Bản án 245/2018/HS-PT ngày 02/08/2018 về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có​​​​​​​

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 245/2018/HS-PT NGÀY 02/08/2018 VỀ TỘI TIÊU THỤ TÀI SẢN DO NGƯỜI KHÁC PHẠM TỘI MÀ CÓ

Ngày 02 tháng 8 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 209/2018/TLPT-HS ngày 26/6/2018 đối với bị cáo Nguyễn Hữu Q, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 05/2018/HS-ST, ngày 18/5/2018 của Tòa án nhân dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.

Bị cáo có kháng cáo:

Họ và tên: Nguyễn Hữu Q, sinh năm: 1954 tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và nơi cư trú: Đường N, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Buôn bán; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Hữu T (đã chết) và bà Nguyễn Thị R; bị cáo có vợ là Đặng Thị L (đã ly hôn) và có 02 con, con lớn sinh năm 1998, con nhỏ sinh năm 1999; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 01/02/2018, hiện đang tại ngoại. Bị cáo vắng mặt tại phiên tòa.

Ngoài ra, trong vụ án còn có bị cáo Trần Đăng Đ nhưng không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trong khoảng thời gian từ 03/8/2017 tới ngày 28/9/2017, Trần Đăng Đ đã thực hiện 09 vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn huyện L, tỉnh Đắk Lắk mang đi bán để lấy tiền tiêu xài, trong đó có 05 lần bán tài sản là xe mô tô trộm cắp được cho Nguyễn Hữu Q. Mặc dù biết rõ các tài sản là do Trần Đăng Đ trộm cắp mà có, nhưng Nguyễn Hữu Q đã 05 lần mua xe mô tô các loại do Trần Đăng Đ bán, cụ thể như sau:

Vụ thứ nhất: Vào khoảng 5 giờ sáng 03/8/2017, sau khi đi từ thành phố H về huyện L, tỉnh Đắk Lắk, Trần Đăng Đ đi bộ với mục đích tìm xe mô tô để trộm cắp đem bán lấy tiền tiêu xài. Khi đi đến khu vực rẫy cà phê tại buôn CK, xã ĐP, huyện L, Đ nhìn thấy chị Nguyễn Thị C, trú tại xã ĐL, huyện L đi xe mô tô hiệu Honda màu trắng - đen, biển kiểm soát 47N1-015.xx đi làm rẫy và dựng xe ở gốc cây. Sau khi quan sát khoảng 15 phút, Đ đi bộ đến vị trí chiếc xe mô tô, dắt xe mô tô đi ra đoạn đường nhựa hướng từ xã ĐN đi xã ĐP. Đ giật bung cốp xe lấy 01 giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô và chứng nhận bảo hiểm xe mô tô, vứt lại giấy phép lái xe mô tô rồi tháo dây điện của ổ khóa điện và đấu nối lại để khởi động xe, sau đó điều khiển xe lên thành phố B, tỉnh Đắk Lắk. Khi đi tới khu vực ngã sáu, thành phố B, Đ gặp ông Trần Văn L, trú tại phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, làm nghề xe ôm đang đứng bắt khách. Đ hỏi và nhờ ông L chỉ nơi bán xe mô tô, ông L đã dẫn Đ đến tiệm sữa chữa xe máy của Nguyễn Hữu Q. Tại đây, Đ thỏa thuận bán chiếc xe mô tô hiệu Honda biển kiểm soát 47N1-015.xx cho Q với số tiền 6.200.000 đồng, Q nhận thức được nguồn gốc chiếc xe mô tô này do Đ trộm cắp mà có nhưng vẫn đồng ý mua để bán lại kiếm lời. Sau đó, Đ cho ông L 500.000 đồng và nhờ chở ra đón xe khách đi thành phố H.

Đến ngày 05/9/2017, Nguyễn Hữu Q đã thỏa thuận và bán lại chiếc xe mô tô trên cho ông Hoàng V với số tiền 9.600.000 đồng. Sau khi sự việc bị phát hiện, Cơ quan điều tra đã thu giữ chiếc xe mô tô trên và trả cho chủ sở hữu là chị Nguyễn Thị C và Nguyễn Hữu Q đã tự nguyện hoàn trả lại cho ông Hoàng V số tiền là 9.600.000 đồng.

Tại Bản kết luận định giá tài sản số: 17/KL-ĐGTS ngày 16/10/2017 của Hội đồng định gía tài sản trong tố tụng hình sự huyện L kết luận: Giá trị còn lại của chiếc xe mô tô biển kiểm soát 47N1-015.xx, nhãn hiệu Honda, màu trắng-đen, tại thời điểm ngày 03/8/2017 có giá trị là 10.000.000 đồng.

Vụ thứ 2: Khoảng 21 giờ ngày 24/8/2017, Trần Đăng Đ đi bộ ngang qua nhà chị Nguyễn Thị K, sinh năm 1971, trú tại xã ĐN, huyện L, tỉnh Đắk Lắk. Đ đã vào sân nhà chị K dắt 01 chiếc xe mô tô biển kiểm soát 47AB-657.xx nhãn hiệu FUSHIN, màu đỏ-đen, đi ra ngoài đường. Đ giật bung cốp xe, lấy 01 Giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô mang tên Nguyễn Thị T (con gái chị K). Sau đó Đ dùng tay tháo và đấu nối dây điện của ổ khóa điện để khởi động máy, rồi điều khiển xe mô tô chạy về hướng Quốc lộ 27 đi lên thành phố B. Đến khoảng 06 giờ sáng ngày 25/8/2017, Đ nhờ ông L dẫn đi bán xe mô tô, ông L dẫn Đ tới tiệm sửa xe của Nguyễn Hữu Q. Tại đây, Đ thỏa thuận bán chiếc xe mô tô trên cho Q với số tiền 4.000.000 đồng, Q nhận thức được chiếc xe mô tô này do Đ trộm cắp mà có nhưng vẫn đồng ý mua lại. Sau đó, vào thời gian cuối tháng 8/2017, Q đã thỏa thuận và bán lại chiếc xe mô tô trên cho ông Nguyễn D với số tiền 4.500.000 đồng. Cơ quan điều tra đã thu giữ được chiếc xe mô tô này và đã trả cho chủ sở hữu là chị Nguyễn Thị K. Còn Nguyễn Hữu Q đã tự nguyện hoàn trả lại cho ông Nguyễn D số tiền 4.500.000 đồng.

Tại Bản kết luận định giá tài sản số: 22/KL-ĐGTS ngày 16/11/2017 của Hội đồng định gái tài sản trong tố tụng hình sự huyện L kết luận: Giá trị còn lại của chiếc xe mô tô biển kiểm soát 47AB-657.xx, nhãn hiệu Fushin, màu đỏ-đen, tại thời điểm ngày 24/8/2017, trị giá là: 3.500.000 đồng.

Vụ thứ 3: Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 06/9/2017, khi đi ngang qua nhà anh Y NT, sinh năm 1978, trú tại xã YT, huyện L, thì Trần Đăng Đ phát hiện 01 chiếc xe mô tô biển kiểm soát 47N4-00xx, nhãn hiệu VINASHIN, màu đỏ-đen đang để phía sau nhà, quan sát thấy không có người, Đ đi đến và dắt chiếc xe ra ngoài đường, rồi dùng tay giật bung cốp xe mô tô, lấy 01 Giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô mang tên Y NT bỏ vào túi quần. Sau đó, Đ đấu nối dây điện ổ khóa điện rồi điều khiển xe đi lên thành phố B, tỉnh Đắk Lắk. Đến khoảng 07 giờ sáng ngày 07/9/2017, Đ đến tiệm sửa xe máy của Nguyễn Hữu Q và thỏa thuận bán chiếc xe mô tô trên cho Q với số tiền 1.500.000 đồng, Q nhận thức được nguồn gốc chiếc xe mô tô này do Đ trộm cắp mà có nhưng vẫn đồng ý mua, để bán lại. Cơ quan điều tra đã thu giữ được chiếc xe và trả lại cho chủ sở hữu là anh Y NT.

Tại Bản kết luận định giá tài sản số: 24/KL-ĐGTS ngày 01/12/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện L kết luận: Giá trị còn lại của chiếc xe mô tô biển kiểm soát 47N4-00xx, nhãn hiệu VINASHIN, màu đỏ-đen, tại thời điểm ngày 06/9/2017, trị giá là: 1.400.000 đồng.

Vụ thứ tư: Sau Trần Đăng Đ khi đón xe từ thành phố H về huyện L, tỉnh Đắk Lắk, với mục đích tìm xe mô tô để trộm cắp mang đi bán lấy tiền tiêu xài. Đến khoảng 04 giờ sáng ngày 11/9/2017, tại khu vực bến cầu D tại thị trấn LS, huyện L, Đ phát hiện có 01 chiếc xe mô tô biển kiểm soát 61L4-10xx, nhãn hiệu TRAENCOMOTOR, màu đỏ của chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1980, trú tại thị trấn LS, huyện L, tỉnh Đắk Lắk, đang dựng bên lề đường, quan sát thấy không có người trông coi nên Đ đi lại dắt xe mô tô đi bộ khoảng 100m về hướng khu du lịch HL, thì dừng lại. Đ dùng tay tháo dây điện ổ khóa, đấu nối lại rồi khởi động xe điều khiển về thành phố B và đi đến tiệm sửa xe của Nguyễn Hữu Q. Tại đây, Đ thỏa thuận bán chiếc xe mô tô trên cho Q với số tiền 2.000.000 đồng, Q nhận thức được nguồn gốc chiếc xe mô tô này do Đ trộm cắp mà có nhưng vẫn đồng ý mua. Cơ quan điều tra đã thu giữ được chiếc xe mô tô và trả lại cho chủ sở hữu là chị Nguyễn Thị H, bị cáo Nguyễn Hữu Q đã bồi thường chi phí làm lại giấy đăng ký xe mô tô cho chị H.

Tại Bản kết luận định giá tài sản số: 24/KL-ĐGTS ngày 01/12/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện L kết luận: Giá trị còn lại của chiếc xe mô tô biển kiểm soát 61L4-10xx, nhãn hiệu TRAENCOMOTOR màu đỏ, tại thời điểm ngày 11/9/2017, trị giá là: 2.500.000 đồng.

Vụ thứ năm: Vào khoảng 20 giờ ngày 19/9/2017, Trần Đăng Đ đón xe thồ đi từ thành phố B về huyện L, mục đích để đi trộm cắp xe mô tô. Sau đó xuống xe và đi bộ, khi Đ đi đến khu vực cầu M thuộc xã ĐL, huyện L, Đ nhìn thấy chiếc xe mô tô biển kiểm soát 47N1-103.xx nhãn hiệu YAMAHA Sirius, màu trắng-đen của anh Lý Đại N, sinh năm 1994, trú tại xã ĐL, huyện L, đang dựng trên cầu. Quan sát thấy không có người trông coi, Đ đi lại dắt chiếc xe mô tô đi bộ ra hướng Quốc lộ 27 khoảng 100m, rồi dừng lại dùng tay giật bung cốp xe mô tô thì thấy bên trong có 01 Giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô mang tên Hoàng Thị N và 01 Giấy chứng minh nhân dân mang tên Lý Đại N. Đ lấy Giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô bỏ vào trong túi quần và vứt lại Giấy chứng minh nhân dân, sau đó tháo dây điện ổ khóa và đấu nối dây điện lại, nổ máy và điều khiển xe mô tô đi lên thành phố B. Sáng ngày 20/9/2017, Đ điều khiển xe mô tô đến tiệm sửa xe của Nguyễn Hữu Q, nhưng Q không mở cửa. Đ gặp ông Huỳnh Văn T, sinh năm 1956, trú tại đường N, phường TN, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, ở sát bên cạnh tiệm sửa xe của Q, Đ hỏi bán xe mô tô thì ông T gọi điện cho Q nói có nguời đến muốn bán xe mô tô, khi Q hỏi là ai, thì ông T trả lời “Thằng nhỏ bán xe bữa trước”, Q biết là Trần Đăng Đ nên nói với ông T đứng ra thỏa thuận mua lại xe mô tô với giá 7.500.000 đồng và cho Q mượn tiền để mua. Khi về tới nhà, Q đã nhận xe mô tô và trả lại cho ông T 7.500.000 đồng. Sau khi sự việc bị phát hiện, Cơ quan điều tra đã thu giữ lại chiếc xe mô tô và trả lại cho chủ sở hữu là anh Lý Đại N và chị Hoàng Thị N.

Tại Bản kết luận định giá tài sản số: 17/KL-ĐGTS ngày 16/10/2017 của Hội đồng định gái tài sản trong tố tụng hình sự huyện L kết luận: Giá trị còn lại của chiếc xe mô tô biển kiểm soát 47N1-103.xx, nhãn hiệu YAMAHA Sirius, màu trắng-đen, tại thời điểm ngày 19/9/2017, trị giá là: 22.000.000 đồng.

Ngoài các vụ trên, Trần Đăng Đ còn thực hiện 04 vụ trộm cắp tài sản là xe mô tô và điện thoại di động khác, đem cầm cố và bán cho một số người không xác minh được nhân thân, lai lịch.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 05/2018/HS-ST ngày 18/5/2018 của Tòa án nhân dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, đã quyết định:

Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Hữu Q phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Căn cứ khoản 1 Điều 250; các điểm b, o, p khoản 1 Điều 46, điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999. Xử phạt bị cáo Nguyễn Hữu Q 02 năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tính từ ngày bắt thi hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên bố bị cáo Trần Đăng Đ phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo điểm b, e khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999, xử phạt bị cáo Trần Đăng Đ 04 năm 06 tháng tù; quyết định về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 23/5/2018, bị cáo Nguyễn Hữu Q có đơn kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.

Quá trình tranh luận, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo và cho rằng bản án hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Q về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, theo khoản 1 Điều 250 Bộ luật hình sự năm 1999, là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Về mức hình phạt 02 năm tù mà bản án sơ thẩm đã xử phạt đối bị cáo là thỏa đáng và tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội mà bị cáo gây ra, cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, nên kháng cáo của bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo là không có cơ sở chấp nhận. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt, xử phạt bị cáo Nguyễn Hữu Q 02 năm tù. Về án phí: Bị cáo Nguyễn Hữu Q, sinh năm 1954, nên tại thời điểm xét xử sơ thẩm bị cáo đã 64 tuổi và là người cao tuổi. Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì bị cáo thuộc trường hợp được miễn án phí, nhưng bản án sơ thẩm buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm là không đúng, nên đề nghị Hội đồng xét xử sửa về phần án phí. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về thủ tục tố tụng: Người kháng cáo là bị cáo Nguyễn Hữu Q vắng mặt tại phiên tòa, bị cáo có đơn xin hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, xét thấy sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại đến việc xét xử và Hội đồng xét xử không ra bản án không có lợi cho bị cáo. Do đó, căn cứ điểm c khoản 1 Điều 351 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vắng mặt bị cáo, là phù hợp với quy định của pháp luật.

[2] Về nội dung: Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Hữu Q đã khai nhận toàn bộ hành vi mà bị cáo đã thực hiện đúng như nội dung vụ án đã được tóm tắt nêu trên, lời khai của bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm là phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của Trần Đăng Đ, cũng như lời khai của những người liên quan đến vụ án và phù hợp các chứng cứ tài liệu khác đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ cơ sở kết luận: Trong khoảng thời gian từ ngày 03/8/2017 đến ngày 20/9/2017, bị cáo Nguyễn Hữu Q đã liên tục 05 lần mua 05 chiếc xe mô tô do Trần Đăng Đ trộm cắp được đem bán. Bị cáo Nguyễn Hữu Q không hứa hẹn trước với Trần Đăng Đ và mặc dù biết rõ nguồn gốc 05 chiếc xe này là do Trần Đăng Đ trộm cắp mà có, nhưng bị cáo Q vẫn mua với mục đích để bán lại kiếm lợi nhuận, tổng trị giá tài sản 05 chiếc xe mô tô mà bị cáo đã mua có giá trị là 39.400.000 đồng. Do đó, bản án sơ thẩm đã xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Q về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo quy định tại khoản 1 Điều 250 của Bộ luật hình sự năm 1999 là có căn cứ pháp lý và đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[3] Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của bị cáo Nguyễn Hữu Q, Hội đồng xét xử xét thấy: Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, chỉ trong một thời gian ngắn bị cáo đã liên tục 05 lần thực hiện hành vi phạm tội, nên bị cáo phải chịu mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội đã thực hiện. Tuy nhiên, mức hình phạt 02 năm tù mà bản án sơ thẩm xử phạt đối với bị cáo là có phần nghiêm khắc, bởi lẽ: Bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; sau khi sự việc bị phát hiện, bị cáo đã chủ động khai báo về những lần phạm tội trước đó; đồng thời đã có trách nhiệm bồi thường lại số tiền cho những người đã mua xe do bị cáo bán lại, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm cần xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo, tuy nhiên cũng cần phải cách ly bị cáo với xã hội một thời gian nhất định. Có như vậy mới đảm bảo được việc cải tạo giáo dục bị cáo trở thành một công dân tốt và góp phần răn đe, phòng ngừa tội phạm chung trong xã hội. Do đó, kháng cáo của bị cáo xin được hưởng án treo là không có căn cứ chấp nhận và Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm một phần hình phạt đối với bị cáo là phù hợp.

[4] Về án phí:

Án phí hình sự sơ thẩm: Bị cáo Nguyễn Hữu Q sinh năm 1954, là người cao tuổi nên được miễn án phí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, nhưng bản án sơ thẩm buộc bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm là không đúng, nên cần sửa bản án sơ thẩm về án phí đối với bị cáo Nguyễn Hữu Q, cụ thể: Bị cáo Nguyễn Hữu Q được miễn tiền án phí hình sự sơ thẩm.

Án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận một phần, nên bị cáo Nguyễn Hữu Q không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ: Điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; áp dụng: Khoản 1 Điều 250; các điểm b, o, p khoản 1 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự năm 1999.

Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Nguyễn Hữu Q, sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 05/2018/HS-ST, ngày 18/5/2018 của Tòa án nhân dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk về hình phạt và án phí hình sự sơ thẩm.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Hữu Q 01 (một) năm 09 (chín) tháng tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

[2] Về án phí: Áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án .

Án phí hình sự sơ thẩm: Bị cáo Nguyễn Hữu Q được miễn tiền án phí hình sự sơ thẩm.

Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Nguyễn Hữu Q không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

383
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 245/2018/HS-PT ngày 02/08/2018 về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có​​​​​​​

Số hiệu:245/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 02/08/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;