Bản án 28/2017/DS-ST ngày 26/09/2017 về tranh chấp hợp đồng hợp tác

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HỒNG NGỰ, TỈNH ĐỒNG THÁP

BẢN ÁN 28/2017/DS-ST NGÀY 26/09/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG HỢP TÁC 

Ngày 26 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Hồng Ngự, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 66/2017/TLST-DS ngày 05 tháng 5 năm2017, về tranh chấp hợp đồng hợp tác, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 63/2017/QĐXXST-DS ngày 05 tháng 9 năm 2017, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Anh Nguyễn T, sinh năm 1976; Địa chỉ cư trú: Ấp 1, xã T, huyện N, tỉnh ĐT; Người đại diện hợp pháp cho anh Nguyễn T theo ủy quyền là ông Nguyễn M, sinh năm 1959 (Văn bản ủy quyền ngày 09/6/2017); Địa chỉ cư trú: Số 27, tổ 02, đường T, khóm C, phường H, thị xã T, tỉnh AG. Có mặt.

2. Bị đơn: Chị Nguyễn T1, sinh năm 1976; Nơi đăng ký HKTT: Ấp Long T, xã A, huyện N, tỉnh ĐT; Chỗ ở hiện nay: Ấp 1, xã T, huyện N, tỉnh ĐT. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn chị Nguyễn T1: Ông Lê L3 là Luật sư của Văn phòng Luật sư N thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Tháp. Địa chỉ: Ấp 1, xã T, huyện N, tỉnh ĐT. Có mặt. 

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Chị Huỳnh Thị H, sinh năm 1987; Chị Huỳnh Thị N, sinh năm 1983; Cùng địa chỉ cư trú: Ấp 1, xã T, huyện N, tỉnh ĐT. Có mặt.

4. Người làm chứng: Chị Nguyễn Thị L, sinh năm 1988; Anh Thi V, sinh năm 1967; Cùng địa chỉ cư trú: Ấp 1, xã T, huyện N, tỉnh ĐT; Anh Nguyễn Văn N, sinh năm 1983; Địa chỉ cư trú: Khóm 3, phường A, thị xã N, tỉnh ĐT. Vắng mặt

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 28/4/2017, trong quá trình tiến hành tố tụng cũng như tại phiên tòa sơ thẩm. Nguyên đơn anh Nguyễn T do ông Nguyễn M đại diện theo ủy quyền, trình bày:

Vào ngày 07/02/2017 anh T có hợp đồng thuê lại quán của chị Huỳnh Thị H để bán nước uống (nước giải khát), quán có chiều ngang 9m, chiều dài 19m, tiền thuê quán là: 40.000.000đ, thời hạn thuê 12 tháng. Anh T thấy chị T1 là chỗ quen biết, không có việc làm nên rủ chị T1 hùn 10.000.000đ, anh T hùn 30.000.000đ để thuê lại quán của chị H, buôn bán có lời, lỗ thì chia nhưng không có thỏa thuận chia như thế nào. Việc rủ chị T1 hùn vốn chỉ nói miệng. Tiền thuê quán 40.000.000đ trả cho chị H1 được chia thành hai đợt. Đợt đầu đưa 20.000.000đ. Trong đó của anh T 10.000.000đ, của chị T1 10.000.000đ. Đợt hai 20.000.000đ là tiền của anh T để lên bàn thì chị T1 điếm (kiểm tra lại) rồi đưa cho chị H.

Sau khi thuê lại quán thì chị T1 trực tiếp buôn bán. Sau đó anh T hỏi chị T1 quán buôn bán như thế nào thì chị T1 không trả lời nên anh T không muốn tiếp tục hợp tác với chị T1 nữa và yêu cầu chị T1 hoàn trả lại tiền hùn thuê quán mà anh T đã bỏ ra nhưng chị T1 không chịu nên anh T ngăn cản không cho chị T1 bán nước nữa. Chị T1 làm đơn khiếu nại anh T đến Uỷ ban nhân dân xã T và Ủy ban nhân dân xã đã mời hai bên hòa giải vào ngày 19/4/2017 chị T1 thừa nhận tiền thuê quán trả cho chị H 30.000.000đ là của anh T. Tại biên bản hòa giải có đọc lại cho tất cả cùng nghe và thống nhất ký tên. Việc chị T1 cho rằng 30.000.000đ là anh T cho chị T1 vì quan hệ tình cảm là không đúng.

Đối với yêu cầu phản tố của chị Nguyễn T1, anh T không đồng ý theo yêu cầu của chị T1 vì không có căn cứ bởi: Chị T1 đưa ra số tiền mua bán nước bị lỗ không có căn cứ, nếu thật sự có hùn vốn làm ăn thì chị T1 phải bàn bạc mọi việc với anh T như sổ sách ghi chép theo dõi số hàng mua vào bán ra như đường cát, nước đá,… và số tiền thu nhập hàng tháng. Sổ sách này phải được anh T, chị T1 kiểm tra và thống nhất ký tên vào hàng ngày hoặc hàng tuần. Đồng thời hai bên không thỏa thuận cụ thể việc chia lời lỗ ra sao nên không chấp nhận yêu cầu phản tố của chị T1. Việc chị T1 trình bày sau khi thuê quán đã mua sắm tài sản như tủ, ly, ampli … thì ông thống nhất giá trị tài sản mà chị T1 đã mua sắm và đưa ra, ông không yêu cầu Tòa án ra quyết định định giá tài sản nhưng việc chị T1 mua sắm tài sản thì không thông qua anh T.

Anh T không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của chị T1. Anh T yêu cầu chị T1 trả lại cho anh 30.000.000đ tiền hùn thuê lại quán của chị H, không yêu cầu tính lãi và anh T thống nhất giao quán cho chị T1 tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn đã thuê quán như đã ghi trong hợp đồng với chị H và các tài sản chị T1 đã mua. Anh T không có tranh chấp hợp đồng thuê quán với chị H.

Trong quá trình tiến hành tố tụng và tại phiên tòa sơ thẩm:

Bị đơn chị Nguyễn T1, trình bày: Chị và anh T quen biết nhau qua trung gian là anh Nguyễn Văn N. Lúc đó chị chưa biết anh T đã có vợ. Anh T nói có quan hệ rộng, quen biết nhiều người nên anh T rủ chị hợp tác mở quán nước kiếm lời, lỗ thì cùng chịu nhưng không thỏa thuận lời, lỗ chia cụ thể như thế nào. Thấy vậy, chị nhờ anh T thuê dùm một chỗ để mở quán bán nước và anh T đồng ý. Vào ngày 07/02/2017, anh T bàn bạc với chị Huỳnh Thị H hợp đồng thuê lại quán nước của chị H, thời hạn thuê là 01 năm, với giá 40.000.000đ. Do anh T và chị H cư trú cùng ấp, xã nên chị tin tưởng và nhờ anh T thay mặt chị ký hợp đồng thuê quán. Trong hợp đồng thuê quán của chị H thì thỏa thuận chị H giao cho chị 39 cái ghế nữ hoàng, 01 cái phuy lớn. Nếu hư thì bên chị H chịu trách nhiệm tu sửa; nếu mất thì chị phải bồi thường. Vào tháng 4 năm 2017, chị có gặp chị H để yêu cầu chị H điều chỉnh, sửa lại tên người thuê quán, đổi tên anh T thành tên chị nhưng chị H không đồng ý.

Việc anh T trình bày chị bỏ ra 10.000.000đ, còn anh T bỏ ra 30.000.000đ là không đúng. 40.000.000đ tiền thuê lại quán của chị H là của chị. Cụ thể: Ngày 08/02/2017, chị đưa cho chị N là chị ruột của chị H tiền thuê quán đợt đầu là 20.000.000đ. Đến ngày 08/3/2017, chị đưa lần thứ hai cho chị H tiền thuê quán đợt hai là 20.000.000đ. Như vậy, chị là người trực tiếp đã đưa tiền thuê quán cho chị H, không phải anh T đưa. Nhưng tại phiên tòa chị thừa nhận anh T có hùn 10.000.000đ để trả tiền thuê mặt bằng. Tại buổi hòa giải ngày 19/4/2017 của Ban hòa giải xã T, chị không thừa nhận tiền thuê quán của chị H là tiền của anh T nhưng biên bản hòa giải lại ghi chị thừa nhận đã nhận tiền của anh T. Điều này là không trung thực với nội dung buổi hòa giải và gây oan sai cho chị. Biên bản hòa giải có đọc lại cho chị nghe hay không thì chị cũng không nhớ nhưng chị có ký tên vào biên bản hòa giải. Khi ký tên vào biên bản không có ai đe dọa hay ép buộc chị. Sau khi thuê lại quán thì chị mua sắm tài sản, thuê người phụ bán quán và chị buôn bán thua lỗ, ế ẩm nên chị có bàn bạc, thảo luận với anh T nhưng việc bàn bạc chỉ có chị và anh T, không có ai chứng kiến và không lập thành văn bản. Cụ thể: 

Mua 01 tủ chén, trị giá 1.200.000đ; 01 tủ quần áo, trị giá 850.000đ; 01 giường ngủ, trị giá 1.500.000đ; Làm cửa hàng rào trước và cửa phòng ngủ, trị giá 3.500.000đ; 01 đầu đĩa và ampli, trị giá 2.300.000đ và các dụng cụ bán nước như ly, bình, tách trà, phim và các vật dụng khác trị giá 1.500.000đ. Tổng cộng: 10.850.000đ. Chị và ông M thống nhất giá trị các tài sản mà chị đã mua nên không yêu cầu Tòa án thành lập hội đồng định giá.

Trả tiền thuê người giúp việc mỗi ngày 100.000đ/ngày x 32 ngày = 3.200.000đ. Trong đó, trả cho chị P được 15 ngày, chị B được 17 ngày. Chị không biết họ tên, địa chỉ đầy đủ của chị P, chị B nên không cung cấp cho Tòa án được nhưng anh T biết việc chị trả tiền và có thuê người giúp việc; Tiền điện mỗi tháng 250.000 đ x 4 tháng = 1.000.000đ; Tiền nước mỗi tháng 110.000 x 4 tháng = 440.000đ. Từ khi mở quán nước cho đến nay được 4 tháng, việc mua bán bị ế ẩm, không khách hàng. Chị bị lỗ mỗi ngày 300.000đ x 120 ngày (04 tháng) = 36.000.000đ. Như vậy, tổng số tiền chị đã chi ra là: 40.000.000đ (Tiền thuê lại quán) + 51.490.000đ (Mua sắm tài sản, điện, nước, trả cho người giúp việc) = 91.490.000đ.

Chị không đồng ý trả cho anh T 30.000.000đ. Vì 30.000.000đ anh T khởi kiện yêu cầu chị phải trả là tiền mà anh T đã cho chị trong những lần ngủ cùng chị tại quán, anh T cho chị khoảng 5 đến 7 lần, mỗi lần từ 3.000.000đ đến 5.000.000đ. Chị yêu cầu phản tố, yêu cầu anh T trả cho chị tiền thuê quán và tiền mua sắm tài sản, tiền bán nước bị lỗ là 45.745.000đ và chị thống nhất trả ½ giá trị tiền thuê mặt bằng còn lại là 05 tháng cho anh T và chị được tiếp tục sử dụng quán cho đến khi hết thời hạn thuê quán như đã ghi trong hợp đồng thuê với chị H, chị yêu cầu hủy hợp đồng hợp tác giữa chị và anh T. Chị không tranh chấp hợp đồng thuê quán nước giữa anh T và chị H.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Chị Huỳnh Thị H, trình bày: Vào ngày 07/02/2017 chị có cho anh T thuê lại quán nước với giá 40.000.000đ/năm, thỏa thuận trả tiền hai đợt. Đợt đầu trả 20.000.000đ, không nhớ ngày tháng do chị ruột của chị là chị Huỳnh Thị N nhận tiền, chị không biết ai đưa tiền. Đợt hai là ngày 08/3/2017 tại quán mà chị đã cho anh T thuê, chị T1 trực tiếp đưa cho chị 20.000.000đ còn lại. Lúc đó có mặt chị, chị N, chị T1, anh T, anh V. Người trực tiếp cho thuê quán là chị N, chị có nghe chị N nói lại là anh T và chị T1 hùn vốn gì đó. Sau đó, chị mới nói người nào thuê thì ghi cho cụ thể thì chị T1 nói để tên anh T trong hợp đồng thuê quán. Khi chị T1 đưa 20.000.000đ tiền đợt sau có kêu chị sửa lại hợp đồng thuê quán là để cho chị T1 đứng tên, lúc đó có mặt anh T, anh T cũng đồng ý nhưng vài ngày sau anh T không đồng ý. Nay anh T giao quán cho chị T1 sử dụng chị không có tranh chấp hợp đồng thuê quán giữa chị và anh T, ai sử dụng quán cũng được, khi hết thời hạn thuê thì trả lại quán cho chị giống như trong hợp đồng đã thỏa thuận. Lúc hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã T. Lúc đầu chị T1 trình bày tiền thuê quán là của chị T1 nhưng lúc sau chị T1 thừa nhận chị có đưa ra 10.000.000đ còn 30.000.000đ là của anh T, biên bản có đọc lại cho tất cả cùng nghe và thống nhất ký tên.

Chị Huỳnh Thị N, trình bày: Ngày 07/02/2017 anh T và chị T1 trả 20.000.000đ tiền thuê lại quán đợt đầu cho chị H. Trong đó, chị T1 đưa 10.000.000đ, một lúc sau có người lại đưa cho chị 10.000.000đ và nói anh T gửi. Chị hỏi trong hai người ai đứng tên trong hợp đồng thì hai người nói ai đứng tên cũng được cho nên mới để anh T đứng tên. 30 ngày sau trả 20.000.000đ còn lại thì chị thấy chị T1 cầm 20.000.000đ nhưng không chịu đưa cho chị, chị T yêu cầu em chị là chị H lên ký tên thì chị T1 mới chịu đưa, cho nên chị mới kêu chị H lên ký nhận rồi chị T1 mới đưa tiền. Có một lần chị T1 kêu chị sửa tên hợp đồng, chị nói với chị T1: “Phải có anh T mới được hoặc chị T1 kêu anh T làm tờ giấy sang nhượng cho chị đi, còn không thì chị làm sẵn hợp đồng thuê quán đi rồi, mời anh T lại nếu anh T chịu để cho chị đứng tên”. Chị T1 trả lời: “ừ”. Sau đó không thấy chị T1 kêu anh T lên sửa hợp đồng nhưng anh T có điện thoại cho chị nói là chị không được sửa hợp đồng. Chị không có tranh chấp hợp đồng thuê quán giữa chị H và anh T.

Những người làm chứng:

Anh Nguyễn Văn N, trình bày: Anh là bạn của anh T, chị T1 và không có mâu thuẫn gì với hai bên. Anh không nhớ ngày tháng vào năm 2016 anh, anh T và chị T1 uống nước tại quán cà phê ở thị xã N. Chị T1 nói đi Bình Dương làm, anh T nói chị T1 ở đây, anh T sẽ kiếm quán cho chị T1 bán cà phê, rồi có tiền trả lại cho anh T. Theo anh biết chị T1 có bỏ ra 10.000.000đ, anh cho anh T mượn 10.000.000đ để trả tiền thuê quán, số tiền còn anh biết anh T vay Ngân hàng có mặt anh ở đó nên anh biết. Lúc Ủy ban nhân dân xã T hòa giải anh trực tiếp nghe chị T1 thừa nhận mười đầu của anh T, mười triệu sau cũng của là anh T nhưng trước đó tiền của chị T1 sau đó lại thừa nhận của anh T. Anh không nghe tiền thuê quán cho chị T1. Khi xã hòa giải xong anh nghe và thấy cán bộ đọc lại cho tất cả mọi người nghe.

Anh Thi V, trình bày: Anh T gọi anh bằng cậu, còn chị T1 không có quan hệ bà con. Anh T có nhờ anh tìm mặt bằng cho người bạn là chị T1 để bán quán cà phê, chuyện hùn hạp giữa chị T1, anh T như thế nào anh không biết. Anh có ký tên làm chứng lúc trả tiền thuê mặt bằng. Không nhớ ngày tháng năm anh thấy chị T1 đưa cho chị N 02 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 01 tháng, anh không biết tiền đó là của ai, mỗi lần đưa tiền là 20.000.000đ tiền thuê mặt bằng bán nước. Anh không thấy anh T đưa tiền cho chị T1. Lúc đó có mặt anh, anh T, chị T1, anh N, chị N và anh nghe nói chị T1 không có hộ khẩu ở xã T, chị T1 nói ai đứng tên cũng được nên cuối cùng anh T đứng tên trong hợp đồng.

Chị Nguyễn Thị L, trình bày: Chị không có quan hệ bà còn với chị T1 anh T và cũng không có mâu thuẫn với hai bên. Chị T1 bán nước có sài đồng hồ nước chung với nhà của chị. Mỗi tháng chị T1 trả cho chị từ 100.000đ đến 130.000đ tiền nước từ lúc chị T1 thuê quán nước. Việc chị T1, anh T hùn vốn, quán bán lỗ lã ra sao thì chị không biết. Chị thấy quán chị T1 thường xuyên vắng khách và thường xuyên đóng cửa.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn Luật sư Lê Văn L3 phát biểu ý kiến:

Đối với yêu cầu của nguyên đơn là không có căn cứ để chấp nhận. Vì tại biên bản hòa giải ngày 19/4/2017 đoạn đầu chị T1 thừa nhận tiền là của anh T đưa cho chị T1 nhưng đoạn cuối người ghi biên bản lại ghi chị T1 không thống nhất trả lại cho anh T 30.000.000đ, vì tình cảm anh T đã cho chị T1 số tiền 30.000.000đ. Như vậy biên bản ghi không chính xác, ghi câu trên, câu dưới không thống nhất. Chị N, chị H đều xác nhận cả hai lần đưa tiền đều là chị T1 đưa. Bản khai của người làm chứng Nguyễn Văn N lại không rõ ràng, đồng thời anh N là bạn của anh T nên khai bất lợi cho chị T1. Anh V trình bày tiền thuê quán đều do chị T1 đưa và anh T không có chứng cứ chứng minh là tiền thuê quán là của anh đưa cho chị T1, để chị T1 đưa cho chị H. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn chị Nguyễn Thị T1 là có căn cứ và hợp lý nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận. Vì việc mua sắm tài sản là nhu cầu thiết thực cho việc mua bán nước, hợp đồng hợp tác giữa chị T1, anh T đã vi phạm về hình thức. Đoạn cuối của hợp đồng hùn vốn xác nhận chị T1 trả tiền đầy đủ. Việc đại diện nguyên đơn cho rằng kinh doanh quán lỗ phải có sổ sách, hóa đơn đều này là không hợp lý. Vì đây là quán nhỏ không phải là doanh nghiệp hay công ty. Hợp đồng hợp tác là có thật nhưng bên trong việc hợp tác giữa anh T, chị T1 còn có vấn đề nhạy cảm khác mà chỉ có anh T và chị T1 biết rõ. Anh T thường xuyên tới lui quán chị T1 nên về nhận thức buộc phải biết chị T1 mua sắm các tài sản trên. Căn cứ vào các Điều 109, Điều 504, Điều 509, Điều 510 của Bộ luật Dân sự năm 2015 đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu phản tố của chị T1. Buộc anh T trả lại cho chị T1 phân nữa số tiền chị T1 đã mua sắm tài sản và kinh doanh quán bị lỗ.

Tại phiên tòa Kiểm sát viên phát biểu ý kiến:

Về tố tụng từ khi thụ lý vụ án và quá trình giải quyết vụ án Thẩm phán thụ lý giải quyết vụ án theo đúng các quy định của pháp luật. Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã tiến hành đúng trình tự thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật. Những người tham gia tố tụng chấp hành tốt nội quy phiên tòa.

Về nội dung: Đối với yêu cầu của nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận. Vì quá trình hoạt động quán có hoạt động hay không hoạt động thì tiền thuê quán đã trả cho chị H cũng mất nên yêu câu của anh T là không có cơ sở chấp nhận. Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận. Vì theo lời khai của người làm chứng chị Nguyễn Thị L thì thấy quán chị T1 thường xuyên vắng khách, đóng cửa. Như vậy trong quá trình kinh doanh chị T1 tự quản lý kinh doanh. Tuy nhiên tại phiên tòa chị T1 thống nhất trả cho anh T 50% giá trị thời hạn thuê quán còn lại nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 [1] Về tố tụng:

Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn anh Nguyễn Văn T, yêu cầu chị Nguyễn Thị T1 trả tiền hùn vốn kinh doanh nước giải khát thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Những người làm chứng anh Thi V, anh Nguyễn Văn N, chị Nguyễn Thi L đã được triệu tập hợp lệ vắng mặt nhưng những người làm chứng đã có lời khai với Tòa án. Do đó Hội đồng xét xử xét xử vắng mặt anh N, anh V, chị L theo quy định tại khoản 2 Điều 229 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

 [2] Về nội dung:

Tại phiên tòa đại diện nguyên đơn ông Nguyễn Văn M và chị Nguyễn Thị T1 thừa nhận có thỏa thuận miệng để hùn vốn mở quán bán nước giải khát là thật. Tại Điều 504 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “1. Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm; 2. Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản”. Như vậy việc thỏa thuận hùn vốn để kinh doanh giữa anh T và chị T1 vào ngày 07/02/2017 là hợp đồng hợp tác.

Xét, yêu cầu của nguyên đơn anh Nguyễn Văn T là có một phần căn cứ để chấp nhận. Vì tại biên bản tiếp xúc hòa giải của Ủy ban nhân dân xã T vào ngày 19/4/2017 có nội dung như sau “Qua trao đổi ý kiến và được sự chứng nhận của bà H và sự động viên của cán bộ giải quyết. Hai bên đi đến thống nhất như sau: Bà Nguyễn Thị T1 thừa nhận phần tiền 30.000.000đ là của ông T đưa thuê quán của cô H...”. Việc chị T1 cho rằng biên bản ghi không đúng ý kiến của chị là không có căn cứ để chấp nhận. Vì chị T1 không có chứng cứ chứng minh nội dung biên bản ghi không đúng lời trình bày của chị. Trong khi đó, chị H, anh N là những người cùng tham gia tại buổi hòa giải đều trình bày sau khi hòa giải thì cán bộ xã có đọc lại biên bản cho tất cả mọi người cùng nghe. Việc chị T1 cho rằng anh T đòi chị 30.000.000đ là tiền anh T cho chị mỗi lần anh T ngủ cùng chị là không có căn cứ. Vì anh T không thừa nhận, chị T không có chứng cứ chứng minh anh T đã cho tiền chị. Như vậy anh T đã góp vốn 30.000.000đ cùng chị T để trả tiền thuê mặt bằng quán của chị H là thật. 

Tuy nhiên sau khi thuê lại quán của chị H thì quán chỉ có 39 cái ghế, 01 cái thùng phuy do đó để phục vụ cho việc kinh doanh chị T1 phải làm cửa hàng rào để bảo vệ tài sản trong quán, đầu đĩa, ampli và các dụng cụ bán nước như ly, phim, bình thủy, ấm trà là những khoản vốn góp thêm của chị T1 vào việc hợp tác với anh T để kinh doanh là phù hợp. Cụ thể như sau: Đầu đĩa và ampli 2.300.000đ; Cửa, hàng rào của quán 3.350.000đ (trừ cửa phòng ngủ 150.000đ); Các dụng cụ bán nước 1.500.000đ. Tổng cộng 7.150.000đ. Do anh T, chị T1 khi hợp tác kinh doanh không thỏa thuận điều kiện rút vốn, chị T1 không đồng ý việc anh T rút vốn. Mặt khác, anh T đã có một lần đóng cửa quán, không cho chị T1 buôn bán, việc anh T đột xuất rút vốn và đóng cửa không cho chị T1 bán nước đã ảnh hưởng đến việc chị T1 kinh doanh. Tuy nhiên tại phiên tòa chị T1 thống nhất trả lại cho anh T 50% tiền thuê quán 05 tháng còn lại là 8.332.500đ (05 tháng x 3.333.000đ : 2 = 8.332.500đ) và chị T1 được tiếp tục kinh doanh quán cho đến khi hết thời hạn thuê lại quán của chị H.

Như vậy anh T đã vi phạm hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa anh và chị T1. Hội đồng xét xử nghĩ nên buộc anh T phải chịu trách nhiệm đối với khoản tiền thuê mặt bằng là 07 tháng 19 ngày (tính từ ngày hợp đồng thuê lại quán có hiệu lực là ngày 08/02/2017 đến ngày xét xử là ngày 26/9/2017) nhưng tại phiên tòa chị T1 đồng ý trả lại cho anh T 50% tiền thuê quán của 05 tháng còn lại nên anh T phải chịu chi phí của 07 tháng đã qua là: 3.333.000đ x 7 tháng = 23.331.000đ và 20% của 7.150.000đ là giá trị tài sản mà chị T1 đã mua để phục vụ việc buôn bán là 1.430.000đ. Tổng cộng 24.761.000đ. Số tiền này được trừ vào tiền anh T đã bỏ ra (30.000.000đ) thuê mặt bằng sau khi trừ vào tiền chị T1 đã trả 05 tháng còn lại (8.332.500đ). Cụ thể: 24.761.000đ - 21.667.500đ = 3.093.500đ là phù hợp theo quy định tại Điều 509, Điều 510 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, tiền hùn vốn của anh T còn lại 8.332.500đ – 3.093.500đ = 5.239.000đ.

Xét, yêu cầu phản tố của chị Nguyễn Thị T1 yêu cầu anh T trả 45.745.000đ bao gồm tiền kinh doanh quán bị lỗ, tiền thuê mặt bằng và mua sắm tài sản và các chi phí khác là không có căn cứ. Vì việc chị T1 mua tủ áo, tủ chén, giường ngủ, làm cửa phòng ngủ là các khoản chi phí phục vụ cá nhân. Đối với tiền thuê người giúp việc 32 ngày phụ bán nước nhưng anh T không thừa nhận, chị T1 lại không có chứng cứ chứng minh đã thuê người giúp việc phụ bán nước, việc kinh doanh quán bị lỗ mỗi ngày 300.000đ thì chị T1 cho rằng quán bán ế ẩm, nghĩa là vắng khách chứ không phải không buôn bán được trường hợp có lỗ thì chỉ lỗ phần tiền thuê mặt bằng, tiền điện, tiền nước, tiền nước đá nhưng chị T1 không có chứng cứ để chứng minh chị kinh doanh quán lỗ mỗi ngày 300.000đ bao gồm những khoản chi phí nào. Mặt khác, Tại phiên tòa chị T1 thừa nhận mỗi ngày chị bán được khoảng 15 ly nước với số tiền khoảng 100.000đ và chị H cũng từng bán quán nước giải khát cho rằng nếu quán mở thường xuyên, nếu có vắng khách thì chỉ huề vốn chứ không có chuyện bị lỗ. Người làm chứng chị Nguyễn Thị L trình bày quán chị T1 thường xuyên vắng khách, đóng cửa và chị T1 cũng thừa nhận chị thường xuyên đóng cửa không buôn bán trong khi chưa có sự đồng ý của người cùng hợp tác là anh T. Đồng thời tài sản chị T1 mua để phục vụ việc bán nước giải khát là đã được tính vào vốn góp thêm và anh T đã chịu 20% của chi phí này khi rút vốn như đã nhận định đối với phần yêu cầu khởi kiện của anh T. Mặt khác, tiền thuê mặt bằng của anh T bỏ ra hùn vốn cùng chị T1 thì chị T1 lại tính vào phần yêu cầu phản tố của mình đó là những khoản yêu cầu không hợp lý. Do đó Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu phản tố của chị Nguyễn Thị T1 là phù hợp với quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 91 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đối với yêu cầu hủy bỏ việc hợp tác kinh doanh giữa chị và anh T và giải quyết hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng. Hội đồng xét xử nhận thấy nguyên đơn anh Nguyễn Văn T đề nghị rút vốn khỏi việc hùn vốn với chị T1. Đồng thời anh T, chị H, chị T1 thống nhất thỏa thuận giao lại quán cho chị T1 tiếp tục sử dụng cho đến khi hợp đồng thuê quán ngày 07/02/2017 hết hạn và tài sản chị T1 mua sắm trong quán là của chị T1. Như vậy khi Hội đồng xét xử xem xét yêu cầu rút vốn của anh T thì sẽ giải quyết hậu quả của việc anh T, chị T1 hợp tác kinh doanh. Nghĩa là khi anh T rút vốn thì việc hợp tác giữa anh T, chị T1 đã chấm dứt. Do đó yêu cầu hủy hợp đồng, giải quyết hậu quả của việc hủy hợp đồng là không cần thiết nên Hội đồng xét xử không chấp nhận đề nghị của chị T1.

Xét, ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị đơn luật sư Lê Văn L3 đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là chưa có cơ sở. Luật sư cho rằng biên bản ghi không thống nhất là chưa phù hợp vì biên bản hòa giải ở xã ngày 19/4/2017 ghi nội dung rõ ràng là đoạn đầu chị T1 đã thừa nhận tiền đưa cho chị H là của anh T nhưng khi anh T đòi chị trả lại số tiền đó thì chị T1 không thống nhất trả lại cho anh T, vì tình cảm anh T đã cho chị và phù hợp với lời khai của chị Huỳnh Thị H. Đối với lời khai của anh T trình bày tiền thuê quán đều thấy chị T1 đưa cho chị N nhưng chị N tình bày tiền thuê quán đợt đầu là chị T1 đưa trước 10.000.000đ, một lúc sau có người lạ đem đến đưa cho chị và nói anh T gửi 10.000.000đ, tiền thuê quán đợt hai thì khi chị H đến thì chị T1 đưa tiền cho chị H, trong khi đó tại biên bản hòa giải ở xã chính chị T1 đã thừa nhận 30.000.000đ tiền thuê quán là của anh T như vậy lời khai của anh V là chưa phù hợp. Do đó không chấp nhận ý kiến đề nghị của Luật sư L3. Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn là chưa phù hợp như Hội đồng xét xử đã nhận định tại phần yêu cầu phản tố của chị T1 do đó không chấp nhận ý kiến của Luật sư L3.

Xét, ý kiến của Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là chưa phù hợp. Vì việc anh T góp vốn 30.000.000đ cùng chị T1 hợp tác kinh doanh là thật, tiền trả cho việc thuê lại quán của chị H đó là tài sản đóng góp của anh T vào việc hợp tác cùng chị T1 để kinh doanh, trong quá trình hợp tác thì anh T có quyền rút khỏi việc hợp tác và có quyền yêu cầu nhận lại tài sản đã đóng góp. Đồng thời tại phiên tòa chị T1 thống nhất trả lại cho anh T 50% giá trị thời hạn thuê quán 05 tháng còn lại và chị T1 được tiếp tục sử dụng quán cho đến khi hết thời hạn thuê cho nên vốn góp của anh T vẫn còn do đó không chấp nhận ý kiến của Kiểm sát viên. Đối với ý kiến đề nghị không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

Từ những nhận định trên Hội đồng xét xử xác định như sau: Ngày 07/02/2017 anh Nguyễn Văn T và chị Nguyễn Thị T1 thỏa thuận miệng cùng nhau hợp tác thuê lại quán của chị Huỳnh Thị H để kinh doanh nước giải khát. Thực hiện thỏa thuận này anh T, chị T1 đã thống nhất để anh T đứng tên trong hợp đồngthuê lại quán của chị H còn chị T1 thì trực tiếp kinh doanh quán. Việc góp vốn hợp tác thì anh T góp 30.000.000đ, chị T1 góp 10.000.000đ để trả tiền thuê mặt bằng và sau đó chị T1 góp vốn thêm 7.150.000đ chi phí mua sắm tài sản phục vụ việc buôn bán sau khi thuê lại quán. Ngày 05/5/2017 anh T yêu cầu rút vốn khỏi hợp đồng hợp tác với chị H. Việc anh T rút vốn khi chưa hết hạn chấm dứt hợp tác, chị T1 không đồng ý việc anh T rút vốn, anh T đã đóng cửa quán một thời gian. Đồng thời khi anh T, chị T1 hợp tác không thỏa thuận điều kiện rút vốn do đó việc anh T rút vốn đã vi phạm hợp đồng hợp tác giữa anh và chị T1. Vì đã làm hưởng đến việc kinh doanh quán của chị T1 cho nên anh T phải chịu toàn bộ chi phí thuê mặt bằng trong thời hạn 7 tháng và 20% giá trị tài sản mà chị T1 đã mua để phục vụ việc kinh doanh, trừ đi 50% tiền thuê quán 05 tháng còn lại mà chị T1 thống nhất trả lại cho anh T thì tiền hùn vốn của anh T còn lại là 5.239.000đ. Do đó Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu của anh T. Buộc chị T1 có trách nhiệm trả lại vốn góp cho anh T là 5.239.000đ và chị T1 được tiếp tục kinh doanh quán của chị H và chịu trách nhiệm với hợp đồng thuê quán ngày 07/02/2017 giữa chị H và anh T cho đến khi hết hạn thuê. Chị T1 được sở hữu các tài sản do chị mua vào việc kinh doanh. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của chị T1. Vì không có căn cứ như Hội đồng xét xử đã nhận định.

Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ: 150.000đ do yêu cầu phản tố của chị T1 không được chấp nhận nên chị T1 phải chịu chi phí này là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 157 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Chị T1 đã chi xong nên Hội đồng xét xử không đề cập đến.

Về án phí dân sự sơ thẩm: Căn cứ vào Điều 144, khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 2, khoản 4, Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án để buộc các đương sự phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm theo quy định:

Nguyên đơn anh Nguyễn Văn T chịu 1.083.000đ (21.667.500đ x 5% = 1.083.000đ) đối với phần yêu cầu không được chấp nhận, trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp 750.000đ theo biên lai thu số 00956 ngày 03/5/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hồng Ngự, anh T còn phải nộp tiếp 333.000đ.

Bị đơn chị Nguyễn Thị T1 chịu 416.500đ (8.332.500đ x 5% = 416.500đ) đối với nghĩa vụ phải thực hiện và 2.287.000đ (45.745.000đ x 5% = 2.087.000đ) đối với yêu cầu phản tố không được chấp nhận. Tổng cộng 2.703.500đ, trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp 1.144.000đ theo biên lai thu số 00989 ngày 31/5/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hồng Ngự, chị T1 còn phải nộp tiếp 1.559.500đ.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 91, khoản 2 Điều 229, Điều 144, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 157 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 504, Điều 509, Điều 510 của Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 2, khoản 4, Điều 26 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu đòi lại tiền hùn vốn của nguyên đơn anh Nguyễn Văn T.

Buộc chị Nguyễn Thị T1 có trách nhiệm hoàn trả cho anh Nguyễn Văn T 5.239.000đ tiền hùn vốn kinh doanh, chị T1 chịu trách nhiệm với hợp đồng thuê quán ngày 07/02/2017 và được tiếp tục kinh doanh quán cho đến khi hết thời hạn thuê đã ghi trong hợp đồng, chị T1 được sở hữu các tài sản đã mua vào việc kinh doanh.

2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của chị Nguyễn Thị T1. Yêu cầu anhNguyễn Văn T trả số tiền góp vốn, mua sắm tài sản và kinh doanh quán bị lỗ là 45.745.000đ.

3. Về án phí dân sự sơ thẩm:

3.1 Anh Nguyễn Văn T chịu 1.083.000đ trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp 750.000đ theo biên lai thu số 00956 ngày 03/5/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hồng Ngự, còn phải nộp tiếp 333.000đ (Ba trăm ba mươi ba nghìn đồng).

3.2 Chị Nguyễn Thị T1 chịu 2.703.500đ, trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp 1.144.000đ theo biên lai thu số 00989 ngày 31/5/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hồng Ngự, còn phải nộp tiếp 1.559.500đ (Một triệu năm trăm năm mươi chín nghìn năm trăm đồng).

4. Về nghĩa vụ chậm thi hành án: Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm thi hành án cho đến khi thi hành xong.

5. Hướng dẫn thi hành án dân sự: Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án Dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự.

6. Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

866
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 28/2017/DS-ST ngày 26/09/2017 về tranh chấp hợp đồng hợp tác

Số hiệu:28/2017/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Hồng Ngự - Đồng Tháp
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 26/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;