Bản án 23/2021/DS-PT ngày 19/04/2021 về tranh chấp thừa kế tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 23/2021/DS-PT NGÀY 19/04/2021 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 19 tháng 4 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 93/2020/TLPT-DS ngày 23 tháng 11 năm 2020 về tranh chấp về thừa kế tài sản.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2020/DS-ST ngày 30/09/2020 của Toà án nhân dân quận Đ, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 63/2020/QĐ-PT ngày 22 tháng 01 năm 2021 và Thông báo thay đổi thời gian mở phiên tòa số 644/2021/QĐ-PT ngày 31 tháng 3 năm 2021 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Lương Tiến V, sinh năm 1939; nơi cư trú: Số X Đường L, phường V (nay là phường H), quận Đ, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Bích L và bà Nguyễn Thị Thu T - Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Hải Phòng; đều có mặt.

- Bị đơn: Ông Lương Tiến V1, sinh năm 1947; nơi đăng ký thường trú: Số Y Đường L, phường N1, quận Đ, thành phố Hải Phòng; nơi ở hiện tại: Ngõ 127 Đường L, tổ dân phố H, phường V (nay là phường H), quận Đ, thành phố Hải Phòng; có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Đức Ch – Luật sư Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hải Phòng thuộc đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Chị Phạm Thị C, sinh năm 1961; anh Lương Tiến B, sinh năm 1984 và anh Lương Tiến Đ, sinh năm 1986; cùng cư trú: Số 62/30, Đường TL 13, Khu phố 1, phường T, Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh; đều vắng mặt.

2. Bà Lưu Thị Th, sinh năm 1939; nơi cư trú: Số X Đường L, phường H, quận Đ, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

3. Bà Trần Thị L, sinh năm 1940; nơi cư trú: Tổ dân phố C, phường N1, quận Đ, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

4. Bà Bạch T, sinh năm 1974; nơi cư trú: Số I phường H, Quận L, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

5. Ông Nguyễn Đức T, sinh năm 1958 và bà Lê Thị H, sinh năm 1962; nơi cư trú: Số X1, đường L, Phường L, Quận N2, thành phố Hải Phòng; đều vắng mặt.

6. Chị Lương Thị Hương Tr, sinh năm 1975; nơi cư trú: Số Q đường H, phường M, quận H, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

7. Chị Lương Thị Ngọc A, sinh năm 1978; nơi cư trú: Số 5/39 tổ 1, phường P, quận K, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

8. Chị Lương Thị Thanh Nh, sinh năm 1979; nơi đăng ký thường trú: Số Y Đường L, phường N1, quận Đ, thành phố Hải Phòng; nơi ở hiện nay: Trường trung học cơ sở P, thành phố U, tỉnh Quảng Ninh; vắng mặt.

9. Anh Lương Tiến Ngh, sinh năm 1981; nơi cư trú: Ngõ 127 Đường L, tổ dân phố H, phường H, quận Đ, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

10. Anh Lương Tiến Q, sinh năm 1983; nơi cư trú: Ngõ 127 Đường L, tổ dân phố H, phường H, quận Đ, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

- Người kháng cáo: Ông Lương Tiến V1 là bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

m tắt nội dung vụ án: Cụ Lương Tiến Nh1 (sinh năm 1905, chết năm 1983) và cụ Lương Thị T1 (sinh năm 1910, chết năm 1995) sinh được 03 người con chung là ông Lương Tiến V, ông Lương Tiến V1 và ông Lương Tiến B (sinh năm 1951, chết năm 1963, không có vợ, con). Hai cụ không có con nuôi, con riêng và khi chết hai cụ không để lại di chúc. Ông V1 có vợ là Hoàng Thị H1 (sinh năm 1954 - chết năm 2017) và các con Lương Thị Hương Tr, Lương Thị Ngọc A, Lương Thị Thanh Nh, Lương Tiến Ngh, Lương Tiến Q. Theo sổ mục kê năm 1990 của Uỷ ban nhân dân phường N1 ghi nhận thửa đất số 70 và 71, tờ bản đồ số 29, có tổng diện tích là 431 m2. Theo bản đồ trích đo hiện trạng sử dụng đất ngày 12-7-2017 của Uỷ ban nhân dân phường N1 thì diện tích đất trên thuộc thửa đất số 01, tờ bản đồ số 63, có diện tích là 322,4 m2 đất hiện do Ông V1 quản lý. Theo nguyên đơn trình bày thửa đất trên, là di sản thừa kế của cụ Nh1 và cụ T1. Theo bị đơn trình bày, ngoài diện tích đất trên thì di sản thừa kế của cha mẹ để lại còn có các thửa đất số 116, 117, 120, 122; tờ bản đồ số 29-NX; địa chỉ tại tổ C, phường N1, quận Đ, thành phố Hải Phòng. Còn, đối với diện tích đất 322m2 là diện tích đất bị đơn được cha mẹ cho từ năm 1973, nay theo Sổ mục kê năm 2017 là thửa 01, TBĐ 63, diện tích 322,4m2, bị đơn đã sử dụng ổn định trong nhiều năm và đã có tên trong Sổ mục kê của phường, bị đơn đóng thuế sử dụng đất hàng năm.

Nay, nguyên đơn yêu cầu: được chia diện tích 100m2 từ diện tích 322,4m2 đất là di sản thừa kế của cha mẹ để lại.

Bị đơn trình bày có yêu cầu phản tố, nội dung: Đề nghị chia di sản thừa kế đối với hai thửa đất số 120,122; tờ bản đồ số 29-NX.

Với nội dung như trên, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2020/DS-ST ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Toà án nhân dân quận Đ, thành phố Hải Phòng đã căn cứ vào khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 157 và khoản 1 Điều 165, khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228, Điều 271 và khoản 1 Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Căn cứ vào Điều 3, Điều 4, khoản 1 Điều 24, khoản 1, 2 Điều 25, khoản 4 Điều 36 của Pháp lệnh về thừa kế năm 1990; Căn cứ vào Điều 612, 613, 616, 618, 623, 649, 650, 651, 658, 660 của Bộ luật Dân sự; Căn cứ vào Án lệ số Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án, tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông Lương Tiến V về việc chia di sản thừa kế của cụ Lương Tiến Nh1 và cụ Lương Thị T1 đối với quyền sử dụng diện tích 322,4m2 đất, thửa số 01, tờ bản đồ số 63 (trước là thửa đất số 70 và một phần thửa số 71, tờ bản đồ số 29-NX); địa chỉ tại tổ dân phố C, phường N1, quận Đ, thành phố Hải Phòng theo pháp luật.

1.1. Chia cho ông Lương Tiến V1 quyền quản lý, sử dụng diện tích 222,4m2 đất (vị trí, kích thước, mốc giới có sơ đồ kèm theo).

1.2. Chia cho ông Lương Tiến V quyền quản lý, sử dụng diện tích 100m2 đất (vị trí, kích thước, mốc giới có sơ đồ kèm theo).

2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn là ông Lương Tiến V1 về việc chia di sản thừa kế của cụ Lương Tiến Nh1 và cụ Lương Thị T1 đối với quyền sử dụng 02 thửa đất số 120 và 122, tờ bản đồ số 29-NX; địa chỉ tại tổ dân phố C, phường N1, quận Đ, thành phố Hải Phòng.

3. Các đương sự có quyền và nghĩa vụ liên hệ với Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định pháp luật.

4. Về chi phí tố tụng: Ông V1 phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 18.366.000 (Mười tám triệu ba trăm sáu mươi sáu nghìn) đồng. Ông V1 đã nộp 10.000.000 đồng nên Ông V1 còn phải nộp tiếp số tiền còn thiếu là 8.366.000 đồng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí; tuyên quyền kháng cáo, quyền yêu cầu thi hành án đối với các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 13/10/2020 ông Lương Tiến V1 kháng cáo, đề nghị hủy bản án sơ thẩm vì phải đợi UBND phường N1 giải quyết đơn khiếu nại và bị đơn thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính nếu việc giải quyết khiếu nại không thỏa mãn. Yêu cầu Tòa án sơ thẩm xem xét lại việc chia thừa kế theo hướng không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày việc nguyên đơn yêu cầu chia di sản thừa kế là đúng. Bởi nguồn gốc di sản thừa kế diện tích 322,4 m2 là của các cụ, Ông V1 cho rằng Ông V1 được bố mẹ cho nhưng không đưa ra tài liệu chứng cứ. Đối với yêu cầu phản tố đòi chia thửa đất 120, 122 thì căn cứ Án lệ số 24, xác định đây không phải là di sản thừa kế. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Bị đơn rút một phần nội dung yêu cầu kháng cáo và trình bày: Bị đơn rút nội dung đề nghị hủy bản án sơ thẩm vì phải chờ kết quả giải quyết khiếu nại kết luận của Ủy ban nhân dân phường vì Ủy ban nhân dân phường giải quyết không đúng. Bị đơn rút nội dung này vì bị đơn cho rằng báo cáo của Ủy ban nhân dân phường không phải là văn bản giải quyết tranh chấp, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thuộc Tòa án nhân dân. Bị đơn giữ nguyên nội dung kháng cáo về việc không đồng ý với bản án sơ thẩm vì diện tích đất 322,4m2 có nguồn gốc của cha mẹ bị đơn nhưng cha mẹ bị đơn đã cho bị đơn từ lâu, bị đơn sử dụng ổn định, có tên trong sổ quản lý đất đai của địa phương và đóng thuế sử dụng đất hàng năm.

Ngưi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm theo hướng không xác nhận diện tích 322,4 m2 là không phải là di sản thừa kế, trường hợp chia di sản thừa kế thì phải chia cả 03 thửa đất.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến: Về thủ tục tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Các đương sự đã chấp hành và thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của đương sự quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự. Quan điểm của Kiểm sát viên đối với kháng cáo: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm theo hướng phần của cụ T1 đã cho Ông V1 nên ông Viên chỉ được hưởng 53,7m2 đất chứ không phải 100m2 đất như cấp sơ thẩm đã chia.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về quan hệ tranh chấp, thẩm quyền: Đây là tranh chấp về thừa kế tài sản, bị đơn có nơi cư trú tại quận Đ, thành phố Hải Phòng nên căn cứ khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm b khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân quận Đ, thành phố Hải Phòng xét xử sơ thẩm là đúng thẩm quyền. Do vụ án có kháng cáo nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.

[2] Về thời hiệu khởi kiện: Thời điểm mở thừa kế đối với tài sản của cụ Lương Tiến Nh1 là năm 1983 và cụ Lương Thị T1 là năm 1995. Ngày 17/11/2017 ông Lương Tiến V có đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế. Theo Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP, ngày 30/6/2016 về hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng Dân sự và Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính thì từ ngày 01/01/2017 Tòa án áp dụng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 và luật khác có liên quan về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu để thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự. Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Đối với trường hợp mở thừa kế trước ngày 10/9/1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: Thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10/9/1990. Như vậy vụ án còn thời hiệu khởi kiện.

[3] Về di sản thừa kế: Đối với thửa đất số 120, 122 được cụ Nh1 và cụ T1 sử dụng từ trước năm 1974. Khoảng năm 1983, anh Mạnh (là cháu nội của hai cụ) và vợ là chị Cương sử dụng, xây dựng công trình nhà ở. Đến khoảng năm 1987, anh Mạnh chuyển nhượng qua nhiều chủ (anh Mạnh chuyển nhượng cho ông Như; ông Như chuyển nhượng cho bà Thực; bà Thực chuyển nhượng cho ông Phương Dung; ông Phương Dung chuyển nhượng cho ông Kế (ông Kế mua hộ bà Lợi, ông Kế là con rể bà Lợi) bà Lợi sử dụng từ năm 1990. Năm 2003, bà Lợi chuyển nhượng diện tích 168,48 m2 đt cho ông Quân, sau đó ông Quân chuyển nhượng diện tích đất này cho ông Thường và bà Hoàn. Năm 2014, bà Lợi chuyển nhượng diện tích 180,8m2 đất cho bà Bạch T. Diện tích đất của ông Thường, bà Hoàn và bà Bạch T đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Diện tích còn lại 139,7m2 đất bà Lợi đang sử dụng và chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông V1 thừa nhận biết việc anh Mạnh, chị Cương sử dụng 02 thửa đất số 120, 122 từ năm 1983. Lý do ông không có ý kiến gì vì anh Mạnh, chị Cương là con cháu trong gia đình nên việc anh chị ở trên đất của ông bà nội cũng là bình thường, hợp đạo lý. Như vậy, theo hướng dẫn tại Án lệ số 24/2018/AL ngày 17-10-2018, xét thấy: Diện tích hai thửa đất số 120 và 122 là tài sản chung của cụ Nh1 và cụ T1. Sau khi cụ Nh1 chết, cụ T1 đã cho anh Mạnh, chị Cương sử dụng hai thửa đất này, lúc đó Ông V1 đang ở cùng cụ T1 cũng như ông Viên biết việc cho này nhưng thống nhất và không có ý kiến gì; việc anh Mạnh, chị Cương sau đó làm nhà ở ổn định và đã bán hai thửa đất này cho người khác nhưng cụ T1 lúc đó còn sống và ông Viên, Ông V1 đều biết, đồng ý và không có ý kiến gì. Chính quyền địa phương đã điều chỉnh sơ đồ hiện trạng thửa đất, các hộ gia đình đều có diện tích đất cụ thể, ranh giới, mốc giới rõ ràng, bà Bạch T và hộ gia đình ông Thường đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định quyền sử dụng 02 thửa đất số 120, 122 đã chuyển thành quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của các cá nhân, không còn là di sản thừa kế của cụ Nh1 và cụ T1 nên việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định Ông V1 không có quyền yêu cầu chia thừa kế đối với phần tài sản này là có cơ sở. Đối với diện tích 322,4m2 đt, thửa số 01, tờ bản đồ số 63 có nguồn gốc là tài sản của cụ Nh1 và cụ T1. Tại phiên tòa phúc thẩm, Ông V1 khẳng định toàn bộ diện tích đất trên có nguồn gốc của cha mẹ để lại, để lại như thế nào hiện nay khuôn viên vẫn như thế, Ông V1 không tôn tạo mở rộng thêm; giáp ranh liền kề các hộ gia đình khác đã có công trình hoặc tường bao và sử dụng ổn định, không có tranh chấp. Xét thấy, vợ chồng Ông V1 đã ở trên thửa đất này nhiều năm trước khi hai cụ chết sau khi cụ Nh1 chết, cụ T1 ăn ở sinh sống với Ông V1, bản đồ đo đạc năm 1990 cũng ghi tên Ông V1 là người sử dụng đất, Ông V1 cũng là người nộp thuế sử dụng đất hàng năm nên mặc dù không có tài liệu về việc cụ T1 cho Ông V1 toàn bộ diện tích đất này. Cũng như việc cụ Nh1, cụ T1 cho con của ông Viên diện tích đất tại các thửa 120, 122 không có giấy tờ gì nhưng căn cứ thực tế sử dụng đất để đảm bảo tính hợp tình, hợp lý đảm bảo quyền lợi của các đương sự đặc biệt là người trực tiếp quản lý, sử dụng đất xác định: Cụ T1 ở với Ông V1, Ông V1 tôn tạo sử dụng đất, có tên trong sổ quản lý đất, khi đó cụ T1 còn sống, ông Viên cũng không có ý kiến gì nên phần diện tích đất là di sản của cụ T1 đã phân định cho Ông V1. Khi cụ Nh1 chết, phần diện tích đất của cụ Nh1 được chia làm 3 phần (cho cụ T1, ông Viên, Ông V1), mỗi phần là 53,7 m2. Như vậy phần cụ T1 là 161,2 m2 + 53,7 m2 = 214,9 m2. Khi cụ T1 chết, phần di sản của cụ T1 đã được phân định cho Ông V1. Phần di sản của cụ Nh1 là 107,5m2.

[4] Về trị giá di sản thừa kế: Tại Biên bản định giá tài sản ngày 11-10- 2018 của Hội đồng định giá tài sản kết luận, giá trị quyền sử dụng thửa số 01, tờ bản đồ số 63 là 322,4 m2 x 4.200.000đ/m2 = 1.354.080.000 đồng. Tại Biên bản định giá tài sản ngày 25-8-2020 của Hội đồng định giá tài sản kết luận: Giá trị quyền sử dụng thửa số 122, tờ bản đồ số 29-NX là 180,8m2 x 2.500.000đ/m2 = 452.000.000 đồng; giá trị quyền sử dụng một phần thửa đất số 120 và 122 (nay là thửa đất số 95 thuộc tờ bản đồ số 62), tờ bản đồ số 29-NX là 139,7m2 x 6.000.000đ/m2 = 838.200.000 đồng; giá trị quyền sử dụng đất (chủ sử dụng đất là ông Nguyễn Đức T và bà Lê Thị H) là 168,48m2 x 2.500.000đ/m2 = 421.200.000 đồng. Tài sản trên đất bao gồm nhà và các công trình vật kiến trúc kèm theo gồm 55 mục được đánh số thứ tự từ 1 đến 55 (có bảng tổng hợp vật kiến trúc kèm theo) có giá trị là 465.873.000 đồng, sau khi đã tính khấu hao tài sản. 01 ngôi nhà cấp 4, ba gian và 01 bể nước nằm trên diện tích đất 322,4m2 (thửa số 01, tờ bản đồ số 63) xây dựng năm 1978, hiện đã cũ nát, không còn giá trị sử dụng và ông Viên cũng không yêu cầu chia phần tài sản này nên Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét, giải quyết. Như vậy phần di sản thừa kế là 107,5 m2 x 4.200.000 đồng/01m2 = 451.500.000 đồng.

[5] Về công sức đóng góp, duy trì, tu bổ, tôn tạo di sản thừa kế: Ông V1 trình bày, quá trình ở trên đất của cụ Nh1 và cụ T1, gia đình Ông V1 đã 03 lần đổ đất, nâng nền; 02 lần đầu do hai cụ và vợ chồng ông thực hiện để phục vụ cuộc sống của gia đình, giá trị của việc nâng nền cũng không đáng kể nên ông không yêu cầu tính toán công sức của vợ chồng ông đối với hai lần đổ đất, nâng nền này. Lần 3 là vào năm 2012, vợ chồng ông và các con của ông đã tiền hành đổ đất, nâng toàn bộ mặt bằng diện tích 322,4m2 đt như hiện nay; các con ông đã đóng góp toàn bộ chi phí và công sức cho việc đổ đất, nâng nền này. Tòa án đã có văn bản yêu cầu Ông V1 và các con của ông cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh đã đổ đất, nâng nền thửa đất trên nhưng Ông V1 và các con của ông không cung cấp nên Tòa án cấp sơ thẩm không có cơ sở để xem xét. Do vợ chồng Ông V1 ở với cụ Nh1 và cụ T1 từ năm 1973, lúc đó ông Viên đã xây dựng gia đình ra ở riêng, hai cụ đã lớn tuổi và sau này khi hai cụ chết, vợ chồng Ông V1 ở trông coi, giữ gìn khối di sản và làm nghĩa vụ với Nhà nước. Như vậy, từ thời điểm Ông V1 đi bộ đội về ở trên đất từ năm 1973 Ông V1 quản lý, trông coi; Ông V1 đã được hưởng phần di sản của cụ T1 phân định cũng được tính là bao gồm cả phần công sức của Ông V1. Do đó, phần còn lại là di sản của cụ Nh1 là 107,5m2 được phân chia cho ông Viên và Ông V1 mà không tính thêm phần công sức của Ông V1 trong phần diện tích đất này.

[6] Về nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại: Đến thời điểm mà Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành xét xử vụ án không có yêu cầu người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản của cụ Nh1 và cụ T1.

[7] Về người thừa kế và phân chia di sản: Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự những người được hưởng thừa kế theo pháp luật trong trường hợp này gồm ông Viên và Ông V1. Phần di sản của cụ Nh1 có trị giá là 451.500.000 đồng, nay được chia đều cho ông Viên và Ông V1 thành 02 phần, mỗi phần được hưởng trị giá là 225.750.000 đồng tương đương mỗi người được 53,75 m2 đất. Ông Viên đề nghị nhận hiện vật. Vì vậy, căn cứ các Điều 609, 613, 623, 649, 650, 651, 658, 660 của Bộ luật Dân sự chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ông Viên được chia 53,75m2 đất; giao cho Ông V1 sử dụng phần diện tích đất còn lại (có sơ đồ kèm theo).

[8] Do đó, từ các phân tích trên, có căn cư đê châp nhân một phần yêu câu kháng cáo của bị đơn, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sửa phần nội dung này của bản án sơ thẩm.

[9] Về án phí dân sự sơ thẩm: Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án thì nguyên đơn và bị đơn là người trên 60 tuổi, có đề nghị miễn án phí nên được miễn nộp toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm.

[10] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm nên bị đơn không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

[11] Về chi phí tố tụng: Đối với chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là diện tích 322,4m2 đất, ông Viên đã tự nguyện nộp đủ và không yêu cầu Tòa án giải quyết vì vậy Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét. Đối với chi phí xem xét thẩm định, định giá tài sản: Căn cứ khoản 1 Điều 157 của Bộ luật Tố tụng dân sự, yêu cầu phản tố của Ông V1 không được chấp nhận, nên Ông V1 phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản. Tại Bảng tổng hợp chi phí định giá 02 thửa đất số 120, 122, tờ bản đồ số 29-NX ngày 25-8-2020 của Hội đồng định giá tài sản, Ông V1 phải nộp chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 18.366.000 đồng; Ông V1 đã nộp tạm ứng là 10.000.000 đồng, nên còn phải nộp tiếp số tiền 8.366.000 đồng cho Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng dân sự quận Đ, thành phố Hải Phòng.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 147, khoản 2 Điều 148, khoản 1 Điều 157 và khoản 1 Điều 165, khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228, Điều 271 và khoản 1 Điều 273, khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ vào Điều 3, Điều 4, khoản 1 Điều 24, khoản 1, 2 Điều 25, khoản 4 Điều 36 của Pháp lệnh về thừa kế năm 1990;

Căn cứ vào Điều 609, 612, 613, 616, 618, 623, 649, 650, 651, 658, 660 của Bộ luật Dân sự;

Căn cứ vào Án lệ số 24/2018/AL được lựa chọn từ Quyết định giám đốc thẩm số 27/2015/DS-GĐT ngày 16-10-2015, được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17-10-2018;

Căn cứ vào Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án, xử:

Châp nhân một phần kháng cáo của ông Lương Tiến V1.

Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2020/DS-ST ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Toà án nhân dân quận Đ, thành phố Hải Phòng, 1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông Lương Tiến V về việc chia di sản thừa kế của cụ Lương Tiến Nh1 và cụ Lương Thị T1 đối với quyền sử dụng diện tích 322,4m2 đất, thửa số 01, tờ bản đồ số 63 (trước là thửa đất số 70 và một phần thửa số 71, tờ bản đồ số 29-NX); địa chỉ tại tổ dân phố C, phường N1, quận Đ, thành phố Hải Phòng theo pháp luật.

Phân chia di sản thừa kế của cụ Lương Tiến Nh1 là diện tích đất 107,5 m2 nằm trong thửa số 01, tờ bản đồ số 63 (trước là thửa đất số 70 và một phần thửa số 71, tờ bản đồ số 29-NX); địa chỉ tại tổ dân phố C, phường N1, quận Đ, thành phố Hải Phòng.

1.1 Chia cho ông Lương Tiến V được quyền sử dụng diện tích đất 53,75 m2 trong thửa số 01, tờ bản đồ số 63 (trước là thửa đất số 70 và một phần thửa số 71, tờ bản đồ số 29-NX); địa chỉ tại tổ dân phố C, phường N1, quận Đ, thành phố Hải Phòng, với các mốc giới: Mốc 4-6-7-2-3-4 (vị trí, kích thước, mốc giới có sơ đồ kèm theo).

1.2 Chia cho ông Lương Tiến V1 được quyền sử dụng diện tích đất 268,65 m2 trong thửa số 01, tờ bản đồ số 63 (trước là thửa đất số 70 và một phần thửa số 71, tờ bản đồ số 29-NX); địa chỉ tại tổ dân phố C, phường N1, quận Đ, thành phố Hải Phòng, với các mốc giới: Mốc 1-7-6-5 (vị trí, kích thước, mốc giới có sơ đồ kèm theo).

2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn là ông Lương Tiến V1 về việc chia di sản thừa kế của cụ Lương Tiến Nh1 và cụ Lương Thị T1 đối với quyền sử dụng 02 thửa đất số 120 và 122, tờ bản đồ số 29-NX; địa chỉ tại tổ dân phố C, phường N1, quận Đ, thành phố Hải Phòng.

Ông Lương Tiến V1, chị Lương Thị Hương Tr, chị Lương Thị Ngọc A, chị Lương Thị Thanh Nh, anh Lương Tiến Ngh, anh Lương Tiến Q là người có nghĩa vụ thi hành án phần phân chia diện tích đất cho ông Lương Tiến V.

3. Về chi phí tố tụng: Ông Lương Tiến V1 phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 18.366.000 đồng. Ông V1 đã nộp 10.000.000 đồng nên Ông V1 còn phải nộp tiếp số tiền còn thiếu là 8.366.000 đồng cho Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng dân sự quận Đ, thành phố Hải Phòng mà Phòng Tài chính kế hoạch quận Đ, thành phố Hải Phòng là Chủ tịch Hội đồng theo Quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá tài sản số 05/2020/QĐ-ĐG ngày 24/6/2020 cuả Tòa án nhân dân quận Đ, thành phố Hải Phòng.

4. Về án phí: Miễn tiền án phí dân sự sơ thẩm cho ông Lương Tiến V và ông Lương Tiến V1. Ông Lương Tiến V1 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

293
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 23/2021/DS-PT ngày 19/04/2021 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:23/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 19/04/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;