Bản án 264/2023/HS-PT về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 264/2023/HS-PT NGÀY 05/05/2023 VỀ TỘI CỐ Ý LÀM TRÁI QUY ĐỊNH CỦA NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ KINH TẾ GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Trong các ngày 28/4/2023 và 05/5/2023 tại trụ sở, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 800/2022/TLPT-HS ngày 31 tháng 10 năm 2022 đối với các bị cáo Võ Quang V, Trần Thanh T do có kháng cáo của các bị cáo, kháng cáo của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 433/2022/HS-ST ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bị cáo có kháng cáo:

1/Võ Quang V; giới tính: nam; sinh năm 1986 tại Đắk Lắk; nơi đăng ký thường trú: 23 đường L, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; trình độ học vấn: Đại học; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; quốc tịch: V; nghề nghiệp: nguyên Phó phòng phụ trách Phòng Tài chính kế toán Trung tâm Xuất nhập khẩu V2; con ông Võ Hồng S và bà Trần Thị H; hoàn cảnh gia đình: vợ tên Nguyễn Thị Kim P, có 01 con tên Võ Hoàng B1 sinh năm 2019 (mới lấy vợ vào năm 2018); Tiền án, tiền sự: không; Bắt tạm giam: 09/6/2015; Thay đổi biện pháp tạm giam bằng cấm đi khỏi nơi cư trú: 01/7/2016; Bị cáo tại ngoại (có mặt)

- Người bào chữa cho các bị cáo theo yêu cầu:

Luật sư Nguyễn Thanh Đ3 – Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt)

2/Trần Thanh T; giới tính: nam; sinh năm 1957 tại tỉnh Hà Nam; nơi đăng ký thường trú: 9/2 thôn A, xã L, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng (đã bán nhà, chưa chuyển hộ khẩu); nơi cư trú: Khu phố X, thị trấn Đ, huyện L, tỉnh Lâm Đồng; trình độ học vấn: 7/10; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Thiên chúa giáo; quốc tịch: V; nghề nghiệp: Giám đốc Công ty TNHH H3; con ông Trần Văn Y (chết) và bà Trịnh Thị N4 (chết); hoàn cảnh gia đình: vợ tên Trần Thị M5, có 03 con (con lớn nhất sinh năm 1980, nhỏ nhất sinh năm 1986); Tiền án, tiền sự: không; Bị cáo tại ngoại (có mặt)

- Người bào chữa cho các bị cáo theo yêu cầu:

1/Luật sư Vũ Xuân Đ6 – Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt)

2/Luật sư Dương Thị Diệu T7 - Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt ngày 28/4/2023, vắng mặt ngày 05/5/2023).

- Bị cáo không có kháng cáo:

1/Phạm Trung T8; giới tính: nam; sinh năm 1956 tại tỉnh Quảng Ninh; nơi đăng ký thường trú: 385/53 (số cũ là 347/53) đường L, Tổ X67, Phường X9, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh; trình độ học vấn: Đại học; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; quốc tịch: V; nghề nghiệp: nguyên Giám đốc Trung tâm Xuất nhập khẩu V2; con ông Phạm Văn D và bà Nguyễn Thị N9; hoàn cảnh gia đình: vợ tên Võ Thị Ánh T10, có 03 con (lớn nhất sinh năm 1979, con nhỏ nhất sinh năm 1993); Tiền án, tiền sự: không; Bắt tạm giam: 09/6/2015; Hiện đang chấp hành án theo Quyết định thi hành án hình phạt tù số 1154/2022/QĐ-CA ngày 01/11/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt)

2/Nguyễn Hồng H11; giới tính: nam; sinh năm 1974 tại tỉnh Bình Định; nơi đăng ký thường trú: 13 đường P, phường B, Quận X1, Thành phố Hồ Chí Minh; nơi cư trú: B303 chung cư P, Phường X19, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh; trình độ học vấn: Đại học; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; quốc tịch: V; nghề nghiệp: cử nhân Quản trị kinh doanh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Nông sản B12; con ông Nguyễn Ngọc H13 (chết) và bà Lê Thị Sáu; hoàn cảnh gia đình: có vợ tên Trương Thị Ngọc D14, có 02 con (lớn sinh năm 2006, con nhỏ sinh năm 2012); Tiền án, tiền sự: không; Bị cáo tại ngoại (xin xét xử vắng mặt)

- Bị hại: Tổng Công ty C – Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Địa chỉ: 211-213-213A đường T, Phường X8, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của bị hại:

1/Ông Nguyễn Công T15; sinh năm 1976; chức vụ: Trưởng Ban Đổi mới doanh nghiệp – Thanh tra Tổng Công ty C – Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (có mặt);

2/Ông Nguyễn Thanh T16; sinh năm 1980; chức vụ: Phó Ban Tài chính - Kế toán -Tổng Công ty C – Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (có mặt ngày 28/4/2023, vắng mặt ngày 05/5/2023)

3/Ông Nguyễn Văn K17; sinh năm 1980; chức vụ: Giám đốc Chi nhánh Tổng Công ty C – Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên – Trung tâm xuất nhập khẩu V2 (có mặt)

4/Bà Trần Thị P18; sinh năm 1992; chức vụ: Chuyên viên Ban Đổi mới doanh nghiệp – Thanh tra Tổng Công ty C – Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (vắng mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1/Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương V (Techcombank);

Địa chỉ: 191 đường B, phường L, quận H, Thành phố Hà Nội;

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Đức T19; sinh năm 1982; chức vụ: Trưởng phòng tố tụng – Techcombank AMCMN (có đơn xin vắng mặt)

2/Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu V (Eximbank);

Địa chỉ: Tầng 8 - V, 72 L và 45A đường L1, phường B, Quận X1, Thành phố Hồ Chí Minh

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Bùi Nguyễn Quỳnh N20; sinh năm: 1985; chức vụ: Chuyên viên phòng Xử lý tranh chấp (có mặt)

3/Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn V (Agribank); Địa chỉ: Số 2 đường L, phường T, quận B, Hà Nội);

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trịnh Văn M21; chức vụ: Phó trưởng phòng Kiểm tra kiểm soát nội bộ - phụ trách pháp chế (có mặt ngày 28/4/2023, vắng mặt ngày 05/5/2023).

4/Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Cà phê T22; Địa chỉ: Khu phố X, thị trấn Đ, huyện L, tỉnh Lâm Đồng, Người đại diện hợp pháp: Bị cáo Phạm Trung T8 (vắng mặt)

5/Bà Võ Thị Ánh T10; sinh năm 1969 (vắng mặt) Địa chỉ: 385/53 (số cũ là 347/53) đường L, Tổ X67, Phường X9, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.

6/Bà Trần Thị Kim T24; sinh năm 1975 (vắng mặt) Địa chỉ: 39/17A đường N, Phường x14, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh; Phòng 304 Cao ốc K, 306-308 đường V, phường P, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.

7/Ông Nguyễn Công H25; giới tính: nam; sinh năm 1959 tại tỉnh Nam Định (vắng mặt) Nơi đăng ký thường trú: 8/20 đường Đ, Phường x24, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Tổng Công ty C – Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu Nhà nước, được thành lập theo Quyết định 980/QĐ-TTg ngày 25/6/2010 của Thủ tướng Chính Phủ trên cơ sở chuyển đổi từ Tổng Công ty C được thành lập theo Quyết định số 251/TTg ngày 29/4/1994 của Thủ tướng Chính Phủ.

Trung tâm Xuất nhập khẩu V2 là Chi nhánh của Tổng Công ty C, được thành lập theo Quyết định số 364/QĐ-TCCB ngày 25/11/2009 của Hội đồng Quản trị Tổng Công ty C; đăng ký hoạt động chi nhánh lần đầu vào ngày 04/12/2009 (bl.997, 1002). Chi nhánh Tổng Công ty C – Trung tâm xuất nhập khẩu V2 được thành lập theo Quyết định số 517/QĐ-TCT-TCCB ngày 10/12/2010 của Hội đồng thành viên Tổng Công ty C – Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (trên cơ sở chuyển giao nguyên trạng từ Trung tâm xuất nhập khẩu V2), có tên giao dịch là Trung tâm xuất nhập khẩu V2 (sau đây gọi tắt là V2), được sử dụng con dấu riêng, được mở tải khoản tại các Ngân hàng theo quy định của pháp luật, tổ chức và hoạt động theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty C và các quy chế quy định khác có liên quan đến Tổng Công ty C (bl: 1000).

Theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp năm 2013 thì V2 đăng ký kinh doanh cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, lương thực, nông sản và một số ngành nghề khác.

Nguyễn Công H25 là Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty C – Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (sau đây gọi tắt là Tổng Công ty C), kiêm chức vụ Giám đốc V2 kể từ khi thành lập đến ngày 31/5/2011.

Phạm Trung T8 là Giám đốc V2 kể từ ngày 01/6/2011 đến ngày 18/9/2013.

Võ Quang V là Phó phòng Phụ trách phòng Tài chính kế toán của V2 kể từ ngày 06/9/2011 đến ngày 14/4/2012;

Trương Đăng K9 là Phó phòng Kinh doanh của V2 kể từ ngày 06/9/2011. Nguyễn Hồng H11 là Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Nông sản B12 (sau đây gọi là Công ty B12).

Trần Thanh T là Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn H3 (sau đây gọi là Công ty H3).

Ngày 08/11/2010, Tổng Công ty C và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương V - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Techcombank) ký Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng số 68/10K/HĐHMTD/TCB-CBI, có nội dung chính như sau: Techcombank đồng ý cho cho Tổng Công ty C vay vốn để bổ sung vốn lưu động kinh doanh cà phê với hạn mức tín dụng là 200.000.000.000đ hoặc là USD tương đương, thời hạn cấp hạn mức tín dụng là 12 tháng tính từ 08/11/2010 đến 08/11/2011 (bl.2442). Sau khi ký hợp đồng vừa nêu, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty C đã ký 04 giấy ủy quyền (gồm Giấy ủy quyền 623/TCT-HĐTV/UQ ngày 19/6/2011; Giấy ủy quyền 928/TCT- HDTV/UQ ngày 04/11/2011; Giấy ủy quyền 208/TCT-HÐTV/UQ ngày 21/03/2012 và Giấy ủy quyền 838/TCT-HDTV/UQ ngày 12/9/2012), ủy quyền cho V2 được quyền trực tiếp giao dịch, ký kết hợp đồng tín dụng vay vốn của Techcombank để thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê niên vụ 2011-2012; Giám đốc V2 phải chịu trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích, bảo toàn và phát triển vốn.

Lợi dụng vào các văn bản ủy quyền đã nêu, trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2012, Hoàng, Tuyến và một số cá nhân khác đã vay tiền của Techcombank, rồi cho Công ty B12, Công ty H3 vay lại với lãi suất cao hơn;

đồng thời, sử dụng tiền của V2 không đúng quy định dẫn đến việc gây thiệt hại cho Tổng Công ty C gần 25.000.000.000đ, cụ thể như sau:

1. Phạm Trung T8, Võ Quang V và Nguyễn Hồng H11 lập khống hợp đồng mua bán hàng hóa, vay tiền của Techcombank để cho Công ty B12 vay nhưng không thu hồi lại được, gây thiệt hại cho Tổng Công ty C 10.680.894.472đ.

Ngày 23/9/2011, T8 và H11 thống nhất thỏa thuận và ký khống 05 hợp đồng mua bán hàng hóa do nhân viên Công ty B12 soạn thảo (gồm hợp đồng 08- 11/BH-VNSG, 09-11/BH-VNSG, 10-11/BH-VNSG, 11-11/BH-VNSG và 12- 11/BH-VNSG) để V2 sử dụng làm hồ sơ vay tiền của Techombank và cho Công ty B12 vay lại với lãi suất 21%/nǎm.

Để thực hiện chủ trương trên, T8 chỉ đạo V làm các công việc sau: Lập khống phương án kinh doanh có nội dung V2 mua 1.000 tấn cà phê nhân của Công ty B12 với giá 40.600.000.000đ để xuất khẩu bán cho Công ty N29; lập hồ sơ tín dụng, thế chấp 1.000 tấn cà phê vừa nêu cho Techcombank để vay 854.373USD với lãi suất 8,5%/năm. Thực hiện theo chỉ đạo của Tuyến, Vinh đã sử dụng 05 hợp đồng khống đã đề cập, 05 hóa đơn giá trị gia tăng (hóa đơn VAT) khống của Công ty B12 xuất bán số lượng cà phê tương ứng theo 05 hợp đồng đã đề cập, lập hồ sơ vay 854.373USD của Techcombank và được Techcombank chấp thuận. Ngày 30/9/2011, theo đề nghị của V2, Techcombank đã giải ngân chuyển 17.800.007.082đ (tương đương trị giá 854.373USD) vào tài khoản của Công ty B12.

Để hợp thức hóa việc chuyển tiền cho Công ty B12, ngày 30/9/2011 và ngày 10/10/2011, T8 chỉ đạo V lập biên bản hủy 05 hóa đơn VAT; sau đó, T8 và H11 ký biên bản hủy 05 hợp đồng cùng 05 hóa đơn VAT đã đề cập nhưng không báo cho Techcombank biết.

Trong các biên bản đối chiếu công nợ giữa V2 với Công ty B12 cũng không thể hiện việc hai bên thực hiện 05 hợp đồng đã đề cập. Trong các tài liệu báo cáo, kê khai thuế của V2 từ tháng 9/2011 đến tháng 9/2012, V2 cũng không kê khai, không báo cáo thuế liên quan đến 05 hóa đơn VAT khống mua 1.000 tấn cà phê của Công ty B12. Về phía Công ty B12, để không bị hoàn thuế đối với 05 hóa đơn VAT xuất bán 1.000 tấn cà phê cho V2, vào tháng 10/2011, Công ty B12 đã kê khai, báo cáo thuế thể hiện việc hủy và không thực hiện 05 hóa đơn VAT đã xuất cho V2.

Để hợp thức việc chuyển tiền cho Công ty B12 vay và ghi nhận nợ giữa hai bên, T8 và H11 ký hợp đồng mua bán cà phê số 169 và 170 vào ngày 30/9/2011 và 31/12/2011, ghi nhận việc V2 đã chuyển cho Công ty B12 13.000.000.000đ. Sau đó, T8 và H11 lại hủy 02 hợp vừa nêu và thay thế bằng hợp đồng số 188 ngày 31/12/2011, ghi nhận việc V2 đã chuyển cho Công ty B12 14.470.015.545đ. Thực tế, số tiền 14.470.015.545đ vừa nêu là khoản tiền mà Công ty B12 còn phải trả cho V2 sau khi cấn trừ số tiền mà V2 phải thanh toán cho Công ty B12 theo 07 Hợp đồng mua bán cà phê mà trước đó đôi bên đã ký (hợp đồng 01-11/BH-VNSG ngày 17/9/2011, hợp đồng 02-11/BH-VNSG ngày 17/9/2011, hợp đồng 03-11/BH-VNSG ngày 17/9/2011, hợp đồng 04- 11/BH-VNSG ngày 19/9/2011, hợp đồng 05-11/BH-VNSG ngày 20/9/2011, hợp đồng 06-11/BH-VNSG ngày 22/9/2011 và hợp đồng 07-11/BH-VNSG ngày 22/9/2011) vào số tiền 17.800.007.082đ mà Công ty B12 vay của V2 vào ngày 30/9/2011 như đã đề cập.

Theo kết quả điều tra thì các hợp đồng số 169, 170, 188 đều không được thực hiện, không thể hiện trên các văn bản đối chiếu công nợ giữa hai bên. Việc ký kết các hợp đồng vừa nêu là chỉ để ghi nhận công nợ, lãi suất phải trả giữa hai bên liên quan đến việc V2 cho Công ty B12 vay tiền 17.800.007.082đ.

Tại biên bản đối chiếu công nợ ngày 29/02/2012 giữa V2 và Công ty B12 ghi nhận: Công ty B12 còn nợ V2 20.004.537.832đ (trong đó có 17.800.007.082đ V2 cho Công ty B12 vay liên quan đến việc ký khống 05 hợp đồng như đã đề cập); V2 phải chuyển cho Công ty B12 6.289.712.100đ để thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa số 07-11/BH-VNSG (hợp đồng ký ngày 22/9/2011, giao hàng 29/02/2012); sau khi cấn trừ 02 khoản tiền đã nêu với nhau thì V2 đã chuyển dư 13.714.825.732đ cho Công ty B12; Công ty B12 có nghĩa vụ tiếp tục trả lãi cho V2 với mức lãi suất là 21%/năm tính từ ngày chuyển tiền đầu tiên với số tiền tính là 19.401.527.832đ (trong đó có số tiền 17.800.007.082đ liên đến 05 hợp đồng ký khống), số tiền lãi phải trả là 1.720.269.688đ:

Vào ngày 21/11/2020, V2 có báo cáo giải trình về khoản tiền 19.401.527.832đ và tiền lãi 1.720.269.688đ vừa nêu trên như sau:

- 17.800.007.082đ là khoản tiền mà V2 cho Công ty B12 vay liên quan đến 05 hợp đồng ký khống, được tính lãi 21% năm, tính từ ngày 30/9/2011 đến ngày 29/02/2012 (152 ngày); tiền lãi phải trả là 1.578.267.295đ;

- 1.601.530.750đ là tiền mà V2 chuyển dư cho Công ty B12 theo 07 hợp đồng mua bán cà phê (từ số 01-11 đến 07-11), được tính lãi 21% năm, tính từ ngày 30/9/2011 đến ngày 29/02/2012 (152 ngày); tiền lãi phải trả là 142.002.393đ;

- 603.000.000đ là khoản tiền mà V2 chuyển cho Công ty B12 tiền thuế VAT của hợp đồng mua bán cà phê số 07-11, được tính lãi suất 21% năm, tính từ ngày 21/10/2011 đến ngày 29/02/2012 (131 ngày); tiền lãi phải trả là 46.079.250đ;

- Số tiền lãi liên quan trực tiếp đến khoản tiền 17.800.007.082đ mà V2 chuyển cho Công ty B12 vay là 1.578.267.295đ; tổng cộng các khoản tiền lãi còn lại là 188.081.643đ (không liên quan trực tiếp đến khoản vay 17.800.007.082đ).

Đến thời hạn phải trả cho Techcombank 854.373USD (theo khế ước nhận nợ số 10215 ngày 30/9/2011), nhưng do chưa thu hồi được tiền đã cho Công ty B12 vay nên T8 chỉ đạo V sử dụng tiền vay của Techcombank theo Khế ước nhận nợ số 10272 và số 10273 cùng ngày 31/12/2011 và tiền của các hợp đồng khác để hoàn trả cho Techcombank 854.373USD tiền gốc và 1.774,86USD tiền lãi theo khế ước nhận nợ số 10215 đã đề cập. Thực tế đây chỉ là việc đảo nợ, V2 vẫn phải trả nợ cho Techcombank theo Khế ước nhận nợ số 10272 và số 10273 cùng ngày 31/12/2011 (bl.2610-2667).

Đến ngày 31/12/2013, V2 vẫn không trả được các khoản nợ đã vay của các ngân hàng, nên Tổng Công ty C đã phải sử dụng 47.889.028.056đ (tiền thoái vốn tại V2 Biên Hòa) để thay V2 trả các khoản nợ cho các ngân hàng như sau:

- Trả 25.000.000.000đ cho Techcombank, bao gồm 20.000.000.000đ (tương ứng 947.643USD) tiền nợ gốc và 5.000.000.000đ (tương ứng 236.911USD) tiền lãi và lãi phạt;

- Trả cho Agribank-Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh 22.889.028.056đ, gồm 20.780.000.000đ tiền gốc và 2.109.028.056đ tiền lãi.

Trong số tiền mà Tổng Công ty C thay V2 đứng ra trả cho Techcombank theo khế ước nhận nợ 10272 và 10273 cùng ngày 31/12/2011 có 210.875,75USD tiền lãi và lãi phạt.

Tại các văn bản đối chiếu công nợ giữa V2 với Công ty B12 sau ngày 29/02/2012, thể hiện: Số tiền 13.714.825.732đ mà V2 “chuyển dư” cho Công ty B12 được hai bên thống nhất ghi nhận việc giảm trừ dư nợ gốc và tiếp tục tính lãi đối với số tiền nợ gốc; V2 tính lãi suất 21%/năm đến hết quý III năm 2013, tính lãi suất 10%/năm từ quý IV năm 2013 đến hết năm 2014, không tính lãi suất trong năm 2015.

Căn cứ Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/5/2015, thể hiện Công ty B12 còn nợ V2 tổng cộng 18.251.269.599đ, trong đó có 10.930.894.472đ nợ gốc và 7.320.375.127đ tiền lãi.

Từ ngày 31/8/2015 đến ngày 08/6/2017, Công ty B12 trả cho V2 được 250.000.000đ nợ gốc. Do đó, Công ty B12 còn nợ V2 10.680.894.472đ tiền nợ gốc và 7.320.375.127đ tiền lãi, trong đó tiền lãi liên quan trực tiếp đến khoản tiền 17.800.007.082đ mà V2 chuyển cho Công ty B12 vay là 7.132.293.484đ (7.320.375.127đ – 188.081.643đ).

Xác minh tại Chi cục Thuế quận B là nơi Công ty B12 kê khai thuế và tại Công ty B12, xác định được như sau: Công ty B12 do cá nhân Nguyễn Hồng H11 đứng ra thành lập. Công ty B12 đã dừng hoạt động kinh doanh từ tháng 4/2014, nợ tiền thuế và tiền phạt gần 1.500.000.000đ (bl.3273). Ngoài việc nợ V2, Công ty B12 còn nợ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế V – Chi nhánh Quận 5 và nợ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (nay là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc dân – Chi nhánh S) với tổng các khoản nợ đến hạn phải trả là 252.444.091.416đ. Nguyễn Hồng H11 xác nhận rằng hiện H11 không có khả năng, không có tài sản nào khác để trả khoản nợ tại V2.

Xác minh tại Techcombank, xác định được như sau: Khế ước nhận nợ số 10215 ngày 30/9/2011 ký kết giữa V2 với Techcombank đã được tất toán; số tiền mà V2 đã thanh toán cho Techcombank là 854.373USD tiền vay và 1.774,86USD tiền lãi.

Xác minh tại Công ty B12 về việc sử dụng 17.800.007.082đ vay của V2, xác định được như sau: Sau khi nhận được 17.800.007.082đ do Techcombank giải ngân, Công ty B12 đã sử dụng 12.801.000.000đ để thanh toán tiền mua cà phê cho Doanh nghiệp Tư nhân T30 và Công ty TNHH Louis; sử dụng 4.999.007.082đ trả nợ cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt. Khi có Lệnh giải chấp 700 tấn cà phê của Techcombank, Công ty B12 đã bán 704,228 tấn cho Công ty Cổ phần kho vận PETEC ở huyện T, tỉnh Bình Dương với giá 28.561.833.543đ (trong đó có 700 tấn cà phê được giải chấp). Số tiền vừa nêu được chuyển vào tài khoản của Công ty B12 mở tại Ngân hàng Quốc tế - Chi nhánh Quận X5. Ngân hàng Quốc tế – Chi nhánh Quận X5 đã trừ hết số tiền đã nêu vào các khoản nợ mà trước đó Công ty B12 còn nợ Ngân hàng Quốc tế - Chi nhánh Quận X5. Đối với 300 tấn cà phê còn lại, Techcombank không ký lệnh giải chấp, Công ty B12 cũng đã bán để trả nợ Ngân hàng Quốc tế - Chi nhánh Quận 5.

Tại Cơ quan điều tra, các bị cáo T8, V và H11 khai nhận hành vi phạm tội, phù hợp với lời khai của những người liên quan và nội dung vụ án.

2. Phạm Trung T8, Võ Quang V và Trần Thanh T lập khống hợp đồng mua bán cà phê, cho Công ty H3 vay 24.100.000.000đ nhưng không thu hồi được, gây thiệt hại cho Tổng Công ty C 10.846.844.493đ.

Ngày 13/9/2011, T8 và T ký hợp đồng mua bán số 63/11/HĐCF có nội dung: V2 mua 1.000 tấn cà phê của Công ty H3 với giá 42.000.000.000đ (bl.3433). Hợp đồng đã vừa nêu là hợp đồng giả tạo, nhằm mục đích sử dụng làm căn cứ để V2 cho Công ty H3 vay tiền với lãi suất 21%/nǎm.

Thực hiện chỉ đạo của T8, từ ngày 15/09/2011 đến ngày 21/10/2011, V chuyển 24.100.000.000đ cho Công ty H3 vay. Trước khi ký hợp đồng 63/11/HĐCF đã đề cập, V2 và Công ty H3 đã ký và đang thực hiện hợp đồng 59/11/HÐCF ngày 07/8/2011 có nội dung: V2 mua 600 tấn cà phê của Công ty H3 với giá 29.295.000.000đ (bl.3423). Ngoài ra, vào năm 2010 (thời kỳ ông Nguyễn Công H25 còn làm giám đốc V2), V2 đã ký kết 02 hợp đồng mua bán cà phê với Công ty H3 và còn nợ Công ty H3 3.694.501.823đ (thể hiện tại Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/5/2011 giữa V2 với Công ty H3).

Do không có tiền để trả khoản vay 24.100.000.000đ đã nêu, mặt khác V2 và Công ty H3 vẫn đang thực hiện một số hợp đồng mua bán cà phê khác đã ký, nên T8 và T thống nhất là sẽ cấn trừ khoản tiền 24.100.000.000đ vào các khoản tiền mà V2 còn phải thanh toán cho Công ty H3 theo một số hợp đồng mua bán mà hai bên đang thực hiện. Trong quá trình đó, Công ty H3 vẫn phải trả lãi cho V2 tính trên số tiền còn phải trả sau khi cấn trừ nợ.

Tại biên bản xác nhận công nợ ngày 30/9/2011, ghi nhận như sau: Số tiền 13.300.000.000đ (trong số 24.100.000.000đ mà V2 cho Công ty H3 vay) được sử dụng để cấn trừ vào số tiền mà V2 phải thanh toán cho Công ty H3 theo Hợp đồng số 59/11/HÐCF ngày 7/8/2011 là 10.218.352.105đ; còn lại 3.081.647.895đ được theo dõi là tiền mà V2 ứng trước cho Công ty H3.

Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/12/2011 giữa V2 với Công ty H3 thể hiện: Số tiền 3.081.447.895đ vừa nêu cùng với số tiền 10.800.000.000đ mà V2 cho Công ty H3 vay, theo hợp đồng số 63/11/HĐCF được hai bên theo dõi là tiền ứng trước, lãi suất sẽ tính sau khi thanh lý các hợp đồng.

Tại Biên bản đối chiếu công nợ ngày 27/02/2012 giữa V2 với Công ty H3 thể hiện: Số tiền 3.081.447.895đ đã nêu được theo dõi tính lãi suất 21%/năm; số tiền 10.800.000.000đ được theo dõi tính lãi cho hợp đồng số 11/MB12TTXNK- HĐ ngày 07/02/2012 là 7.800.000.000đ, và hợp đồng số 168/11TTXNK-HĐ ngày 12/10/2011 là 3.000.000.000đ. Tổng cộng lại, tại thời điểm đối chiếu công nợ (ngày 27/02/2012), V2 đã chuyển cho Công ty H3 43.561.987.616đ (trong đó có khoản tiền 3.081.447.895đ và khoản tiền 10.800.000.000đ đã đề cập). Sau khi trừ giá trị hàng hóa mà Công ty H3 đã giao cho V2 theo hợp đồng số 173/11TTXNK-HĐ ngày 19/11/2011 (bl.3444), 174/11TTXNK-HĐ ngày 19/11/2011 (bl.3454), 168/11TTXNK-HĐ ngày 12/10/2011 (bl.3439), và 11/MB12TTXNK-HĐ ngày 07/02/2012 (bl.3474) là 29.020.641.300đ, Công ty H3 còn nợ V2 16.219.625.568đ. Trong số nợ vừa nêu có: 3.694.647.895đ là khoản tiền mà Công ty H3 nợ đã được xác định theo biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/5/2011; 1.678.279.252đ tiền lãi phát sinh tính đến ngày 27/02/2012;

10.846.844.493đ là tiền nợ gốc. Như vậy, sau khi V2 cho Công ty H3 vay 24.100.000.000đ, hai bên đã theo dõi và khấu trừ vào các hợp đồng mua bán cà phê giữa hai bên thì Công ty H3 còn nợ V2 10.846.844.493đ tiền gốc.

Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/03/2012 giữa V2 với Công ty H3 và Biên bản cấn trừ công nợ ngày 31/3/2012 giữa V2 với Công ty H3 và Cơ sở L31 thể hiện: Công ty H3 còn nợ V2 12.570.000.000đ, bao gồm 270.000.000đ là khoản tiền lãi vay ngoài và 12.300.000.000đ là khoản nợ mà Công ty H3 nhận nợ thay cho Cơ sở L31.

Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/5/2015 giữa V2 với Công ty H3 thể hiện:

Trong khoản nợ gốc 27.111.346.316đ mà Công ty H3 còn nợ V2, có:

- 3.694.647.895đ là khoản nợ đã được xác định theo Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/5/2011;

- 270.000.000đ tiền lãi vay ngoài;

- 12.300.000.000đ là khoản tiền mà Công ty H3 nhận nợ thay Cơ sở L31;

- 10.846.844.493đ gốc (phần còn lại của khoản vay 24.100.000.000đ). Tổng nợ lãi của các khoản nợ gốc là 15.343.701.124đ (V2 tính lãi 21%/nǎm đến quý III năm 2013; tính lãi 15%/năm trong quý IV năm 2013; tính lãi 10%/năm trong năm 2014; không tính lãi từ năm 2015 trở về sau).

Xác minh tại Chi cục thuế huyện L, tỉnh Lâm Đồng và tại Công ty H3 xác định được như sau: Công ty H3 đã dừng hoạt động từ đầu năm 2013 đến nay. Sau khi nhận được khoản tiền 24.100.000.000đ của V2, Trần Thanh T đã sử dụng vào việc kinh doanh cà phê và trả nợ ngân hàng. Công ty H3 duy nhất do Trần Thanh T thành lập, chỉ đạo và chịu mọi trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh. Hiện tại, Công ty H3 và Tiền không có khoản thu nhập hợp pháp nào, hiện không sở hữu bất kỳ tài sản gì. Ngoài việc nợ V2, Công ty H3 hiện còn nợ Công ty thực phẩm Miền Bắc 232.880.367.500đ nhưng cũng không có khả năng trả nợ. Công ty H3 và Tiền không có khả năng trả nợ cho V2.

Trong giai đoạn điều tra ban đầu, T8, V và T khai nhận hành vi phạm tội như đã được nêu. Các bị cáo đều khai rằng Hợp đồng số 63/11/HĐCF ngày 13/9/2011 là hợp đồng giả tạo, việc ký kết là chỉ nhằm mục đích làm căn cứ để V2 chuyển tiền cho Công ty H3 vay.

Riêng Trần Thanh T còn khai rằng: Sau khi phát sinh khoản nợ phải trả cho V2, T đã chuyển nhượng 19.521m2 đất cùng nhà kho có diện tích 5.000m2 và dây chuyền chế biến cà phê chất lượng cao được lắp đặt tại thị trấn Đ, huyện L, tỉnh Lâm Đồng cho Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu cà phê T22, để Công ty này nhận thay các khoản nợ mà Công ty H3 phải trả cho Ngân hàng Eximbank – Chi nhánh Đ, Ngân hàng SHB – Chi nhánh Đ, Chi Cục thuế huyện L và V2. T và Phạm Trung T8 đã thống nhất ký khống hợp đồng số 63/11/HĐCF để V2 làm cǎn cứ chuyển 24.100.000.000đ cho Công ty H3 vay. Ngoài việc nợ V2, Công ty H3 còn nợ Công ty thực phẩm M 232.880.367.500đ. Do làm ăn thua lỗ, T không còn tài sản, không có khả năng trả nợ cho V2.

Trong quá trình điều tra lại, T thay đổi lời khai, cụ thể như sau: T khai rằng Hợp đồng số 63/11/HĐCF ngày 13/9/2011 là có thật, khoản tiền 24.100.000.000đ mà V2 chuyển cho Công ty H3 là tiền ứng trước; còn việc tính lãi 21%/năm là do V2 tự tính. Đồng thời, Tiền cung cấp cho Cơ quan điều tra 06 phiếu nhập kho của V2 mang số 0031/PN ngày 28/01/2012, 0032/PN ngày 30/01/2012, 0034/PN ngày 31/01/2012, 0001/PN ngày 01/02/2012, 0018/PN ngày 11/02/2012 và phiếu nhập kho không số đề ngày 07/02/2012. Các phiếu nhập kho vừa nêu có nội dung thể hiện từ ngày 28/01/2021 đến 11/02/2012, Công ty H3 đã giao cho V2 387.621kg cà phê theo Hợp đồng số 63/11/HĐCF.

3. Phạm Trung T8, Trương Đăng K9 và Võ Quang V lập khống hợp đồng mua bán cà phê và chuyển tiền cho bà Trần Thị Kim T24 trái quy định của Nhà nước, gây thiệt hại cho Tổng Công ty C 1.477.000.000đ.

Từ ngày 05/01/2012 đến ngày 05/3/2012, T8 đã chỉ đạo V chuyển 1.900.000.000đ từ tài khoản của V2 đến tài khoản của bà T24 (vợ của K9) mở tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương – Chi nhánh B theo 05 ủy nhiệm chi. Từ ngày 12/01/2012 đến ngày 02/3/2012, bà T24 đã chuyển 4.200.000.000đ vào tài khoản của V2 mở tại Vietcombank – Chi nhánh Bình Thạnh (chuyển 200.000.000đ vào ngày 12/01/2012; chuyển 2.000.000.000đ vào ngày 14/02/2012, chuyển 2.000.000.000đ vào ngày 02/3/2012). Như vậy, tính đến ngày 05/3/2012, số tiền mà bà T24 chuyển đến tài khoản của V2 là nhiều hơn 2.300.000.000đ so với số tiền chuyển từ tài khoản của V2 đến tài khoản của bà T24.

Ngày 06/3/2012, Tuyến và Khôi thống nhất lập khống Hợp đồng mua bán 50/MB12/TTXNK có nội dung: V2 mua 100 tấn cà phê của bà T24 với giá 4.200.000.000đ, Khôi ký giả tên “Trần Thị Kim T24” ở phần người bán. Căn cứ vào hợp đồng này, từ ngày 06/3/2012 đến ngày 07/5/2012, T8 tiếp tục chỉ đạo V chuyển 4.700.000.000đ từ tài khoản của V2 đến tài khoản của bà T24 mở tại Vietcombank – Chi nhánh B theo 04 ủy nhiệm chi, nội dung ghi là “trả tiền cho người bán hàng Trần Thị Kim T24”. Như vậy, tính đến ngày 07/5/2012, số tiền mà bà T24 chuyển đến tài khoản của V2 là ít hơn 2.400.000.000đ so với số tiền chuyển từ tài khoản của V2 đến tài khoản của bà T24.

Quá trình chuyển các khoản tiền vừa nêu trên, Kế toán của V2 hạch toán số tiền đã chuyển cho bà T24 vào tài khoản (phải trả cho người bán), theo dõi là khoản tiền ứng trước cho bà T24 theo hợp đồng mua bán số 50/MB12/TTXNK ngày 06/3/2012. Ngày 01/7/2012, Kế toán của V2 hạch toán giảm trừ 270.000.000đ và khoản nợ bà T24 phải trả và ghi lý do giảm trừ là “Trả hộ lãi vay ngoài cho H3 3/2012”. Vào ngày 13/9/2013 và ngày 04/02/2015, Tuyến đã trả cho V2 653.000.000đ hạch toán vào khoản nợ bà T24 còn phải trả cho V2 nên kế toán của V2 theo dõi và ghi bà T24 còn nợ V2 1.477.000.000đ.

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra cho thấy: Bà T24 không mua bán cà phê với V2 và không biết gì về hợp đồng số 50/MB12/TTXNK ngày 06/3/2012 đã đề cập. Bà T24 không thừa nhận việc còn nợ V2 số tiền 1.477.000.000đ.

Trong quá trình điều tra, - Bị cáo T8 khai như sau: Cuối năm 2011, T8 biết bà T24 (vợ của K9) đang làm việc tại Ngân hàng Vietcombank–Chi nhánh B, T8 nhờ bà T24 mở tài khoản đứng tên V2 tại nơi bà bà T24 làm việc. Đầu năm 2012, T8 yêu cầu V chuyển tiền vào tài khoản của bà T24. Ngoài ra, T8 còn nhờ bà T24 giúp V2 vay tiền. Cuối năm 2011, K9 nhờ T8 giúp cho K9 được ứng tiền của V2 để sử dụng kinh doanh cà phê, kiếm thêm thu nhập. T8 đồng ý. Ngày 05/01/2012, T8 chỉ đạo V chuyển 200.000.000đ vào tài khoản của bà T24. Sau đó, vì thiếu tiền để thanh toán nên T8 yêu cầu K9 trả lại số tiền vừa nêu. Do vậy, vào ngày 12/01/2012, bà T24 đã chuyển trả 200.000.000đ vào tài khoản của V2. Ngày 17/01/2012, T8 chỉ đạo V chuyển 300.000.000đ vào tài khoản của bà T24 để giúp K9 kinh doanh cà phê. Ngày 13/01/2012, T8 chỉ đạo V chuyển 1.000.000.000đ vào tài khoản của bà T24 để giúp K9 kinh doanh cà phê. Sau đó, vì V2 không có đủ tiền để thanh toán cho khách hàng nên T8 nhờ bà T24 giúp vay 2.000.0000.000đ. Do vậy, ngày 14/02/2012, bà T24 chuyển 2.000.000.000đ vào tài khoản của V2. Để có căn cứ chuyển tiền cho bà T24, T8 chỉ đạo K9 lập giả Hợp đồng 50/MB12/TTXNK ngày 06/3/2012. Khoản tiền 653.000.000đ mà Tuyến đã trả cho V2 là trả thay cho bà T24.

- K9 khai như sau: Đầu năm 2012, T8 chỉ đạo việc chuyển tiền từ tài khoản của V2 đến tài khoản của bà T24 (vợ K9) để bà T24 chuyển tiền đến các địa chỉ theo chỉ định của T8 hoặc là rút tiền ra để chuyển lại cho T8. Ngoài ra, T8 còn nhờ bà T24 vay tiền và chuyển vào tài khoản của V2 mở tại Vietcombank. Trong thời gian vừa nêu, T8 hứa giúp K9 vay tiền để kinh doanh cà phê, T8 hứa sẽ canh giá, chốt giá để K9 mua bán kiếm lời. Khoảng tháng 3/2013, T8 đưa cho K9 bản Hợp đồng 50/MB12/TTXNK. Do trước đó K9 đã được T8 cho vay khoảng 2.000.000.000đ nên Khôi đã mạo danh bà T24 ký vào hợp đồng vừa nêu. Ngoài ra, theo yêu cầu của T8, K9 đã lập và ký “Giấy ủy quyền” ngày 20/3/2012 có nội dung bà T24 ủy quyền cho K9 “chịu mọi trách nhiệm trong nội dung hợp đồng mua bán” với V2; ký bản đối chiếu công nợ ngày 31/12/2012 và Cam kết trả nợ ngày 03/01/2013 với V2.

- Bà T24 khai như sau: Bà T24 không mua bán và phê với V2 và cũng không ủy quyền cho K9 ký hợp đồng mua bán cà phê với V2. Qua sự giới thiệu của K9, bà T24 có giúp V2 mở tài khoản tại Vietcombank–Chi nhánh B. Vào năm 2012, bà T24 có một vài lần cho T8 vay tiền và T8 đã trả đủ. Có vài lần V2 chuyển tiền vào tài khoản của bà T24 để bà T24 rút tiền mặt chuyển lại cho T8 hoặc tiếp tục chuyển đến tài khoản khác theo yêu cầu của T8. T8 trả tiền cho bà T24 thông qua hình thức chuyển khoản (có bản sao kê). Hiện tại, T8 không còn nợ bà T24, bà T24 cũng không nợ V2 nhưng bà T24 không hiểu tại sao V2 lại hạch toán xác định bà T24 còn nợ V2 1.477.000.000đ.

- Bị cáo V khai như sau: Theo sự chỉ đạo của T8, V đã chuyển tiền sai nguyên tắc cho bà T24 và theo dõi theo Hợp đồng 50/MB12/TTXNK. V đã lập 09 chứng từ chuyển tổng cộng 6.600.000.000đ đến tài khoản của bà T24, hạch toán với nội dung là thanh toán tiền mua hàng của bà T24. Thực tế, bà T24 không giao hàng cho V2 và cũng không có yêu cầu V2 ứng tiền. Vinh đã lập 05 chứng từ, chuyển vào tài khoản của bà T24 1.900.000.000đ với nội dung ghi là “thanh toán tiền hàng” vào thời điểm giữa V2 và bà T24 không có hợp đồng mua bán. Khi đưa cho V bản Hợp đồng 50/MB12/TTXNK ngày 06/3/2012, T8 có nói với V rằng K9 muốn kinh doanh thêm, mua cà phê ở ngoài bán cho V2 nên V2 giúp K9 ký hợp đồng để làm căn cứ chuyển tiền cho vợ chồng K9. Chính vì vậy, mặc dù trong Hợp đồng 50/MB12/TTXNK không có nội dung thỏa thuận V2 phải chuyển tiền trước cho bà T24 nhưng theo sự chỉ đạo của T8, V đã lập 4 chứng từ chuyển 4.700.000.000đ từ tài khoản của V2 đến tài khoản của bà T24.

Khi cho tiến hành đối chất, bị cáo T8, K9 và bà T24 vẫn giữ nguyên lời khai của mình.

Như vậy, với tài liệu, chứng cứ thu thập được đủ căn cứ xác định:

Trong khoảng thời gian từ 05/01/2012 đến 07/5/2012, T8 lợi dụng danh nghĩa là Giám đốc V2 để chỉ đạo V và K9 nhận và chuyển tiền từ tài khoản của V2 với tài khoản đứng tên bà T24.

Để hợp thức hóa việc nhận và chuyển tiền, T8 đã chỉ đạo K9 lập khống Hợp đồng số 50/MB12/TTXNK ngày 06/3/2012, K9 ký giả chữ ký tên “Trần Thị Kim T24” trong hợp đồng. Từ ngày 06/3/2012 đến ngày 07/5/2012, T8 tiếp tục chỉ đạo V chuyển vào tài khoản của bà T24 mở tại Vietcombank – Chi nhánh B 4.700.000.000đ theo 04 ủy nhiệm chi, nội dung ghi là “trả tiền cho người bán hàng”. Để hợp thức hóa việc chuyển tiền thành công nợ, ngày 20/3/2012, K9 lập và ký các giấy ủy quyền khống, đối chiếu công nợ và cam kết trả nợ khống. Vì có những cam kết trả nợ vừa nêu, V2 hạch toán ghi nhận bà T24 còn nợ 1.477.000.000đ. Hành vi sai trái của các bị cáo diễn ra liên tục từ ngày 05/01/2012 đến ngày 03/01/2013, thể hiện qua 09 chứng từ ghi chuyển tiền khống (không có hàng), hợp đồng khống, giấy ủy quyền khống, biên bản đối chiếu và cam kết trả nợ khống; gây thiệt hại cho Tổng Công ty C 1.477.000.000đ.

Trong quá trình điều tra, K9 đã bỏ trốn, Cơ quan điều tra đã ra Quyết định truy nã nhưng đến nay chưa có kết quả. Do vậy, Cơ quan điều tra đã ra Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với K9.

4. Nguyễn Công H25 và Phạm Trung T8 lập chứng từ khống ứng 2.000.000.000đ của V2 trái nguyên tắc, sử dụng mục đích không rõ ràng, gây thiệt hại cho Tổng Công ty C 1.950.000.000đ.

Vào ngày 10/11/2010, T8 (lúc này là Phó Giám đốc V2) lập tờ trình gửi Giám đốc V2 “Về việc thực hiện kế hoạch thu mua hàng hóa”; đề nghị được ứng 2.000.000.000đ để Trạm G (có tên đầy đủ là Trạm kinh doanh tại tỉnh Gia Lai – Trung tâm xuất nhập khẩu V2, là đơn vị phụ thuộc V2) mua cà phê với giá từ 35.500đ/kg đến 36.500đ/kg, thời gian giao hàng dự kiến tháng 12/2010. Tờ trình đã được Nguyễn Công H25 (lúc này là Giám đốc V2) phê duyệt đồng ý.

Căn cứ phê duyệt của H25, Phòng Kế toán đã lập Phiếu chi số 0PC1001409 ngày 10/11/2010, chi cho Tuyến 2.000.000.000đ. Trong phiếu chi vừa nêu: T8 ký ở mục “Người nhận tiền”; bà Lê Anh T34 ký ở mục “Kế toán trưởng”; bà Lê Thị Thu H35 ký mục “Thủ quỹ”; bà Phan Thị Thanh H36 ký mục “Người lập phiếu” và H25 ký mục “Thủ trưởng đơn vị”. Tuy nhiên, trong thực tế thì đến ngày 22/11/2010, Trạm G mới có quyết định thành lập (bl.4031); số tiền 2.000.000.000đ đã đề cập cũng không được chuyển cho Trạm G (hiện nay, Trạm G cũng đã giải thể).

Để hợp pháp hóa chứng từ đối với khoản tiền đã nêu, H25, T8 và ông Lê Văn L38 (Phó Giám đốc V2) đã lên Trạm G gặp Vũ Đăng H39 (Trạm trưởng Trạm G) nhờ xác nhận nợ giúp. Ngày 31/5/2011, ông L38 và ông H39 ký Bản đối chiếu công nợ, có nội dung:“Trung tâm ứng vốn cho Trạm G hoạt động: Ngày 10/11/2010: 02 tỷ đồng”. Ngoài văn bản vừa nêu, T8 cùng ông L38 và ông H39 còn ký Biên bản làm việc (ngày 31/5/2011) với nội dung:“Thống nhất nội dung thứ 3 tại Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/5/2011 (khoản ứng vốn 02 tỷ đồng). Do Trung tâm phải chi lại tiền hoa hồng cho các khách hàng bán hàng cho Trung tâm bằng tiền mặt nên lãnh đạo Trung tâm đã nhờ Trạm G ứng tiền để có nguồn thanh toán hoa hồng cho các khách hàng và không phải chịu trách nhiệm thanh toán về số tiền công nợ này”. Ngày 22/5/2013, ông H25 và ông H39 tiếp tục ký Biên bản làm việc với nội dung: “Căn cứ biên bản làm việc (v/v ghi nhớ số nợ ứng vốn nội bộ) ngày 31/5/2011 tại Trạm G giữa lãnh đạo Trung tâm và ông Vũ Đăng H39, Trạm truờng Trạm G. Nay ông Nguyễn Công H25 - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty tiếp tục nhờ ông Vũ Đăng H39 đứng ra nhận nợ hộ số nợ trên (hai tỷ đồng). Khi nào Tổng Công ty thu hồi nợ thì ông Nguyễn Công H25 có trách nhiệm trả toàn bộ số nợ trên (hai tỷ đồng). Ông Vũ Đǎng H39 không phải chịu trách nhiệm nào trước Tổng Công ty về số nợ (hai tỷ đồng) này”.

Trong quá trình điều tra, Hoàng và Tuyến và những người có liên quan khai trình như sau:

- Ông H25 khai:

Tại cuộc họp giao ban của Tổng Công ty C vào tháng 10/2010, ông Đoàn Đình T40 (Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty C) chỉ đạo V2 chi tiền hoa hồng cho các đơn vị thành viên đã bán cà phê cho V2 trong niên vụ 2010-2011. Do vậy, đầu tháng 11/2010, trong cuộc họp với các lãnh đạo của V2, ông H25 đã thông báo lại ý kiến chỉ đạo của ông T40. Ngày 10/11/2010, T8 làm văn bản đề nghị ứng 2.000.000.000đ cho Trạm G và H25 đã duyệt. T8 đã sử dụng số tiền vừa nêu để chi hoa hồng. Khi nhận được bản danh sách liệt kê 14 Giám đốc các đơn vị thành viên của Tổng Công ty C đã nhận 2.011.011.000đ tiền hoa hồng, ông H25 đã gọi điện cho các Giám đốc kiểm tra và được xác nhận là đã nhận tiền hoa hồng theo như danh sách liệt kê.

Khi Tổng Công ty C kiểm tra công nợ của V2, theo đề nghị của T8, H25 đã đến Đắk Lắk gặp ông Vũ Đăng H39 (Trạm trưởng Trạm G), nhờ ông H39 ký nhận khoản nợ 2.000.000.000đ đã đề cập. Ông H39 đồng ý ký nhận nợ nhưng yêu cầu Hoàng phải ký vào biên bản làm việc có nội dung buộc ông H25 có trách nhiệm trả 2.000.000.000đ khi Tổng Công ty C thu hồi nợ; ông H39 không phải chịu trách nhiệm về số nợ 2.000.000.000đ vừa nêu.

Sau đó, ông H25 thay đổi lời khai, cụ thể như sau: Ông H25 không thông báo ý kiến chỉ đạo của ông T40 về việc chi hoa hồng; ông H25 cũng không đưa ra chủ trương chi hoa hồng; việc chi hoa hồng là do Tuyến tự ý thực hiện.

- Tuyến khai: Vào sáng ngày 09/11/2010, tại phòng làm việc của ông H25, ông H25 đã thông báo cho T8 và bà Lê Anh T34 (lúc đó là Phó phòng Tài chính Kế Toán của V2) biết rằng Giám đốc các đơn vị thành viên của Tổng Công ty C ở Miền Trung và Tây Nguyên đề nghị được V2 chi hoa hồng thì họ mới bán cà phê cho V2. Sau đó, H25 giao cho T8 viết tờ trình xin ứng 2.000.000.000đ cho Trạm G; giao cho Phòng Tài chính Kế Toán của V2 làm thủ tục chi tiền. Thực hiện theo sự chỉ đạo của ông H25, T8 đã lập tờ trình và ký nhận 2.000.000.000đ tại Phiếu chi 0PC1001409 ngày 10/11/2010. Nhưng thực tế thì Tuyến không nhận tiền, số tiền 2.000.000.000đ vẫn còn ở quỹ của V2. Phòng Tài chính Kế toán của V2 sẽ báo cáo cụ thể với ông H25 để cân đối và quyết định việc chi hoa hồng. T8 không biết việc ông H25 và Phòng Tài chính Kế toán của V2 đã chi hoa hồng như thế nào.

- Bà Lê Anh T34 (nguyên là Phó phòng Tài chính Kế Toán của V2) khai: Vào sáng ngày 09/11/2010, bà T34 cùng với T8 và ông H25 họp bàn kế hoạch về việc thu mua cà phê niên vụ 2010–2011. Tại cuộc họp, ông H25 có đề cập đến việc chi hoa hồng để giữ mối quan hệ với các khách hàng thường xuyên bán cà phê cho V2; Tuyến đề xuất việc ứng 2.000.000.000đ để giữ lượng cà phê mà các hộ dân đã giao. Ngày 10/11/2010, T8 lập tờ trình về việc thu mua hàng, đề nghị xuất ứng 2.000.000.000đ cho Trạm G và được ông H25 phê duyệt. Do vậy, bà T34 đã yêu cầu bà Lê Thị Thu H35 (thủ quỹ của V2) lập séc rút tiền từ Vietcombank – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đưa về quỹ của V2; đồng thời yêu cầu bà Phan Thị Thanh H36 (kế toán của V2) viết phiếu chi 2.000.000.000đ cho T8 và hạch toán vào khoản thu đối với Trạm G. Khi lập thủ tục chi số tiền vừa nêu, bà T34 không biết tiền được sử dụng để chi hoa hồng. Tháng 6/2011, ông H25 đưa cho bà T34 bản danh sách Giám đốc các đơn vị thành viên đã nhận tiền hoa hồng và cho biết số tiền 2.000.000.000đ mà Tuyến ứng vào ngày 10/11/2011 đã được sử dụng để chi hoa hồng. Tuy nhiên, nhìn thấy bản danh sách không có chữ ký của người nhận tiền nên bà T34 trả lại cho ông H25; đồng thời, bà T34 yêu cầu bà Phan Thị Thanh H36 vẫn hạch toán số tiền 2.000.000.000đ đã đề cập vào khoản phải thu đối với Trạm G, không cho hoàn ứng.

- Bà Lê Thị Thu H35 (nguyên thủ quỹ của V2) khai: Theo chỉ đạo của ông H25 và bà T34, bà Lê Thị Thu H35 đã làm thủ tục lĩnh 2.100.000.000đ tiền mặt từ Vietcombank nhập vào quỹ của V2 vào chiều ngày 09/11/2010 và sáng ngày 10/11/2010. Chiều ngày 10/11/2010, T8 ký nhận vào phiếu chi 0PC1001409 ngày 10/11/2010, bà Hà đã giao 2.000.000.000đ tiền mặt cho T8 tại quỹ của V2. Bà Lê Thị Thu H35 không biết T8 đã sử dụng số tiền vừa nêu như thế nào.

- Ông Đoàn Đình T40 (Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty C) khai: Không có việc ông T40 chỉ đạo ông H25 và V2 phải chi hoa hồng cho các đơn vị thành viên thuộc Tổng Công ty C. Vào tháng 5/2011, khi ông H25 bàn giao chức vụ Giám đốc V2 cho Tuyến thì ông H25 có báo cáo miệng với ông T40 rằng V2 đã chi khoảng 2.800.000.000đ tiền hoa hồng cho Giám đốc các đơn vị thuộc Tổng Công ty C. Theo yêu cầu của ông T40, khoảng 1 tuần sau, ông H25 viết báo cáo và kèm theo danh sách các Giám đốc đã nhận tiền hoa hồng. Sau đó, ông T40 yêu cầu ông H25 phải thu hồi lại tiền đã chi hoa hồng (yêu cầu miệng, không có văn bản).

- Ông Vũ Đăng H39 (nguyên Trạm trưởng Trạm G) khai: Trạm G là đơn vị trực thuộc V2, được thành lập theo Quyết định số 194/TTXNK/QĐ ngày 22/11/2010 của Giám đốc V2, ông H39 được bổ nhiệm giữ chức vụ Trạm trưởng. Trong quá trình điều hành hoạt động của Trạm G, ông H39 không nhận, không ứng 2.000.000.000đ của V2. Ngày 31/5/2010, ông H25, T8 và ông Lê Văn L38 (lúc này là Phó giám đốc V2) đến Đắk Lắc gặp ông H39 và nói rằng Tổng Công ty C đang kiểm tra công nợ của V2 trong đó có khoản nợ 2.000.000.000đ mà V2 chi hoa hồng nhưng chưa được kết toán; đồng thời, đề nghị ông H39 thay mặt Trạm G ký biên bản xác nhận có tạm ứng 2.000.000.000đ. Tuy nhiên, vì Trạm G không có nhận khoản tiền đã nêu nên ông H39 đề nghị Tuyến và ông L38 phải ký vào biên bản làm việc ngày 31/5/2011 xác nhận Trạm G không phải chịu trách nhiệm về khoản tiền 2.000.000.000đ đã đề cập. Sau khi T8 và ông L38 ký vào văn bản vừa nêu thì ông H39 mới ký vào biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/5/2011 thể hiện V2 có tạm ứng cho Trạm G 2.000.000.000đ vào ngày 10/11/2010. Vào năm 2013, ông H25 tiếp tục nhờ ông H39 ký nhận hộ số nợ 2.000.000.000đ, ông H39 đồng ý ký sau khi ông H25 cùng với ông H39 ký vào biên bản làm việc ngày 22/5/2013 có nội dung buộc ông H25 phải có trách nhiệm trả cho V2 2.000.000.000đ. Vì các ly do đã nêu, ông H39 không chịu trách nhiệm về khoản tiền 2.000.000.000đ đã đề cập.

Ông Lê Văn L38 (nguyên là Phó giám đốc V2) và bà Phan Thị Thanh H36 (nguyên là kế toán của V2) khai phù hợp với lời khai phù hợp với nội dung liên quan do ông H25, T8 và bà T34 khai như đã được nêu ở phần trên.

Cơ quan điều tra đã cho tiến hành đối chất giữa ông H25 với ông T40, giữa Tuyến với ông H25 và bà Lê Thị Thu H35 (thủ quỹ của V2) nhưng các bên vẫn giữ nguyên lời khai của mình.

Cơ quan điều tra cũng đã tiến hành làm việc với 14 giám đốc và người đứng đầu các đơn vị thành viên thuộc Tổng Công ty C theo danh sách người nhận hoa hồng mà ông H25 liệt kê, kết quả như sau:

- Có 13 người khẳng định không có nhận tiền huê hồng của V2 trong việc mua bán cà phê niên vụ 2010-2011;

- Có 1 người là ông Đặng Văn H42 (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Một thành viên EA Tiêu) khai rằng trong năm 2010-2011, Công ty TNHH Một thành viên EA Tiêu có bán cho V2 100 tấn cà phê. Ông H25 có gọi điện bảo ông H42 đến khách sạn Sao Khuê 2 ở thành phố Buôn Ma Thuột để nhận 50.000.000đ từ 1 cán bộ kế toán của V2 (ông H42 không nhớ tên). Ngày 22/3/2016, ông Hoà đã nộp lại cho V2 số tiền vừa nêu.

Như vậy, căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được, có đủ căn cứ xác định: Ông H25 và bị cáo T8 đã có hành vi lập chứng từ khống để rút 2.000.000.000đ của V2, sử dụng vào mục đích không rõ ràng. Trong quá trình điều tra, ông H25 và T8 đổ lỗi cho nhau về việc sử dụng số tiền này nên không xác định được chính xác số tiền này đã được sử dụng như thế nào. Tuy nhiên, có căn cứ xác định hành vi của ông H25 và T8 đã gây thiệt hại cho Tổng Công ty C 1.950.000.000đ.

5. Về việc tạm giữ, kê biên tài sản, tài sản thu hồi:

Bị cáo Nguyễn Hồng H11 đã nộp lại cho V2 1.200.000.000đ (trong đó, nộp 950.000.000đ vào thời điểm trước khi khởi tố vụ án, nộp 250.000.000đ sau khi khởi tố). Khoản tiền đã nêu đã được giao cho V2 và được trừ vào giá trị thiệt hại mà T8, V và H11 gây thiệt hại cho V2.

Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm lần đầu, ông H25 nộp 200.000.000đ, Hà nộp 80.000.000đ để khắc phục hậu quả. Vào ngày 19/8/2022, Hà tự nguyện nộp thêm 4.000.000.0000đ để khắc phục hậu quả; ngày 08/9/2022, gia đình bị cáo T8 tự nguyện nộp 30.000.000đ để khắc phục hậu quả.

Ngày 15/4/2016, Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Bộ Công an đã ra Lệnh kê biên tài sản số 14/C46-P11, kê biên tài sản của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Cà phê T22 do T8 làm Tổng Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật; đồng thời giao cho Tổng Công ty C quản lý, chờ xử lý. Tài sản đã bị kê biên gồm có:

- Quyền sử dụng 19.521m2 đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (5.000m2 nhà kho) tại thị trấn Đ, huyện L, tỉnh Lâm Đồng theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BI 583989 ngày 28/8/2012 do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cấp (bl.5115);

- Dây chuyền thiết bị chế biến cà phê được lắp đặt trong 5.000m2 nhà kho và các tài sản khác gắn liền với 19.521m2 đất đã đề cập.

Toàn bộ số tài sản đã nêu có nguồn gốc của Công ty H3, Công ty H3 đã chuyển nhượng lại cho Công ty T22 vào ngày 21/8/2012.

Công ty T22 đã làm thủ tục và được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BI 583989 ngày 28/8/2012. Vào ngày 02/10/2012 và ngày 26/4/2013, Công ty T22 và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu V - Chi nhánh Đ (gọi tắt là Eximbank - Chi nhánh Đ) đã ký kết với nhau “Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất” số 028- 2012/EIBĐL/KHDN/TSTC và “Hợp đồng sửa đổi, bổ sung Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất số 028-2012/EIBĐL/KHDN/TSTC”. Theo đó, Công ty T22 thế chấp cho Eximbank – Chi nhánh Đ toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất như đã đề cập (kể cả tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai) để đảm bảo cho các nghĩa vụ của Công ty T22 phát sinh tại Eximbank - Chi nhánh Đ theo các hợp đồng cấp tín dụng đã ký kết, đang thực hiện và các hợp đồng sẽ ký kết trong tương lai, với số dư bảo lãnh ở mọi thời điểm là 10.600.000.000đ (bl.6700-6708). Ngày 26/3/2013, Công ty T22 và Agribank - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh ký kết với nhau “Hợp đồng thế chấp tài sản” số 1700/CP20132038. Theo hợp đồng vừa nêu, Công ty T22 thế chấp dây chuyền thiết bị chế biến cà phê đã đề cập cho Agribank – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo cho khoản nợ 4.900.000.000đ mà Tuyến vay của Agribank – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh theo Hợp đồng tín dụng số 1700-LAV-201200702 ngày 15/5/2012 (bl.5144-5148).

Ngày 09/5/2016, Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Bộ Công an đã ra Lệnh kê biên tài sản số 15/C46-P11, kê biên tài sản của bị cáo T8 và bà Võ Thị Ánh T10 (vợ của T8) căn nhà 347/53 (số mới là 385/53) đường L, Phường X11 (Phường X9 mới), quận G, Thành phố Hồ Chí Minh, tọa lạc trên thửa đất số 85, Tờ bản đổ số 2, Phường X9 (theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở do Ủy ban nhân dân quận G cấp ngày 19/3/2018, hồ sơ gốc số 1851/2008/UB.GCN; giao tài sản đã nêu cho bà T10 quản lý, chờ xử lý.

Diễn biến quá trình truy tố, xét xử:

Cáo trạng số 78/CTr-VKSNDTC-V3 ngày 16/11/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã truy tố Nguyễn Công H25, Phạm Trung T8, Võ Quang V, Nguyễn Hồng H11 và Trần Thanh T về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999.

Bản án sơ thẩm số 24/2018/HS-ST ngày 24/01/2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên xử như sau:

- Tuyên bố Nguyễn Công H25, Phạm Trung T8, Võ Quang V, Nguyễn Hồng H11 và Trần Thanh T phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hâu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999.

- Xử phạt Nguyễn Công H25 06 năm tù, Phạm Trung T8 13 năm tù, Võ Quang V 05 năm tù, Nguyễn Hồng H11 05 năm tù, Trần Thanh T 06 năm tù;

- Buộc T8, V và H11 phải liên đới bồi thường 18.251.269.599đ cho Tổng Công ty C;

- Buộc T8, V và T phải liên đới bồi thường 17.398.035.755đ cho Tổng Công ty C;

- Buộc H25 và T8 phải liên đới bồi thường 1.950.000.000đ cho Tổng Công ty C.

- Buộc T8 và V liên đới bồi thường 1.477.000.000đ cho Tổng Công ty C;

- Tạm giữ 80.000.000đ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của H11.

-Tạm giữ 200.000.000đ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của H25.

- Duy trì Lệnh kê biên tài sản số 14/C46-P11 ngày 15/4/2016 và Lệnh kê biên tài sản số 15/C46-P11 ngày 09/5/2016 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Bộ Công an.

- Buộc ông H25 và Tuyến có nghĩa vụ liên đới nộp 70.500.000đ án phí dân sự sơ thẩm.

Ngoài ra, bản án còn tuyên trách nhiệm bồi thường dân sự, án phí, quyền kháng cáo của các bị cáo và các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản kháng nghị, đề nghị tăng nặng hình phạt đối với các bị cáo; bị cáo Nguyễn Công H25 kháng cáo không đồng ý với tội danh mà Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên và việc buộc ông H25 bồi thường mà không khấu trừ 500.000.000đ mà ông H25 đã nộp; bị cáo T8 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; bị cáo Võ Quang V kháng cáo cho rằng bị cáo chỉ phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và xin giảm nhẹ hình phạt; bị cáo Hà kháng cáo cho rằng bị cáo chỉ phạm tội theo khoản 1 Điều 165 Bộ luật hình sự, đồng thời đề nghị xem xét lại mức lãi suất 21%/năm sử dụng để tính thiệt hại; bị cáo T kháng cáo cho rằng bị cáo không cố ý ký hợp đồng 63/11/HĐCF ngày 13/9/2011, bị cáo không phạm tội, không phải bồi thường.

Tại bản án phúc thẩm số 290/2020/HS-PT ngày 29/05/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử đã nhận định như sau: Có đủ căn cứ để kết luận H25 và T8 đã có hành vi cố ý làm trái quy định, chi hoa hồng cho các đại lý sai nguyên tắc, gây thiệt hại cho Tổng Công ty Cà phê Việt 1.950.000.000đ. Tuy nhiên, do T8 còn có các hành vi cố ý làm trái khác cần phải điều tra, xét xử lại nên hủy phần quyết định của bản án sơ thẩm về tội danh và hình phạt của bị cáo T8 liên quan đến hành vi này để không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Việc V2 cho Công ty B12 và Công ty H3 vay tiền với mức lãi suất 21%/năm là trái với quy định của pháp luật. Do vậy, không thể xác định thiệt hại của Tổng Công ty C bao gồm khoản lãi 21%. Với nhận định như đã nêu, Tòa án cấp phúc thẩm đã tuyên xử:

- Chấp nhận kháng cáo của ông H25, xử phạt ông H25 04 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, thời hạn tù tính từ ngày 20/4/2016 (ít hơn 01 tháng 4 ngày so với thời hạn đã bị tạm giam trước); tuyên trả tự do cho ông H25 ngay tại phiên tòa - Buộc ông H25 liên đới cùng bị cáo T8 bồi thường 1.950.000.000đ cho Tổng Công ty C;

- Hủy một phần Bản án số 24/2018/HS-ST ngày 24/01/2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tội danh, hình phạt, trách nhiệm dân sự khác của các bị cáo T8, V, H11, T; giao hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao điều tra lại vụ án theo quy định.

- Các quyết định khác của bản án sơ thẩm liên quan đến việc tạm giữ, kê biên tài sản tiếp tục được thực hiện để đảm bảo cho việc điều tra, xét xử lại.

Sau khi điều tra lại, Cơ quan điều tra xác định thiệt của Tổng Công ty C là khoản nợ gốc, có liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo mà Công ty H3 và Công ty B12 còn phải thanh toán cho V2. Cụ thể:

- T8, V và H11 đã gây thiệt hại cho Tổng Công ty C 10.680.894.472đ;

- T8, V và T đã gây thiệt hại cho Tổng Công ty C 10.846.844.493đ.

- T8, V và Trương Đăng K9 đã gây thiệt hại cho Tổng Công ty C 1.477.000.000đ. Tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa bị bắt được K9.

- T8 và H25 gây thiệt hại cho Tổng Công ty C 1.950.000.000đ.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 433/2022/HS-ST ngày 15 tháng 9 năm 2022 Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

1. Căn cứ khoản 3 Điều 165, điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999, đã được sửa đổi bổ sung năm 2009; điểm s và t khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54, Điều 58 Bộ luật hình sự năm 2015, đã được sửa đổi bổ sung 2017; điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, Xử phạt bị cáo Võ Quang V 06 (sáu) năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”;

Thời hạn tù tính từ ngày chấp hành án được trừ đi thời hạn tạm giữ, tạm giam trước từ ngày 09/6/2015 đến ngày 01/7/2016.

2. Căn cứ khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999, đã được sửa đổi bổ sung 2009; khoản 2 Điều 51, Điều 58 Bộ luật hình sự năm 2015, đã được sửa đổi bổ sung 2017; điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, Xử phạt bị cáo Trần Thanh T 06 (sáu) năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”;

Thời hạn tù tính từ ngày chấp hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về tội danh và hình phạt đối với bị cáo Phạm Trung T8, Nguyễn Hồng H11; Trách nhiệm dân sự, án phí và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, - Ngày 16/9/2022 bị cáo Trần Thanh T kháng cáo đề nghị: Hủy bản án sơ thẩm và tuyên bị cáo không phạm tội; bị cáo không phải liên đới bồi thường số tiền 10.846.844.493đ do không làm thiệt hại.

- Ngày 19/9/2022 Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu V (Eximbank) kháng cáo yêu cầu: Hủy bỏ lệnh kê biên tài sản số 14/C46-P11 ngày 15/4/2016 của Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ công an; Để Eximbank thực hiện quyền xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ công ty T22 theo pháp luật.

- Ngày 22/9/2022 Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn V (Agribank) kháng cáo yêu cầu: Hủy bỏ lệnh kê biên tài sản số 14/C46-P11 ngày 15/4/2016 của Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ công an; Để Agribank thực hiện quyền xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ công ty T22 theo pháp luật.

- Ngày 28/9/2022 bị cáo Võ Quang V kháng cáo đề nghị: Giảm một phần hình phạt cho bị cáo; Hủy bỏ phần buộc bị cáo phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại với các bị cáo khác.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Võ Quang V và Luật sư bào chữa của bị cáo đề nghị xin giảm nhẹ một phần hình phạt. Bị cáo Trần Thanh T và Luật sư bào chữa của bị cáo T cho rằng Hợp đồng 63 là có thật, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã hình sự hóa quan hệ dân sự, nên đề nghị huỷ án sơ thẩm, tuyên bị cáo không phạm tội và không phải bồi thường thiệt hại dân sự.

Đại diện các Ngân hàng Eximbank và Agribank giữ nguyên nội dung kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm hủy bỏ việc kê biên các tài sản thế chấp liên quan đến Lệnh kê biên tài sản số 14/C46-P11 ngày 15/4/2016 của Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ công an, để Ngân hàng thực hiện quyền xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ công ty T22 theo pháp luật.

Trong phần tranh luận:

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:

- Kháng cáo của bị cáo T: Mặc dù bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng trên cơ sở lời khai bị cáo T8, V thì bị cáo là người ký kết khống Hợp đồng 63 nhưng đã nhận tiền của V2, gây thiệt hại cho công ty hơn 10 tỷ đồng. Tội danh mà bản án sơ thẩm quy kết là có căn cứ, không oan sai nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo.

- Đối với bị cáo V: Bị cáo trình bày trước khi mở phiên tòa phúc thẩm có khắc phục thêm 200 triệu đồng nhưng so với thiệt hại mà bị cáo đã gây ra, thì số tiền bị cáo khắc phục thêm là không tương xứng, nên không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo. Đối với yêu cầu kháng cáo về trách nhiệm liên đới bồi thường cũng không có căn cứ chấp nhận.

- Kháng cáo của 2 Ngân hàng Eximbank và Agribank: Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện các Ngân hàng thừa nhận việc cơ quan tiến hành tố tụng kê biên tài sản là đúng. Để đảm bảo quyền lợi cho ngân hàng; đồng thời các ngân hàng không nêu được các tình tiết mới so với cấp sơ thẩm nên không có cơ sở chấp nhận.

Từ đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận tất cả các kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người bào chữa cho bị cáo Võ Quang V phát biểu: Bị cáo V có 3 tình tiết giảm nhẹ mới so với cấp sơ thẩm như sau:

- Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo có khắc phục thêm 200 triệu đồng, đây là nỗ lực lớn của bị cáo. Vì bị cáo mang thân phận là bị can, bị cáo đã 8 năm nên gặp nhiêu khó khăn trong cuộc sống.

- Ở địa phương nơi cư trú, bị cáo tích cực tham gia hoạt động, được địa phương ghi nhận, có giấy khen của chính quyền địa phương.

- Ông nội bị cáo tham gia tiền khởi nghĩa, được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương.

Ngoài ra, bị cáo là người lao động làm công ăn lương, thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái bị phụ thuộc, nên xin Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt cho bị cáo Đối với trách nhiệm dân sự: Trong quá trình giải ngân từ Ngân hàng đến công ty H3, xác định rõ H3 có nợ V2 số tiền hơn 10 tỷ đồng. Thời điểm này cơ quan tiến hành tố tụng phong tỏa tài sản của công ty H3 thi hành án, nếu buộc bị cáo liên đới thì sau này bán tài sản của công ty H3 thì bị cáo có đòi lại được phần trách nhiệm dân sự đã thi hành hay không? Nếu buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm dân sự thì phải xác định tỷ lệ mà bị cáo phải chịu, để bị cáo còn cố gắng khắc phục để không ảnh hưởng về nhân thân sau này của bị cáo. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét trách nhiệm dân sự cho bị cáo là bị cáo có phải chịu hay không, nếu phải chịu thì xác định rõ tỷ lệ là bao nhiêu.

Người bào chữa cho bị cáo Trần Thanh T (luật sư Vũ Xuân Đ6) phát biểu:

Tòa án cấp sơ thẩm đã hình sự hóa hợp đồng kinh tế giữa công ty H3 với V2. Bản án sơ thẩm cũng đã bỏ qua các bảng đối chiếu công nợ giữa công ty H3 và V2. Vì công ty H3 đã gán tài sản cho T22 để trả nợ cho V2 và được V2 đồng ý. Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không phạm tội hoặc hủy bản án sơ thẩm để trả hồ sơ điều tra bổ sung. Về trách nhiệm dân sự không tuyên buộc bị cáo liên đới bồi thường với các lý do:

- Tòa án sơ thẩm không chứng minh được tội phạm, nhận định của cấp sơ thẩm không phù hợp với tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Giữa công ty H3 và V2 có quan hệ ký kết Hợp đồng số 59 về việc H3 bán café cho V2, đã thực hiện 97% nhưng V2 chỉ mới chuyển cho H3 2 ủy nhiệm chi hơn 14 tỷ đồng, trong khi đó giá trị hợp đồng đã thực hiện là hơn 28 tỷ đồng. Như vậy V2 còn nợ H3 hơn 14 tỷ đồng.

- Năm 2011 hai bên ký kết Hợp đồng số 63 nội dung công ty H3 bán cho V2 1.000 tấn café. Theo điều khoản Hợp đồng thì V2 ứng trước cho bên bán 70% giá trị hợp đồng. Hợp đồng được giao kết đúng quy định pháp luật. Thực tế Hợp đồng 63 phù hợp về hình thức nội dung theo quy dịnh pháp luật, là Hợp đồng kinh tế. Đảm bảo việc thực hiện mua bán giữa 2 bên. Công ty H3 đã giao hàng cho V2. Tổng số lượng café là hơn 3000 kg tại kho V2. Đây là chứng cứ chứng minh Hợp đồng 63 được thực hiện 1 phần. Sau đó do giá café đi xuống bị cáo T8 không đồng ý theo Hợp đồng 63, nên Hợp đồng 63 được cấn trừ cho các Hợp đồng số 09 và 11, và việc cấn trừ Hợp đồng 59 ký trước Hợp đồng 63. Phiếu nhập kho 0031, 0032, 0034, 0001 cùng ngày 01/02/2012, 0018 ngày 11/02/2012 và phiếu nhập kho không số ghi ngày 07/02/2012 có lý do ghi nhập hàng theo Hợp đồng 63. Như vậy đủ cơ sở chứng minh hợp đồng 63 đã được thực hiện.

- Hợp đồng số 63 không có nội dung vay nợ giữa công ty H3 và V2. Việc V2 chuyển tiền trước là ứng trước 70% giá trị Hợp đồng. Tại BL 6409 V2 trả lời việc tính lãi theo hợp đồng vốn là có sự vi phạm. việc tính lãi 21% là bảo toàn vốn cho V2 là cơ sở chứng minh đây là hợp đồng kinh tế. Theo Biên bản đối chiếu công nợ, Biên bản thanh lý hợp đồng (BL 3223), Biên bản thanh lý (BL 2383) thể hiện Hợp đồng số 63 là có thật. Và việc tính lãi không chỉ áp dụng đối với số tiền ứng trước Hợp đồng 63, mà còn áp dụng với các Hợp đồng khác. Đây là nguyên tắc bảo toàn vốn cho V2.

- Bản án sơ thẩm đã hình sự hóa quan hệ dân sự là không đúng hành vi vì có sự mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo và người liên quan. Lời khai bà D48, bà H49 cho rằng không biết có đối chiếu công nợ. Tuy nhiên trong các ủy nhiệm chi đều ghi rõ thanh toán tiền hành theo Hợp đồng 63. Việc bà D48, bà H49 cho rằng không biết là không hợp lý. Cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm căn cứ vào lời khai này là oan sai cho bị cáo - Lời khai bị cáo tại các phiên tòa trước đây bị cáo khai là bị mớm cung, ép cung, yêu cầu đối chất với điều tra viên nhưng không được chấp nhận. Bản giải trình của bị cáo có nội dung do giá café đi xuống nên không tiếp tục thực hiện Hợp đồng 63 là có lợi cho V2 nhưng không được cơ quan tiến hành tố tụng xem xét.

- Lời khai của bị cáo T8 xác định có ký Hợp đồng 63 để mua café, do Hợp đồng 63 chưa đến hạn giao hàng, và V2 đã ứng trước cho H3. Bị cáo T8 xác định 2 bên thỏa thuận dùng cấn trừ qua Hợp đồng 59. Lời khai của bị cáo V và chứng cứ nhập kho theo Hợp đồng 63 là không nhằm mục đích đối chiếu công nợ không phù hợp với chứng cứ trong hồ sơ, và có mâu thuẫn với nhau. Mặc dù bị cáo V khai Hợp đồng 63 là khống, nhưng bị cáo đối chiếu công nợ phù hợp với lời khai của bị cáo T8, Tiền. Bị cáo V cho rằng phiếu nhập kho dùng đối chiếu nội bộ là không đúng vì thời điểm Hợp đồng 11 thì giá café đã xuống thấp.

- Bản án sơ thẩm nhận định không đúng bản chất sự việc, cấp sơ thẩm không chứng minh được Tiền có thỏa thuận với Tuyến. Việc tính lãi là nguyên tắc bảo hoàn vốn cho V2.

Cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm chỉ dựa vào lời khai mâu thuẫn, suy đoán có tội cho bị cáo là vi phạm nguyên tắc của luật hình sự. Bản án sơ thẩm bỏ qua việc thanh toán công nợ giữa công ty H3 với V2, dù công ty H3 đã gán tài sản cho T22 để trả nợ cho V2 là trái quy định Điều 315, 316 Bộ luật dân sự. Mặt khác giá trị nhà xưởng H3 còn cao hơn so với số nợ của H3 với V2. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo xác định theo kết luận giám định nhà xưởng H3 là 58 tỷ đồng, trong khi chỉ nợ hơn 10 tỷ đồng.

Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo T, tuyên bị cáo không phạm tội hoặc hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Người bào chữa cho bị cáo Trần Thanh T (luật sư Dương Thị Diệu T7) phát biểu:

Trong quá trình điều tra dù lời khai ban đầu của bị cáo T là bất lợi cho bị cáo, nhưng trong vụ việc này Hợp đồng 63 là có thật, Hợp đồng 11 là không có thật. Vì việc giao hàng Hợp đồng 63 đã giao 250 tấn café, Hợp đồng 11 chỉ ký sau 2 ngày giao 250 tấn theo Hợp đồng 63. Thực tế ngày 07/12/2011 không có việc giao hàng mà hàng đã giao từ ngày 05/12/2011. So sánh 3 loại chứng từ phiếu nhập kho, giấy báo có, biên bản xác nhận công nợ và Hợp đồng 11 thì không có việc giao hàng theo Hợp đồng 11, mà hàng giao là theo Hợp đồng số 63. Trong quá trình đó V2 đã ép công ty H3 ký Hợp đồng 11.

Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, người bào chữa không nhận thấy dòng tiền mà V2 chuyển cho công ty H3. Phiếu do bà Trần Thị Thúy H49 lập, trong khi phiếu nhập kho được ghi bởi 5 người không được ghi nhận, chỉ ghi nhận phiếu do bà H49 lập là vô lý.

Về việc chuyển giao nghĩa vụ giữa công ty T22, công ty H3, V2 thì các bên có ký 2 biên bản 31/3/2013 và 06/4/2013 là các biên bản đối chiếu công nợ. Việc này là lỗi của Trung tâm xuất nhập khẩu. Việc chuyển giao tài sản giữa công ty T22 và công ty H3 là giao dịch có điều kiện, nhưng công ty T22 chưa thực hiện nghĩa vụ. Tòa án cấp sơ thẩm đã bỏ sót giao dịch giữa công ty T22 với công ty H3, cần phải xem xét giao dịch đó là có hiệu lực hay không có hiệu lực để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo.

Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại bản án sơ thẩm và hồ sơ vụ án.

Các bị cáo Võ Quan Vinh, Trần Thanh T đồng ý với nội dung trình bày của người bào chữa cho các bị cáo, giữ nguyên nội dung đã trình bày.

Đại diện Ngân hàng Exibank và Agribank giữ nguyên ý kiến trình bày, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo về việc hủy Lệnh kê biên tài sản số 14/C46-P11 ngày 15/4/2016 của Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ công an.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác,

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Đơn kháng cáo của các bị cáo Võ Quang V, Trần Thanh T; Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu V (Eximbank), Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn V (Agribank) làm trong hạn luật định và hợp lệ.

[2] Tổng Công ty C – Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước. Trung tâm xuất nhập khẩu V2 là Chi nhánh của Tổng Công ty C.

Nguyễn Công H25 là Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty C – Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (sau đây gọi tắt là Tổng Công ty C), kiêm chức vụ Giám đốc V2 kể từ khi thành lập đến ngày 31/5/2011. Phạm Trung T8 giữ chức vụ Giám đốc V2 kể từ ngày 01/6/2011 đến ngày 18/9/2013. Võ Quang V là Phó phòng Phụ trách phòng Tài chính kế toán của V2 kể từ ngày 06/9/2011 đến ngày 14/4/2012. Trương Đăng K9 giữ chức vụ Phó phòng Kinh doanh của V2 kể từ ngày 06/9/2011.

Nguyễn Hồng H11 là Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Nông sản B12 (sau đây gọi là Công ty B12). Trần Thanh T là Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn H3 (sau đây gọi là Công ty H3).

[3] Ngày 08/11/2010, Tổng Công ty C và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương V - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Techcombank) ký Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng số 68/10K/HĐHMTD/TCB-CBI với nội dung như sau: Techcombank đồng ý cho cho Tổng Công ty C vay vốn để bổ sung vốn lưu động kinh doanh cà phê với hạn mức tín dụng là 200.000.000.000đ hoặc là USD tương đương, thời hạn cấp hạn mức tín dụng là 12 tháng tính từ 08/11/2010 đến 08/11/2011 (bl.2442). Sau khi ký hợp đồng vừa nêu, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty C đã ký 04 giấy ủy quyền (gồm Giấy ủy quyền 623/TCT-HĐTV/UQ ngày 19/6/2011; Giấy ủy quyền 928/TCT- HDTV/UQ ngày 04/11/2011; Giấy ủy quyền 208/TCT-HÐTV/UQ ngày 21/03/2012 và Giấy ủy quyền 838/TCT-HDTV/UQ ngày 12/9/2012), ủy quyền cho V2 được quyền trực tiếp giao dịch, ký kết hợp đồng tín dụng vay vốn của Techcombank để thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê niên vụ 2011–2012. Giám đốc V2 phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, bảo toàn và phát triển vốn.

Lợi dụng vào các văn bản ủy quyền đã nêu, trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2012, H25, T8, V và một số cá nhân khác đã có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đó là lợi dụng chức vụ quyền hạn, lấy danh nghĩa V2 vay tiền của Techcombank, ký các hợp đồng khống để hợp thức hóa việc cho Công ty B12 vay lại; sử dụng tiền của V2 cho Công ty H3 vay và sử dụng vào các mục đích không rõ ràng, dẫn đến việc gây thiệt hại cho V2 gần 25.000.000.000đ. Hành vi của Phạm Trung T8, Võ Quang V đã vi phạm quy định Điều 6 và Điều 14 Luật Kế toán năm 2003, đó là không phản ánh đầy đủ nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh vào chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính; không phản ánh trung thực hiện trạng, bản chất sự việc, nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế, tài chính.

Vi phạm quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 9 Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 05/02/2009 của Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý tài chính của Công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác, đó là huy động vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác nhưng không đảm bảo khả năng thanh toán nợ; sử dụng vốn vay không đúng mục đích, không có hiệu quả.

Hành vi của Nguyễn Hồng H11, Trần Thanh T là đồng phạm - giúp sức cho Phạm Trung T8 trong cùng vụ án.

V2 là chi nhánh của Tổng Công ty C, nên thiệt hại của V2 như đã vừa nêu cũng chính là thiệt hại của Tổng Công ty C. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước. Các bị cáo nhận thức được hành vi của mình là sai trái nhưng vẫn cố ý vi phạm.

Đối chiếu với các quy định của pháp luật có hiệu lực trong thời gian mà các bị cáo có hành vi vi phạm, có đủ cơ sở kết luận các bị cáo đã phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999. Mặc dù, tội phạm vừa nêu không còn được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 nhưng theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về thi hành Bộ luật hình sự 2015 thì các bị cáo vẫn bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999.

Vì vậy, với các hành vi như đã nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên bố các bị cáo Phạm Trung T8, Võ Quang V, Nguyễn Hồng H11, Trần Thanh T phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

[4] Xét kháng cáo của các bị cáo Trần Thanh T, Võ Quang V: [4.1] Đối với kháng cáo của bị cáo Trần Thanh T:

Các bị cáo Phạm Trung T8, Võ Quang V và Trần Thanh T lập khống hợp đồng mua bán cà phê giữa V2 với Công ty H3 do Tiền làm giám đốc để hợp thức hóa việc chuyển 24.100.000.000đ của V2 (chuyển trong khoảng thời gian từ 15/09/2011 đến ngày 21/10/2011) cho Công ty H3 vay với lãi suất 21%/năm. Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ, Công ty H3 không có khả năng trả nợ đầy đủ cho V2. Trong vụ án này, mặc dù bị cáo Trần Thanh T không phải là người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, bị cáo cũng biết rõ V2 không có chức năng kinh doanh tài chính, không được cho vay tiền, nhưng vì động cơ vụ lợi, Tiền đã cấu kết với Tuyến tham gia vào việc ký các hợp đồng giả tạo giữa Công ty H3 với V2 để vay tiền của V2, dẫn đến việc gây thiệt hại cho V2 10.846.844.493đ.

Hành vi của bị cáo Trần Thanh T đã góp phần cùng với Tuyến và Vinh gây thiệt hại cho V2 10.846.844.493đ, (đây xác định là khoản nợ gốc mà Tổng Công ty C bị thiệt hại); nên bị cáo T được xác định là đồng phạm với vai trò giúp sức của Tuyến và Vinh.

Theo đó, để hợp thức hóa việc vay tiền từ V2, ngày 13/9/2011, Tuyến và Tiền đã ký hợp đồng mua bán số 63/11/HĐCF có nội dung: V2 mua 1.000 tấn cà phê của Công ty H3 với giá 42.000.000.000đ. Từ ngày 15/9/2011 đến ngày 21/10/2011, theo chỉ đạo của Tuyến, Vinh đã chuyển 24.100.000.000đ cho công ty H3 vay. Sau khi V2 cho Công ty H3 vay 24.100.000.000đ, hai bên đã theo dõi và khấu trừ vào các hợp đồng mua bán cà phê giữa hai bên, thì Công ty H3 còn nợ V2 10.846.844.493đ tiền gốc. Xác minh tại Chi cục thuế huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng và tại Công ty H3 xác định được như sau: Công ty H3 đã dừng hoạt động từ đầu năm 2013 đến nay. Sau khi nhận 24.100.000.000đ của V2, Tiền đã sử dụng vào việc kinh doanh cà phê và trả nợ ngân hàng. Công ty H3 duy nhất do ông Tiền thành lập, chỉ đạo và chịu mọi trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh. Hiện tại, Công ty H3 và Tiền không có khoản thu nhập hợp pháp nào, hiện không sở hữu bất kỳ tài sản gì.

Bị cáo T kháng cáo cho rằng Hợp đồng số 63 là có thật, là giao dịch dân sự. Tuy nhiên, Hợp đồng 63/11/HĐCF có nội dung: V2 mua của Công ty H3 1.000 tấn cà phê với giá 40.000.000.000đ (chưa bao gồm thuế VAT), thời hạn giao hàng chậm nhất là ngày 15/12/2011; V2 sẽ ứng trước cho Công ty H3 70% giá trị hợp đồng (chưa bao gồm thuế VAT). Căn cứ vào hợp đồng vừa nêu, từ ngày 15/9/2011 đến ngày 21/10/2011, V2 đã chuyển cho Công ty H3 số tiền 24.100.000.000đ.

Tuy nhiên, không có căn cứ xác thực nào chứng minh V2 và Công ty H3 đã hoặc đang thực hiện hợp đồng 63/11/HĐCF. Trong các biên bản đối chiếu công nợ giữa V2 với Công ty H3 không thể hiện hai bên đã ký và thực hiện hợp đồng này. Theo tài liệu báo cáo, kê khai thuế của V2 từ tháng 9/2011 đến tháng 9/2012 cũng không thể hiện có việc kê khai, báo cáo thuế liên quan đến việc V2 mua 1.000 tấn cà phê của Công ty H3 theo hợp đồng số 63/11/HĐCF. Theo các phiếu nhập kho số 0031/PN ngày 28/01/2012, 0032/PN ngày 30/01/2012, 0034/PN ngày 31/01/2012, 0001/PN ngày 01/02/2012, 0018/PN ngày 11/02/2012 và phiếu nhập kho không số ghi ngày 07/02/2012 của V2 (do Tiền cung cấp) có ghi lý do nhập hàng là “Nhập mua theo hợp đồng số 63”, với tổng lượng hàng nhập kho là 387.621kg. Nhưng khi đối chiếu công nợ vào ngày vào 27/02/2012, V2 và Công ty H3 tính lượng hàng đã đề cập cho Hợp đồng số 09 và 11 mà không phải là hợp đồng số 63/11/HĐCF. Theo báo cáo giải trình của V2 và lời trình bày của bị cáo T8 tại phiên tòa thì các phiếu nhập kho đã đề cập thực chất cũng chỉ là tài liệu lưu hành nội bộ trong V2, nhằm kiểm soát lượng hàng nhập về V2 (BL 6549).

Mặt khác, tất cả các phiếu nhập kho đã nêu đều ghi thời gian nhập hàng là đầu năm 2012. Trong khi vào thời điểm ngày 30/9/2011, thì giữa V2 với Công ty H3 đã có biên bản đối chiếu xác nhận công nợ với nhau liên quan đến khoản tiền vay 24.100.000.000đ.

Tại Cơ quan điều tra, bà Đặng Thị Phương D48 (nguyên là kế toán công nợ của V2) và bà Trần Thị Thúy H49 (nguyên là Phó phòng tài chính kế hoạch của V2) khai rằng: Khi tham gia đối chiếu công nợ với Công ty H3 được ghi nhận tại các biên bản đối chiếu công nợ, bà D48 và bà H49 không biết việc V2 và Công ty H3 có ký kết Hợp đồng 63/HĐCF ngày 13/9/2011. Do vậy, mới hạch toán số tiền 24.100.000.000đ đã chuyển cho Công ty H3 để thanh toán cho các hợp đồng khác mà hai bên đang thực hiện; số tiền còn lại mà Công ty H3 phải trả thì tính lãi suất 21% năm.

Thực chất thì khối lượng cà phê đã đề cập ở trên, là do Tuyến mua của Cơ sở L31 nhưng do Cơ sở L31 không xuất được hóa đơn VAT nên khi đối chiếu công nợ, V2 đã tính cho Công ty H3 theo hợp đồng số 09, 11 và bù trừ với số tiền 24.100.000.000đ cho Công ty H3 vay.

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, T8 và V đều khẳng định rằng Hợp đồng 63/HĐCF được ký khống. Còn đối với bị cáo T trong giai đoạn điều tra ban đầu, T khai rằng Hợp đồng số 63/11/HĐCF ngày 13/9/2011 là hợp đồng giả tạo, việc ký kết là chỉ nhằm mục đích làm căn cứ để V2 chuyển tiền cho Công ty H3 vay. Sau khi phát sinh khoản nợ phải trả cho V2, T đã chuyển nhượng 19.521m2 đất cùng nhà kho có diện tích 5.000m2 và dây chuyền chế biến cà phê chất lượng cao được lắp đặt tại thị trấn Đ, huyện L, tỉnh Lâm Đồng cho Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu cà phê T22 để Công ty này nhận thay các khoản nợ mà Công ty H3 phải trả cho Ngân hàng Eximbank - Chi nhánh Đ, Ngân hàng SHB – Chi nhánh Đ, Chi Cục thuế huyện L và V2. T và T8 đã thống nhất ký khống hợp đồng số 63/11/HĐCF để V2 làm cǎn cứ chuyển 24.100.000.000đ cho Công ty H3 vay. Ngoài việc nợ V2, Công ty H3 còn nợ Công ty thực phẩm M 232.880.367.500đ. Do làm ăn thua lỗ, T không còn tài sản, không có khả năng trả nợ cho V2.

Từ những phân tích trên đây, xét yêu cầu kháng cáo của bị cáo Trần Thanh T về việc cho rằng bị cáo không phạm tội là không có căn cứ để chấp nhận.

[4.2] Đối với kháng cáo của bị cáo Võ Quang V:

Trong suốt quá trình điều tra cũng như tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm bị cáo Võ Quang V đều thành khẩn nhận tội. Theo đó, bị cáo V là người đã tham gia vào việc cố ý làm trái hầu hết các vụ việc. Bị cáo biết rõ việc Phạm Trung T8 chỉ đạo bị cáo làm là trái pháp luật, nhưng bị cáo vẫn thực hiện theo sự chỉ đạo của T8, góp phần vào việc gây thiệt hại cho V2 số tiền 23.004.828.965đ.

Về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo phạm tội nhiều lần nên cần áp dụng điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999 để tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bị cáo thành khẩn khai báo, nhận tội, ăn năn hối cải; khi phạm tội tuổi đời còn trẻ; Bị cáo là nhân viên dưới quyền của Tuyến nên phần nào bị lệ thuộc vào T8; Tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án. Đây là các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s và t khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định đánh giá mức độ vai trò tham gia của bị cáo, áp dụng đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và Điều 54, Điều 58 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo với mức án dưới mức thấp nhất trong khung hình phạt là có căn cứ.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo cung cấp 01 biên lai số 0004555 ngày 26/4/3023 thể hiện việc bản thân đã nộp số tiền 200.000.000đ để khắc phục một phần hậu quả; Ngoài ra còn có 01 Giấy khen của Uỷ ban mặt trận Tổ quốc xã H, Thành phố B, tỉnh Đắk Lắk khen thưởng bị cáo về những thành tích tiêu biểu trong công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương; Đại diện hợp pháp của bị hại là Tổng công ty V2 cũng tha thiết xin giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo. Xét thấy, đây là những tình tiết giảm nhẹ mới tại cấp phúc thẩm.

Mặc dù số tiền bị cáo khắc phục thêm chưa nhiều so với thiệt hại gây ra, nhưng việc bồi thường thiệt hại đã thể hiện thái độ ăn năn hối lỗi của bị cáo bằng việc làm cụ thể; Mặt khác bất cứ số tiền nào bị cáo nộp nhằm khắc phục hậu quả góp phần thu hồi lại tài sản cho Nhà nước, đều cần được khuyến khích và coi trọng.

Vì vậy, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo về việc xin giảm nhẹ một phần hình phạt tù, qua đó cũng thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội.

[5] Về trách nhiệm dân sự của bị cáo Võ Quang V và bị cáo Trần Thanh T:

[5.1] Bị cáo T8, V và H11 đã gây thiệt hại cho Tổng Công ty C 10.680.894.472đ, số tiền này được xác định là khoản tiền gốc mà V2 cho Công ty B12 vay nhưng không thu hồi được. Ngoài ra, theo các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ thể hiện, ngày 31/12/2013 do V2 không trả được các khoản nợ vay cho các ngân hàng nên Tổng Công ty C đã phải sử dụng 47.889.028.056đ (tiền thoái vốn tại V2 Biên Hòa) để thay V2 trả các khoản nợ cho các ngân hàng. Trong số tiền mà Tổng Công ty C thay V2 đứng ra trả cho Techcombank theo khế ước nhận nợ 10272 và 10273 cùng ngày 31/12/2011 có 210.875,75USD (tương đương 5.000.000.000 đồng vào thời điểm thanh toán) là tiền lãi và lãi phạt. Do vậy, thiệt hại của V2 xuất phát từ hành vi của V, T8 và H11 là 15.680.894.472đ. Vì không có căn cứ để xác định phần thiệt hại mà mỗi bị cáo gây ra, nên cần buộc trách nhiệm liên đới bồi thường của các bị cáo T8, V và H11 đối khoản bồi thường đã nêu là như nhau.

[5.2] Đối với việc T8, V và T đã gây thiệt hại cho Tổng Công ty C 10.846.844.943đ và T8, V còn gây thiệt hại cho Tổng Công ty C 1.477.000.000đ. Đây là khoản nợ gốc mà Tổng Công ty C bị thiệt hại. Do vậy, buộc T8, V và T phải liên đới bồi thường cho Tổng Công ty C 10.846.844.943đ; Buộc T8 và V phải liên đới bồi thường cho Tổng Công ty C 1.477.000.000đ. Do không có căn cứ để xác định phần thiệt hại mà mỗi bị cáo gây ra. Do vậy, cần tuyên buộc phần trách nhiệm liên đới bồi thường của mỗi bị cáo đối với các khoản tiền đã nêu là như nhau.

Đối với việc T8 và V còn phải liên đới bồi thường cho Tổng Công ty C 1.477.000.000đ, sau này khi bắt được K9 thì T8 và V có quyền yêu cầu K9 bồi thường lại một phần theo quy định của pháp luật, là phù hợp.

[6] Xét kháng cáo của Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu V (Eximbank), Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn V (Agribank):

[6.1] Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu V (Eximbank) đã ký hợp đồng tín dụng và giải ngân cho công ty T22 vay số tiền gốc là 10.600.000.000đ. Tài sản bảo đảm là 04 quyền sử dụng đất có diện tích 19.521m2 (thuộc các thửa 104, 105, 247, 313 tờ bản đồ số 52, 53) và tài sản gắn liền với đất là: Nhà máy chế biến cà phê chất lượng cao, diện tích xây dựng 5.000m2 tại Khu phố X, thị trấn Đ, huyện L, tỉnh Lâm Đồng.

Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn V (Agribank) đã ký hợp đồng tín dụng và giải ngân cho Phạm Trung T8 vay số tiền 4.900.000.000đ. Tài sản bảo đảm là dây chuyền thiết bị chế biến cà phê được lắp đặt trên 5.000m2 nhà kho tại Khu phố X, thị trấn Đ, huyện L, tỉnh Lâm Đồng.

[6.2] Toàn bộ số tài sản đã nêu có nguồn gốc của Công ty H3, Công ty H3 đã chuyển nhượng lại cho Công ty T22 vào ngày 21/8/2012. Công ty T22 đã thế chấp cho Eximbank – Chi nhánh Đ và Agribank – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo cho các khoản nợ vay. Giao dịch giữa Công ty T22 với Eximbank – Chi nhánh Đ và Agribank – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh là không trái pháp luật. Để đảm bảo quyền lợi cho Eximbank và Agribank cũng như Tổng Công ty C, cần tiếp tục duy trì kê biên các tài sản đã nêu để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ của Công ty T22 đối với Eximbank và Agribank liên quan đến các hợp đồng đã giao kết. Trong trường hợp phải phát mãi để thi hành nghĩa vụ thì phần tiền còn dư sẽ được thanh toán cho nghĩa vụ của bị cáo T8 với Tổng Công ty C. Do vậy, Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu V (Eximbank), Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn V (Agribank) kháng cáo yêu cầu hủy lệnh kê biên và được quyền tự xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng thế chấp là không có căn cứ chấp nhận.

[7] Các nhận định đã nêu trên đây cũng là căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa, kháng cáo của các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng như ý kiến bào chữa, tranh luận của các luật sư và những người tham gia tố tụng.

[8] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[9] Án phí hình sự phúc thẩm:

Bị cáo Trần Thanh T phải chịu do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận.

Bị cáo Võ Quang V không phải chịu.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a, b khoản 1 Điều 355, Điều 356. Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Không chấp nhận các yêu cầu kháng cáo của: Bị cáo Trần Thanh T; Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu V (Eximbank), Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn V (Agribank).

Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị cáo Võ Quang V Sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm số 433/2022/HS-ST ngày 15/9/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về phần hình phạt đối với bị cáo Võ Quang V; Giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 433/2022/HS-ST ngày 15/9/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với các nội dung còn lại.

Tuyên xử:

1. Áp dụng khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999, đã được sửa đổi bổ sung 2009; khoản 2 Điều 51, Điều 58 Bộ luật hình sự năm 2015, đã được sửa đổi bổ sung 2017; điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, Xử phạt bị cáo Trần Thanh T 06 (sáu) năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”;

Thời hạn tù tính từ ngày chấp hành án.

2. Áp dụng khoản 3 Điều 165, điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999, đã được sửa đổi bổ sung năm 2009; điểm b, s và t khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54, Điều 58 Bộ luật hình sự năm 2015, đã được sửa đổi bổ sung 2017; điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, Xử phạt bị cáo Võ Quang V 05 (năm) năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”;

Thời hạn tù tính từ ngày chấp hành án được trừ đi thời hạn tạm giữ, tạm giam trước từ ngày 09/6/2015 đến ngày 01/7/2016.

3. Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999, đã được sửa đổi bổ sung 2009; Điều 587 Bộ luật dân sự năm 2015, 3.1. Buộc bị cáo Phạm Trung T8, Võ Quang V và Nguyễn Hồng H11 phải liên đới bồi thường cho Tổng Công ty C 15.680.994.702đ (mười lăm tỷ, sáu trăm tám mươi triệu, chín trăm chín mươi bốn nghìn, bảy trăm lẻ hai đồng), phần bồi thường của từng bị cáo đối với Tổng Công ty C là bằng nhau.

3.2. Buộc bị cáo Phạm Trung T8, Võ Quang V và Trần Thanh T phải liên đới bồi thường cho Tổng Công ty C 10.846.844.493đ (mười tỷ, tám trăm bốn mươi sáu triệu, tám trăm bốn mươi bốn nghìn, bốn trăm chín mươi ba đồng), phần bồi thường của từng bị cáo đối với Tổng Công ty C là bằng nhau.

3.3. Buộc bị cáo Phạm Trung T8 và Võ Quang V phải liên đới bồi thường cho Tổng Công ty C 1.477.000.000đ (một tỷ, bốn trăm bảy mươi bảy triệu đồng), phần bồi thường của từng bị cáo đối với Tổng Công ty C là bằng nhau.

Số tiền 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng) mà bị cáo Võ Quang V đã nộp theo biên lai thu số 0004555 ngày 26/4/3023 của Cục thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được xem xét đối trừ phần trách nhiệm dân sự của bị cáo trong giai đoạn thi hành án.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của Tổng Công ty C cho đến khi thi hành xong nghĩa vụ bồi thường như đã nêu, bị cáo còn phải trả thêm tiền lãi cho người được thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 và khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

4. Tách phần dân sự liên quan đến việc Tổng Công ty C yêu cầu bị cáo Phạm Trung T8, Võ Quang V, Trần Thanh T, Nguyễn Hồng H11 phải phả bồi thường thiệt hại tương ứng với mức lãi suất 9%/năm tính trên số tiền gốc đã gây thiệt hại để giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự.

5. Tiếp tục duy trì Lệnh kê biên tài sản số 14/C46-P11 ngày 15/4/2016 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Bộ Công an về việc kê biên Quyền sử dụng 19.521m2 đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cùng 5.000m2 nhà kho tại thị trấn Đ, huyện L, tỉnh Lâm Đồng theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BI 583989 ngày 28/8/2012 do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cấp và Dây chuyền thiết bị chế biến cà phê được lắp đặt trong 5.000m2 nhà kho cùng các tài sản khác gắn liền với 19.521m2 đất mà Lệnh kê biên đã đề cập, để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ của Công ty T22 đối với Ngân hàng Agribank và Eximbank tương ứng với các hợp đồng liên quan mà các bên đã ký kết.

Trong trường hợp, phải phát mãi các tài sản đã nêu để thực hiện nghĩa vụ của Công ty T22 đối với Agribank và Eximbank mà sau khi thực hiện nghĩa vụ, tiền phát mãi vẫn còn dư thì sẽ được sử dụng để thi hành nghĩa vụ của Phạm Trung T8 với Tổng Công ty C.

6. Các quyết định khác tại mục 1, 4, 7, 8, 9, 10, 12 phần quyết định của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

7. Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Trần Thanh T phải chịu 200.000 đồng. Bị cáo Võ Quang V không phải chịu.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cư ng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 7a, Điều 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự (đã được hợp nhất năm 2020).

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

288
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 264/2023/HS-PT về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

Số hiệu:264/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 05/05/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;