Bản án 25/2024/DS-PT về tranh chấp mốc giới quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 25/2024/DS-PT NGÀY 12/03/2024 VỀ TRANH CHẤP MỐC GIỚI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 12 tháng 3 năm 2024, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 104/2023/TLPT-DS ngày 06/11/2023 về việc Tranh chấp quyền sử dụng đất.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 10/2023/DS-ST ngày 04/8/2023 của Tòa án nhân dân thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 16/2024/QĐXX-PT ngày 29/01/2024, giữa:

1. Nguyên đơn: Ông Vũ Văn T, sinh năm 1965 và bà Lưu Thị S, sinh năm 1964; đều có địa chỉ: thôn X, xã Q, thị xã K, tỉnh Hải Dương. Bà S ủy quyền cho là ông Vũ Văn T làm người đại diện.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Vũ Văn T: Ông Dương Văn H, sinh năm 1970; địa chỉ: KDC N, phường S, thành phố C, tỉnh Hải Dương.

2. Bị đơn: Ông Hoàng Gia C1, sinh năm 1942 và bà Lê Thị D, sinh năm 1949; đều có địa chỉ: thôn X, xã Q, thị xã K, tỉnh Hải Dương;

Người đại diện theo ủy quyền của ông C1: Bà Đặng Thị Th, sinh năm 1998; địa chỉ: số 6 ngõ 111 V, phường K, quận T, thành phố Hà Nội.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông C1, bà D: Ông Đỗ Duy H - Luật sư của Công ty Luật D thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; địa chỉ: số 55, Lô C1, KĐT Đ, Đ, phường Đ, quận H, thành phố Hà Nội.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. UBND xã Q, thị xã K, tỉnh Hải Dương. Người đại diện theo pháp luật: Ông Lưu Hữu Nh - Chủ tịch UBND xã.

3.2. Ông Hoàng Gia C2, sinh năm 1976; địa chỉ: số 121 T, phường N, quận H, thành phố Hà Nội.

3.3.Ông Hoàng Sỹ C3, sinh năm 1974 và bà Hoàng Thị B, sinh năm 1982;

đều có địa chỉ: thôn X, xã Q, thị xã K, tỉnh Hải Dương.

3. Người kháng cáo: ÔngVũ Văn T, là nguyên đơn.

Có mặt ông H, bà Th, ông H, ông C3. Các đương sự khác vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án dân sự sơ thẩm số: 10/2023/DS-ST ngày 04/8/2023 của Tòa án nhân dân thị xã Kinh Môn, vụ án có nội dung tóm tắt như sau:

Nguyên đơn ông Vũ Văn T và bà Lưu Thị S trình bày:

Vợ chồng ông bà có quyền sử dụng hợp pháp diện tích đất 1.142m2 tại thửa số 140, 139,119 tờ bản đồ số 4, địa chỉ xóm 4, thôn X, xã Q, thị xã K, tỉnh Hải Dương, đã được UBND huyện Kinh Môn (nay là thị xã Kinh Môn) cấp Giấy CNQSDĐ ngày 18/4/2002, nguồn gốc đất do ông cha để lại. Cụ thể, diện tích đất của gia đình ông và gia đình ông C1 trước đây là của cụ Vũ Văn H. Sau đó, cụ H chia tách thửa đất ra làm 02 phần, 01 phần cho con gái là cụ Vũ Thị X (mẹ đẻ ông Hoàng Gia C1), 01 phần cho ông nội ông là cụ Vũ Văn B. Việc chia tách đất này từ những năm 1930-1940; cụ thể chính xác thế nào ông không biết mà chỉ qua việc các cụ kể lại. Đối với diện tích của cụ B, sau khi cụ B mất bố ông là cụ Vũ Văn Ch tiếp tục sử dụng. Cụ Ch sử dụng đất đến năm 1986 thì để lại cho ông sử dụng. Khi bàn giao quyền sử dụng đất thì chỉ bàn giao thực tế, không có giấy tờ gì. Ông đi bộ đội từ năm 1983-1987, việc nhận đất năm 1986 do vợ ông ở nhà nhận đất. Thời gian nhận bàn giao lại quyền sử dụng đất của bố ông, ông cũng không nắm được cụ thể số thửa, diện tích đất của gia đình mà tiếp tục sử dụng theo hiện trạng của bố ông bàn giao. Thửa đất có tứ cận: Phía Bắc giáp nhà cụ Trần Văn Q (sau này bán lại cho ông Hoàng Gia Bản); phía Đông giáp nhà cụ Vũ Văn Đ và ông Vũ Văn L; phía Tây giáp nhà ông Hoàng Gia C1; phía Nam giáp nhà cụ Hoàng Gia Tr (sau là để lại cho ông Nguyễn Lưu D);

Ông xác định ranh giới đất với gia đình ông Hoàng Gia C1 thời điểm ban đầu gồm 02 phần, phần thứ nhất là ranh giới ở phía nhà ở khi đó là tường gió (sau này xây tường mới vẫn trên vị trí của tường gió cũ), phần thứ hai ở phía ao đằng sau, ông xác định trước đây ở khu vực đó là một ao to chung của cả hai gia đình, trên mặt ao không có phân định ranh giới mặt nước mà chỉ có cách xác định ranh giới là căn thẳng bức tường gió ngăn cách phía nhà ở sang bên kia ao đến đâu thì là ranh giới đất của hai gia đình. Ranh giới giữa diện tích đất nhà ông và diện tích đất nhà ông C1 được hiểu là 01 đường thẳng. Cuối những năm 1988-1989, bố ông có sang đắp bờ ao ngăn ao hai bên để thả cá cho đỡ sang nhau, việc đắp bờ ao này cũng là một đường thẳng nhưng không nối vào tường gió ngăn hai nhà mà đắp cách tường bao về phía nhà ông, đắp như thế là do phần ao đắp bờ này cao hơn thuận tiện để đắp hơn. Đến năm 1991 - 1992, khi chính quyền tiến hành đo đạc lại, lập bản đồ thì ông mới biết số thửa diện tích đất của ông là gồm 02 thửa đất: 01 thửa đất ao ở thửa 113, diện tích 315m2 và 01 thửa đất thổ ở thửa 140, diện tích 430m2, đều ở tở bản đồ số 04 xã Q (nay là Q). Khi đó, ranh giới đất theo bản đồ có sự thay đổi không còn là đường thẳng nữa mà là một đường gấp khúc ở phía ranh giới ao, thời gian đó ông không có nhà nhưng sau này về ông biết được thì ông cũng nhất trí và không có ý kiến gì. Cũng trong năm 1992, thời điểm này ông đang đi học theo xã cử đi (từ năm 1989-1996, mỗi năm đi học một vài tuần) gia đình ông C1 có xây bờ tường bao nối tiếp với tường gió cũ chếch sang sát vào bờ ao mà bố ông đắp và kéo dài theo bờ ao đến hết ao phía Bắc. Hiện giờ bức tường này vẫn còn, chỉ có một phần ở giữa do lấp ao chưa hết vẫn còn một thùng nhỏ nên theo thời gian phần tường này bị đổ. Khi gia đình ông C1 làm bức tường đó hai bên đã tranh chấp, ông C1 có hứa sẽ trả lại phần đất ao như ranh giới địa chính đo (bản đồ 1991- 1992). Tuy nhiên, từ đó đến nay ông C1 vẫn không thực hiện.

Khoảng năm 1997-1998, ông có mua thêm một phần diện tích đất khoảng 397m2 đất từ ông Vũ Văn L thuộc thửa 139, tờ bản đồ số 04 trên. Việc mua bán quyền sử dụng đất giữa ông và ông Luận có lập thành văn bản và phần diện tích đất này ông cũng đã được cấp vào trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông.

Đến năm 2003, sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do có nhu cầu sử dụng đất để xây nhà cho con, ông Trần Văn Kh có sang thỏa thuận với gia đình ông về việc đổi đất. Cụ thể, ông Kh lấy diện tích đất của gia đình ông tại vị trí giáp ranh hai nhà thuộc thửa số 139 diện tích đất cụ thể không xác định, ngược lại gia đình ông Kh trả cho gia đình ông diện tích đất của ông Kh giáp thửa đất số 113 có kích thước chiều ngang hơn 2m, chiều dài khoảng 13m. Sau khi hai gia đình đổi đất, các bên sử dụng đất ổn định từ đó cho đến nay. Các bên không thiết lập văn bản hay làm thủ tục tại địa phương, việc đổi này dẫn tới chiều dài cạnh phía bắc của thửa 113 dài hơn 25m, chính xác bao nhiêu thì không rõ. Ông có cung cấp bản photo đối chiếu bản chính tại Tòa giấy xác nhận của ông Kh về việc đổi đất này.

Ông T khởi kiện yêu cầu ông C1 phải trả lại 01 phần diện tích đất ao đã lấn chiếm khoảng 20m2. Theo sơ đồ hiện trạng do Tòa án thẩm định thì ranh giới đất gia đình ông và gia đình ông C1 phải căn cứ vào ranh giới đo đạc năm 1991-1992 (sau này được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì tại các điểm A (26, 25, 24, 23, 22, 21, 18, 19, 20) là không tranh chấp, còn đối với đoạn từ A26 đếnA27 thì ranh giới phải là điểm cách A26 2,5m và kéo gấp khúc theo ranh giới trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến điểm ranh giới phía Bắc nằm giữa điểm A5 và A6 và điểm này phải đảm bảo kéo đến A6,A7,A8 là khoảng hơn 25m. Điểm ranh giới phía Bắc cách điểm A6 chếch về phía Tây là khoảng 2,5m. Cụ thể diện tích là bao nhiêu, đề nghị Tòa án tính toán trên máy mới chính xác. Căn cứ của ông là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bản đồ đo đạc năm 1991-1992 (Trên phần diện tích đất đang tranh chấp chỉ còn bờ tường cũ ngoài ra không còn tài sản gì khác có giá trị).

Bị đơn trình bày:

Ông Hoàng Gia C1 kết hôn với bà Lê Thị D vào khoảng năm 1972. Mẹ ông C1 là cụ Vũ Thị X với ông nội của ông T là cụ Vũ Văn B, là chị em ruột. Về nguồn gốc quyền sử dụng đất, về cơ bản ông bà xác định cũng tương tự như nội dung ông T bà S trình bày.

Quá trình sử dụng, về phần diện tích đất trên đó có nhà ở, gia đình cụ H cụ X, với gia đình cụ B cũng có việc thỏa thuận về mốc giới và hình thành phần ranh giới đất tại các điểm A20, A19, A18, A21, A22, A23, A24, A25, A26 (theo Sơ đồ hiện trang Tòa án đo vẽ). Ranh giới tại điểm A20, A19, A18 hình thành là do hai gia đình thỏa thuận làm bờ tường cong để thuận tiện cho phía gia đình ông T sử dụng (hình thành từ năm 1984). Ranh giới tại điểm A18, A21, A22 là ranh giới chuẩn từ đầu và sau đó xây tường hình thành từ năm 1984. Ranh giới tại điểm A21, A22, A23, A24 là tường xây dựng từ năm 1984 sau đó năm 1990 có sửa lại những vẫn ở vị trí cũ, phần ranh giới này có xây giật lại một khoảng là vì xây để tránh trụ cổng thời điểm đó của phía gia đình ông T. Ranh giới tại điểm A23, A24, A25, A26, ông C1 xác định cũng là có sự thỏa thuận nên xây tường giật về phía nhà ông để giáp với phần móng tường cũ chuồng gà nhà ông T, tường này nguồn gốc là tường cũ xây từ năm 1984 sau đó ông cũng xây lại mới nhưng vẫn trên vị trí tường cũ.

Về ranh giới phần ao tại các điểm A26, A27, A28, A6, trước đây khi cụ H, cụ X và nhà cụ B sử dụng, là phần đất ao chung, quá trình sử dụng, để phân định rõ ràng thì các cụ gia đình ông có đắp lên bờ ao hình thành từ năm 1957 vừa là để phân cách giữa ao hai gia đình vừa để làm chỗ để tát ao ra mương phía bắc thửa đất. Từ năm 1957 đến năm 1990, 1991, do bờ ao lở, gia đình ông C1 có đắp lại nhiều lần đến năm 1991, mới xây tường trên vị trí của bờ ao đắp cũ và xây dần cao lên. Khi xây tường này, bố ông T là ông Ch cùng ông C1 đã xác định ranh giới đất. Việc xây dựng tường này có sự giám sát của gia đình phía ông T là anh Vũ Văn Th, Vũ Văn K.

Ông C1 bà D đứng tên chủ sử dụng đất đến năm 2004 mới làm thủ tục tách đất cho ông Hoàng Gia C2 sử dụng 304m2 tại thửa 141, ông C1 bà D tiếp tục sử dụng 368m2 tại thửa 111, 112. Gia đình ông C1 sử dụng ổn định không có tranh chấp từ đó đến năm 2014, khi làm các thủ tục sang tên quyền sử dụng đất cho ông Hoàng Gia C3, tiến hành ký giáp ranh thì mới xảy ra tranh chấp.

Qua quá trình sử dụng đất và quản lý trên bản đồ, hồ sơ qua các thời kỳ, hình thể phần ranh giới đất trên thực tế có khác với hình thể trên sơ đồ qua các thời kỳ. Ông xác định gia đình ông C1 chỉ sử dụng đất thực tế có sự điều chỉnh, thỏa thuận giữa hai gia đình và sử dụng ổn định nhiều năm, gia đình ông C1 tôn trọng ranh giới thực tế này, còn việc sơ đồ thể hiện thế nào là do chính quyền địa phương thực hiện có thể không chuẩn xác so với thực tế hiện trạng sử dụng.

Ông không nhất trí yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ông xác định ranh giới hiện trạng này hình thành từ thời cụ X, cụ B sau đó đến thời ông C1, ông Ch đã xây tường và sử dụng ổn định từ lâu và mốc giới này có trước thời điểm ông T được cấp GCNQSDĐ. Việc ông T khởi kiện là không tôn trọng mốc giới lịch sử được hình thành từ thời xa xưa của các cụ.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ông Hoàng Gia C2 trình bày: Ông là con trai của ông Hoàng Gia C1, ông là người đứng tên quyền sử dụng đất thửa đất số 141, diện tích theo giấy chứng nhận là 304m2. Khi cấp giấy chứng nhận, ông chưa kết hôn với bà Mạc Thị T. Thửa đất đứng tên ông và thửa đất đứng tên bố mẹ ông, hiện trạng vẫn là khuôn viên chung, căn nhà 1 tầng bố mẹ ông đang ở được xây dựng nằm trên 02 thửa đất. Do bố mẹ ông tuổi đã cao nên gia đình anh trai cả của ông là ông Hoàng Sỹ C3 ở cùng trên đất để chăm sóc bố mẹ. Đối với phần đất tranh chấp theo yêu cầu khởi kiện của ông Vũ Văn T không nằm trong phần diện tích đất sử dụng hợp pháp của ông. Ông C2 xác định không liên quan gì đến tranh chấp.

UBND xã Q cung cấp:

Hồ sơ quản lý đất đai thời kỳ thực hiện Chỉ thị 299, địa phương không lưu trữ.Theo Bản đồ và sổ mục kê năm 1992, ông T đứng tên sử dụng thửa đất 113, 140 tờ bản đồ số 4, diện tích lần lượt là 315m2, 439m2; ông C1 sử dụng thửa đất số 111, 112 tờ bản đồ số 4, diện tích lần lượt là 160m2, 208m2; ông C2 sử dụng thửa đất 141, tờ bản đồ số 4, diện tích 304m2. Theo hồ sơ đo đạc năm 2010, ông T đứng tên sử dụng thửa đất 64, tờ bản đồ số 44, diện tích 1.094m2, ông C1 đứng tên sử dụng thửa đất số 84, tờ bản đồ số 44, diện tích 772m2. Quá trình sử dụng đất, giữa đất ông T và ông Vũ Văn L có việc mua bán đất và việc ông T đổi đất với gia đình ông Trần Văn Kh hay không, UBND xã không nắm được, các hộ không không thông báo cho địa phương.

Ngoài ra, theo sổ sách quản lý từ thời kỳ 1992, thể hiện tại phía bắc các thửa đất 112 (của ông C1), 113 (của ông T), tờ bản đồ số 4 có mương nước thuộc quản lý của địa phương với mục đích sử dụng chung, kích thước mương chiều rộng không đồng đều có điểm rộng hơn 2m, có điểm rộng hơn 3m. Quá trình sử dụng đất, do phần đất mương giáp với ao của hai hộ gia đình nên khi hai gia đình lấp ao thành vườn đã lấp cả phần mương dẫn tới hiện trạng không còn phần mương ở phía bắc. Theo hồ sơ đo đạc hiện trạng năm 2010, bên cạnh việc đo đạc hiện trạng thực tế, UBND xã vẫn quy hoạch 1 phần mương trên bản đồ với kích thước đều là 1m, giáp với đất ông Bản, ông T, ông C1. Tòa án đang giải quyết tranh chấp mốc giới đất giữa ông T, ông C1, UBND xãđề nghị Tòa án xem xét xác định phần mương (theo bản đồ tọa độ số năm 2010) và tách ra khỏi phần tranh chấp của hai gia đình. UBND xã cũng cung cấp cho hồ sơ tọa độ số để Tòa án có căn cứ xác định phần diện tích đất mương này. UBND xã đề nghị hai bên gia đình ông T, ông C1 phải tôn trọng phần ranh giới mương đó. Hiện nay, địa phương chưa thu hồi lại phần đất mương này, sau này khi có chủ trương sử dụng thì yêu cầu hai gia đình phải chấp hành hoàn trả lại phần đất mương để sử dụng vào mục đích chung của địa phương.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số:10/2023/DS-ST ngày 04/8/2023, Tòa án nhân dânthị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đã quyết định: Căn cứ Điều 163, 166, 175, 176 của Bộ luật Dân sự. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Vũ Văn T và bà Lưu Thị S về việc buộc ông Hoàng Gia C1, bà Lê Thị D phải trả lại diện tích 20m2 đất lấn chiếm. Giữ nguyên hiện trạng phần ranh giới phần sử dụng đất tại các điểm A26 A27 A28 B4 A6 và xác định phần diện tích mương thoát nước tại các điểm A5 A6 A7 B1 B2 B3 B4 B5 (hiện trạng đã bị lấp) thuộc quản lý của địa phương, tạm giao cho các hộ gia đình sử dụng và phải chấp hành việc thu hồi, sử dụng của địa phương đối với phần đất mương khi địa phương có chủ trương.

Ngoài ra, bản án còn đình chỉ yêu cầu hủy quyết định hành chính cá biệt, quyết định về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ông T có đơn kháng cáokhông đồng ý với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, đề nghị hủy bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bị đơn và người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị đơn đề nghị không chấp nhận kháng cáo của ông T, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương phát biểu ý kiến: Tòa án cấp phúc thẩm đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự từ khi thụ lý đến khi xét xử; đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông T; giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng, kháng cáo của nguyên đơn ông T trong thời hạn luật định nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Xét kháng cáo của ông T, thì thấy:

[3]Về nguồn gốc thửa đất của gia đình ông T bà S và gia đình ông C1 bà D là của ông cha để lại, cụ thể là của cụ Vũ Văn H. Nguồn gốc đất ban đầu là thửa đất chung, sau đó cụ H phân tách làm 2 phần, chia cho 2 người con là cụ X và cụ B. Việc phân chia, tách đất không có văn bản, tài liệu nào. Tuy nhiên, có việc phân tách đất trên thực tế, cụ X, cụ B quản lý và sử dụng riêng biệt từ khi được chia tách đất.Quá trình sử dụng đất được để lại từ đời trước cho đời sau. Cụ X để lại cho ông C1. Cụ B để lại cho ông Ch. Sau đó, ông Ch để lại cho ông T.Việc bàn giao lại đất cho thế hệ sau chỉ nói miệng, bàn giao theo thực tế ranh giới, mốc giới đất theo hiện trạng sử dụng. Đất đều đã được cấp GCNQSD đất.Nguyên đơn và bị đơn đều không tranh chấp đất với các hộ liền kề. Theo tài liệu về hồ sơ cấp GCNQSD đất và các tài liệu trong quá trình quản lý và sử dụng đất của hai gia đình nguyên đơn và bị đơn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp thì không có các tài liệu nào phản ánh về việc ký xác nhận về mốc giới, ranh giới đất của hai gia đình. Số liệu các cạnh giáp ranh giữa thửa đất của nguyên đơn và bị đơn thể hiện trong GCNQSD đất cũng không có sự trùng khớp. Theo sơ đồ hiện trạng đo vẽ quyền sử dụng đất thì tổng diện tích đất, số liệu các cạnh thửa đất của nguyên đơn, bị đơn đều không trùng khớp với số liệu phản ánh trên GCNQSD đất.Như vậy, hiện trạng sử dụng đất của gia đình nguyên đơn, bị đơn so với GCNQSD đất có sự thay đổi về diện tích, số đo các cạnh của thửa đất.Như vậy, số liệu diện tích đất, tứ cận phản ánh trong GCNQSD đất không phải là căn cứ để xác định ranh giới, mốc giới đất và đánh giá có hay không việc lấn chiếm đất giữa các hộ gia đình.Hội đồng xét xử sẽ căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất, quá trình quản lý và sử dụng đối với các thửa đất và các tài liệu chứng cứ khác đã thu thập để xác định ranh giới, mốc giới đất.

[4]Nguyên đơn và bị đơn đều sử dụng đất theo hiện trạng ranh giới đất doông cha để lại, không có biên bản bàn giao hay ký xác nhận về ranh giới, mốc giới đất giữa hai gia đình. Quá trình sử dụng đất, ông T thừa nhận phần đất tranh chấp trước đây là một ao chung, sau đó hai gia đình đã đắp một bờ ao làm ranh giới nuôi thả cá riêng. Bờ ao đã hình thành từ rất lâu, sau này gia đình ông C1 xây tường bao trên bờ ao. Năm 1991-1992, gia đình ông C1 tiếp tục xây dựng bức tường bao trên bờ ao ngăn cách đất của hai gia đình. Từ khi xây dựng bức tường này hai bên gia đình vẫn sử dụng theo hiện trạng đến nay. Đại diện của nguyên đơn cung cấp một bản phô tô giấy mời ngày 22/6/1992 của Đảng ủy xã Quang Trung, có nội dung mời ông Vũ Văn Ch (là bố ông T) đến văn phòng Đảng ủy xã Quang Trung để giải quyết theo đơn của ông Hoàng Gia C1 về ranh giới đất thổ cư.Giấy mời này thể hiện ông C1 là người có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, ông C1 xác định đến nay không có tranh chấp, ông C1 đồng ý với ranh giới, mốc giới đất đã được hai bên sử dụng như hiện trạng. Không có tài liệu, chứng cứ nào khác về việc giải quyết tranh chấp đất giữa hai gia đình.Ngoài bức tường này, không còn chứng cứ nào khác phản ánh ranh giới, mốc giới đất giữa hai gia đình. Thể hiện ranh giới, mốc giới đất giữa các thửa đất là bức tường này đã được các bên xác lập và thỏa thuận sử dụng ổn định, là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 175, Điều 176 của Bộ luật Dân sự. Vì vậy, không có căn cứ xác định gia đình ông C1 bà D lấn chiếm đất của gia đìnhông T bà S.

[5] Cấp sơ thẩm đã thu thập chứng cứ đầy đủ và quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là đúng pháp luật. Tại cấp phúc thẩm, ông T không cung cấp tài liệu, chứng cứ nào khác làm căn cứ cho yêu cầu khởi kiện; không có chứng cứ về việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Do đó, kháng cáo của ông T không được chấp nhận; cần giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương.

[6] Về án phí: Kháng cáo của ông T không được chấp nhận nên phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

[7] Các Quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, cấp phúc thẩm không xét và đã có hiệu lực kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý, sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Không chấp nhận kháng cáo của ông T. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số: 10/2023/DS-ST ngày 04/8/2023 của Toà án nhân dân thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

2. Về án phí: Ông T phải chịu án phí dân sự phúc thẩm là 300.000 đồng; được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đông theo biên lai thu tam ứng số: AA/2023/0000003 ngày 13/9/2023 của Chi cuc Thi hanh an dân sư thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Ông T đã nộp đủ.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

337
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 25/2024/DS-PT về tranh chấp mốc giới quyền sử dụng đất

Số hiệu:25/2024/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 12/03/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;