Bản án 26/2023/HS-PT về tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BN ÁN 26/2023/HS-PT NGÀY 12/01/2023 VỀ TỘI MUA BÁN TRÁI PHÉP HÓA ĐƠN, CHỨNG TỪ THU NỘP NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Ngày 12 tháng 01 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 1041/2020/TLPT- HS ngày 16 tháng 11 năm 2020, đối với bị cáo Nguyễn Văn D phạm các tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”; “Trốn thuế”; “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” và tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 13/2020/HS-ST ngày 08 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh B.

Bị cáo có kháng cáo: Nguyễn Văn D sinh năm 1965; Nơi đăng ký NKTT: Tổ 9, phường P, thành phố B, tỉnh B; Nơi đăng ký tạm trú: Số 34B1, B1, phường H, quận H1, thành phố Hà Nội; Địa chỉ liên lạc: Park 11, Ngõ 454 M, Khu đô thị T, quận H1, thành phố Hà Nội (SĐT: 0812.277.777); nghề nghiệp: Nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần khoáng sản N; trình độ văn hóa: Lớp 10/10; con ông Nguyễn Văn T1 và bà Ngô Thị H2 (Đều đã chết); có vợ là Vũ Thị H3, có 04 con, lớn nhất sinh năm 1994, nhỏ nhất sinh năm 2014. Tiền án; Tiền sự: Không. Bị bắt tạm giam từ ngày 09/5/2015 đến ngày 02/4/2016 được tại ngoại, hiện đang thực hiện Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; vắng mặt tại phiên tòa.

* Người bào chữa cho bị cáo do Tòa án chỉ định: Ông Nguyễn Đình T2 – Luật sư Công ty luật TNHH N1 thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; Vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt và gửi bài bào chữa.

Ngoài ra, trong vụ án còn có các bị cáo, nguyên đơn dân sự và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác không kháng cáo, không bị kháng nghị, không liên quan đến nội dung kháng cáo nên Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

1. Hành vi làm giả tài liệu của Nguyễn Văn D:

Công ty N, tiền thân là Tổng công ty Cổ phần xây dựng khoáng sản S được thành lập ngày 12/01/2004, đăng ký lần đầu ngày 12/01/2004 tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh B. Đến ngày 24/9/2010 đăng ký thay đổi lần thứ 14 với ngành nghề: Khai thác kinh doanh khoáng sản; xây dựng các công trình; kinh doanh bất động sản; khách sạn, nhà hàng… do Nguyễn Văn D thành lập và làm Giám đốc, là người đại diện theo pháp luật của công ty. Địa chỉ trụ sở chính đặt tại thôn L, xã X, thị xã B, tỉnh B. Ngoài địa chỉ trụ sở trên, còn có các chi nhánh tại địa chỉ: Số 74 F3 Khu đô thị mới Đ, phường Đ, quận H1, thành phố Hà Nội và địa chỉ: Số 137A C, phường 12, quận T3, thành phố H4. Từ năm 2010 đến năm 2014, D đã thành lập, mua lại 12 doanh nghiệp và giao cho một số người thân và bạn bè đứng tên làm Giám đốc, nhưng mọi hoạt động của các doanh nghiệp này đều do D trực tiếp điều hành.

Do cần tiền để đầu tư xây dựng nhà xưởng, chi cho hoạt động kinh doanh của công ty và đảo nợ một số khoản vay tại Ngân hàng BIDV cho các công ty trong nhóm của D, nên từ năm 2009 đến năm 2011, D đã mua 273 hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) của các công ty bên ngoài (trong đó mua của Chu Thị Ngọc T4 103 hóa đơn GTGT) để hạch toán sổ sách làm tăng doanh số kinh doanh, làm báo cáo tài chính và phương án sản xuất kinh doanh nộp cho Ngân hàng BIDV B, nhằm nâng mức giới hạn tín dụng ngắn hạn để vay vốn. Sau đó, D gặp và đề nghị Trần Vinh Q giúp đỡ, Q đồng ý và chỉ đạo nhân viên cấp dưới không thẩm định hồ sơ của Công ty N, lập tờ trình trình Hội Sở chính Ngân hàng BIDV duyệt tăng giới hạn tín dụng ngắn hạn cho Công ty N theo nhu cầu sử dụng của D. Trong 05 năm, Công ty N đã 06 lần được Ngân hàng BIDV duyệt tăng giới hạn tín dụng ngắn hạn. Trên cơ sở giới hạn tín dụng được duyệt, mỗi lần giải ngân, D đến gặp hoặc điện thoại, trao đổi với Q về nhu cầu sử dụng tiền. Mặc dù tổng số tài sản đảm bảo của Công ty N cho các khoản vay tại thời điểm vay được định giá là 1.699.299.000.000đ (Một nghìn, sáu trăm chín mươi chín tỷ, hai trăm chin mươi chín triệu đồng), nhưng để đảm bảo các điều kiện được Ngân hàng giải ngân, cần phải có đủ hồ sơ chứng minh mục đích vay vốn và sử dụng vốn vay đúng quy định của Ngân hàng BIDV. Nên D đã chỉ đạo các nhân viên làm giả 75 bộ hồ sơ giải ngân giả gồm: Các hợp đồng kinh tế; hóa đơn GTGT khống hoặc giả của các doanh nghiệp trong và ngoài nhóm; biên bản đối chiếu công nợ; biên bản nghiệm thu hàng hóa; phiếu nhập kho khống, rồi chuyển cho các Giám đốc, nhân viên trong nhóm ký, đóng dấu hợp thức hồ sơ vay vốn (nếu Giám đốc không có mặt thì sử dụng con dấu, chữ ký đóng lên tài liệu), xong mang đến Ngân hàng gặp Tạ Đình P1, Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp, Trịnh Quang T5, Hà Phương N2 và Phạm Thị H5 cán bộ Ngân hàng BIDV B để được giải ngân với số tiền là 862.722.991.830đ (Tám trăm sáu hai tỷ, bảy trăm hai mươi hai triệu, chín trăm chín mươi mốt nghìn, tám trăm ba mươi đồng) trong 71 hợp đồng tín dụng (HĐTD) tại Ngân hàng BIDV B. Cụ thể:

1.1. Nguyễn Văn D chỉ đạo các kế toán làm giả tài liệu để sử dụng hợp thức hồ sơ giải ngân.

- Trên cơ sở hạn mức tín dụng mà Ngân hàng BIDV duyệt cho Công ty N vay vốn, từ tháng 6/2009 đến 28/4/2014, Nguyễn Văn D đã chỉ đạo Hà Thị Thu H6, Kế toán Trưởng Công ty N sử dụng các doanh nghiệp do D thành lập và mua lại trong nhóm của D, điền thông tin vào hợp đồng kinh tế và hóa đơn GTGT của các doanh nghiệp, để lập khống các hợp đồng kinh tế mua bán hàng hóa, X đơn GTGT giữa các công ty của D, biên bản đối chiếu công nợ, biên bản nghiệm thu hàng hóa. Sau đó, H6 ký hợp thức vào mục “Kế toán Trưởng” trong toàn bộ giấy tờ, chứng từ tại 71 HĐTD và 75 bộ hồ sơ giả giải ngân, rồi chuyển lại cho Phạm Hồng T6, Đồng Thị H7 và Phùng Thúy H8 mang đến nộp cho Tạ Đình P1, Trịnh Quang T5, Hà Phương N2 và Phạm Thị H5 cán bộ Ngân hàng BIDV B để được giải ngân 862.722.991.830đ (Tám trăm sáu mươi hai tỷ, bảy trăm hai mươi hai triệu, chín trăm chín mốt nghìn, tám trăm ba mươi đồng). Đồng thời, Hà Thị Thu H6 còn ký hợp thức các phiếu nhập kho, bảng lương trong hồ sơ giải ngân và chứng từ rút tiền, chuyển tiền.

- Từ ngày 27/9/2012 đến ngày 28/4/2014, Nguyễn Văn D chỉ đạo Phạm Hồng T6, Kế toán trưởng Công ty CP T8 trực tiếp làm giả 03 bảng kê trả tiền lương của Công ty N và sử dụng 30 hóa đơn GTGT khống, kèm theo các hợp đồng kinh tế giả của 10 doanh nghiệp trong nhóm công ty của D để hợp thức 56 hồ sơ giả giải ngân. Sau đó, Thảo chuyển cho các Giám đốc công ty và Hà Thị Thu H6 ký hợp thức, rồi chuyển Ngân hàng BIDV B giải ngân với số tiền là 666.382.502.397đ (Sáu trăm sáu mươi sáu tỷ, ba trăm tám mươi hai triệu, năm trăm linh hai nghìn, ba trăm chín bảy đồng) tại 51 HĐTD.

- Từ ngày 08/6/2012 đến ngày 14/9/2012, Nguyễn Văn D chỉ đạo Đồng Thị H7, Kế toán trưởng Công ty CP T11 làm giả: 01 hợp đồng khoán gọn, 01 bảng kê trả tiền lương của Công ty N và sử dụng 13 hóa đơn GTGT giả của 05 doanh nghiệp để hợp thức 13 hồ sơ giải ngân giả, với số tiền là 159.005.409.415đ (Một trăm năm mươi chín tỷ, không trăm linh năm triệu, bốn trăm linh chín nghìn, bốn trăm mười lăm đồng) tại 19 HĐTD.

- Từ tháng 6/2009 đến tháng 10/2009, Nguyễn Văn D chỉ đạo Phùng Thúy H8, Kế toán trưởng Công ty TNHH Một thành viên Chợ B làm giả và sử dụng hợp đồng, hóa đơn GTGT giả của các doanh nghiệp khác để lập 06 hồ sơ giải ngân giả giúp D được giải ngân số tiền là 45.343.476.197đ (Bốn mươi lăm tỷ, ba trăm bốn mươi ba triệu, bốn trăm bảy mươi sáu nghìn, một trăm chín mươi bảy đồng). Sau đó, D đã trả nợ được 8.000.000.000đ (Tám tỷ đồng). Còn dư nợ là 37.335.000.000đ (Ba mươi bảy tỷ, ba trăm ba mươi lăm triệu đồng) tại HĐTD trung và dài hạn.

Trong 75 hồ sơ giải ngân giả, Nguyễn Văn D chỉ đạo Hà Thị Thu H6, Phạm Hồng T6 và Đồng Thị H7 làm giả 04 bảng kê trả tiền lương cho công nhân của Công ty N và hợp đồng khoán gọn… để làm thủ tục giải ngân tại 05 hồ sơ giải ngân giả của 05 HĐTD số: 21 ngày 25/7/2012; số 27 ngày 08/8/2012; số 40 ngày 14/11/2012; số 46 ngày 29/12/2012 và số 41 ngày 01/11/2013. Ngoài ra, trong trường hợp Giám đốc công ty trong nhóm vắng mặt, các kế toán Hà Thị Thu H6, Phạm Hồng T6 và Đồng Thị H7 sử dụng con dấu của các doanh nghiệp trong nhóm để hợp thức hồ sơ giải ngân tại các HĐTD.

1.2. Nguyễn Văn D chỉ đạo những người đứng tên giám đốc doanh nghiệp trong nhóm làm giả tài liệu để sử dụng hợp thức hồ sơ giải ngân.

- Từ năm 2012 đến năm 2013, Nguyễn Văn D chỉ đạo Vũ Ngọc T7, Giám đốc Công ty Cổ phần A đưa con dấu chữ ký của T7 cho các nhân viên kế toán làm việc trong các công ty của D sử dụng đóng dấu hợp thức làm 21 hồ sơ giả để giải ngân với số tiền là 219.608.775.825đ (Hai trăm mười chín tỷ, sáu trăm linh tám triệu, bảy trăm bảy mươi lăm nghìn, tám trăm hai mươi lăm đồng). Trong đó, Vũ Ngọc T7 trực tiếp ký Hợp đồng kinh tế số 01 ngày 20/01/2013 để hợp thức hồ sơ giải ngân.

- Từ ngày 05/5/2012 đến 31/5/2012, Nguyễn Văn D chỉ đạo Nguyễn Văn V, Giám đốc Công ty Cổ phần L1 ký vào các hóa đơn GTGT khống số 31 ngày 25/5/2012; số 32 ngày 26/5/2012; số 33 ngày 27/5/2012 và số 34, 35 ngày 31/5/2012; Hợp đồng kinh tế số 80 ngày 18/12/2012 để hợp thức chứng từ tại HĐTD số 45 ngày 25/12/2012 nhằm được giải ngân số tiền 116.580.000.000đ (Một trăm mười sáu tỷ, năm trăm tám mươi triệu đồng).

- Từ năm 2012 đến năm 2013, Nguyễn Văn D đã nhờ S1, Giám đốc Công ty Cổ phần T8 ký hợp thức chứng từ vào một số hồ sơ giải ngân giả để giúp D được giải ngân số tiền 96.670.000.000đ (Chín sáu tỷ, sáu trăm bảy mươi triệu đồng), gồm: Hợp đồng kinh tế số 56 hợp thức hồ sơ giải ngân tại HĐTD số 44 ngày 24/12/2012; Hợp đồng kinh tế số 10 ngày 05/4/2012 hợp thức hồ sơ giải ngân tại các HĐTD số 15 ngày 09/4/2013, số 16 ngày 10/4/2013, số 25 ngày 30/5/2013 và 01 hóa đơn GTGT số 42222 ngày 31/12/2011 hợp thức hồ sơ giải ngân tại HĐTD số 37 ngày 27/9/2012.

- Trong năm 2013, Nguyễn Văn D nhờ Nguyễn Văn G, Giám đốc Công ty TNHH T9 ký hợp thức một số chứng từ giúp làm giả hồ sơ giải ngân với số tiền 98.300.000.000đ (Chín mươi tám tỷ, ba trăm triệu đồng), gồm: Hợp đồng kinh tế số 01 ngày 10/01/2013 và hóa đơn GTGT số 01 ngày 01/10/2013 hợp thức hồ sơ giải ngân tại các HĐTD số 04 ngày 15/01/2013, số 05 ngày 18/01/2013. Hợp đồng kinh tế số 05 ngày 15/4/2013 và hóa đơn GTGT số 07 ngày 16/4/2013 hợp thức hồ sơ giải ngân tại HĐTD số: 18 ngày 17/4/2013, 19 ngày 22/4/2013, 20 ngày 23/4/2013 và số 25 ngày 30/5/2013.

- Từ tháng 6/2009 đến năm 2012, Nguyễn Văn D nhờ Nguyễn Văn D1, Giám đốc Công ty Cổ phần K (trước đây là Công ty TNHH H9, Cổ phần Đồng Vàng B từ năm 2006 đến 2012), ký hợp thức một số chứng từ tại 02 hồ sơ giải ngân giả, gồm: Hợp đồng kinh tế số 15 ngày 20/8/2012, Hóa đơn GTGT số 54 ngày 25/8/2012, Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/8/2012, Bảng nghiệm thu khối lượng mua bán ngày 25/8/2012 nhằm hợp thức hồ sơ giải ngân tại HĐTD số 32 ngày 05/9/2012. Hợp đồng giao khoán số 17 ngày 31/5/2009, Hợp đồng giao khoán số 13 ngày 01/4/2009, Giấy đề nghị thanh toán ngày 30/9/2009, Bảng nghiệm thu khối lượng hoàn thành nhằm hợp thức hồ sơ giải ngân tại HĐTD số 01 ngày 01/10/2009; tại 03 hồ sơ giải ngân theo các HĐTD số 40 ngày 14/11/2012, số 41 ngày 30/11/2012, số 26 ngày 31/05/2013. Các hợp đồng, hóa đơn GTGT, chứng từ làm hồ sơ giải ngân đều sử dụng con dấu, chữ ký của Hứa Trung S2 đóng lên các tài liệu để giúp D giải ngân số tiền 11.826.000.000đ (Mười một tỷ, tám trăm hai mươi sáu triệu đồng). Hứa Trung S2 làm Giám đốc Công ty Cổ phần K (từ tháng 8/2012 đến khi khởi tố vụ án) đã ký khống lên 04 séc chi chưa điền nội dung để các kế toán của D sử dụng con dấu tên của S2 hợp thức hồ sơ rút số tiền 57.993.350.000đ (Năm mươi bảy tỷ, chín trăm chín mươi ba triệu, ba trăm năm mươi nghìn).

- Từ năm 2012 đến 2013, Nguyễn Văn D chỉ đạo Nguyễn Thị H10, Giám đốc Công ty Cổ phần Đ1 (Công ty T10) sử dụng con dấu chữ ký của H10, con dấu của Công ty T10 đóng lên giấy A4 trắng để Đồng Thị H7 sử dụng lập Công văn Công ty T10 gửi Công ty N ngày 25/7/2012, Biên bản đối chiếu công nợ ngày 27/7/2012 hợp thức hồ sơ giải ngân với tổng số tiền 50.000.000.000đ (Năm mươi tỷ đồng) tại HĐTD số 23 31/7/2012 và đóng dấu Công ty T10 lên Hóa đơn GTGT số 36 ngày 25/9/2013 và để Phạm Hồng T6 lập Hợp đồng kinh tế số 89 ngày 20/9/2013, Bảng nghiệm thu khối lượng mua bán ngày 25/9/2013 hợp thức hồ sơ giải ngân tại HĐTD số 37 ngày 26/9/2013.

- Từ năm 2013 đến năm 2014, Nguyễn Văn D chỉ đạo Lê Thị O, Giám đốc Công ty Cổ phần C1 đã ký khống lên giấy A4 trắng để Phạm Hồng T6 sử dụng lập hợp đồng kinh tế hợp thức một số hồ sơ giả, gồm: Hợp đồng kinh tế số 94 ngày 01/10/2013 làm hồ sơ giải ngân tại các HĐTD số 38 ngày 03/10/2013, số 42 ngày 12/11/2013 và số 43 ngày 19/11/2013; Hợp đồng kinh tế số 118 ngày 08/12/2013 hợp thức hồ sơ giải ngân tại các HĐTD số 01 ngày 27/01/2014, số 02 ngày 18/02/2014; Hợp đồng kinh tế số 22 ngày 03/3/2014 hợp thức hồ sơ giải ngân tại các HĐTD số: 03 ngày 07/3/2014; 05 ngày 07/4/2014 và số 06 ngày 28/4/2014 để được giải ngân số tiền 55.605.100.000đ (Năm mươi lăm tỷ, sáu trăm linh năm triệu, một trăm nghìn đồng).

- Trong năm 2013, Nguyễn Văn D chỉ đạo Nguyễn Văn D2, Giám đốc Công ty Cổ phần X1 lập 01 hồ sơ giải ngân giả, sử dụng 01 hóa đơn GTGT giả. Trong đó, D2 đưa dấu chữ ký của D2 cho Phạm Hồng T6 sử dụng đóng lên hợp đồng, hóa đơn, chứng từ hợp thức hồ sơ giải ngân tại HĐTD số 38 ngày 03/10/2013 với số tiền 13.500.000.000đ (Mười ba tỷ, năm trăm triệu đồng).

- Trong năm 2012, Nguyễn Văn D chỉ đạo Nguyễn Thị H11, Giám đốc Công ty Cổ phần Luyện kim Phú Thịnh lập 01 hồ sơ giải ngân giả, sử dụng 01 hóa đơn GTGT giả. Trong đó, Hoa đã ký hợp thức Hợp đồng mua bán số 23 ngày 25/5/2012, Biên bản đối chiếu công nợ ngày 06/6/2012 hợp thức hồ sơ giải ngân tại HĐTD số 13 ngày 08/6/2012 với số tiền 3.000.000.000đ (Ba tỷ đồng).

- Từ năm 2012 đến 2013, Nguyễn Văn D chỉ đạo Lê Văn Cương, Giám đốc Công ty Cổ phần T11 để Phạm Hồng T6, Hà Thị Thu H6 sử dụng pháp nhân và ký mạo tên mình hợp thức hồ sơ giải ngân 02 HĐTD số 44 ngày 24/12/2012 và HĐTD số 03 ngày 10/01/2013 với số tiền 43.000.000.000đ (Bốn mươi ba tỷ đồng).

1.3. Nguyễn Văn D nhờ 04 giám đốc doanh nghiệp liên quan khác (ngoài nhóm Công ty của D) làm giả tài liệu để sử dụng hợp thức hồ sơ giải ngân.

- Vào khoảng tháng 6 năm 2013, Nguyễn Văn D chỉ đạo Hà Thị Thu H6 làm hợp đồng xuất 08 hóa đơn GTGT khống để lập 05 hồ sơ giả giải ngân. Sau đó, H6 nhờ Hoàng Thị T12 là vợ của Ngô Mạnh H12, Giám đốc Công ty TNHH X2 (Công ty T13) giới thiệu gặp H12 để nhờ lập hợp đồng, X đơn giúp Công ty N hợp thức hồ sơ vay vốn, đảo nợ các khoản vay khi đến hạn. Ngô Mạnh H12 đồng ý và thống nhất với Hà Thị Thu H6 trước khi X đơn cho Công ty N, thì các công ty liên quan trong nhóm của D sẽ lập hợp đồng bán hàng, X đơn GTGT cho Công ty T13 làm đầu vào để cân đối hạch toán. H12 đã ký Hợp đồng kinh tế số 66 ngày 28/7/2013 và Hóa đơn GTGT số 58 ngày 02/8/2013, số 60 ngày 12/8/2013 để giải ngân tại HĐTD số 33 ngày 21/8/2013; Hợp đồng kinh tế số 72 ngày 23/8/2013 và Hóa đơn GTGT số 62 ngày 26/8/2013 để giải ngân tại HĐTD số 34 ngày 28/8/2013; Hợp đồng kinh tế số 85 ngày 01/8/2013 và các hóa đơn GTGT số: 63 ngày 30/8/2013, 64 ngày 15/9/2013 để giải ngân tại HĐTD số 36 ngày 20/9/2013; Hợp đồng kinh tế số 101 ngày 10/10/2013 và các hóa đơn GTGT số: 67 ngày 10/10/2013, 116 ngày 20/4/2014 và số 118 ngày 22/4/2014 để giải ngân tại các HĐTD số: 39 ngày 15/10/2013 và số 40 ngày 24/10/2013. Tổng số tiền được giải ngân là 41.355.519.320đ (Bốn mươi mốt tỷ, ba trăm năm mươi lăm triệu, năm trăm mười chín nghìn, ba trăm hai mươi đồng) chuyển về tài khoản Công ty T13, H12 ký ủy nhiệm chi để chuyển trả tiền thông qua các hợp đồng thanh toán tiền hàng với nhóm công ty của D.

- Vào năm 2009, Nguyễn Văn D nhờ Nguyễn Mạnh H13, Giám đốc Công ty CP Đ2 ký đóng dấu hợp thức Hợp đồng kinh tế số 68 ngày 20/9/2009, Biên bản giao nhận thiết bị số 01 ngày 29/10/2009 khống, thể hiện nội dung Công ty CP Đ2 bán thiết bị máy cho Công ty S (nay là Công ty N) phục vụ làm hồ sơ giải ngân số tiền 19.321.000.000đ (Mười chín tỷ, ba trăm hai mươi mốt triệu đồng). D chỉ đạo Phùng Thúy H8 là kế toán làm giả 03 hóa đơn GTGT tại 02 hồ sơ giải ngân theo HĐTD số 01 ngày 01/10/2009. Sau khi giải ngân, số tiền được chuyển vào tài khoản của H13, H13 chuyển tiền trả lại cho D.

- Trong năm 2009, Nguyễn Văn D chỉ đạo Phùng Thúy H8 thông qua Đỗ Hoàng D3 (đã chết năm 2010) nhờ Phí Văn Đ3, Giám đốc Công ty TNHH X3 (Công ty V1) sử dụng pháp nhân Công ty V1 làm giả hợp đồng kinh tế thi công công trình khai thác quặng sắt với Công ty S (nay là Công ty N) để hợp thức hồ sơ vay vốn, giải ngân, chuyển tiền qua tài khoản Công ty V1. Đoàn đã đóng dấu Công ty V1 lên Hợp đồng xây dựng số 40 ngày 02/6/2009 do Đỗ Hoàng D3 đứng tên Phó giám đốc, nhưng thực tế D3 không phải là Phó giám đốc Công ty V1. Phùng Thúy H8 đã sử dụng mẫu hóa đơn Công ty V1 để làm giả Hóa đơn GTGT số 007783 ngày 03/01/2013 cùng các chứng từ kèm theo hợp thức hồ sơ giải ngân tại HĐTD số 01 ngày 01/10/2009, để giúp D3 được Ngân hàng giải ngân 15.471.535.000 đ (Mười lăm tỷ, bốn trăm bảy mươi mốt triệu, năm trăm ba mươi lăm nghìn đồng). Sau khi tiền giải ngân chuyển về tài khoản Công ty V1, Đoàn ký ủy nhiệm chi chuyển trả cho D3.

- Từ năm 2009 đến năm 2010, Nguyễn Văn D chỉ đạo Phùng Thúy H8 làm 02 hồ sơ giải ngân giả và làm giả 02 hóa đơn GTGT số 0038743 ngày 05/01/2010 và số 0078153 ngày 20/12/2009. Sau đó, nhờ Nguyễn Trung P2 (đã chết năm 2014), Giám đốc Công ty TNHH X4 (Công ty K1) ký vào hợp đồng kinh tế thuê xe, máy móc; Bảng nghiệm thu thời gian; Giấy đề nghị thanh toán với Công ty K1, rồi sử dụng làm hồ sơ giả giải ngân tại HĐTD số 01 ngày 01/10/2009 để giúp D được Ngân hàng giải ngân 9.350.941.197đ (Chín tỷ, ba trăm năm mươi triệu, chín trăm bốn mươi mốt nghìn, một trăm chín mươi bảy đồng). Sau khi tiền chuyển về tài khoản Công ty K1, Phần ký séc rút tiền mặt chuyển trả cho D.

Như vậy, từ ngày 02/10/2009 đến ngày 28/4/2014 Ngân hàng BIDV B đã giải ngân 127 hồ sơ vay tiền của Công ty N. Trong 127 hồ sơ giải ngân, các đối tượng đã hợp thức 75 hồ sơ giả để được giải ngân số tiền là 862.722.991.830đ (Tám trăm sáu mươi hai tỷ, bảy trăm hai mươi hai triệu, chín trăm chin mươi mốt nghìn, tám trăm ba mươi đồng). Còn lại, 52 hồ sơ giải ngân qua 18 doanh nghiệp, tổng số tiền là 121.263.004.112đ (Một trăm hai mươi mốt tỷ, hai trăm sáu mươi ba triệu, không trăm linh bốn nghìn, một trăm mười hai đồng) Cơ quan điều tra chưa đủ cơ sở kết luận vi phạm.

Trong số tiền 862.722.991.830đ (Tám trăm sáu mươi hai tỷ, bảy trăm hai mươi hai triệu, chín trăm chin mươi mốt nghìn, tám trăm ba mươi đồng) rút từ Ngân hàng BIDV B, Nguyễn Văn D đã sử dụng để đảo nợ khoản vay Ngân hàng BIDV cho các công ty trong nhóm của D và chi cho hoạt động kinh doanh. Tính đến ngày khởi tố vụ án, Công ty N còn nợ Ngân hàng BIDV B tổng số 986.994.392.121đ (Chín trăm tám mươi sáu tỷ, chín trăm chin mươi tư triệu, ba trăm chin mươi hai nghìn, một trăm hai mươi mốt đồng).

Quá trình vay tiền tại Ngân hàng BIDV B nêu trên, D đã sử dụng tài sản của Công ty N đảm bảo cho các khoản vay gồm: Quyền khai thác mỏ Chì kẽm Cốc Lót tại thị trấn N3, huyện N4, tỉnh B được định giá 110.000.000.000đ (Một trăm mười tỷ đồng); Nhà máy chế biến quặng P4 và quyền khai thác mỏ sắt Pù Ô tại xã Q1, huyện C2, tỉnh B được định giá 180.000.000.000đ (Một trăm tám mươi tỷ đồng); Nhà máy luyện Chì kẽm đa kim N4 tại thôn B2, xã T14, huyện N4, tỉnh B được định giá 262.151.000.000đ (Hai trăm sáu mươi hai tỷ, một trăm năm mươi mốt triệu đồng); Quyền khai thác và kinh doanh cụm mỏ đồng V2, S3, tỉnh S4 được định giá 800.000.000.000đ (Tám trăm tỷ đồng); Quyền khai thác và kinh doanh mỏ sắt 409 tại xã L2, huyện T15, tỉnh Y được định giá 65.000.000.000đ (Sáu mươi lăm tỷ đồng); Nhà máy Tuyển luyện kim mỏ đồng V2, S3 tại xã L3, huyện P3, tỉnh S4 được định giá 279.648.000.000đ (Hai trăm bảy mươi chín tỷ, sáu trăm bốn mươi tám triệu đồng); Giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất mang tên Nguyễn Văn D tại B được định giá 2.500.000.000đ (Hai tỷ, năm trăm triệu đồng). Tổng trị giá tài sản đảm bảo của Công ty N tại thời điểm cho vay là 1.699.299.000.000 đ (Một nghìn, sáu trăm chin mươi chín tỷ, hai trăm chin mươi chín triệu đồng) do Ngân hàng BIDV B định giá dựa trên cơ sở Chứng thư thẩm định giá của các công ty thẩm định giá.

2. Hành vi trốn thuế trong việc bán quặng sắt khai thác tại mỏ P4, huyện C2, tỉnh B của Nguyễn Văn D.

Vào năm 2010, Công ty N được phép khai thác, tiêu thụ quặng sắt tại mỏ P4 thuộc xã Q1, huyện C2, tỉnh B.

Từ ngày 14/6/2013 đến ngày 04/01/2015, Nguyễn Văn D đã ký 03 hợp đồng kinh tế bán quặng sắt cho Công ty TNHH V3 có trụ sở tại tổ 12, phường T16, thành phố T17, tỉnh T17 do ông Cao Quốc V4 làm Giám đốc, gồm tổng số 47.865,349 tấn quặng sắt với giá từ 1.000.000đ (Một triệu đồng) đến 1.300.000đ (Một triệu ba trăm nghìn đồng)/tấn. Tổng giá trị hàng hóa thành tiền là 54.251.872.311đ (Năm mươi tư tỷ, hai trăm năm mươi mốt triệu, tám trăm bảy mươi hai nghìn, ba trăm mười một đồng), Công ty TNHH V3 đã chuyển trả hết tiền cho Công ty N. Căn cứ các quy định của pháp luật thì Công ty N phải khai báo thuế chính xác, trung thực, đầy đủ những hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, khấu trừ thuế và giao dịch phải kê khai thông tin về thuế trong hoạt động khoáng sản và phải đóng các loại thuế, phí, nhưng D chỉ xuất cho Công ty V3 05 hóa đơn GTGT: Số 0001562 ngày 21/8/2013; số 0001563 ngày 25/8/2013; số 0001565 ngày 08/4/2014; số 00001602 ngày 06/9/2014 và số 0001603 ngày 18/9/2014, thể hiện Công ty N bán cho Công ty Cổ phần V3 16.500 tấn quặng sắt (thấp hơn số bán thực tế là 31.365,349 tấn), với giá là 545.454đ/1tấn (Năm trăm bốn mươi lăm nghìn, bốn trăm năm mươi tư đồng)/tấn, tổng giá trị 9.899.999.100đ (Chín tỷ, tám trăm chin mươi chín triệu, chín trăm chin mươi chín nghìn, một trăm đồng) đã bao gồm thuế GTGT là 10%, thấp hơn giá trị thực tế 44.351.887.211đ (Bốn mươi bốn tỷ, ba trăm năm mươi mốt triệu, tám trăm tám mươi bảy nghìn, hai trăm mười một đồng) nhằm trốn thuế.

Tại Kết luận giám định về thuế của Bộ Tài chính ngày 21/7/2016 kết luận: Tổng số tiền mà Nguyễn Văn D - Giám đốc Công ty N đã trốn thuế là 10.511.464.740đ (Mười tỷ, năm trăm mười một triệu, bốn trăm sáu mươi bốn nghìn, bảy trăm bốn mươi đồng), trong đó: Thuế tài nguyên: 2.957.843.700đ (Hai tỷ, chín trăm năm mươi bảy triệu, tám trăm bốn mươi ba nghìn, bảy trăm đồng); Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản: 1.243.122.500đ (Một tỷ, hai trăm bốn mươi ba triệu, một trăm hai mươi hai nghìn, năm trăm đồng); Thuế GTGT: 4.031.989.290đ (Bốn tỷ, không trăm ba mươi mốt triệu, chín trăm tám mươi chín nghìn, hai trăm chín mươi đồng); Thuế thu nhập doanh nghiệp: 2.278.509.250đ (Hai tỷ, hai trăm bảy mươi tám triệu, năm trăm linh chín nghìn, hai trăm năm mươi đồng).

3. Hành vi mua bán trái phép 103 hóa đơn giá trị gia tăng của Nguyễn Văn D, Chu Thị Ngọc T4 và hành vi làm giả con dấu, tài liệu của 03 công ty ở 103 hóa đơn giá trị gia tăng của Chu Thị Ngọc T4.

Cuối năm 2009, thông qua một người tên Quy (chưa xác định được họ và địa chỉ), Chu Thị Ngọc T4 làm giả 03 con dấu (với chi phí 10 triệu đồng/01 con dấu) và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các công ty: Công ty TNHH Đ4 do ông Trần Văn T18 làm Giám đốc; Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ T20 do ông Vũ Hoàng S5 làm Giám đốc và Công ty Cổ phần đầu tư N5 do ông Nguyễn Văn T19 làm Giám đốc. Đồng thời mua các hóa đơn GTGT, với giá 01 triệu đồng/01 quyển gồm 50 tờ của Quy. T4 trực tiếp ký giả vào mục Giám đốc tại 103 hóa đơn GTGT, sử dụng con dấu giả 03 công ty trên đóng lên 103 hóa đơn GTGT chưa ghi nội dung, cụ thể: Dùng pháp nhân công ty TNHH Đ4 bán 50 tờ hóa đơn GTGT, Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ T20 bán 33 tờ hóa đơn GTGT, Công ty Cổ phần đầu tư N5 bán 20 tờ hóa đơn GTGT, với giá 50.000 đồng/01 tờ, thu lợi 30.000 đồng/01 tờ (sau khi trừ chi phí mua 20.000 đồng/01 tờ hóa đơn GTGT), tổng giá trị ghi trên 103 hóa đơn GTGT là 80.756.716.000đ (Tám mươi tỷ, bảy trăm năm mươi sáu triệu, bảy trăm mười sáu nghìn đồng), đã bao gồm 10% VAT cho người chưa xác định được, mua hộ cho Nguyễn Văn D. Sau đó, T4 đóng dấu và ký tên Công ty TNHH Đ4, Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ T20 và Công ty Cổ phần đầu tư N5 vào các hợp đồng kinh tế và các biên bản thanh lý hợp đồng này. T4 nộp tiền mặt vào tài khoản của Công ty N, rồi dùng ủy nhiệm chi của Công ty N chuyển tiền vào 03 công ty trên, rút tiền để hợp thức việc bán 103 hóa đơn GTGT.

Thông qua việc bán và hợp thức 103 hóa đơn GTGT cho Công ty N, Chu Thị Ngọc T4 thu lời bất chính 163.000.000 đồng.

Ngoài ra, Nguyễn Văn D còn mua 170 hóa đơn GTGT giả của 11 công ty khác, nhằm nâng cao doanh số kinh doanh, hợp thức hồ sơ xin cấp giới hạn tín dụng cho các doanh nghiệp của D. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành điều tra, xác minh nhưng chưa xác định được người bán số hóa đơn này và do hết thời hạn điều tra vụ án, nên tách ra để điều tra xử lý sau.

Tại Bản kết luận giám định số: 2320/C54-P5 ngày 27/6/2015 của Viện Khoa học Hình sự Tổng cục Cảnh sát kết luận: Hình dấu có nội dung “Công ty trách nhiệm hữu hạn Đ4” và chữ ký Trần Văn T18 ở 50 hóa đơn GTGT mà Chu Thị Ngọc T4 xuất bán cho Công ty N không phải là dấu của Công ty TNHH Đ4 và chữ ký của ông Trần Văn T18. Hình dấu có nội dung “Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ T20” và chữ ký Vũ Hoàng S5 ở 33 hóa đơn GTGT mà Chu Thị Ngọc T4 xuất bán cho Công ty N không phải là dấu của Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ T20 và chữ ký của ông Vũ Hoàng S5. Hình dấu có nội dung “Công ty Cổ phần Đầu tư N5” và chữ ký Nguyễn Văn T19 ở 20 hóa đơn GTGT mà Chu Thị Ngọc T4 xuất bán cho Công ty N không phải là dấu của Công ty Cổ phần Đầu tư N5 và chữ ký của ông Nguyễn Văn T19. Hình dấu, chữ ký trên các tài liệu ở 103 hóa đơn GTGT được đóng dấu và ký trực tiếp.

Quá trình điều tra: Chu Thị Ngọc T4 khai nhận đã mua hóa đơn, con dấu của Quy và bán cho Hằng vào năm 2013, khi Công an quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội phát hiện việc bán hóa đơn GTGT giả, Quy đã gặp T4 lấy lại các con dấu của 03 Công ty trên. Nguyễn Văn D khai nhận chỉ đạo Vũ Mạnh, Phó giám đốc Công ty CPĐT Khoáng sản T10 thuộc Công ty N mua 273 hóa đơn GTGT giả của 14 công ty, trong đó có 103 hóa đơn mua của T4.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành điều tra thu thập chứng cứ, nhưng chưa đủ căn cứ để xác định lý lịch nhân thân của Quy, Hằng và chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Vũ Mạnh. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đề nghị Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục xác minh, làm rõ các đối tượng làm giả con dấu, hóa đơn GTGT và người môi giới mua bán để xử lý theo pháp luật.

4. Hành vi vi phạm quy định về cho vay của Trần Vinh Q, Nguyễn Văn D và các cán bộ Ngân hàng BIDV chi nhánh B.

Do nhu cầu cần tiền chi tiêu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty N nhưng Công ty đã vay hết hạn mức tín dụng được Ngân hàng BIDV cấp, nên từ tháng 3/2013 đến tháng 01/2014, Nguyễn Văn D đến gặp Trần Vinh Q, Giám đốc Ngân hàng BIDV B đặt vấn đề vay vốn. D nhờ Q cho vay thêm tiền để thanh toán chi phí cho việc mua máy móc, thiết bị, xây dựng nhà xưởng và trả lương cho công nhân. Q nói cho D biết Công ty N đã vay hết hạn mức tín dụng, D không có tài sản đảm bảo, nên nếu muốn vay tiếp thì phải vay theo hình thức cá nhân, phải nhờ người khác thì mới giải ngân được và phải cam kết bổ sung tài sản đảm bảo, cam kết trả nợ cho các khoản vay này. D đồng ý, nhờ vợ là Vũ Thị H3, các nhân viên của công ty là Vũ Thị T21, Đồng Thị H7 và Phạm Hồng T6 đứng tên các khoản vay cá nhân giúp D. Còn Q chỉ đạo Hà Văn T22, Trưởng phòng và Nguyễn Thị Ngọc T23, cán bộ phòng Khách hàng cá nhân Ngân hàng BIDV B làm hồ sơ đề xuất cho vay không cần tài sản thế chấp, không thực hiện các giao dịch đảm bảo theo quy định của Ngân hàng BIDV, không lập báo cáo đề xuất tín dụng, chỉ soạn thảo: Giấy đề nghị vay vốn, hợp đồng tín dụng, bảng kê rút vốn… trình Q duyệt giải ngân tiền mặt cho D vay.

Với cách thức như trên, từ ngày 29/3/2013 đến ngày 24/01/2014 Nguyễn Văn D đã trực tiếp đứng tên và chỉ đạo người thân hoặc nhân viên đứng tên ký 04 hợp đồng tín dụng để vay 16.750.000.000đ (Mười sáu tỷ, bảy trăm năm mươi triệu đồng), không có tài sản đảm bảo. Cụ thể như sau:

- Khoản vay 3.500.000.000đ (Ba tỷ, năm trăm triệu đồng), đứng tên Vũ Thị T21, theo Hợp đồng tín dụng số 01 ngày 19/11/2013. Khoản vay này không có tài sản thế chấp, không thực hiện các giao dịch đảm bảo theo quy định của Ngân hàng BIDV, không lập báo cáo đề xuất tín dụng. Hồ sơ chỉ có: Giấy đề nghị vay vốn, hợp đồng tín dụng, bảng kê rút vốn… trình Q duyệt giải ngân cho D vay 3.500.000.000đ. Trước thời điểm khởi tố vụ án, đã trả được 784.000.000đ, còn 2.716.000.000đ không có tài sản bảo đảm. Quá trình điều tra đã trả thêm 75.000.000đ, đến nay còn dư nợ: 2.641.000.000đ (Hai tỷ, sáu trăm bốn mươi mốt triệu đồng).

- Khoản vay 3.450.000.000đ (Ba tỷ, bốn trăm năm mươi triệu đồng) đứng tên Nguyễn Văn D, theo Hợp đồng tín dụng số 01 ngày 19/12/2013. Khoản vay này không có tài sản thế chấp, không thực hiện các giao dịch đảm bảo theo quy định của Ngân hàng BIDV, không lập báo cáo đề xuất tín dụng. Hồ sơ chỉ có: Giấy đề nghị vay vốn, hợp đồng tín dụng, bảng kê rút vốn… trình Q duyệt giải ngân cho D vay 3.450.000.000đ. Trước thời điểm khởi tố vụ án, khoản vay này vẫn giữ nguyên dư nợ. Đến nay đã trả được 2.030.000.000đ (Hai tỷ, không trăm ba mươi triệu đồng), còn dư nợ gốc 1.420.000.000đ (Một tỷ, bốn trăm hai mươi triệu đồng).

- Khoản vay 4.800.000.000đ (Bốn tỷ, tám trăm triệu đồng) đứng tên Đồng Thị H7, theo Hợp đồng tín dụng số 01 ngày 09/01/2014. Khoản vay này không có tài sản thế chấp, không thực hiện các giao dịch đảm bảo theo quy định của Ngân hàng BIDV, không lập báo cáo đề xuất tín dụng. Hồ sơ chỉ có: Giấy đề nghị vay vốn, hợp đồng tín dụng, bảng kê rút vốn… trình Q duyệt giải ngân cho D vay 4.800.000.000đ. Trước thời điểm khởi tố vụ án đã bổ sung 01 tài sản đảm bảo quyền sử dụng đất tại Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BD 680741 ngày 21/4/2011 của UBND thị xã B cấp cho ông Phan Trúc L4 và bà Đồng Thị H7; địa chỉ: Tổ 16, Phường Nguyễn Thị M, thị xã B, tỉnh B, được Ngân hàng BIDV Chi nhánh B định giá 340.000.000 đồng. Trước thời điểm khởi tố vụ án, phần dư nợ không có tài sản bảo đảm là: 4.460.000.000đ. Đến nay, đã trả được 90.000.000đ (Chín mươi triệu đồng); còn dư nợ 4.370.000.000đ không có tài sản bảo đảm.

- Khoản vay 5.000.000.000đ (Năm tỷ đồng) đứng tên Vũ Thị H3, theo Hợp đồng tín dụng số 01/2014/HĐ ngày 24/01/2014. Tại thời điểm khởi tố vụ án, khoản vay này không có tài sản thế chấp, không thực hiện các giao dịch đảm bảo theo quy định của Ngân hàng BIDV, không lập báo cáo đề xuất tín dụng. Hồ sơ chỉ có: Giấy đề nghị vay vốn, hợp đồng tín dụng, bảng kê rút vốn… trình Q duyệt giải ngân cho D vay 5.000.000.000đ. Đến nay, đã trả được 160.000.000đ (Một trăm sáu mươi triệu đồng), còn nợ 4.840.000.000đ (Bốn tỷ, tám trăm bốn mươi triệu đồng).

- Ngoài 04 khoản vay trên, Nguyễn Văn D còn vay 3.120.583.000đ (Ba tỷ, một trăm hai mươi triệu, năm trăm tám mươi ba nghìn đồng) đứng tên Phạm Hồng T6, theo Hợp đồng tín dụng số 01 ngày 29/3/2013. Trước thời điểm khởi tố vụ án, D đã bổ sung 02 tài sản đảm bảo quyền sử dụng đất tại Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BM126416 ngày 31/12/2012 và Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BP 187312 ngày 21/8/2013 của UBND thành phố T17 cấp đứng tên bà Vũ Thị H14, sinh năm 1948, địa chỉ Phường T24, thành phố T17. Được Ngân hàng BIDV B định giá 3.801.000.000đ (Ba tỷ, tám trăm linh một triệu đồng). Đến nay, khoản vay này đã trả được 60.000.000 đ (Sáu mươi triệu đồng), còn nợ gốc 3.060.583.000đ (Ba tỷ, không trăm sáu mươi triệu, năm trăm tám mươi ba nghìn đồng). Khoản vay này, tại thời điểm vay vốn không có tài sản bảo đảm nhưng trước khi khởi tố vụ án, D đã bổ sung thế chấp tài sản bảo đảm, Ngân hàng không bị thiệt hại nên không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Q, D trong khoản vay này, mà chuyển lại cho Ngân hàng BIDV B xử lý.

Như vậy, đến thời điểm khởi tố vụ án, trong số 16.750.000.000đ vay theo 04 hợp đồng tín dụng cá nhân nêu trên, thì số tiền 14.945.583.000đ là không có tài sản bảo đảm. Trong quá trình giải quyết vụ án, Nguyễn Văn D đã trả được 2.415.000.000đ, còn dư nợ số tiền không có tài sản bảo đảm là 12.530.583.000đ (Mười hai tỷ, năm trăm ba mươi triệu, năm trăm tám mươi ba nghìn đồng). Hiện số tiền trên D đã sử dụng hết và không có khả năng trả nợ cho Ngân hàng BIDV B.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 13/2020/HS-ST ngày 08 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh B đã tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn D phạm các tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”; “Trốn thuế”; “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” và tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

- Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015; Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội. Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn D 15 (Mười lăm) tháng tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”;

- Áp dụng khoản 3 Điều 200; điểm b, s và v khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; khoản 1 Điều 54; khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015; Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội. Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn D 15 (Mười lăm) tháng tù về tội “Trốn thuế”;

- Áp dụng điểm d, đ khoản 2 Điều 203; điểm s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; khoản 1 Điều 54; khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015; Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội. Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn D 06 (Sáu) tháng tù về tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”;

- Áp dụng khoản 3 Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 17; khoản 2 Điều 54; khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự 2015; Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội. Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn D 03 (Ba) năm 06 (Sáu) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”;

Áp dụng Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 2015, tổng hợp hình phạt các tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, tội “Trốn thuế”, tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” và tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả bốn tội là 06 (Sáu) năm 06 (Sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án. Được trừ thời gian đã tạm giữ, tạm giam từ ngày 09/5/2015 đến ngày 02/4/2016.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về tội danh và hình phạt đối với các bị cáo Chu Thị Ngọc T4 và Trần Vinh Q, về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 17 tháng 6 năm 2020, bị cáo Nguyễn Văn D có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt đối với tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị cáo Nguyễn Văn D đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng vắng mặt.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội trình bày quan điểm giải quyết vụ án:

Ti phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Văn D vắng mặt không có lý do mặc dù đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần. Đề nghị Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt bị cáo và căn cứ Điều 355, 356 Bộ luật Tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn D, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn D gửi bài bào chữa đề nghị HĐXX xem xét áp dụng khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng: Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng tại cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tại cấp sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại gì. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

Ti phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Văn D mặc dù đã được triệu tập hợp lệ nhưng nhiều lần vắng mặt và xin hoãn phiên tòa. Hội đồng xét xử thấy bị cáo chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, do đó căn cứ điểm c khoản 1 Điều 351 Bộ luật Tố tụng hình sự. Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt bị cáo như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại phiên tòa.

[2] Về nội dung:

Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội phù hợp với các tài liệu chứng cứ đã thu giữ trong quá trình điều tra. Đủ cơ sở kết luận:

Từ ngày 29/3/2013 đến ngày 24/01/2014, do nhu cầu cần vay vốn và biết phải có tài sản bảo đảm mới được vay nên Nguyễn Văn D đã gặp, đề nghị Trần Vinh Q cho vay vốn không có tài sản bảo đảm. Sau khi bàn bạc, Q đồng ý cho D vay 04 khoản đứng tên cá nhân, với số tiền là 16.750.000.000đ (Mười sáu tỷ, bảy trăm năm mươi triệu đồng) của Ngân hàng BIDV B, gây thiệt hại cho Ngân hàng BIDV số tiền 14.945.583.000đ, đã khắc phục hậu quả 2.415.000.000đ, còn lại 12.530.583.000đ (Mười hai tỷ, năm trăm ba mươi triệu, năm trăm tám mươi ba nghìn đồng).

Với hành vi nêu trên, bị cáo Nguyễn Văn D đã bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” quy định tại Khoản 3 Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ.

Ngoài ra trong vụ án này Nguyễn Văn D còn bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về các tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “Trốn thuế” và “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”. Tuy nhiên do bị cáo không có kháng cáo nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét.

[3] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, Hội đồng xét xử thấy:

Hành vi của bị cáo Nguyễn Văn D thực hiện là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quy định của Nhà nước về cho vay trong hoạt động tín dụng, gây thất thu cho ngân sách nói chung và các cơ quan, tổ chức nói riêng, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội.

Đánh giá vị trí, vai trò và hành vi của Nguyễn Văn D trong tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999. Hội đồng xét xử đồng tình với nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo Trần Vinh Q là Giám đốc Ngân hàng BIDV B, là người giữ vai trò chính trong việc thực hiện tội phạm, quyết định việc cho Nguyễn Văn D vay các khoản vay cá nhân không có tài sản đảm bảo. Bị cáo Nguyễn Văn D giữ vai trò đồng phạm với bị cáo Q nhưng thực hiện tội phạm với vai trò không đáng kể, vì không mang tính chất quyết định khi thực hiện tội phạm.

Khi quyết định hình phạt Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét bị cáo Nguyễn Văn D phải chịu tình tiết tăng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên” theo điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015. Về tình tiết giảm nhẹ: bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo khai báo thành khẩn và có thái độ ăn năn, hối cải về hành vi phạm tội nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” theo điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Quá trình làm Giám đốc Công ty N, bản thân bị cáo đạt nhiều thành tích xuất sắc được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B, Ủy ban Trung ương Hội doanh nhân trẻ Việt Nam… tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Đồng thời Công ty N do bị cáo làm giám đốc có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh B nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác” theo điểm v khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trước khi phạm tội, bị cáo có thời gian phục vụ trong quân đội, tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền của Ngân hàng BIDV xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nên được hưởng thêm các tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo 03 năm 06 tháng tù là phù hợp. Tại cấp phúc thẩm bị cáo không được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới do đó không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo như ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại phiên tòa.

[4] Về án phí: Kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo Nguyễn Văn D phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án;

QUYẾT ĐỊNH

1. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn D, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 13/2020/HS-ST ngày 08 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh B.

- Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015; Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội. Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn D 15 (Mười lăm) tháng tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”;

- Áp dụng khoản 3 Điều 200; điểm b, s và v khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; khoản 1 Điều 54; khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015; Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội. Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn D 15 (Mười lăm) tháng tù về tội “Trốn thuế”;

- Áp dụng điểm d, đ khoản 2 Điều 203; điểm s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; khoản 1 Điều 54; khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015; Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội. Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn D 06 (Sáu) tháng tù về tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”;

- Áp dụng khoản 3 Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 17; khoản 2 Điều 54; khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự 2015; Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội. Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn D 03 (Ba) năm 06 (Sáu) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”;

Áp dụng Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 2015, tổng hợp hình phạt các tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, tội “Trốn thuế”, tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” và tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả bốn tội là 06 (Sáu) năm 06 (Sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án. Được trừ thời gian đã tạm giữ, tạm giam từ ngày 09/5/2015 đến ngày 02/4/2016.

2. Về án phí: Bị cáo Nguyễn Văn D phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1373
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 26/2023/HS-PT về tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước

Số hiệu:26/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 12/01/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;