TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
BẢN ÁN 280/2020/DS-PT NGÀY 18/09/2020 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Trong các ngày 11, 18 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 296/2020/TLPT-DS ngày 09 tháng 7 năm 2020, về việc “Tranh chấp dân sự-về thừa kế quyền sử dụng đất”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 19/2020/DS-ST ngày 21/05/2020 của Tòa án nhân dân huyện Tháp Mười bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 343/2020/QĐ-PT ngày 06 tháng 8 năm 2020; Quyết định tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm số 368/2020/QĐ-PT ngày 11 tháng 9 năm 2020, giữa:
* Nguyên đơn: Bà Phạm Thị N, sinh năm 1960;
Địa chỉ: Ấp ..., xã Trường X, huyện Tháp M, tỉnh Đồng Tháp.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Chị Đặng Thị Bích P, sinh năm 1993. Là người đại diện theo ủy quyền (Theo hợp đồng ủy quyền ngày 18/8/2020);
Địa chỉ: Số , ấp Định T, xã Định H, huyện Lai V, tỉnh Đồng Tháp.
*Bị đơn:
1. Bà Phạm Thị X, sinh năm 1948;
2. Bà Phạm Thị S, sinh năm 1950;
Cùng địa chỉ: Ấp Hưng L, xã Thanh M, huyện Tháp M, tỉnh Đồng Tháp.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn Phạm Thị S: Bà Lê Hồng D là Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đồng Tháp.
Địa chỉ: Số , đường Hùng V, Phường ..., thành phố Cao L, tỉnh Đồng Tháp.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Phạm Văn T, sinh năm 1966;
Địa chỉ: Ấp Hưng L, xã Thanh M, huyện Tháp M, tỉnh Đồng Tháp.
2. Phạm Minh T1, sinh năm 1963;
Địa chỉ: Khóm , thị trấn Mỹ A, huyện Tháp M, tỉnh Đồng Tháp.
3. Đỗ Hoàng Q, sinh năm 1978;
4. Đỗ Hoàng H, sinh năm 1981;
5. Đỗ Thị Kim N, sinh năm 1982;
Cùng địa chỉ: Ấp Hưng L, xã Thanh M, huyện Tháp M, tỉnh Đồng Tháp.
6. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện Tháp M;
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Thanh P - Chức vụ: Giám đốc;
Địa chỉ trụ sở: Khóm , thị trấn Mỹ A, huyện Tháp M, Đồng Tháp.
* Người kháng cáo: Bà Phạm Thị N là nguyên đơn.
Chị P, bà X, bà S, bà D, ông T và ông T1 có mặt tại phiên tòa. Anh Q, anh H, chị N và đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện Tháp M có đơn xin xét xử vắng mặt. Riêng ông T1 vắng mặt phiên tòa ngày 18/9/2020.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Bà Phạm Thị N, là nguyên đơn trình bày:
Cha, mẹ của bà là cụ Phạm Văn Tg, sinh năm 1926 (chết năm 1968), cụ Nguyễn Thị Hg, sinh năm 1928 (chết năm 1972). Cụ Tg và cụ Hg có 08 người con:
1. Phạm Thị X;
2. Phạm Thị S;
3. Phạm Thị H (chết khi còn nhỏ);
4. Phạm Văn S (chết khi còn nhỏ);
5. Phạm Văn D (chết khi còn nhỏ);
6. Phạm Thị N;
7. Phạm Văn T;
8. Phạm Minh T1.
Khi còn sống, cha mẹ tạo lập được tài sản là các thửa đất, diện tích: Thửa 1193, diện tích 900m2;
Thửa 1194, diện tích 900m2;
Thửa 1195, diện tích 3.000m2; Thửa 1198, diện tích 13.094m2; Thửa 1199, diện tích 3.000m2 ;
Thửa 1205, diện tích 8.925m2, cùng tờ bản đồ số 06, đất tọa lạc tại ấp Hưng L, xã Thanh M, huyện Tháp M. Cha mẹ chết không để lại di chúc, nhưng đất của cha mẹ thì do bà S, bà X, ông T, ông T1 đứng tên và sử dụng đất, nhưng đất của ông T và ông T1 diện tích ít hơn của bà X, bà S nên không yêu cầu, yêu cầu diện tích đất do bà X, bà S đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong quá trình giải quyết vụ án, bà N xin rút yêu cầu các thửa đất số 1193, 1194, 1195, 1199 do bà S đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nay, bà N yêu cầu như sau:
- Yêu cầu chia thừa kế thửa đất số 1205, tên Phạm Thị X, yêu cầu nhận giá trị của diện tích 2.975m2 (chia 03 phần), giá 100.000.000 đồng/1.000m2.
- Yêu cầu chia thừa kế thửa đất số 1198, tên Phạm Thị S, yêu cầu nhận giá trị của diện tích 4.365m2 (chia 03 phần), giá 100.000.000 đồng/1.000m2.
Căn cứ yêu cầu: Nguồn gốc đất của cha mẹ để lại.
Lý do chưa được chia đất: Việc bà S, bà X, ông T, ông T1 tự chia đất của cha mẹ và tự đi đăng ký quyền sử dụng đất thì bà không biết.
- Bà Phạm Thị X, là bị đơn trình bày:
Về cha mẹ, anh em trong gia đình như lời trình bày của bà N.
Về nguồn gốc thửa đất 1205, diện tích 8.925m2, do bà đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do bà khai mở sau năm 1975 (không nhớ chính xác năm nào) và sử dụng ổn định đến nay.
Trước đây, bà N có chồng, bên chồng có cho đất canh tác, anh chị em trong gia đình có kêu bà N về chia đất, nhưng bà N không nhận đất.
Nay, bà N yêu cầu chia thừa kế bà không đồng ý.
- Bà Phạm Thị S, là bị đơn trình bày:
Bà có đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng các thửa đất 1193, 1198, 1199, 181, 954, 957 (Thửa 957 sai, thửa 1890 đúng); trong đó nguồn gốc các thửa 1193, 1198, 1199 do bà khai mở năm 1976, các thửa còn lại bà nhận chuyển nhượng.
Nay, bà N yêu cầu chia thừa kế bà không đồng ý.
Lý do: Bà N không cùng khai phá đất, vì bà N còn nhỏ, khoảng năm 16 tuổi thì bà N bỏ nhà đi, không biết đi đâu, sau đó bà N đi nghĩa vụ quân sự nhưng không nhớ năm nào, có chồng về sống bên chồng, bà có mua được nhà ở chợ xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh để ở nhưng thấy bà N chưa có chỗ ở ổn định thì có gọi bà N về đây ở, sau đó bà N tự bán nhà và đất về xã Trường Xuân ở cho đến nay, nhưng bà không tranh chấp việc bà N bán nhà và đất của bà, vì đã cho bà N, do bà N không nhận đất.
Cha mẹ chết không có để đất lại cho các con.
Khi kê khai nguồn gốc đất để cấp giấy thì kê khai nguồn gốc đất ở đâu có thì bà không nhớ.
- Ông Phạm Văn T, là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:
Năm 1988, ông được bà X, bà S cho 10 công đất, nguồn gốc đất của cha mẹ, bà N sống bên chồng, còn lý do gì bà N không được chia đất thì không biết. Việc tranh chấp đất của bà N thì ông không có ý kiến và không có yêu cầu gì cho quyền lợi trong vụ kiện này, vì ông đã được chia đất rồi.
- Ông Phạm Văn T1, là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:
Cụ Tg, cụ Hg có 08 người con (đã chết 03 người khi còn nhỏ), đất do bà S, X, T, T1 đứng tên là có nguồn gốc của cha mẹ để lại cho các con, mỗi người diện tích bao nhiêu thì không biết, nhưng phần của ông được cho khoảng 6.000m2 nhưng đã chuyển nhượng cho ông T (anh ruột), do bà X, bà S đứng ra chia đất, còn bà N có chồng sống bên chồng, lý do gì không được chia đất thì ông không biết.
Việc tranh chấp đất của bà N thì ông không có ý kiến và không có yêu cầu gì cho quyền lợi trong vụ kiện này, vì ông đã được chia đất rồi.
- Anh Q, anh H, chị N là hộ bà X, bà S là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:
Việc tranh chấp đất do bà X, bà S quyết định.
- Đại diện theo pháp luật của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện Tháp M, là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:
Ngày 12/8/2019, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện Tháp M có cho hộ bà Phạm Thị X vay số tiền 100.000.000 đồng, tài sản thế chấp là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa 1205, diện tích 8.925m2, thời hạn trả ngày 10/8/2020. Xét thấy, diện tích đất tranh chấp không ảnh hưởng đến quyền lợi của Ngân hàng và bà X không vi phạm nghĩa vụ nên Ngân hàng không khởi kiện yêu cầu bà X trả tiền vay trước thời hạn trong vụ kiện này.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 19/2020/DS-ST ngày 21 tháng 5 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Tháp Mười đã xử tuyên:
[1] Đình chỉ một phần yêu cầu của bà Phạm Thị N các thửa đất số 1193, 1194, 1195, 1199 do bà Phạm Thị S đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
[2] Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị N về việc yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất với bà Phạm Thị X thửa đất số 1205 diện tích 2975m2 và bà Phạm Thị S thửa đất số 1198 diện tích 4365m2, cùng tờ bản đồ số 6, xã Thanh Mỹ.
[3] Bà Phạm Thị N phải chịu các chi phí: Chi phí xem xét thẩm định tại chỗ 12.290.000 đồng và chi phí định giá 300.000 đồng (đã nộp đủ).
[4] Về án phí:
Bà Phạm Thị N phải chịu 19.268.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, nhưng bà N được miển chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm, vì thuộc trường hợp người cao tuổi và thuộc trường hợp có người thân nhân liệt sĩ.
Bà Phạm Thị N được miển nộp tiền tạm ứng án phí.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về thời hạn, quyền kháng cáo và quyền, nghĩa vụ, thời hiệu thi hành án của các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 21 tháng 5 năm 2020, bà Phạm Thị N kháng cáo đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 19/2020/DS-ST ngày 21 tháng 5 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Tháp Mười: Bà N kháng cáo yêu cầu được chia thừa kế quyền sử dụng đất do cha mẹ để lại, cụ thể: Yêu cầu bà S chia cho bà N giá trị quyền sử dụng đất diện tích 4.365m2, thuộc thửa số 1198, với giá 100.000.000 đồng/1.000m2; Yêu cầu bà X chia cho bà N giá trị quyền sử dụng đất diện tích 2.975m2, thuộc thửa số 1205, với giá 100.000.000 đồng/1.000m2.
Tại phiên tòa phúc thẩm bà N xác định kháng cáo yêu cầu được nhận phần thừa kế 1/5 giá trị quyền sử dụng đất tại thửa số 1198, tờ bản đồ số 6 và 1/5 giá trị quyền sử dụng đất tại thửa 1205, tờ bản đồ số 6, giá đất là 100.000.000 đồng/1.000m2. Các căn cứ chứng minh cho yêu cầu kháng cáo là đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất của bà X, bà S ngày 07/9/1993, thể hiện nguồn gốc đất là do cha mẹ để lại. Bà N cho rằng văn bản viết tay của bà X ngày 26/8/2019, bà X thừa nhận có kêu bà N về để chia di sản thừa kế quyền sử dụng đất của cha mẹ để chứng minh phần đất mà bà S quản lý sử dụng là đất của cha mẹ. Tại biên bản lấy lời khai bà S ngày 25/02/2020 có thể hiện nội dung cụ Tg, cụ Hg có đất để lại cho bà X, bà S, ông T và ông T1 chia nhau để sử dụng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Phạm Thị S, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Phạm Thị N. Do nguồn gốc đất tranh chấp không phải là di sản thừa kế của cụ Tg, cụ Hg, mà là do bà S khai mở đất vào năm 1976. Đồng thời, bà X, bà S đã quản lý sử dụng đất ổn định và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà N kháng cáo nhưng không có tài liệu, chứng cứ để chứng minh nguồn gốc đất thửa số 1205 và thửa số 1198 là di sản của cụ Tg, cụ Hg.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp, phát biểu việc tuân thủ pháp luật của Thẩm phán và Hội đồng xét xử đảm bảo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, những người tham gia tố tụng chấp hành tốt quy định của pháp luật và đề xuất hướng giải quyết là không chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thị N.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, được kiểm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, lời phát biểu của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Theo bà N nguồn gốc phần đất tranh chấp thửa 1198, thửa 1205, tờ bản đồ số 6 là của cha, mẹ cụ Phạm Văn Tg, (chết 1968) và cụ Nguyễn Thị Hg, (chết 1972) để lại. Ngoài ra, còn có các thửa 1193, 1194, 1195 và thửa 1199 cùng tờ bản đồ số 6, (bà N không có tranh chấp). Cụ Tg và cụ Hg chết không để lại di chúc phần đất tranh chấp do bà X và bà N quản lý, nên bà N khởi kiện yêu cầu được nhận phần thừa kế 1/5 giá trị quyền sử dụng đất tại thửa số 1198, tờ bản đồ số 6 và 1/5 giá trị quyền sử dụng đất tại thửa 1205, tờ bản đồ số 6, giá đất là 100.000.000 đồng/1.000m2.
[2] Theo bà X và bà S, phần đất tranh chấp là do bà X và bà S khai mở vào khoảng 1976, diện tích khoảng 50 công. Do cha, mẹ chết sớm, các em còn nhỏ nên bà X, bà S tiếp tục nuôi dưỡng chăm sóc các em, đến năm 1988 phân chia đất cho ông T và sau đó phân chia đất cho ông T1 sử dụng, đến năm 1993 Nhà nước có chủ trương kê khai đăng ký quyền sử dụng đất thì bà X, bà S, ông T, ông T1 cùng đi kê khai đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sử dụng đất ổn định. Bà X và bà S không đồng ý theo yêu cầu của bà N.
Đối với đơn kê khai đăng ký quyền sử dụng đất ngày 07/9/1993, có thể hiện nguồn gốc đất là do cha mẹ để lại. Theo bà X, bà S là do sợ chủ đất cũ lấy lại đất, nên khi kê khai nên ghi “nguồn gốc đất là của cha mẹ để lại” là không đúng, mà đất là do bà X và bà S khai mở.
[3] Xét thấy, theo đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất ngày 07/9/1993 bà X và bà S thể hiện nguồn gốc đất do cha, mẹ để lại và theo lời khai của các nhân chứng ông Nguyễn Văn H, ông Ngô Văn T, ông Phan Thanh H, bà Lưu Thị L đều xác nhận nguồn gốc đất tranh chấp là của cụ Tg, cụ Hg khai phá.
Tuy nhiên, cụ Tg chết 1968, cụ Hg chết 1972. Như vậy, từ năm 1972 đến năm 1975 không ai quản lý sử dụng, trở thành đất hoang hóa, sau năm 1975 đất đai thuộc sở hữu toàn dân Nhà nước thống nhất quản lý, nên cũng không còn đất của cụ Hg và cụ Tg nên không phải là di sản thừa kế. Năm 1976 bà X, bà S khai mở quản lý, sử dụng ổn định cho đến nay và được Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo Công văn số 870/UBND-NC ngày 25/3/2020 của Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười xác định: ... “Theo sổ mục kê và địa chính do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Tháp Mười quản lý thì thửa 1198, 1205, tờ bản đồ số 06 tọa lạc xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp trước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Phạm Thị X và bà Phạm Thị S không thể hiện tên ông Phạm Văn Tg hoặc bà Nguyễn Thị Hg”.
Phần đất tranh chấp từ năm 1976 đến nay, bà N cũng không có trực tiếp quản lý sử dụng đất.
[4] Bà S xác định nguồn gốc đất tranh chấp là của vợ chồng bà S và bà X khai mở từ năm 1976, cải tạo quản lý sử dụng ổn định cho đến nay, không phải là đất của cụ Tg và cụ Hg chết để lại, nên bà X, bà S không đồng ý chia thừa kế cho bà N là có cơ sở chấp nhận.
[5] Do đó, việc bà N kháng cáo yêu cầu được chia thừa kế 1/5 di sản của cha mẹ để lại đối với phần đất diện tích 2.975m2 của bà X và 1/5 di sản của cha mẹ để lại đối với phần đất diện tích 4.365m2 của bà S, nhưng bà N yêu cầu được nhận giá trị quyền sử dụng đất với giá 100.000.000 đồng/1.000m2 là không có cơ sở.
[6] Xét thấy, đề nghị của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bà S là không chấp nhận kháng cáo của bà N, cũng như phân tích trên, đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà S là có căn cứ, nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[7] Xét thấy, cũng như phần nhận định trên đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Tỉnh là có căn cứ, nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
Về án phí, bà N là người cao tuổi, có cha, mẹ được Nhà nước công nhận là liệt sĩ và bà N có đơn xin miễn tiền án phí. Căn cứ vào điểm đ, khoản 1, Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí lệ phí Tòa án, Hội đồng xét xử miễn tiền án phí dân sự sơ thẩm, phúc thẩm cho bà N.
Từ những cơ sở trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thị N, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.
Các phần còn lại của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.
Do giữ nguyên Bản án sơ thẩm, nên bà Phạm Thị N phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại khoản 1, Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1, Điều 148; khoản 1, Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
Không chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thị N.
Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số: 19/2020/DS-ST ngày 21 tháng 5 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Tháp Mười đã xử tuyên:
[1] Đình chỉ một phần yêu cầu chia thừa kế của bà Phạm Thị N các thửa đất số 1193, 1194, 1195, 1199 do bà Phạm Thị S đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
[2] Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị N về việc yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất với bà Phạm Thị X thửa đất số 1205 diện tích 2.975m2 và bà Phạm Thị S thửa đất số 1198 diện tích 4.365m2, cùng tờ bản đồ số 6, xã Thanh M, huyện Tháp M.
[3] Bà Phạm Thị N phải chịu các chi phí: Chi phí xem xét thẩm định tại chỗ 12.290.000 đồng và chi phí định giá 300.000 đồng (đã nộp đủ).
[4] Về án phí:
Miễn án phí dân sự sơ thẩm, phúc thẩm cho bà Phạm Thị N.
Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 280/2020/DS-PT ngày 18/09/2020 về tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất
Số hiệu: | 280/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đồng Tháp |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 18/09/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về