình. Với mục đích tước đoạt tính mạng Giàng A P2, bị cáo rút chốt lựu đạn mang theo từ trước ra và dùng quả lựu đạn đã rút chốt đánh Giàng A P2 và bị Giàng A P2 đẩy ngã làm văng lựu đạn từ trong tay ra và gây nổ làm cho anh Thào A D2 tử vong ngay tại chỗ và gây thương tích cho ông Sùng A Ch1, anh Giàng A Kh và Giàng A P2. Như vậy, bị cáo đã cố ý thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật, từ nguyên cớ nhỏ nhặt bị cáo đã thể hiện sự hung hãn, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác được thể hiện là khi đi làm nương, nơi đang có sự tranh chấp về mương dẫn nước vào nương nên bị cáo đã chuẩn bị súng kíp, lựu đạn mang theo để chống trả nếu xảy ra tranh chấp. Khi hai bên gia đình xảy ra tranh chấp, bị cáo lấy lựu đạn ra và rút chốt lựu đạn, dùng lựu đạn đã rút chốt có khả năng làm chết nhiều người để đánh Giàng A P2, khi lựu đạn nổ đã gây ra hậu quả làm chết 01 người và 03 người bị thương. Hành vi này là nguy hiểm cho xã hội, với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng và quyền được sống của những người khác. Hành vi đó của bị cáo đã đủ các yếu tố cấu thành tội phạm và đã phạm vào các tội “Giết người”, “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” – tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm l, n khoản 1 Điều 93 và khoản 1 Điều 230 của Bộ luật hình sự năm 1999.
Hành vi phạm tội của bị cáo cần được pháp luật trừng trị nghiêm khắc, bị dư luận xã hội lên án, bởi lẽ chỉ vì mâu thuẫn tranh chấp mương dẫn nước bị cáo đã rắp tâm thực hiện hành vi phạm tội rất quyết liệt được thể hiện thông qua việc chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội có tính nguy hiểm cao đối với tính mạng con người (là súng kíp, lựu đạn) nhằm tước đoạt tính mạng của Giàng A P2. Hậu quả chết người đối với Thào A D2, hậu quả chết người chưa xảy ra đối với Giàng A P2 và hậu quả thương tích đối với Sùng A Ch1, Giàng A Kh là nằm ngoài mong muốn của bị cáo. Song bị cáo phải nhận thức được hành vi rút chốt lựu đạn trong lúc đánh nhau và có nhiều người xung quanh là nguy hiểm cho xã hội, có khả năng làm chết nhiều người nhưng bị cáo đã bất chấp pháp luật, do đó bị cáo phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với hành vi phạm tội mà mình đã gây ra cho xã hội.
Như vậy, quan điểm xử lý trách nhiệm hình sự của vị đại diện Viện kiểm sát tại phiên toà đối với bị cáo là có cơ sở, không oan sai, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Về ý kiến của người bào chữa, Tòa thấy rằng việc người bào chữa đề nghị Tòa khi xem xét quyết định hình phạt đối với bị cáo cần lưu ý đến nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Ý kiến của người bào chữa là có cơ sở và cần được Tòa xem xét chấp nhận.
[3] Về nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo:
Bị cáo Sùng A P1 từ nhỏ được gia đình nuôi dưỡng và không được học hành, lớn lên làm ruộng và sinh sống tại địa phương, bản thân chưa có tiền án tiền sự. Trong quá trình điều tra và xét xử bị cáo đều đã thể hiện sự ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo - theo điểm p khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999. Bên cạnh đó bị cáo sinh sống ở vùng sâu vùng xa có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bản thân chưa được học hành; khi phạm tội bị cáo có phần bức xúc trước việc Giàng A P2 (người tranh chấp mương dẫn nước với gia đình bị cáo) đánh nhau với bố đẻ bị cáo; sau một thời gian lẩn trốn bị cáo đã ra đầu thú nên tòa cần coi đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo theo khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999.
Trên cơ sở các quy định của Bộ luật hình sự, tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Xét thấy cần quyết định một hình phạt nghiêm khắc để giáo dục, cải tạo bị cáo thành người có ích cho xã hội, vừa có tác dụng phòng ngừa riêng và vừa răn đe, phòng ngừa chung.
[4] Về vật chứng của vụ án:
Căn cứ vào các Điều 41 của Bộ luật hình sự, Điều 106 của BLTTHS năm 2015, Hội đồng xét xử cần tịch thu để tiêu hủy những vật không có giá trị sử dụn đã trong quátrình điều tra, bao gồm: 01 vòng kim loại, 02 lọ nhựa, 03 mảnh kim loại, 01 khẩu súng tự chế (loại súng kíp), 01 ống tre.
[5] Về vấn đề bồi thường thiệt hại:
Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp cho bị hại (nạn nhân bị chết Thào A D2) đã thỏa thuận được với bị cáo về việc bồi thường về tính mạng là 300.000.000 đồng, trong đó: 100.000.000 đồng tiền mai táng, tổn thất tinh thần và 200.000.000 đồng tiền cấp dưỡng nuôi 02 con nhỏ của nạn nhân cho đến tuổi trưởng thành. Cũng tại phiên tòa, chị Sùng Thị Ch2 (vợ nạn nhân Thào A D2) nhất trí để cho ông, bà Thào Lao Ph và Gì Thị C (là những người đang trực tiếp nuôi dưỡng 02 con của anh D2) được nhận số tiền bồi thường thiệt hại này để nuôi dưỡng các cháu đến tuổi trưởng thành. Xét thấy thỏa thuận này là hoàn toàn tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội nên Tòa cần chấp nhận sự thỏa thuận này.
Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp cho bị hại (người bị thương Sùng A Ch1, chết ngày 15/02/2018) không yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại về sức khỏe nên tòa không xem xét giải quyết trách nhiệm dân sự của bị cáo đối với bị hại.
Tại phiên tòa, bị hại (người bị thương Giàng A Kh) không yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại về sức khỏe nên tòa không xem xét giải quyết trách nhiệm dân sự của bị cáo đối với bị hại.
Trong quá trình điều tra, người đại diện hợp pháp cho bị hại (người bị thương Giàng A P2, chết tháng 9/2014) yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại 50.750.000 đồng, bao gồm bồi thường về sức khỏe khi bị thương là 5.000.000 đồng, bồi thường chi phí mai táng cho nạn nhân chết là 15.750.000 đồng mà bị hại Giàng A P2 đã chi trả, tiền mai táng cho chính bị hại Giàng A P2 chết năm 2014 là 30.000.000 đồng với lý do việc bị hại chết là do bị cáo Sùng A P1 gây thương tích từ năm 2012. Xét thấy, người đại diện hợp pháp cho ông Giàng A P2 vắng mặt đến lần thứ hai và những yêu cầu bồi thường thiệt hại của đại diện hợp pháp chưa được chứng minh rõ ràng, chưa có điều kiện xác định chính xác thiệt hại xảy ra nên Tòa cần tách yêu cầu bồi thường thiệt hại này ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
[6] Về án phí hình sự: Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy Ban thường vụ Quốc Hội, Hội đồng xét xử cần quyết định bị cáo phải chịu 200.000 đồng tiền án phí HSST; đối với án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch, xét thấy hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp nên cần miễn cho bị cáo.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1/- Tuyên bố bị cáo Sùng A P1 phạm các tội “Giết người” và “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.Áp dụng điểm l, n khoản 1 Điều 93, khoản 1 Điều 230, điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46, Điều 50 của Bộ luật hình sự năm 1999, xử phạt bị cáo Sùng A P120 (Hai mươi) năm tù về tội “Giết người”, 01 (Một) năm tù về tội “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.
Hình phạt chung là 21 (Hai mươi mốt) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo ra đầu thú (ngày 22/11/2017).
2/- Về trách nhiệm dân sự:
2.1. Áp dụng Điều 42 của Bộ luật hình sự năm 1999 và các Điều 604, 605,606, 610 của Bộ luật dân sự năm 2005:
Công nhận sự thỏa thuận giữa người đại diện hợp pháp cho bị hại (nạn nhân Thào A D2) là ông Thào Lao Ph , bà Gì Thị C và chị Sùng Thị Ch2với bị cáo Sùng A P1 về việc bồi thường thiệt hại về tính mạng là 300.000.000 đồng (Ba trăm triệu đồng chẵn) và bị cáo Sùng A P1 phải bồi thường cho ông Thào Lao Ph, bà Gì Thị C số tiền trên.
Kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án của bên được thi hành án, bên phải thi hành án chậm trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.
Áp dụng Điều 26 của Luật Thi hành án dân sự: Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Người có nghĩa vụ thi hành án phải chấp hành việc thi hành án.
2.2. Áp dụng Điều 30 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015:
Tách phần bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho người bị hại (người bị thương Giàng A P2) để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
3/- Về vật chứng của vụ án: Áp dụng Điều 41 của Bộ luật hình sự năm 1999 và Điều 106 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015: Tịch thu để tiêu hủy những vật không có giá trị sử dụng sau:
+ 01 (một) vòng kim loại đường kính 03cm, vòng này có mắc 01 đoạn kim loại gập đôi dài 03cm;
+ 01 (một) lọ nhựa cao 9,6cm, rộng nhất là 4,5cm, trong lọ có nhiều viên bi bằng kim loại, viên lớn nhất là 0,25cm;
+ 01 (một) lọ nhựa (dạng lọ thuốc nhỏ mắt natriclorit), trong lọ có ít chất bột màu trắng bạc, có mùi diêm sinh;
+ 01 (một) mảnh kim loại có kích thước 0,8cm x rộng 0,4cm x 0,5cm;
+ 01 (một) khẩu súng kíp tự chế (loại súng kíp) đã qua sử dụng+ 01 (một) ống tre đã khô dài 1,37 mét, đường kính 12cm;
+ 01 (một) mảnh kim loại kích thước 0,4cm x 0,4cm;
+ 01 (một) mảnh kim loại kích thước 01cm x 0,5cm.
(Tình trạng vật chứng được mô tả chi tiết như trong Biên bản giao, nhận vật chứng giữa cơ quan Công an tỉnh (PC45) với Cục Thi hành án dân sự tỉnh lập hồi 14 giờ 30’ ngày 04/4/2018)
4/- Án phí: Áp dụng Điều 135, 136 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy Ban thường vụ Quốc Hội: bị cáo phải chịu 200.000đ tiền án phí HSST. Miễn tiền án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch cho bị cáo.
Báo cho bị cáo, bị hại, đại diện hợp pháp cho người bị hại biết được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người vắng mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày Bản án được niêm yết.
Bản án 29/2018/HS-ST ngày 24/06/2018 về tội giết người và tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng
Số hiệu: | 29/2018/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Lai Châu |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 24/06/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về