TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
BẢN ÁN 24/2018/DS-PT NGÀY 08/10/2018 VỀ KIỆN YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO TÀI SẢN, UY TÍN, DANH DỰ, NHÂN PHẨM BỊ XÂM PHẠM
Ngày 08 tháng 10 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang xét xử phúc thẩm công khai vụ án Dân sự thụ lý số: 19/2018/TLPT-DS ngày 10 tháng 8 năm 2018 về việc: “Kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm". Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 37/2018/DS-ST ngày 29/06/2018 của Tòa án nhân dân huyện S bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 23/2018/QĐ-PT, ngày 21 tháng 9 năm 2018, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn N; sinh năm: 1948;
Địa chỉ: Tổ dân phố Q, thị trấn S, huyện S, tỉnh Tuyên Quang . Có mặt.
2. Bị đơn: Ủy ban nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên Quang;
Địa chỉ: Tổ dân phố A, thị trấn S, huyện S, tỉnh Tuyên Quang
- Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Văn L; chức vụ: Chủ tịch. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Phùng Thị B, sinh năm; 1950;
- Người đại diện theo ủy quyền của bà Phùng Thị B: ông Nguyễn Văn N (được ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 20/11/2017)
Địa chỉ: Tổ dân phố Q, thị trấn S, huyện S, tỉnh Tuyên Quang .
4. Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Nguyễn Văn N.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn ông Nguyễn Văn N trình bày:
Năm 1984, Uỷ ban nhân dân huyện S tịch thu tài sản (toàn bộ số hàng hóa) của ông trái pháp luật, phạt 5 lần thuế hàng hóa tương ứng với số tiền 10.500đ, lý do tịch thu hàng hóa vì cho rằng ông không có đăng ký kinh doanh. Nhưng tại thời điểm tháng 5/1984 Ủy ban nhân dân huyện mới chỉ thu thuế tháng và môn bài chưa cấp đăng ký kinh doanh cho bất cứ hộ nào chứ không phải chỉ gia đình ông không có đăng ký kinh doanh. Sau khi bị tịch thu hàng hóa, ông đã liên tục khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền, ngày 24/12/1990 Thanh tra huyện S có kết luận số 69 xác định việc tịch thu hàng hóa của gia đình ông là sai với quy định. Sau đó ông vẫn tiếp tục khiếu nại về việc bị tịch thu hàng hóa, đến năm 2016 Uỷ ban nhân dân huyện S mới ra quyết định giải quyết vụ việc theo đơn của ông.
Qua các lần thương lượng ông và Uỷ ban nhân dân huyện đã đối chiếu, thống nhất được với nhau về số lượng hàng hóa bị tịch thu gồm 58 loại mặt hàng, nhưng các bên mới thống nhất được giá cả của 27 mặt hàng, còn lại 31 mặt hàng chưa thống nhất được. Đã thương lượng để thống nhất khoản tiền bồi thường cho ông nhiều lần nhưng đều không thành. Đến ngày 31/7/2017, Uỷ ban nhân dân huyện S tiếp tục thương lượng và đưa ra số tiền bồi thường cho gia đình ông là 576.480.340đ (Năm trăm bảy mươi sáu triệu bốn trăm tám mươi nghìn ba trăm bốn mươi đồng) nhưng ông không đồng ý nên đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện S đề nghị Ủy ban nhân dân huyện S phải bồi thường cho ông các khoản cụ thể như sau: Khoản tiền giá trị tài sản bị tịch thu là 129.176.000đ; khoản tiền bồi thường 2 hóa đơn là 94.340.000đ; khoản tiền mất thu nhập do hàng hóa bị tịch thu trong 33 năm (396 tháng) là 17.384.400.000đ; khoản tiền đi lại, ăn ở, xăng xe, in ấn, tem thư là 300.300.000đ; khoản tiền bồi thường uy tín, danh dự, nhân phẩm là 25.800.000đ. Tổng cộng bằng 17.934.016.000đ (Mười bảy tỷ chín trăm ba mươi tư triệu không trăm mười sáu nghìn đồng). Do ông đã phải đi khiếu kiện từ huyện đến Trung ương và khiếu kiện liên tục từ năm 1984 cho đến nay.
Tại phiên hòa giải ngày 09/3/2018, ông Nguyễn Văn N rút yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường khoản tiền 94.340.000đ tại 02 hóa đơn. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Nguyễn Văn N đề nghị Uỷ ban nhân dân huyện S phải bồi thường cho ông các khoản gồm:
+ Khoản tiền bồi thường giá trị tài sản bị tịch thu là 169.783.000đ;
+ Khoản tiền mất thu nhập do không được sử dụng tài sản là 17.384.400.000đ;
+ Khoản tiền chi phí đi kiện (ăn ở, đi lại, in ấn, tem thư) là 330.000.000đ;
+ Khoản tiền bồi thường uy tín, danh dự, nhân phẩm là 25.800.000đ hoặc đề nghị Hội đồng xét xử xem xét theo quy định của pháp luật.
Trong tổng số 58 mặt hàng gia đình ông bị tịch thu, có 27 mặt hàng ông và Uỷ ban nhân dân huyện S đã thống nhất được số lượng và giá cả. Trong số 31 mặt hàng chưa thống nhất được giá, ông đề nghị Hội đồng xét xử xem xét mức giá với 08 loại mặt hàng theo giá ông đã đưa ra bao gồm áo mút xanh đỏ, áo trắng nam cộc tay, áo măng tô san, dép nhựa trắng, nan hoa xe đạp, pháo Điện quang, bật lửa Trung Quốc và bút kim tinh Trung Quốc, còn lại 23 mặt hàng ông nhất trí theo giá do Hội đồng xét xử quyết định.
- Bị đơn Uỷ ban nhân dân huyện S (do ông Phạm Văn L người đại diện theo pháp luật) trình bày:
Ngày 08/10/2016, ông Nguyễn Văn N căn cứ vào Quyết định số 4353/QĐ-UBND, ngày 16/8/2016 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện S về việc giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Văn N (lần đầu), có nội dung “Hủy bỏ toàn bộ Quyết định số 351/QĐ-UBND, ngày 26/6/1984 do ông Hà Hữu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện S ký thay mặt Ban Quản lý thị trường tịch thu hàng hóa của ông Nguyễn Văn N, xã K, huyện S”, nên đã có đơn yêu cầu bồi thường trách nhiệm của nhà nước đối với Uỷ ban nhân dân huyện S. Mức tiền ông N yêu cầu Uỷ ban nhân dân huyện S phải bồi thường là1.890.226.000 đồng (Một tỷ tám trăm chín mươi triệu hai trăm hai mươi sáu nghìn đồng).
Ngày 13/10/2016 Ủy ban nhân dân huyện S đã ban hành văn bản số 1501/UBND-TP, về việc thông báo thụ lý giải quyết đơn yêu cầu của công dân, gửi ông Nguyễn Văn N theo quy định. Uỷ ban nhân dân huyện S đã thực hiện việc giải quyết yêu cầu bồi thường của ông N theo trình tự, thủ tục quy định. Ngày 23/12/2016 đã tổ chức thương lượng với ông N (lần 1) xác định mức bồi thường cho ông N là 531.081.500đ nhưng ông N không nhất trí, ông đề nghị cho lui thời gian tổ chức thương lượng trong tháng 2/2017. Ngày 24/2/2017 Uỷ ban nhân dân huyện tổ chức thương lượng (lần 2) xác định mức bồi thường cho ông N là 131. 781. 500đ (giảm so với mức thương lượng lần 1) do xác định thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút trong thời gian ông N kinh doanh từ tháng 6/1984 đến năm 1988 vì ông N nghỉ kinh doanh năm 1989 là 72.600.000đ, ông N không nhất trí. Ngày 30/5/2017 tổ chức thương lượng (lần 3) xác định mức bồi thường cho ông N là 131. 781. 500đ, ông N không nhất trí có đơn đề nghị mức bồi thường là 5.131.796.300đ và đính chính lại thời gian ông ngừng kinh doanh là năm 2007, cung cấp thêm 33 tờ phiếu gửi tài liệu, bưu phẩm của bưu điện. Ngày 31/7/2017 tổ chức thương lượng (lần 4) xác định mức bồi thường cho ông N là 576.410.340đ (tăng so với mức thương lượng trước đó) do xác định thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút trong thời gian ông N kinh doanh từ tháng 6/1984 đến thời điểm giải quyết bồi thường, ông N không nhất trí.
Đến ngày 27/10/2017, Ủy ban nhân dân huyện S nhận được Thông báo số 46/TB-TA ngày 25/10/2017 của Tòa án nhân dân huyện S về việc thụ lý vụ án dân sự sơ thẩm kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm của ông Nguyễn Văn N yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện bồi thường thiệt hại cho ông Nguyễn Văn N và bà Phùng Thị B với số tiền là 17.934.016.000đ. Qúa trình giải quyết tại Tòa án các bên cũng đã tiếp tục được thỏa thuận với nhau về mức bồi thường tại các phiên hòa giải, tuy nhiên vẫn không có kết quả.
Uỷ ban nhân dân huyện S chỉ nhất trí bồi thường cho ông Nguyễn Văn N các khoản như sau:
+ Khoản tiền bồi thường về tài sản theo giá khảo sát là 59.883.800đ;
+ Khoản tiền do bị mất thu nhập do hàng hóa bị tịch thu là 514.800.000 (tính theo mức lương cơ sở là 1.300.000đ/tháng x 396 tháng);
+ Khoản tiền chi phí đi khiếu nại (ăn ở, đi lại, in ấn, tem thư) là 21.000.000đ.
Tại phiên tòa: Đề nghị xem xét giải quyết khoản tiền bồi thường thiệt hại về tài sản căn cứ theo kết quả khảo sát và quyết định của Tòa án đối với 31 mặt hàng còn lại mà các bên chưa thống nhất được giá; đối với khoản tiền mất thu nhập thì mức bồi thường đến thời điểm xét xử là 1.300.000đ x 408 tháng = 530.400.000đ; đối với khoản tiền chi phí đi khiếu nại đề nghị xem xét theo quy định của pháp luật. Uỷ ban nhân dân huyện S không nhất trí yêu cầu của ông N đòi bồi thường về danh dự, nhân phẩm, uy tín vì không thuộc trường hợp được bồi thường trong vụ việc cụ thể này. Đối với yêu cầu khoản tiền bồi thường 02 hóa đơn các bên đã thỏa thuận với nhau sẽ giải quyết bằng một vụ việc khác.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Phùng Thị B tại bản tự khai trình bày: Bà là vợ của ông Nguyễn Văn N, bà hoàn toàn nhất trí với nội dung bản tự khai của ông N, bà đã ủy quyền việc giải quyết vụ án cho ông Nguyễn Văn N theo quy định của pháp luật.
Vụ án trên đã được Tòa án nhân dân huyện S xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, hòa giải không thành và đã đưa vụ án ra xét xử. Tại Bản án Dân sự sơ thẩm số: 37/2018/DS-ST, ngày 29/6/2018 của Tòa án nhân dân huyện S.
Quyết định:
- Áp dụng khoản 6 Điều 26, các Điều 147, 235, 266, 271, 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; các Điều 134, 584, 585, 589, 468, 688 Bộ luật dân sự năm 2015; các Điều 14, 23, 45, 64 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2010; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Quốc hội.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn N như sau:
- Buộc Uỷ ban nhân dân huyện S có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm cho ông Nguyễn Văn N và bà Phùng Thị B tổng số tiền là 843.174.300đ (Tám trăm bốn mươi ba triệu một trăm bảy mươi tư nghìn ba trăm đồng). Trong đó khoản tiền giá trị tài sản là 74.774.300đ (Bảy mươi tư triệu bảy trăm bảy mươi tư nghìn ba trăm đồng), khoản tiền lãi do không được sử dụng tiền bán tài sản là 530.400.000đ (Năm trăm ba mươi triệu bốn trăm nghìn đồng), khoản tiền chi phí cho việc khiếu nại, tham gia tố tụng là 238.000.000đ (Hai trăm ba mươi tám triệu đồng).
2. Không chấp nhận các yêu cầu sau của ông Nguyễn Văn N:
- Yêu cầu về bồi thường khoản tiền thu nhập thực tế bị mất do bị tịch thu hàng hóa với tổng số tiền là 17.384.400.000đ (Mười bảy tỉ ba trăm tám mươi tư triệu bốn trăm nghìn đồng).
- Yêu cầu về bồi thường do uy tín, danh dự, nhân phẩm bị ảnh hưởng bởi quyết định tịch thu hàng hóa với tổng số tiền là 25.800.000đ (Hai mươi lăm triệu tám trăm nghìn đồng).
Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, lãi xuất chậm thực hiện nghĩa vụ, quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 12 tháng 7 năm 2018 Tòa án nhận được đơn kháng cáo của nguyên đơn ông Nguyễn Văn N đơn ghi ngày 11/7/2018, đơn kháng cáo có nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm công nhận khoản bồi thường do thu nhập của gia đình ông bị mất theo khoản 3, Điều 46 Luật bồi thường năm 2009 với số tiền 1.300.000đ (lương cơ sở) x 408 tháng = 530.400.000đ là chưa thỏa đáng chưa đúng quy định tại mục c, khoản 1 Điều 24 của Luật bồi thường năm 2017; khoản thu nhập cho 1 lao động trong một tháng sẽ bằng (2.760.000đồng : 26 ngày) x 30 ngày = 3.184.600đ; như vậy hai lao động trong 408 tháng sẽ là (3.184.600đ x 408 tháng x 2 lao động = 2.598.000.000 đồng). Đề nghị cấp phúc thẩm công nhận số tiền bồi thường do bị mất thu nhập cho hai lao động là 2.598.000.000 đồng (Hai tỷ năm trăm chín mươi tám triệu đồng)
Tại phiên toà nguyên đơn người kháng cáo ông Nguyễn Văn N thay đổi yêu cầu kháng cáo ông nhất trí áp dụng Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009 để giải quyết bồi thường. Ông bổ sung yêu cầu kháng cáo đề nghị xem xét khoản tiền mất thu nhập do ông bị đình chỉ kinh doanh theo quyết định 351/QĐ ngày 26/6/1984 của Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xem xét bồi thường thiệt hại về tài sản chưa xem xét khoản tiền bồi thường mất thu nhập do bị đình chỉ kinh doanh cho ông, số tiền được tính 3.184.600đ x 408 tháng x 2 người = 2.598.000.000 đồng. Nếu ông không được chấp nhận theo mức bồi thường trên đề nghị Tòa án xem xét theo mức bồi thường 1.300.000đ x 408 tháng x 2 người = 1.060.800.000 đồng.
Ông N trình bày: Sau khi bị tịch thu tài sản ông tiếp tục kinh doanh hàng hóa nhưng vào thời gian cụ thể nào ông không nhớ (do lâu rồi), ông chỉ nhớ về sau ông có kinh doanh nhà nghỉ và Karaoke. Tại biên bản làm việc ngày 20/12/2016 ông xác nhận thời gian ông ngừng kinh doanh năm 1989; tại đơn đề nghị ngày 30/4/2017, ông N trình bày năm 2007 ông mới ngừng việc kinh doanh
Ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm:
Về việc chấp hành pháp luật tố tụng: Thẩm phán đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử đã thực hiện đảm bảo các thủ tục về phiên tòa phúc thẩm, sự có mặt của các thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Các đương sự thực hiện đúng các quy định tại Điều 70; Điều 71; Điều 72 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Đơn kháng cáo của ông Nguyễn Văn N là hợp lệ trong hạn luật định, nội dung kháng cáo nằm trong nội dung bản án sơ thẩm. Việc thay đổi và bổ sung yêu cầu kháng cáo của ông N tại phiên tòa không vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu.
Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Văn N, áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 giữ nguyên Bản dân sự sơ thẩm số: 37/2018/DS-ST, ngày 29 tháng 6 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện S
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa Hội đồng xét xử nhận định:
[1]. Về yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Văn N theo đơn kháng cáo: Đề nghị cấp phúc thẩm công nhận số tiền bồi thường do bị mất thu nhập cho hai lao động được tính: Thu nhập của 1 lao động trong một tháng 3.184.600đ x 408 tháng x 2 người = 2.598.000.000 đồng (Hai tỷ năm trăm chín mươi tám triệu đồng), theo quy định tại mục c, khoản 1 Điều 24 của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017.
Yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Văn N bổ sung tại phiên tòa: Đề nghị xem xét khoản tiền mất thu nhập do ông bị đình chỉ kinh doanh theo Quyết định 351/QĐ-UBND ngày 26/6/1984 của Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện S, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xem xét bồi thường thiệt hại về tài sản chưa xem xét khoản tiền bồi thường mất thu nhập do bị đình chỉ kinh doanh cho ông; số tiền được tính 3.184.600đ x 408 tháng x 2 người = 2.598.000.000 đồng. Nếu ông không được chấp nhận theo mức bồi thường trên đề nghị Tòa án xem xét theo mức bồi thường1.300.000đ x 408 tháng x 2 người = 1.060.800.000đ.
Xét thấy: Về áp dụng pháp luật, tại đơn kháng cáo ông Nguyễn Văn N đề nghị áp dụng quy định tại mục c, khoản 1 Điều 24 của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 để giải quyết yêu cầu bồi thường do bị mất thu nhập của gia đình ông (hai lao động). Tại khoản 1 Điều 78 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 (có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 7 năm 2018) quy định “Các trường hợp yêu cầu bồi thường đã được cơ quan giải quyết bồi thường thụ lý trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa giải quyết hoặc đang giải quyết thì tiếp tục áp dụng quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước số 35/2009/QH12 để giải quyết”. Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý vụ án dân sự số 46/TLST-DS, ngày 25/10/2017 về“ Kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm" theo yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn N và xét xử vụ án ngày 29/6/2018. Như vậy thời gian thụ lý và xét xử vụ án đều thực hiện xong trước ngày Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 có hiệu lực thi hành (ngày 01 tháng 7 năm 2018). Do đó Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009 (có hiệu lực thi hành 01 tháng 01 năm 2010) và Bộ Luật dân sự năm 2015 để giải quyết các yêu cầu đòi bồi thường của ông N trong đó có yêu cầu bồi thường do thu nhập bị mất là áp dụng đúng quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017. Tại phiên tòa ông N thay đổi yêu cầu kháng cáo ông nhất trí áp dụng Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009 để giải quyết yêu cầu bồi thường.
Về yêu cầu đòi bồi thường thu nhập bị mất do ông N bị đình chỉ kinh doanh theo Quyết định 351/QĐ-UBND ngày 26/6/1984 của Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện S: Xét thấy tại Quyết định số 351/QĐ-UBND ngày 26/6/1984 chỉ quyết định tịch thu hàng hóa của ông N theo biên bản tạm giữ ngày 18/5/1984 lý do ông N đã mua bán kinh doanh những mặt hàng Nhà nước thống nhất quản lý, không có điều nào trong quyết định đình chỉ việc kinh doanh của ông N, mặt khác ông N thừa nhận sau đó ông vẫn tiếp tục kinh doanh đến năm 2007 mới ngừng việc kinh doanh, do vậy không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông N.
Về yêu cầu đòi bồi thường thu nhập bị mất cho hai lao động là 2.598.000.000 đồng (Hai tỷ năm trăm chín mươi tám triệu đồng) hoặc theo mức bồi thường 1.300.000đ x 408 tháng x 2 người = 1.060.800.000đ, của ông N. Xét thấy thiệt hại do tài sản của gia đình ông Nguyễn Văn N bị xâm phạm được xem xét bồi thường theo quy định tại Điều 45 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009. Tại khoản 3 Điều 45 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009 quy định “ Trường hợp có thiệt hại phát sinh do việc không sử dụng, khai thác tài sản thì thiệt hại được xác định là thu nhập thực tế bị mất ....”. Tài sản của ông N bị tịch thu là hàng hóa (để bán), không thuộc loại tài sản cho thuê. Khoản 4 Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về “thiệt hại khác do luật quy định” đối với thiệt hại do tài sản bị xâm phạm. Tòa án cấp sơ thẩm xác định số tiền thu được từ việc bán hàng hóa sẽ sinh lời nhưng do bị thu giữ tài sản nên ông N không có lợi nhuận đối với khoản tiền bán số hàng hóa bị tịch thu nên chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại cho ông N; xác định ông N được bồi thường do không được sử dụng khoản tiền lợi nhuận vì hàng hóa bị tịch thu, với mức lãi xuất 10%/năm (theo mức lãi xuất quy định của Bộ luật dân sự năm 2015), lãi được tính74.774.300 x 10%/năm x 34 năm = 254.232.620đ hoặc (tính có lợi) theo mức lãi xuất 12%/năm (mức lãi xuất cho vay của ngân hàng), lãi được tính 74.774.300 x12%/năm x 34 năm = 305. 079. 144 đ. Sau khi so sánh mức lãi xuất được tính bồi thường cho ông N theo pháp luật với mức bồi thường do Ủy ban nhân huyện đưa ra trong quá trình thương lượng và tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét theo hướng có lợi cho ông N, chấp nhận mức bồi thường (do thu nhập bị mất vì bị tịch thu hàng hóa) do Ủy ban nhân dân huyện S đưa ra 1.300.000/tháng x 408 tháng (34 năm) = 530.400.000đ (Năm trăm ba mươi triệu bốn trăm nghìn đồng), mức bồi thường của UBND huyện cao hơn số tiền lãi ông N được bồi thường theo quy định của pháp luật, việc giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm là có căn cứ. Do đó không chấp nhận yêu cầu kháng cáo đòi bồi thường số tiền thu nhập bị mất cho hai lao động là 2.598.000.000 đồng (Hai tỷ năm trăm chín mươi tám triệu đồng) hoặc theo mức bồi thường 1.300.000đ x 408 tháng x 2 người = 1.060.800.000đ của ông N.
Từ những nhận định trên Hội đồng xét xử không chấp nhận các yêu cầu kháng cáo của ông N, giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần bồi thường thiệt hại trong đó có khoản tiền mất thu nhập.
[2]. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Nguyễn Văn N được miễn toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm vì (là người cao tuổi và yêu cầu giải quyết vấn đề về bồi thường thiệt hại) theo quy định tại điểm a, đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án và quy định tại Điều 64 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009.
[3]. Các phần khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 148, khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Các Điều 134, 584, 585, 589, 468, 688 Bộ luật dân sự năm 2015; các Điều 14, 23, 45, 64 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án
1. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Văn N đề nghị Ủy ban nhân dân huyện S bồi thường thu nhập bị mất cho hai lao động do ông bị đình chỉ kinh doanh theo Quyết định 351/QĐ-UBND ngày 26/6/1984 của Ủy ban nhân dân huyện Ssố tiền là 2.598.000.000 đồng (Hai tỷ năm trăm chín mươi tám triệu đồng) hoặc 1.060.800.000đ (Một tỷ không trăm sáu mươi triệu tám trăm nghìn đồng).
2. Giữ nguyên bản án sơ thẩm về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm như sau: Buộc Uỷ ban nhân dân huyện S có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm cho ông Nguyễn Văn N và bà Phùng Thị B tổng số tiền là 843.174.300đ (Tám trăm bốn mươi ba triệu một trăm bảy mươi tư nghìn ba trăm đồng). Trong đó khoản tiền giá trị tài sản là 74.774.300đ (Bảy mươi tư triệu bảy trăm bảy mươi tư nghìn ba trăm đồng), khoản tiền mất thu nhập 530.400.000đ (Năm trăm ba mươi triệu bốn trăm nghìn đồng), khoản tiền chi phí cho việc khiếu nại, tham gia tố tụng là 238.000.000đ (Hai trăm ba mươi tám triệu đồng).
Kể từ khi có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án ông Nguyễn Văn N cho đến khi thi hành xong khoản tiền trên, hàng tháng bên phải thi hành án Ủy ban nhân dân huyện S còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
3. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Nguyễn Văn N được miễn toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm.
Các phần khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án, ngày 08/10/2018./.
"Trường hợp Bản án, Quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự".
Bản án 24/2018/DS-PT ngày 08/10/2018 về kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm
Số hiệu: | 24/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Tuyên Quang |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 08/10/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về