Bản án 25/2020/HNGĐ-ST ngày 28/09/2020 về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ NGHI SƠN, TỈNH THANH HÓA

BẢN ÁN 25/2020/HNGĐ-ST NGÀY 28/09/2020 VỀ THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN

Ngày 28 tháng 09 năm 2020, tại hội trường xét xử TAND thị xã Nghi Sơn xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 224/2020/TLST-HNGĐ ngày 31/07/2020 về việc “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn" theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 42/2020/QĐXXST-HNGĐ ngày 18 tháng 09 năm 2020 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Anh Lê Sỹ T - Sinh năm: 1978

- Bị đơn: Chị Lê Thị U - Sinh năm: 1982

Đều có địa chỉ: Thôn S, xã H, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa Tại phiên tòa có cả hai bên đương sự và có mặt các cháu Lê Sỹ S, Lê Sỹ C.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, bản tự khai và các biên bản hòa giải trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn anh Lê Sỹ T trình bày:

Tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 151/2018/QĐST-HNGĐ ngày 15/8/2018 của Tòa án nhân dân huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) đã công nhận sự thuận tình ly hôn giữa anh và chị Lê Thị U.

Về con cái, anh, chị có 03 con chung là:

Lê Thị Thu T - Sinh ngày: 10/12/2000 Giao cả 03 Cháu T, Sơn và C cho Chị U trực tiếp nuôi dưỡng cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi, không yêu cầu anh cấp dưỡng nuôi con chung.

Cháu T nay đã trưởng thành, xây dựng gia đình riêng nên anh không có yêu cầu gì. Còn cháu S và cháu C đang đi học. Nên anh đề nghị Tòa án quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con, giao cả hai cháu S và C cho tôi trực tiếp nuôi dưỡng, với lý do: Chị U không có mặt tại địa phương, không có việc làm và thu nhập ổn định. Chị U đi làm ăn xa, gửi hai con tại nhà ông Lê Hồng X ở thôn V, xã H, thị xã N, tỉnh Thanh Hóa. Chị U không trực tiếp nuôi con làm ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt, sức khỏe của các cháu. Việc học hành của các cháu không ai kèm cặp, ảnh hưởng đến kết quả học tập của các cháu. Điển hình là gần đây, cháu S không thi đậu vào trường THPT T1, phải học trường Trung cấp nghề N. Đó là do Chị U không có trách nhiệm với các cháu. Điều kiện sống hiện tại của các cháu không ổn định, không có ai chăm sóc, ăn uống có hôm ăn cơm tại nhà ông X, hôm ăn bên nhà ngoại, hôm ăn ở nhà hàng xóm. Việc ăn uống thất thường làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu. Gần đây có việc cháu C đi học không có người đưa đón, nên cháu phải đi nhờ xe của bạn về nhà ông nội cháu. Chị U không trực tiếp nuôi con, không có trách nhiệm, bỏ bê con cái, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về vật chất và tinh thần của các cháu nên đã vi phạm điều kiện nuôi con do pháp luật quy định.

Trong khi đó hiện nay, anh đang độc thân, có nhà riêng, có việc làm và thu nhập ổn định: Lái xe taxi gia đình, thu nhập từ 8.000.000đ đến 10.000.000đ một tháng. Anh làm việc gần nhà, nhà cũng gần trường tiểu học và trung học phổ thông, rất thuận tiện cho việc học tập của các cháu và anh có điều kiện chăm sóc, đưa đón các con đi học. Nên anh có đủ điều kiện đảm bảo việc trực tiếp nuôi dưỡng các con. Năm 2018, khi giải quyết ly hôn, Chị U không yêu cầu cấp dưỡng, do lúc đó Anh T chưa có việc làm và thu nhập ổn định. Nhưng thực tế, sau khi ly hôn anh có mua điện thoại, quần áo, giày dép và cho các cháu tiền đóng học.

Nay để tạo điều kiện cả hai cháu S và C được nuôi dưỡng, giáo dục tốt hơn, anh yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con, giao cả hai cháu S và C cho anh Trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục, anh không yêu cầu Chị U phải đóng góp cấp dưỡng nuôi con.

* Tại bản tự khai, đơn phản tố, các biên bản hòa giải và tại phiên tòa chị Lê Thị U trình bày:

Tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 151/2018/QĐST-HNGĐ ngày 15/8/2018 của Tòa án nhân dân huyện Tĩnh Gia đã công nhận sự thuận tình ly hôn giữa tôi là Lê Thị U và anh Lê Sỹ T.

Về con cái, anh, chị có 03 con chung là:

Lê Thị Thu T - Sinh ngày: 10/12/2000 Giao cả 03 Cháu T, Sơn và C cho tôi trực tiếp nuôi dưỡng cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi, Do anh T không có việc làm và thu nhập ôn định nên tạm thời chị không yêu cầu anh T cấp dưỡng nuôi con chung.

Hiện nay, cháu T đã trưởng thành, xây dựng gia đình riêng nên chị không có yêu cầu gì.

Lâu nay, cháu S và cháu C ở với chị. Mỗi lần đi vắng thì chị gửi các cháu cho ông bà nội của các cháu. Gần đây anh T có đánh đập S và C, bắt ép hai cháu về ở với anh T.

Nay anh T có yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì tôi không đồng ý bởi: Hiện nay chị vẫn chưa kết hôn với người khác, có nơi ở, công việc và thu nhập ổn định, trung bình khoảng 6.000.000đ/tháng (là công nhân giày da A, các cháu vẫn được chị nuôi ăn học ổn định. Nguyện vọng của chị xin được tiếp tục nuôi các cháu đến khi các cháu trưởng thành trên cơ sở xem xét cả nguyện vọng của các cháu.

Trước đây, khi giải quyết ly hôn chị không yêu cầu anh T cấp dưỡng nuôi con chung do thời điểm đó anh T không có việc làm và thu nhập ổn định. Nay xét thấy anh T đã có việc làm ổn định, thu nhập cao nên chị yêu cầu Anh T phải cấp dưỡng nuôi con chung cùng chị. Mức cấp dưỡng đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.

* Tại bản tự khai, các biên bản hòa giải và tại phiên tòa, các cháu Lê Sỹ S và Lê Sỹ C đều trình bày:

Các cháu là con của bố Lê Sỹ T và mẹ Lê Thị U. Lâu nay, các cháu đều ở với mẹ tại thôn S, xã H, thị xã N, tỉnh Thanh Hóa. Trong thời gian ở với mẹ, các cháu vẫn được mẹ nuôi ăn học bình thường. Mỗi khi, mẹ đi làm xa hoặc vắng nhà thì cháu S và C về ở với ông bà nội là nhà ông Lê Hồng X tại thôn V, xã H, thị xã N, tỉnh Thanh Hóa. Thời gian này, bố có đánh đập các cháu hai lần và ép hai anh em về ở với bố. Nay bố các cháu có đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, giao hai anh em cho bố trực tiếp nuôi dưỡng thì các cháu đều không đồng ý. Nguyện vọng của các cháu là tiếp tục được ở với mẹ.

Tại phiên tòa anh T vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Chị U vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố là buộc anh T phải cấp dưỡng nuôi con chung theo quy định của pháp luật. Các cháu S và C vẫn giữ nguyên nguyện vọng là tiếp tục được ở với mẹ.

* Quan điểm của đại điện Viện kiểm sát nhân dân thị xã Nghi Sơn tại phiên tòa:

- Về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự:

- Về việc chấp hành pháp luật của đương sự: Nguyên đơn, bị đơn đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự:

- Về quan điểm giải quyết vụ án: Đề nghị HĐXX căn cứ vào Điều 81, Điều 82 và Điều 83, 84 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; khoản 1 Điều 147, Điều 266, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; điểm a khoản 1 Điều 24, điểm a khoản 6 Điều 27, tiểu mục 1.1 mục 1 phần II Danh mục án phí, lệ phí Tòa án - Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử:

- Không chấp nhận đơn khởi kiện “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” của anh Lê Sỹ T. Tiếp tục giao cả 2 cháu S và C cho chị U trực tiếp nuôi dưỡng.

- Chấp nhận yêu cầu phản tố của chị Lê Thị U. Buộc anh T phải cấp nuôi các cháu Lê Sỹ S và Lê Sỹ C mỗi cháu 800.000đ/tháng. Thời gian cấp dưỡng tính từ tháng 10/2020 cho đến khi các cháu tròn 18 tuổi. Anh T được quyền thăm nom chăm sóc con chung, chị U không được cản trở.

- Án phí: Anh T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và án phí cấp dưỡng nuôi con theo định kỳ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, HĐXX XÉT THẤY

[1] Về tố tụng: Xác định quan hệ tranh chấp giữa anh Lê Sỹ T Và chị Lê Thị U là “Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” thuộc trường hợp qui định tại khoản 3 Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Về nội dung vụ án: Tại quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự 151/2018/QĐST-HNGĐ ngày 15/8/2018 của Tòa án nhân dân huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) đã quyết định: Giao cả 03 cháu Lê Thị Thu T, Lê Sỹ S và Lê Sỹ C cho chị U trực tiếp nuôi dưỡng cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi (phù hợp với nguyện vọng của các cháu). Do Anh T không có nghề nghiệp và thu nhập ổn định nên tạm thời chị U không yêu cầu anh T cấp dưỡng nuôi con chung. Anh T được quyền thăm nom, chăm sóc con chung, chị U không được ngăn cấm.

Nay anh T có đơn khởi kiện và cho rằng: Cháu T đã xây dựng gia đình nên anh không có ý kiến gì, còn cháu S và cháu C hiện tại đang ở với chị U, nhưng chị U đi làm ăn xa, không có mặt tại địa phương, không có việc làm và thu nhập ổn định phải gửi hai con tại nhà ông Lê Hồng X (ông nội). Việc chị không trực tiếp nuôi con làm đã ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt, sức khỏe của các cháu, do các cháu không ai kèm cặp nên kết quả học tập của các cháu không tốt. Hiện nay, anh đang độc thân, có nhà riêng, có việc làm và thu nhập ổn định: Lái xe taxi gia đình, thu nhập từ 8.000.000đ đến 10.000.000đ một tháng. Anh làm việc gần nhà, nhà cũng gần trường tiểu học và trung học phổ thông, rất thuận tiện cho việc học tập của các cháu và anh có điều kiện chăm sóc, đưa đón các con đi học. Nên anh có đủ điều kiện đảm bảo việc trực tiếp nuôi dưỡng các con. Vì vậy, anh đề nghị Tòa án thay đổi việc nuôi con Lê Sỹ C và Lê Sỹ S từ chị sang anh và anh không yêu cầu chị U cấp dưỡng nuôi con cùng anh.

Quá trình giải quyết chị U không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cnh T bởi hiện nay chị vẫn chưa kết hôn với người khác, có nơi ở, công việc và thu nhập ổn định, (tại phiên tòa chị khai hiện tại chị đang là công nhân giày A) thu nhập trung bình khoảng 6.000.000đ/tháng, các cháu vẫn được chị nuôi ăn học ổn định. Chị thừa nhận mỗi khi chị đi làm xa hay đi vắng chị đem cả 2 cháu gửi ông bà nội chăm sóc. Nguyện vọng của chị xin được tiếp tục nuôi các cháu đến khi các cháu trưởng thành trên cơ sở xem xét cả nguyện vọng của các cháu. Trước đây, khi giải quyết ly hôn chị không yêu cầu anh T cấp dưỡng nuôi con chung do khi đó anh T không có việc làm và thu nhập ổn định, nay nếu Anh T đã có việc làm ổn định, thu nhập cao thì chị yêu cầu anh T phải cấp dưỡng nuôi con chung cùng chị. Mức cấp dưỡng đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.

Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, các cháu S và cháu C đều thể hiện: Trong thời gian ở với Chị U các cháu vẫn được mẹ nuôi ăn học bình thường. Mỗi khi mẹ đi làm hoặc vắng nhà thì gửi các cháu ở nhà ông, bà nội. Thời gian này, Anh T có đánh đập hai anh em và ép các cháu phải về ở với bố. Nay các cháu đều không đồng ý về ở với bố mà đều xin được tiếp tục được ở với mẹ.

Tại biên bản xác minh ngày 27/8/2020 thể hiện: Ông Lê Hồng X (bố đẻ anh T); ông Lê Văn và bà Lê Thị T (bố mẹ đẻ của chị U) đều có quan điểm: Từ khi anh T và chị U giải quyết ly hôn các cháu đều ở với chị U. Hiện tại cháu T đã đi lấy chồng. Còn cháu S và cháu C, chị U vẫn là người trực tiếp nuôi dưỡng, các cháu vẫn được chị U lo cho ăn học đầy đủ. Khi nào chị U đi làm ăn xa hoặc vắng nhà thì gửi ông bà nội chăm sóc. Hiện tại chị U đã được ông, bà ngoại cho đất làm nhà để mẹ con ở riêng. Nay anh T có đơn đề nghị thay đổi người trực tiếp nuôi con thì các quan điểm của cả hai bên ông bà nội ngoại đều thống nhất đề nghị tòa án giao con cho ai nuôi phải theo quy định của pháp luật và tôn trọng sự lựa chọn của các cháu.

Ông Cao Văn T - Trưởng thôn S, xã H nơi chị U và anh T cư trú cũng có quan điểm: Sau khi anh T và chị U ly hôn thì các cháu đều ở với chị U. Chị U là người trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc các cháu, anh T cũng có thăm nom các cháu, khi nào chị U đi làm thì các cháu cũng có về nhà anh T, nhưng chủ yếu là các cháu ở với chị U. Nay Anh T yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con quan điểm của anh là đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.

Xét về điều kiện thực tế của anh Lê Sỹ T và chị Lê Thị U: Cả Anh T và Chị U đều có nghề nghiệp (Anh T lái xe taxi, còn Chị U làm công nhân), có thu nhập, có điều kiện về kinh tế, có sức khỏe nên đều có đủ điều kiện nuôi con. Tuy nhiên, lâu nay cả 2 cháu đều ở với chị, việc ăn ở, học hành của các cháu từ trước đến nay chị vẫn là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, những lúc vắng nhà thì chị gửi các cháu ở bà nội. Cuộc sống sinh hoạt của các cháu hiện tại ổn định nên không vi phạm quyền về nghĩa vụ của cha mẹ quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình: “...chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội”. Quá trình giải quyết vụ án cả cháu C và cháu S đều khai “… bố có đánh đập các cháu và ép hai anh em về ở với bố” nên không đồng ý về ở với bố mà đều có nguyện vọng tiếp tục được ở với mẹ (khoản 3 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình), Chị U có nguyện vọng tiếp tục được nuôi dưỡng các cháu. Do đó căn cứ khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình không chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con của anh Lê Sỹ T là phù hợp.

Xét về yêu cầu cấp dưỡng nuôi con của chị U thấy rằng: Cha mẹ không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi con và phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con (khoản 1, 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình). Tại quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 151/2018/QĐST-HNGĐ ngày 15/8/2018 của Tòa án nhân dân huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) thể hiện: Do anh T không có nghề nghiệp và thu nhập ổn nên tạm thời chị U không yêu cầu anh T cấp dưỡng nuôi con. Tuy nhiên đến nay anh T có việc làm và thu nhập ổn định (Lái xe taxi gia đình, thu nhập từ 8.000.000đ đến 10.000.000đ/tháng). Do đó cần chấp nhận yêu cầu phản tố của chị U buộc anh T phải cấp dưỡng nuôi cháu S và cháu C cùng chị U cho đến khi các cháu tròn 18 tuổi.

Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi về mọi mặt cho các cháu, đánh giá một cách khách quan và toàn diện vụ án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Lê Sỹ T về thay đổi người trực tiếp nuôi con. Tiếp tục giao cả hai cháu S và C cho chị U trực tiếp nuôi dưỡng. Chấp nhận yêu cầu phản tố của chị Lê Thị U buộc anh T phải chấp dưỡng nuôi con cùng chị U mỗi cháu 800.000đ/tháng, thời gian cấp dưỡng tính từ tháng 10/2020 cho đến khi các cháu tròn 18 tuổi. Anh T được quyền thăm nom, chăm sóc con chung Chị U không được cản trở.

[3] Về án phí: Anh Lê Sỹ T phải chịu án phí Dân sự sơ thẩm và phải chịu án phí cấp dưỡng nuôi con theo định kỳ.

Dành quyền kháng cáo cho các đương sự.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 81, Điều 82 và Điều 83, 84 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; khoản 1 Điều 147, Điều 266, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; điểm a khoản 1 Điều 24, điểm a khoản 6 Điều 27, tiểu mục 1.1 mục 1 phần II Danh mục án phí, lệ phí Tòa án - Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử:

- Không chấp nhận đơn khởi kiện yêu cầu “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” của anh Lê Sỹ T. Tiếp tục giao cả hai cháu Lê Sỹ S - Sinh ngày: 25/01/2005 và cháu Lê Sỹ C - Sinh ngày: 12/8/2009 cho chị U trực tiếp nuôi dưỡng.

- Chấp nhận yêu cầu phản tố của chị Lê Thị U. Buộc anh T phải cấp nuôi các cháu Lê Sỹ S và Lê Sỹ C mỗi cháu 800.000đ/tháng. Thời gian cấp dưỡng tính từ tháng 10/2020 cho đến khi các cháu tròn 18 tuổi. Anh T được quyền thăm nom, chăm sóc con chung, chị U không được cản trở.

- Án phí: Anh Lê Sỹ T phải chịu 300.000 đồng án phí Dân sự sơ thẩm và 300.000đ án phí cấp dưỡng nuôi con theo định kỳ. Nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2019/0004891 ngày 31/7/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Nghi Sơn, anh T còn phải nộp 300.000đ.

Trả lại cho chị Lê Thị U 300.000đ tiền tạm ứng án án phí đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2019/0004905 ngày 13/8/2020 của Chi cục thi hành án dân sự thị xã Nghi Sơn.

Án xử công khai sơ thẩm có mặt anh T, chị U tại phiên tòa. Tuyên bố các đương sự có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

388
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 25/2020/HNGĐ-ST ngày 28/09/2020 về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Số hiệu:25/2020/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tĩnh Gia (cũ) - Thanh Hoá
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 28/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;