Bản án 26/2017/KDTM-PT ngày 21/11/2017 về tranh chấp hợp đồng thuê tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 26/2007/KDTM-PT NGÀY 21/11/2007 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THUÊ TÀI SẢN

Ngày 21 tháng 11 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 15/2017/TLPT-KDTM ngày 11 tháng 9 năm 2017 về tranh chấp hợp đồng thuê tài sản.

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2017/KDTM-ST ngày 03 tháng 8 năm 2017 của Toà án nhân dân quận A, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 950/2017/QĐ-PT ngày 25 tháng 10 năm 2017 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên B (viết tắt là Công ty B); địa chỉ trụ sở: Tầng 12 Tòa nhà C, số 18/169 đường D, phường E, quận F, thành phố Hà Nội;

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà G; chức vụ: Chuyên viên Phòng Quản lý và Khai thác tàu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên B (theo văn bản ủy quyền ngày 12 tháng 10 năm 2017); có mặt.

- Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vận tải và Dịch vụ H (viết tắt là Công ty H); địa chỉ trụ sở: Số 4 phố I, phường K, quận A, thành phố Hải Phòng;

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà L; địa chỉ: Số 7/23 đường Nguyễn M, phường N, quận O, thành phố Hải Phòng (được ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 15 tháng 02 năm 2017); có mặt.

- Người kháng cáo: Bị đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vận tải và Dịch vụ H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Ngày 10-7-2012, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên B và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vận tải và Dịch vụ H ký kết hợp đồng thuê tàu định hạn với nội dung:

Công ty B cho Công ty H thuê tàu R; thời gian thuê: 06 tháng  + 01 tháng; giá thuê: 1.150 USD/ngày; thời gian trả tiền thuê: Trả trước 15 ngày trong vòng 03 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu thanh toán của người cho thuê; điều khoản ngừng thuê: “Trong trường hợp tổn thất về thời gian từ việc khiếm khuyết hoặc/và vỡ nợ hoặc/và đình công của sỹ quan hoặc thuyền viên, hoặc sự thiếu hụt dự trữ, hỏa hoạn, hỏng hóc, hư hại của thân tàu, của máy móc hoặc trang thiết bị,...”.

Ngày 15-7-2012, Công ty B giao tàu cho Công ty H. Ngày 20-01-2013, Công ty H hoàn trả lại tàu cho Công ty B. Tính đến thời điểm ngày 20-01-2013, Công ty H đã trả cho Công ty B 124.936,05 USD tiền thuê tàu. Ngày 22-3-2013, Công ty H trả cho Công ty B 50.000.000 VNĐ, quy đổi ra USD (theo tỷ giá ngày 22-3-2013: 20.920 VNĐ/USD) là 2.390,06 USD. Tổng cộng số tiền đã thanh toán là 127.326,11 USD, số tiền còn phải thanh toán là 25.820,74 USD, quy đổi ra tiền VNĐ là: 539.653.466 VNĐ.

Trong thời gian thực hiện hợp đồng thuê tàu, Công ty H đã trả lương cho hai thuyền viên P và Q thay cho Công ty B với số tiền 217.470.000 đồng. Do tình trạng kỹ thuật của tàu không bơm được dầu để chạy (mặc dù trên tàu còn 20 tấn dầu FO) trong hành trình từ cảng Gagotalo (Indonexia) về cảng Mahachai (Thailand), Công ty H đã phải tiếp nhận 11.500 lít dầu DO từ tàu S làm phát sinh chi phí 11.447,6 USD quy đổi ra VNĐ là 238.396.270 đồng. Do Công ty B chậm chuyển hóa đơn VD/11 số 27 ngày 26-12-2012 (hóa đơn VD/11 số 27 được lập ngày 26-12-2012 nhưng đến ngày 14-4-2014 Công ty H mới nhận được) dẫn đến Công ty H không hạch toán và quyết toán thuế cuối năm 2012; đến nay, khoản tiền thuế giá trị gia tăng là 131.386.818 đồng không thể quyết toán được.

Công ty B không đồng ý với yêu cầu của Công ty H đối với khoản chi phí phát sinh trong thời gian ngừng thuê tàu là 238.396.270 đồng và khoản tiền bị thiệt hại do chậm chuyển hóa đơn VD/11 số 27 ngày 26-12-2012 là 131.386.818 đồng. Công ty B yêu cầu Công ty H phải trả Công ty B số tiền thuê tàu còn thiếu và số tiền lãi do chậm thanh toán là 773.503.301 đồng, trong đó: nợ gốc là 25.820,74 USD quy đổi ra tiền Việt Nam tương đương 539.653.466 VNĐ; nợ lãi tính từ tháng 3-2013 đến tháng 7-2017 là 233.849.835 đồng. Đối trừ đi số tiền Công ty H đã trả cho hai thuyền viên P và Q là 201.591.502 đồng. Số tiền Công ty H phải trả cho Công ty B là 571.911.799 đồng.

Trước khi mở phiên tòa và tại phiên tòa, Công ty B và Công ty H thỏa thuận đối với số tiền mà Công ty H đã trả lương cho hai thuyền viên P và Q thay cho Công ty B là 201.591.502 đồng

* Tại bản án số 04/2017/KDTM-ST ngày 03-8-2017 của Tòa án nhân dân quận A, thành phố Hải Phòng đã căn cứ khoản 1 Điều 30 điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 200; Điều 202; khoản 1, khoản 3 Điều 147; Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Áp dụng các Điều 220, 221, 222, 223, 227, 269, 270, 271, 306 của Luật Thương mại; Áp dụng khoản 2 Điều 357, khoản 2 Điều 468, 472, 473, 474, 476, 480, 481 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Căn cứ khoản 2, khoản 5 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; chấp nhận phản tố yêu cầu bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn về số tiền trả lương cho 02 thuyền viên tàu R là 201.591.502 đồng. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn về khoản chi phí phát sinh trong thời gian ngừng thuê tàu và khoản bị thiệt hại do nguyên đơn chậm chuyển hóa đơn VD/11 số 27 ngày 26-12-2012 dẫn đến bị đơn không hạch toán, quyết toán và khấu trừ thuế giá trị gia tăng năm 2012.

Buộc bị đơn là Công ty H phải trả cho nguyên đơn là Công ty B số tiền do bị đơn  vi  phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng thuê tàu là: Số tiền gốc: 539.653.466 đồng, số tiền lãi: 539.653.466 đồng x 52 tháng x 10%/12 tháng = 233.849.835 đồng, tổng cộng: 773.503.301 đồng; được bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn số tiền trả lương cho 02 thuyền viên tàu R là 201.591.502 đồng. Số tiền Công ty H phải trả cho Công ty B là: 571.911.799 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

Ngoài ra bản án còn tuyên nghĩa vụ nộp phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

* Nội dung kháng cáo: Ngày 16-8-2017 và tại phiên tòa, Công ty H kháng cáo toàn bộ bản án đề nghị Tòa án tính lại lãi của khoản tiền bị đơn phải trả nguyên đơn theo hướng sau khi đã trừ tiền nợ gốc; chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn về khoản chi phí phát sinh trong thời gian ngừng thuê tàu là 11.447,60USD, quy đổi ra VNĐ là 238.396.270 đồng. Công ty H rút yêu cầu phản tố Công ty B phải trả cho Công ty H các khoản tiền bị thiệt hại do nguyên đơn chậm chuyển hóa đơn VD/11 số 27 ngày 26-12-2012 dẫn đến bị đơn không hạch toán, quyết toán và khấu trừ thuế giá trị gia tăng năm 2012 là 131.386.818 đồng.

* Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người đại diện hợp pháp của Công ty H trình bày: Công ty H đồng ý trả Công ty B khoản tiền gốc 539.653.466 đồng và phải trừ đi số tiền Công ty H tiền trả lương cho 02 thuyền viên tàu R là 201.591.502 đồng, sau đó mới tính lãi chậm trả. Công ty H đề nghị Tòa án chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty H, buộc Công ty B phải thanh toán cho Công ty H khoản tiền sau: Khoản chi phí phát sinh do việc phải dừng neo tàu để cấp bổ sung dầu DO: Do tình trạng kỹ thuật của tàu R không bơm được dầu để chạy (mặc dù trên tàu còn 20 tấn dầu) trong hành trình từ cảng Gagotalo (Indonexia) về cảng Mahachai (Thailand), bị đơn đã phải cấp bổ sung 11.500 lít dầu DO từ tàu S tại khu vực Cảng Sampit (Indonexia). Việc cấp bổ sung 11.500 lít dầu DO từ tàu S làm phát sinh chi phí như sau: chi phí Công ty H phải thanh toán cho 2,4 ngày chạy tàu của tàu S: 2,4 ngày x 1.080USD/ngày = 2.592USD; chi phí Công ty H phải thanh toán nhiên liệu cho 2,4 ngày chạy tàu của tàu S: 2,8 tấn x 980USD/ngày = 6.585,5USD; chi phí ngày tàu R neo chờ cấp nhiên liệu: 02 ngày x 1.150USD/ngày = 2.300USD. Tổng cộng là 11.447,6USD quy đổi ra tiền Việt Nam là 238.396.270 đồng.

Công ty H rút yêu cầu phản tố, rút kháng cáo Công ty B phải trả cho Công ty H các khoản tiền tiền bị thiệt hại do nguyên đơn chậm chuyển hóa đơn VD/11 số 27 ngày 26-12-2012 dẫn đến bị đơn không hạch toán, quyết toán và khấu trừ thuế giá trị gia tăng năm 2012 là 131.386.818 đồng để Công ty về hạch toán thuế, nếu không được khấu trừ sẽ yêu cầu sau.

Người đại diện hợp pháp của Công ty B trình bày: Công ty B đồng ý đề nghị cách tính tiền nợ gốc 539.653.466 đồng trừ đi số tiền Công ty H tiền trả lương cho 02 thuyền viên tàu R là 201.591.502 đồng, sau đó mới tính lãi chậm trả. Nhưng Công ty B không đồng ý yêu cầu của Công ty H, cụ thể:

Về khoản chi phí phát sinh do việc phải cấp bổ sung dầu DO tại khu vực Cảng Sampit (Indonexia): Người đại diện hợp pháp của bị đơn đưa ra lý do phải cấp bổ sung 11.500 lít dầu DO từ tàu S tại khu vực Cảng Sampit (Indonexia) là do tình trạng kỹ thuật của tàu R không bơm được dầu để chạy (mặc dù trên tàu còn 20 tấn dầu) là không đúng. Tại thời điểm bị đơn nêu tàu R bị hư hại bơm dầu dẫn đến phải cấp bổ sung 11.500 lít dầu DO từ tàu S, nguyên đơn không nhận được thông báo của bị đơn về sự cố của tàu như bị đơn đã nêu. Nội dung này bị đơn chỉ thông báo cho nguyên đơn sau khi nhận được tổng hợp và yêu cầu thanh toán công nợ. Mặt khác, bị đơn nêu nguyên nhân việc phải cấp bổ sung nhiên liệu là do máy bơm trên tàu R trục trặc nhưng đã không cung cấp được bằng chứng xác định có sự cố xảy ra như đã nêu trên nên nguyên đơn không chấp nhận.

Công ty B đồng ý với việc Công ty H rút yêu cầu phản tố Công ty B phải trả cho Công ty H các khoản tiền tiền bị thiệt hại do nguyên đơn chậm chuyển hóa đơn VD/11 số 27 ngày 26-12-2012 dẫn đến bị đơn không hạch toán, quyết toán và khấu trừ thuế giá trị gia tăng năm 2012 là 131.386.818 đồng. Việc bị đơn không hạch toán, quyết toán thuế và không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng là do lỗi của bị đơn và thuộc trách nhiệm của bị đơn.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và phát biểu ý kiến về nội dung kháng cáo:

- Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định về quyền và nghĩa vụ của mình.

- Về nội dung kháng cáo: Đơn và nội dung kháng cáo của bị đơn đã thực đúng theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Về yêu cầu nguyên đơn phải trả cho bị đơn số tiền 238.396.270 đồng chi phí cấp dầu cho tàu R: Căn cứ tài liệu có trong hồ sơ, Công ty B đã có email trả lời về việc offhire từ ngày 04-11-2012 đến ngày 06-11-2012, Công ty H đã yêu cầu tàu cố gắng chạy sang Singapore để cấp dầu, đồng thời Công ty H đã cam kết chịu trách nhiệm cấp dầu cho tàu nếu thiếu hụt ở bất kỳ đâu. Bị đơn không đủ tài liệu chứng minh việc tàu phải dừng để cấp nhiên liệu trên đường hành trình do nguyên nhân là tàu không bơm được nhiên liệu lỗi là của Công ty B. Vì vậy, yêu cầu phản tố, kháng cáo này của bị đơn Công ty H không có căn cứ để chấp nhận.

Về yêu cầu nguyên đơn phải trả cho bị đơn tiền bồi thường thiệt hại do chậm chuyển hóa đơn VD/11 số 27 ngày 26-12-2012 nên không hạch toán và quyết toán được thuế cuối năm: Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện theo ủy quyền của bị đơn đã rút yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo này, đề nghị Tòa án đình chỉ xét xử yêu cầu của bị đơn.

Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu phản tố thứ nhất của bị đơn về việc đối trừ khoản tiền bị đơn đã thanh toán lương cho hai thuyền viên số tiền là 201.591.502 đồng. Tuy nhiên, số tiền này không được Tòa án sơ thẩm trừ vào nợ gốc nên số tiền lãi tính chưa đúng, gây thiệt hại cho bị đơn. Cụ thể sau khi đối trừ sơ tiền nợ gốc còn: 539.653.466 đồng - 201.591.502 đồng = 338.061.964 đồng và số tiền lãi phải tính lại trên số tiền gốc 338.061.964 đồng và tính lại án phí. Vì vậy, có cơ sở chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn.

Căn cứ khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm số 04/2017/KDTM-ST ngày 03-8-2017 của Tòa án nhân dân quận Ngô Quyề, thành phố Hải Phòng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, yêu cầu kháng cáo của bị đơn, việc giải quyết xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm và ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tham gia phiên tòa.

[1] Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo và nội dung kháng cáo, thủ tục kháng cáo của bị đơn là Công ty H hợp lệ nên được Tòa án chấp nhận xem xét.

[2] Về nội dung kháng cáo của bị đơn:

2.1. Đối với yêu cầu Công ty B thanh toán chi phí ngừng thuê tàu và chi phí phát sinh do việc cấp bổ sung dầu 11.500 lít dầu DO tại tại khu vực Cảng Sampit (Indonexia): Công ty H đưa ra lý do dừng neo tàu để cấp bổ sung dầu DO là do tình trạng kỹ thuật của tàu R không bơm được dầu để chạy máy (mặc dù trên tàu còn 20 tấn dầu) nhưng không đưa ra được bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào xác định tình trạng kỹ thuật của tàu R không bơm được dầu cũng như không đưa ra được bất kỳ lý do nào khác xác định sự kiện ngừng thuê tàu như đã nêu ra do đó không có căn cứ chấp nhận yêu cầu của bị đơn. Mặt khác, khi tàu phát sinh sự cố không bơm được dầu, Công ty H không thông báo với với Công ty B về sự cố để xử lý là không đảm bảo tính khách quan khi xử lý sự cố. Vì vậy, yêu cầu phản tố và phần kháng cáo này của Công ty H không có căn cứ để chấp nhận.

2.2. Đối với yêu cầu Công ty B phải thanh toán khoản thiệt hại do nguyên đơn chậm chuyển hóa đơn VD/11 số 27 ngày 26-12-2012 nên Công ty H không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng:

Tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn Công ty H tự nguyện rút yêu cầu phản tố yêu cầu Công ty B phải trả cho Công ty H khoản tiền tiền bị thiệt hại do Công ty B chậm chuyển hóa đơn VD/11 số 27 ngày 26-12-2012 dẫn đến bị đơn không hạch toán, quyết toán và khấu trừ thuế giá trị gia tăng năm 2012 là 131.386.818 đồng, đã được nguyên đơn là Công ty B đồng ý. Hội đồng xét xử xét thấy cần chấp nhận yêu cầu này của Công ty H, cần tuyên hủy và đình chỉ giải quyết phần yêu cầu này trong phần quyết định của bản án sơ thẩm. Công ty H vẫn phải chịu án phí theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.

2.3. Đối với yêu cầu tính lại số tiền lãi, sau khi đối trừ số tiền 201.591.502 đồng trả lương cho 02 thuyền viên tàu R là: Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu phản tố thứ nhất của bị đơn về việc đối trừ khoản tiền bị đơn đã thanh toán lương cho hai thuyền viên số tiền là 201.591.502 đồng trên cơ sở thỏa thuận của nguyên đơn và bị đơn là có căn cứ.  Nhưng để đảm bảo quyền lợi cho đương sự, cần sửa bản án sơ thẩm, số tiền trên phải được trừ vào số tiền nợ gốc là 539.653.466 đồng, sau đó mới tính tiền lãi trên số gốc sau khi đã đối trừ. Như vậy, số  tiền nợ gốc mà Công  ty H phải trả cho  Công ty B là: 539.653.466 đồng - 201.591.502 đồng = 338.061.964 đồng;

Về khoản tiền lãi của Hợp đồng thuê tàu định hạn ngày 10-7-2012 được ký kết giữa bên chủ tàu là Công ty B và bên người thuê tàu là Công ty H được tính theo quy định tại Điều 306 Luật thương mại. Thời hạn chậm trả từ tháng 03-2013 đến thời điểm xét xử tháng 7-2017 nên áp dụng mức lãi suất cho vay trung hạn (từ 1 năm đến 5 năm) của 03 Ngân hàng: Ngân hàng Công Thương là 10,5%, Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn là 9,5%, Ngân hàng Ngoại Thương là 10%. Mức lãi suất trung hạn trung bình của 3 ngân hàng là: 10%/ năm. Nguyên đơn yêu cầu Tòa án tính số tiền lãi phát sinh từ tháng 3/2017 đến khi xét xử sơ thẩm làm tròn là 52 tháng là có cơ sở chấp nhận. Số tiền nợ lãi được tính lại như sau: 338.061.964 đồng x 52 tháng x 10%/12 tháng = 146.493.518 đồng.

Tổng số tiền mà Công ty H phải trả cho Công ty B là 484.555.482 đồng.

Theo phân tích trên, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của Công ty H.

[3] Về án phí: Căn cứ khoản 3 Điều 147, 148, 299 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2, khoản 5 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

- Về án phí sơ thẩm:

Công ty B phải chịu ½ số tiền án phí của khoản tiền 201.591.502 đồng. Cụ thể: (201.591.502 đồng x 5%) : 2 = 5.040.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

Công ty H phải chịu số tiền án phí của các khoản tiền: 338.061.964 đồng + 146.493.518 đồng + 238.396.270 đồng + 131.386.818 đồng = 854.339.020 đồng. Cụ thể: (36.000.000 đồng + 54.339.020 đồng x 3%) = 37.630.170 đồng.

- Về án phí phúc thẩm: Do bản án kinh doanh thương mại bị sửa nên bị đơn là Công ty H không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 30, Điều 35, Điều 39, Điều 147, Điều 148, Điều 200, Điều 202, Điều 299, khoản 2 Điều 308, Điều 311 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Áp dụng các Điều 269, Điều 270, Điều 271, Điều 306 của Luật Thương mại; khoản 2 Điều 357; khoản 2 Điều 468, Điều 472, 473, 474, 476, 480, 481 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 220, Điều 221, Điều 222, Điều 223, Điều 227 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam; khoản 2, khoản 5 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án,

Xử: Sửa bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm, chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vận tải và Dịch vụ H; chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên B; chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại, Vận tải và Dịch vụ H:

1. Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vận tải và Dịch vụ H phải trả cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên B số tiền 539.653.466 đồng. Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên B phải trả cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vận tải và Dịch vụ H số tiền là 201.591.502 đồng. Sau khi đối trừ hai khoản tiền trên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vận tải và Dịch vụ H phải trả cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên B số tiền nợ gốc và lãi là 484.555.482 đồng (trong đó số tiền nợ gốc là 338.061.964 đồng + số tiền nợ lãi là 146.493.518 đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vận tải và Dịch vụ H đối với khoản tiền cấp dầu cho tàu  R là 238.396.270 đồng.

3. Hủy và đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vận tải và Dịch vụ H đối với yêu cầu buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên B phải bồi thường khoản tiền thiệt hại do chậm chuyển hóa đơn VD/11 số 27 ngày 26-12-2012 nên không hạch toán và quyết toán được thuế cuối năm là 131.386.818 đồng.

4. Về án phí kinh doanh thương mại:

- Án phí sơ thẩm:

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên B phải nộp 5.040.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 12.800.000 đồng theo biên lai số AA/2010/4729 ngày 25-3-2016 tại Chi cục thi hành án dân sự quận A, thành phố Hải Phòng. Hoàn trả lại cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên B số tiền 7.760.000 đồng.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vận tải và Dịch vụ H phải chịu 37.630.170 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, nhưng được trừ đi số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 13.745.061 đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 1665 ngày 3-4-2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận A, thành phố Hải phòng;

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vận tải và Dịch vụ H còn phải nộp 23.885.109 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

- Án phí phúc thẩm:

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vận tải và Dịch vụ H không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Trả lại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vận tải và Dịch vụ H số tiền tạm ứng án phí là 2.000.000đ đồng đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0001950 ngày 28-8-2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận A, thành phố Hải Phòng.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1257
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 26/2017/KDTM-PT ngày 21/11/2017 về tranh chấp hợp đồng thuê tài sản

Số hiệu:26/2017/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 21/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;