TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
BẢN ÁN 24/2017/HSST NGÀY 27/10/2017 VỀ TỘI LƯU HÀNH TIỀN GIẢ
Ngày 27/10/2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 25/2017/HSST ngày 02/10/2017 đối với bị cáo:
- Vũ Thị T, sinh năm 1969 tại huyện B, tỉnh H; trú tại thôn H, xã N, huyện B, tỉnh H; văn hoá lớp 03/10; nghề nghiệp lao động tự do; con ông Vũ Kim C (đã chết) và bà Hoàng Thị P, chồng là Lưu Trọng T (không có con chung) và 01 con riêng tên Ma Văn H, sinh năm 1991; không có tiền án, tiền sự; bị bắt tạm giữ sau đó chuyển tạm giam từ ngày 02/6/2017 đến nay (Có mặt).
NHẬN THẤY
Bị cáo Vũ Thị T bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình truy tố về hành vi phạm tội như sau:
Năm 1991, Vũ Thị T kết hôn với anh Ma Văn B ở huyện T, tỉnh Sơn La đến năm 1995 thì ly hôn. Sau đó T đến thành phố Hà Nội thuê nhà trọ, kiếm sống bằng nghề bán bánh cuốn tại phố N, phường G, quận B, thành phố Hà Nội. Trong thời gian này, T gặp và kết hôn với Lưu Trọng T1, sinh năm 1958 có hộ khẩu thường trú tại xã Đ, huyện N, tỉnh Ninh Bình. T và T1 thuê nhà ở tại số 138B, đường Đ, phường P, quận Đ, thành phố Hà Nội để ở, tuy là vợ chồng nhưng độc lập với nhau về mặt kinh tế. Hàng ngày, T1 làm bảo vệ cho một nhà hàng ở phố B từ sáng đến tối, cả hai đều không quan tâm đến việc làm ăn của nhau. Khoảng đầu tháng 02/1997, khi việc làm ăn gặp khó khăn, T nghỉ bán hàng để tìm công việc khác, T tình cờ gặp và làm quen với một người đàn ông tên là V (theo lời khai của T) gần nơi T ở. Biết T đang đi tìm việc làm, V đưa ra một xấp tiền mới loại mệnh giá 50.000 đồng và hỏi “có tiêu tiền này không?” rồi V nói tiếp “đây là tiền giả, tiêu không sợ đâu, cầm tiền đi mua đồ rồi người ta sẽ trả lại tiền thật cho”, V nói với T, nếu đổi 300.000 đồng tiền thật thì được 1.000.000 đồng tiền giả. T về nói lại với T1 về việc có người rủ tiêu tiền giả, khi T1 hỏi lấy tiền giả ở đâu thì T nói có một người phụ nữ lấy chồng Trung Quốc ở khu vực biên giới sẽ đổi giúp, T giấu việc quen biết với người đàn ông tên V. T cũng nói lại với T1 cách thức tiêu tiền giả như lời của V đã nói với T. T1 bảo “Cứ lấy tiêu thử xem thế nào”.
Chiều tối hôm sau, T mang theo 900.000 đồng tiền của cá nhân T để đi gặp người tên V, đổi được 3.000.000 đồng tiền giả, gồm các loại mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng. T mang về phòng trọ để trong hòm riêng của mình. Một lần khác, nhân lúc T1 về quê ở huyện N, tỉnh Ninh Bình, T đã gặp lại V, hai người đi khách sạn để quan hệ tình dục, sau đó T được V cho số tiền giả 1.000.000 đồng gồm các mệnh giá 10.000 đồng và 50.000 đồng, T giấu không cho T1 biết việc V cho T 1.000.000 đồng tiền giả. Với số tiền giả 4.000.000 đồng, T đã nhiều lần đưa cho Lưu Trọng T1, Trần Văn Đ (em rể T) và cháu Trần Đức T2(cháu ruột T) mang đi lưu hành tại địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Phú Thọ, Hải Dương. Cụ thể như sau:
Lần thứ nhất: Trong tháng 02/1997, T đưa cho T1 200.000 đồng tiền giả gồm 04 tờ loại mệnh giá 50.000 đồng. T1 sử dụng 02 tờ tiền giả mua 01 bao thuốc lá, 01 kg đường tại các cửa hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội, được trả lại 86.000 đồng tiền thật, 02 tờ tiền giả còn lại T1 đem về đưa cho T.
Lần thứ hai: Cũng trong tháng 02/2017, T1 về quê ở xã Đ, huyện N, tỉnh Ninh Bình gặp và quen biết với Trần Cảnh D, sinh năm 1969 ở phường C, thị xã S (nay là thành phố S), tỉnh Sơn La đang chơi tại gia đình ông Lưu Trọng  (bố đẻ của T1), D khi đó là đối tượng đang bị truy nã và là bạn của Lưu Trọng T3, sinh năm 1970, T3 là em trai T1. Qua quen biết, T1 đã hỏi vay D 01 dây chuyền vàng 03 chỉ để sửa nhà cho bố, T1 đem bán sợi dây chuyền được số tiền 1.460.000 đồng. Mấy ngày sau, D và T3 lên Hà Nội gặp T1, D đã hỏi T1 để lấy tiền đi về Yên Bái tìm việc làm. Do không có tiền trả cho D nên T1 nói với T đưa cho T1 1.000.000 đồng tiền giả, loại mệnh giá 20.0000 đồng, sau đó T1 đưa cho D. Việc T1 đưa số tiền giả này cho D, T không biết.
Lần thứ ba: Khoảng cuối tháng 02/1997, Vũ Thị T cùng với em gái là Vũ Thị X, sinh năm 1977 về quê ở xã N, huyện B, tỉnh Hải Dương chơi. Tại nhà của chị gái T là Vũ Thị L, sinh năm 1960, T đã đưa cho Trần Đức T2, sinh năm 1981 là con trai của chị L 02 tờ tiền giả loại mệnh giá 50.000 đồng. T2 sử dụng 01 tờ đi mua 2.000 đồng nước mắm tại cửa hàng của gia đình ông Bùi Văn Đ ở xã T, huyện B được ông Bùi Văn Đ trả lại 48.000 đồng tiền thật, số tiền này T2 về đưa cho T. Buổi chiều cùng ngày, T2 sử dụng 01 tờ tiền giả còn lại sang nhà ông Bùi Văn Đ chơi điện tử, khi trả tiền đã bị anh Bùi Xuân D (con trai ông Bùi Văn Đ) phát hiện là tiền giả nên đã yêu cầu T2 trả lại 48.000 đồng tiền thật mà ông Bùi Văn Đ đã trả lại cho T2 khi mua mắm. 02 tờ tiền giả ông Bùi Văn Đ đã đưa lại cho T2 và T2 đã xé vứt đi trên đường về nhà nên không thu giữ được.
Lần thứ tư: Đầu tháng 3/1997, T1 nói với T “đưa cho anh ít tiền tiêu”, T lấy từ trong hòm đưa cho T1 số tiền giả 1.000.000 đồng gồm các loại mệnh giá 50.000 đồng và 20.000 đồng. Khi về quê, T1 gặp lại Trần Cảnh D đang ở nhà bố đẻ T1, T1 rủ D đi xuống thị xã N (nay là thành phố N), tỉnh Ninh Bình chơi bằng xe mô tô nhãn hiệu ATECH mượn của chị Phạm Thị H ở huyện Y, tỉnh Hòa Bình. Cả hai vào cửa hàng kính Đ của anh Phạm Đình N tại số nhà 8x, đường V, phường V, thị xã N, T1 dùng 02 tờ tiền giả loại mệnh giá 20.000 đồng mua 01 chiếc kính dâm giá 30.000 đồng và được anh N trả lại 10.000 đồng tiền thật. Trên đường về, T1 vào cửa hàng bán gạo của bà Nguyễn Thị N ở đường T, thị xã N mua 05kg gạo hết 150.000 đồng. T1 trả cho bà N 07 tờ tiền giả loại mệnh giá 20.000 đồng và nợ lại 10.000 đồng. 800.000 đồng tiền giả còn lại T1 mang về đưa cho T.
Lần thứ năm: Ngày 10/3/1997, Lưu Trọng T1 đi đến Bệnh viện Việt Đức – Hà Nội thăm bà Phạm Thị H ở huyện Y, tỉnh Hòa Bình. T1 bảo T đưa cho ít tiền giả, T đưa cho T1 400.000 đồng tiền giả loại mệnh giá 20.000 đồng. Khi đến Bệnh viện, do T1 còn nợ bà H số tiền 400.000 đồng trước đó nên bà H đưa thêm cho T1 số tiền 270.000 đồng nhờ đi nộp viện phí. T1 đã sử dụng 300.000 đồng tiền giả trộn lẫn với số tiền thật của bà H để nộp viện phí. Nhân viên phòng y vụ không phát hiện được tiền giả nên đã thanh toán cho các bệnh nhân khác số tiền 140.000 đồng, còn lại 160.000 đồng gồm 08 tờ tiền mệnh giá 20.000 đồng nhân viên này sau đó đã phát hiện là tiền giả và yêu cầu anh Nguyễn Văn C là con trai bà H thanh toán 160.000 đồng tiền thật rồi trả lại số tiền giả cho anh C. Anh C đã xé các tờ tiền giả rồi vất đi nên không thu giữ được. Số tiền giả còn lại là 100.000 đồng, Lưu Trọng T1 đem về tiêu thụ tại Hà Nội.
Ngày 19/3/1997, Trần Cảnh D bị cơ quan An Ninh điều tra Công an tỉnh Ninh Bình bắt giữ về hành vi lưu hành tiền giả, thu giữ được 09 tờ tiền giả, loại mệnh giá 20.000 đồng do anh Phạm Đình N và bà Nguyễn Thị N giao nộp.
Lần thứ sáu: Cuối tháng 3/1997, khi biết tin Trần Cảnh D bị cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Ninh Bình bắt về hành vi Lưu hành tiền giả tại tỉnh Ninh Bình nên Lưu Trọng T1 bàn với Vũ Thị T thay đổi chỗ ở. Cả hai chuyển đến thuê nhà số 4x, làng H, phường B, quận T, thành phố Hà Nội để ở. Thời điểm này, Vũ Thị T vẫn còn giữ số tiền giả 2.200.000 đồng, trong đó có 1.000.000 đồng tiền giả được V cho T khi gặp nhau ở khách sạn và 1.200.000 đồng tiền giả mà T đưa cho T1 đem đi lưu hành nhưng T1 chưa sử dụng nên đưa lại cho T. Số tiền trên T gói vào túi ni lông đem cất giấu ở phía sau nhà trọ thuê ở Đ trước đây. Tháng 4/1997, T cùng T1 trốn vào Thành phố Hồ Chí Minh một thời gian rồi một mình T quay ra Hà Nội ở nhà trọ tại phường B, quận T. Đến tháng 6/1997, T1 mới về Hà Nội và xin vào làm bảo vệ tại một nhà hàng ở huyện G, thành phố Hà Nội. Đầu tháng 7/1997, T về huyện Đ, tỉnh Phú Thọ thăm em gái là Vũ Thị Đ mới sinh con. Tại đây, T gặp và rủ Trần Văn Đ (Đ là chồng chị Vũ Thị Đ) cùng lưu hành tiền giả, T nói với Đ chuẩn bị tiền thật để đổi, với tỷ lệ một đồng tiền thật đổi được hai đồng tiền giả. Đ đồng ý và đưa trước cho T số tiền 1.050.000 đồng. Ngày hôm sau, Đ cùng T về Hà Nội, T đã đến khu nhà trọ cũ ở đường Đ tìm lấy lại số tiền giả mà T cất giấu từ trước rồi đưa cho Đ. Lúc này, Lưu Trọng T1 từ huyện G về nhà trọ ở phường B, quận T, thành phố Hà Nội để gặp T, tại đây T1 đã gặp Đ và biết việc T đưa tiền giả cho Đ.
Số tiền giả T đưa, Đ về nhà kiểm đếm được 2.150.000 đồng gồm các loại mệnh giá 50.000 đồng và 10.000 đồng. Đ đã sử dụng 350.000 đồng tiền giả đi mua một số hàng hóa, số tiền giả còn lại 1.800.000 đồng, ngày 12/7/1997 Đ mang đi mua lợn giống của nhà anh Lê Quang H ở xã H, huyện Đ, tỉnh Phú Thọ thì bị phát hiện và bắt giữ. Đã thu được trong người Đ số tiền giả là 1.800.000 đồng gồm: 03 tờ tiền loại mệnh giá 50.000 đồng, 165 tờ loại mệnh giá 10.000 đồng.
Tại thông báo kết quả giám định số 1020/C11 ngày 12/6/1997 của Viện khoa học hình sự Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) kết luận 09 tờ giấy bạc có mệnh giá 20.000 đồng thu được do Lưu Trọng T1 và Trần Cảnh D tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đều là tiền giả.
Tại thông báo kết quả giám định số 64/PC21 ngày 26/8/1997 của Phòng Kỹ thuật khoa học hình sự, Công an tỉnh Phú Thọ kết luận: Trong số tiền thu giữ của Trần Văn Đ có 03 tờ giấy bạc mệnh giá 50.000 đồng, 165 tờ giấy bạc mệnh giá 10.000 đồng là tiền giả; còn 01 tờ giấy bạc mệnh giá 20.000 đồng và 08 tờ giấy bạc mệnh giá 10.000 đồng là tiền thật.
Như vậy, tổng số tiền giả Vũ Thị T đã lưu hành là 4.000.000 đồng, trong đó đưa cho Lưu Trọng T1 lưu hành 1.700.000 đồng, đưa cho Trần Văn Đ lưu hành 2.150.000 đồng, đưa cho Trần Đức T2 lưu hành 100.000 đồng. Còn lại 50.000 đồng quá trình cất giữ tờ tiền này lẫn vào tư trang cá nhân, sau đó T đã vứt đi.
Sau khi nghe tin Đ bị bắt, Vũ Thị T đã bỏ trốn sang Hà Khẩu, Trung Quốc từ tháng 9/1997 đến ngày 02/6/2017 thì bị phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Ninh Bình bắt giữ khi T về dự đám hiếu của gia đình người bạn ở thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc.
Trần Văn Đ đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ xử phạt 03 năm tù về tội “Lưu hành tiền giả”; Lưu Trọng T1 và Trần Cảnh D bị Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình xử phạt mỗi bị cáo 07 năm tù về tội “Lưu hành tiền giả”.
Đối với người đàn ông tên V (theo lời khai của bị cáo T) đã đổi và cho T số tiền giả 4.000.000 đồng, cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra, xác minh nhưng không xác định được tên tuổi, địa chỉ nên không có cơ sở để xử lý.
Tại bản cáo trạng số 21/CT-VKS ngày 02/10/2017 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình truy tố bị cáo Vũ Thị T về tội: “Lưu hành tiền giả” theo khoản 1 Điều 180 Bộ luật hình sự 1999.
Tại phiên toà, bị cáo Vũ Thị T đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và các đồng phạm đúng như nội dung bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình đã truy tố. Bị cáo thừa nhận hành vi đổi tiền thật lấy tiền giả rồi đem lưu hành tiền giả nhằm thu lợi bất chính của mình bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình truy tố về tội "Lưu hành tiền giả" là đúng người, đúng tội.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình tại phiên toà sau khi phân tích đánh giá tính chất của vụ án, nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo Vũ Thị T đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố: Bị cáo Vũ Thị T phạm tội “Lưu hành tiền giả”. Áp dụng khoản 1 Điều 180; điểm p khoản 1 khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự, xử phạt Vũ Thị T từ 42 tháng đến 48 tháng tù.
Áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự tịch thu sung quỹ nhà nước số tiền 1.050.000 đồng do bị cáo Vũ Thị T phạm tội mà có.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
XÉT THẤY
Lời khai nhận tội của bị cáo Vũ Thị T tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, cơ bản phù hợp với lời khai của các đồng phạm là những người được T đưa tiền giả mang đi lưu hành, lời khai của những người làm chứng, các kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Phú Thọ và Viện Khoa học hình sự Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa. Đã có đủ căn cứ để xác định trong khoảng thời gian từ tháng 02/1997 đến tháng 7/1997, Vũ Thị T đã sử dụng 900.000 đồng tiền Ngân hàng nhà nước Việt Nam để đổi lấy 3.000.000 đồng tiền giả từ một người đàn ông tên V và được V cho 1.000.000 đồng tiền giả gồm các loại mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng. Số tiền giả trên T đưa cho Lưu Trọng T1 1.700.000 đồng, Trần Văn Đ 2.150.000 đồng, Trần Đức T2 100.000 đồng đem đi lưu hành trên địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Hải Dương và Phú Thọ, còn 50.000 đồng T xé vứt đi. Hành vi đưa số tiền giả có giá trị tương ứng với số tiền 4.000.000 đồng của bị cáo Vũ Thị T vào lưu hành là phạm tội "Lưu hành tiền giả", tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 180 Bộ luật hình sự. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình đã truy tố bị cáo ra trước Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình để xét xử về tội danh và điều luật như đã viện dẫn ở trên là có căn cứ, đúng pháp luật.
Hành vi phạm tội của bị cáo là nghiêm trọng, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế nói chung và quản lý của nhà nước trong lĩnh vực quản lý tiền tệ nói riêng, tác động rất xấu đến trật tự trị an và an toàn xã hội, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Bị cáo Vũ Thị T là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức rõ việc đem tiền giả đi lưu hành là trái pháp luật nhưng vì động cơ tư lợi, hám lời nên bị cáo vẫn cố tình thực hiện tội phạm. Bị cáo nhiều lần đưa tiền giả cho Lưu Trọng T1, Trần Văn Đ, Trần Đức T2 đem đi lưu hành tại nhiều địa bàn ở các tỉnh khác nhau nên phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự; sau khi phạm tội bỏ trốn gây khó khăn cho quá trình điều tra, làm cho vụ án kéo dài nhiều năm. Căn cứ tính chất vụ án, hậu quả do hành vi phạm tội mà bị cáo Vũ Thị T gây ra, vai trò của bị cáo trong đồng phạm thấy cần phải xử phạt bị cáo T nghiêm khắc bằng loại hình phạt tù có thời hạn cách ly bị cáo với xã hội một thời gian tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo để cải tạo, giáo dục bị cáo và răn đe phòng ngừa chung cho xã hội. Bị cáo Vũ Thị T được xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đó là, quá trình điều tra và tại phiên tòa có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, hiện tại bị cáo bị bệnh HIV là những tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm p khoản 1 khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự.
Ngoài hình phạt chính là hình phạt tù bị cáo Vũ Thị T còn phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền theo quy định tại khoản 4 Điều 180 Bộ luật hình sự.
Về xử lý vật chứng và các biện pháp tư pháp:
Quá trình thực hiện hành vi phạm tội lưu hành tiền giả bị cáo Vũ Thị T đã nhận ở Trần Văn Đ 1.050.000 đồng tiền ngân hàng nhà nước Việt Nam để đổi cho Đ 2.150.000 đồng tiền giả. Số tiền 1.050.000 đồng là tiền do bị cáo T phạm tội mà có vì vậy phải tịch thu sung quỹ nhà nước.
Các vật chứng là tiền giả có liên quan đã được xem xét quyết định tại các bản án khi xét xử các đồng phạm Lưu Trọng T1, Trần Cảnh D, Trần Văn Đ vì vậy tại bản án này không xem xét.
Bị cáo Vũ Thị T phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố: Bị cáo Vũ Thị T phạm tội "Lưu hành tiền giả".
Áp dụng khoản 1, khoản 4 Điều 180; điểm p khoản 1 khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Vũ Thị T 4 (Bốn) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ 02/6/2017.
Phạt tiền bổ sung 10.000.000 (Mười triệu) đồng sung quỹ nhà nước.
2. Các biện pháp tư pháp: Áp dụng Điều 41 Bộ Luật hình sự tịch thu sung quỹ Nhà nước số tiền 1.050.000 (Một triệu không trăm năm mươi nghìn) đồng là tiền do bị cáo T phạm tội mà có
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật cho đến khi thi hành xong, người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 Bộ luật dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
3. Về án phí: Bị cáo Vũ Thị T phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Án xử sơ thẩm công khai, bị cáo có mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án 27/10/2017./.
Bản án 24/2017/HSST ngày 27/10/2017 về tội lưu hành tiền giả
Số hiệu: | 24/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Ninh Bình |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 27/10/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về