Bản án 28/2019/HNGĐ-ST ngày 26/06/2019 về thay đổi người trực tiếp nuôi con và chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN T – TỈNH BÌNH THUẬN

BẢN ÁN 28/2019/HNGĐ-ST NGÀY 26/06/2019 VỀ THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON VÀ CHIA TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG TRONG THỜI KỲ HÔN NHÂN

Ngày 26 tháng 6 năm 2019, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 16/2019/TLST-HNGĐ ngày 11/01/2019, về việc “Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 33/2019/QĐXXST-HNGĐ, ngày 13/5/2019; Quyết định hoãn phiên tòa số: 20/2019/QĐST-HNGĐ ngày 27/5/2019 và Thông báo thời gian mở lại phiên tòa số: 17/2019/TB-TA ngày 17/6/2019, của Tòa án nhân dân huyện T, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Anh Lê Tiến S, sinh năm: 1989, có mặt tại phiên tòa;

Địa chỉ: Xóm 3, thôn 8, xã G, huyện T, tỉnh Bình Thuận.

Bị đơn: Chị Trần Thị Thu T, sinh năm: 1990, có mặt tại phiên tòa;

Địa chỉ: Xóm 6, thôn 7, xã G, huyện T, tỉnh Bình Thuận.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Nguyễn Thị S, sinh năm: 1965, có mặt tại phiên tòa;

Địa chỉ: Xóm 3, thôn 8, xã G, huyện T, tỉnh Bình Thuận.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 08/01/2019, các bản tự khai và lời trình bày của anh Lê Tiến S tại phiên tòa hôm nay, thì:

Về hôn nhân: Anh và chị Trần Thị Thu T là vợ chồng hợp pháp, nhưng hai người chung sống không hạnh phúc, chị T đã khởi kiện ly hôn tại Tòa án và được Tòa án nhân dân huyện T ban hành Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của đương sự số: 06/2018/QĐST-HNGĐ ngày 15/01/2018.

Theo Quyết định này, thì anh và chị T tự nguyện thuận tình ly hôn và thỏa thuận giao trách nhiệm nuôi con Lê Trần Tiến N, sinh ngày 29/9/2014 cho chị T trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục. Anh không phải cấp dưỡng nuôi con và được quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai có quyền cản trở.

Tuy nhiên, trong thời gian chị T nuôi dưỡng con chung anh nhận thấy chị T có mức thu nhập thấp, không có thời gian chăm sóc con cái.

Riêng anh có mức thu nhập trung bình hàng tháng từ 04 đến 06 triệu đồng/tháng, cùng với điều kiện ở chung với cha mẹ của anh. Vì vậy, anh hiện có đủ khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng con tốt hơn chị T.

Do đó, anh yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con Lê Trần Tiến N từ chị T sang cho anh và anh yêu cầu chị T phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con N mỗi tháng là: 2.000.000 đồng, cho đến khi con N tròn 18 năm tuổi.

Về tài sản chung: Trong thời gian giải quyết ly hôn với nhau, thì phần tài sản chung giữa anh, chị T tự thỏa thuận với nhau không yêu cầu Tòa án giải quyết, nhưng sau đó anh, chị T không tự thỏa thuận phân chia cho nhau được.

Nay anh yêu cầu Tòa án giải quyết phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, gồm:

- Tổng thu nhập từ việc kinh doanh mũ cao su trong 04 năm (thu nhập mỗi tháng là 7.000.000đ/tháng x 08 tháng/năm = 56.000.000đ). Như vậy: 56.000.000đ x 04 năm = 224.000.000đ.

- Giá trị 03 chiếc xe mô tô gồm: 01 chiếc xe AirBlade biển kiểm soát 86B7-301.99, trị giá 30.000.000đ; 01 chiếc xe Wave (đã bán) và 01 chiếc xe mô tô hiệu Sirius cũ (đã bán), tổng trị giá 02 chiếc xe đã bán là: 7.000.000đ. Cả 03 chiếc từ trước đến nay đều do anh trực tiếp quản lý và sử dụng.

Tổng giá trị 03 chiếc xe nêu trên là: 37.000.000đ.

- Số tiền mua bảo hiểm cho anh và con chung Lê Trần Tiến N là 47.000.000đ (trong đó: tiền mua bảo hiểm cho anh S là 29.000.000đ; tiền mua bảo hiểm cho con chung là 18.000.000đ).

Tổng giá trị tài sản chung mà anh trình bày ở phần trên, sau khi khấu trừ chi phí sinh hoạt, chăm lo con cái trong thời kỳ hôn nhân và tiền mua bảo hiểm thì số tiền thu nhập từ việc kinh doanh thu mua mũ cao su trong 04 năm còn lại là: 140.000.000đ.

Anh yêu cầu Tòa án giải quyết chia đôi số tiền 140.000.000đ và trừ đi giá trị 03 chiếc xe mô tô mà anh trực tiếp quản lý, sử dụng thì số tiền mà anh được nhận và yêu cầu chị Trần Thị Thu T phải thối lại là (140.000.000đ : 2 – 37.000.000đ) = 33.000.000đ.

- Ngoài ra, anh còn yêu cầu chị T phải trả lại một số nữ trang mà gia đình anh cho vào ngày cưới, gồm:

+ 01 đôi bông tai 01 chỉ vàng 24Kr;

+ 01 kiềng cổ 02 chỉ vàng 24Kr;

+ 01 chiếc nhẫn cưới 01 chỉ vàng 24Kr;

+ 01 nhẫn cưới 0,5 chỉ vàng 18Kr.

Về nợ chung: Anh, chị T không có nợ chung. Việc chị T có yêu cầu phản tố đối với yêu cầu khởi kiện của anh về phần nợ chung, thì anh không đồng ý với yêu cầu phản tố này. Bởi vì, số tiền nợ 44.000.000 đồng là do một mình chị T vay mượn từ mẹ anh tên là Nguyễn Thị S, anh không biết chị T vay mượn của bà S để làm gì. Anh chỉ nghe bà S nói lại việc chị T vay mượn là để cho người bán mũ cao su ứng tiền trước. Anh không có trách nhiệm liên đới trả nợ cho bà S số tiền nói trên.

Tài liệu, chứng cứ anh S cung cấp chứng minh cho yêu cầu khởi kiện gồm:

+ 01 Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự (Bản sao);

+ 01 chứng minh nhân dân (Bản sao);

+ 01 giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô, xe máy mang tên Lê Tiến S (bản sao).

Theo bản tự khai, biên bản hòa giải và lời trình bày của chị Trần Thị Thu T tại phiên tòa hôm nay, thì:

Về con chung: Trong thời kỳ hôn nhân, giữa chị và anh S có 01 người con chung tên là Lê Trần Tiến N, sinh ngày 29/9/2014. Khi giải quyết ly hôn, chị và anh S đã thỏa thuận giao con N cho chị tiếp tục nuôi dưỡng cho đến khi con thành niên. Kể từ ngày chị và anh S chính thức ly hôn cho đến hôm nay chị vẫn có đủ điều kiện để nuôi dưỡng, chăm sóc và cho con đi học đàng hoàn.

Bản thân chị là viên chức Nhà nước, có thu nhập ổn định và còn làm thêm ngoài giờ từ việc kinh doanh thu mua mũ cao su cùng chị ruột tên là Trần Thị Kim D.

Tính lương trung bình mỗi tháng chị thu nhập được 7.000.000 đồng, đủ điều kiện hai mẹ con sinh sống nên chị không đồng ý giao con N cho anh S nuôi dưỡng.

Bởi lẽ, sau khi ly hôn chị cũng có cho con N ở nhà ông bà nội một thời gian, nhưng anh S không làm tròn trách nhiệm của một người cha, thể hiện là anh S không quan tâm, chăm lo cho con và thậm chí anh S không chịu cho con đi học, nhưng lại dạy cho con N nói những lời lẽ không đúng về người mẹ của mình.

Vì vậy, đối với yêu cầu của anh S, chị không đồng ý giao con N cho anh S trực tiếp nuôi. Chị yêu cầu Tòa án xét xử bác yêu cầu này của anh S, bởi vì con N đang do sự chăm sóc của chi một cách chu đáo, không được làm sáo trộn trong việc nuôi và dạy con N của chị.

Để gắng trách nhiệm của người cha đối với con theo như anh S trình bày, thì nay chị yêu cầu anh S phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con N mỗi tháng là: 2.000.000 đồng, kể từ tháng 07/2019 cho đến khi con N tròn 18 năm tuổi.

Về tài sản chung: Trong thời kỳ hôn nhân chị và anh S đã bán toàn bộ số vàng mà hai bên gia đình cho trong ngày cưới và vay, mượn thêm một số tiền của mẹ chồng là bà Nguyễn Thị S, tổng cộng được số tiền là: 80.000.000 đồng để làm vốn đầu tư vào việc kinh doanh thu mua mũ cao su.

Việc kinh doanh thu mua mũ cao su để bán kiếm lời, thì có lúc có lãi, có lúc bị thu lỗ. Do đó, thu nhập không ổn định và lợi nhuận từ việc kinh doanh thu mua mũ cao su được sử dụng vào những nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hằng ngày của vợ chồng và con nên số tiền thu nhập như anh S khởi kiện yêu cầu Tòa án chia là không có trên thực tế.

Tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân hiện nay còn là:

+ 01 chiếc xe AirBlade biển kiểm soát 86B7-301.99, trị giá 44.000.000đ;

+ 01 chiếc xe Wave (anh S đã bán) trị giá 11.000.000đ;

+ 01 chiếc xe mô tô hiệu Sirius cũ (anh S đã bán) trị giá 4.000.000đ. Cả 03 chiếc từ trước đến nay đều do anh S trực tiếp quản lý, sử dụng. Tổng giá trị của 03 chiếc xe mô tô nêu trên, là: 59.000.000đ.

Do hai chiếc xe Wave và xe Sirius anh S đã bán nên chị không yêu cầu định giá tài sản mà thống nhất theo sự định giá trị của 03 chiếc xe mô tô như anh S khai là: 37.000.000 đồng.

Đối với số tiền mua bảo hiểm cho anh S và con N là: 47.600.000đ (trong đó tiền mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm Prutential trong 02 năm là 29.000.000đ; tiền mua bảo hiểm AIA trong 02 năm là 18.600.000đ). Số tiển mua bảo hiểm được lấy từ thu nhập của anh S đi làm và tiền lời từ việc kinh doanh mũ cao su để mua bảo hiểm cho chính anh S và con N, chị không tính số tiền mua bảo hiểm vào tài sản chung để phân chia mà đóng cho tên ai, thì người đó thụ hưởng, chị không tranh chấp số tiền trên.

Sau khi mua 03 chiếc xe mô tô và mua hai gói bảo hiển là hết số tiền chung của hai vợ chồng, nhưng số tiền nợ của mẹ chồng là: 44.000.000 đồng, sau khi ly hôn xong, mẹ chồng theo chị đòi nợ ráo riết cho nên chị phải mượn tiền của cha mẹ đẻ để trả nợ cho bà mẹ chồng cho yên chuyện.

Đối với yêu cầu của anh S về việc buộc chị phải trả lại một số nữ trang gồm: 01 đôi bông tai (01 chỉ vàng 24Kr); 01 kiềng cổ (02 chỉ vàng 24Kr); 01 chiếc nhẫn cưới là do gia đình anh S cho chị. Chị không đồng ý vì toàn bộ số vàng trên cả hai bên gia đình cho trong ngày cưới, chị và anh S đã bán để đầu tư vào kinh doanh mua mũ cao su, hiện không còn.

Về nợ chung: Theo đơn phản tố ngày 15/01/2019, chị yêu cầu anh S phải có trách nhiệm liên đới trả nợ đối với số tiền đã vay mượn của bà Nguyễn Thị S trong thời ký hôn nhân. Khi ly hôn, giữa chị và anh S tự thỏa thuận về phần nợ chung. Tuy nhiên, sau khi ly hôn vào tháng 10/2018, chị đã trả số nợ trên cho bà S số tiền 44.000.000 đồng.

Tuy nhiên vào ngày 27 tháng 5 năm 2019, chị có đơn xin rút một phần yêu cầu phản tố về nợ chung. Với lý do là số tiền này sau khi ly hôn xong mẹ của anh S đòi tiền ráo riết nên chị tự nguyện trả nợ cho xong nên phần nợ này chị tự gánh chịu, không yêu cầu anh S phải cùng chịu.

Tài liệu, chứng cứ chị T cung cấp chứng minh gồm:

+ 01 chứng minh nhân dân (Bản sao);

+ 01 đơn xác nhận của Mầm non T mà cháu N hiện đang học (bản chính);

+ 01 bảng tổng hợp thanh toán thù lao cho công tác viên bán hàng (bản chính).

Theo bản tự khai có trong hồ sơ vụ án và lời trình bày của bà Nguyễn Thị Sợi tại phiên tòa hôm nay, thì:

Bà là mẹ ruột của anh Lê Tiến S, sau khi kết hôn với chị T, thì vợ chồng anh S, chị T ở chung tại nhà của vợ chồng bà. Quá trình chung sống chị T có trực tiếp vay mượn tiền của bà nhiều lần, tổng cộng là 40.000.000 đồng, mục đích chị T vay mượn để làm gì bà không rõ.

Do chị T là người trực tiếp vay mượn tiền của bà nên bà đòi nợ chị T phải trả cho bà và chị T là người đã trả số tiền trên cho bà, hiện không còn nợ nần gì nữa.

Đối với yêu cầu phản tố của chị T, bà chỉ yêu cầu chị T phải có trách nhiệm trả cho bà phần nợ chị T đã vay mượn, không liên quan đến anh S.

Do đó, bà thấy yêu cầu phản tố của chị T là vô lý, anh S không liên can gì đến số tiền do T vay mượn của bà.

Tòa án đã tiến hành tổ chức nhiều phiên hòa giải, để các bên đương sự thỏa thuận với nhau, nhưng không thành.

Trong phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện T, phát biểu ý kiến như sau:

- Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán: Trong quá trình giải quyết vụ án Thẩm phán đã tuân thủ các quy định về pháp luật tố tụng dân sự.

- Việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử: Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về phiên tòa sơ thẩm và đảm bảo đúng nguyên tắc xét xử.

- Việc chấp hành pháp luật của đương sự trong vụ án: Từ khi thụ lý vụ án cũng như tại phiên tòa, các đương sự đã thực hiện đúng các quy định về quyền và nghĩa vụ đương sự theo Bộ luật dân sự tố tụng dân sự;

- Về quan điểm giải quyết vụ án: Đề nghị HĐXX bác toàn bộ yêu cầu của anh Lê Tiến S đối với các vấn đề về thay đổi người trực tiếp nuôi con và một phần về tài sản chung.

Đề nghị HĐXX đình chỉ yêu cầu phản tố của chị Trần Thị Thu T về nợ chung, do chị T có đơn xin rút một phần yêu cầu phản tố lập ngày 27/5/2019.

Về án phí: Anh Lê Tiến S và chị Trần Thị Thu T đều phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Các tình tiết mà các bên đã thống nhất với nhau: Không Các tình tiết mà các bên không thống nhất với nhau: Toàn bộ nội dung vụ án, gồm: Thay đổi người trực tiếp nuôi con và về tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

 NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào lời trình bày của nguyên đơn, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thẩm quyền: Anh Lê Tiến S có yêu cầu Tòa án giải quyết về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và giải quyết về tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Chị Trần Thị Thu T có yêu cầu phản tố về yêu cầu cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn. Xét thấy, đây là những tranh chấp về Hôn nhân và gia đình, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Huyện T, theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 5 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

[2] Về tố tụng: Tại phiên tòa, các đương sự đều có mặt. Căn cứ vào khoản 1 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án tiến hành xét xử vụ án.

[3] Về con chung và mức cấp dưỡng: Xét yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con và yêu cầu cấp dưỡng nuôi con của anh Lê Tiến S.

Anh S cho rằng; sau khi ly hôn mặc dù các bên thỏa thuận giao con chung tên Lê Trần Tiến N, sinh ngày 29 tháng 9 năm 2014 cho chị Trần Thị Thu T trực tiếp nuôi dưỡng.

Tuy nhiên, trong thời gian chị T nuôi dưỡng con chung, anh nhận thấy mức thu nhập của chị T thấp, không đủ khả năng kinh tế chăm lo cho con nên anh S yêu cầu thay đổi việc nuôi con và yêu cầu chị T phải cấp dưỡng nuôi con N mỗi tháng là: 2.000.000 đồng (hai triệu đồng).

Chị T không đồng ý với các yêu cầu nói trên của anh S, chị T cho rằng; chị vẫn đủ khả năng kinh tế và thời gian đảm bảo để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con N nên người.

Hội đồng xét xử thấy rằng; sau khi ly hôn, chị T là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con N của chị T vẫn đang ổn định.

Chị T đã chứng minh được cháu N vẫn phát triển bình thường về tâm sinh lý và chị T có mức lương hàng tháng ổn định, có đủ tài chính, điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con N nên người.

Ngoài ra, theo biên bản xác minh của Tòa án nhân dân huyện T, thì chị T có đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, không vi phạm các điều cấm của pháp luật.

Anh S yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, với lý do là:

+ Chị T ngăn cản việc anh tới nhà thăm con;

+ Chị T không cho anh dẫn con về nhà nội;

+ Chị T nói qua điện thoại với anh là con chị đẻ được, thì chị cho hay bán cho ai cũng được.

Nhưng anh S không đưa ra được những bằng chứng cụ thể, để chứng minh cho việc khai nại của mình là có căn cứ pháp lý.

Nhưng qua công tác xác minh của Tòa án nhân dân huyện T, thể hiện anh S chưa có khả năng tự chủ, độc lập về kinh tế tài chính, chỗ ở. Ngoài ra, anh S chưa có việc làm ổn định, thu nhập hàng tháng dao động ở mức từ 4 – 6 triệu đồng và đang sinh sống phụ thuộc vào cha mẹ.

Xét thấy, yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi của anh S là không có cơ sở nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận, nghĩ nên bác yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con và yêu cầu cấp dưỡng nuôi con của anh S là có căn cứ.

Xét về yêu cầu phản tố của bị đơn về phần cấp dưỡng nuôi con Lê Trần Tiến N, sinh ngày 29 tháng 9 năm 2014 của chị Trần Thị Thu T.

Là buộc anh Lê Tiến S, phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con N mỗi tháng 2.000.000 đồng và tại phiên tòa hôm nay, chị T đồng ý hạ mức cấp dưỡng xuống còn 1.000.000 đồng/1 tháng.

Thấy rằng; chị T đang là người trực tiếp nuôi dưỡng con N, chị T có quyền và nghĩa vụ yêu cầu người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cấp dưỡng và việc cấp dưỡng nuôi con là nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp để duy trì nhu cầu thiết yếu của con chung. Đồng thời là nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi dưỡng con đối với con chưa thành niên.

Do đó, cần buộc anh S phải có nghĩa vụ cấp dưỡng dưỡng nuôi con N là phù hợp với khoản 2 Điều 82, Điều 83, 110 Luật hôn nhân và gia đình “… 2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con…”. Tuy nhiên, mức cấp dưỡng nuôi con cần xem xét phù hợp với thu nhập và khả năng thực tế của người cấp dưỡng, anh S hiện đang có mức thu nhập hàng tháng không ổn định và đang chung sống cùng với cha mẹ. Căn cứ vào Công văn số 24/1999/KHXX, ngày 17/3/1999, thì mức cấp dưỡng tối thiểu không dưới ½ mức lương tới thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm đối với một người con. Xét thấy, cần buộc anh Lê Tiến S phải cấp dưỡng nuôi con cho chị T là: 1.000.000đ/tháng (một triệu đồng) là phù hợp với quy định của pháp luật.

[4] Về tài sản chung: Anh Lê Tiến S có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc chị Trần Thị Thu T phải thối lại cho anh S số tiền là: 33.000.000đ mà anh S tự tính toán sau khi khấu trừ các chi phí có nguồn gốc từ thu nhập thu mua mũ cao su trong 04 năm và 03 chiếc xe mô tô được mua từ thời kỳ hôn nhân và yêu cầu chị T phải trả lại một số vàng ngày cưới là 5 chỉ vàng. Tuy nhiên, chị T khai nại toàn bộ số vàng mà anh S yêu cầu trả lại đã được bán để đầu tư kinh doanh và thu nhập từ việc kinh doanh mũ cao su trong 04 năm khi còn chung chung sống với nhau là thu nhập không ổn định, có lúc lời, lỗ và đã chi phí trong chi tiêu trong sinh hoạt hằng ngày, mua phương tiện (xe mô tô), mua bảo hiểm cho anh S và con chung. Do đó, chị T không đồng ý đối với yêu cầu về chia tài sản chung của anh S.

Xét thấy, khi ly hôn, giữa anh S và chị T tự thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án giải quyết. Tuy nhiên sau khi ly hôn, các bên có xảy ra tranh chấp về nuôi con nên anh S có yêu cầu giải quyết về tài sản chung là thu nhập từ việc kinh doanh thu mua mũ cao su trong 04 năm về trước khi chưa ly hôn. Trong quá trình giải quyết cũng như tại phiên tòa hôm nay, anh S không đưa ra được bất cứ một tài liệu, chứng cứ nào chứng minh anh và chị T có số tiền 224.000.000 đồng, từ thu nhập thu mua mũ cao su là có thực tế. Hơn nữa, đối với yêu cầu phân chia số tiền lời từ việc kinh doanh trên là không còn tồn tại trên thực tế. Do đó, yêu cầu của anh S là không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận.

Đối với 03 chiếc xe mô tô gồm: 01 chiếc xe AirBlade biển kiểm soát 86B7- 301.99; 01 chiếc xe Wave (đã bán) và 01 chiếc xe mô tô hiệu Sirius cũ (đã bán).

Trong quá trình giải quyết vụ án, anh S và chị T đều xác nhận 03 chiếc xe mô tô trên đều được mua trong thời kỳ hôn nhân. Sau khi ly hôn, chị T đồng ý giao cho anh S trực tiếp quản lý và sử dụng cả 03 chiếc xe và hiện nay anh S đã bán 02 chiếc xe hiệu Wave và Sirius.

Anh S tự định giá 03 chiếc xe là: 37.000.000 đồng (cụ thể: chiếc xe AirBlade trị giá 30.00.000đ, tổng giá trị 02 chiếc xe đã bán là 7.000.000đ), trong khi chị T đưa ra giá trị 03 chiếc xe là 59.000.000đ (cụ thể: giá trị chiếc xe AirBlade là 44.000.000đ;

chiếc xe hiệu Wave cũ trị giá 11.000.000đ và chiếc xe hiệu Sirius cũ trị giá 4.000.000đ).

Quá trình giải quyết vụ án, mặc dù anh S và chị T đưa ra mức giá 03 chiếc là khác nhau. Tuy nhiên, tại phiên tòa, anh S và chị T đều thống thống về giá cả 03 chiếc xe mô tô là: 37.000.000 đồng, là phù hợp với giá cả thị trường và việc khấu trừ hao mòn sử dụng xe.

Chia đôi giá trị 03 chiếc xe, anh S và chị T mỗi người được chia là: 18.500.000đ.

Hiện nay, chỉ còn chiếc xe AirBlade biển kiểm soát 86B7-301.99 đang còn trên thực tế và anh S đang trực tiếp quản lý, sử dụng. Do đó, anh S phải có trách nhiệm thối lại cho chị T số tiền chênh lệch là: 18.500.000 đồng, là có căn cứ.

Đối với yêu cầu của anh S về việc yêu cầu chị T trả lại một số nữ trang, gồm: 01 đôi bông tai (01 chỉ vàng 24K); 01 kiềng cổ (02 chỉ vàng 24K); 01 chiếc nhẫn cưới (01 chỉ vàng 24K) và 01 nhẫn cưới (0,5 chỉ vàng 18K). Chị T khai nại toàn bộ số vàng mà hai bên gia đình cho đã được bán để đầu tư vào minh doanh thu mua mũ cao su và hiện không còn số vàng mà anh S yêu cầu.

Xét thấy, trong thời kỳ hôn nhân, toàn bộ tài sản chung của vợ chồng là thuộc sở hữu hợp nhất. Số nữ trang mà hai bên gia đình cho ngày cưới, thì anh S phải biết được chị T đã sử dụng toàn bộ số vàng này vào mục đích gì và nguồn vốn để đầu tư vào kinh doanh thu mua mũ cao su có nguồn gốc từ đâu mà có.

Anh S, không cung cấp chứng cứ, chứng minh được hiện toàn bộ số vàng mà anh S yêu cầu có còn tồn tại trên thực tế hay không. Vì vậy, yêu cầu của anh S đối với chị T về việc trả lại số nữ trang cho vào ngày cưới là không có căn cứ để Hội đồng xét xử chấp nhận.

[5] Về nợ chung: Chị Trần Thị Thu T có yêu cầu phản tố buộc anh Lê Tiến S phải có trách nhiệm cùng chị T trả số tiền là 44.000.000đ cho bà Nguyễn Thị Sợi (mẹ ruột anh Lê Tiến S) đã vay trong thời kỳ hôn nhân để làm ăn trong việc thu mua mũ cao su. Tuy nhiên, anh S khai nại việc chị T vay mượn của bà S vào thời gian nào, mục đích vay mượn để làm gì, anh S hoàn toàn không biết.

Xét thấy, vào ngày 27/5/2019, chị T nộp đơn xin rút một phần yêu cầu phản tố (về nợ chung) nên Hội đồng xét xử đình chỉ yêu cầu phản tố về nợ chung là tự nguyện, phù hợp quy định của pháp luật được quy định tại khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

[6] Về án phí: Anh Lê Tiến S và chị Trần Thị Thu T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 về án phí, lệ phí Tòa án.

Hoàn trả tiền tạm ứng án phí cho anh S và chị T, theo đúng quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, Căn cứ vào:

QUYẾT ĐỊNH

 - Khoản 1, 2 Điều 21; các khoản 1, 2, 5 Điều 28; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; các Điều 146, 147, 203; khoản 1 Điều 227; các Điều 228, khoản 2, Điều 244, 262, 273 và 280 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

- Các Điều 33, 84, 107, 110, 116, và Điều 117 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;

 - Các Điều 357, 468 Bộ luật dân sự năm 2015;

- Nghị quyết số 326/ 2016/UBTVQH14 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án ngày 30/12/2016.

Tuyên xử:

1. Bác yêu cầu về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của anh Lê Tiến S.

Tuyên: Tiếp tục giao cho chị Trần Thị Thu T trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục người con chung tên là Lê Trần Tiến N, sinh ngày 29/9/2014 cho đến khi thành niên.

Anh Lê Tiến S phải cấp dưỡng nuôi con Lê Trần Tiến N mỗi tháng là: 1.000.000 đồng, kể từ tháng 07/2019 cho đến khi con N tròn 18 năm tuổi.

Anh Lê Tiến S được quyền và nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

 2. Về tài sản chung:

Chấp nhận một phần yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân của anh Lê Tiến S đối với chị Trần Thị Thu T.

Giao cho anh Lê Tiến S được quyền sở hữu xe mô tô hiệu AirBlade, biển kiểm soát số: 86B7-301.99, mang tên Lê Tiến S. Anh Lê Tiến S phải thối trả tiền chênh lệch tài sản cho chị Trần Thị Thu T là: 18.500.000 đồng (mười tám triệu, năm trăm ngàn đồng).

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án (đối với khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Về nợ chung: Đình chỉ xét xử yêu cầu phản tố về nợ chung của chị Trần Thị Thu T.

4. Về án phí:

Anh Lê Tiến S phải nộp 1.525.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, nhưng được trừ vào tổng số tiền tạm ứng án phí 2.050.000 đồng đã nộp theo các biên lai số 0013086 và 0013087 cùng ngày 11/01/2019 tại Chi cục thi hành án dân sự Huyện T.

Hoàn trả cho anh S số tiền chênh lệch là: 525.000 đồng sau khi khấu trừ. Anh Lê Tiến S đã nộp đủ tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Chị Trần Thị Thu T phải nộp 925.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí 1.737.500 đồng đã nộp theo biên lai số 0013093 ngày 16/01/2019 tại Chi cục thi hành án dân sự Huyện T.

Hoàn trả cho chị T số tiền chênh lệch là: 812.500 đồng, sau khi khấu trừ. Chị T đã nộp đủ tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Án xử công khai sơ thẩm, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (26/6/2019).

Trường hợp Bản án thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự đã sửa đổi, bổ sung, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự đã sửa đổi, bổ sung; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự đã sửa đổi, bổ sung. (Đã giải thích quyền kháng cáo)

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

360
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 28/2019/HNGĐ-ST ngày 26/06/2019 về thay đổi người trực tiếp nuôi con và chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Số hiệu:28/2019/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tuy Phong - Bình Thuận
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 26/06/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;