TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 261/2021/DS-PT NGÀY 13/05/2021 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN, YÊU CẦU HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QSDĐ, HỦY HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QSDĐ
Trong các ngày 06, 13/5/2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 472/2020/DSPT ngày 01/10/2020 về việc “Tranh chấp chia di sản thừa kế, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Do Bản án dân sự sơ thẩm số 46/2019/DS-ST ngày 16/08/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 532/2021/QĐ-PT ngày 20/4/2021 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Lê Văn Đ, sinh năm 1942; nơi cư trú: đường Chu Văn A, tổ x, ấp Mỹ L, thị trấn Phú M, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Huỳnh Minh T, sinh năm 1962; nơi cư trú: Ấp Phú B, xã Phú A, huyện Phú Tân, An Giang (văn bản ủy quyền ngày 21/12/2017).
2. Bị đơn: Ông Lê Văn L, sinh năm 1942; nơi cư trú: tổ 14, ấp Phú B, xã Phú A, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1. Bà Lê Thị H, sinh năm 1934; nơi cư trú: ấp Phú B, xã Phú A, huyện Phú T, tỉnh An Giang.
Bà H ủy quyền cho ông Huỳnh Minh T tham gia tố tụng, theo văn bản ủy quyền ngày 14/8/2019.
3.2. Ông Lê Văn L, sinh năm 1950; địa chỉ: USA.
3.3. Lưu Thị Mỹ L1, sinh năm 1944; nơi cư trú: tổ x, ấp Phú B, xã Phú A, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
Bà L ủy quyền cho ông Lê Văn L tham gia tố tụng, theo văn bản ủy quyền ngày 28/7/2017.
3.4. Bà Lê Thị Tuyết N, sinh năm 1968; Nơi cư trú: Ấp Phú T, thị trấn Chợ V, huyện Phú Tân, An Giang.
3.5. Bà Lê Thị Vân N1, sinh năm 1980;nơi cư trú: ấp Phú H, thị trấn Chợ V, huyện Phú Tân.
3.6. Ông Lê Lưu Thái B, sinh năm 1983;
Ông B ủy quyền cho ông Lê Văn L tham gia tố tụng, theo văn bản ủy quyền ngày 11/11/2017.
Cùng địa chỉ cư trú: tổ x, ấp Phú B, xã Phú A, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
3.7. Ông Trần Văn L2, sinh năm 1968;
3.8. Bà Trần Thị Trang D, sinh năm 1969;
Cùng nơi cư trú: Ấp Phú T, thị trấn Chợ V, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
3.9. Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank);
Trụ sở: Số x Láng H, phường Thành C, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.
Chi nhánh phòng giao dịch tại Chợ V, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang;
Địa chỉ: ấp Phú X, thị trấn Chợ V, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
3.10. Ủy ban nhân dân huyện Phú T, tỉnh An Giang.
Trụ sở: Số xxx, đường Hải Thượng Lãn Ô, thị trấn Phú M, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
4. Người kháng cáo: Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Lê Văn Đ là ông Huỳnh Minh T và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị H.
(Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Đ, ông T, ông L, bà L1, ông B có mặt; ông L2, bà Tuyết N, Vân N1, ông L3, bà D vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt, bà H ủy quyền cho ông T có mặt; Ngân hàng và UBND huyện Phú Tân vắng mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyên đơn ông Lê Văn Đ do ông Huỳnh Minh T đại diện trình bày:
Cha mẹ ông là ông Lê Văn T1 (chết ngày 01/8/1987 âm lịch) và Đinh Thị N2 (chết ngày 05/10/2004 âm lịch), khi cha mẹ chết không có làm giấy khai tử và không nhớ ngày dương lịch, chỉ nhớ ngày âm lịch.
Cha mẹ có 04 người con gồm: Lê Thị H, Lê Văn L, Lê Văn Đ và Lê Văn L1. Khi còn sống cha mẹ có tạo lập được nhiều tài sản là đất đã chia cho các con xong, còn lại 27,5 công đất công tầm cắt (một công tầm cắt là 1.300m2 x 27.5 công = 35.750m2), do cha mẹ già yếu nên để cho ông trực tiếp canh tác. Đến năm 1978 do chính sách bình quân nhân khẩu nên tập đoàn sản xuất đã lấy 20 công đất chia cho các hộ như sau:
1/ Ông Lê Văn Th: 04 công tầm cắt (5.200m2);
2/ Ông Lê Văn Đ1: 02 công tầm cắt (2.600m2);
3/ Ông Hai C (không rõ họ tên đầy đủ, đã chết): 02 công tầm cắt (2.600m2);
4/ Ông Ba Th1 (không rõ họ tên đầy đủ, đã chết): 02 công tầm cắt (2.600m2);
5/ Ông B1 (không rõ họ tên đầy đủ, đã chết): 03 công tầm cắt (3.900m2);
6/ Ông Phan Văn B2: 03 công tầm cắt (3.900m2);
7/ Ông Trần Ngọc U: 02 công tầm cắt (2.600m2);
8/ Ông Trần Văn D1 (đã chết) 02 công tầm cắt (2.600m2).
Còn lại 7,5 công tầm cắt (9.750m2) thì do ông canh tác (Phần đất này cha mẹ đã chia cho ông nên không bị đưa vào tập đoàn).
Đến tháng 8/1988 có Chỉ thị số 47 của Chính phủ và Quyết định số 303 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, ông là người đứng ra trả thành quả lao động bằng lúa cho 08 hộ nêu trên, sau khi trả thành quả lao động xong ông canh tác đến năm 1988. Trong thời gian ông canh tác thì chính quyền địa phương mời ông làm việc, lấy tất cả các biên nhận trả thành quả lao động của 08 chủ đất mới cất giấu luôn, sau đó ông bị tạm giam khoảng 5 tháng.
Trong thời gian ông bị tạm giam thì các hộ Đ1, B1, B2, U, D1 chiếm đất lại, còn hộ Lê Văn Th do bà Bảy M (chết) đại diện trả lại 04 công đất ngày 21/4/1989, không nhận thành quả lao động; hộ ông C, ông Ba Th1 trả lại 04 công đất, hai hộ này có nhận trả thành quả thêm 50 giạ lúa, lúc này ông đang bị tạm giam nên có đưa cho ông Lê Văn L 1.500.000đồng để mua lúa trả thành quả lao động cho ông C, ông Ba Th1. Toàn bộ 08 công đất mà các hộ Lê Văn Th, hộ ông C, ông Ba Th1 trả thì ông giao cho ông Lê Văn L canh tác để làm đất phủ thờ.
Ngày 06/5/1991 Ông B1 và Ông Phan Văn B2 (tự Nút) trả lại 06 công đất tầm cắt, không nhận thêm thành quả lao động. Ngày 10/11/1992 ông Ngô Văn B3 (tự Th đã chết) làm đất cuả ông Lê Văn Đ1 trả 02 công đất tầm cắt, thỏa thuận nhận thêm thành quả lao động 1,5 chỉ vàng 24 kara, ông là người trả 1,5 chỉ vàng 24kara cho ông B3. Sau khi Ông Phan Văn B2, Ngô Văn B3 trả đất cho ông thì ông cũng giao hết cho ông Lê Văn L canh tác để làm đất phủ thờ. Còn lại hai hộ Trần Ngọc U và Trần Văn D1 hiện nay chưa trả đất cho ông và đang còn tranh chấp.
Tổng cộng ông giao cho ông L 16 công đất tầm cắt = 20.800m2 và ông L đi kê khai cấp quyền sử dụng đất 24.846m2 (có khai thêm phần đất của cha mẹ), mục đích ông giao toàn bộ phần đất 24.846m2 của cha mẹ cho ông L đứng tên quyền sử dụng là để làm đất phủ thờ, nhưng hiện nay ông L muốn chiếm làm của riêng nên ông không đồng ý.
- Còn phần đất 2.377m2 nguồn gốc cũng của cha mẹ, khi cha mẹ còn sống chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau khi cha mẹ mất, anh chị em trong gia đình cũng thống nhất thỏa thuận để cho ông Lê Văn L đứng tên quyền sử dụng đất để làm đất phủ thờ.
Cha mẹ mất không để lại di chúc, ông yêu cầu chia thừa kế di sản do cha mẹ để lại là 24.846m2 đất nông nghiệp và 2.377m2 cây lâu năm và đất thổ cư do UBND huyện Phú Tân cấp cho ông Lê Văn L.
Hiện nay phần đất 24.846m2 ông L đã chuyển nhượng cho các con là Lê Thị Tuyết N, Lê Thị Vân N1, Lê Lưu Thái B và vợ chồng ông Trần Văn L2 thì ông yêu cầu:
- Hủy các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập cùng ngày 22/7/2013 tại Văn phòng công chứng huyện Phú Tân giữa ông Lê Văn L, bà Lưu Thị Mỹ L1 với Lê Thị Tuyết N, Lê Thị Vân N1, Lê Lưu Thái B, Trần Văn L2 và Trần Thị Trang D;
- Hủy các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện Phú Tân cấp cho Lê Thị Tuyết N ngày 29/7/2013, Lê Thị Vân N1 ngày 29/7/2013, Lê Lưu Thái B ngày 29/7/2013, Trần Văn L2 và Trần Thị Trang D ngày 29/7/2013.
- Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện Phú Tân cấp cho ông Lê Văn L và bà Lưu Thị Mỹ L1 ngày 29/7/2013.
Trong tổng số 27,5 công đất tầm cắt, thì trước giải phóng cha đã cho ông Nguyễn Văn Đ2 mượn 7,5 công (phần không bị đưa vào tập đoàn), ông Đ2 đã trả lại cho cha trước khi tập đoàn lấy đất chia cho 08 hộ trên. Phần đất cho ông Đ2 mượn cha mẹ chia cho ông canh tác đến nay. Ông L khai ông Đ2 mượn 10.000m2 và trả cho ông L 10.000m2 là không đúng.
Ông Đ thừa nhận trước giải phóng cha mẹ có chia đất cho 04 người con mỗi người 10 công, riêng phần đất của ông Lê Văn L do ông L2 không sử dụng (vượt biên) nên nhà nước quản lý, 10 công đất của bà Lê Thị H thì bị đưa vào tập đoàn, chồng bà H là Huỳnh Văn S đứng ra trả thành quả lao động lấy lại 10 công, hiện nay do con bà H là Huỳnh Minh T đang làm. Còn 10 công đất của ông Đ (7,5 công tầm cắt được chia) thì con ông Đ làm. Ông Đ không có trả thành quả lao động cho chủ mới để lấy lại 30 công đất, bà H không có trả thành quả lao động cho chủ mới để lấy lại 12,5 công đất như ông L trình bày, mà thực tế ông L trả thành quả lao động cho chủ cũ lấy lại đất sau đó bán cho ông Nguyễn Văn C1. Ông Đ chỉ có trả thành quả lao động cho các hộ Th (Bảy M), C + Ba Th1, Ông B1 + B2 và hộ ông B3 16 công đất tầm cắt = 20.800m2, sau đó giao hết cho ông L sử dụng như đã khai ở trên.
Bị đơn ông Lê Văn L trình bày: Ông thống nhất với lời trình bày của ông Lê Văn Đ về thời gian cha mẹ mất, số anh chị em ruột.Trước giải phóng cha mẹ ông có rất nhiều đất đã chia cho 04 anh em mỗi người 10 công, còn lại khoảng gần 70 công đất thì vào năm 1979 do chính sách bình quân nhân khẩu, cha ông đã đưa vào tập đoàn sản xuất phần đất khoảng 70 công trên để phân chia cho những người không có đất canh tác. Năm 1987, cha ông mất, đến năm 1988 có chỉ thị 47 của Trung ương và Quyết định số 303 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về đất đai, gia đình ông mới đứng ra thỏa thuận trả thành quả lao động với chủ mới để lấy lại đất, ông Trương Văn B4 (Út M đã chết) trả lại cho ông Lê Văn Đ 30 công, không trả thành quả lao động, hiện nay ông Đ đang sử dụng; bà Lê Thị H trả thành quả lao động cho ông Trần Hiền H (chết) và Nguyễn Minh L3 (tự A đã chết) lấy lại 12,5 công, sau đó bà H bán cho ông Út Th3.
Phần ông đứng ra thỏa thuận với chủ mới gồm các ông Võ Hữu C 4.000m2, Nguyễn Văn B1 3.000m2, Phan Văn B4 (Nút) 3.000m2, Ngô Văn B3 (Th) 2.000m2 (các ông C, B1, B3 hiện nay đều đã chết). Ông trực tiếp đứng ra trả thành quả lao động cho các ông C, B1, B3, B2 và các ông C, B1, B3, B2 trả 12.000m2 đất lại cho ông, có làm giấy tờ thỏa thuận.Phần đất 10.000m2 thì năm 1977 cha ông cho ông Nguyễn Văn Đ2 mượn, năm 1979 cha ông đưa đất vào tập đoàn thì có cả phần đất 10.000m2 ông Đ2 mượn, ông Đ2 đang trực canh nên khai sử dụng luôn. Năm 1983 ông Đ2 trả lại cho ông, nhưng có sự đồng ý của cha ông, ông không phải trả thành quả lao động cho ông Đ2.Năm 1997 ông đi đăng ký kê khai quyền sử dụng đất gồm: phần đất ông trả thành quả lao động cho các ông C, B1, B3, B2 là 12.000m2; 10.000m2 đất ông Nguyễn Văn Đ2 trả và một phần đất gần 3.000m2 của cha mẹ còn lại, tổng cộng là 24.846m2, khi ông đăng ký kê khai cấp quyền sử dụng đất thì ông Đ biết và đồng ý để cho ông đứng tên quyền sử dụng.
Đối với phần đất diện tích 2.377m2 thì đúng như ông Đ trình bày, nguồn gốc cũng là của cha mẹ, sau khi cha mẹ mất, các anh chị em thỏa thuận để cho ông đứng tên quyền sử dụng và ông được cấp quyền sử dụng vào ngày 26/3/2001. Ngoài ra cha mẹ còn một phần đất thổ cư mà hiện nay ông Đ quản lý khoảng 400m2, bà H quản lý 600m2, trong phần đất 2.377m2 thì hiện nay có một phần đất khoảng 400m2 dùng làm nơi chôn cất ông bà cha mẹ, đề nghị Tòa án xem xét.Ông Lê Văn Đ khai có đưa cho ông 1.500.000đồng để trả quả lao động cho ông Cầu, ông Ba Th1 là không có, ông không nhận tiền của ông Đ.
Đối với diện đất 24.846m2 ngày 22/7/2013, ông và bà Lưu Thị Mỹ L1 đã lập hợp đồng tặng cho các con ông gồm: Lê Thị Tuyết N, diện tích 5.217m2, Lê Thị Vân N1, diện tích 5.517m2, Lê Lưu Thái B, diện tích 5.303m2, chuyển nhượng cho Trần Văn L2 và bà Trần Thị Trang D, diện tích 5.254m2, giá 350.000.000đồng.Sau khi chuyển nhượng, còn lại phần đất 3.555m2ông và bà L1 được cấp lại hai quyền sử dụng đất diện tích 1.934,0m2, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH01855 ngày 29/7/2013 và diện tích 1.874,0m2, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH01856 ngày 29/7/2013.Ông thừa nhận ngoài 70 công đất cha mẹ đưa vào tập đoàn nêu trên thì cha mẹ còn có khoảng 30 công cũng đưa vào tập đoàn, sau khi có Quyết định 303 ông có trả thành quả lao động cho chủ mới để nhận lại 30 công đất, sau đó ông đã bán 30 công đất này cho ông Nguyễn Văn C2.
Nay ông Lê Văn Đ yêu cầu chia thừa kế đối với hai phần đất 24.846m2, phầnđất 2.377m2; yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà Lê Thị Tuyết N, bà Lê Thị Vân N1, ông Lê Lưu Thái B và vợ chồng ông Trần Văn L2, vợ chồng ông; yêu cầu hủy các hợp đồng chuyển nhượng đất thì ông không đồng ý.
Lời trình bày của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Tại biên bản hòa giải ngày 31/7/2017, bà Lê Thị H trình bày:
Thống nhất theo lời trình bày của nguyên đơn ông Lê Văn Đ, bà yêu cầu chia thừa kế đối với di sản do cha mẹ bà là ông T1 và bà N2 để lại gồm: diện tích 24.846m2 đất sản xuất nông nghiệp và 2.377m2 đất sản xuất nông nghiệp và đất thổ cư do UBND huyện Phú Tân cấp cho ông Lê Văn L.
Bà Lê Thị Tuyết N, bà Lê Thị Vân N1 do Phạm Huy Sơn đại diện và ông Lê Lưu Thái B do ông Lê Văn L đại diện trình bày:
Vào ngày 22/7/2013 cha mẹ ông bà là Lê Văn L và Lưu Thị Mỹ L1 có lập hợp đồng chuyển nhượng quyên sử dụng đất tại Văn phòng công chứng huyện Phú Tân để tặng cho Lê Thị Tuyết N diện tích đất 5.217m2, Lê Lưu Thái B, diện tích 5.303m2và Lê Thị Vân N1 diện tích 5.517m2 trong tổng số 24.846m2 đất do cha mẹ đứng tên.
Bà Vân N1, ông B và bà Tuyết N được Ủy ban nhân dân huyện Phú Tân cấp quyền sử dụng đất cùng ngày 29/7/2013. Sau khi được cha mẹ tặng cho đất thì ông bà sử dụng ổn định cho đến nay. Phần đất cha mẹ ông bà được cấp quyền sử dụng hợp pháp, sau đó tặng cho ông bà cũng hợp pháp. Nay ông Lê Văn Đ khởi kiện chia thừa kế đối với phần đất 24.846m2 trong đó có các phần đất ông L, bà L1 đã chuyển nhượng cho ông bà, và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông bà thì các ông bà không đồng ý và đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu của ông Đ.
Tại biên bản hòa giải ngày 21/11/2017 ông Trần Văn L2 trình bày:
Vào ngày 22/7/2017, ông và vợ là Trần Thị Trang D có nhận chuyển nhượng của ông Lê Văn L và bà Lưu Thị Mỹ L1 phần đất 5.254m2, giá 350.000.000đồng. Sau khi chuyển nhượng thì vợ chồng ông được cấp quyền sử dụng đất số CH01857 ngày 29/7/2013. Phần đất này ông bà nhận chuyển nhượng từ ông L, bà L1 là hợp pháp, thực hiện đúng thủ tục pháp luật quy định, nay ông Đ yêu cầu chia thừa kế phần đất 24.846m2 trong đó có 5.254m2 mà vợ chồng ông nhận chuyển nhượng của ông L, bà L1 và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của vợ chồng ông thì ông không đồng ý.Ngày 24/8/2017 vợ chồng ông có thế chấp nhiều quyền sử dụng đất để vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam - chi nhánh Chợ Vàm, trong đó có chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 5.254m2, thời hạn vay là 6 tháng, đất thì vợ chồng ông sử dụng.
Ý kiến của Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Chợ Vàm – An Giang:
Ngày 21/8/2017 Agribank chi nhánh Chợ Vàm – An Giang và ông Trần Văn L2 có ký kết hợp đồng tín dụng và hợp đồng đảm bảo tiền vay trong đó có tài sản là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH01857 ngày 29/7/2013, diện tích 5.254m2 tại xã Phú An, huyện Phú Tân, An Giang.Qua xem xét hồ sơ đảm bảo tiền vay, xét thấy chi nhánh thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và có đăng ký giao dịch bảo đảm tại Văn phòng đăng ký đất đai huyện Phú Tân ngày 24/8/2017 đúng theo quy định. Agribank chi nhánh Chợ Vàm – Phú Tân xin vắng mặt trong các buổi hòa giải và xét xử.
Đối với ông Lê Văn L: Tòa án đã có thực hiện ủy thác tư pháp cho ông L2, thông báo về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ông Luỹ có ý kiến như sau (BL 280, 283, 284): “Xin từ chối tất cả những quyền lợi mà quý vị dành cho tôi và nếu có những quyền lợi nào xin bổ sung vào phần đất hương hỏa để thờ phượng ông bà. Phần đất thuộc về sở hữu của tôi nếu có tôi xin giao cho ông Đ cai quản và canh tác. Tôi yêu cầu Tòa án các cấp thời gian xét xử, tôi xin vắng mặt cho đến khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành. Tôi tuyên bố sẽ không kháng cáo về quyết định sau cùng của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang liên quan đến tranh chấp chia di sản thừa kế này”.
Ủy ban nhân dân huyện Phú Tân không gửi ý kiến.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 46/2019/DS-ST ngày 16/8/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã quyết định:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Văn Đ và yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị H về việc chia thừa kế phần đất 24.846m2 loại đất nông nghiệp, thuộc giấychứng nhận quyền sử dụng đất số 01375QSĐ/nc ngày 02/8/1997và 2.377m2 đất thổ cư và cây lâu năm,thuộc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 02416QSDĐ/nc, ngày 26/3/2001do UBND huyện Phú Tân cấp cho ông Lê Văn L, bà Lưu Thị Mỹ L1.
2. Không chấp nhận yêu cầu của ông Lê Văn Đ về các yêu cầu sau:
Yêu cầu hủy các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập cùng ngày 22/7/2013 tại Văn phòng công chứng huyện Phú Tân giữa ông Lê Văn L, bà Lưu Thị Mỹ L1 với các ông bà Lê Thị Tuyết N, Lê Thị Vân N1, Lê Lưu Thái B, Trần Văn L2 và Trần Thị Trang D;
Yêu cầu hủy các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện Phú Tân cấp cho Lê Thị Vân N1 ngày 29/7/2013 diện tích 5.517m2, Lê Thị Tuyết N ngày 29/7/2013 diện tích 5.217m2, Lê Lưu Thái B ngày 29/7/2013 diện tích 5.303m2, Trần Văn L2 và Trần Thị Trang D ngày 29/7/2013 diện tích 5.254m2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện Phú Tân cấp cho ông Lê Văn L và bà Lưu Thị Mỹ L1 ngày 29/7/2013 diện tích 1.934,0m2 và diện tích 1.874,0m2.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về chi phí tố tụng, phí ủy thác tư pháp, án phí dân sự sơ thẩm, quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 22/8/2019, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Lê Văn Đ là ông Huỳnh Minh T và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị H có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa hôm nay,người đại diện theo ủy quyền của ông Đ, bà H là ông T giữ nguyên kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm, đề nghị xem xét lại toàn bộ vụ án.
Ông Huỳnh Minh T trình bày: Cha mẹ ông Đ có rất nhiều đất được đưa vào tập đoàn, đến khi có chính sách đất đai của nhà nước thì ông Đ đứng ra trả thành quả lao động cho chủ mới, sau đó giao cho ông L đứng tên quyền sử dụng để làm di sản thờ cúng. Chứng minh cho việc ông Đ trả thành quả lao động cho chủ mới là Quyết định số 152/QĐ-UB ngày 09/5/1989 ghi nhận ông Đ có trả thành quả lao động cho nhiều hộ, trong đó có hộ Ngô Văn P (tự B3). Ông Lê Ngọc T4 là anh em họ với ông Đ, ông L có giấy xác nhận nội dung chính ông T4 là người lấy lúa của ông Đ để trả thành quả lao động cho ông C, ông Th. Phần đất 10.000m2 ông Đ2 mượn của cụ T1 là ở đìa mai, ông Đ2 trả hiện nay con ông Đ đang làm, không phải là ở mương Cả 5 như lời ông L trình bày. Sau khi ông Đ trả thành quả lao động cho chủ mới để nhận lại đất thì ông Đ có làm tờ chứng thư giao hết đất cho ông L đứng tên để làm di sản thờ cúng, tờ chứng thư không có ông L2, bà H, ông L ký tên. Phần đất ông Đ trả thành quả lao động là của gia đình ông L chứ không phải của cá nhân ông L. Ông L đăng ký quyền sử dụng đất phần đất ông Đ trả thành quả lao động cho chủ mới là 16 công đất tầm cắt = 20.800m2và thêm một phần đất của cha mẹ, tổng cộng là 24.846m2. Năm 2008, ông L có hành vi chuyển nhượng đất cho người khác nên phát sinh tranh chấp, do chưa xác định được địa chỉ của ông L2 nên vụ án bị đình chỉ.Đối với phần đất 2.377m2, nguồn gốc cũng của cha mẹ ông Đ, ông Đ cũng đồng ý giao cho ông L làm đất hương quả, ông Đ yêu cầu chia để sau này dùng vào việc thờ cúng. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của ông Đ chia di sản thừa kế của cha mẹ để lại là phần đất 24.846m2 và 2.377m2. Đối với phần đất ông L chuyển nhượng cho ông L3, đề nghị chia cho ông L để thuận lợi cho việc thực hiện nghĩa vụ của ông L3đối với Ngân hàng, yêu cầu hủy các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông L và các con ông L.
Ông Lê Văn L trình bày: Phần đất 24.846m2 ông L được cấp quyền sử dụng là hợp pháp, không phải là di sản thừa kế mà do ông L thỏa thuận trả thành quả lao động cho chủ mới mà có. Năm 2013 ông L chuyển nhượng đất cho các con và vợ chồng ông L3, bà D là hợp pháp, ngay tình. Đối với phần đất 2.377m2 tại các biên bản hòa giải, đối chất ông Đ đều khai đồng ý để ông L đứng tên quyền sử dụng, khi ông Đ được cấp quyền sử dụng thì cụ N2 còn sống, không ai tranh chấp. Ông L đã được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, có công B quản, giữ gìn đất đai, tài sản, mồ mã trên đất, không vi phạm nghĩa vụ của người quản lý đất. Yêu cầu khởi kiện của ông Đ là không có cơ sở, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Ông Huỳnh Minh T tranh luận với ông L: Phần đất 2.377m2 ông Đ giao cho ông L để dùng vào việc thờ cúng, chứ không phải giao cho ông L quản lý, định đoạt, sử dụng riêng. Khi ông Đ giao đất cho ông L thì không có ý kiến của bà N2 và các anh em khác, đây không phải là tài sản riêng của ông L. Trong phần đất 24.846m2, ông L khai có 10.000m2 của ông Đ2 trả, nhưng ông L thừa nhận phần đất ông Đ2 trả là đìa mai, hiện nay ông Đ đang sử dụng, vì vậy 10.000m2 là di sản của cụ T1, cụ N2 để lại. Việc thỏa thuận với các chủ đất mới chỉ có ông Đ và ông Sơn, chứ không có ông L tham gia.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Tp.Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến:
Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, Thư ký Tòa án, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự từ khi thụ lý vụ án đến khi xét xử, các đương sự cũng đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật về tố tụng.
Về nội dung vụ án: Nguồn gốc diện tích đất 27.233m2 do ông L đứng tên quản lý là của ông T1, bà N2 để lại. Năm 1979 do chính sách bình quân nhân khẩu nên ông T1 đã đưa vào tập đoàn sản xuất phần đất khoảng 100 công. Năm 1988 Nhà nước thay đổi chính sách, giải thể Tập đoàn nên trả lại cho người sử dụng trước đó. Sau khi nhận lại diện tích đất nói trên thì bà N2 chia cho một số người con là ông Đ, bà H, ông L. Trong đó ông L nhận gần 30 công và đã bán 30 công này cho ông Nguyễn Văn C1, số còn lại ông L đứng tên như đã nêu trên. Trong số diện tích mà ông L đứng tên, qua kiểm tra chứng cứ cho thấy, tại Đơn đăng ký quyền sử dụng đất ngày 01/11/1992 thể hiện diện tích 2.377m2 có nguồn gốc thừa kế của ông T1 từ năm 1975; Đơn đăng ký quyền sử dụng đất ngày 20/7/1994 ông L xác định nguồn gốc diện tích đất 24.856m2 là ông bà để lại. Xét thấy, ông T1 mất năm 1987 không để lại di chúc, năm 1988 Nhà nước trả đất lại cho bà N2, bà N2 cho ông L quản lý sử dụng. Do đó ½ diện tích đất nói trên là di sản thừa kế của ông T1 để lại cho các con L, Đ, H, L2 chứ không phải cho một mình ông L. Vì vậy, việc ông Đ khởi kiện yêu cầu chia thừa kế là có cơ sở tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm bác đơn khởi kiện của ông Đ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi ích hợp pháp của ông Đ và các đồng thừa kế. Hơn nữa, diện tích đất tranh chấp đã chuyển nhượng, tặng cho nhiều người nên không thể phân chia bằng hiện vật, Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành kiểm tra đánh giá tài sản gắn liền với đất, định giá tài sản để làm căn cứ chia thừa kế là vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Xét thấy việc thu thập tài liệu, chứng cứ chưa được cấp sơ thẩm thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáocủa người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Lê Văn Đ là ông Huỳnh Minh T và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị H trong hạn luật định và hợp lệ nên được Hội đồng xét xử xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị Tuyết N, bà Lê Thị Vân N1, ông Trần Văn L2, bà Trần Thị Trang D có đơn xin xét xử vắng mặt, ông Lê Văn L xin vắng mặt từ cấp sơ thẩm, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam và UBND huyện Phú Tân đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt. Căn cứ vào Điều 227, Điều 228 Bộ luật Tố tụng Dân sự xét xử vắng mặt các đương sự nêu trên.
Ông Đ, bà L1 có mặt tại phiên tòa phúc thẩm nhưng vắng mặt khi tuyên án, Hội đồng xét xử căn cứ Điều 267 Bộ luật Tố tụng Dân sự vẫn tuyên đọc bản án vắng mặt ông Đ, bà L1.
[2] Xét kháng cáo của ông Huỳnh Minh T, bà Lê Thị H:
[2.1] Về thời hiệu thừa kế và hàng thừa kế:
Cụ Lê Văn T1 (chết ngày 01/8/1987 âm lịch nhằm ngày 23/9/1987 dương lịch), cụ Đinh Thị N2 (chết ngày 05/10/2004 âm lịch), tuy các đương sự không cung cấp được giấy chứng tử, nhưng đều thống nhất thời gian hai cụ chết. Nguyên đơn khởi kiện ngày 04/5/2017, tài sản yêu cầu chia thừa kế là bấtđộng sản, căn cứ khoản 1 Điều 623 và Điều 688 Bộ luật Dân sự 2015 thì thời hiệu yêu cầu chia thừa kế đối với di sản của cụ T1, cụ N2 vẫn còn.
Cụ T1, cụ N2 có 04 người con gồm: Lê Thị H, Lê Văn L, Lê Văn Đ và Lê Văn L. Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 các ông bà L, H, Đ, L1 là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ T1, cụ N2.
[2.2] Về nguồn gốc đất có diện tích 24.846m2:
Các đương sự đều thống nhất nguồn gốc phần đất 24.846m2 là của cụ T1, cụ N2, năm 1979 do chính sách nhường cơm sẻ áo bình quân nhân khẩu nên đất được đưa vào tập đoàn sản xuất để cấp cho người khác. Khi có Chỉ thị số 47- CT-TW ngày 31/8/1988 của Trung ương và Quyết định số 303 ngày 04/10/1988 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về đất đai, thì chủ mới và chủ cũ thỏa thuận với nhau về việc bồi hoàn thành quả lao động.
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, các bên đương sự đều thống nhất khai nhận là “những người được tập đoàn chia đất của cụ T1, cụ N2 đẫ trả lại cho chủ cũ là mẹ mình và các con”. Cả ông Đ và ông L cho rằng trong phần đất 24.846m2 các ông trả thành quả lao động cho các hộ Ngô Văn B3, Phan Văn B4, Nguyễn Văn B2 và Võ Hữu C. Tổng cộng các hộ nêu trên trả cho ông Đ 20.800m2 đất, ông Đ giao hết cho ông Lê Văn L canh tác để làm đất phủ thờ. Sau đó ông L được cấp quyền sử dụng 24.846m2 (trong có một phần đất của cha mẹ).
Tại Quyết định số 152/QĐ-UB ngày 09/5/1989 của Ủy ban nhân dân huyện Phú Tân, có nội dung ghi nhận ông Đ là người trả thành quả lao động cho nhiều hộ, trong đó có hộ ông Ngô Văn B2 (tự Th), tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng Quyết định 152 nêu trên không có hộ nào tên Ngô Văn B2 (tự Th) mà chỉ có ông Ngô Văn Ph là không xem xét đến lời khai của ông L thừa nhận “trong phần đất 24.846m2 ông trả thành quả lao động cho các hộ Ngô Văn B2, Phan Văn B1, Nguyễn Văn B2 và Võ Hữu C, tổng cộng là 12.000m2”. Như vậy ông B2 là người có thật, cả hai bên đều thừa nhận. Ông L cho rằng ngoài phần đất 12.000m2 ông trả thành quả lao động để nhận lại thì còn 10.000m2 đất của cụ T1, cụ N2 cho ông Đ2 mượn, năm 1983 ông Đ2 trả cho cụ T1, không phải trả thành quả lao động.
Mặt khác, tại Bản kê khai ruộng đất (Bút lục số 380) để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 20/7/1994 ông L khai nguồn gốc đất là do ông, bà để lại. Lời khai của các nhân chứng là những người sống trong xã như ông Nguyễn Văn B1, ông Lê Ngọc T4…cũng đều cho rằng đất tranh chấp là của cụ T1, cụ N2 khai phá, để lại.
Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng tại biên bản đối chất ông Đ cũng thừa nhận khi ông L đăng ký quyền sử dụng đất diện tích 24.846m2 vào năm 1997 thì ông biết, thống nhất để ông L đứng tên. Mặt khác, khi ông L được cấp quyền sử dụng đất thì cụ N2 còn sống không có ý kiến gì về việc ông L được cấp quyền sử dụng đất, bà H cũng không tranh chấp. Từ đó, nhận định việc ông L được Ủy ban nhân dân huyện Phú Tân công nhận quyền sử dụng đất phần đất 24.846m2, trong đó có 12.000m2 trả thành quả lao động cho chủ mới được thực hiện theo chính sách đất đai của nhà nước và 12.846m2 của cha mẹ là hợp pháp. Do nhận định trên, nên cấp sơ thẩm cho rằng có căn cứ xác định phần đất 24.846m2 không phải là di sản của cụ T1, cụ N2 để lại, ông Đ, bà H yêu cầu chia thừa kế là không có cơ sở, nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đ và yêu cầu của bà H là không đánh giá, xem xét các tài liệu, chứng cứ nói trên, vì vây thiếu căn cứ, trái pháp luật về thừa kế.
Hội đồng xét xử xét thấy tại lời khai của ông Đ, bà H, ông L2 đều thống nhất là giao đất cho ông L là anh lớn trong gia đình đứng tên, quản lý đất làm hương hỏa, phủ thờ nên không ý kiến khi nhà nước cấp đất cho ông L, nhưng không đồng ý cho ông L sỡ hữu. Cho nên có thể xác định phần đất 24.846m2 là di sản của cụ T1, cụ N2 để lại.
Do phần đất nói trên là di sản thừa kế nên việc ông L lập các hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng cho các ông bà Vân N1, Tuyết N, B, L1 và D là bất hợp pháp, vi phạm điều cấm của pháp luật.
[2.3] Đối với phần đất 2.377m2 thuộc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 02416QSDĐ/nc cấp ngày 26/3/2001.
Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng: Về nguồn gốc phần đất này các đương sự cũng thống nhất là của cụ N2, cụ T1, ông Đ thừa nhận sau khi cha mẹ mất các anh em trong nhà thỏa thuận để cho ông L đứng tên quyền sử dụng, nhưng để làm đất phủ thờ, không phải là tài sản riêng của ông L, tuy nhiên ông Đ cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh về sự thỏa thuận này. Khi ông L được cấp quyền sử dụng, cụ N2 vẫn còn sống không có ý kiến, ông L sử dụng thời gian dài không ai tranh chấp, ông L có công gìn giữ tài sản, mồ mả trên đất, không vi phạm nghĩa vụ của người quản lý đất. Do đó Ủy ban nhân dân huyện Phú Tân cấp quyền sử dụng phần đất 2.377m2 cho ông L là hợp pháp, không phải là di sản của cụ T1, cụ N2 để lại, ông Đ, bà H yêu cầu chia thừa kế nên không được chấp nhận.
Hội đồng xét xử xét thấy, nguồn gốc phần đất này đều được các đương sự thống nhất là của cha, mẹ là cụ N2, cụ T1 để lại. Bị đơn là ông L cũng thừa nhận: Về diện tích đất 2.377m2 có nguồn gốc là của cụ T1 và cụ N2 để lại, khi cha mẹ còn sống chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi cha mẹ chết thì các anh em thống nhất để cho ông L quản lý không được cầm cố hay sang nhượng cho ai, sau đó ông L đi kê khai, đăng ký và được UBND huyện Phú Tân cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện ông L đang sử dụng diện tích đất 2.377m2, không có cầm cố hay sang nhượng, tặng cho bất cứ ai. Tại đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất (Bút lục 379) vào ngày 01/11/1999 ông L khai rõ nguồn gốc đất là “Thừa kế của ông Lê Văn T1 trước năm 1975”.
Theo biên bản thẩm định tại chỗ (Bút lục số 457-458), hiện trên đất có căn nhà phủ thờ do ông L quản lý diện tích 172,64m2, nằm trong diện tích đất 2.377m2 đã được UBND huyện Phú Tân cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 02416 QSDĐ/nc cấp ngày 26/3/2001 cho ông Lê Văn L. Căn nhà đã tồn tại trên 100 năm, trong quá trình quản lý, sử dụng ông L có duy tu cải tạo.
Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng ông Đ không cung cấp được chứng cứ chứng minh về sự thỏa thuận này là không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ nói trên. Mặt khác, khi ông L được cấp quyền sử dụng, cụ N2 vẫn còn sống không có ý kiến, ông L sử dụng thời gian dài không ai tranh chấp, không có nghĩa là quyền sở hữu thuộc về ông L, nên không coi đây là di sản thừa kế để không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế cho nguyên đơn là ông Đ, bà H, ông L2. Nhận định trên của Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của những người thừa kế của cụ T1, cụ N2. Trường hợp ông L có công gìn giữ tài sản, mồ mả trên đất, thì khi chia thừa kế có tính đến công sức của người quản lý đất.
[3] Hội đồng xét xử xét thấy việc Tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn Đừng, người có quyền nghĩa vụ liên quan là bà Lê Thị H là vi phạm các quy định tại Mục 1 Phần II Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP quy định quyền sử dụng đất là di sản khi:
Đối với đất do người chết để lại (không phân biệt có tài sản hay không có tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất) mà người đó đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 thì quyền sử dụng đất đó là di sản.
Đối với trường hợp đất do người chết để lại mà người đó có một trong các loại giấy quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, thì kể từ ngày 01/7/2004 quyền sử dụng đất đó cũng là di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế.
Trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà không có các giấy tờ trên nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác gắn liền với quyền sử dụng đất đó và có văn bản của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng chưa kịp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được xem là di sản khi Tòa án giải quyết yêu cầu chia di sản.
Do xác định các phần đất tranh chấp là di sản thừa kế do cụ T1, cụ N2 để lại, vì vậy khi giải quyết Tòa án cấp sơ thẩm phải tiến hành định giá. Thế nhưng tại Biên bản định giá ngày 16/01/2018 (Bút lục số 461-465), đã không định giá chi T4 từng phần đất cụ thể mà chỉ ghi chung chung, không ghi rõ tổng giá trị từng phần đất, không xác định cụ thể diện tích từng loại đất (thổ cư, đất trồng cây lâu năm, đất lúa...) vì vậy không giải quyết triệt để yêu cầu chia di sản thừa kế.
Mặt khác, do là di sản thừa kế, nên việc ông L tự ý tặng cho bà Lê Thị Tuyết N diện tích đất 5.217m2, bà Lê Thị Vân N1 diện tích 5.517m2, ông Lê Lưu Thái B diện tích 5.303m2 và đã được UBND huyện Phú Tân cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Tuyết N, bà Vân N1, ông B vào ngày 29/7/2013; chuyển nhượng cho ông Trần Văn L2, bà Trần Thị Trang D diện tích 5.254m2 là vi phạm điều cấm của pháp luật nên bị vô hiệu. Do đó, cần phải xem xét yếu tố lỗi của các bên khi giao dịch, đồng thời xem xét đến yêu cầu của các bên nhận thừa kế là nhận di sản bằng hiện vật hay chia theo giá trị.
Những vi phạm nói trên của Tòa án cấp sơ thẩm là nghiêm trọng, mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, vị vậy Hội đồng xét xử quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để giao về cho cấp sơ thẩm xét xử lại theo thủ tục chung.
Quan điểm của vị đại diện Viện kiểm sát, kháng cáo của ông T, bà H phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.
[4] Về chi phí tố tụng, án phí dân sợ sơ thẩm sẽ được xem xét giải quyết khi Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án.
[5] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do bản án bị hủy nên người có kháng cáokhông phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015; Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
- Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Lê Văn Đ là ông Huỳnh Minh T và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị H.
Tuyên xử:
1/. Hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 46/2019/DS-ST ngày 16/8/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang. Giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử lại theo trình tự sơ thẩm.
2/. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Lê Văn Đ (có ông Huỳnh Minh T là người đại diện), bà Lê Thị H không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Bà Lê Thị H được nhận lại 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0005474 ngày 25/9/2019 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh An Giang.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 261/2021/DS-PT ngày 13/05/2021 về tranh chấp thừa kế tài sản, yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSDĐ, hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ
Số hiệu: | 261/2021/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 13/05/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về