Bản án 263/2020/HSPT về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 263/2020/HSPT NGÀY 06/06/2020 VỀ TỘI TỔ CHỨC NGƯỜI KHÁC TRỐN ĐI NƯỚC NGOÀI

Ngày 06 tháng 6 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 901/2019/TLPT-HS ngày 11 tháng 11 năm 2019 đối với các bị cáo Nguyễn Thị D và Lê Đức M, do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 113/2019/HS-ST ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An.

* Các bị cáo có kháng cáo:

1. Nguyễn Thị D, tên gọi khác: không; sinh năm 1974; giới tính: Nữ; nơi đăng ký HKTT: Số nhà 17, ngõ 95, đường N, khối 11, phường C, thành phố V, tỉnh Nghệ An; nay thay đổi nơi ở: Số 6 ngõ 122 đường N, khối 10, phường C, thành phố V, tỉnh Nghệ An; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 07/12; con ông: Nguyễn Tống B và bà Vũ Thị T; chồng: Đặng Danh L; con: Có 02 con, con lớn sinh năm 2002, con nhỏ sinh năm 2004; tiền án, tiền sự: Không. Bị bắt, tạm giữ, tạm giam kể từ ngày 07/12/2018, đến ngày 03/3/2019, được thay đổi sang biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, (có mặt);

2. Lê Đức M, tên gọi khác: Không; sinh năm 1984; giới tính: Nam; nơi đăng ký HKTT: Số 88 ngách 173/63, đường H, phường N, quận B, thành phố Hà Nội; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: Đại học; con ông: Lê Đức D1 và bà Trần Minh H; vợ: Trần Thị T1 (đã ly hôn); tiền án, tiền sự: Không; Bị bắt tạm giữ kể từ ngày 11/3/2019, đến ngày 14/3/2019 hết lệnh gia hạn tạm giữ lần thứ nhất được thay đổi sang biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, (có mặt).

Người bào chữa cho bị cáo Lê Đức M: Ông Phạm Tiến D2, ông Lê Duy T2 - Luật sư Công ty luật TNHH T, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, (có mặt).

Ngoài ra trong vụ án còn có bị cáo Trần Thị Thanh X không có kháng cáo và không bị kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng tháng 3/2018, Nguyễn Thị D quen biết với Lê Đức M. Lê Đức M tự nhận mình là Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần thương mại hợp tác Toàn Cầu và có khả năng đưa người Việt Nam đi lao động tại Cộng hòa liên bang Đức và Ba Lan đồng thời có thể đưa các lao động từ Cộng hòa liên bang Nga sang Ba Lan và Cộng hòa liên bang Đức lao động. Nguyễn Thị D và Lê Đức M đã thỏa thuận hợp tác làm ăn với nhau, cụ thể: Nguyễn Thị D có trách nhiệm tìm lao động rồi chuyển cho Lê Đức M để M đưa các lao động đi sang Đức và Ba Lan. Sau đó, Lê Đức M đưa thông tin các đơn hàng đi lao động tại Đức, Ba Lan cho Nguyễn Thị D để D đăng lên trang cá nhân trên mạng xã hội Facebook, Zalo để tìm người. Nguyễn Thị D đã đăng lên trang mạng xã hội của mình đơn hàng đi lao động tại Đức làm nông nghiệp, chế biến thực phẩm và đơn hàng đi lao động tại Ba Lan làm thiết bị y tế.

Khoảng tháng 3/2018, Nguyễn Thị D quen biết với Trần Thị Thanh X, trú tại khối 12, phường T, thành phố V, tỉnh Nghệ An. Nguyễn Thị D và Trần Thị Thanh X cũng trao đổi, thỏa thuận về việc tìm người để D đưa sang Ba Lan lao động, X sẽ tự nâng chi phí khi báo với các lao động để hưởng lợi. Sau đó, X đã lấy thông tin các đơn hàng đi lao động tại Ba Lan làm thiết bị y tế từ trang mạng cá nhân của D, rồi đăng lại thông tin các đơn hàng trên trang cá nhân mạng xã hội của mình để tuyển lao động.

Khoảng tháng 5/2018, Lê Sỹ Đ trú tại xóm 8, xã H, huyện H, tỉnh Nghệ An, thông qua mạng xã hội đã liên hệ với Nguyễn Thị D về việc muốn đi lao động tại Cộng hòa liên bang Đức. D đã tư vấn cho Lê Sỹ Đ đơn hàng đi trồng nấm; lương tháng khoảng 2.200 (hai nghìn hai trăm) euro; chi phí 13.000 (Mười ba nghìn euro) khi sang đến Đức mới phải thanh toán tiền; thủ tục bao gồm hộ chiếu, bản sao chứng minh nhân dân, hộ khẩu, lý lịch cá nhân, ảnh, bảo hiểm xã hội.

Khoảng đầu tháng 6/2018, Phan Thị D3, trú tại khối 2, phường T, thành phố V, tỉnh Nghệ An, đã đặt vấn đề nhờ X làm thủ tục cho em trai là Phan Anh H1, trú tại xã X, huyện N, tỉnh Hà Tĩnh đi sang Ba Lan lao động. Trần Thị Thanh X đã tư vấn cho Phan Thị D3 đưa Phan Anh H1 sang Ba Lan theo đơn thiết bị y tế, lương tháng từ 15.000.000 đồng đến 17.000.000 đồng, chi phí là 12.000 (mười hai nghìn) đô la Mỹ đặt cọc trước 1.000 (một nghìn) đô la Mỹ, hồ sơ gồm hộ chiếu, bản sao chứng minh nhân dân, hộ khẩu, lý lịch cá nhân, ảnh, bảo hiểm xã hội thì D3 đồng ý. Vào khoảng tháng 7, Phan Thị D3 đã nộp toàn bộ hồ sơ của Phan Anh H1 và 23.000.000 (hai mươi ba triệu) đồng tương đương 1.000 (một nghìn) đô la Mỹ tiền đặt cọc cho Trần Thị Thanh X để làm thủ tục đưa Phan Anh H1 sang Ba Lan lao động. Sau đó Trần Thị Thanh X đã giao toàn bộ hồ sơ của Phan Anh H1 cho Nguyễn Thị D để làm thủ tục đưa H1 sang Ba Lan lao động.

Khoảng cuối tháng 6/2018, Lê Đức M thông báo cho Nguyễn Thị D và Trần Thị Thanh X là không thể đưa người Việt Nam đi xuất khẩu lao động tại các nước Ba Lan và CHLB Đức bằng con đường trực tiếp được nữa. Nguyễn Thị D hỏi Lê Đức M “thế các bộ hồ sơ đã thu của lao động bây giờ xử lý như thế nào?” thì M trả lời “cứ để từ từ”. Trước đây, D có quen Nguyễn Thị Q trú tại số 1505, chung cư H, tổ 4, phường T, quận L, thành phố Hà Nội là Giám đốc Công ty du học GES địa chỉ tại số 29, đường Q, quận Đ, thành phố Hà Nội. Q đã từng trao đổi với D là có người quen mở công ty may tại Nga đang cần lao động. Nguyễn Thị Q nói với Nguyễn Thị D có ai muốn đi làm may tại Nga thì giới thiệu để Q đưa sang Nga lao động. Lương tháng tại Nga từ 500 USD -700 USD ăn theo sản phẩm, chi phí 2.200 (hai nghìn hai trăm) đô la Mỹ do Công ty chịu trách nhiệm chi trả và sẽ trừ vào lương hàng tháng tại Nga, đặt cọc trước 500 (năm trăm) đô la Mỹ sẽ trả lại khi lao động đã sang Cộng hòa liên bang Nga làm việc, hồ sơ gồm lý lịch cá nhân, hộ chiếu, ảnh. Nên, Nguyễn Thị D nói với Lê Đức M là D có thể đưa người sang Nga lao động thì M nói: “chị cứ đưa người sang Nga đi, sau 1-3 tháng em sẽ đưa họ từ Nga sang Ba Lan và Cộng hòa liên bang Đức”. Nguyễn Thị D và Lê Đức M thống nhất chi phí đi từ Nga sang Ba Lan là 3.500 (ba nghìn năm trăm) đô la Mỹ và đi từ Nga sang Đức là 7.000 (bảy nghìn) đô la Mỹ, đặt cọc trước 1.000 (một nghìn) đô la Mỹ số tiền còn lại sẽ thanh toán khi đến Đức và Ba Lan. Nguyễn Thị D sẽ tự cân đối chi phí để thỏa thuận với các lao động. Sau khi thỏa thuận với Lê Đức M, D đã liên hệ với Nguyễn Thị Q, đặt vấn đề đưa lao động sang Nga thì Q đồng ý.

Khoảng cuối tháng 6/2018, Nguyễn Thị D thông báo lại cho Trần Thị Thanh X là không thể đưa lao động đi trực tiếp từ Việt Nam sang Ba Lan như đã thỏa thuận trước đó, mà chỉ có thể sang Ba Lan làm may bằng con đường đi qua Cộng hòa liên bang Nga, cụ thể là đi sang Nga làm việc từ 1-3 tháng rồi sẽ được đưa sang Ba Lan. Nguyễn Thị D báo với Trần Thị Thanh X chi phí đi sang Ba Lan lao động thông qua đường Nga là 6.000 (sáu nghìn) đô la Mỹ, đặt cọc trước 500 (năm trăm) đô la Mỹ. Trần Thị Thanh X yêu cầu Nguyễn Thị D nếu lao động có hỏi thì báo là 6.500 (sáu nghìn năm trăm) đô la Mỹ để X được hưởng lợi 500 (năm trăm) đô la Mỹ. Sau đó, Trần Thị Thanh X đã trao đổi, tư vấn lại với Phan Thị D3 và Phan Anh H1 về việc đi Ba Lan lao động thông qua đường Nga, cụ thể là đi từ Việt Nam sang Nga lao động từ 1-3 tháng, sau đó sẽ được đưa từ Nga sang Ba Lan làm tại các xưởng may. Chi phí là 7.000 (bảy nghìn) đô la Mỹ đặt cọc trước 1.000 (một nghìn) đô la Mỹ, số tiền này Phan Thị D3 đã nộp cho Trần Thị Thanh X trước đó thì Phan Thị D3, Phan Anh H1 đồng ý.

Ngày 26/6/2018, Nguyễn Thị D hẹn gặp Lê Sỹ Đức tại một quán cà phê trên đường L, thành phố V, tỉnh Nghệ An. Tại đây, Nguyễn Thị D nhận toàn bộ hồ sơ thủ tục của Lê Sỹ Đ đồng thời trao đổi với Đ là không thể đi trực tiếp từ Việt Nam sang Cộng hòa liên bang Đức mà phải đi từ Việt Nam sang Nga rồi sau đó sẽ được đưa từ Nga sang Đức làm may. Chi phí đi sang Đức qua đường Nga là 12.000 (mười hai nghìn) đô la Mỹ, đặt cọc trước 500 (năm trăm) đô la Mỹ, nếu lương tháng tại Đức trên 60.000.000 (Sáu mươi triệu) đồng thì Lê Sỹ Đ sẽ cho D thêm 2.000 (hai nghìn) đô la Mỹ nữa. Sau khi nghe Nguyễn Thị D tư vấn về việc đi sang Đức lao động thông qua đường Nga, Lê Sỹ Đ đồng ý và nộp cho Nguyễn Thị D hồ sơ thủ tục cùng 7.000.000 (bảy triệu) đồng để làm bảo hiểm.

Ngày 8/7/2018, Nguyễn Thị D đến nhà của Trần Thị Thanh X nhận 11.500.000 (mười một triệu năm trăm nghìn) đồng tương đương 500 (Năm trăm) đô la Mỹ là tiền đặt cọc của Phan Anh H1. Sau đó, Nguyễn Thị D hẹn gặp X và Phan Anh H1 tại một quán cà phê trên đường P, thành phố V, tỉnh Nghệ An. Tại đây, Nguyễn Thị D đã thu 7.000.000 (bảy triệu) đồng để làm bảo hiểm cho Phan Anh H1.

Sau khi thỏa thuận xong với các lao động, Nguyễn Thị D đem 02 (hai) bộ hồ sơ của Phan Anh H1 và Lê Sỹ Đ ra Hà Nội, giao cho Nguyễn Thị Q để làm thủ tục đưa H1 và Đức đi sang Nga lao động. Nguyễn Thị D đã nộp 10.000.000 (Mười triệu) đồng là tiền đặt cọc của Phan Anh H1 cho Nguyễn Thị Q.

Ngày 19/7/2018, Lê Sỹ Đ đến trực tiếp nhà bố mẹ đẻ của Nguyễn Thị D tại khối 10, phường C, thành phố V, tỉnh Nghệ An nộp cho D 11.500.000 (mười một triệu năm trăm nghìn) đồng tương đương 500 (năm trăm) đô la Mỹ tiền cọc như đã thỏa thuận. Sau đó, Nguyễn Thị D đã chuyển khoản 10.000.000 (mười triệu) đồng là tiền đặt cọc của Lê Sỹ Đ vào tài khoản của Nguyễn Thị Q.

Nguyễn Thị Q quen biết với Nguyễn Văn K, trú tại thôn H, xã T, huyện H, tỉnh Thái Bình là người cùng quê. Trước đó, K đã trao đổi với Q về người anh họ là Nguyễn Văn B1, quê quán xã T, huyện H, tỉnh Thái Bình có Công ty may tại Nga đang cần lao động, nếu ai có nhu cầu muốn sang Nga làm may thì giới thiệu để K đưa họ sang Nga. Chi phí là 2.200 (hai nghìn hai trăm) đô la Mỹ sẽ được công ty chịu trách nhiệm chi trả và trừ dần vào lương hàng tháng; lương tháng khoảng từ 500 - 700USD tính theo sản phẩm, đặt cọc trước 500 (năm trăm) đô la Mỹ sẽ trả lại sau khi sang đến Cộng hòa liên bang Nga, hồ sơ gồm hộ chiếu, lý lịch cá nhân, ảnh. Mỗi trường hợp đi sang Nga được thành công thì Q được hưởng 200 (hai trăm) đô la Mỹ.

Sau khi nhận được tiền đặt cọc, hồ sơ của Phan Anh H1 và Lê Sỹ Đ, khoảng giữa tháng 7/2018, Nguyễn Thị Q đã thông báo cho Nguyễn Văn K có hai trường hợp muốn sang Nga lao động. Khoảng cuối tháng 7 Nguyễn Văn K đến Hà Nội, nhận từ Nguyễn Thị Q 02 (hai) bộ hồ sơ của Phan Anh H1 và Lê Sỹ Đ. Khoảng đầu tháng 8/2018, theo yêu cầu của Nguyễn Văn B1, K gửi 02 (hai) cuốn hộ chiếu của Phan Anh H1 và Lê Sỹ Đ cho Đặng Khải H2, trú tại phường G, quận B, thành phố Hà Nội để Đặng Khải H2 làm thủ tục xin Visa tại Đại sứ Quán Nga. Trước đó Đặng Khải H2 được một người phụ nữ tên L1, làm cùng với Nguyễn Văn B1 gửi thư mời lao động của Nga và nhờ H2 xin Visa lao động hai trường hợp, mỗi Visa xin được Đặng Khải H2 được hưởng 10 (mười) đô la Mỹ.

Sau khi nhận được hộ chiếu, thư mời của Phan Anh H1 và Lê Sỹ Đức, Đặng Khải H2 đến Đại sứ quán Nga tại Hà Nội làm tờ khai xin cấp Visa cho Phan Anh H1 và Lê Sỹ Đ. Đến ngày 22/8/2018, Đại sứ quán Nga cấp Visa lao động cho Phan Anh H1 và Lê Sỹ Đ. Sau đó, Nguyễn Văn K thông báo cho Nguyễn Thị Q để Q thông báo các lao động đã có Visa và lịch xuất cảnh sang Nga vào ngày 02/9/2018.

Sau khi biết lịch bay, Nguyễn Thị D thông báo cho Lê Đức M và thỏa thuận lại trách nhiệm đưa các lao động từ Nga sang Ba Lan và Cộng hòa liên bang Đức với Lê Đức M thì M đồng ý. Đồng thời thông báo cho Lê Sỹ Đ, Phan Anh H1, Trần Thị Thanh X và hẹn gặp nhau tại Hà Nội vào ngày 01/9/2018, để ký hợp đồng với Lê Đức M.

Ngày 31/8/2018, Trần Thị Thanh X thông báo với Phan Thị D3 yêu cầu Phan Anh H1 đóng thêm 500 (năm trăm) đô la Mỹ đặt cọc đảm bảo đơn hàng. Cùng ngày chồng của Phan Thị D3 đã đến nhà của X nộp 11.500.000 (mười một triệu năm trăm nghìn) đồng tương đương 500 (năm trăm) đô la Mỹ theo yêu cầu.

Ngày 01/9/2018, Nguyễn Thị D, Phan Anh H1, Lê Sỹ Đ gặp Lê Đức M tại tầng 12, tòa nhà ZenTower, số 12, đường K, quận T, thành phố Hà Nội. Tại đây, M thỏa thuận với Phan Anh H1 và Lê Sỹ Đ về việc sau 1 - 3 tháng làm việc tại Nga, M sẽ có trách nhiệm đưa H1 sang Ba Lan và Đức sang CHLB Đức để lao động. Lê Đức M yêu cầu mỗi người đặt cọc 1.000 (một nghìn) đô la Mỹ để đảm bảo đơn hàng. Lê Đức M đã ký hợp đồng với Phan Anh H1 và Lê Sỹ Đ về việc đưa họ sang Ba Lan và Cộng hòa liên bang Đức thông qua đường Nga. Tại đây, Phan Anh H1 nộp cho M 23.000.000 (hai mươi ba triệu) đồng tương đương 1.000 (một nghìn) đô la Mỹ thì M đã đưa cho Nguyễn Thị D 11.500.000 (mười một triệu năm trăm nghìn) đồng tương đương 500 (năm trăm) đô la Mỹ. Ngày 02/9/2018, Lê Sỹ Đ nộp cho M 1.000 (một nghìn) đô la Mỹ tại sân bay Nội Bài, Hà Nội thì M cũng đã đưa lại cho Nguyễn Thị D 500 (năm trăm) đô la Mỹ. Cùng ngày hôm đó, Phan Anh H1 và Lê Sỹ Đ được tổ chức xuất cảnh sang Cộng hòa liên bang Nga.

Sau khi đến Nga, Phan Anh H1 và Lê Sỹ Đ được đón, bố trí làm việc tại một Công ty may do Nguyễn Văn B1 và một người phụ nữ tên L1 làm chủ lao động. Phan Anh H1, Lê Sỹ Đ được yêu cầu ký hợp đồng lao động với thời gian 03 năm để làm thủ tục xin cấp thẻ lao động tại Nga (đóng khẩu tại Nga). Quá trình làm việc, do phát hiện Phan Anh H1, Lê Sỹ Đ sang Nga với mục đích để sang Ba Lan và Cộng hòa liên bang Đức lao động, nên chủ lao động đã giữ lại hộ chiếu, giấy tờ và giám sát không cho H1, Đ đi ra ngoài tự do. Vì, Phan Anh H1, Lê Sỹ Đ không được đi ra ngoài, không có giấy tờ, hộ chiếu nên Lê Đức M không thể tiếp tục đưa H1, Đ đi sang Ba Lan và Cộng hòa liên bang Đức như đã thỏa thuận. Cho nên, Phan Anh H1 và Lê Sỹ Đ chấp nhận đền bù họp đồng 4.400 (bốn nghìn bốn trăm) đô la Mỹ gồm chi phí xuất cảnh là 2.200 USD và tiền phạt hợp đồng 2.200 USD cho chủ lao động tại Cộng hòa liên bang Nga để về nước. Ngày 01/11/2018, Phan Anh H1 và Lê Sỹ Đ được chủ lao động cho người đưa ra sân bay để về Việt Nam.

Về vật chứng: Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã thu giữ của Phan Anh H1 01 thẻ lao động số BB0079338. Tổng cộng: 01 khoản.

Bản cáo trạng số 109/VKS - P1 ngày 26 tháng 6 năm 2019, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An truy tố các bị cáo Nguyễn Thị D, Lê Đức M, Trần Thị Thanh X đã phạm vào "Tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài", quy định tại khoản 1 Điều 349 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Viện kiểm sát cấp sơ thẩm đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 349; điểm s, khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo D từ 12 đến 15 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo. Áp dụng khoản 1 Điều 349; điểm s, khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo M từ 18 đến 21 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Áp dụng khoản 1 Điều 349; điểm s, khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo X từ 12 đến 15 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 113/2019/HS-ST ngày 30/8/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, quyết định:

Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Thị D, Lê Đức M, Trần Thị Thanh X phạm tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.

- Áp dụng khoản 1 Điều 349, điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51, Điều 58 Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị D 15 (mười lăm) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo thi hành án (nhưng được trừ thời gian tạm giữ từ ngày 07/12/2018, đến ngày 03/3/2019).

- Áp dụng khoản 1 Điều 349, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 58 Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Lê Đức M 15 (mười lăm) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo thi hành án (nhưng được trừ thời gian tạm giữ từ ngày 11/3/2019, đến ngày 14/3/2019).

- Áp dụng khoản 1 Điều 349, điểm b, s khoản 1 Điều 51, Điều 54, Điều 58, Điều 65 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Trần Thị Thanh X 12 (mười hai) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 (hai mươi tư) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Trần Thị Thanh X về cho Ủy ban nhân dân phường T, thành phố V, tỉnh Nghệ An giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo Trần Thị Thanh X thay đổi nơi cư trú thì việc giám sát bị cáo thực hiện theo khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách nếu bị cáo Trần Thị Thanh X cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Miễn hình phạt bổ sung là phạt tiền cho các bị cáo Nguyễn Thị D, Lê Đức M, Trần Thị Thanh X.

Về trách nhiệm dân sự: Ghi nhận sự thỏa thuận của bị cáo Lê Đức M hoàn trả cho anh Phan Anh H1 địa chỉ xóm 2, xã X, huyện N, tỉnh Hà Tĩnh 20.000.000 (Hai mươi triệu) đồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo luật định.

Sau khi xét xử sơ thẩm;

Ngày 12/9/2019, bị cáo Nguyễn Thị D kháng cáo xin hưởng án treo.

Ngày 09/9/2019, bị cáo Lê Đức M kháng cáo xin được phạt cảnh cáo; ngày 24/4/2020, bị cáo thay đổi đề nghị được hưởng án treo.

- Tại phiên tòa phúc thẩm: Các bị cáo trình bày thống nhất như nội dung của bản án sơ thẩm và giữ nguyên kháng cáo xin được hưởng án treo.

+ Bị cáo Nguyễn Thị D cho rằng ngoài tình tiết giảm nhẹ được áp dụng tại cấp sơ thẩm, nay bị cáo bị bệnh trầm cảm (có bệnh án) và phải mổ u tuyến giáp và phải điều trị; bị cáo hiện nay đang ly thân và đang ở nhờ nhà bố mẹ đẻ và phải nuôi hai con nhỏ, bị cáo lần đầu phạm tội, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và có nhân thân tốt, + Bị cáo Lê Đức M cho rằng ngoài tình tiết giảm nhẹ được áp dụng tại cấp sơ thẩm thì bị cáo hiện nay đang điều trị bệnh tâm thần phân liệt, bị cáo đã bồi thường số tiền mà bị cáo nhận của anh Đ, anh H1 và ngoài ra, bị cáo còn thỏa thuận bồi thường cho anh H1 số tiền 20.000.000 đồng và bị cáo đã tự nguyện đầu thú đó là thể hiện sự ăn năn, hối cải của bị cáo. Bị cáo lần đầu phạm tội và có nhân thân tốt.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:

Về tố tụng: Kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị D và Lê Đức M trong thời hạn luật định nên được xem xét giải quyết.

Về nội dung: Các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung của bản án sơ thẩm. Trong vụ án này bị cáo D và bị cáo M có vai trò cơ bản là ngang nhau, còn bị cáo X có vai trò thấp hơn (không kháng cáo và không xem xét). Tuy nhiên, cả hai bị cáo D và M cùng bàn bạc đưa người trốn đi nước ngoài, nhưng bị cáo D là người trực tiếp kết nối và liên hệ để đưa anh Đ và anh H1 sang Liên bang Nga lao động để có thời cơ thì M đưa những người này sang nước Đức và Ba Lan.

Việc bị cáo D đưa Đ và H1 sang Liên bang Nga đã hoàn thành. Còn bị cáo M cũng như bị cáo D chưa đưa Đ và H1 sang nước Đức và nước Ba Lan là ngoài ý trí của các bị cáo. Do đó, bị cáo D có vai trò cao hơn bị cáo M. Các bị cáo hiện nay đều xuất trình giấy tờ khám chữa bệnh, bị cáo M đang điều trị bệnh tâm thần (việc xuất trình bệnh án chưa đầy đủ), nhưng có dấu hiệu, nhưng quá trình điều tra bị cáo M tự đầu thú. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Điều 65 Bộ luật hình sự, giữ nguyên mức án như quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, nhưng cho bị cáo M hưởng án treo.

Đối với bị cáo D với tính chất, vai trò của bị cáo thì không có căn cứ để cho hưởng án treo.

- Người bào chữa cho bị cáo Lê Đức M trình bày: Bị cáo M đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình nên đã có đơn xin đầu thú và khai báo hành vi phạm tội với Cơ quan điều tra, bị cáo lần đầu phạm tội, ít nghiêm trọng, với vai trò là giúp sức, chưa gây ra hậu quả cho xã hội. Hành vi phạm tội của bị cáo vì mục đích kinh tế. Bị cáo đã khắc phục hậu quả là trả lại số tiền đã nhận cho anh H1 và anh Đ. Tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo đã thỏa thuận bồi thường cho anh H1 20.000.000 đồng (đây là sự tự nguyện thỏa thuận không trái quy định của pháp luật). Bị cáo M tuy là người phạm tội nhưng đã tích cực, chủ động và quyết liệt, tự nguyện khắc phục với khả năng cao nhất những hậu quả do hành vi trái pháp luật của mình gây ra là thể hiện sự ăn năn, hối cải. Gia đình bị cáo có công với cách mạng. Như vậy, bị cáo M có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng án treo theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Bộ luật hình sự. Căn cứ Điều 331, Điều 355; điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự và Điều 65 Bộ luật hình sự cho bị cáo M được chuyển hình phạt tù sang được hưởng án treo.

- Bị cáo M nhất trí với trình bày của Luật sư bào chữa cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thị D và Lê Đức M trong thời hạn luật định nên được xem xét giải quyết.

[2] Về nội dung: Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, các bị cáo Nguyễn Thị D, Lê Đức M đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Lời nhận tội của các bị cáo D, M phù hợp với lời khai của Trần Thị Thanh X phù hợp với lời khai của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ khác được thu thập có trong hồ sơ vụ án, vật chứng thu giữ được. Như vậy, có đủ căn cứ khẳng định: Từ tháng 6/2018 đến tháng 9/2018, Lê Đức M, Nguyễn Thị D, Trần Thị Thanh X không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép trong lĩnh vực xuất khẩu lao động nhưng đã tổ chức cho Phan Anh H1 và Lê Sỹ Đ đi sang Liên Bang Nga, để từ Liên Bang Nga sang nước Ba Lan và nước Đức bất hợp pháp. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định hành vi của Lê Đức M, Nguyễn Thị D, Trần Thị Thanh X phạm tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” theo khoản 1 Điều 349 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[3] Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, không những trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh mà còn gây tác hại đến chính sách hợp tác lao động giữa Nhà nước ta với các nước khác, đồng thời làm xấu hình ảnh của người lao động Việt Nam trong nhìn nhận, đánh giá của Chính phủ các nước đối với đất nước ta về người lao động. Vì vậy, cần phải xử phạt các bị cáo một mức án phù hợp để giáo dục, cải tạo các bị cáo và phòng ngừa chung trong xã hội.

[4] Bị cáo Lê Đức M và Nguyễn Thị D đã thỏa thuận hợp tác làm ăn với nhau, cụ thể: Nguyễn Thị D có trách nhiệm tìm lao động, trực tiếp tư vấn, thu tiền và hộ chiếu của người lao động sau đó chuyển cho Lê Đức M để M đưa các lao động đi sang Đức và Ba Lan. Lê Đức M đưa thông tin các đơn hàng đi lao động tại Đức, Ba Lan cho Nguyễn Thị D để D đăng lên trang cá nhân trên mạng xã hội Facebook, Zalo để tìm người, trực tiếp ký hợp đồng với các lao động để đưa họ sang Đức, Ba Lan. Như vậy, các bị cáo đã trực tiếp môi giới, thu tiền người lao động và sau đó tổ chức cho họ sang Nga để từ Nga trốn sang Ba Lan và Cộng hòa liên bang Đức.

Đối với Trần Thị Thanh X có vai trò thấp hơn bị cáo D và bị cáo M như xác định của Tòa án cấp sơ thẩm là có căn cứ.

[5] Các bị cáo trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa phúc thẩm khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, đã bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả xảy ra cho người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo M tiếp tục tự nguyện bồi thường cho anh H1 20.000.000 đồng. Đây là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Đối với bị cáo D1 có bố là ông Nguyễn Tống B được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, bị cáo Lê Đức M sau khi phạm tội đã ra đầu thú đây là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

[6] Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, mục đích của các bị cáo và xử phạt các bị cáo như quyết định của bản án sơ thẩm là phù hợp.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo D và bị cáo M kháng cáo xin được hưởng án treo;

[7] Xét kháng cáo của các bị cáo:

+ Bị cáo Nguyễn Thị cho rằng ngoài tình tiết giảm nhẹ được áp dụng tại cấp sơ thẩm, nay bị cáo bị bệnh trầm cảm (có bệnh án) và phải mổ u tuyến giáp và phải điều trị; bị cáo hiện nay đang ly thân và đang ở nhờ nhà bố mẹ đẻ và phải nuôi hai con nhỏ, bị cáo lần đầu phạm tội, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và có nhân thân tốt. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, do đó đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.

+ Bị cáo Lê Đức M cho rằng ngoài tình tiết giảm nhẹ được áp dụng tại cấp sơ thẩm thì bị cáo hiện nay đang điều trị bệnh tâm thần phân liệt, bị cáo đã bồi thường số tiền mà bị cáo nhận của anh Đ, anh H1 và ngoài ra, bị cáo còn thỏa thuận bồi thường cho anh H1 số tiền 20.000.000 đồng và bị cáo đã tự nguyện đầu thú đó là thể hiện sự ăn năn, hối cải của bị cáo, bị cáo lần đầu phạm tội và có nhân thân tốt. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.

Hội đồng xét xử thấy, vai trò của các bị cáo D và bị cáo M cơ bản là ngang nhau. Tuy nhiên, thấy bị cáo D thực hiện hành vi của mình là tích cực hơn bị cáo M, trong quá trình giải quyết vụ án bị cáo M tự đầu thú cũng như tích cực khắc phục hậu quả. Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo đưa ra các căn cứ nhưng chỉ là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Do tính chất, mức độ của hành vi phạm tội của bị cáo D cũng như chỗ ở không ổn định, Hội đồng xét xử xem xét không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo D xin hưởng án treo mà chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo D, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo là thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

Đối với bị cáo M sau khi phạm tội bị cáo ăn năn hối cải, bị cáo có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, có nơi cư trú rõ ràng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nên không cần thiết cách ly bị cáo với xã hội mà chỉ cần giao cho chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú giáo dục là đủ và cũng phù hợp với quan điểm giải quyết vụ án của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội cũng như luận cứ của Luật sư bào chữa cho bị cáo M.

[8] Do chấp nhận một phần và chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, nên các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[9] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử không xét.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355 và điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự; chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị D. Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự; chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Đức M; sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 113/2019/HS-ST ngày 30/8/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An.

Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Thị D, Lê Đức M phạm tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.

- Áp dụng khoản 1 Điều 349, điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51, Điều 38 và Điều 58 Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị D 12 (mười hai) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, nhưng được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 07/12/2018, đến ngày 03/3/2019.

- Áp dụng khoản 1 Điều 349, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 58, Điều 65 Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Lê Đức M 15 (Mười lăm) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách 30 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao bị cáo Lê Đức M về cho Ủy ban nhân dân phường N, quận B, thành phố Hà Nội giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo Lê Đức M thay đổi nơi cư trú thì việc giám sát bị cáo thực hiện theo khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách nếu bị cáo Lê Đức M cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưỏng án treo.

Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Nguyễn Thị D và bị cáo Lê Đức M không phải nộp.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

134
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 263/2020/HSPT về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài

Số hiệu:263/2020/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 06/06/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;