Bản án 23/2021/HS-PT ngày 28/01/2021 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 23/2021/HS-PT NGÀY 28/01/2021 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 28 tháng 01 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 365/2020/TLPT-HS ngày 07/12/2020 đối với bị cáo Phạm Văn C và các bị cáo khác về tội “Cố ý gây thương tích”. Do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 27/2020/HS-ST ngày 30/09/2020 của Tòa án nhân dân huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk.

- Bị cáo có kháng cáo:

1. Họ và tên: Phạm Văn C, sinh năm 1983, tại tỉnh Hải Dương; nơi cư trú: Thôn 10, xã E, huyện M, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: Lớp 10/12; con ông Phạm Văn K và bà Hà Thị V; có vợ Tô Thị H và có 01 con sinh năm 2007; tiền án, tiền sự: Không.

2. Họ và tên: Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1992, tại tỉnh Lạng Sơn; nơi cư trú: Thôn 7, xã E, huyện M, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: Lớp 9/12; dân tộc: Tày; con ông Nguyễn Văn B và bà Nông Thị N; có vợ Nông Thị T và có 03 con, con lớn nhất sinh năm 2013, con nhỏ nhất sinh năm 2018; tiền án, tiền sự: Không;

Nhân thân: Tại Bản án số 296/2009/HSPT ngày 24/9/2009 bị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xử phạt 06 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”.

3. Họ và tên: Phạm Bá H, sinh năm 1987, tại tỉnh Thanh Hóa; nơi cư trú: Thôn 3, xã E, huyện M, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: Lớp 12/12; dân tộc: Tày; con ông Phạm Bá N và bà Lương Thị P; có vợ là Vi Thị M và có 02 con, con lớn sinh năm 2013, con nhỏ sinh năm 2018; tiền án, tiền sự: Không.

Các bị cáo hiện đang được tại ngoại – Đều có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Đ: Ông Nguyễn Hữu H- Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đắk Lắk; địa chỉ: Số 39L, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk – vắng mặt (Có đơn xin xét xử vắng mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo Phạm Bá H: Ông Ngô Đình K - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đắk Lắk; địa chỉ: Số 39L, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk - vắng mặt (Có đơn xin xét xử vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 18 giờ 30 phút, ngày 10/12/2019, Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Văn V và Thẩm Văn H đi đến quán nhậu C (do anh Nguyễn Duy Q làm chủ) ở thôn 2, xã E, huyện M để ăn uống và xem bóng đá. Khi đến quán, Đ gọi điện thoại rủ thêm Phạm Bá H và Phạm Văn C. Một lúc sau H đến trước, C và Phạm Văn H1 (anh trai của C) đến sau, cả nhóm ngồi cùng một bàn.

Trong lúc cả nhóm ngồi uống rượu và xem bóng đá, khoảng 21 giờ 10 phút cùng ngày, ông Ngô Văn T đi từ nhà anh Ngô Văn H2 (cháu của ông T) ở đối diện quán nhậu đi qua. Do có quen biết nên H1 và C đã mời ông T đến ngồi nhậu cùng, ông T đồng ý. Ngồi được khoảng 05 phút thì giữa H1 và ông T xảy ra mâu thuẫn, do mời rượu nhưng ông T từ chối không uống vì cho rằng rượu không hợp. Thấy vậy, C dùng tay tát vào mặt ông T 01 cái làm ông T ngã xuống đất, sau đó ông T bỏ về. Ông T về nhà nhưng do bực tức vì bị đánh vô cớ, nên khoảng 10 phút sau ông T cầm theo 01 con dao dấu sau lưng quay trở lại đứng trước cổng quán nhậu chửi C và H1.

Do bị ông T chửi và thách thức nên H1 đứng dậy lấy 01 chiếc ghế xếp ở cạnh bàn nhậu đi ra chỗ ông T, khi cách khoảng 01 mét, H1 dùng hai tay cầm ghế đánh từ trên xuống trúng vào đầu và mắc ghế vào cổ của ông T, ngay lập tức ông T vung dao chém một nhát trúng vào đầu của H1 làm H1 bị thương và ngồi xuống ôm đầu. Sau khi chém, dao cũng bị tuột khỏi tay của ông T. Thấy H1 bị chém, C chạy đến dùng tay, chân đấm, đá nhiều cái vào người ông T thì được anh Q chủ quán can ra. Phạm Bá H cũng lao đến dùng cùi chỏ tay phải đánh một cái vào mặt ông T, dùng tay trái đấm vào mặt và dùng chân phải đá vào hông của ông T làm ông T ôm đầu gục xuống.

Chưa dừng lại, Nguyễn Văn Đ tiếp tục lao vào dùng tay, chân đánh ông T làm ông T ngã ngửa ra đất. Thấy vậy, bà Phạm Thị H (là mẹ vợ của anh Q) chạy đến gỡ chiếc ghế ra khỏi cổ ông T. Anh Q sau khi can C ra thì tiếp tục quay lại can Đ và H. Trong lúc anh Q can Đ và H, thì C thấy 01 cái chày bằng kim loại nằm ở chỗ rửa chén bát gần đó nên đã chạy đến lấy chày đánh 01 cái trúng vào vùng miệng của ông T và đánh 2 – 3 cái vào vùng vai ông T thì chày rơi ra. C tiếp tục nhặt chày lên thì Ngô Văn H2 chạy đến can ngăn, nghĩ H2 đến đánh mình nên C dùng chày đánh 01 cái vào vùng tai phía bên trái của H2 làm H2 bị thương.

Nguyễn Văn Đ sau khi được anh Q can ra nhưng thấy C vẫn đánh ông T nên Đ tiếp tục chạy đến đấm 01 cái vào đầu và tát 01 cái vào mặt ông T. Anh Q và bà H tiếp tục vào can ngăn, sau khi anh Q lấy chày trên tay C thì những người này dừng lại không đánh nữa. Sau đó, H1 được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực, huyện E. Ông T được đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện M cấp cứu. Do vết thương phức tạp, ông T đã được chuyển đến Bệnh viện đa khoa vùng T, sau đó chuyển xuống Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Thành phố H để điều trị.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 297/TgT-TTPY, ngày 12/3/2020 của Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận: Ông Ngô Văn T bị tổn thương gây mù mắt trái; sẹo chéo vùng trán, trên chân tóc, kích thước 3cm x 0,3cm; gãy xương hàm dưới cằm phải, góc hàm trái; gãy mất răng 4.3. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 49%. Vật tác động là vật tày có cạnh tác động trực tiếp.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 648/TgT-TTPY, ngày 17/6/2020 của Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận: Anh Phạm Văn H1 bị vết thương để lại sẹo chéo vùng đỉnh trái, cách xoáy tóc 7cm, cách tai trái 7,5cm, bờ đều, phẳng gọn, kích thước 6cm x 0,2cm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 2%. Vật tác động là vật sắc, bén.

Tại Bản kết luận giám định vật gây thương tích số 748/TgT-TTPY và số 749/TgT-TTPY, cùng ngày 17/7/2020 của Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận: Cái chày bằng kim loại màu trắng bạc, hình trụ tròn dài 20cm, một đầu to đường kính 4,6cm, dài 7cm có khả năng gây ra tổn thương gây mù mắt trái, gãy xương hàm dưới và gãy răng 4.3 của ông Ngô Văn T. Cái ghế gỗ sơn màu tím– trắng, có thể xếp lại, chiều dài khi xếp lại là 83cm, chiều rộng khi xếp lại (chỗ rộng nhất) là 35cm, có dính vết máu ở phần tựa của ghế có khả năng gây ra vết thương để lại sẹo chéo vùng trán, trên chân tóc của ông Ngô Văn T.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 798/TgT-TTPY, ngày 29/7/2020 của Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận: Anh Ngô Văn H2 có các vết thương gồm: Vết thương để lại sẹo vùng T dương trái, sau vành tai trái, sẹo xơ lồi nhẹ, kích thước 2cm x 0,5cm; Vết thương để lại sẹo mặt sau trên vành tai trái, xơ, lồi nhẹ, không co rúm, kích thước 1,5cm x 0,5cm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 3%. Vật tác động là vật tày, cứng.

Vật chứng tạm giữ: 01 cái ghế gỗ xếp, chiều dài khi xếp lại là 83cm, chiều rộng khi xếp lại (chỗ rộng nhất) là 35cm; 01 cái chày bằng kim loại màu trắng bạc, hình trụ tròn dài 20cm, một đầu to đường kính 4,6cm, dài 7cm; 01 con dao bầu dài 41cm, phần cán bằng gỗ dài 12cm, đường kính 3,5cm, hai đầu cán có 02 khâu dao màu đen bằng kim loại, phần lưỡi dao bằng kim loại màu nâu đen dài 29cm, mũi dao tày, chỗ rộng nhất là 7cm, góc vuông giữa mũi dao và sống dao có lỗ tròn đường kính 0,9cm, mặt cắt lưỡi dao có vết mẻ khuyết kích thước 0,6cm x 0,15cm.

Về trách nhiệm dân sự: Các bị cáo đã tự nguyện bồi thường cho bị hại ông Ngô Văn T số tiền 77.000.000 đồng. Trong đó, Phạm Văn H15.000.000 đồng, Phạm Văn C 60.000.000 đồng, Phạm Bá H 8.000.000 đồng, Nguyễn Văn Đ 4.000.000 đồng. Ông T không yêu cầu bồi thường thêm, đồng thời viết đơn xin bãi nại cho các bị cáo.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 27/2020/HS-ST ngày 30/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện M’Đrắk đã quyết định:

Tuyên bố: Các bị cáo Phạm Văn C, Nguyễn Văn Đ, Phạm Bá H phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Phạm Văn C 07 (Bảy) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Đ 05 (Năm) năm 06 (Sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Phạm Bá H 05 (Năm) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo đối với các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

Lần lượt các ngày 09 và 12/10/2020, các bị cáo Nguyễn Văn Đ, Phạm Bá H, Phạm Văn C có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.

Tại phiên toà phúc thẩm, các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như nội dung bản cáo trạng, cũng như lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm.

Quá trình tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho rằng: Bản án sơ thẩm áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS để xét xử các bị cáo Phạm Văn C, Nguyễn Văn Đ và Phạm Bá H về tội “Cố ý gây thương tích” là hoàn toàn có căn cứ, đảm bảo đúng người, đúng tội. Tuy nhiên: Quá trình điều tra và tại bản án sơ thẩm đều xác định Phạm Văn C dùng chày bằng kim loại đánh vào vùng miệng và vai của ông T, không phải đánh vào vùng mắt nhưng cấp sơ thẩm đã trưng cầu giám định và kết luận “chiếc chày kim loại có khả năng gây ra tổn thương mù mắt trái, gãy xương hàm dưới và gãy răng 4.3 cho ông Ngô Văn T”. Ngoài ra, ông T còn bị các bị cáo Nguyễn Văn Đ, Phạm Bá H dùng tay đánh nhiều cái vào mặt nhưng cấp sơ thẩm lại không trưng cầu giám định việc dùng tay đánh thì có khả năng gây ra các thương tích mù mắt, gãy xương hàm, gãy răng cho bị hại hay không, để làm căn cứ khi quyết định hình phạt đối với các bị cáo.

Quá trình điều tra vụ án và tại phiên tòa bị cáo Đ khai, sau khi bị ông T đánh H1 có nói: “nó chém tao chảy máu rồi đập nó đi””. Nhưng cấp sơ thẩm chưa làm rõ có hay không việc Phạm Văn H1 sau khi bị ông T dùng dao chém có hô hào C, H và Đ xông vào đánh ông T để xác định H1 có đồng phạm với C, H và Đ hay không. Cấp sơ thẩm xác định H1 không phải là đồng phạm với các bị cáo C, H và Đ nhưng lại tính thương tích của bị hại là 49% bao gồm cả vết thương “sẹo chéo vùng trán, trên chân tóc, kích thước 3 x 0,3cm, tỷ lệ 2%” được xác định là do H1 dùng ghế đánh ông T gây ra. Như vậy, việc cấp sơ thẩm xác định thương tích làm căn cứ truy tố, xét xử đối với các bị cáo là không chính xác.

Với các tình tiết nêu trên chưa được cấp sơ thẩm điều tra, làm rõ và không thể bổ sung ở cấp phúc thẩm nên cần hủy Bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung. Do đó, đề nghị HĐXX căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355, điểm b khoản 1 Điều 358 BLTTHS: Hủy Bản án sơ thẩm để điều tra lại.

- Tại bản luận cứ bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Đ thể hiện: Toà án nhân dân huyện M’Đrắk xét xử bị cáo Nguyễn Văn Đ về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 134 BLHS là đúng người, đúng tội. Mức hình phạt 05 năm 06 tháng tù mà Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt đối với bị cáo là cao. Bởi lẽ. bị cáo sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, học vấn thấp nên nhận thức pháp luật có phần hạn chế, sau khi phạm tội bị cáo đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình, hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn nhưng cũng đã bồi thường thiệt hại cho bị hại. Vì vậy, đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và cho bị cáo được hưởng án treo.

- Tại bản luận cứ bào chữa cho bị cáo Phạm Bá H thể hiện: Bị cáo Phạm Bá H là người đã có thời gian phục vụ trong quân ngũ, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo cũng do một phần lỗi của bị hại, vết thương của bị hại không phải do bị cáo gây ra, bị cáo là người dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật có phần hạn chế, sau khi phạm tội bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn nhưng cũng đã bồi thường thiệt hại cho bị hại, bị cáo có nhân thân tốt. Vì vậy, đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt ở mức thấp nhất của khung hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.

Các bị cáo đồng ý với bản luận cứ của người bào chữa, không tranh luận gì thêm và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt, cho các bị cáo hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về thủ tục tố tụng: Tại phiên tòa, ông Nguyễn Hữu H là người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Đ và ông Ngô Đình K là người bào chữa cho bị cáo Phạm Bá H đều vắng mặt (có đơn xin xét xử vắng mặt), có gửi bản luận cứ bào chữa cho các bị cáo. Bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng đều vắng mặt. Tuy nhiên, các bị cáo không yêu cầu người bào chữa, không có ý kiến gì về việc vắng mặt của những người tham gia tố tụng khác; không đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên toà để triệu tập những người tham gia tố tụng khác, mà đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục xét xử vụ án. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xét xử vụ án. Hội đồng xét xử hội ý và quyết định tiếp tục xét xử vụ án theo quy định tại các Điều 291, 292 và Điều 293 của Bộ luật tố tụng hình sự.

[2] Lời khai nhận tội của các bị cáo tại phiên toà, cơ bản phù hợp với lời khai của các bị cáo, của bị hại và những người tham gia tố tụng khác tại Cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm và phù hợp với các chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ căn cứ pháp lý kết luận: Vào khoảng 21 giờ 25 phút ngày 10/12/2019, tại quán nhậu C, địa chỉ: Thôn 2, xã E, huyện M, xuất phát từ việc mâu thuẫn trong lúc nhậu, nên Phạm Văn C đã dùng tay tát vào mặt ông Ngô Văn T, ông T bị ngã và đi về nhà. Do bức xúc vì bị đánh nên ông T cầm 01 con dao quay lại quán chửi C, H1 và những người cùng nhậu, thì bị H1 dùng ghế xếp bằng gỗ đánh vào đầu, ông T dùng dao chém lại H1 thì C dùng tay, chân và hung khí là 01 cái chày kim loại, cùng với Nguyễn Văn Đ, Phạm Bá H dùng tay, chân đánh ông T, gây thương tích cho ông T với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 49%. Trong đó, 2% thương tích ở vùng đầu được xác định do H1 gây ra. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS là có căn cứ, bảo đảm đúng người, đúng tội.

[3] Xét kháng cáo của các bị cáo, Hội đồng xét xử nhận thấy:

Thứ nhất, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm: Lời khai của các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác trong quá trình điều tra vụ án và lời khai của các bị cáo tại phiên toà thể hiện: Sau khi xảy ra xô xát giữa ông T với H1 và C tại bàn nhậu, ông T bị C tát vào mặt làm ông T ngã xuống đất rồi đứng dậy ra về. Sau khi về, vì bức xúc bị C đánh, ông T mang theo con dao bầu bằng kim loại dài 41cm, mũi dao tày, bản rộng 7cm dấu sau lưng, đi sang quán nhà anh Q và đứng trước quán thách thức, chửi H1, C và những người cùng nhậu. Nê H1 đã cầm ghế gỗ ở quán đi đến chỗ ông T và dùng hai tay cầm ghế đánh từ trên xuống trúng vào đầu, ghế mắc vào cổ của ông T, ông T dùng dao chém một nhát trúng vào đầu H1, H1 bị thương và ngồi xuống ôm đầu.

Sau khi bị ông T chửi và thấy H1 đánh ông T thì C, Đ và H lần lượt ra đánh tới tấp vào vùng mặt và người ông T, lúc đầu C dùng tay tát ông T, sau đó C dùng chày bằng kim loại đánh ông T, Đ và H cũng dùng tay đánh và tát ông T, H còn dùng cùi chỏ tay chỏ vào mặt ông T. Hành vi của các bị cáo đã gây thương tích cho ông T tỷ lệ tổn thương cơ thể là 49%. Trong đó, vết thương để lại sẹo chéo vùng trán, trên chân tóc của ông T tỷ lệ 2%, vật tác động là vật tày có cạnh. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đều thừa nhận, nếu H1 không đánh ông T thì các bị cáo cũng không thực hiện hành vi đánh ông T.

Nhận thấy, khi ông T từ nhà mang theo con dao sang quán nhà anh Q đứng chửi H1 và những người cùng nhậu với H1 và C, H1 là người xông ra đánh ông T đầu tiên, sau đó các bị cáo còn lại chạy ra tiếp tục đánh ông T. Như vậy, khi đánh ông T, các bị cáo đã tiếp nhận ý chí của H1, đây là trường hợp đồng phạm giản đơn, không nhất thiết phải có sự bàn bạc thống nhất ý chí từ trước, hoặc H1 phải dùng lời nói, hay hành động để rủ rê đồng bọn đánh ông T mới đồng phạm. Mặt khác, quá trình điều tra vụ án và tại phiên tòa bị cáo Đ khai: Sau khi bị ông T chém, anh H1 có nói: “nó chém tao chảy máu rồi đập nó đi”, nhưng chưa được cấp sơ thẩm làm rõ. Tuy nhiên, Bản án sơ thẩm nhận định trước khi H1 dùng ghế gỗ đánh vào đầu ông T, thì giữa H1, C, H và Đ không có sự bàn bạc, thống nhất trước với nhau. H1 không lôi kéo kích động, hay gọi người khác đánh ông T. Do đó, H1 chỉ chịu trách nhiệm đối với thương tích 2% đã gây ra cho ông T. Quá trình điều tra ông T rút yêu cầu khởi tố H1. Do đó không xử lý hình sự đối với H1 theo khoản 8 Điều 157 BLTTHS, là chưa có căn cứ vững chắc, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Về tình tiết liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo:

Tại bút lục 233 đến 236 ông T khai: “… C có rót rượu và mời tôi uống, nhưng tôi đã từ chối và nói tôi uống rượu lạ thì hay bị đau đầu nên không uống. Sau đó H1 đã chửi “địt mẹ mày” và sử dụng tay đấm một phát vào mắt phải tôi, tôi choáng váng quay qua thì thấy anh C sử dụng tay đấm vào mặt tôi… tôi ngã xuống nên nhà, tôi lấy hai tay của mình để ôm đầu. Tôi không biết bị khoảng bao nhiêu người đánh, tôi chỉ biết mình bị đấm đá liên tục vào mặt và vào người. Sau đó tôi thấy anh C dùng cái chày bằng kim loại… đánh một cái vào mặt của tôi… và tiếp tục đánh một cái vào miệng của tôi…tôi ôm miệng đứng dậy đi về nhà và lấy 01 con dao …tay trái tôi cầm dao, tay phải ôm miệng đi qua quán nhà anh Q… tôi nói thằng nào đánh tao ra mà đánh, tôi thấy ông H1 chạy từ trong quán ra hai tay cầm một ghế gỗ lao về phía tôi dơ ghế lên và đập vào đầu tôi”….

Tại các bút lục số 237 đến 240 ông T khai như diễn biến sự việc các bị cáo trình bày.

Quá trình điều tra vụ án và tại phiên toà, bị cáo Đ và H khai các bị cáo không đánh vào vùng mắt ông T, không biết vết thương ở mắt của bị hại do ai gây ra. Tại bút lục số 136 bị cáo C khai: “bị cáo dùng một cái chày đập một phát vào quai hàm ông T và bay chày ra…, tôi còn đá mấy cái nữa vào người anh T…Đ dùng tay chân đánh anh T túi bụi vào người, H dùng củi chỏ tay phải giã vào đầu và mặt anh T”. Tại bút lục số 138 bị cáo C khai: “H dùng cùi chỏ tay phải giã vào mặt và mắt anh T…”. Bút lục 142 C khai: “…tôi cầm chiếc chày lên và dùng tay phải của mình ném chiếc chày trúng vào mặt ông T”. Bút lục 146 bị cáo C khai “… tôi bức xúc lao vào và dùng chày đập liên tiếp vào mặt ông T”. Bút lục 149 C khai: “dùng chày đánh một phát vào mồm ông T”. Bút lục 153 bị cáo C khai “… tôi dùng chày đập liên tiếp 3-4 cái vào vùng vai và tay ông T, trong đó có một cái trúng cằm ông T”. Tại phiên toà bị cáo C khai bị cáo dùng chày đập một phát vào mồm ông T và đập ba, bốn phát vào vai của ông T, bị cáo không dùng chày đánh vào vùng mắt ông T. Do đó, bị cáo không thừa nhận vết thương ở vùng mắt do bị cáo gây ra như bản án sơ thẩm nhận định.

Tại kết luận giám định số 297/TgT-TTPY ngày 12/3/2020 của Trung tâm pháp y tỉnh Đăk Lăk đã kết luận: … “Tổn thương mù mắt trái do vật tày tác động trực tiếp gây nên”. Tại kết luận giám định số 749/TgT-TTPY ngày 17/7/2020 của Trung tâm pháp y tỉnh Đăk Lăk đã kết luận: “Cái chày bằng kim loại màu trắng bạc…có khả năng gây ra tổn thương mù mắt trái”. Tại bút lục số 233 đến 236 bị hại khai ông H1 dùng tay đấm vào mắt phải bị hại, bị cáo H dùng cùi chỏ đánh vào mặt bị hại; Đ, H dùng tay đánh nhiều cái vào mặt bị hại. Theo kết luận giám định thì vật tác động gây vết thương ở mắt trái của bị hại là vật tày. Như vậy, cái chày bằng kim loại là vật tày hay vật tày cứng, việc dùng tay đấm, dùng cùi chỏ tay chỏ vào mặt bị hại có phải là vật tày không? có khả năng gây ra vết thương vùng mắt trái của bị hại không? Ngoài ra cấp sơ thẩm chưa điều tra, đối chất làm rõ H1 có dùng tay đấm vào mắt ông T không? Nếu có thì đấm vào mắt nào của ông T? Vết thương ở vùng mắt trái của bị hại do ai trực tiếp gây ra? để làm căn cứ đánh giá vai trò của từng bị cáo và làm căn cứ quyết định hình phạt đối với các bị cáo.

Tại kết luận điều tra (Bút lục số 286) và tại cáo trạng (Bút lục số 294) có ghi: “C dùng tay chân đấm, đá nhiều cái vào người ông T”; có đoạn ghi “C dùng chày bằng kim loại đánh vào vùng miệng và vào vai của ông T”. Tại Bản án sơ thẩm (Bút lục số 347) nhận định “Phạm Văn C sử dụng hung khí cùng với Phạm Bá H và Nguyễn Văn Đ đánh gây thương tích cho ông Ngô Văn T”.

Như vậy, cơ quan tiến hành tố tụng chưa làm rõ vết thương gây mù mắt trái của bị hại do ai gây ra. Có mâu thuẫn trong lời khai của bị hại, bị cáo và anh H1 về diễn biến sự việc, về vết thương mù mắt trái do các bị cáo đã gây ra cho bị hại, nhưng chưa được cấp sơ thẩm điều tra, đối chất làm rõ mà xác định vết thương tại vùng mắt trái của bị hại do bị cáo C gây ra là chưa đủ căn cứ.

Mặt khác, cấp sơ thẩm xác định Phạm Văn H1 không đồng phạm với các bị cáo C, H và Đ trong vụ án, song lại tính tỷ lệ thương tích của bị hại 49% là do các bị cáo gây ra, bao gồm cả vết thương ở vùng trán của bị hại tỷ lệ 2% được xác định là do H1 gây ra, là không phù hợp.

Từ những phân tích và nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy cấp sơ thẩm điều tra chưa đầy đủ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Do đó, cần hủy toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2020/HS-ST ngày 30/9/2020, của Tòa án nhân dân huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk, giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân huyện M’Đrắk để điều tra, xét xử lại vụ án theo thủ tục chung.

Do hủy toàn bộ bản án sơ thẩm nên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo, HĐXX phúc thẩm không đặt ra để xem xét mà được cấp sơ thẩm xem xét khi xét xử lại vụ án.

[4] Về án phí hình sự phúc thẩm: Do hủy bản án sơ thẩm nên các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355, điểm a khoản 1 Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự, Huỷ toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 27/2020/HS-ST ngày 30/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk, giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân huyện M’Đrắk để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.

[2] Về án phí: Các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

281
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 23/2021/HS-PT ngày 28/01/2021 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:23/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 28/01/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;