TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CÀ MAU, TỈNH CÀ MAU
BẢN ÁN 235/2017/HSST NGÀY 28/12/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Trong các ngày 27, 28 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Cà Mau xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 266/2016/HS-ST ngày 24 tháng 11 năm 2017 đối với bị cáo:
Họ và tên: Lý Minh H, sinh năm 1970; đăng ký nhân khẩu thường trú: số 375B, Nguyễn T, khóm A, phường B, thành phố C, tỉnh Cà Mau; chỗ ở hiện nay: số 444A/77, Nguyễn T, khóm N, phường B, thành phố C, tỉnh Cà Mau; nghề nghiệp: làm thuê; trình độ học vấn: 9/12; con ông Lý Hoàng L và bà Huỳnh Minh T; vợ Lê Diệu H (đã ly hôn), con 02 người; tiền sự, tiền án: không; bị bắt tạm giữ từ ngày 19/8/2017, sau đó chuyển tạm giam từ ngày 28/8/2017 cho đến nay (có mặt).
Người bị hại:
1. Hồ Trọng S, sinh năm 1985; trú tại: ấp Trung T, xã Lương Thế T1, huyện Cái N, tỉnh Cà Mau (có mặt).
2. Phan Chánh T (tên gọi khác: K), sinh năm 1996; trú tại: ấp Trung T, xã Lương Thế T1, huyện Cái N, tỉnh Cà Mau (có mặt).
NHẬN THẤY
Bị cáo Lý Minh H bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cà Mau truy tố về hành vi phạm tội như sau:
Vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 18/8/2017, Nguyễn Út B (Nguyễn Út D) tổ chức nhậu tại phòng trọ của mình thuộc ấp Thạnh Đ, xã Lý Văn L, thành phố C, tỉnh Cà Mau cùng với Nguyễn Út B, Lý Minh H, Nguyễn Thị P, Phan Chánh T, Hồ Trọng S, Trần Quốc V và Nguyễn Thị T. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, tiệc nhậu chỉ còn Út Bự, Út B, H, S và T tham gia. Do Út B đã say lên giường nằm thì P có lời lẽ ép Út B uống tiếp nhưng Út B không uống. Thấy P ép Út B nên H bênh vực và cầm chai bia đưa trước mặt P, H nói “Bà có giỏi thì uống đi” nhưng vô tình làm đổ nước ướt người của P. Lúc này, P nói “Bộ thằng này nó muốn chơi thiệt hả gì vậy ta?”, nói xong P dùng chai bia đập vào vách tường làm bể chai bia rồi bỏ đi ra khỏi phòng Út B về phòng trọ của mình. Ngay lúc đó, T chửi tục và nói “số đỏ ở đây hả gì”, H trả lời “số đỏ gì trời, tôi có làm gì đâu mà số đỏ” và T, S, H cự cải lớn tiếng với nhau, T cầm chai bia đập xuống nền gạch làm chai bia bể tung tóe. Thấy vậy, ông V dùng tay kéo T ra khỏi phòng còn S cầm chai bia đứng sát vách tường. Sau đó, T tiếp tục quay trở lại phòng, chụp nón bảo hiểm xông đến chổ H đứng định đánh H nhưng chưa kịp đánh thì H chụp được con dao dài 33cm, lưỡi dao dài 23cm, cán dao dài 10cm dùng để chặt nước đá khi nhậu ở sát cửa nhà vệ sinh trong phòng chém T và S nhiều nhát thì S, T bỏ chạy. Khi chạy ra khỏi phòng, T bị ngã ngay lối đi của dãy nhà trọ nên bị H chém tiếp, T đứng dậy bỏ chạy ra lộ thì H cầm dao đuổi theo nhưng T và S chạy thoát. Vì vậy, H cầm dao quay trở lại phòng trọ, để dao lên ba ga xe mô tô Wave RSX biển số 69C1-319.58 của H và điều khiển xe chạy về nhà mẹ ruột ở khóm A, phường B, thành phố C ném cây dao gần cây kiểng trước nhà rồi vào trong nhà lẫn trốn đến 01 giờ 15 phút ngày 19/8/2017, H bị bắt. Đối với S và T được đưa đến Bệnh viện đa khoa Cà Mau điều trị đến ngày 29/8/2017, T xuất viện còn S đến ngày 31/8/2017 mới xuất viện. Sau khi xuất viện về nhà, đến ngày 13/10/2017 T tiếp tục nhập viện tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh điều trị đến ngày 14/10/2017 thì xuất viện.
Vật chứng thu giữ gồm: 01 cây dao bằng kim loại màu đen, tay cầm bằng kim loại liền với lưỡi dao (cán dao liền với lưỡi dao), dao có chiều dài 33cm, lưỡi dao sắc bén có chiều dài 23cm, mũi dao bầu nhọn, cán dao tròn có đường kính 03cm và dài 10cm do Lý Minh Tài con ruột của H giao nộp; hai võ chai bia hiệu “Sài Gòn” đã qua sử dụng bị vỡ và nhiều mãnh sứ bị vỡ.
Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 21/TgT ngày 23/8/2017 và bản kết luận giám định pháp y bổ sung về thương tích số 60/TgT ngày 10/10/2017 của Trung tâm pháp y thuộc Sở y tế tỉnh Cà Mau kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể của Phan Chánh T do thương tích gây nên là 38% (đã bỏ phần trăm sẹo phẫu thuật).
Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 22/TgT ngày 23/8/2017 và bản kết luận giám định pháp y bổ sung về thương tích số 59/TgT ngày 10/10/2017 của Trung tâm pháp y thuộc Sở y tế tỉnh Cà Mau kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể của Hồ Trọng S do thương tích gây nên là 59% (đã bỏ phần trăm sẹo phẫu thuật).
Quá trình điều tra, Lý Minh Hiển hoàn toàn thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Riêng Phan Chánh T khai nhận: trong lúc nhậu giữa H với P xảy ra mâu thuẩn cự cải với nhau, do bênh vực P nên T đã cự cải với H và có cầm nón bảo hiểm xông đến định đánhH nhưng chưa đánh được thì bị H dùng dao chém gây thương tích nên yêu cầu H bồi thường các khoản gồm: chi phí điều trị theo toa vé; chi phí đi lại, tiền thuê nhà trọ, tiền mất thu nhập, chi phí ăn uống của người bệnh và người nuôi bệnh trong thời gian nằm viện điều trị, chi phí tái khám tính đến ngày 23/10/2017 với tổng số tiền là 33.028.466đ và tiền tổn thất về tinh thần theo quy định của pháp luật. Đối Với Hồ Trọng S khai nhận bản thân không có mâu thuẩn gì với H nhưng do bênh vực T, S cầm chai bia trên tay thì bị H dùng dao gây thương tích nên yêu cầu H bồi thường các khoản với tổng số tiền là 18.299.120đ và tiền tổn thất về tinh thần theo quy định của pháp luật. Quá trình điều trị, gia đình H đã bồi thường cho S số tiền 15.000.000đ và bồi thường cho T số tiền 11.000.000đ.
Tại cáo trạng số: 240/KSĐT-TA ngày 23/11/2017, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cà Mau đã truy tố bị cáo Lý Minh H về tội "Cố ý gây thương tích" theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự.
Tại phiên tòa, bị cáo H thừa nhận Cáo trạng truy tố hành vi phạm tội của bị cáo là đúng, không oan – sai và xác định thương tích của T, S là do chính bị cáo gây ra, loại dao bị cáo dùng để chém những người bị hại chính là cây dao được con của bị cáo là Lý Minh Tài giao nộp trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng trước khi gây thương tích cho T, S thì T và S là người gây chuyện đánh bị cáo trước nhưng không gây thương tích nên bị cáo mới chụp lấy con dao chém lại. Đối với T xác định có cùng với S cự cải với bị cáo nhưng không có đánh bị cáo và có đập chai bia xuống nền gạch. Sau đó, ông V là người nhậu chung lúc đầu và cũng là người ở chung dãy trọ với Út B đến kéo ra khỏi phòng, vì nóng giận T tiếp tục chạy trở vào phòng chụp nón bảo hiểm xông vào định đánh bị cáo nhưng chưa đánh được thì đã bị bị cáo chém. Nay T đồng ý đối trừ số tiền gia đình bị cáo đã bồi thường trong thời gian nằm viện điều trị tính từ ngày 18/8/2017 đến ngày 23/10/2017 (tái khám) và yêu cầu bị cáo tiếp tục bồi thường một lần hết số tiền còn lại là 22.028.466đ còn khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần, T đồng ý theo mức mà Kiểm sát viên đề nghị là 20 tháng lương cơ bản do Nhà nước quy định; Đối với S cũng xác định do bênh vực T nên khi cự cải với bị cáo, S có cầm chai bia trên tay nhưng chưa đánh bị cáo thì đã bị bị cáo chém. Tại toà, S cung cấp thêm hoá đơn, chứng từ khi tái khám vào ngày 03/10/2017 với số tiền là 1.119.000đ nên tổng các khoản S yêu cầu bị cáo bồi thường tính từ ngày nhập viện đến ngày 03/10/2017 là 19.418.120đ và đồng ý đối trừ số tiền 15.000.000đ mà gia đình bị cáo đã bồi thường, hiện S yêu cầu bị cáo tiếp tục bồi thường số tiền còn lại là 4.418.120đ cùng khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần là 53.000.000đ nhưng bồi thường hai lần hết các khoản tiền trên. Đồng thời, S cũng lý giải lý do vì sao tỷ lệ thương tật cao hơn so với T nhưng S yêu cầu bồi thường thiệt hại thấp hơn so với yêu cầu của T nguyên nhân là do T có đi tái khám, điều trị ở TP.Hồ Chí Minh nên các khoản chi phí của T cao hơn; Đối với bị cáo cũng đồng ý tiếp tục bồi thường khoản tiền còn lại theo yêu cầu của T và S mà không đặt ra yêu cầu Toà án xem xét điều chỉnh nhưng riêng khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần, bị cáo yêu cầu Toà án xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Kiểm sát viên trình bày lời luận tội: Hành vi của bị cáo H là rất nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp tiếp đến sức khoẻ của người khác. Khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, bị cáo thực hiện tội phạm với lỗi cố ý nên Viện kiểm sát truy tố bị cáo ở tình tiết định khung là dùng hung khí nguy hiểm và có tính chất côn đồ là có căn cứ. Tuy nhiên, bị cáo có nhân thân tốt, cha mẹ là giáo viên,gia đình có thờ cúng liệt sỹ, qua trình điều tra và tại phiên toà, bị cáo thật thà khai báo, ăn năn hối cải, đã bồi thường một phần thiệt hại cho những người bị hại nên đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Lý Minh H phạm tội cố ý gây thương tích và đề nghị áp dụng khoản 3 Điều 104, điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo từ 07 năm đến 08 năm tù. Đồng thời, áp dụng Điều 41 của Bộ luật Hình sự và Điều 76 của BLTTHS, tịch thu tiêu huỷ vật chứng. Về trách nhiệm dân sự, áp dụng Điều 590 Bộ luật Dân sự buộc bị cáo tiếp tục bồi thường cho T số tiền còn lại là 22.028.466đ, S là 4.418.120đ. Riêng khoản tiền bù đắp tồn thất về tinh thần, buộc bị cáo bồi thường cho S là 30 tháng lương cơ bản và bồi thường cho T là 20 tháng lương cơ bản theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và người bị hại.
XÉT THẤY
Lời khai nhận của bị cáo Lý Minh H tại phiên tòa về diễn biến thực hiện hành vi phạm tội phù hợp với lời khai của người bị hại cùng các chứng cứ khác đã thu thập được,
phù hợp với kết luận giám định pháp y về thương tích nên có đủ cơ sở để xác định vào khoảng 19 giờ 00 phút ngày 18/8/2017, tại phòng trọ do Nguyễn Út B (Nguyễn Út D) thuê thuộc ấp Thạnh Đ, xã Lý Văn L, thành phố C, bị cáo đã dùng dao bằng kim loại màu đen, tay cầm bằng kim loại liền với lưỡi dao (cán dao liền với lưỡi dao), dao có chiều dài 33cm, lưỡi dao sắc bén có chiều dài 23cm, mũi dao bầu nhọn, cán dao tròn có đường kính 03cm và dài 10cm chém nhiều nhát vào người Hồ Trọng S, Phan Chánh T (K) gây thương tích.
Khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, tuy bị cáo không nhắm vào vị trí cụ thể nào trên cơ thể của người bị hại để chém nhưng bị cáo biết việc dùng dao trong khi gây gổ, đánh nhau sẽ gây thương tích, là vi phạm pháp luật và hậu quả S bị thương tật với tỷ lệ 59%, T bị thương tật với tỷ lệ 38% nên căn cứ theo quy định tại tiểu mục 3.1 mục 3 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự thì việc bị cáo dùng dao chém người bị hại thuộc tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự. Do đó,
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cà Mau truy tố bị cáo về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 3 Điều 104 của Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung tăng nặng “dùng hung khí nguy hiểm” là có căn cứ. Đối với tình tiết phạm tội “có tính chất côn đồ”, Hội đồng xét xử thấy rằng giữa bị cáo với T, S chỉ mới quen biết, không hề có mâu thuẩn vì với nhau và trong lúc nhậu, chỉ có bị cáo với P xảy ra mâu thuẩn nhưng P đã bỏ đi về phòng trọ của mình liền ngay sau đó. Khi bỏ đi, P cũng không có hành động hay dùng lời lẽ gì nhằm xúi giục S với T cự cải, đánh bị cáo chỉ vì bênh vực P, T đã cải vã và có hành động đập chai bia xuống nền gạch. Mặc dù, được V vào can ngăn, kéo ra khỏi phòng trọ nhưng T tiếp tục chạy vào chụp lấy nón bảo hiểm để trong phòng xông vào định đánh bị cáo còn S cũng vì T là người cùng quê nên bênh vực T và trong lúc cùng T cự cải với bị cáo, S đã cầm sẳn chai bia trên tay. Hơn nữa, so sánh tương quan lực lượng bên phía người bị hại có đến hai người, trên tay đều có cầm hung khí trong khi phòng trọ thì nhỏ hẹp, bị cáo chỉ có một mình và trong quá trình điều tra S, Th, Út B (Út D), V đều khai nhận T, S có đánh bị cáo thể hiện tại các bút lục số 172, 183, 188 – 193, 200, 202 - 203. Cho nên, có căn cứ để tin rằng lời khai của bị cáo tại phiên toà về việc S, T là người gây hấn và đánh bị cáo là có thật. Mặc dù, không gây ra thương tích cho bị cáo nhưng người bị hại thừa nhận trong sự việc này, người bị hại cũng có lỗi. Chính vì lẽ trên, không áp dụng tình tiết phạm tội “có tính chất côn đồ” theo điểm i khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự cho bị cáo là hợp lý. Tuy nhiên, ngoài việc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự, bị cáo còn phải chịu trách nhiệm với tình tiết định khung tăng nặng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự là “phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người” bởi theo hướng dẫn tại tiết d.2 điểm d tiểu mục 3.2 mục 3 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP nêu trên thì tỷ lệ thương tật của từng người bị hại trong vụ án này lần lượt là 38%, 59%.
Xét tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, thấy rằng hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội đã xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe của người bị hại, làm mất an ninh trật tự tại địa phương, gây tâm lý lo sợ trong quần chúng nhân dân nên cần xử phạt nghiêm, tương xứng với hành vi và hậu quả mà bị cáo đã gây ra. Tuy nhiên, xét về nhân thân bị cáo chưa tiền án, tiền sự; đã tác động gia đình bồi thường một phần thiệt hại cho người bị hại; quá trình điều tra và tại phiên toà, bị cáo có thái độ thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối hận về hành vi phạm tội của mình và muốn sửa chữa lỗi lầm nên theo hướng dẫn tại Công văn số 994/VKSTC-V3 ngày 09/4/2012 “V/v áp dụng tình tiết giảm nhẹ trong Bộ luật Hình sự” trong trường hợp này bị cáo được hưởng hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, cha mẹ của bị cáo là giáo viên được tặng Huy chương vì sự nghiệp giáo dục, bị cáo sống cùng gia đình và trực tiếp thờ cúng liệt sỹ Huỳnh Văn Tường. Hơn nữa, người bị hại cũng có lỗi nên áp dụng các tình tiết trên là tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự cho bị cáo là phù hợp. Do bị cáo có nhân thân tốt, có ba tình tiết giảm nhẹ ở khoản 1 và nhiều tình tiết giảm nhẹ ở khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự nên cần áp dụng mức hình phạt đối với bị cáo thấp hơn đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa cũng đủ để răn đe, giáo dục bị cáo trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội. Đồng thời, thể hiện được chính sách khoan hồng và nhân đạo của Nhà nước đối với người phạm tội biết ăn năn, hối cải như bị cáo.
Về vật chứng của vụ án gồm: 01 (một) cây dao bằng kim loại màu đen, tay cầm bằng kim loại liền với lưỡi dao (cán dao liền với lưỡi dao), dao có chiều dài 33cm, lưỡi dao sắc bén có chiều dài 23cm, mũi dao bầu nhọn, cán dao tròn có đường kính 03cm và dài 10cm - Đây là công cụ bị cáo dùng vào việc thực hiện tội phạm, nên tịch thu tiêu hủy. Riêng hai võ chai bia hiệu “Sài Gòn” đã qua sử dụng bị vỡ và nhiều mãnh sứ bị vỡ được thu thập trong quá trình điều tra, hiện không còn giá trị sử dụng nên tịch thu tiêu hủy.
Về trách nhiệm dân sự, theo đánh giá của Hội đồng xét xử trong vụ án này người bị hại cũng có lỗi nên lỗi được chia theo tỷ lệ 7:3 (bị cáo có lỗi 7 phần, người bị hại có lỗi 3 phần). Lẽ ra, các khoản tiền bồi thường thiệt hại phải được chia theo tỷ lệ trên để buộc bị cáo có trách nhiệm bồi thường nhưng tại phiên toà, bị cáo đồng ý tiếp tục bồi thường các khoản thiệt hại theo yêu cầu của người bị hại mà không đặt ra yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét, điều chỉnh cụ thể bị cáo đồng ý bồi thường tiếp cho S số tiền 4.418.120đ và bồi thường cho T số tiền 22.028.466đ nên chấp nhận sự tự nguyện trên của bị cáo. Đối với khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần, giữa bị cáo với người bị hại không thống nhất được với nhau nên được điều chỉnh lại như sau:
- Tỷ lệ tổn thương cơ thể của T do thương tích gây nên theo kết luận giám định pháp y về thương tích là 38% và mức lương cơ sở do Nhà nước quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm là 1.300.000đ nên khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần của T được chấp nhận là 17.290.000đ. Do đó, khoản tiền chênh lệch bù đắp tổn thất về tinh thần của T không được chấp nhận là 8.710.000đ.
- Tỷ lệ tổn thương cơ thể của S do thương tích gây nên theo kết luận giám định pháp y về thương tích là 59% và mức lương cơ sở do Nhà nước quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm là 1.300.000đ nên khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần của S được chấp nhận là 26.845.000đ. Do đó, khoản tiền chênh lệch bù đắp tổn thất về tinh thần của S không được chấp nhận là 26.155.000đ.
Như vậy, tổng các khoản bị cáo phải bồi thường cho T là 39.318.466đ (ba mươi chín triệu ba trăm mười tám nghìn bốn trăm sáu mươi sáu đồng) và bồi thường cho S là 31.263.120đ (ba mươi mốt triệu hai trăm sáu mươi ba nghìn một trăm hai mươi đồng). Đối với chi phí tái khám, điều trị thương tích phát sinh từ sau ngày 03/10/2017 đối với S và từ sau ngày 23/10/2017 đối với T mà tại phiên toà, S cùng T đặt ra nếu có chứng cứ chứng minh thì S và T có quyền khởi kiện yêu cầu bị cáo tiếp tục bồi thường chi phí điều trị phát sinh ở vụ kiện dân sự khác.
Đối với xe mô tô Wave RSX biển số 69C1-319.58 của bị cáo, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Cà Mau đã xử lý trong quá trình điều tra nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét.
Về án phí, bị cáo phải nộp án phí hình sự và án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch. Đối với khoản tiền chênh lệch bù đắp tổn thất về tinh thần của S và T không được chấp nhận thuộc trường hợp được miễn nộp án phí theo quy định tại Điều 12 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án nên S, T không phải nộp án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố bị cáo Lý Minh H phạm tội "Cố ý gây thương tích". Áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự.
Xử phạt bị cáo Lý Minh H 05 (năm) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 19/8/2017.
2. Áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự; Điều 76 của Bộ luật Tố tụng Hình sự và các Điều 584, 590 Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Tịch thu tiêu hủy vật chứng gồm: 01 cây dao bằng kim loại màu đen, tay cầm bằng kim loại liền với lưỡi dao (cán dao liền với lưỡi dao), dao có chiều dài 33cm, lưỡi dao sắc bén có chiều dài 23cm, mũi dao bầu nhọn, cán dao tròn có đường kính 03cm và dài 10cm; hai võ chai bia hiệu “Sài Gòn” đã qua sử dụng bị vỡ và nhiều mãnh sứ bị vỡ.
- Buộc bị cáo Lý Minh H bồi thường cho Phan Chánh T các khoản với số tiền là 39.318.466đ (ba mươi chín triệu ba trăm mười tám nghìn bốn trăm sáu mươi sáu đồng) và bồi thường cho Hồ Trọng S các khoản với số tiền là 31.263.120đ (ba mươi mốt triệu hai trăm sáu mươi ba nghìn một trăm hai mươi đồng).
Kể từ ngày Hồ Trọng S, Phan Chánh T có đơn yêu cầu thi hành án, bị cáo không tự nguyện thi hành xong thì còn phải trả thêm khoản lãi phát sinh theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành.
3. Áp dụng Điều 23 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
- Về án phí hình sự sơ thẩm, bị cáo phải nộp số tiền là 200.000đ.
- Về án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch, bị cáo phải nộp số tiền là 3.529.000đ.
Tổng hai khoản án phí, bị cáo phải nộp với số tiền là 3.729.000đ (ba triệu bảy trăm hai mươi chín nghìn đồng – chưa nộp).
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bị cáo và người bị hại có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.
Bản án 235/2017/HSST ngày 28/12/2017 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 235/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Cà Mau - Cà Mau |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 28/12/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về