TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
BẢN ÁN 26/2018/KDTM-PT NGÀY 05/11/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ
Ngày 05 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 14/2018/TLPT-KDTM, ngày 12 tháng 9 năm 2018 về việc: “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ”.
Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 06/2018/KDTM-ST, ngày 10 tháng 7 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện L bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 34/2018/QĐ-PT, ngày 02 tháng 10 năm 2018, Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số: 71/2018/QĐ-PT, ngày 23 tháng 10 năm 2018 và Quyết định tạm ngừng phiên tòa số: 74/2018/QĐ- PT, ngày 30 tháng 10 năm 2018, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn S.
Địa chỉ: xã A, huyện L, tỉnh Đồng Nai.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn B - Tổng Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Danh P - Nhân viên. (Văn bản ủy quyền ngày 24/7/2017).
- Bị đơn: Công ty cổ phần T (nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn T).
Địa chỉ: xã C, huyện L, tỉnh Đồng Nai.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Y - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đào Công R, sinh năm 1978.
Địa chỉ: phường D, thành phố H, tỉnh Đồng Nai. (Văn bản ủy quyền ngày 01/11/2018).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Tấn V, sinh năm 1979. đơn.
Địa chỉ: xã E huyện L, tỉnh Đồng Nai.
- Người kháng cáo: Ông Đào Công R - Người đại diện theo ủy quyền của bị
(Ông Nguyễn Danh P và ông Đào Công R có mặt; ông Nguyễn Tấn V vắng
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo nội dung đơn khởi kiện ngày 24/07/2017 và quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, ông Nguyễn Danh P là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn S trình bày:
Ngày 17/06/2016, Công ty trách nhiệm hữu hạn S (sau đây gọi tắt là Công ty S) và Công ty trách nhiệm hữu hạn T (sau đây gọi tắt là Công ty T) ký hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo vệ số: M985/HĐKT/2016. Theo nội dung hợp đồng, Công ty S cung cấp cho Công ty T 02 vị trí bảo vệ làm việc 24/24, Công ty T thanh toán phí dịch vụ là 25.000.000 đồng/tháng. Thời hạn của hợp đồng từ ngày 17/06/2016 đến ngày 16/06/2017 và có thể được gia hạn thêm 01 năm đến ngày 16/06/2018 theo Điều 9.3 của hợp đồng. Công ty S đã thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng, nhưng vào ngày 20/05/2017, Công ty T đã gửi cho Công ty S thông báo về việc chấm dứt hợp đồng.
Theo Điều 9.3 của hợp đồng dịch vụ bảo vệ số: M985/HĐKT/2016, ngày 17/6/2017 các bên thỏa thuận: “Trước một tháng kết thúc hợp đồng nếu hai bên không có ý kiến gì bằng văn bản về việc thanh lý hợp đồng thì hợp đồng đương nhiên được gia hạn thêm 01 năm theo các điều khoản của hợp đồng này”. Do đó,
Công ty S đã gửi thông báo số: 006-17/SGLH, ngày 12/6/2017 cho Công ty T biết hợp đồng trên được gia hạn đến ngày 16/06/2018. Tuy nhiên, đến ngày 16/06/2017, Công ty T tiếp tục gửi cho Công ty S thông báo về việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn vào ngày 16/06/2017; đồng thời, yêu cầu Công ty S bàn giao tài sản, nhận phí bảo vệ và rút nhân viên ra khỏi Công ty T. Vì vậy, Công ty S phải bàn giao tài sản và an ninh trật tự cho Công ty T vào ngày 16/06/2017.
Theo Điều 9.1 của hợp đồng dịch vụ bảo vệ số: M985/HĐKT/2016, ngày 17/06/2016 các bên thỏa thuận: “Nếu một trong hai bên (bên A hoặc bên B) đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì bên đơn phương chấm dứt hợp đồng phải bồi thường 100% tổng giá trị của hợp đồng này cho bên kia”. Do đó, Công ty S yêu cầu Công ty T phải bồi thường 100% giá trị hợp đồng với số tiền là
300.000.000 đồng.
Quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, ông Đào Công R là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn Công ty cổ phần T (nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn T) trình bày:
Công ty T thống nhất với trình bày của Công ty S về việc các bên ký kết hợp đồng và nội dung thỏa thuận của hợp đồng dịch vụ bảo vệ số: M985/HĐKT/2016, ngày 17/6/2017.
Do nhu cầu thay đổi dịch vụ bảo vệ nên ngày 20/05/2017, Công ty T ra thông báo về việc chấm dứt hợp đồng dịch vụ bảo vệ trên với Công ty S. Tuy Công ty T thông báo chấm dứt hợp đồng trễ 04 ngày theo thỏa thuận tại Điều 9.3 của hợp đồng để đảm bảo trước 01 tháng, nhưng Công ty S có đủ thời gian để sắp xếp công việc khi hai bên thanh lý hợp đồng. Mặt khác, trong thời gian từ ngày 20/5/2017 đến ngày 16/6/2017, các bên đã điện thoại trao đổi nhiều lần về việc thống nhất thanh lý hợp đồng. Do đó, ngày 16/6/2017, Công ty T tiếp tục ra thông báo và gửi trực tiếp cho ông Nguyễn Văn V - Trưởng Phòng nghiệp vụ của Công ty S; ông V thay mặt Công ty S xác nhận vào thông báo này là đồng ý thanh lý hợp đồng trước hạn vô điều kiện.
Hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo vệ số: M985/HĐKT/2016, ngày 17/6/2016 có điều khoản về việc phải bồi thường 100% giá trị hợp đồng khi có vi phạm. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định của Luật thương mại 2005 thì Công ty T chỉ bồi thường khi Công ty S có thiệt hại thực tế. Trong vụ án này, Công ty S không có thiệt hại thực tế, hoặc nếu có thì có thể hiểu là tổn thất 04 ngày (do Công ty T thông báo chấm dứt hợp đồng trễ 04 ngày). Do đó, Công ty T chỉ chấp nhận bồi thường cho Công ty S 04 ngày thông báo trễ là (25.000.000 đồng/tháng : 30 ngày) x 04 ngày = 336.000 đồng.
Quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Tấn V trình bày:
Ông Nguyễn Tấn V là nhân viên Phòng nghiệp vụ của Công ty S, công việc cụ thể là điều tiết quân số. Theo nội dung công việc được phân công, ông V có nhiệm vụ đến gặp công ty đối tác để xử lý khi có các sự cố hay xử lý vụ việc liên quan đến nhân viên bảo vệ của Công ty S, thực hiện thủ tục bàn giao, rút nhân viên bảo vệ về khi thanh lý hợp đồng.
Ngày 16/06/2017, ông V đến Công ty T thực hiện thủ tục bàn giao tài sản và rút quân về theo yêu cầu của Công ty T. Khi bàn giao hai bên có lập biên bản, bên Công ty S có ông V và anh Trần Xuân M đại diện, bên Công ty T có nhân viên công ty đại diện. Sau đó, ông Y là Tổng Giám đốc Công ty T ký tên vào biên bản bàn giao.
Ông V xác định chữ viết “Đồng ý thanh lý hợp đồng trước thời hạn vô điều kiện” và chữ ký mang tên Nguyễn Văn V trong thông báo đề ngày 16/06/2017 của Công ty T gửi cho Công ty S là của ông V, nhưng có sự nhầm lẫn vì ông V tên là Nguyễn Tấn V còn trong thông báo ghi Nguyễn Văn V. Mặt khác, ông V xác định Tổng Giám đốc Công ty S giao cho ông V nhiệm vụ đến xử lý các sự cố cũng như bàn giao tài sản khi thanh lý hợp đồng, không giao thẩm quyền về việc quyết định thanh lý hợp đồng, việc quyết định thanh lý hợp đồng là do Tổng Giám đốc quyết định.
Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 06/2018/KDTM-ST, ngày 10 tháng 7 năm 2018, Tòa án nhân dân huyện L căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, Điều 39, Điều 147, Điều 266, Điều 271, Điều 273 và Điều 278 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Điều 11, Điều 74, Điều 302 và Điều 306 Luật thương mại 2005; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, nộp, miễn, giảm, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty S.
Buộc Công ty T có trách nhiệm bồi thường cho Công ty S số tiền 300.000.000 đồng.
2. Về án phí: Công ty T phải chịu 15.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.
Hoàn trả cho Công ty S số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 7.500.000 đồng (theo biên lai số: 005082, ngày 14/11/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện L).
Ngoài ra, bản án còn tuyên về nghĩa vụ chậm thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 21/7/2010, ông Đào Công R - người đại diện theo ủy quyền của bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án, đề nghị Tòa án xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Đào Công R giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai phát biểu quan điểm:
- Về thủ tục tố tụng: Việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng trong vụ án đúng với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
- Về quan điểm giải quyết vụ án: Điều 9.1 của hợp đồng dịch vụ bảo vệ số: M985/HĐKT/2016, ngày 17/06/2016 các bên thỏa thuận: “Nếu một trong hai bên (bên A hoặc bên B) đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì bên đơn phương chấm dứt hợp đồng phải bồi thường 100% tổng giá trị của hợp đồng này cho bên kia” là vô hiệu do vi phạm Điều 302 và Điều 303 Luật thương mại 2005. Theo quy định pháp luật, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có thiệt hại thực tế. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án, Công ty S xác định hành vi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn của Công ty T không phát sinh thiệt hại thực tế cho Công ty S. Do đó, yêu cầu bồi thường của Công ty S không có cơ sở chấp nhận.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Công ty T tự nguyện hỗ trợ cho Công ty S số tiền 25.000.000 đồng nhưng Công ty S không đồng ý nhận.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, chấp nhận kháng cáo của ông Đào Công R, sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về xác định quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết vụ án: Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đúng quy định pháp luật.
[2] Về nội dung vụ án:
Các đương sự đều thống nhất, giữa Công ty S và Công ty T ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo vệ số: M985/HĐKT/2016, ngày 17/6/2016. Theo nội dung hợp đồng, Công ty S cung cấp cho Công ty T 02 vị trí bảo vệ làm việc 24/24, Công ty T có trách nhiệm thanh toán phí dịch vụ với số tiền 25.000.000 đồng/tháng. Thời hạn của hợp đồng từ ngày 17/06/2016 đến ngày 16/06/2017 và có thể được gia hạn thêm 01 năm đến ngày 16/06/2018. Ngày 20/05/2017, Công ty T thông báo cho Công ty S về việc kết thúc và không tái ký hợp đồng dịch vụ bảo vệ mới.
Theo nguyên đơn, căn cứ Điều 9.1 hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo vệ số: M985/HĐKT/2016, ngày 17/6/2016, Công ty S yêu cầu Công ty T bồi thường 100% giá trị hợp đồng với số tiền 300.000.000 đồng. Theo bị đơn, Công ty S không có thiệt hại thực tế, hoặc nếu có thì có thể hiểu là tổn thất 04 ngày (do Công ty T thông báo chấm dứt hợp đồng trễ 04 ngày). Quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, Công ty T đồng ý bồi thường cho Công ty S 04 ngày thông báo trễ là 336.000 đồng. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, Công ty T xác định không đồng ý bồi thường 04 ngày thông báo trễ là 336.000 đồng, nhưng tự nguyện hỗ trợ cho Công ty S phí dịch vụ bảo vệ 01 tháng với số tiền 25.000.000 đồng. Hội đồng xét xử xét thấy:
Theo Điều 9.1 của hợp đồng dịch vụ bảo vệ số: M985/HĐKT/2016, ngày 17/6/2016: “Nếu một trong hai bên (bên A hoặc bên B) đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì bên đơn phương chấm dứt hợp đồng phải bồi thường 100% tổng giá trị của hợp đồng này cho bên kia”. Trên thực tế, hợp đồng được thực hiện theo thỏa thuận từ ngày 17/06/2016 đến ngày 16/06/2017 thì chấm dứt, các bên đã ký biên bản bàn giao công việc, Công ty S bàn giao tài sản và an ninh trật tự cho Công ty T vào ngày 16/06/2017.
Theo Điều 9.3 của hợp đồng dịch vụ bảo vệ số: M985/HĐKT/2016, ngày 17/6/2016: “Trước một tháng kết thúc hợp đồng nếu hai bên không có ý kiến gì bằng văn bản về việc thanh lý hợp đồng thì hợp đồng đương nhiên được gia hạn thêm 01 năm theo các điều khoản của hợp đồng này”. Tuy nhiên, trước khi hết hạn hợp đồng trên, Công ty T đã gửi cho Công ty S thông báo chấm dứt hợp đồng và trên thực tế, việc gia hạn hợp đồng không được thực hiện (các bên đã bàn giao tài sản, nhận phí thanh toán và nhân viên Công ty S ngừng công việc tại Công ty T từ ngày 16/6/2017); đồng thời, theo nội dung thỏa thuận của hợp đồng, các bên không có thỏa thuận về phạt hợp đồng hay bồi thường thiệt hại nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng trước hạn trong trường hợp hợp đồng được gia hạn.
Mặt khác, Công ty S xác định yêu cầu Công ty T bồi thường theo thỏa thuận tại Điều 9.1 của hợp đồng dịch vụ bảo vệ số: M985/HĐKT/2016, ngày 17/6/2016. Xét thỏa thuận của các bên là tự nguyện, nhưng theo quy định tại Điều 303 Luật thương mại thì căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải có thiệt hại thực tế. Như vậy, tuy Công ty T thông báo chấm dứt hợp đồng trễ 04 ngày so với thỏa thuận tại Điều 9.3 của hợp đồng nhưng Công ty S không chứng minh được thiệt hại thực tế, đồng thời công ty xác định không có thiệt hại thực tế theo quy định tại Điều 304 Luật thương mại 2005.
Từ những nhận định trên, do Công ty S đã tiến hành bàn giao công việc, ngừng thực hiện công việc tại Công ty T khi kết thúc hợp đồng ngày 16/6/2017; đồng thời, Công ty S xác định không có thiệt hại thực tế khi Công ty T thông báo chấm dứt hợp đồng trước hạn. Do đó, yêu cầu khởi kiện của Công ty S là không có căn cứ pháp luật, nên Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của ông Đào Công R, sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty S.
[3] Đối với việc Công ty T tự nguyện hỗ trợ cho Công ty S phí dịch vụ bảo vệ 01 tháng với số tiền 25.000.000 đồng, nhưng Công ty S không đồng ý nhận. Do đó, Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.
[4] Về ý kiến của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa: Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai là phù hợp với các tai liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[5] Về án phí: Công ty S phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là
15.000.000 đồng. Ông Đào Công R không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ khoản 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Chấp nhận kháng cáo của ông Đào Công R - người đại diện theo ủy quyền của bị đơn Công ty cổ phần T (nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn T). Sửa Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 06/2018/KDTM-ST, ngày 10 tháng 7 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện L.
- Áp dụng Điều 74, Điều 302, Điều 303 và Điều 304 Luật thương mại 2005; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, nộp, miễn, giảm, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn S về việc yêu cầu bị đơn Công ty cổ phần T (nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn T) bồi thường số tiền 300.000.000 đồng.
2. Về án phí:
Công ty trách nhiệm hữu hạn S phải nộp án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 15.000.000 đồng. Được tính trừ vào số tiền 7.500.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp (theo biên lai số: 005082, ngày 14/11/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện L, tỉnh Đồng Nai), Công ty trách nhiệm hữu hạn S phải nộp tiếp số tiền án phí là 7.500.000 đồng.
Hoàn trả cho ông Đào Công R - người đại diện theo ủy quyền của Công ty cổ phần T (nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn T) số tiền 2.000.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp (theo biên lai số: 006571, ngày 02/8/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện L, tỉnh Đồng Nai).
Bản án 26/2018/KDTM-PT ngày 05/11/2018 về tranh chấp hợp đồng dịch vụ
Số hiệu: | 26/2018/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đồng Nai |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 05/11/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về