Bản án 23/2023/DS-PT về tranh chấp hợp đồng vay tài sản 

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

BẢN ÁN 23/2023/DS-PT NGÀY 20/04/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Ngày 20 tháng 4 năm 2023, tại Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 65/2022/TLPT-DS ngày 06 tháng 12 năm 2022 về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”.Do bản án dân sự sơ thẩm số 33/2022/DS-ST ngày 18/10/2022 của Toà án nhân dân huyện P, tỉnh Ninh Thuận bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 25/2023/QĐ-PT ngày 29 tháng 3 năm 2023 và Quyết định hoãn phiên tòa số 19/2023/QĐ-PT ngày 13 tháng 4 năm 2023 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Đồng Thị Hằng C, sinh năm: 1971; Địa chỉ: Thôn I, xã T, huyện P, tỉnh Ninh Thuận.

Đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông NĐD, sinh năm: 1988 (theo Văn bản ủy quyền ngày 09/02/2023).

Địa chỉ: Thôn Q 3, xã M, huyện N, tỉnh Ninh Thuận.

2. Bị đơn: Bà Dương Thị Ái L, sinh năm: 1971. Địa chỉ: Thôn B, xã T, huyện P, tỉnh Ninh Thuận.

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Ông NLQ, sinh năm: 1970.

Địa chỉ: Thôn I, xã T, huyện P, tỉnh Ninh Thuận

4. Người kháng cáo: Bà Dương Thị Ái L là bị đơn trong vụ án.

(Tất cả các đương sự có mặt tại phiên tòa, riêng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông NLQ vắng mặt tại)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện ngày 15/12/2020, biên bản lấy lời khai và tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, nguyên đơn bà Đồng Thị Hằng C trình bày:

Bà và bà Dương Thị Ái L là bạn học, bà cho bà L vay tiền từ năm 2015 đến năm 2016, tổng cộng là 7 lần, lãi suất của tất cả các lần vay là 6%/tháng. Các lần vay cụ thể như sau:

Lần 1: Ngày 20/5/2015, bà cho bà L vay 80.000.000đ, hai bên có viết giấy tờ về việc vay nợ, bà là người trực tiếp viết giấy vay tiền, sau khi viết xong thì bà L có đọc lại và ký vào giấy tờ vay. Ngày 20/6/2016, bà L đã trả số tiền trả lãi là 4.800.000đ.

Lần 2: Ngày 20/6/2015, bà L vay của bà 20.000.000đ, việc vay 20.000.000đ này hai bên không làm giấy tờ riêng biệt mà thống nhất gom tổng số tiền vay lần 1 và số tiền vay lần 2 này thành 01 lần là 100.000.000đ và ghi vào sổ theo dõi nợ của bà, bà là người trực tiếp viết số tiền nợ và bà L có ký xác nhận số nợ vay này. Bà L đã trả cho bà số tiền lãi là 6 tháng, mỗi tháng 6.000.000đ tổng là 36.000.000đ.

Lần 3: Ngày 26/6/2015, bà L vay 100.000.000đ. Khi cho vay, hai bên cũng không làm giấy tờ riêng biệt mà chỉ ghi vào sổ theo dõi, bà L ký xác nhận phía dưới số 100.000.000đ trong sổ, bà là người trực tiếp viết số nợ vào sổ và bà L có đọc lại số nợ này. Số tiền này bà L đã trả được 6 tháng tiền lãi tức đến ngày 26/12/2015. Tổng số tiền lãi bà L đã trả là 36.000.000đ.

Lần 4: Ngày 26/8/2015, bà L có vay của bà 250.000.000đ, do số tiền lần này lớn nên bà L có đề nghị bà là để bà L trực tiếp viết giấy vay tiền cho bà và bà L có cam kết nếu không trả được tiền thì bà sẽ được lấy ruộng của bà L để trừ nợ. Đối với số tiền này bà L có nói với bà là bà L vay 15 ngày là bà L sẽ trả nên ngày 08/9/2015 bà L mang trả cho bà số tiền là 250.000.000đ gốc và lãi là 12.000.000đ, như vậy đối với số tiền 250.000.000đ này bà L đã trả lãi và gốc cho bà hết rồi.

Lần 5: Ngày 12/11/2015, bà L vay của bà 245.000.000đ, hai bên có thống nhất bà L sẽ tự viết số tiền vay 245.000.000đ vào mặt sau của tờ giấy vay 250.000.000đ của lần 4, lần này bà L tự viết và tự ký tên. Đối với số tiền vay này, bà L chưa trả lãi được tháng nào, lý do là vì em bà L chuẩn bị đi Mỹ nên cho bà L hoãn trả lãi 1-2 tháng và bà đồng ý với đề nghị này của bà L.

Lần 6: Ngày 10/01/2016, bà L vay của bà 189.000.000đ, riêng lần vay này thì bà không tính lãi mà hai bên thỏa thuận 189.000.000đ này tương đương với 70 tấn lúa và thỏa thuận cụ thể cứ 4 tháng thì bà L sẽ trả cho bà là 07 tấn lúa giá là 2.700.000đ/kg cho đến khi trừ hết số nợ 189.000.000đ. Việc vay 189.000.000đ này bà L có viết giay vay tiền cho bà nhưng bà L không ký. Trên thực tế, bà L đã không trả lúa cho bà, lúc này bà L không chịu gặp bà, bà có gặp mẹ bà L (là bà A1, không biết rõ họ tên) để nói chuyện và mẹ bà L đồng ý trả nợ thay cho bà L. Mẹ bà L đã thay bà L trả 08 tấn lúa cho bà tương đương với số tiền là 21.600.000đ, khi bà A1 trả lúa cho bà thì có bà A1 và cháu bà A1 tên X biết việc bà A1 trả lúa cho bà thay cho bà L.

Lần 7: Sau khi nhận lúa của mẹ bà L xong thì bà L có điện thoại năn nỉ bà cho bà L mượn tiền để bà L lo cho em đi Mỹ, bà lúc này không có tiền nên bà có giới thiệu bà L đến nhà bà A2 bán phân thuốc mà bà quen để bà L vay tiền, tuy nhiên bà A2 không đồng ý cho bà L vay mà bà A2 chỉ cho bà vay, còn bà muốn cho ai vay thì vay. Sau đó, ngày 03/2/2016, bà có chở bà L đến nhà bà A2 và bà A2 cho bà vay 330.000.000đ, do khi đó trong túi bà còn 3.000.000đ nên bà góp vào số tiền 330.000.000đ để đưa cho L, như vậy lần thứ 7 này bà giao 333.000.000đ cho L ngay tại nhà bà A2. Số tiền 333.000.000đ bà yêu cầu L viết giấy tờ cho bà và bà yêu cầu viết theo thỏa thuận trả nợ từng đợt đó là viết là 250.000.000đ, 100.000.000đ, 100.000.000đ. L là người trực tiếp viết vào giấy nhưng không ký.

Tổng số tiền bà L vay của bà là 967.000.000đ, tổng số tiền lãi bà L đã trả cho bà là 130.000.000đ và 08 tấn lúa trị giá 21.600.000đ.

Tất cả các lần bà cho bà L vay và bà L trả lãi cho bà đều không có người làm chứng, các lần bà L trả lãi cho bà đều không làm bất cứ giấy tờ gì về việc trả lãi.

Bà khởi kiện bà L yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau:

Yêu cầu bà L phải trả cho bà số tiền nợ gốc là 967.000.000đ.

Yêu cầu bà L phải trả lãi cho bà theo lãi suất ngân hàng từ khi bà L vay cho đến ngày 30/6/2022 đối với số tiền nợ gốc là 778.000.000đ (967.000.000đ - 189.000.000đ không yêu cầu tính lãi = 778.000.0000đ) Đối với số tiền lãi bà L đã trả cho bà, bà không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm - phúc thẩm, bị đơn bà L trình bày:

Bà với bà C là bạn bè, bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà C. Bà xác định bà có vay tiền của bà C, tuy nhiên số tiền bà vay bà C không phải là 967.000.000đ mà là 245.000.000đ. Cụ thể các lần bà vay bà C như sau:

Lần 1: Ngày 26/6/2015, bà vay của bà C là 100.000.000đ, vay có làm giấy tờ bằng cách bà C viết vào trong sổ ghi nợ và bà ký vào sổ này, lãi suất là 6%/tháng, đã trả được 4 tháng 15 ngày là 27.000.000đ, việc trả lãi giữa bà và bà C không có người làm chứng nhưng bà C có ghi vào trong sổ theo dõi của bà C, tuy nhiên bà không ký vào mục trả lãi này.

Lần 2: Ngày 26/8/2016, bà vay của bà C 250.000.000đ, lần vay này bà và bà C có làm giấy tờ vay, bà là người trực tiếp viết giấy vay và bà có ký tên vào giấy tờ vay này, lãi suất là 6%/tháng. Ngày 8/9/2015, bà đã trả cả gốc và lãi của khoản vay này cho bà C. Khi trả cho bà C khoản tiền này thì bà có ghi vào mặt sau của tờ giấy vay tiền là “đã trả đủ 250 triệu”, còn tiền lãi là 12.000.000đ thì bà C ghi trong sổ của bà C.

Lần 3: Ngày 12/11/2015, bà vay của bà C 145.000.000đ, lãi suất là 6%/tháng, lần vay này bà và C thống nhất gộp lần vay 1 và lần vay 3 vào làm một và bà là người trực tiếp ghi dòng chữ “L lấy C 250.000.000đ”, đối với số tiền này bà đã trả được 24 tháng tiền lãi cho bà C (tức đến ngày 12/11/2017) tổng tiền lãi là 352.800.000đ, việc trả lãi này không làm giấy tờ riêng mà chỉ ghi vào sổ theo dõi của bà C. Đến tháng 12/2017, do khó khăn về việc trả nợ nên bà và bà C có thỏa thuận giảm tiền lãi cho bà, mỗi tháng bà phải trả cho bà C là 3.000.000đ/tháng/tổng số tiền vay 245.000.000đ và với số tiền lãi mới này bà đã trả cho bà C được 26 tháng (tức từ ngày 12/11/2017 đến ngày 12/3/2020), tổng số tiền lãi bà đã trả cho bà C là 78.000.000đ. Đối với số tiền lãi bà đã thanh toán cho bà C vượt quá lãi suất quy định, bà đề nghị giải quyết khấu trừ vào số tiền gốc bà đã nợ của bà C. Ngoài 03 lần vay tiền của bà C ra, bà không vay tiền bà C thêm lần nào nữa.

Đối với số tiền vay lần 02, bà và bà C đã thanh toán xong cả gốc và lãi nên bà không yêu cầu Tòa án giải quyết phần lãi của số tiền vay lần 02 này.

Bà không yêu cầu Tòa án tổ chức phiên đối chất giữa bà và bà C, bà đề nghị Tòa án căn cứ vào lời khai và các chứng cứ của hai bên để giải quyết. Đối với số tiền lãi bà đã trả cho bà C vượt quy định của pháp luật thì bà yêu cầu khấu trừ vào số tiền gốc.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 13/12/2022, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông NLQ trình bày:

Bà Đồng Thị Hằng C là vợ ông, việc bà C cho bà L vay mượn như thế nào thì ông không biết, số tiền bà C cho bà L vay là tiền riêng của bà C.

Tại bản án sơ thẩm số 33/2022/DS-ST ngày 18/10/2022 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Ninh Thuận quyết định:

Áp dụng: Khoản 3 Điều 26, điểm a, khoản 1 Điều 35, điểm a, khoản 1 Điều 39, Điều 92, Điều 47, khoản 1, khoản 2 Điều 228, Điều 271, Điều 273, Điều 483 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Điều 471, Điều 474, Điều 476, Điều 477 Bộ luật dân sự 2005; Nghị quyết 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án; điểm c Điều 2, Điều 9 Nghị quyết 01/2019/NQ- HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao; Quyết định 2868/QĐ-NHNN ngày 29/10/2010 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Tuyên xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Đồng Thị Hằng C.

Buộc bà Dương Thị Ái L phải trả cho bà Đồng Thị Hằng C số tiền nợ gốc của các lần là: 53.513.250đ + 70.750.000đ + 221.112.500đ + 189.000.000đ + 333.000.000đ = 867.375.750 đồng và tiền lãi của các lần là: 46.957.876đ + 62.083.125đ + 191.538.703đ + 284.715.000đ = 585.294.700 đồng. Tổng cộng bà Dương Thị Ái L phải trả cho bà Đồng Thị Hằng C tiền nợ gốc 867.375.750đ + 585.294.700đ lãi, tổng là: 1.452.670.450 đồng.

Không chấp nhận yêu cầu của bà C trả số tiền gốc vượt theo cách tính của Hội đồng xét xử với số tiền là: 99.624.250 đồng (cách tính: tiền gốc bà C yêu cầu bà L trả 967.000.000đ - 867.375.750đ tiền gốc được Tòa án chấp nhận).

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí, lãi suất chậm thi hành án, quyền, nghĩa vụ của các bên thi hành án và quyền kháng cáo của đương sự.

Ngày 28/10/2022, bị đơn bà Dương Thị Ái L kháng cáo bản án sơ thẩm số 33/2022/DS-ST ngày 18/10/2022 của Toà án nhân dân huyện P. Nội dung kháng cáo: Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 33/2022/DS-ST ngày 18/10/2022 của Toà án nhân dân huyện P.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận phát biểu ý kiến:

Về thủ tục tố tụng: Hội đồng xét xử, Thư ký và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự từ khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý vụ án cho đến thời điểm xét xử tại phiên tòa hôm nay.

Về nội dung: Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bà Dương Thị Ái L. Giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng: Tại phiên tòa, nguyên đơn bà Đồng Thị Hằng C không rút đơn khởi kiện. Bị đơn bà Dương Thị Ái L không rút kháng cáo nhưng thay đổi nội dung kháng cáo từ yêu cầu hủy bản án sơ thẩm sang yêu cầu sửa bản án sơ thẩm, cụ thể: Bà L không đồng ý trả cho bà C số tiền 1.452.670.450đ, mà chỉ đồng ý trả nợ gốc là 245.000.000đ và lãi suất của số nợ 245.000.000đ theo lãi suất ngân hàng từ tháng 4/2020 cho đến nay. Xét, đơn kháng cáo của bà L là hợp lệ và việc thay đổi nội dung kháng cáo không vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu nên được xem xét, giải quyết.

[2] Về quan hệ pháp luật: Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật cần giải quyết “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” là có căn cứ, đúng pháp luật.

[3] Xét yêu cầu kháng cáo của bà Dương Thị Ái L không đồng ý trả cho bà Đồng Thị Hằng C số tiền 1.452.670.450đ bao gồm nợ gốc và lãi, nhận thấy:

[3.1] Tại biên bản lấy lời khai ngày 20/12/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận, bà Dương Thị Ái L xác nhận: Vào năm 2015 - 2016, bà L có vay tiền của bà Đồng Thị Hằng C tổng cộng 03 lần, lãi suất vay mỗi lần là 6%/tháng với tổng số tiền vay là 495.000.000đ, trong đó số tiền vay lần 2 ngày 26/8/2016 là 250.000.000đ bà L đã trả đủ, chỉ còn nợ số tiền vay lần 1 là 100.000.000đ và số tiền vay lần 3 là 145.000.000đ, tổng: 245.000.000đ cùng với lãi của số tiền này là bà chưa trả cho bà C. Đối chiếu với lời khai của bà C, thấy rằng: các đương sự đều thống nhất về số tiền vay lần 2 là 250.000.000đ ngày 26/8/2016 đã trả đủ và không yêu cầu giải quyết số tiền này.

Bà L xác định số tiền vay 245.000.000đ chưa trả, riêng đối với số tiền vay các lần còn lại tổng là 722.000.000đ, bà L không thừa nhận có vay của bà C.

[3.2] Quá trình giải quyết tại cấp phúc thẩm và tại phiên tòa, bà L xác nhận chữ ký và chữ viết tại các giấy nhận nợ (BL 63, 64, 65) là của bà, tuy nhiên bà L cho rằng số tiền ghi trong các giấy nhận nợ này là số tiền bà L vay của các ông/bà A3, A4 và A5 chứ không phải vay của bà C như bà C đã trình bày, sở dĩ bà C có các giấy nhận nợ của các ông/bà A3, A4, A5 là vì bà C đã tự ý lấy cuốn sổ ghi nợ của bà và xé các trang giấy này ra để nộp cho Tòa án. Xét lời trình bày này của bà L, thấy rằng: Tại các biên bản lấy lời khai ngày 10 và ngày 17/02/2023, các ông/bà A3, A4 thừa nhận có cho bà L vay tiền và lời khai của những người này về số tiền vay, thời điểm vay phù hợp với lời khai của bà L. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử xét thấy: Mặc dù, lời khai của các ông/bà A3, A4 trùng khớp với lời khai của bà L, nhưng các ông/bà này cũng xác nhận việc vay nợ giữa các bên không lập giấy tờ và cũng không biết bà L có ghi chép các khoản nợ của các ông/bà vào cuốn sổ nào hay không, ngoài lời khai của ông A4, bà A3 ra, bà L không còn chứng cứ nào khác để chứng minh rằng số tiền 967.000.000đ không phải là tiền bà L nợ bà C, cũng như bà C đã lấy trộm sổ ghi chép nợ của bà và tự ý xé các giấy nhận nợ giữa bà và ông A4, bà A3 để làm chứng cứ vay nợ giữa bà và bà C. Do đó, lời khai của các ông/bà A4, A3 chưa đủ căn cứ để xác định số tiền vay được ghi tại các giấy nhận nợ (BL 63, 64, 65) là vay của ông A4, bà A3 chứ không phải vay của bà C. Riêng bà A5 có lời khai xác định bà không vay bà L tiền, cũng như bà L không vay tiền của bà (BL 34), như vậy lời của bà L về việc bà có vay tiền của bà A5 là không có cơ sở để chấp nhận.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà L và bà C đều xác nhận từ sau năm 2016, giữa hai bà đều không phát sinh khoản vay nào nữa và từ năm 2015 đến nay bà L chưa trả cho bà C bất cứ khoản nợ gốc nào, như vậy, căn cứ vào giấy nhận nợ lập ngày 17/9/2019 - bản photo (BL 147) do chính bà L viết và xuất trình cho Tòa án tại giai đoạn phúc thẩm thì số tiền mà bà L còn nợ bà C tính đến ngày 17/9/2019 là 986.000.000đ. Do đó, lời trình bày của bà L về việc bà chỉ nợ bà C số tiền 245.000.000đ là không có cơ sở để chấp nhận.

Như vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định bà L còn gốc bà C số tiền 967.000.000đ và số tiền lãi bà L đã trả cho bà C là 130.000.000đ là có căn cứ.

[3.3] Đối với yêu cầu tính lãi suất của nguyên đơn nhận thấy: Bà C và bà L đều thừa nhận lãi suất hai bên thỏa thuận là 6%/tháng đối với tất cả số tiền vay, như vậy lãi suất mà bà C cho bà L vay đã vượt quá các quy định của pháp luật nên số tiền lãi của bà L phải được tính lại cho phù hợp về lãi suất.

Đối với số tiền lãi bà C khai bà L trả cho bà được 130.000.000đ tiền lãi còn phía bà L thì cho rằng bà L đã trả được cho bà C tổng số tiền lãi là 457.000.000đ. Xét thấy, việc bà L cho rằng đã trả được cho bà C 457.000.000đ tiền lãi nhưng không xuất trình được chứng cứ chứng minh nên Hội đồng xét xử không chấp nhận ý kiến này của bà L.

Theo Quyết định số 2868/QĐ của Ngân hàng nhà nước ngày 29/10/2010 thì mức lãi suất cơ bản do ngân hàng công bố là 9%/năm.

Bà C cho bà L vay tiền bắt đầu từ tháng 5/2015 và lần vay cuối cùng là tháng 2/2016, giao dịch vay tiền giữa hai bên vẫn đang được thực hiện nhưng các bên thỏa thuận lãi của các khoản vay là 6%/tháng tương ứng với 72%/năm là không phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự 2015 nên việc giải quyết vụ án được áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự 2005 để giải quyết vụ án.

Xét các hợp đồng vay tài sản đều thỏa thuận lãi suất 06%/tháng tương ứng với 72%/năm là vi phạm quy định tại Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005 cụ thể: Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005 quy định mức lãi suất các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm vay, tức là không vượt quá 150% x 09%/năm = 13,5%/năm. Do đó, số tiền lãi đã trả vượt quá quy định sẽ được tính lại và khấu từ vào tiền nợ gốc vào thời điểm trả lại. Cụ thể được tính lại như sau:

- Lần 1: Ngày 20/5/2015 số tiền vay 80.000.000 đồng, lãi suất 6%/tháng đã trả lãi được 01 tháng là 4.800.000đ.

Số tiền lãi theo quy định của pháp luật là (80.000.000đ x 1.125%/tháng = 900.000đ. Số tiền lãi trả vượt quá là: 4.800.000.000đ - 900.000đ = 3.900.000đ. Số tiền này được khấu trừ vào tiền gốc tại thời điểm trả lãi. Như vậy, số tiền nợ gốc lần 1 sau khi được khấu trừ phần lãi vượt quá còn lại là: 80.000.000đ - 3.900.000đ = 76.100.000đ.

- Lần 2: Ngày 20/6/2015 số tiền vay 20.000.000đ + số tiền vay lần 1 sau khi khấu trừ lãi là 76.100.000đ = 96.100.000đ, lãi suất 6%/tháng, đã trả lại được 06 tháng là 36.000.000đ (tính từ ngày 20/6/2015 cho đến 20/12/2015).

Số tiền lãi theo quy định của pháp luật là: 96.100.000đ x 1.125%/tháng x 6 tháng = 6.468.750đ. Số tiền trả lãi vượt quy định của pháp luật là 36.000.000đ - 6.460.750đ = 29.513.250đ. Số tiền nợ gốc sau khi khấu trừ tiền lãi vượt quá còn lại là: 96.100.000đ - 29.513.250 đồng = 66.586.750đ (1). Cấp sơ thẩm thực hiện đúng nhưng sai sót khi tính toán dẫn tới phép tính là 53.513.250đ là chưa phù hợp, cần phải sửa lại cho chính xác.

- Lần 3: Ngày 26/6/2015 số tiền vay 100.000.000đ, lãi suất 6%/tháng đã trả lãi được 6 tháng là 36.000.000đ.

Số tiền lãi theo quy định của pháp luật là: 100.000.000đ x 1.125%/tháng x 6 tháng = 6.750.000đ. Số tiền trả lãi vượt quy định của pháp luật là 36.000.000đ - 6.750.000đ = 29.250.000đ. Số tiền nợ gốc sau khi khấu trừ tiền lãi vượt quá còn lại là: 100.000.000đ - 29.250.000đ = 70.750.000đ (2), phù hợp với cách tính của cấp sơ thẩm.

- Lần 4: Ngày 08/9/2015 bà L trả cho bà C số tiền 250.000.000đ gồm nợ gốc và lãi. Các bên đã thực hiện xong nghĩa vụ của hợp đồng, tính đến ngày khởi kiện thời hiệu khởi kiện đã hết nên Tòa án không xem xét lại khoản vay này.

- Lần 5: Ngày 12/11/2015 số tiền vay 245.000.000đ, lãi suất 6%/tháng đã trả lãi được 2 tháng là 29.400.000đ.

Số tiền lãi theo quy định của pháp luật là: 245.000.000đ x 1.125%/tháng x 2 tháng = 5.512.500đ. Số tiền trả lãi vượt quy định của pháp luật là 29.400.000đ - 5.512.500đ= 23.887.500đ. Số tiền nợ gốc sau khi khấu trừ tiền lãi vượt quá còn lại là: 245.000.000đ - 23.887.500đ = 221.112.500đ (3), phù hợp với cách tính của cấp sơ thẩm.

- Lần 6: Ngày 10/01/2016 số tiền vay 189.000.000 đồng để bán 70 tấn lúa, bà C khai mẹ bà L đong lúa cho bà C 3 lần được 08 tấn. Nay bà C yêu cầu bà L trả 189.000.000 đồng nợ gốc, không yêu cầu tính lãi. Xét việc có đủ căn cứ xác định bà C có giao cho bà L 189.000.000đ (4), nhưng bà L không chứng minh được đã trả cho bà C nên cấp sơ thẩm buộc trả lại số tiền này là đúng. Đối với việc bà C khai mẹ bà L có giao cho bà C 08 tấn lúa thì nếu giữa mẹ bà L và bà C có tranh chấp thì giải quyết bằng vụ kiện khác.

- Lần 7: Ngày 03/02/2016 số tiền vay 333.000.000đ (5) bà L chưa trả lãi cho bà C lần nào.

Như vậy, tổng số tiền gốc của bà C sau khi được trừ phần lãi trả vượt quá quy định của pháp luật, số tiền nợ gốc bà L còn nợ là: (1) + (2) + (3) + (4) + (5) = 66.586.750đ + 70.750.000đ + 221.112.500đ + 189.000.000đ + 333.000.000đ = 880.449.250đ làm tròn thành 880.449.000đ.

[3.4] Xét yêu cầu tính lãi đối với các khoản tiền còn nợ đến ngày 30/6/2022 theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước được tính như sau:

Bà C chỉ yêu cầu lãi tính theo tháng từ khi không trả lãi cho đến hết tháng 6 năm 2022, nếu có dư ngày lẻ thì bà không yêu cầu số ngày lẻ. Đây là sự tự nguyện của bà C, có lợi cho bị đơn nên được chấp nhận. Xét hợp đồng vay đều thỏa thuận lãi suất thỏa thuận là 06%/tháng không phù hợp với quy định tại Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005, do đó việc bà C yêu cầu tính lãi chỉ được áp dụng mức 150% lãi suất của Ngân hàng Nhà nước để tính lãi, cụ thể:

- Đối với số tiền nợ gốc 66.586.750 đ (khoản tiền gốc của lần 1 và lần 2 sau khi khấu trừ), đã trả lãi được đến ngày 20/12/2015. Từ ngày 20/12/2015 đến ngày 30/6/2022 là 6 năm 06 tháng 10 ngày, bà C chỉ yêu cầu 06 năm 06 tháng. Số tiền lãi chậm trả được tính như sau: 66.586.750đ x 9%/năm x 06 năm 06 tháng x 150% = 58.430.000đ (đã làm tròn số).

- Đối với số tiền nợ gốc lần 3: 70.750.000đ (vay ngày 26/6/2015) từ ngày 26/12/2015 chưa trả lãi. Tính đến ngày 30/6/2022 là 06 năm 06 tháng 4 ngày, bà C chỉ yêu cầu 06 năm 06 tháng. Cách tính: 70.750.000đ x 9%/năm x 6 năm 06 tháng x 150% = 62.083.000đ (Đã làm tròn số).

- Đối với số tiền nợ gốc lần 5 vay ngày 12/11/2015, sau khi được khấu từ lãi vượt quá, số tiền gốc còn lại là 221.112.500đ, số tiền này từ ngày 12/01/2016 đến ngày 30/6/2022 là 06 năm 05 tháng 18 ngày, bà C chỉ yêu cầu 06 năm 05 tháng. Cách tính: 221.112.500đ x 9%/năm x 06 năm 05 tháng x 150% = 191.538.700đ (đã làm tròn số).

- Đối với số tiền nợ gốc ngày 10/01/2016 là 189.000.000đ, tính đến ngày 30/6/2022 là 06 năm 05 tháng 20 ngày. Bà C không yêu cầu tính lãi nên cấp sơ thẩm không xem xét là phù hợp.

Đối với số tiền nợ gốc 333.000.000đ ngày 03/02/2016, tính đến ngày 30/6/2022 là 06 năm 04 tháng 27 ngày, bà C chỉ yêu cầu 06 năm 04 tháng. Cách tính: 333.000.000đ x 9%/năm x 06 năm 04 tháng x 150% = 248.715.000đ.

Tổng cộng lãi sất phải trả cho các lần vay tính đến ngày 30/6/2022 theo yêu cầu của bà C là: 58.430.000đ + 62.083.000đ + 191.538.700đ + 248.715.000đ = 560.766.700đ, tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm bà C chỉ yêu cầu bà L phải trả cho bà 400.000.000đ tiền lãi. Xét thấy, việc bà C yêu cầu bà L trả 400.000.000đ lãi trên tổng số tiền vay là có lợi cho bà L nên Hội đồng xét xử chấp nhận sự tự nguyện này của bà C.

[4] Từ những phân tích, đánh giá chứng cứ nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận toàn bộ nội dung kháng cáo của bà L, không chấp nhận ý kiến của đại diện Viện kiểm sát. Sửa án sơ thẩm theo hướng buộc bà Dương Thị Ái L phải trả cho bà Đồng Thị Hằng Châu số tiền nợ gốc là 880.449.000đ 400.000.000đ tiền lãi. Tổng cộng: 1.280.449.000đ.

[5] Về án phí: Do sửa bản án sơ thẩm nên bà L không phải chịu 300.000đ án phí dân sự phúc thẩm.

Án phí sơ thẩm được xác định lại như sau:

Bà C phải chịu 4.327.500đ án phí dân sự sơ thẩm đối với phần nợ gốc 86.551.000đ không được chấp nhận. Cách tính: (967.000.000đ - 880.449.000đ) x 5% = 4.327.500đ (làm tròn số) Bà L phải chịu 50.413.000đ án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền phải trả cho bà C là 1.280.449.000đ. Cách tính: [36.000.000đ + (480.449.000đ x 3%)] = 50.413.000đ (làm tròn số).

Quá trình giải quyết vụ án, bà L có đơn xin giảm án phí do điều kiện khó khăn có xác nhận của UBND xã T, tuy nhiên xét thấy bà L không thuộc trường hợp được giảm án phí theo quy định tại Điều 13 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội nên Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu giảm án phí của bà L.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự. Bác toàn bộ kháng cáo của bà Dương Thị Ái L.

Sửa Bản án dân sự sơ thẩm 33/2022/DS-ST ngày 18 tháng 10 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện P, tỉnh Ninh Thuận.

Áp dụng các điều 471, 474, 476, 477 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 2 và Điều 9 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao; Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/10/2010 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam; Các điều 13, 26, 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Đồng Thị Hằng C đối với bà Dương Thị Ái L về việc yêu cầu bà Dương Thị Ái L phải trả cho bà số tiền vay 967.000.000đ và tiền lãi theo lãi suất cơ bản của nhà nước trên số tiền vay.

2. Buộc bà Dương Thị Ái L phải trả cho bà Đồng Thị Hằng C số tiền 1.280.449.000đ.

3. Về chi phí giám định: Bà Dương Thị Ái L phải chịu 4.200.000đ chi phí giám định. Buộc bà L phải hoàn trả cho bà Đồng Thị Hằng C số tiền 4.200.000đ chi phí giám định mà bà C đã nộp tạm ứng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành n (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành n) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

4. Về án phí:

Bà Đổng Thị Hằng C phải chịu 4.327.500đ án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu không được chấp nhận nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 24.225.000đ theo Biên lai thu tiền số 0025408 ngày 22/12/2020 và 15.500.000 đồng theo Biên lai thu tiền số 0025552 ngày 12/4/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện P. Hoàn trả cho bà Đồng Thị Hằng C số tiền 35.397.500đ.

Bà Dương Thị Ái L phải chịu 50.413.000đ án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của bà Đồng Thị Hằng C được chấp nhận.

Bà Dương Thị Ái L không phải chịu 300.000đ án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả cho bà L 300.000đ tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0002767 ngày 28/10/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện P. Bà L đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.

Người được thi hành n và người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành n theo quy định tại c c điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành n được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Án xử phúc thẩm công khai, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 20/4/2023). 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

492
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 23/2023/DS-PT về tranh chấp hợp đồng vay tài sản 

Số hiệu:23/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Ninh Thuận
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 20/04/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;