TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 248/2017/HSPT NGÀY 28/08/2017 VỀ TỘI CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ
Ngày 28 tháng 8 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 227/2017/HSPT ngày 20-7-2017 đối với bị cáo Y P Knul cùng 03 bị cáo. Do có kháng cáo của các bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 17/2017/HSST ngày 13 tháng 6 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.
Các bị cáo có kháng cáo:
1. Y P Knul, sinh năm 1986, tại tỉnh Đắk Lắk.
Nơi cư trú: Buôn M, xã N, huyện P, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 1/12; dân tộc: M’Nông; tiền án, tiền sự: Không; con ông Y C Thái và bà H’H Knul.
2. Y T Knul (tên gọi khác: Y T), sinh năm 1995, tại tỉnh Đắk Lắk.
Nơi cư trú: Buôn M, xã N, huyện P, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 3/12; dân tộc: M’Nông; tiền án, tiền sự: Không; con ông ông Y C Thái và bà H’H Knul.
3. Y V Knul, sinh năm 1997, tại tỉnh Đắk Lắk.
Nơi cư trú: Buôn M, xã N, huyện P, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: Không biết chữ; dân tộc: M’Nông; tiền án, tiền sự: Không; con ông ông Y C Thái và bà H’H Knul.
4. Y M Muah, sinh năm 1990, tại tỉnh Đắk Lắk.
Nơi cư trú: Buôn M, xã N, huyện P, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 10/12; dân tộc: Ê đê; tiền án, tiền sự: Không; con ông Y L Hmok (đã chết) và con bà H’C Muah; có vợ là H’D Knul và có 02 con, lớn nhất sinh năm 2009, nhỏ nhất sinh năm 2017.
Các bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 10/11/2016 đến ngày 23/12/2016 được tại ngoại (đều có mặt).
- Người bào chữa cho các bị cáo: Ông Hồ Ngọc H, Luật sư, văn phòng luật sư Hồ Ngọc H, thuộc đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk (có mặt).
- Người phiên dịch cho các bị cáo: Ông Y T Bkrông, sinh năm 1965. Trú tại: Buôn H, xã Q, Tp R , tỉnh Đắk Lắk (có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát huyện Buôn Đôn và bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk thì nội dung vụ án tóm tắt như sau:
Sáng ngày 26/7/2016, Y P Knul, Y T Knul cầm cưa máy đi vào khu vực đèo chuối thuộc địa phận của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện P cắt hạ trái phép 07 cây gỗ và cắt ngắn thành 22 lóng. Đến ngày 27/7/2016, Y P , Y T dùng xe máy kéo để vận chuyển gỗ về nhà. Trên đường vận chuyển thì xe máy kéo bị hư hỏng tại tiểu khu 480 thuộc địa phận xã N, huyện P. Sáng ngày 28/7/2016 Công an huyện Buôn Đôn nhận được tin báo tố giác hành vi vận chuyển gỗ trái phép của Y P, Y T nên Công an huyện P đã phối hợp với hạt kiểm lâm huyện P, Công an xã K và Ban quản lý rừng phòng hộ huyện P tiến hành kiểm tra, lập biên bản thu giữ xe máy kéo và tang vật. Y P, Y T không chấp hành, không ký vào biên bản thu giữ mà đi khỏi hiện trường đến khu nhà rẫy gần đó gọi điện thoại cho em trai là Y V Knul và anh rể là Y M Muah thông báo về việc bị cơ quan chức năng thu giữ xe máy kéo và gỗ.
Về phía tổ công tác, sau khi lập biên bản thu giữ xe máy kéo, Y P, Y T không ký vào biên bản vi phạm mà bỏ đi, tổ công tác đã sửa lại xe máy kéo, khoảng 14 giờ cùng ngày thì sửa xong và tổ công tác khởi động máy để đưa xe và tang vật về công an xã xử lý. Khi điều khiển xe chạy được khoảng 15m thì Y P, Y T, Y V đến tắt máy, lật nghiêng động cơ xe, chửi mắng, đe dọa, nhằm cản trở việc thực thi công vụ của tổ công tác. Tiếp đó, Y P, Y T, Y V dùng đá và gậy gỗ đập phá đầu và thùng xe máy kéo, chặt đứt dây curoa của xe máy kéo, Y T dùng một đoạn cây tre buộc vải ở trên làm đuốc, rồi tháo bình dầu của máy kéo ra đe dọa đốt xe không cho cán bộ thi hành nhiệm vụ. Mặc dù, tổ công tác đã khuyên ngăn, giải thích nhưng Y P, Y T, Y V không nghe mà lên trên thùng xe dùng cưa lốc cắt nhỏ các lóng gỗ và đẩy các lóng gỗ ra khỏi thùng xe máy kéo. Y M Muah chạy đi tìm một xe máy kéo khác đến cùng tham gia đẩy các lóng gỗ trên thùng xe xuống, rồi dùng xe máy kéo của mình mới đưa đến kéo xe máy kéo vi phạm về buôn Buôn M, xã N cất giấu.
Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2017/HSST ngày 13/6/2017 của Toà án nhân dân huyện Buôn Đôn đã quyết định:
Tuyên bố: Các bị cáo Y P Knul, Y T Knul, Y V Knul, Y M Muah phạm tội “Chống người thi hành công vụ”.
Áp dụng khoản 1 Điều 257; điểm h, p khoản 1, 2 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Y P Knul.
Xử phạt bị cáo Y P Knul 09 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 10/11/2016 đến ngày 23/12/2016.
Áp dụng khoản 1 Điều 257; điểm h, p khoản 1, 2 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Y T Knul, Y V Knul.
Xử phạt bị cáo Y T Knul 06 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 10/11/2016 đến ngày 23/12/2016.
Xử phạt bị cáo Y V Knul 06 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 10/11/2016 đến ngày 23/12/2016.
Áp dụng khoản 1 Điều 257; điểm h, p khoản 1, 2 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Y M Muah.
Xử phạt bị cáo Y M Muah 04 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 10/11/2016 đến ngày 23/12/2016.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định vê x ử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 23/6/2017, các bị cáo Y P Knul, Y T Knul, Y V Knul kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo. Bị cáo Y M Muah kháng cáo toàn bộ bản án số 17/2017/HSST ngày 13/6/2017 của Toà án nhân dân huyện Buôn Đôn, bị cáo cho rằng bị cáo không phạm tội.
Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo Y P Knul, Y T Knul, Y V Knul khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như nội dung bản cáo trạng và bản án hình sự sơ thẩm đã nêu.
Bị cáo Y M Muah cũng thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và xin rút kháng cáo kêu oan, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo. Bị cáo Y V Knul, Y M Muah còn khai rằng: Bị cáo Y P Knul, Y T Knul gọi điện thoại nói các bị cáo đến để xin xe về, không nói đến ngăn cản hay thực hiện hành vi chống đối ai, nhưng khi các bị cáo đến nơi cùng các bị cáo khác xin xe không được thì cũng chống đối lại nhóm người thi hành công vụ.
Quá trình tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát đa phân tích, đanh gia tinh chât, mưc đô nguy hiêm cho xa hôi đôi vơi hanh vi pham tôi cua các bị cáo và cho r ằng Tòa án cấp sơ thẩm đã truy tố và xét xử các bị cáo về tội “Chống người thi hành công vụ” theo khoản 1 Điều 257 Bộ luật hình sự là đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Y M Muah 04 tháng tù là dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự khi quyết định hình phạt đối với bị cáo là thiếu sót, cần bổ sung. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự, tuyên không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị tiếp tục có hiệu lực pháp luật.
Luật sư bào chữa cho các bị cáo trình bày lời bào chữa: Nhất trí với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát về tội danh, điều luật áp dụng và mức hình phạt của các bị cáo. Tuy nhiên, luật sư cho rằng các bị cáo đều là đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn; bị cáo Y M Muah có 02 con còn nhỏ (nhỏ nhất mới 02 ngày tuổi); các bị cáo có trình độ học vấn thấp (bị cáo Y P học lớp 01/12, bị cáo Y T học lớp 3/12, bị cáo Y V không biết chữ) nên việc nhận thức về xã hội cũng như pháp luật có phần hạn chế. Các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, có nhân thân tốt, có nơi cư trú ổn định rõ ràng. Trong vụ án này, có 03 bị cáo là anh em ruột, bị cáo Y M Muah là anh rể của các bị cáo, nên việc bắt các bị cáo đều phải đi chấp hành hình phạt tù là rất khó khăn cho gia đình các bị cáo. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử cho các bị cáo được hưởng án treo.
Các bị cáo không tranh luận, bào chữa gì chỉ đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện chứng cứ, quan điểm của Kiểm sát viên, lời bào chữa của Luật sự và của các bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
[1] Tại phiên toà phúc thẩm, các bị cáo Y P Knul, Y T Knul, Y V Knul, Y M Muah đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm, phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ cơ sở pháp lý để khẳng định việc Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn xét xử các bị cáo Y P Knul, Y T Knul, Y V Knul, Y M Muah về tội “Chống người thi hành công vụ” theo khoản 1 Điều 257 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
[2] Xét mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt đối với các bị cáo Y P Knul, Y T Knul là thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Bởi lẽ, nguyên nhân dẫn đến các bị cáo phạm tội là do bị cáo Y P Knul, Y T Knul đã chặt phá và chở gỗ trái phép, khi bị xử lý thì chống đối, hành vi phạm tội của các bị cáo đã trực tiếp xâm hại đến trật tự quản lý hành chính, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. Bị cáo Y P là người chống đối tích cực nhất. Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đúng, đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo cũng không cung cấp thêm được tình tiết giảm nhẹ nào mới nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo mà cần giữ nguyên mức hình phạt đối với các bị cáo là xác đáng, đúng pháp luật.
[3] Xét mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt đối với các bị cáo Y V Knul, Y M Muah là thỏa đáng. Tuy nhiên, việc bắt các bị cáo phải chấp hành hình phạt tù là không cần thiết. Bởi lẽ, vai trò tham gia của các bị cáo là thứ yếu, các bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; các bị cáo là dân tộc thiểu số có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cả 03 bị cáo trong vụ án là anh em ruột, bị cáo Y M Muah là anh rể. Xét thấy, bị cáo Y V Knul, Y M Muah có nhân thân tốt, có nơi cư trú ổn định, rõ ràng, phạm tội nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên Hội đồng xét xử xét thấy không cần cách ly bị cáo Y V Knul, Y M Muah ra khỏi đời sống xã hội mà cho 02 bị cáo được cải tạo ngoài xã hội dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và gia đình cũng đủ tác dụng giáo dục, cải tạo các bị cáo và răn đe phòng ngừa chung trong xã hội. Việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Y M Muah 04 tháng tù là dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự khi quyết định hình phạt đối với bị cáo là thiếu sót, cần bổ sung cho đúng quy định của pháp luật. Do đó, cần chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Y V Knul, Y M Muah sửa bản án hình sự sơ thẩm theo hướng giữ nguyên mức hình phạt tù và cho các bị cáo được hưởng án treo.
[4] Do không được chấp nhận kháng cáo nên các bị cáo Y P Knul, Y T Knul phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Do được chấp nhận một phần kháng cáo nên các bị cáo Y V Knul, Y M Muah không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
[1] Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 248; điểm b khoản 2 Điều 248, điểm đ khoản 1 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự. Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Y P Knul, Y T Knul (tên gọi khác: Y T). Chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Y V Knul, Y M Muah – Sửa một phần bản án sơ thẩm.
[2] Áp dụng khoản 1 Điều 257; điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với các bị cáo Y P Knul, Y T Knul.
Xử phạt: Bị cáo Y P Knul 09 (chín) tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi thi hành án, được khấu trừ thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 10/11/2016 đến ngày 23/12/2016.
Xử phạt: Bị cáo Y T Knul 06 (sáu) tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi thi hành án, được khấu trừ thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 10/11/2016 đến ngày 23/12/2016.
Áp dụng khoản 1 Điều 257; điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Y V Knul.
Xử phạt: Bị cáo Y V Knul 06 (sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Chống người thi hành công vụ”, thời gian thử thách 01(một) năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Áp dụng khoản 1 Điều 257; điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Y M Muah.
Xử phạt: Bị cáo Y M Muah 04 (bốn) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Chống người thi hành công vụ”, thời gian thử thách 01(một) năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Giao các bị cáo Y V Knul, Y M Muah cho Ủy ban Nhân xã N, huyện P, tỉnh Đắk Lắk là nơi các bị cáo thường trú để giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình các bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục các bị cáo trong thời gian thử thách. Trong trường hợp các bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo qui định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.
[3] Về án phí hình sự phúc thẩm:
Các bị cáo Y P Knul, Y T Knul mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng) tiền án phí hình sự phúc thẩm.
Các bị cáo Y V Knul, Y M Muah không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Bản án 248/2017/HSPT ngày 28/08/2017 về tội chống người thi hành công vụ
Số hiệu: | 248/2017/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 28/08/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về