TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 236/2017/HSPT NGÀY 18/08/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 18 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 231/2017/HSPT ngày 21/7/2017đối với bị cáo Lê Xuân C về tội “Cố ý gây thương tích”. Do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 104/2017/HSST ngày 14/6/2017, của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Bị cáo có kháng cáo:
Họ và tên: Lê Xuân C, sinh năm 1989, tại tỉnh Đắk Lắk; Nơi cư trú: Thôn 3, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk; trình độ học vấn: 5/12; nghề nghiệp: Làm nông; tiền án, tiền sự: Không; con ông Lê Xuân G, sinh năm 1952 và con bà Trần Thị H, sinh năm 1960; bị cáo có vợ Lê Thị Hồng Ph, sinh năm 1990 và 01 con sinh năm 2013; bị bắt tạm giam từ ngày 10/02/2017, cho đến nay có mặt tại phiên tòa.
Những người tham gia tố tụng khác:
- Người bị hại: Ông Võ Duy T, sinh năm 1989; trú tại: Thôn 2, xã Hòa P, TP. B, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.
- Người làm chứng:
1. Bà Rơ Mah X.
2. Bà Võ Thị Xuân Th.
3. Bà Rơ Mah T1.
4. Bà Phạm Thị D.
5. Ông Phùng Chi L1.
6. Ông Nguyễn Văn H1.
7. Ông Rơ Mah H2.
8.Ông Rơ Mah M.
9. Ông Nguyễn Hồng L2.
10. Bà Trần Thị Minh T2.
11. Ông Lê Thanh T3.
12. Ông Lê Tiến T4.
13. Ông Võ Tuấn K.
Cùng trú tại: Thôn 2, xã H, thành phố. B, tỉnh Đắk Lắk – đều vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột và bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Năm 2015, Lê Xuân C và bà Võ Thị Xuân Th có quan hệ tình cảm yêu đương, bà Th đưa C về sống với gia đình bà tại thôn 2, xã H, thành phố. B gồm mẹ của bà Th là Rơ Mah X, hai em trai của bà Th là Võ Duy T, Võ Tuấn K và con gái bà Th là cháu Võ Thị Bích Tr. Trong thời gian sống chung, C thường xuyên uống rượu nảy sinh mâu thuẫn cãi nhau với bà Th và các ông T, K. Do đó, C rủ bà Th về nhà của C ở thôn 3, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk sống. Thời gian sống ở huyện E, C nảy sinh tình cảm với người phụ nữ khác nên bà Th và C phát sinh mâu thuẫn, C đánh bà Th và đuổi bà Th về nhà.
Khoảng 15 giờ ngày 08/12/2015, C mượn xe mô tô của một nam thanh niên tên C1 (Chưa rõ nhân thân, lai lịch và biển số xe), chở bà Th ra đón xe khách để về lại nhà ở thành phố B. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, ông Võ Tuấn K gọi điện thoại chửi C, giữa C và ông K lời qua tiếng lại, thách thức đánh nhau. Sau đó, C đi uống rượu và nảy sinh ý định trả thù gia đình bà Th. Đến khoảng 20 giờ 30 phút cùng ngày, C đón xe khách (Chưa xác định được đặc điểm xe, biển số và hãng xe) chạy từ đoạn Km72, thuộc huyện E đi lên TP.B. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, xe dừng ở khu vực gần chợ H, xã H, thành phố B, C xuống xe rồi đi bộ trên đường, C thấy 01 tiệm bán xăng lẻ bên ven đường Quốc Lộ 14, xã Hòa Phú, do bà Trần Thị Minh T2 làm chủ, C vào tiệm bán xăng lẻ hỏi mua 20.000 đồng xăng, bà T2 bơm xăng từ thùng phi sắt lên bình thủy tinh phía trên, có vạch ngăn đo thể tích, rồi bơm khoảng hơn 01 lít xăng vào trong 01 túi nilong màu trắng, cột dây thun rồi đưa cho C. Đến khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày, C cầm bịch xăng đi bộ đến nhà bà Th ở thôn 2, xã H, thành phố B. Khi tới nơi, C nhìn thấy ánh điện từ nhà bà Th vẫn sáng, biết gia đình bà Th vẫn còn thức, C cầm bịch xăng đi ra và ngồi chờ, quan sát tại khu vực bờ ranh, sát cống nước, cách hẻm vào nhà bà Th khoảng 6m. Khoảng 30 phút sau, nhà bà Th tắt điện đi ngủ, C ngồi chờ thêm khoảng 20 phút, rồi cầm bịch xăng đến gần cây xoài trước nhà bà Th quan sát, không thấy có tiếng động trong nhà, C đi lại sát cửa chính thì thấy cửa khép hờ, không khóa. Tay phải cầm bịch xăng, C dùng tay trái mở cửa chính, đột nhập vào phòng khách. Trong phòng tối, nhưng do đã có thời gian từng sống chung nhà với bà Th nên C xác định được vị trí của từng người ngủ trong nhà. C xác định được vị trí, tư thế ngủ của bà Rơ Mah X, cùng với cháu Võ Thị Bích Tr nằm bên cạnh bà X trên tấm nệm, sát tường, phía dưới cửa sổ có mắc 01 cái màn; còn ông Võ Duy T đang nằm trên 01 cái chiếu, đắp 01 cái chăn trên người, đầu quay về phía 01 cái ghế gỗ để sát tường bên trái từ ngoài cửa chính đi vào, chân quay về hướng để kệ ti vi sát tường. C đi tới khu vực phía dưới chân của ông T, rồi mở sợi dây thun cột bịch nilong đựng xăng, đứng khom người, dùng hai tay cầm bịch nilong đựng xăng tưới lên phần chăn đắp ở khu vực chân của ông T và vùng nền nhà, nơi tiếp giáp giữa chiếu chỗ ông T nằm với nệm chỗ bà X nằm. Sau đó, C bước ra khỏi vị trí đã tưới xăng khoảng 1m và quay mặt lại, dùng tay phải cầm chăn của ông T đang đắp ở vị trí dưới chân, tay trái bật quẹt gas đem theo, rồi châm lửa đốt, thì lửa bùng cháy. C bỏ chạy ra hướng cửa chính thoát ra ngoài, rồi đi bộ ra Quốc Lộ 14 đón xe khách (Chưa xác định được nhân thân tài xế và biển số xe) về lại nhà của C tại huyện E. Còn gia đình bà X cùng người thân dập lửa và đưa ông T đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk.
Sau khi tiếp nhận tin báo cháy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Buôn Ma Thuột phối hợp với Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh Đắk Lắk tiến hành khám nghiệm hiện trường, kết quả thể hiện: Nệm, chăn, màn, gối, chiếu, quần áo bị cháy có mùi xăng dầu; có mùi xăng dầu ở hiện trường đám cháy. Theo báo cáo khám nghiệm hiện trường số 43/BC-CSPCCC-P2, ngày 24/12/2015, của Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh Đắk Lắk, nhận định ban đầu nguyên nhân cháy là: Do đốt; vùng cháy là khu vực 02 (Khu vực nằm ngủ của Tân); điểm xuất phát cháy đầu tiên là vị trí trung tâm vùng than hóa của chiếc nệm.
Đối với vật chứng là 01 bật quẹt gas là công cụ mà Lê Xuân C sử dụng vào việc phạm tội, C đã vứt bỏ sau khi thực hiện hành vi phạm tội; đối với các tài sản là chăn, màn, chiếu, nệm, gối bị đốt cháy, gia đình bà X đã đốt bỏ. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Buôn Ma Thuột đã tiến hành truy tìm vật chứng nhưng không thu giữ được.
Tại bản Kết luận định giá tài sản số 127/KLĐG ngày 22/6/2016, của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự thành phố B, kết luận: 01 cái chiếu cói, màu đỏ, kích thước 1,2m x 2m; 02 nệm bông có cùng kích thước 1,6m x 2m; 01 cái màn màu xanh; 02 cái chăn bông cùng kích thước 1,4m x 2m đều là tài sản rẻ tiền, mau hỏng, đã qua sử dụng và không còn. Cho nên, Hội đồng thống nhất không xác định giá trị.
Tại bản Kết luận pháp y thương tích số 722/PY-TgT ngày 20/6/2016, của Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk, kết luận: Ông Võ Duy T bị bỏng độ I, II và III ở vùng mặt, hai tay, hai chân, diện tích 35% cơ thể, di chứng co rút các ngón bàn tay phải, tỷ lệ thương tật 55%. Tác nhân bỏng do lửa.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 104/2017/HSST ngày 14/6/2017, của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:
Tuyên bố: Bị cáo Lê Xuân C phạm tội “Cố ý gây thương tích”.Áp dụng khoản 3 Điều 104 của BLHS năm 1999. Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 và Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội; khoản 3 Điều 7, khoản 4 Điều 134 BLHS năm 2015.
Xử phạt bị cáo Lê Xuân C 07 (Bảy) năm 06 (Sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam, ngày10/02/2017.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự, án phí, tang vật, quyền kháng cáo cho bị cáo và các đương sự theo quy định.
Ngày 16/6/2017, bị cáo Lê Xuân C có đơn kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo cho rằng bị cáo nhận tội thay cho bà Võ Thị Xuân Thu, bị cáo không phạm tội, bị cáo bị oan.
Quá trình tranh luận tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã đánh giá tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo. Quá trình điều tra bị cáo tự nguyện khai báo hành vi phạm tội nhưng tại phiên tòa sơ thẩm cũng như tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo lại cho rằng bị cáo nhận tội thay cho bà Th. Tuy nhiên, bị cáo không chứng minh được chứng cứ ngoại phạm, bà Th và những người làm chứng đều không thừa nhận. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 3 Điều 104 của BLHS năm 1999. Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 và Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội; khoản 3 Điều 7, khoản 4 Điều 134 BLHS năm 2015 là đúng người đúng tội đúng pháp luật, bị cáo không oan. Mức hình phạt 7 năm 6 tháng tù mà cấp sơ thẩm xử phạt là thỏa đáng, sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ nào mới. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng điểm a khoản 2 Điều 248 của BLTTHS không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Bị cáo không tranh luận gì với quan điểm của Viện kiểm sát, chỉ xin Hội đồng xét xử trả hồ sơ điều tra.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:
[1] Quá trình điều tra bị cáo tự nguyện khai báo hành vi phạm tội được thể hiện tại các bản tự khai, tường trình do chính bị cáo viết và ký nhận (Từ bút lúc 27 đến 36) và các biên bản ghi lời khai (Từ bút lục 37 đến 66), việc khai báo không bị ép cung. Tuy nhiên đến 22/6/2017 (Bút lục 192), bị cáo phản cung, chối tội và cho rằng nhận tội thay cho bà Th đồng thời bị cáo đưa ra các bằng chứng ngoại phạm cho rằng vào tối ngày 08/12/2015, bị cáo đang đi làm thuê và ngủ lại nhà bà Nguyễn Thị T5 ( tên gọi khác B) và ông Võ Th tại thôn E, xã C, huyện K cho đến sáng ngày 09/12/2015. HĐXX thấy, bà Th là con đẻ của bà Rơ Mah X những người còn lại trong nhà là con gái và em ruột của bà Th nên lời khai của bị cáo cho rằng bà Th dùng xăng đốt chính nhà mình không được bà Th thừa nhận, bị cáo cũng không lý giải được nguyên nhận, động cơ, mục đích nào bà Th phải đốt chính ngôi nhà mà bản thân, người thân ruột thịt của mình đều đang ngủ. Những người làm chứng: Bà T5, ông Th và những người làm chứng khác không có mâu thuẫn với bị cáo nhưng tất cả những người làm chứng đều không chấp nhận lời khai của bị cáo; bị cáo xác định trong quá trình điều tra không bị đánh đập, ép cung mà tự nguyện khai báo, diễn tả khi thực nghiệm điều tra, hỡn nữa, bị cáo thừa nhận khoảng 01 giờ ngày 09/12/2015, bà Th gọi điện báo cho bị cáo nói “Ai đốt nhà em đó, T bị bỏng nặng, Mẹ và bé Tr bị bỏng nhẹ” ngoài ra không nói gì thêm kể cả thời gian sau khi bà Th tiếp tục chung sống với bị cáo cũng không hề nói nguyên nhân cháy do dùng xăng, bị cáo không lý giải được tại sao không có mặt ở hiện trường, không nghe bất cứ người nào kể mà lại tự khai nguyên nhân cháy do xăng?. Bà Trần Thị Minh T2 xác nhận khu vực Quốc Lộ 14, thôn 2, xã H, TP. B bà là người bán lẻ xăng ven đường vào tối ngày 08/12/2015 có bán xăng bơm vào túi nilông cho khách đúng như lời khai của bị cáo. Như vây, có căn cứ xác định giữa bị cáo và các em bà Th mâu thuẫn nhau về việc không ủng hộ quan hệ tình cảm giữa bị cáo và bà Th nên khoảng 22 giờ 30 phút ngày 08/12/2015, bị cáo đã có hành vi dùng xăng đốt gây thương tích 55% sức khỏe cho ông T. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo về “Tội cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 3 Điều 104 của BLHS năm 1999 và khoản 4 Điều 134 của BLHS năm 2015 là có căn cứ, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan.
[2] Xét mức hình phạt 07 năm 06 tháng tù mà bản án sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo là thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ và hành vi phạm tội của bị cáo gây ra. Mặc dù, tại cơ quan điều tra bị cáo thành khẩn khai báo và thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội nhưng tại các phiên tòa bị cáo phản cung, chối tội nhằm trốn trách trách nhiệm hình sự nên cấp sơ thẩm không áp dụng cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 của BLHS là có căn cứ. Sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo không cung cấp được thêm tình tiết giảm nhẹ nào mới nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và kháng cáo kêu oan của bị cáo mà cần áp dụng điểm a khoản 2 Điều 248 của Bộ luật tố tụng hình sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt.
[3] Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 và Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội để xét xử có lợi cho bị cáo là đúng pháp luật. Tuy nhiên, tại thời điểm xét xử phúc thẩm các Nghị quyết trên đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội. Do đó, Hội đồng xét xử cần sửa phần Nghị quyết áp dụng trên là phù hợp.
[3] Về án phí hình sự phúc thẩm: Do không được chấp nhận kháng cáo nên bị cáo Lê Xuân C phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại điểm khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016, của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
[1] Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 248 của Bộ luật tố tụng hình sự. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Xuân C – Giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số: 104/2017/HSST ngày 14/6/2017, của Tòa án nhân dân Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk về hình phạt.
Áp dụng khoản 3 Điều 104 của Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7; khoản 4 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Xử phạt bị cáo: Lê Xuân C 07 (Bảy) năm 06 (Sáu) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam, ngày 10/02/2017.
[2] Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Lê Xuân C phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.
[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án 236/2017/HSPT ngày 18/08/2017 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 236/2017/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 18/08/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về