Bản án 277/2022/HS-PT về tội rửa tiền

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 277/2022/HS-PT NGÀY 08/08/2022 VỀ TỘI RỬA TIỀN

Ngày 08 tháng 8 năm 2022, tại điểm cầu trung tâm trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và điểm cầu trực tuyến tại tỉnh Thừa Thiên Huế; xét xử công khai trực tuyến vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 143/2022/TLPT-HS ngày 05-4-2022 đối với bị cáo Phạm Ngọc D, do có kháng cáo của bị cáo và kháng cáo của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2022/HS-ST ngày 23-02-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo:

Phạm Ngọc D, sinh ngày 18 tháng 3 năm 1984; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: 147 đường số Y, phường Yl, quận G, thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: Làm thuê; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Công giáo; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Viết B, sinh năm 1959 và bà Nguyễn Thị Tr, sinh năm 1962; có vợ là Huỳnh Thị Thanh Ng, sinh năm 1986; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị tạm giam từ ngày 01 tháng 6 năm 2020 tại trại tạm giam Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho đến nay, có mặt tại phiên tòa.

Người bào chữa cho bị cáo Phạm Ngọc D:

Ông Lê Ngọc L và Bà Võ Thị Anh L1, Luật sư của Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn C (Gl) thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh; địa chỉ: Tầng 6, số 241 đường Đ, phường Y2, quận Y3, thành phố Hồ Chí Minh; ông Luân có mặt, bà Loan vắng mặt.

Ngoài ra, vụ án còn có 05 bị cáo khác không có kháng cáo, kháng nghị

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

- Bà Châu Thị Ngọc H, sinh năm 1983; nơi cư trú: số 12/8 Đường L1, phường T, thành phố H1, tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng thời là người kháng cáo, có đơn xin xét xử vắng mặt.

- Ông Trần Nguyên H2, sinh năm 1983; nơi cư trú: xã V, huyện VI, tỉnh Quảng Trị; nơi ở: Căn hộ 616 CT1, Chung cư A, phường X, thành phố H1, tỉnh Thừa Thiên Huế; có mặt.

- Bà Phạm Thị Phương U, sinh năm 1986; nơi cư trú: số 113 đường số 2, phường 16, quận G, thành phố Hồ Chí Minh; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

[1] Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và bản án sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 21/4/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra (PC02) Công an tỉnh Thừa Thiên Huế nhận đơn của chị Châu Thị Ngọc H và anh Trần Nguyên H2, trình báo việc bị một số đối tượng người nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt số tiền 3.933.493.716 đồng. Sau khi nhận được đơn trình báo, Cơ quan điều tra đã thẩm tra, xác minh và xác định:

Ngày 21/02/2020, chị Châu Thị Ngọc H, trú tại 12/8 Đường L1, phường T, thành phố H1, kết bạn làm quen qua mạng Facebook với một người đàn ông tự xưng tên là Frederik Hannes (đến nay chưa xác định được họ tên, lai lịch, địa chỉ). Sau một thời gian làm quen, ngày 23/3/2020, Frederik Hannes nói với chị H là đang tham gia dự án xây dựng một trung tâm thương mại tại tỉnh Phuket, Thái Lan; nhưng do hồ sơ, thủ tục bị trở ngại và nhiều lý do khác nên đặt vấn đề mượn tiền của chị H. Hannes hứa hẹn nếu chị H cho mượn tiền thì sẽ trả lại cho chị đầy đủ tiền đã mượn khi dự án được thông qua và sẽ tăng thêm 10% số tiền đã mượn để cảm ơn. Nghe vậy, chị H đồng ý và đã 05 lần chuyển tiền cho Frederik Hannes mượn cụ thể như sau:

Lần thứ nhất vào ngày 25/3/2020, số tiền đã chuyển là 238.150.000 đồng vào tài khoản NAWAPAT PH1WKHAO, mở tại ngân hàng Kasikornbank Public Company Limited tại Thái Lan.

Lần thứ hai vào ngày 31/3/2020, số tiền đã chuyển là 70.980.000 đồng vào tài khoản Nguyễn Văn C, mở tại ngân hàng Sacombank.

Lần thứ ba vào ngày 03/4/2020, số tiền đã chuyển là 470.000.000 đồng vào tài khoản Trần Thị Phương C1, mở tại ngân hàng Công thương.

Lần thứ tư vào ngày 04/4/2020, số tiền đã chuyển là 230.000.000 đồng vào tài khoản Trần Thị Phương C1, mở tại ngân hàng Công thương.

Lần thứ năm vào ngày 06/4/2020, số tiền đã chuyển là 75.000.000 đồng vào tài khoản Nguyễn Văn Xuân H3, mở tại ngân hàng Vietinbank.

Ngày 08/4/2020, đối tượng Frederik Hannes tiếp tục liên lạc với chị H để mượn tiền, do không còn tiền nên chị H đã đưa cho Frederik Hannes số điện thoại của anh Trần Nguyên H2, trú tại căn hộ 616-CT1, chung cư A, phường X, thành phố H1 (là bạn chị H, đã nhiều lần chuyển hộ tiền của chị H cho Frederik Hannes) để liên hệ vay tiền. Anh H2 đồng ý cho vay sau đó cùng chị H chuyển cho Frederik Hannes 04 lần cụ thể như sau:

Lần thứ nhất vào ngày 09/4/2020, anh Trần Nguyên H2 dùng tiền của mình chuyển vào tài khoản Nguyễn Văn Xuân H3 - Vietinbank số tiền 709.515.405 đồng.

Lần thứ hai vào ngày 14/4/2020, chị H góp 300 triệu đồng và anh H2 góp 521.242.000 đồng, để chị H chuyển vào tài khoản Nguyễn Văn Xuân H3 - Vietinbank số tiền 821.242.000 đồng.

Lần thứ ba vào ngày 16/4/2020, một mình anh H2 chuyển vào tài khoản Nguyễn Văn Xuân H3 - Vietinbank số tiền 1.098.606.308 đồng.

Lần thứ tư vào ngày 17/4/2020, chị H góp 120 triệu đồng và anh H2 góp 100.000.000 đồng để chị H chuyển vào tài khoản Nguyễn Văn Xuân H3 - Vietinbank số tiền 220.000.000 đồng.

Sau 09 lần chuyển tiền, chị H và anh H2 đã chuyển cho Frederik Hannes tổng cộng là 3.933.493.716 đồng, trong đó: chị H chuyển 1.474.130.000 đồng và phần của anh H2 là 2.459.363.716 đồng. Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh tài khoản cá nhân của Frederik Hannes trên Facebook phát hiện tài khoản này có địa chỉ IP (Internet Protocol - giao thức Internet) từ nước ngoài không rõ người đã quản lý, sử dụng là ai, các dữ liệu liên lạc trên phần mềm WhatsApp có liên quan đều đã bị xóa bỏ. Căn cứ vào các giao dịch chuyển tiền cũng không xác định được đối tượng đã trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo rồi chiếm đoạt tiền của chị H và anh H2; nhưng Cơ quan điều tra đã phát hiện ra một số đối tượng có hành vi chuyên nhận rút tiền do người khác phạm tội mà có để thu lợi bất chính cụ thể như sau:

* Hành vi phạm tội của các đối tượng N Chibuzor Frankline (gọi là Tony); N1 Samuel Ugochukwu (gọi là Richard); Ngô Hãi N2; U Stanley Chidiebere; Vũ Ái L2.

N Chibuzor Frankline là người Nigieria nhập cảnh vào Việt Nam khoảng từ năm 2015 đến năm 2017. N Chibuzor Frankline khai mất hộ chiếu nên không nhớ được ngày tháng nhập cảnh và số hộ chiếu. Qua các mối quan hệ với cộng đồng người Nigieria đang làm ăn sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, N Chibuzor Frankline đã liên lạc, làm quen với một đối tượng tên là Mandela (tên thường gọi là Kofi đến nay chưa xác định được họ tên, quốc tịch, địa chỉ) qua phần mềm WhatsApp. Sau một thời gian làm quen vào đầu tháng 01/2020, Mandela yêu cầu N Chibuzor Frankline liên lạc với N1 Samuel Ugochukwu (số điện thoại do Mandela đưa) để tìm cách mở các tài khoản ngân hàng nhằm nhận và rút tiền do nhóm của Mandela chuyển vào, sau đó rút tiền mặt chuyển lại cho Mandela (qua các đối tượng mà Mandela cử đến) để nhận tiền phần trăm là từ 08% đến 10%. Theo yêu cầu của Mandela. N Chibuzor Frankline đã tiến hành liên lạc với N1 Samuel Ugochukwu, yêu cầu N1 Samuel Ugochukwu mở các tài khoản ngân hàng để nhận tiền, rút tiền do phạm tội mà có rồi giao lại cho N Chibuzor Frankline để nhận tiền phần trăm (là từ 08% đến 10%). N1 Samuel Ugochukwu đồng ý.

N1 Samuel Ugochukwu là người Nigieria nhập cảnh vào Việt Nam ngày 13/6/2018. Tháng 12/2019, N1 Samuel Ugochukwu làm quen và yêu Ngô Hãi N2 (bị cáo trong vụ án) rồi chuyển về sống với nhau tại địa chỉ: Phòng 3 tầng 14, tháp A, khu chung cư S, tổ 9, ấp 5, xã P, huyện N2, thành phố Hồ Chí Minh. Quá trình sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, N1 Samuel Ugochukwu được một số đối tượng người Nigieria giới thiệu cách kiếm tiền bằng cách lập các tài khoản ngân hàng để nhận và rút tiền cho các đối tượng phạm pháp có được để hưởng phần trăm. Sau đó N1 Samuel Ugochukwu hướng dẫn cho Ngô Hãi N2 lên mạng Internet đặt mua của một số đối tượng (chưa xác định được họ, tên, địa chỉ) một giấy chứng minh nhân dân giả mang tên Nguyễn Thị L3 (chứng minh này được dán ảnh của Ngô Hãi N2) với giá 03 triệu đồng. Sau khi có chứng minh nhân dân giả. N2 dùng giấy chứng minh nhân dân này và sim điện thoại rác đi đến các Ngân hàng: Sacombank, BIDV, ACB, Vietinbank, Agribank tại thành phố Hồ Chí Minh mở tài khoản ngân hàng với tên Nguyễn Thị L3 rồi chuyển lại cho N1 Samuel Ugochukwu toàn bộ các thẻ ngân hàng, chứng minh nhân dân, sim điện thoại, mật khẩu để N1 Samuel Ugochukwu quản lý sử dụng vào việc nhận, rút tiền. Tiếp sau đó, Ngô Hãi N2 đặt mua thêm trên mạng Internet 01 chứng minh nhân dân giả mang tên Trần Thị Phương C1 (có dán ảnh của N2) với giá 03 triệu đồng rồi đến các ngân hàng: Sacombank, Vietinbank, BIDV, TP Bank, PV Bank, OCB, VIB Bank mở tài khoản mới. Sau khi mở tài khoản, N2 cũng đem thẻ ngân hàng, chứng minh nhân dân, mật khẩu đăng nhập và sim điện thoại cho N1 Samuel Ugochukwu quản lý. Sau khi mở được các tài khoản Ngân hàng bằng chứng minh nhân dân giả, N1 Samuel Ugochukwu và Ngô Hãi N2 đã một số lần thực hiện hành vi rút tiền cho các đối tượng người nước ngoài phạm pháp có được để hưởng phần trăm.

Vào khoảng tháng 02/2020, sau khi N1 Samuel Ugochukwu nhận lời đi rút và chuyển tiền cho N Chibuzor Frankline, N1 Samuel Ugochukwu đã giao cho N Chibuzor Frankline tài khoản Vietinbank mang tên Trần Thị Phương C1 để N Chibuzor Frankline quản lý, sử dụng. Cả hai thống nhất khi nào tài khoản này có tiền do các đối tượng phạm pháp chuyển vào thì N Chibuzor Frankline sẽ báo cho N1 Samuel Ugochukwu đi rút rồi mang tiền về giao cho N Chibuzor Frankline để N Chibuzor Frankline đem giao cho các đối tượng của nhóm Mandela. Để tránh bị phát hiện N1 Samuel Ugochukwu rủ thêm U Stanley Chidiebere cùng tham gia đi rút tiền về giao lại để nhận tiền phần trăm, cụ thể:

u Stanley Chidiebere là người Nigieria nhập cảnh vào Việt Nam tháng 10/2018 và quen biết với N1 Samuel Ugochukwu từ năm 2019. Khoảng tháng 10/2019, Chidiebere làm quen và yêu Vũ Ái L2 (bị cáo trong vụ án). Tháng 02/2020, N1 Samuel Ugochukwu nói với U Stanley Chidiebere việc đi rút tiền về giao lại cho N1 Samuel Ugochukwu thì sẽ được trả công 3%. U Stanley Chidiebere đồng ý nên N1 Samuel Ugochukwu đã đưa cho U Stanley Chidiebere các thẻ ATM và nói rõ khi nào các tài khoản này có tiền thì N1 Samuel Ugochukwu sẽ báo cho U Stanley Chidiebere đi rút (điện thoại qua phần mềm WhatsApp) và đem tiền về giao lại cho N1 Samuel Ugochukwu hoặc N Chibuzor Frankline. Sau đó U Stanley Chidiebere đã nói lại việc này cho Vũ Ái L2 và cùng với L2 (theo yêu cầu N1 Samuel Ugochukwu) một số lần thực hiện hành vi đi rút tiền cho các đối tượng phạm tội mà có để hưởng phần trăm.

Ngày 03/4/2020, chị Châu Thị Ngọc H chuyển cho Frederik Hannes (đã nêu ở phần đầu) số tiền 470 triệu đồng qua tài khoản Trần Thị Phương C1 số tài khoản 106877222996 Ngân hàng Công thương (đây là số tài khoản mà Ngô Hãi N2, N1 Samuel Ugochukwu mở rồi giao cho N Chibuzor Frankline quản lý). Sau khi tài khoản có tiền N Chibuzor Frankline đã chuyển 200 triệu vào tài khoản Trần Thị Phương C1 mở tại Ngân hàng Vietinbank chuyển 220 triệu đồng vào tài khoản Trần Thị Phương C1 mở tại Ngân hàng TP Bank và 50 triệu vào tài khoản Nguyễn Thị L3, mở tại Ngân hàng Sacombank. Sau đó điện báo cho N1 Samuel Ugochukwu đi rút tiền về giao lại.

Nhận được điện báo của N Chibuzor Frankline, N1 Samuel Ugochukwu đã chỉ đạo U Stanley Chidiebere đưa thẻ ATM và nói Vũ Ái L2 ra các cây ATM rút 200 triệu đồng đem về giao cho U Stanley Chidiebere; sau khi rút 200 triệu đồng, L2 đã đưa cho U Stanley Chidiebere 194 triệu để đưa cho N1 Samuel Ugochukwu, còn 06 triệu đồng L2 giữ lại để sử dụng chung. Cùng với việc chỉ đạo U Stanley Chidiebere rút tiền, N1 Samuel Ugochukwu đưa thẻ và nói với Ngô Hãi N2 đi ra các cây ATM rút 220 triệu đồng trong tài khoản Trần Thị Phương C1 - Ngân hàng TP bank và 50 triệu đồng trong tài khoản Nguyễn Thị L3 - Ngân hàng Sacombank. Sau khi rút 270 triệu đồng về, N2 đưa lại cho N1 Samuel Ugochukwu 260 triệu đồng, giữ lại tiền công là 10 triệu đồng. Đối với N1 Samuel Ugochukwu sau khi nhận được từ U Stanley Chidiebere 194 triệu đồng và từ Ngô Hãi N2 260 triệu đồng đã điện cho N Chibuzor Frankline và chuyển cho N Chibuzor Frankline 432,4 triệu đồng tại một con đường ở Quận 7, thành phố Hồ Chí Minh (tương đương 90% số tiền đã rút) N1 Samuel Ugochukwu giữ lại 21,6 triệu đồng. N Chibuzor Frankline đã nhận 432,4 triệu đồng này, sau đó khai đã chuyển cho một đối tượng tên là Rose và Okechukwu (không xác định được lai lịch, địa chỉ) để đối tượng này chuyển lại cho Mandela.

* Đối với hành vi phạm tội của Phạm Ngọc D: Phạm Ngọc D nhiều lần mua trên mạng Internet các tài khoản ngân hàng (kèm sim điện thoại để kích hoạt) sau đó bán lại để kiếm lời. Vào khoảng đầu năm 2020, Phạm Ngọc D thông qua phần mềm WhatsApp làm quen với một người Nigieria tên Monies (chưa xác định được họ, tên, địa chỉ) và đã nhiều lần bán tài khoản Ngân hàng cho Monies để thu lợi. Đầu tháng 3/2020, Phạm Ngọc D khai được Monies thuê đi rút tiền mặt bằng các thẻ Ngân hàng do Monies quản lý để nhận tiền công là 02% (đây đều là thẻ của các tài khoản mà trước đó D đã bán cho Monies).

Monies thống nhất giao lại D một số thẻ ATM và mật khẩu, khi có tiền do các đối tượng phạm pháp chuyển vào tài khoản thì Monies sẽ điện báo cho D biết (qua WhatsApp) và yêu cầu D đi rút tiền từ những tài khoản nào, sau đó đem tiền đã rút được về giao cho một đối tượng tên là Emeka (không xác định được lai lịch, địa chỉ) tại các địa điểm do hai bên thống nhất với nhau:

+ Ngày 04/4/2020, chị Châu Thị Ngọc H và anh Trần Nguyên H2 đã chuyển cho đối tượng Frederik Hannes 230 triệu đồng qua tài khoản mang tên Nguyễn Văn Xuân H3, mở tại Ngân hàng Vietinbank.

+ Ngày 06/4/2020, chị Châu Thị Ngọc H đã chuyển cho đối tượng Frederik Hannes 75 triệu đồng qua tài khoản mang tên Nguyễn Văn Xuân H3, mở tại Ngân hàng Vietinbank.

+ Ngày 09/4/2020, anh Trần Nguyên H2 đã chuyển cho đối tượng Frederik Hannes 709.515.408 đồng qua tài khoản mang tên Nguyễn Văn Xuân H3, mở tại Ngân hàng Vietinbank.

+ Ngày 14/4/2020, chị Châu Thị Ngọc H và anh Trần Nguyên H2 đã chuyển cho đối tượng Frederik Hannes 821.242.000 đồng qua tài khoản mang tên Nguyễn Văn Xuân H3, mở tại Ngân hàng Vietinbank.

+ Ngày 16/4/2020, anh Trần Nguyên H2 đã chuyển cho đối tượng Frederik Hannes 1.098.606.308 đồng qua tài khoản mang tên Nguyễn Văn Xuân H3, mở tại Ngân hàng Vietinbank.

+ Ngày 17/4/2020, chị Châu Thị Ngọc H và anh Trần Nguyên H2 đã chuyển cho đối tượng Frederik Hannes 220 triệu đồng qua tài khoản mang tên Nguyễn Văn Xuân H3, mở tại Ngân hàng Vietinbank.

Tổng cộng từ ngày 04/4/2020 đến ngày 17/4/2020, chị H và anh H2 đã chuyển vào tài khoản mang tên Nguyễn Văn Xuân H3 số tiền 3.154.363.716 đồng. Tiến hành điều tra làm rõ xác định đây là tài khoản mà Phạm Ngọc D đã mua trên mạng sau đó bán lại cho đối tượng Monies quản lý, sử dụng. Sau khi chị H, anh H2 chuyển tiền vào tài khoản thì Monies đã báo cho D để rút tiền mặt đem về hoặc chuyển tiền từ tài khoản này đến các tài khoản khác (đều là tài khoản mà D trước đây đã bán cho Monies) để D đi rút tiền mặt, cụ thể như sau:

+ D rút trực tiếp từ tài khoản Nguyễn Văn Xuân H3 (Vietinbank) 1.075.000.000 đồng.

+ Chuyển từ tài khoản Nguyễn Văn Xuân H3 (Vietinbank) đến tài khoản Tạ Bá Cường - Techcombank, sau đó D rút ra bằng tiền mặt là 244 triệu đồng.

+ Chuyển từ tài khoản Nguyễn Văn Xuân H3 (Vietinbank) đến tài khoản Đoàn Trung Tín - Vietinbank 165 triệu đồng và tài khoản Đoàn Trung Tín - Ngân hàng ACB là 740 triệu đồng. Sau đó D đã rút toàn bộ số tiền của hai tài khoản này.

+ Chuyển từ tài khoản Nguyễn Văn Xuân H3 (Vietinbank) đến tài khoản Nguyễn Văn C - Ngân hàng SHB số tiền 740 triệu đồng. Sau đó D rút ra bằng tiền mặt.

+ Chuyển từ tài khoản Nguyễn Văn Xuân H3 (Vietinbank) đến tài khoản Nguyễn Tường Ly - Ngân hàng TP bank số tiền 90 triệu đồng. Sau đó D rút ra bằng tiền mặt.

+ Chuyển từ tài khoản Nguyễn Văn Xuân H3 (Vietinbank) đến tài khoản Phạm Văn Truyền - Ngân hàng MB bank số tiền 60 triệu đồng. Sau đó D rút ra bằng tiền mặt.

+ Chuyển từ tài khoản Nguyễn Văn Xuân H3 (Vietinbank) đến tài khoản Trương Hùng Tiến - Ngân hàng Vietinbank số tiền 39.420.000 đồng. Sau đó D rút ra bằng tiền mặt.

Toàn bộ số tiền rút được là 3.153.420.000 đồng, D đã chuyển cho Monies thông qua Emeka, D hưởng lợi 63.080.000 đồng (tương đương 2%).

* Trưa ngày 20/5/2020, trong khi tiến hành bắt giữ Phạm Ngọc D, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện các đối tượng người Nigieria vẫn tiếp tục nhắn tin qua phần mềm WhatsApp chỉ đạo D đi rút tiền từ các thẻ mà D đang quản lý trong đó:

+ Đối tượng có tên là Chris chỉ đạo D rút 10 triệu đồng từ tài khoản BIDV mang tên Đoàn Trọng Tín và 58.380.000 đồng từ tài khoản BIDV mang tên Nguyễn Quốc Việt.

+ Đối tượng có tên Monies chỉ đạo D rút 121 triệu đồng từ tài khoản SHB mang tên Nguyễn Quốc Việt.

+ Đối tượng có tên Emeka chỉ đạo D rút 50 triệu đồng từ tài khoản BIDV mang tên Nguyễn Quốc Việt.

+ Đối tượng có tên Godwin chỉ đạo D rút 20 triệu đồng từ tài khoản MB bank mang tên Nguyễn Văn Tiến.

+ Đối tượng có tên Rose chỉ đạo D rút 18 triệu đồng từ tài khoản MB bank mang tên Phạm Văn Truyền.

Theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, D đến các cây ATM rút số tiền mà các đối tượng nêu trên đã thông báo là: 259.380.000 đồng mang về nhưng các đối tượng này không đến nhận. Vì vậy, Cơ quan điều tra tiến hành lập biên bản thu giữ khoản tiền này (Riêng tài khoản MB bank mang tên Phạm Văn Truyền không rút được do tài khoản bị Ngân hàng phong tỏa).

- Đồ vật, tài liệu do bị cáo Phạm Ngọc D giao nộp: 01 (một) mũ bảo hiểm màu trắng, lưỡi mũ màu đen, hai bên mũ bảo hiểm có chữ “Samsung” bên trái và chữ “H.nam” màu cam bên phải, trên đỉnh mũ bảo hiểm có hai vạch màu cam và màu xanh chạy dọc từ trước ra sau; 01 (một) đôi dép hiệu “Crocs” màu xanh đen; 01 (một) áo sơ mi dài tay màu trắng, mặt trong phía sau cổ áo có chữ “An phước”; 01 (một) túi xách màu đen loại thắt ngang bụng; 01 (một) xe máy hiệu Wave RS màu đỏ, biển số: 51R4-6510; tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 259.380.000 đồng (Hai trăm năm mươi chín triệu ba trăm tám mươi nghìn đồng); 01 (một) điện thoại di động iPhone 7 có mặt trước màu trắng, mặt sau màu vàng; 01 (một) điện thoại di động Nokia màu đen, model: TA-1174; 01 (một) thẻ ATM của ngân hàng Vietinbank, số thẻ: 4026 4900 0168 6513, mang tên Doan Trung Tin; 01 (một) thẻ ATM của ngân hàng Vietinbank, số thẻ: 4026 4900 0127 8766, mang tên Truong Hung Tien; 01 (một) thẻ ATM của ngân hàng TP-bank, số thẻ: 4665 8436 0027 5763, mang tên Nguyen Tuong Ly; 01 (một) thẻ ATM của ngân hàng MB bank, số thẻ: 4089 0520 5050 6622, mang tên Pham Van Truyen; 18 (mười tám) sim điện thoại các loại; 33 (ba mươi ba) thẻ ATM các loại.

Quá trình điều tra, bị cáo Phạm Ngọc D cho rằng việc bị cáo nhận rút tiền cho các đối tượng khác nhưng bị cáo chỉ nghĩ đó là các khoản tiền thanh toán tiền hàng hóa.

Các đối tượng có dấu hiệu trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là Frederik Hannes, Mandela, Monies, Emeka... đều chưa xác định được lai lịch, địa chỉ nên Cơ quan điều tra đã tách ra để tiếp tục điều tra xác minh, đồng thời tiếp tục xác minh làm rõ người quản lý, sử dụng và đã rút toàn bộ tiền trong các tài khoản mang tên: NAWARATPHIWKHAO mở tại Ngân hàng Kasikornbank Company Limited - Thái Lan (đã nhận 238.150.000 đồng) và tài khoản mang tên Nguyễn Văn C mở tại Ngân hàng Sacombank (đã nhận 70.980.000 đồng).

[2] Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 17/HSST ngày 23-02-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định:

Tuyên bố: các bị cáo Phạm Ngọc D, Vũ Ái L2, Ngô Hãi N2, N Chibuzor Frankline (tên gọi khác: Tony), N1 Samuel Ugochukwu (tên gọi khác: Richard), U Stanley Chidiebere, phạm tội “Rửa tiền”.

- Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 324 Bộ luật Hình sự; điểm b, s, t khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017); xử phạt bị cáo Phạm Ngọc D 10 (mười) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị tạm giam ngày 01 - 6 - 2020.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định hình phạt đối với các bị cáo khác, quyết định xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp và án phí sơ thẩm.

[3] Kháng cáo:

Ngày 21 - 03 - 2022 chị Châu Thị Ngọc H kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án phúc thẩm quyết định trả lại cho bà và anh Trần Nguyên H2 số tiền 259.380.000 đồng mà bị cáo D đã rút; trả cho Chị toàn bộ số tiền thu lợi bất chính của các bị cáo khác trong vụ án mà bản án sơ thẩm tuyên buộc nộp sung công; đề nghị Cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục điều tra vụ án để xử lý những đối tượng lừa đảo; giảm hình phạt cho bị cáo Phạm Ngọc D vì bị cáo D chỉ làm thuê để hưởng tiền công, không biết nguồn gốc tiền do đâu mà có, không phải là người đã thực hiện hành vi lừa đảo.

Ngày 03-3-2022 bị cáo Phạm Ngọc D kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

[4] Tại phiên tòa phúc thm:

Người kháng cáo chị Châu Thị Ngọc H có đơn xin xét xử vắng mặt, giữ nguyên các yêu cầu của kháng cáo.

Bị cáo Phạm Ngọc D giữ nguyên đơn kháng cáo, trình bày lý do kháng cáo là bị cáo đã nộp đủ số tiền thu lợi bất chính và án phí sơ thẩm, được người bị hại bãi nại.

Người bào chữa cho bị cáo Phạm Ngọc D trình bày lời bào chữa: bị cáo D được hưởng 03 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự; đặc biệt là tình tiết giảm nhẹ tại điểm t khoản 1 Điều 51, bị cáo đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra ngay sau khi bị bắt giữ. Bị cáo D hiện đang bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và sẽ phải đối mặt thêm với một bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa là bất lợi cho bị cáo D. Đề nghị áp dụng Điều 54 của Bộ luật Hình sự, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm phát biểu ý kiến: Tại giai đoạn phúc thẩm, Thẩm phán, Thư ký Tòa án, những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Về nội dung các kháng cáo: do bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ mới là nộp đủ số tiền thu lợi bất chính và bồi thường thêm cho bà Châu Thị Ngọc H, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Ngọc D và một phần kháng cáo của chị Châu Thị Ngọc H, áp dụng Điều 54 của Bộ luật Hình sự, sửa một phần Bản án hình sự sơ thẩm, giảm nhẹ cho bị cáo D một phần hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thảm nhận định:

[1] Về hành vi phạm tội của bị cáo:

Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2020 đến ngày 17/4/2020 tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, các bị cáo N Chibuzor Frankline, Nnameka Samuel Ugochukwu, Ngô Hãi N2, Umeh Stanly Chidiebere, Vũ Ái L2 và Phạm Ngọc D đã có hành vi lên mạng Internet đặt mua các tài khoản Ngân hàng khác nhau, rồi sử dụng các tài khoản ngân hàng này vào việc nhận, rút tiền do người khác phạm tội mà có chuyển vào, để được hưởng tiền công.

Tổng số tiền do người khác phạm tội mà có Nnameka Samuel Ugochukwu và Ngô Hãi N2 đã tham gia rút là 270 triệu đồng; Nnameka Samuel Ugochukwu thu lợi bất chính là 21.600.000 đồng, Ngô Hãi N2 thu lợi bất chính là 10.000.000 đồng, số tiền do người khác phạm tội mà có U Stanley Chidiebere và Vũ Ái L2 đã tham gia rút là 200 triệu đồng, cả hai thu lợi bất chính là 06 triệu đồng. Số tiền do người khác phạm tội mà có N Chibuzor Frankline chỉ đạo Nnameka Samuel Ugochukwu và các đồng phạm đi rút nên phải chịu trách nhiệm hình sự là 470 triệu đồng.

Đối với Phạm Ngọc D cũng trong thời gian trên đã tìm mua trên mạng Internet nhiều tài khoản Ngân hàng rồi bán lại cho các đối tượng người nước ngoài để kiếm lời. Thông qua việc mua bán tài khoản ngân hàng, D đã đồng ý đi rút tiền khi các đối tượng này yêu cầu. Tổng số tiền do người khác phạm tội mà có mà D đã tham gia rút là 3.153.420.000 đồng, D được trả tiền công là thu lợi bất chính số tiền 63.068.400 đồng.

Bản án sơ thẩm quyết định bị cáo Phạm Ngọc D phạm tội “Rửa tiền” quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 324 của Bộ luật Hình sự, là có căn cứ pháp luật.

[2] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phạm Ngọc D và của chị Châu Thị Ngọc H:

Bị cáo Phạm Ngọc D chịu trách nhiệm hình sự của số tiền là 3.153.420.000 đồng. Do Bị cáo đã nhiều rút tiền từ các tài khoản nên đã phạm tình tiết tăng nặng “phạm tội hai lần trở lên” được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

Về tình tiết giảm nhẹ mà bản án sơ thẩm đã áp dụng: bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải đã chủ động giao nộp các tài liệu, vật chứng liên quan đến hành vi phạm tội; tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, giúp cơ quan điều tra phát hiện tội phạm trong quá trình giải quyết vụ án; bị cáo tác động gia đình khắc phục một phần hậu quả do hành vi phạm tội bị cáo đã gây ra cho chị Châu Thị Ngọc H và anh Trần Nguyên H2 số tiền 30.000.000 đồng, nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm s, b, t khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo D đã nộp đủ số tiền 63.068.400 đồng thu lợi bất chính để sung công quỹ, bồi thường thêm cho bà Châu Thị Ngọc H số tiền 33.068.400 đồng, tuy nhiên tình tiết giảm nhẹ này cũng đã được bản án sơ thẩm xem xét (lúc đó bị cáo đã bồi thường trước 30 triệu đồng) nên đây là tình tiết giảm nhẹ không đáng kể. Do số tiền mà bị cáo phạm tội cao so với mức định khung hình phạt, trong khi bị cáo đã được xử phạt 10 năm tù là mức khởi điểm của khung hình phạt. Tội phạm mà bị cáo bị xử phạt đang gây nên sự phẫn nộ trong xã hội, hầu hết các bị hại đều chưa thu hồi được số tiền bị chiếm đoạt Do đó, để răn đe phòng ngừa chung, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

[3] Xét kháng cáo của chị Châu Thị Ngọc H về việc xem xét trả lại cho Chị số tiền 259.380.000 đồng, nhưng đây là số tiền mà bị cáo D rút tiền từ tài khoản đứng tên Đoàn Trong Tín, Nguyễn Quốc Việt và Nguyễn Văn Tiến, không phải tài khoản mà chị H đã chuyển tiền vào, nên bản án sơ thẩm không trả lại cho chị H là có căn cứ.

Đối với kháng cáo cho rằng cần buộc các bị cáo còn lại trong vụ án trả số tiền thu lợi bất chính cho chị Châu Thị Ngọc H là không có cơ sở vì không xác định được các bị cáo này đã tham gia rút tiền trong tài khoản của bà H; đồng thời đây là tiền thu lợi bất chính nên tịch thu sung công quỹ là có cơ sở.

Trong vụ án này đối với những người có dấu hiệu trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là Frederik Hannes, Mandela, Monies, Emeka... đều chưa xác định được lai lịch, địa chỉ nên Cơ quan điều tra tách ra để tiếp tục điều tra xác minh, đồng thời tiếp tục xác minh làm rõ người quản lý, sử dụng và đã rút toàn bộ tiền trong các tài khoản mang tên: NAWARATPHIWKHAO mở tại Ngân hàng Kasikombank Company Limited - Thái Lan (đã nhận 238.150.000 đồng) và tài khoản mang tên Nguyễn Văn C mở tại Ngân hàng Sacombank (đã nhận 70.980.000 đồng).

Bản án sơ thẩm đã nhận định: “Trong vụ án này, hành vi phạm tội của các bị cáo bị truy tố xét xử về tội “Rửa tiền ” là tội phạm phát sinh từ tội phạm nguồn có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà anh Trần Nguyên H2 và chị Châu Thị Ngọc H là người bị hại trong tội phạm nguồn này. Việc xét xử vụ án này không loại trừ việc xử lý đối với tội phạm nguồn. Do vậy, quyền và lợi ích hợp pháp của chị H và anh H2 sẽ được giải quyết khi các cơ quan tiến hành t tụng tiếp tục điều tra, xử lý, giải quyết đối với tội phạm nguồn”.Do đó, số tiền mà chị H bị chiếm đoạt sẽ được giải quyết trong vụ án hình sự khác khi xác định được các đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo đối với anh Trần Nguyên H2 và chị Châu Thị Ngọc H. Theo Kết luận Điều tra trong vụ án, Cơ quan Điều tra công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tách ra thành vụ việc riêng để tiếp tục điều tra xử lý hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chị Châu Thị Ngọc H và các bị hại bị lừa đảo cần tiếp tục theo dõi, phối hợp với Cơ quan Công an để làm rõ vụ việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

[4] Các quyết định khác còn lại của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo kháng nghị nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét. Đối với số tiền 63.268.400 đồng mà bị cáo D đã tự nguyện nộp theo Biên lai thu tiền số 0000045 ngày 05-5-2022 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế là số tiền nộp về khoản thu lợi bất chính và án phí hình sự sơ thẩm theo quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm. Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền hoàn thành thủ tục thi hành án đối với quyết định của bản án sơ thẩm theo quy định chung.

[5] Về án phí hình sự phúc thẩm: bị cáo kháng cáo nhưng không được chấp nhận nên phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật là 200.000 đồng. Chị Châu Thị Ngọc H không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự:

Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Ngọc D và kháng cáo của chị Châu Thị Ngọc H, giữ nguyên hình phạt của Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2022/HS-ST ngày 23-2-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đối với Phạm Ngọc D.

2. Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 324 Bộ luật Hình sự; điểm b, S, t khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017); xử phạt bị cáo Phạm Ngọc D 10 (mười) năm tù về tội “Rửa tiền”; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị tạm giam, ngày 01 tháng 6 năm 2020.

3. Sung vào ngân sách Nhà nước số tiền 259.380.000 đồng mà bị cáo Phạm Ngọc D đã rút từ các tài khoản.

4. Về án phí hình sự phúc thẩm, bị cáo Phạm Ngọc D phải chịu 200.000 đồng.

5. Các quyết định còn lại của Bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo kháng nghị, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Đối với số tiền 63.268.400 đồng mà bị cáo D đã tự nguyện nộp theo Biên lai thu tiền số 0000045 ngày 05-5-2022 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế là số tiền nộp về khoản thu lợi bất chính và án phí hình sự sơ thẩm theo quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm. Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền hoàn thành thủ tục thi hành án đối với quyết định của bản án sơ thẩm theo quy định chung.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 - 08- 2022./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

664
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 277/2022/HS-PT về tội rửa tiền

Số hiệu:277/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 08/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;