TOÀ ÁN NHÂN DÂN QUẬN HAI BÀ TRƯNG - THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 270/2018/HSST NGÀY 09/11/2018 VỀ TỘI CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ
Trong các ngày 08, 09.11.2018, tại trụ sở, Toà án nhân dân Quận Hai Bà Trưng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 276/2018/HSST ngày 16.10.2018 đối với bị cáo: Trần Đức Q; Sinh năm: 1963. Nơi ĐKHKTT và nơi ở: H, phường N, quận H, Hà Nội. Nghề nghiệp: Không. Văn hoá: 7/12. Con ông: Trần Huy Đ. Con bà: Cao Thị S. Danh chỉ bản số 368 ngày 05.7.2017 do công an quận Hai Bà Trưng cung cấp. Tiền sự: 02 tiền sự: -
Năm 1980, Công an quận Ba Đình xử phạt hành chính về hành vi Đầu cơ. - Năm 1989 Công an quận Hoàn Kiếm xử phạt hành chính về hành vi Trộm cắp tài sản của công dân. Tiền án: Không. Bắt quả tang ngày 03.07.2017. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Anh Bùi Đức P1 (sinh năm: 1988, trú tại: H, C, H, Hà Nội). Có mặt tại phiên tòa.
2. Anh Nguyễn Anh T1(sinh năm: 1991, trú tại: L, Đ, Hà Nội). Có mặt tại phiên tòa.
3. Ông Nguyễn Văn P2 (sinh năm: 1947, trú tại: H, phường N, quận H, Hà Nội). Có mặt tại phiên tòa.
* Người làm chứng:
1. Anh Phạm Đức T2 (sinh năm: 1971, trú tại: H, phường N, quận H, Hà Nội). Vắng mặt tại phiên tòa.
2. Ông Nguyễn Trung K (sinh năm: 1941, trú tại: H, phường N, quận H, Hà Nội). Có mặt tại phiên tòa.
3. Anh Đặng Văn L1 (sinh năm: 1960, trú tại: H, phường N, quận H, Hà Nội). Có mặt tại phiên tòa.
4. Ông Nguyễn Mậu M (sinh năm: 1948, trú tại: H, phường N, quận H, Hà Nội). Có mặt tại phiên tòa.
5. Bà Nguyễn Thị L2 (sinh năm: 1964, trú tại: H, phường N, quận H, Hà Nội). Vắng mặt tại phiên tòa.
6. Anh Lê Huy D (sinh năm: 1962, trú tại: H, phường N, quận H, Hà Nội). Có mặt tại phiên tòa.
7. Bà Nguyễn Thị T3 (sinh năm: 1960, trú tại: H, phường N, quận H, Hà Nội). Có mặt tại phiên tòa.
8. Bà Dương Thị C (sinh năm: 1958, trú tại: ngõ H, phường M, quận H, Hà Nội). Có mặt tại phiên tòa.
9. Bà Nguyễn Thị H (sinh năm: 1957, trú tại: H, phường N, quận H, Hà Nội). Vắng mặt tại phiên tòa.
* Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Nguyễn Văn Thắng – Công ty Luật TNHH Địa ốc – Ngân hàng – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Có mặt tại phiên tòa.
* Đại diện Cơ quan điều tra Công an quận Hai Bà Trưng: Ông Lê Mạnh Cường - sinh năm: 1994 là Cán bộ Công an quận Hai Bà Trưng. Có mặt tại phiên tòa.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 20h45 ngày 03/07/2017, tổ bảo vệ dân phố làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát tại chốt trực bảo vệ trước số 152 Phố Huế, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, gồm ông Đặng Văn L1 (sinh năm: 1960, trú tại: H, phường N, quận H, Hà Nội) là trưởng ban bảo vệ; ông Nguyễn T2 Kiên (sinh năm: 1941, trú tại: H, phường N, quận H, Hà Nội) là tổ trưởng tổ bảo vệ; ông Nguyễn Văn P2 (sinh năm: 1947, trú tại: H, phường N, quận H, Hà Nội), ông Phạm Đức T2 (sinh năm: 1971, trú tại: H, phường N, quận H, Hà Nội) là bảo vệ dân phố. Khi tổ bảo vệ đang trực tại chốt thì Trần Đức Q tiến lại gần chốt trực bất ngờ dùng tay phải đấm 01 cái vào mũi của ông P2 và dùng hai tay xô đẩy ông P2 và xô đẩy bàn ghế của chốt trực. Ông L1 ngồi bên cạnh ông P2 đỡ ông P2 dậy và mọi người trong tổ trực can ngăn thì Q bỏ đi ra quán nước tại quán nước trước số 146 Phố Huế. Ông L1 đã gọi điện báo sự việc cho Công an phường Ngô Thì Nhậm. Đồng chí Nguyễn Anh T1 và đồng chí Bùi Đức P1 - cán bộ cảnh sát trật tự Công an phường Ngô Thì Nhậm được phân công giải quyết vụ việc. Khoảng 20h55 cùng ngày, đồng chí T1 và đồng chí P1 xuống đến nơi xảy ra vụ việc yêu cầu Q về chốt trực để làm việc. Đồng chí T1 và đồng chí P1 đều mặc trang phục ngành đúng quy định. Khi về đến chốt, Q bất ngờ dùng tay phải tát vào mặt ông P2. Đồng chí P1 đứng cạnh đó giữ vai Q ngăn cản Q đánh ông P2 đồng thời yêu cầu Q về trụ sở Công an phường Ngô Thì Nhậm để làm việc thì Q không chấp hành và dùng tay trái túm áo của đồng chí P1 lôi, kéo giật mạnh về trước làm đứt 01 Cếc cúc ở vị trí thứ 3 tính từ vạt áo lên của đồng chí P1. Thấy vậy đồng chí T1 đã hỗ trợ đồng chí P1 khống chế đưa Q về trụ sở Công an phường để làm việc.
Tại cơ quan điều tra, Q khai nhận do có uống rượu say nên Q không làm chủ bản thân và đánh ông P2. Khi bị đồng chí P1 yêu cầu về trụ sở công an làm việc, Q đã túm áo đồng chí P1, giật đứt cúc áo của đồng chí P1 nhằm mục đích chống đối không để đồng chí P1 đưa Q về trụ sở làm việc.
Ông Nguyễn Văn P2 đã có đơn từ chối giám định thương tích.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hai Bà Trưng đã tiến hành xử phạt hành chính đối với Q về hành vi “Xâm hại sức khỏe người khác” quy định tại điểm 3 khoản 3 điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Tại bản cáo trạng số 253/CT/VKS-HS ngày 24.8.2017 của Viện kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng, bị cáo Trần Đức Q bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ”, được quy định tại khoản 1 điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Tại phiên tòa bị cáo Trần Đức Q khai: Bị cáo chỉ tát ông P2 một lần, chứ không phải tát ông P2 hai lần. Việc bị cáo tát ông P2 đã bị Công an xử lý hành chính. Sau khi tát ông P2, bị cáo bị các anh công an khống chế về luôn. Bị cáo chấp hành sự khống chế của công an. Bị cáo không chống người thi hành công vụ. Bị cáo bị oan, đề nghị Tòa xem xét.
Tại phiên tòa người liên quan ông Nguyễn Văn P2 trình bày: Tôi đang trực ở chốt trực thì bị cáo Q đi về trong tình trạng say rượu và vô cớ tát tôi một cái, tôi ngã dúi về phía trước. Anh L1 đỡ tôi dậy và có gọi công an phường đến. Khi công an phường đến yêu cầu bị cáo từ quán nước về trạm tuần tra, bị cáo lại tiếp tục lao vào và tát tôi lần nữa trước mặt các anh công an. Các anh công an có khống chế giữ tay bị cáo mời về phường.
Bị cáo không chấp hành, giằng co, vùng vằng không chấp hành các đồng chí Công an về phường.
Tại phiên tòa những người liên quan Bùi Đức P1, Nguyễn Anh T1 trình bày: Khi chúng tôi đến nơi hỏi: “sao anh lại đánh bác P2” và bị cáo tiếp tục tát ông P2 và nói “tao đánh ông P2 già này á”. Sau đó chúng tôi khống chế không cho bị cáo đánh ông P2 và mời bị cáo về phường. Bị cáo không chấp hành định bỏ đi, khua tay gạt, giằng co xô đẩy và đưa tay ra túm áo giật đứt cúc áo, nhưng chúng tôi kiên quyết khống chế bị cáo về phường.
Tại phiên tòa các nhân chứng Đặng Văn L1, Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Mậu M khai: Bị cáo Q khi đi về đến chốt trực bảo vệ trước số nhà 152 Phố Huế - phường Ngô Thì Nhậm – quận Hai Bà Trưng – Hà Nội, đã dùng tay tát một cái vào mặt ông P2 và dùng hai tay xô đẩy ông P2 là cán bộ dân phòng khi ông P2 đang làm nhiệm vụ và xô đẩy bàn ghế của chốt trực. Mọi người ngăn cản thì Q bỏ đi ra quán nước tại trước số 146 Phố Huế. Khi Công an phường Ngô Thì Nhậm xuống giải quyết có mời Q từ quán nước về chốt trực thì Q bất ngờ dùng tay phải tát vào mặt ông P2. Hai cảnh sát giữ vai ngăn cản Q tát ông P2 và yêu cầu Q về phường. Q giằng co không chấp hành các đồng chí công an về phường. Các đồng chí công an không đánh bị cáo Q.
- Một số nhân chứng khác ông Lê Huy D, bà Nguyễn Thị T3, bà Dương Thị C khai:
Thấy giữa bị cáo Q và ông P2 có cãi nhau. Q có tát vào mặt ông P2. Ông P2 đã dùng gậy hoặc chổi đánh lại bị cáo Q. Sau đó, Q bị hai đồng chí Công an khống chế, Q vùng vẫy muốn thoát ra, cả ba dịch chuyển ra xa bàn của trạm tuần tra, liên tục di chuyển xa bàn.
Trong quá trình khống chế, anh P1 công an có dùng tay đấm vào bụng Q. Bị cáo không có sự phản kháng đối với các anh công an. Bị cáo không có tội, đề nghị tòa xem xét.
Tại phiên tòa Luật sư Thắng có ý kiến:
- Về cơ bản tố tụng có vấn đề. Vai trò của Viện kiểm sát do P2 cung không triệt để, dẫn đến bị cáo bị tạm giam hơn một năm.
- Bị cáo Q khai bị Điều tra viên ép cung, Tòa đã trả điều tra bổ sung nhưng không làm rõ.
- Những người làm chứng trước đây chỉ khai những gì có lợi cho ông P2 do cùng làm việc với ông P2 nên không khách quan.
- Phiên tòa ngày 09/5/2018 đã trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tôi thấy các câu trả lời đều không thuyết phục.
- Việc xác định thời điểm lập biên bản bắt người phạm tội quả tang không đúng: 21h00 ông T1 với ông P1 cưỡng chế ông Q về phường, thời gian về phường từ 152 Phố Huế về Công an phường, với 05 phút không thể di chuyển về Công an phường làm một số thủ tục như thể hiện trong biên bản và quay lại lập biên bản.
- Hồ sơ không có biên bản giao nhận người bị bắt giữa Công an phường Ngô ThìNhậm và Công an quận Hai Bà Trưng theo khoản 2 Điều 84 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Cho đến 9h00 ngày 04/07/2017 ông Q vẫn đang bị giữ tại Công an phường Ngô Thì Nhậm. Tuy nhiên, 0h45’ ngày 04/7/2017 đã có việc Điều tra viên Trần Thị Hải Ninh lập biên bản ghi lời khai của ông Q tại phường tại bút lục 67.
- Có rất nhiều bút lục “Biên bản ghi lời khai” không ghi tên Trần Thị Hải Ninh là người lấy lời khai nhưng Trần Thị Hải Ninh vẫn ký và đóng dấu, cụ thể tại bút lục 29, 31, 34.
- Bút lục 33 Báo cáo vụ việc của đồng chí Nguyễn Anh T1 ngày 03/07/2017 trong khoảng thời gian từ 21h00 đến 0h00 cũng có chữ ký của Điều tra viên Trần Thị Hải Ninh và đóng dấu.
- Bút lục 268 Báo cáo của đồng chí Nguyễn Anh T1 đề ngày 30/09/2017 trước thời điểm Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung ngày 25/12/2017 đề nghị xem xét vấn đề này.
- Về người làm chứng nhóm 1: ông K, ông L1, ông M, ông T2, bà L2; Nhóm 2: bà T3, ông D, bà C, bà H. Có một điểm chung tất cả đều chứng kiến bị cáo Q tát ông P2 là có. Còn những hành vi tiếp theo chúng ta cần phải phân tích.
Sau khi trả điều tra bổ sung về cơ bản do có mâu thuẫn từ trước giữa ông P2 và bị cáo Q nên đã dẫn đến xô xát.
- Hành vi của bị cáo khi có 2 công an xuất hiện theo lời khai người làm chứng mới. Do tâm lý bực tức bị cáo Q tát ông P2. Chị H khai ông P2 dùng gậy đánh xuống đầu trượt xuống vai bị cáo Q.
- Chị H, ông D, chị T3, bà C khai khi bị khống chế hai công an bẻ quặt tay bị cáo ra phía sau, nên Q vùng vẫy, chúi đầu thoát ra hoàn toàn phù hợp.
- Phải tin tưởng những lời khai của ông D, chị H, bà C, chị T3. Việc Q có thái độ vùng vằng thoát ra là tự phát chứ không có hành vi chống đối.
- Công an khai bị cáo quặt tay ra sau đã dùng tay giật khuy là không đúng. Ba người luôn luôn di chuyển dàn hàng ngang về phía trước. Việc Q quặt tay không lô gíc, không đủ lực giật đứt cúc áo. Cùng dàn hàng ngang thì không thể có cơ sở khi giật quàng tay về phía sau. Tuy nhiên Q có thái độ vùng vằng, thoát ra không chấp hành chứ không phải là chống. Q không có hành vi chống người thi hành công vụ.
- Những lần khai trước đồng chí P1 khai không biết đứt cúc áo từ bao giờ. Có thể cúc áo sắp tuột thì sao.
- Bị cáo đi uống rượu về say. Hành vi của Q không có mục đích, không có ý người chống người thi hành công vụ.
- Do có mâu thuẫn nên Q tát, khách thể xâm phạm sức khỏe người khác đã bị xử lý hành chính. Hành vi không đủ cấu thành tội chống người thi hành công vụ.
* Việc những người làm chứng có nhìn thấy một trong hai đồng chí công an có đánh bị cáo Q. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét xử lý hành vi của đồng chí công an đánh người và có những kiến nghị kịp thời với cơ quan chức năng xử lý nghiêm.
* Theo Viện kiểm sát bị cáo Q không thành khẩn nhận tội, đây không phải là việc của bị cáo mà Cơ quan tiến hành tố tụng phải tự chứng minh.
* Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không phạm tội chống người thi hành công vụ. Đề nghị trả tự do cho bị cáo Q ngay tại phiên tòa.
Kết thúc thẩm vấn, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận Hai Bà Trưng giữ quyền công tố nhà nước tại phiên tòa đã luận tội đối với bị cáo và giữ nguyên quan điểm truy tố và nhận định.
- Hành vi của bị cáo có tính chất côn đồ theo điểm d khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
- Bị cáo không thành khẩn nhận tội nên không áp dụng điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với bị cáo.
Sau khi đánh giá chứng cứ đã đề nghị:
Áp dụng: Khoản 1 Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009; khoản 2 Điều 51, điểm d khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Xử phạt bị cáo Trần Đức Q từ 30 tháng đến 36 tháng tù.
Bị cáo nói lời sau cùng xin Hội đồng xét xử xem xét xử đúng người đúng tội.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra có một số thiếu sót. Sau phiên tòa ngày 25/12/2017 Tòa án đã trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ những vấn đề chưa được sáng tỏ. Quá trình điều tra bị cáo khai nhận hành vi phạm tội nhưng sau đó thay đổi lời khai cho rằng bị cáo bị Điều tra viên ép cung, mớm cung nhưng không đưa ra được căn cứ chứng minh việc bị cáo bị Điều tra viên ép cung, mớm cung. Sau khi Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Hội đồng xét xử xét thấy với những chứng cứ điều tra bổ sung thì Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
Mặc dù tại phiên tòa hôm nay bị cáo không khai nhận hành vi phạm tội nhưng căn cứ lời khai ban đầu của bị cáo tại Cơ quan điều tra bản kiểm điểm ngày 03/07/2017; Bản kiểm điểm ngày 04/07/2017; Bản kiểm điểm ngày 07/07/2017; Bản kiểm điểm ngày 12/07/2017; Bản kiểm điểm ngày 22/07/2017; Bản kiểm điểm ngày 02/08/2017; Bản kiểm điểm ngày 10/08/2017; Biên bản ghi lời khai ngày 04/07/2017; Biên bản ghi lời khai ngày 12/07/2017; Biên bản ghi lời khai ngày 20/07/2017; Biên bản ghi lời khai ngày 03/08/2017; Các lời khai này là phù hợp với lời khai của người liên quan ngày 03/07/2017 của anh Nguyễn Anh T1, ngày 03/08/2017 của anh Bùi Đức P1 lời khai của người làm chứng tại biên bản ghi lời khai ngày 04/07/2017 của anh Phạm Đức T2, ông Đặng Văn L1, ông Nguyễn Mậu M, ông Nguyễn Trung K, bà Nguyễn Thị L2 ngày 06/07/2017 và những tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử xét thấy theo các tài liệu điều tra bổ sung Cơ q uan điều tra đã P2 đáp những vấn đề sau đây:
- Đối với ý kiến của luật sư về việc xác định thời gian lập biên bản bắt người phạm tội quả tang không đúng, theo báo cáo của Công an phường Ngô Thì Nhậm và đồng chí Nguyễn Anh T1 khẳng định lập biên bản quả tang đã ghi giờ lập lúc 21h00’ và kết thúc lúc 21h45’ đối với Trần Đức Q là theo giờ trên đồng hồ đeo tay của đồng chí T1, địa điểm lập biên bản tại khu vực nơi xảy ra sự việc, sau khi lập biên bản xong đưa đối tượng Trần Đức Q và mời những người liên quan về trụ sở Công an phường Ngô Thì Nhậm để làm việc.
- Việc hồ sơ không có biên bản bàn giao người bị bắt giữa Công an phường và Cơ quan điều tra để hồ sơ lưu, không cho vào hồ sơ chính. Sau khi trả điều tra bổ sung lần 1 cán bộ điều tra đã khắc phục việc này. Điều tra viên Trần Thị Hải Ninh, cán bộ đội ĐTTH – Công an quận Hai Bà Trưng được phân công tiếp nhận hồ sơ và đối tượng ngay để phân loại. Thực hiện theo Điều 83 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về việc sau khi tiếp nhận người bị bắt phải tiến hành ghi lời khai và trong vòng 24h phải ra Quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt nên trong thời gian trên, cơ quan điều tra tiến hành hoạt động xác minh, ghi lời khai các bên liên quan là đúng quy định của pháp luật.
- Theo báo cáo của Điều tra viên Trần Thị Hải Ninh và các cán bộ điều tra Lê Mạnh Cường, Lã Đức Chung, Nguyễn Ngọc Dũng được chỉ huy Công an quận phân công đến Công an phường Ngô Thì Nhậm giải quyết vụ việc trên. Sau khi tiếp nhận hồ sơ ban đầu, Điều tra viên Trần Thị Hải Ninh phân công cán bộ điều tra từng công việc cụ thể. Điều tra viên Trần Thị Hải Ninh đã tách các đối tượng để lấy lời khai. Quá trình ghi lời khai đối tượng, người bị hại, người liên quan, người làm chứng đều có mặt Điều tra viên Trần Thị Hải Ninh đặt câu hỏi, cán bộ ghi biên bản lời khai. Kết thúc biên bản các thành phần tham gia việc ghi lời khai ký tên vào biên bản và đóng dấu xác nhận của cơ quan điều tra. Điều tra viên Trần Thị Hải Ninh đã có báo cáo khẳng định tham gia quá trình lấy lời khai theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
- Tài liệu biên bản ghi lời khai thể hiện không ghi tên Điều tra viên vào trang đầu tiên nhưng vẫn có chữ ký và đóng dấu là do sơ suất của cán bộ điều tra.
- Ngày 03/7/2017 tại Công an phường Ngô Thì Nhậm, Điều tra viên Trần Thị Hải Ninh cùng cán bộ điều tra Lã Đức Chung ghi lời khai đồng chí Nguyễn Anh T1. Sau khi kết thúc biên bản thì yêu cầu đồng chí T1 viết báo cáo về nội dung sự việc và Điều tra viên Trần Thị Hải Ninh ký xác nhận ở bên dưới.
- Đối với nội dung báo cáo của đồng chí T1 đề ngày 30/9/2017 trước thời điểm Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng trả hồ sơ để điều tra bổ sung ngày 25/12/2017 là do đồng chí T1 trong quá trình đánh máy báo cáo là do lỗi đánh máy ở phần cuối báo cáo và đồng chí T1 đã diễn giải tại phiên tòa ngày 9/5/2018 và ngày 20/6/2018 đã có báo cáo gửi Cơ quan điều tra về việc này.
Hội đồng xét xử xét thấy: Ngày 03/07/2017 có 01 tổ dân phòng được giao nhiệm vụ trực tuần tra kiểm soát để giữ gìn trật tự xã hội trong đó có ông P2. Đến 20h45’ tại 152 Phố Huế - phường Ngô Thì Nhậm – quận Hai Bà Trưng – Hà Nội, có mặt bị cáo Q. Bị cáo có hành vi tát ông P2, việc tát này đã được Q và mọi người có mặt xác nhận tại các biên bản và lời khai ban đầu. Như vậy xác định bị cáo Q có hành vi tát ông P2 tại địa điểm này trong khi ông P2 đang cùng những thành viên khác trong tổ bảo vệ đang thực hiện nhiệm vụ. Có sự việc sau khi ông P2 bị tát có hai cảnh sát công an phường xuống yêu cầu bị cáo Q quay trở lại bàn làm việc của tổ bảo vệ. Tại đây bị cáo Q lại có hành vi tiếp tục tát ông P2 và hai cảnh sát có hành vi ngăn chặn Q tấn công ông P2. Các lời khai ban đầu bị cáo và những người làm chứng, người liên quan đều xác nhận việc trên là đúng.
Tại phiên tòa: Các người làm chứng ban đầu là ông Nguyễn Trung K, ông Đặng Văn L1, ông Nguyễn Mậu M đều có lời khai thống nhất từ biên bản bắt người phạm tội quả tang, cho đến những lời khai sau này đều xác nhận bị cáo Q tát ông P2, khi ông P2 đang cùng tổ bảo vệ thực hiện nhiệm vụ sau khi hai cảnh sát mời bị cáo từ quán nước về chốt thì bị cáo Q tiếp tục có hành vi tát ông P2. Do đó hai cảnh sát đã phải khống chế bị cáo Q không cho tấn công ông P2 và yêu cầu bị cáo về Công an phường giải quyết, Q đã có hành vi giằng co với cảnh sát, không nhìn thấy cảnh sát đánh hoặc đấm bị cáo.
Hai cảnh sát là Nguyễn Anh T1 và Bùi Đức P1 cũng đã có báo cáo ngay về việc áp giải bị cáo Q về công an phường và khẳng định không có hành vi đánh, đấm bị cáo Q, mặc dù bị cáo Q có hành vi chống đối lại cảnh sát.
Trong quá trình từ khi bị áp giải từ chốt bảo vệ về công an phường cho đến các bản cung tiếp theo bị cáo Q không hề có ý kiến hoặc khiếu nại về việc đã bị cảnh sát đấm, đánh trong quá trình bị bắt giữ. Sau này đến ngày 08/11/2018, bị cáo mới khai bị cảnh sát đấm vào bụng. Theo biên bản xem xét dấu vết trên thân thể lập ngày 03/07/2017 đối với bị cáo Q được cán bộ công an phường và bị cáo Q xác định thân thể bị cáo Q không có dấu vết, thương tích.
Tại phiên tòa hôm nay người bào chữa và một số người làm chứng ông D, chị T3, bà C cũng như bị cáo Q cho rằng: Bị cáo Q không giằng co, chống lại cảnh sát, khi bị khống chế về trụ sở công an phường, cảnh sát có hành vi đấm vào bụng bị cáo Q. Hội đồng xét xử đã căn cứ vào các tài liệu hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, các lời khai của các người làm chứng và diễn biến của vụ án. Thấy rằng các lời trình bày trên thiếu tính logic và chính xác, phản ánh không đúng diễn biến khách quan về tình tiết vủa vụ án. Vì vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận các yêu cầu trên.
Ngoài ra người bào chữa nêu lý do: “bị cáo thực hiện hành vi trong lúc say rượu chỉ là vùng vằng thoát ra…” không đủ kết tội bị cáo. Hội đồng xét xử nhận thấy: luật pháp không quy định người sử dụng chất kích thích có hành vi vi phạm pháp luật được miễn trừ trách nhiệm, mà vẫn phải chịu trách nhiệm đầy đủ về các hành vi đã gây ra. Hành vi giằng co, xô đẩy cảnh sát khi đang thi hành nhiệm vụ đã cản trở và ngăn cản sự hoạt động đúng đắn, bình thường của người thi hành công vụ. Do vậy, người có hành vi nêu trên đã có những yếu tố chịu trách nhiệm hình sự về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Tại phiên tòa người làm chứng Nguyễn Thị T3, Lê Huy D, Dương Thị C trình bày: Sau khi bị Q đánh ông P2 đã dùng gậy hoặc chổi đánh lại. Vấn đề trên Cơ quan điều tra đã giải quyết bằng một Quyết định khác và không thuộc phạm vi xét xử. Vì vậy Tòa án không giải quyết.
Viện kiểm sát áp dụng hành vi của bị cáo có tính chất côn đồ. Hội đồng xét xử xét thấy: hành vi bị cáo tát ông P2, không tấn công quyết liệt. Theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân Tối cao thì hành vi của bị cáo chưa ở mức độ côn đồ vì tính nguy hiểm của hành vi chưa cao.
Với những chứng lý nêu trên đủ cơ sở kết luận: Khoảng 21h ngày 03/07/2017, tại chốt trực bảo vệ trước nhà số 152 Phố Huế - Ngô Thì Nhậm – Hai Bà Trưng – Hà Nội, Trần Đức Q đã dùng tay phải tát vào mặt ông Nguyễn Văn P2 (là cán bộ dân phòng được Công an phường Ngô Thì Nhậm phân công theo Sổ phân lịch trực và phản ánh tình hình ca trực của Ban bảo vệ Phường Ngô Thì Nhậm – tổ bảo vệ cụm dân cư số 2). Khi cán bộ Công an phường Ngô Thì Nhậm yêu cầu về trụ sở làm việc, Trần Đức Q đã có hành vi dùng tay trái túm áo, giằng giật làm đứt cúc áo đồng chí Bùi Đức P1 – cán bộ công an phường đang thi hành công vụ. Hành vi của bị cáo đã phạm vào tội “Chống người thi hành công vụ” theo điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến sự hoạt động bình thường, đúng đắn của các đồng chí cảnh sát Công an phường Ngô Thì Nhậm đang làm nhiệm vụ tại chốt trực bảo vệ trước số 152 Phố Huế, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Việc truy tố và xét xử bị cáo là cần thiết để có tính giáo dục riêng và phòng ngừa chung.
Xét nhân thân bị cáo Trần Đức Q có 02 tiền sự (Năm 1980, Công an quận Ba Đình xử phạt hành chính về hành vi Đầu cơ; Năm 1989 Công an quận Hoàn Kiếm xử phạt hành chính về hành vi Trộm cắp tài sản) đã hết thời hiệu và không có tiền án. Cho thấy bị cáo đã được pháp luật giáo dục nhưng không tiếp thu sửa chữa, hoàn thiện mình. Tại tòa bị cáo không khai nhận hành vi phạm tội nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tuy nhiên, bị cáo có thời gian tham gia quân đội từ năm 1981 đến năm 1985. Gia đình bị cáo có công với Nhà nước nên Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Tại phiên tòa bị cáo khai Cơ quan Công an đã thu giữ 01 điện thoại Nokia X2 của bị cáo song căn cứ vào việc thẩm tra chứng cứ tài liệu không đủ cơ sở kết luận việc thu giữ điện thoại của bị cáo. Do vậy tòa không giải quyết.
Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm. Bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Từ những nhận định trên!
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố : bị cáo Trần Đức Q phạm tội “ Chống người thi hành công vụ”.
Áp dụng : Khoản 1 Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009; Khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Điều 106, điều 136, điều 331, điều 333, điều 337 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30.12.2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Xử phạt: Trần Đức Q 18 (mười tám) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày 03.07.2017.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Bị cáo phải chịu 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm và có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Bản án 270/2018/HSST ngày 09/11/2018 về tội chống người thi hành công vụ
Số hiệu: | 270/2018/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quận Hai Bà Trưng - Hà Nội |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 09/11/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về