TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
BẢN ÁN 26/2017/HS-ST NGÀY 05/12/2017 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 05 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 24/2017/TLST-HS ngày 26 tháng 10 năm 2017 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 26/2017/QĐXXST-HS ngày 10 tháng 11 năm 2017 đối với các bị cáo:
1. Ma Văn P, sinh ngày 27/02/1981, nơi sinh: huyện S, tỉnh Tuyên Quang; Nơi cư trú: Thôn T, xã H, huyện S, tỉnh Tuyên Quang; nghề nghiệp: Làm ruộng; đoàn thể, đảng: Không; trình độ văn hoá (học vấn): 05/12; dân tộc: Tày; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Ma Văn L, sinh năm 1959 và bà Đinh Thị D, sinh năm 1957; có vợ: Phạm Thị T4, sinh năm 1984 và 02 con, con lớn sinh năm 2005, con nhỏ sinh năm 2010; tiền án: Không, tiền sự: Không; nhân thân: tốt; Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 04/10/2016, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Tuyên Quang. Có mặt.
2. Ma Viết H (tên gọi khác: Ma Văn H), sinh ngày 01/12/1970, nơi sinh: huyện S, tỉnh Tuyên Quang; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Thôn A, xã T, huyện S, tỉnh Tuyên Quang; nghề nghiệp: Làm ruộng; đoàn thể, đảng phái: Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (Đã bị đình chỉ sinh hoạt đảng theo Quyết định đình chỉ số 37-QĐ/UBKTHU ngày 04/10/2016 và các Quyết định gia hạn đình chỉ sinh hoạt đảng số 47-QĐ- UBKTHU ngày 20/02/2017, số 65-QĐ-UBKTHU ngày 27/6/2017 của Ủy ban kiểm tra Huyện ủy S); trình độ văn hoá (học vấn): 12/12; dân tộc: Sán Dìu; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Ma Viết L1 (đã chết) và bà Đặng Thị G (đã chết); có vợ: Diệp Thị N, sinh năm 1969 và 03 con, con lớn sinh năm 1988, con nhỏ sinh năm 1993; tiền án: Không, tiền sự: Không; nhân thân: tốt; Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 04/10/2016, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Tuyên Quang. Có mặt.
* Người bị hại: Bà Nguyễn Thị L2, sinh năm 1977; Có mặt; Nơi ĐKHKTT: Thôn N, xã C, huyện H, tỉnh Bắc Giang; Chỗ ở: Thôn K, xã H, thị xã T, tỉnh Bắc Ninh;
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
1. Bà Bà Đoàn Thị C, sinh năm 1964; Có mặt;
Trú tại: Thôn C, xã K, huyện S, tỉnh Tuyên Quang;
2. Ông Tạ Quang T, sinh năm 1957; Có mặt;
Trú tại: Thôn C, xã K, huyện S, tỉnh Tuyên Quang;
3. Bà Đỗ Thị Đ, sinh năm 1961; Có mặt;
Trú tại: Thôn G, xã K, huyện S, tỉnh Tuyên Quang;
4. Ông Lê X T2, sinh năm 1964; Có mặt;
Trú tại: Thôn Đ, xã H1, huyện S, tỉnh Tuyên Quang;
5. Ông Đặng Quang L, sinh năm 1990; Vắng mặt;
Trú tại: Tổ 20, phường H, thành phố T, tỉnh Tuyên Quang;
6. Ông Trần Quang T3, sinh năm 1986; Vắng mặt;
Nơi ĐKHKTT: Khu 5, xã C, huyện H, tỉnh Phú Thọ; Chỗ ở: Xóm 13, xã T, huyện Y, tỉnh Tuyên Quang;
7. Bà Phạm Thị T4, sinh năm 1984; Có mặt;
Trú tại: Thôn T, xã H, huyện S, tỉnh Tuyên Quang;
8. Bà Nguyễn Thị T5, sinh năm 1990; Vắng mặt;
Nơi ĐKHKTT: Tổ 16, phường X, quận T, thành phố Hà Nội; Chỗ ở: Tổ 12, phường X, quận T, thành phố Hà Nội;
9. Bà Đinh Thị H2 , sinh năm 1961; Vắng mặt;
10. Ông Đoàn Viết X, sinh năm 1983; Có mặt;
Đều trú tại: Thôn P, xã P, huyện S, tỉnh Tuyên Quang;
11. Ông Trần Minh P1, sinh năm 1985; Vắng mặt;
Trú tại: Tổ 22, phường L, quận H, thành phố Hà Nội;
12. Bà Mai Thị Kim L3, sinh năm 1964; Vắng mặt, có đơn xin vắng mặt;
Trú tại: Phòng 2, tầng 5, tập thể T C, phường T, quận T, thành phố Hà Nội;
* Người làm chứng
1. Ông Nguyễn Văn T6, sinh năm 1986; Vắng mặt, có đơn xin vắng mặt;
2. Ông Nguyễn Văn L4, sinh năm 1982; Vắng mặt, có đơn xin vắng mặt;
Đều trú tại: Thôn N, xã C, huyện H, tỉnh Bắc Giang.
3. Ông Nguyễn Văn T7, sinh năm 1971; Có mặt;
Trú tại: Thôn T, xã T, thị xã T, tỉnh Bắc Ninh;
4. Ông Phạm Văn H3, sinh năm 1997; Vắng mặt;
Nơi ĐKNKTT: Thôn N, xã C, huyện H, tỉnh Bắc Giang; Chỗ ở: Thôn K, xã H, thị xã T, tỉnh Bắc Ninh;
5. Ông Nông Văn C, sinh năm 1980; Vắng mặt, có đơn xin vắng mặt;
6. Ông Trương Văn L3, sinh năm 1975; Vắng mặt, có đơn xin vắng mặt;
7. Ông Trương Văn L4, sinh năm 1989; Vắng mặt, có đơn xin vắng mặt;
8. Ông Vương Văn B, sinh năm 1976; Vắng mặt, có đơn xin vắng mặt;
9. Ông Hà Văn Q, sinh năm 1992; Vắng mặt;
10. Ông Triệu Văn S, sinh năm 1987; Vắng mặt, có đơn xin vắng mặt;
Đều trú tại: Thôn Đ, xã P, huyện S, tỉnh Tuyên Quang;
11. Ông Trần Văn T8, sinh năm 1984; Vắng mặt;
12. Mai Văn H4, sinh năm 1985; Vắng mặt;
Đều trú tại: Thôn N, xã H, huyện S, tỉnh Tuyên Quang;
13. Ông Phạm Văn T9, sinh năm 1974; Vắng mặt;
Trú tại: Thôn T, xã H, huyện S, tỉnh Tuyên Quang;
14. Bà Triệu Thị S, sinh năm 1966; Vắng mặt;
15. Bà Mông Thị M, sinh năm 1988; Vắng mặt;
16. Bà Phạm Thị T10, sinh năm 1976; Vắng mặt, có đơn xin vắng mặt;
17. Ông Phùng Văn M1, sinh năm 1965; Vắng mặt, có đơn xin vắng mặt;
18. Ông Phùng Văn T11, sinh năm 1975; Vắng mặt, có đơn xin vắng mặt;
19. Ông Vũ Văn T12, sinh năm 1976; Vắng mặt, có đơn xin vắng mặt;
Đều trú tại: Thôn K, xã P, huyện S, tỉnh Tuyên Quang;
20. Ông Nguyễn Văn Q, sinh năm 1990; Vắng mặt;
Trú tại: Tổ dân phố T, thị trấn S, huyện S, tỉnh Tuyên Quang;
21. Ông Phạm Văn K, sinh năm 1971; Vắng mặt;
Trú tại: Thôn C, xã Đ, thành phố T, tỉnh Tuyên Quang;
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng tháng 02/2016, Nguyễn Thị L2 ở thôn N, xã C, huyện H, tỉnh Bắc Giang điện thoại cho Ma Viết H trú tại thôn A, xã T, huyện S, tỉnh Tuyên Quang nhờ H mua giúp quặng thiếc để bán (H và L2 quen biết nhau từ năm 2012). Tháng 6/2016, H nhờ Ma Văn P trú tại thôn T, xã H, huyện S, tỉnh Tuyên Quang tìm mua quặng thiếc, P đồng ý. Đầu tháng 7/2016, P gọi điện cho H thông báo có quặng thiếc nhưng số lượng ít phải đi thu gom, H đi đến nhà P. P nói với H có khoảng 500 – 600 kg quặng thiếc, đồng thời P hỏi H mua quặng thiếc để bán cho ai, giá cả như thế nào, H nói mua quặng thiếc bán cho L2 nhà ở huyện H, tỉnh Bắc Giang. Sau khi nghe H nói, P liền nảy sinh ý định lừa bán quặng thiếc giả để chiếm đoạt tiền của L2 nên đã bàn với H lừa bán quặng thiếc giả cho L2, H đồng ý và thỏa thuận với nhau nếu lừa được tiền sẽ chia đôi.
Sau khi bàn bạc thống nhất với P, H gọi điện thoại cho L2 nói là có quặng thiếc và bảo L2 trực tiếp sang mua, L2 bảo H gửi mẫu quặng để xem nếu được thì sẽ gửi tiền cho H mua và hứa sẽ trích cho H 2% tiền lãi. H nói lại và được P đưa cho khoảng 0,5kg quặng thiếc, H đem số quặng này đến khu vực cầu Đ thuộc xã M, huyện H, tỉnh Bắc Giang đưa cho L2. Sau khi nhận quặng thiếc, L2 đem đi giám định thì kết quả đạt 68,40% thiếc nên đã đồng ý mua với giá 140.000đ/kg. H nói lại cho P biết và hỏi P mua với giá bao nhiêu thì P bảo mua quặng thiếc giá 210.000đ/kg, đồng thời P bàn với H để tạo lòng tin thì chấp nhận bán lần đầu chịu lỗ để chuyến thứ hai sẽ lừa bán quặng thiếc giả cho L2 với số lượng lớn. H đồng ý và gọi điện thông báo cho L2 là đồng ý bán với giá 140.000đ/kg, L2 đặt mua 01 tấn quặng thiếc để bán cho A. N (là người Trung Quốc, không xác định được địa chỉ), H yêu cầu L2 ứng trước 140.000.000đ. Sau khi nhận tiền H và P mua 600kg quặng thiếc của bà Đoàn Thị C ở thôn C, xã K, huyện S với giá 126.000.000đ (210.000đ/kg) rồi thuê Tạ Quang T ở Thôn C, xã K, huyện S, tỉnh Tuyên Quang vận chuyển về nhà H, còn 14.000.000đ H giữ lại, sau đó H gọi điện bảo L2 đến lấy quặng. L2 cùng với Nguyễn Văn T7 (lái xe) ở thôn T, xã T, thị xã T, tỉnh Bắc Ninh và A. H (là người Trung Quốc, không xác định được địa chỉ) đến nhà H để lấy quặng thiếc. Theo thỏa thuận ban đầu, giá quặng thiếc là 140.000đ/kg tính thành tiền là 84.000.000đ, số tiền còn lại 56.000.000đ H và L2 thống nhất sẽ trừ vào chuyến hàng sau. L2 vận chuyển quặng thiếc về bán cho A. N nhưng chưa trích tiền lãi cho H như thỏa thuận và L2 tiếp tục đặt mua quặng thiếc của H.
Sau khi thấy L2 tiếp tục đặt mua quặng, P mua của Lê Xuân T2 ở thôn Đ, xã H1, huyện S khoảng 30 tấn sái quặng (có đặc điểm giống quặng thiếc) với giá 20.000.000đ (P mới trả cho T2 12.000.000đ), rồi P dùng điện thoại của H gọi cho L2 thông báo là có khoảng 20 – 30 tấn quặng thiếc chất lượng như lần trước, L2 đồng ý mua và thỏa thuận giá là 120.000đ/kg vì số lượng lớn. Sau đó L2 cùng với Nguyễn Văn T6 (em trai) ở cùng thôn, T7 và 04 người đàn ông người Trung Quốc (gồm A. H, A. L, A. C và một người đàn ông khoảng 60 tuổi là bạn A. L, không xác định được địa chỉ cụ thể) đi đến huyện S gặp H và P, lúc đó P rủ T2 đi cùng. Khi gặp P giới thiệu với L2 tên là C, T2 giới thiệu tên là C2, P nhờ T2 dẫn L2 đi vào mỏ quặng ở xã K, huyện S để xem với mục đích để L2 tin P có quặng thiếc bán, sau khi xem L2 đồng ý mua. Sau đó, P thuê Trần Văn T8, Mai Văn H4 cùng ở thôn N và Phạm Văn T ở thôn T, xã H, huyện S xúc số sái quặng mua của T2 lên 02 xe ôtô tải (do P thuê) của Đoàn Viết X và Nguyễn Thành L đều ở thôn P, xã P, huyện S chở về đổ ở khu vực cổng nhà ông Phùng Văn M1 ở thôn K, xã P, huyện S. Sau đó, H gọi điện cho L2 yêu cầu đặt cọc tiền, sau khi thỏa thuận thì L2 đồng ý và đặt cọc trước 200.000.000đ, H nhận tiền và đưa cho P 160.000.000đ, còn lại 40.000.000đ H giữ. P tiếp tục thuê T8, H4, T9; Nông Văn C, Trương Văn L3, Trương Văn L4, Vương Văn B, Hà Văn Q và Triệu Văn S đều ở thôn Đ, xã P, huyện S xúc sái quặng đóng vào bao tải, trọng lượng 40kg/bao (loại bao cám chăn nuôi màu trắng – vàng). Sau khi đóng xong P chuyển một số tải đựng sái quặng đến gửi nhờ nhà Phùng Văn T11 ở thôn K, xã P, huyện S và nhờ X tìm địa điểm gửi sái quặng. X nhờ bà Đinh Thị H2 (mẹ đẻ) ở Thôn P, xã P, huyện S và Đặng Quang L là Cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu P để gửi số sái quặng cho P. P thuê X chở toàn bộ số sái quặng đã được đóng bao đến gửi ở kho cám của bà H2 và kho của Cửa hàng xăng dầu P. Sau đó P mua 250kg quặng thiếc của bà Đỗ Thị Đ ở thôn G, xã K, huyện S, tỉnh Tuyên Quang với giá 50.000.000đ (200.000đ/kg), P để lại khoảng 02kg với mục đích để khi L2 sang lấy mẫu quặng đi giám định thì sẽ tráo mẫu, số còn lại P trộn vào số bao tải đựng sái quặng để ở kho cám và kho cửa hàng xăng dầu.
Ngày 14/8/2016, L2 cùng T6, T7 và A. H đến huyện S gặp H và P để lấy mẫu quặng thiếc đi giám định. Khoảng 19 giờ cùng ngày H và P đưa T6 đi lấy mẫu quặng ở kho cám của bà H2 và kho Cửa hàng xăng dầu P. Sau khi T6 lấy được mẫu, lợi dụng lúc T6 không để ý H và P đã tráo mẫu quặng (tráo mẫu quặng thiếc với mẫu sái quặng). T6 cầm mẫu đưa cho L2 mang đi giám định, còn T6 ở lại trông số quặng ở 02 kho. Sau khi thấy mẫu quặng thiếc giám định đạt yêu cầu nên L2 đồng ý mua, đồng thời L2 nhờ P mua giúp 02 tấn sắn khô để khi chở quặng sẽ phủ sắn khô lên trên nhằm mục đích tránh sự phát hiện của Cơ quan chức năng. P mua 02 tấn sắn khô của một người dân ở xã Cấp Tiến, huyện S (không xác định được tên, tuổi, địa chỉ) và thuê chở về kho Cửa hàng xăng dầu P hết 8.800.000đ.
Tối ngày 16/8/2016, L2 nhờ T7 thuê 02 xe ôtô tải để đi chở quặng, T7 thuê Th (không xác định họ) nhà ở huyện T, tỉnh B và nhờ Th tìm thuê giúp 01 xe ôtô tải (không xác định được họ tên và địa chỉ lái xe). Sau đó L2 cùng T7, A. H, Phạm Văn H3 (con trai L2), Nguyễn Văn L4 (em trai L2) đều ở cùng thôn đi trên 02 xe ôtô tải đến huyện S để vận chuyển quặng thiếc. P tiếp tục thuê C, L3, L4, B, Q và S cân và chuyển số quặng thiếc giả (sái quặng) tại 02 địa điểm kho đã gửi lên 02 xe ôtô tải, trong khi đang chuyển quặng lên xe ôtô tải, P bảo L2 đưa trước 50.000.000đ. Sau đó P và L2 xác định tổng trọng lượng quặng thiếc mua bán là 17,4 tấn thành tiền 2.088.000.000đ (120.000đ/kg), cộng với số tiền mua sắn khô P tính 8.000.000đ thì L2 phải thanh toán cho P là 2.096.000.000đ. Sau khi đối trừ số tiền đã đặt cọc trước 200.000.000đ, tiền thừa của lần mua đầu 56.000.000đ và tiền đã đưa cho P 50.000.000đ, L2 phải trả cho P và H 1.790.000.000đ. L2 đã đưa cho P 1.590.000.000đ, nợ lại 200.000.000đ và vận chuyển toàn bộ số quặng (sái quặng) về để ở kho hàng của gia đình ở thôn K, xã H, thị xã T, tỉnh Bắc Ninh. Đối với số sái quặng còn lại, P thuê X và Lập chở và gửi tại nhà Vũ Văn T12 ở thôn K, xã P, huyện S..
Ngày 17/8/2016, L2 nhờ T7 chuyển 200.000.000đ tiền nợ vào tài khoản của Nguyễn Thị T5 (em họ P) ở tổ 12, phường X, quận T, thành phố Hà Nội để trả cho P và H. Ngay sau khi nhận tiền T5 đã rút tiền chuyển cho P và được P cho 2.000.000đ. Đến chiều tối cùng ngày L2 kiểm tra lại quặng thì phát hiện toàn bộ số quặng mua của P, H là quặng thiếc giả, L2 điện thoại liên hệ H và P nhưng không được sau đó đã tố giác hành vi phạm tội của H và P với Cơ quan điều tra.
Tổng số tiền các bị cáo Ma Văn P và Ma Viết H đã chiếm đoạt của người bị hại Nguyễn Thị L2 là 2.087.200.000 đồng (Hai tỷ không trăm tám mươi bảy triệu hai trăm nghìn đồng).
Sau khi thực hiện hành vi phạm tội P và H cùng nhau mua 01 xe môtô nhãn hiệu Yamaha biển kiểm soát 22B1-872.09 của Nguyễn Văn Q ở Tổ dân phố T, thị trấn S, huyện S, tỉnh Tuyên Quang với giá 20.000.000 đồng để làm P tiện đi lại, sau đó cùng nhau đi đến nhà Phạm Văn K ở Thôn C, xã Đ, thành phố T, tỉnh Tuyên Quang gửi xe và bỏ trốn khỏi địa P đi vào thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (không ở cố định). Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được H cầm 54.000.000đ (là số tiền H giữ từ trước) đã chi tiêu hết, P cất giữ 1.500.000.000đ, số còn lại P và H đã sử dụng trong khi bỏ trốn. Đến ngày 26/9/2016, H và P đã đến Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Tuyên Quang để làm việc theo giấy triệu tập.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu giữ: 1.579.000.000đ, trong đó thu giữ của P 500.000.000đ, Mai Thị Kim L3 1.000.000.000đ, Đoàn Viết X 65.000.000đ, Lê Xuân T2 12.000.000đ, Nguyễn Thị T5 2.000.000đ; 01 xe môtô nhãn hiệu Yamaha Sirius biển kiểm soát 22B1-872.09 + 01 Đăng ký xe mang tên Nguyễn Văn Q; 02 điện thoại di động nhãn hiệu NOKIA kèm theo sim Vinaphone; tạm giữ và giao cho người bị hại Nguyễn Thị L2 quản lý 514 bao tải (loại bao cám chăn nuôi màu trắng - vàng) bên trong chứa chất bột màu đen có tổng khối lượng là 19,2 tấn; tạm giữ và giao cho Vũ Văn T12 ở thôn Khuôn Ráng, xã P, huyện S, tỉnh Tuyên Quang quản lý 500 bao tải (loại bao cám chăn nuôi màu trắng - vàng) bên trong chứa chất bột màu đen. Cơ quan điều tra đã trả cho người bị hại Nguyễn Thị L2 1.579.000.000đ theo các Quyết định xử lý vật chứng số 32 ngày 19/10/2016, số 12 ngày 25/4/2017.
Tại Phiếu kết quả số 67-10-2016 ngày 31/10/2016 của Trung tâm phân tích Vilas, Viện khoa học và công nghệ mỏ luyện kim xác định kết quả phân tích (%) mẫu gửi giám định (A1) Sn 0,06; (A2) Sn 0,07.
Tại bản Cáo trạng số 24/QĐ-KSĐT-P3 ngày 23 tháng 10 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã truy tố: Các bị cáo Ma Văn P, Ma Viết H (tên gọi khác Ma Văn H) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự.
Kết thúc phần xét hỏi tại phiên tòa, Kiểm sát viên giữ quyền công tố giữ nguyên quyết định truy tố đối với các bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử: Tuyên bố: Các bị cáo Ma Văn P, Ma Viết H (tên gọi khác Ma Văn H) phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
- Áp dụng: Điểm a khoản 4 Điều 139; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 20, 33, 53 Bộ luật hình sự đối với các bị cáo Ma Văn P, Ma Viết H (tên gọi khác Ma Văn H):
Xử phạt: Bị cáo Ma Văn P từ 13 năm đến 14 năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam 04/10/2016.
Xử phạt: Bị cáo Ma Viết H (tên gọi khác Ma Văn H) từ 12 năm 06 tháng đến 13 năm 06 tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam 04/10/2016.
Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; các Điều 584, 585, 586, 587, 589 và 357 Bộ luật dân sự; Ghi nhận sự thỏa thuận của các bị cáo và bị hại: các bị cáo Ma Văn P, Ma Viết H (tên gọi khác Ma Văn H) bồi thường cho người bị hại Nguyễn Thị L2 số tiền 508.000.000 đồng, trừ đi trị giá 01 (một) xe môtô nhãn hiệu YAMAHA SIRIUS màu trắng xanh, biển kiểm soát 22B1 –872.09, số khung 1740FY003753, số máy E3T6E018005 (Bị hại nhận lấy chiếc xe mô tô có trị giá 20.000.000đ), 02 bị cáo còn phải bồi thường cho bị hại số tiền 488.000.000đ, chia ra: mỗi bị cáo phải trả cho bị hại L2 số tiền 244.000.000đ.
Ngoài ra Kiểm sát viên còn đề nghị HĐXX xử lý vật chứng; buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm, án phí dân sự có giá ngạch và tuyên về quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo Ma Văn P, Ma Viết H (Tên gọi khác Ma Văn H) đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác,
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
Về tố tụng: Hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
Về nội dung: Tại phiên tòa các bị cáo Ma Văn P, Ma Viết H (tên gọi khác Ma Văn H) khai nhận hành vi phạm tội như nội dung bản cáo trạng đã nêu. Lời khai phù hợp với các lời khai của các bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng tại Cơ quan điều tra, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, thể hiện: Trong thời gian từ tháng 7/2016 đến ngày 16/8/2016, tại xã P, huyện S, tỉnh Tuyên Quang, Ma Văn P trú tại thôn T, xã H, huyện S rủ và cùng Ma Viết H trú tại thôn A, xã T, huyện S, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức bán quặng thiếc giả cho Nguyễn Thị L2 ở thôn N, xã C, huyện H, tỉnh Bắc Giang để chiếm đoạt của người bị hại Nguyễn Thị L2 số tiền 2.087.200.000 đồng (Hai tỷ không trăm tám mươi bảy triệu hai trăm nghìn đồng).
Do đó, có đủ cơ sở kết luận các bị cáo Ma Văn P, Ma Viết H (tên gọi khác Ma Văn H) phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự, như kết luận của Kiểm sát viên là có căn cứ đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Hành vi phạm tội của các bị cáo là xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa P. Do vậy cần xử phạt các bị cáo mức án nghiêm khắc tương xứng với hành vi phạm tội của từng bị cáo, có như vậy mới có tác dụng giáo dục các bị cáo sớm trở thành người công dân có ích cho xã hội và phòng ngừa tội phạm chung.
Trong vụ án này các bị cáo phạm tội không có tổ chức mà là đồng phạm giản đơn, xét tính chất, mức độ, vai trò và nhân thân của các bị cáo được đánh giá như sau:
Bị cáo Ma Văn P là người khởi xướng, sau khi nghe H nói có Nguyễn Thị L2 tìm mua quặng thiếc, P liền nảy sinh ý định lừa bán quặng thiếc giả để chiếm đoạt tiền của L2 nên đã bàn với H lừa bán quặng thiếc giả cho L2, H đồng ý và thỏa thuận với nhau nếu lừa được tiền sẽ chia đôi. Các bị cáo bán cho người bị hại quặng thiếc giả không đúng với chất lượng đã thỏa thuận, làm người bị hại tin tưởng và giao tài sản cho các bị cáo, khi có được tài sản, bị cáo và bị cáo H đã chiếm đoạt của người bị hại số tiền rất lớn để chi tiêu cá nhân. Khi quyết định hình phạt cần xem xét mức án của bị cáo Ma Văn P cao hơn bị cáo H và cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là trước khi phạm tội có nhân thân tốt; đã khắc phục một phần thiệt hại; quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 để quyết định mức án cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Bị cáo Ma Viết H (tên gọi khác Ma Văn H) vừa là người giúp sức, vừa là người thực hiện tích cực hành vi phạm tội, bị cáo H đã cùng bị cáo P bán quặng thiếc giả không đúng như chất lượng quặng thiếc đã thỏa thuận để chiếm đoạt của bị hại L2 2.087.200.000 đồng (Hai tỷ không trăm tám mươi bảy triệu hai trăm nghìn đồng). Khi quyết định hình phạt cần xem xét mức án bị cáo H thấp hơn bị cáo P và cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là trước khi phạm tội có nhân thân tốt; đã khắc phục một phần thiệt hại; quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bố, mẹ đẻ bị cáo ông Ma Viết L được tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì, Huy chương Cựu chiến binh Việt Nam và bà Đặng Thị G được tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì; bị cáo là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn theo quy định tại điểm b, p khoản 1, khoản 2, Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999; điểm x, khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 để quyết định mức án cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Đối với hành vi mua bán quặng thiếc không có nguồn gốc hợp pháp của người bị hại Nguyễn Thị L2, do vi phạm pháp luật hành chính nên Công an tỉnh Tuyên Quang đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 124/QĐ-XPHC ngày 26/7/2017 với hình thức phạt tiền.
Đối với Bà Đoàn Thị C, Đỗ Thị Đ và Tạ Quang T do không đủ cơ sở kết luận mua bán và vận chuyển quặng thiếc cho H và P; A. N do không xác định được địa chỉ; hành vi của Lê Xuân T2, Trần Văn T8, Mai Văn H4, Phạm Văn T, Nguyễn Thành Lập, Phùng Văn M1, Phùng Văn T11, Nông Văn C, Trương Văn L3, Trương Văn L4, Vương Văn B, Hà Văn Q, Triệu Văn S, Đinh Thị H2 , Đặng Quang L và Nguyễn Thị T5, là những người bán, vận chuyển, đóng bao, bốc xếp, cho gửi sái quặng, nhận chuyển tiền... do không biết Ma Văn P và Ma Viết H thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người bị hại Nguyễn Thị L2 nên không đề cập hình thức xử lý.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo còn khai nhận: Trong khi đang chuyển quặng lên xe ôtô bán cho Nguyễn Thị L2 thì bị Đoàn Viết X đe dọa, yêu cầu P phải đưa tiền cho X nếu không sẽ báo công an, do sợ bị phát hiện nên P đưa cho X 65.000.000đ (P có 15.000.000đ và lấy của L2 50.000.000đ)...nhưng Đoàn Viết X không thừa nhận hành vi đe dọa lấy tiền của Ma Văn P. X khai: số tiền 65.000.000đ P đưa là tiền công vận chuyển, tiền thuê kho và tiền P cho về việc X tìm và thuê kho chứa số sái quặng giúp P. Số tiền P đưa, X đã đưa cho bà Đinh Thị H2 (mẹ đẻ) 8.000.000đ, Đặng Quang L 4.000.000đ, Trần Quang T3 ở Khu 5, xã C, huyện H, tỉnh Phú Thọ (nhân viên bán xăng dầu của Cửa hàng xăng dầu P) 4.000.000đ, trả tiền công vận chuyển sái quặng cho Nguyễn Thành Lập 1.000.000đ, còn lại chi tiêu cá nhân. Sau khi biết số tiền P đưa là tiền do P phạm tội mà có nên X đã lấy lại toàn bộ số tiền và giao nộp cho Cơ quan điều tra, không đủ cơ sở xác định X có hành vi cưỡng đoạt tài sản nên không đề cập xử lý.
Trong quá trình bỏ trốn, ngày 21/9/2016 H gọi điện thoại cho Mai Thị Kim L3 (chị gái H) ở Tập thể Trường C thuộc phường T, quận T, thành phố Hà Nội kể lại việc H và P lừa bán quặng thiếc giả cho L2 để chiếm đoạt tiền đang bị cơ quan công an triệu tập và nhờ L3 liên hệ hỏi xem sự việc của H và P giải quyết như thế nào, L3 bảo H và P ra Hà Nội để trao đổi.
Sau đó, H và P ra Hà Nội gặp L3 và được L3 dẫn đến gặp Trần Minh P1 ở tổ 22, phường L, quận H, thành phố Hà Nội là cán bộ phòng quản lý học viên Học viện C, trước đây có thời gian công tác tại C, tỉnh Tuyên Quang để nhờ P1 giúp về việc của H và P. P1 có hướng dẫn P, H cách khai báo khi làm việc với cơ quan điều tra. P có đưa L3 1.000.000.000đ nhờ cầm hộ, sau đó L3 giao nộp số tiền 1.000.000.000đ cho Cơ quan điều tra; không có căn cứ Trần Minh P1 biết H, P thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và hướng dẫn khai báo; Mai Thị Kim L3 không biết số tiền P gửi 1.000.000.000đ là tiền do phạm tội mà có; không đủ cơ sở xác định Mai Thị Kim L3 và Trần Minh P1 có hành vi che dấu hoặc không tố giác tội phạm nên không đề cập xử lý.
Về trách nhiệm dân sự: Cần áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; các Điều 584, 585, 586, 587, 589 và 357 Bộ luật dân sự; Ghi nhận sự thỏa thuận của các bị cáo và bị hại: các bị cáo Ma Văn P, Ma Viết H (tên gọi khác Ma Văn H) phải bồi thường cho người bị hại Nguyễn Thị L2 số tiền 508.000.000 đồng (Năm trăm linh tám triệu đồng), (bị hại đề nghị làm tròn số, không yêu cầu lấy 200.000đ): trừ đi trị giá 01 (một) xe môtô nhãn hiệu YAMAHA SIRIUS màu trắng xanh, biển kiểm soát 22B1 – 872.09, số khung 1740FY003753, số máy E3T6E018005 (Bị hại nhận lấy chiếc xe mô tô có trị giá 20.000.000đ), 02 bị cáo còn phải bồi thường cho bị hại tổng số tiền 488.000.000đ, chia ra: Ma Văn P và Ma Viết H mỗi bị cáo còn phải bồi thường cho bị hại số tiền 244.000.000đ.
Trả lại cho bị cáo Ma Viết H (tên gọi khác: Ma Văn H): 01 (một) giấy chứng minh nhân dân số 070532045 mang tên Ma Viết H; 01 (một) Giấy phép lái xe số H896422 do Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc cấp ngày 23/01/2003;
Tịch thu tiêu hủy 01 (một) điện thoại di động của Ma Viết H nhãn hiệu NOKIA vỏ màu đen, có số IMEI: 357411/04/512418/5, điện thoại cũ đã qua sử dụng, bên trong lắp sim Vinaphone, trên thẻ sim có dãy số 89840; 20002; 16051; 58606, điện thoại không hoạt động được. Tịch thu tiêu hủy 01 (một) điện thoại di động của bị cáo Ma Văn P nhãn hiệu NOKIA có số IMEI: 354569/05/192818/8, điện thoại cũ đã qua sử dụng, bên trong lắp thẻ sim Vinaphone, trên thẻ sim có dãy số 89840; 20002; 16051; 58739, điện thoại không hoạt động được (Tại phiên tòa các bị cáo đều xác định điện thoại hỏng, không còn giá trị sử dụng nên không nhận lại và đề nghị tiêu hủy).
Giao cho bị hại Nguyễn Thị L2 01 (một) chứng nhận đăng ký xe môtô số 020278 do Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 16/12/2015 mang tên Nguyễn Văn Q, sinh năm 1990, địa chỉ Tổ dân phố T, thị trấn S, S, Tuyên Quang, biển số đăng ký 22B1 – 872.09; 01 (một) xe môtô nhãn hiệu YAMAHA SIRIUS màu trắng xanh, biển kiểm soát 22B1 – 872.09, số khung 1740FY003753, số máy E3T6E018005, xe không có gương chiếu hậu bên phải, xe cũ đã qua sử dụng, xe không hoạt động được, không kiểm tra tình trạng chất lượng (Do các bị cáo và bị hại L2 thỏa thuận đối trừ, trả chiếc xe mô tô vào số tiền bồi thường của các bị cáo cho bị hại).
Tại giai đoạn điều tra, Cơ quan điều tra đã tạm giữ và giao cho người bị hại Nguyễn Thị L2 quản lý 514 bao tải (loại bao cám chăn nuôi màu trắng - vàng) bên trong chứa chất bột màu đen có tổng khối lượng là 19,2 tấn, xét thấy không còn giá trị sử dụng nên tịch thu tiêu hủy.
Đối với 500 bao tải (loại bao cám chăn nuôi màu trắng - vàng) bên trong chứa chất bột màu đen, do Ma Văn P gửi tại nhà Vũ Văn T12 , Cơ quan điều tra đã tạm giao cho Vũ Văn T12 ở thôn K, xã P, huyện S, tỉnh Tuyên Quang quản lý, qua giám định xác định không phải là Quặng thiếc, do đó không có giá trị sử dụng nên không đề cập xử lý.
Các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Tuyên bố: Các bị cáo Ma Văn P, Ma Viết H (tên gọi khác Ma Văn H) phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Xử phạt: Bị cáo Ma Văn P 13 năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam 04/10/2016.
- Áp dụng: Điểm a khoản 4 Điều 139; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 20; Điều 53; Điều 33 Bộ luật hình sự năm 1999 (được sửa đổi bổ sung năm 2009); điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.
Xử phạt: Bị cáo Ma Viết H (tên gọi khác Ma Văn H) 12 năm 06 tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam 04/10/2016.
- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; các Điều 584, 585, 586, 587, 589 và 357 Bộ luật dân sự;
Ghi nhận sự thảo thuận của các bị cáo và bị hại: các bị cáo Ma Văn P, Ma Viết H (tên gọi khác Ma Văn H) bồi thường cho người bị hại Nguyễn Thị L2 số tiền 508.000.000 đồng (Năm trăm linh tám triệu đồng), trừ đi trị giá 01 (một) xe môtô nhãn hiệu YAMAHA SIRIUS màu trắng xanh, biển kiểm soát 22B1-872.09, số khung 1740FY003753, số máy E3T6E018005 (Bị hại nhận lấy chiếc xe mô tô có trị giá 20.000.000đ), còn phải bồi thường tiếp số tiền là 488.000.000 đồng. Cụ thể như sau:
Bị cáo Ma Văn P bồi thường cho người bị hại Nguyễn Thị L2 số tiền 244.000.000đ (Hai trăm bốn mươi bốn triệu đồng).
Bị cáo Ma Viết H (tên gọi khác Ma Văn H) bồi thường cho người bị hại Nguyễn Thị L2 số tiền 244.000.000đ (Hai trăm bốn mươi bốn triệu đồng).
Khoản tiền bồi thường, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người bị hại có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong khoản tiền bồi thường, hàng tháng bị cáo P, bị cáo H còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Về vật chứng: Áp dụng Điều 41 Bộ luật Hình sự; Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trả lại cho bị cáo Ma Viết H (tên gọi khác: Ma Văn H): 01 (một) giấy chứng minh nhân dân số 070532045 mang tên Ma Viết H; 01 (một) Giấy phép lái xe số H896422 do Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc cấp ngày 23/01/2003;
Tịch thu tiêu hủy 01 (một) điện thoại di động của Ma Văn H nhãn hiệu NOKIA vỏ màu đen, có số IMEI: 357411/04/512418/5, điện thoại cũ đã qua sử dụng, bên trong lắp thẻ sim Vinaphone, trên thẻ sim có dãy số 89840; 20002; 16051; 58606, điện thoại không hoạt động được.
Tịch thu tiêu hủy của Ma Văn P 01 (một) điện thoại di động nhãn hiệu NOKIA có số IMEI: 354569/05/192818/8, điện thoại cũ đã qua sử dụng, bên trong lắp thẻ sim Vinaphone, trên thẻ sim có dãy số 89840; 20002; 16051; 58739, điện thoại không hoạt động được.
Giao cho bị hại Nguyễn Thị L2 01 (một) xe môtô nhãn hiệu YAMAHA SIRIUS màu trắng xanh, biển kiểm soát 22B1– 872.09, số khung 1740FY003753, số máy E3T6E018005, xe không có gương chiếu hậu bên phải, xe cũ đã qua sử dụng, xe không hoạt động được, không kiểm tra tình trạng chất lượng kèm theo 01 (một) chứng nhận đăng ký xe môtô số 020278 do Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 16/12/2015 mang tên Nguyễn Văn Q, sinh năm 1990, địa chỉ Tổ dân phố T, thị trấn S, S, Tuyên Quang, biển số đăng ký 22B1 – 872.09 (Chị L2 được quyền sở hữu chiếc xe môtô nhãn hiệu YAMAHA SIRIUS màu trắng xanh, biển kiểm soát 22B1– 872.09).
(Tình trạng vật chứng như Biên bản giao nhận vật chứng giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang lập ngày 02/11/2017).
Tịch thu tiêu hủy 514 bao tải (loại bao cám chăn nuôi màu trắng - vàng) bên trong chứa chất bột màu đen có tổng khối lượng là 19,2 tấn. (Tình trạng vật chứng như Biên bản tạm giữ tang vật giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang và người bị hại, giao bị hại Nguyễn Thị L2 quản lý- Bút lục số 116, lập ngày 11/10/2016);
- Áp dụng: Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án buộc:
Bị cáo Ma Văn P phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 12.700.000 đồng (Mười hai triệu bảy trăm nghìn đồng) án phí dân sự có giá ngạch; bị cáo Ma Viết H (tên gọi khác Ma Văn H) 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 12.700.000 đồng (Mười hai triệu bảy trăm nghìn đồng) án phí dân sự có giá ngạch.
Các bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết bản án.
“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự”.
Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn